Cùng Phượt - Khu danh thắng Tràng An có diện tích trên 6000 ha, thuộc địa phận nhiều xã, phường huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn và Tp Ninh Bình. Đây là nơi du khách có thể thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên mê đắm lòng người và có những phút giây thanh tịnh, thư giãn với không gian văn hóa tâm linh đặc sắc. Được ví như một Vịnh Hạ Long trên cạn, du lịch Tràng An hấp dẫn du khách bởi hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên đa dạng. Tại đây, các bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi hệ thống gần 50 động xuyên thủy nối liền 31 thung ngập nước như một trận đồ bát quái vừa kỳ ảo vừa biến hóa khôn lường. Điều làm nên nét quyến rũ trong các hang động chính là hệ thống nhũ đá tự nhiên cùng dòng nước mát lạnh, men theo những lối mòn hằn sâu trên vách hang, tạo thành những dòng chảy uốn lượn.
Giới thiệu về Tràng An
Bến thuyền Tràng An (Ảnh - bw.futures)Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm.
Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó nhà Trần sử dụng làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến Nguyên Mông. Hiện nay nơi đây còn nhiều di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần.
Liên khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động - cố đô Hoa Lư -rừng đặc dụng Hoa Lư hiện được quy hoạch chung vào Quần thể danh thắng Tràng An, trở thành di sản thế giới kép đầu tiên ở Việt Nam với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất và cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Trung tâm bến thuyền Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư 3 km về hướng Nam, cách thành phố Ninh Bình 7 km theo hướng tây dọc đại lộ Tràng An, cách thành phố Tam Điệp 16 km theo hướng bắc qua Tam Cốc, cách Hà Nội 96 km theo hướng nam. Vùng lõi di sản Tràng An - Tam Cốc có diện tích hơn 6.172 ha, là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong khu rừng đặc dụng Hoa Lư, thuộc quy hoạch bảo tồn cố đô Hoa Lư và cũng thuộc quy hoạch quần thể di sản thế giới Tràng An với diện tích 12.252 ha.
Trong quần thể danh thắng Tràng An, trung tâm cố đô Hoa Lư ở vị trí phía bắc, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động ở vị trí phía nam còn khu du lịch sinh thái Tràng An thì ở vị trí trung tâm. 3 khu vực này được liên kết với nhau bằng khu rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi và hệ thống sông, hồ, đầm.
Lịch sử của Tràng An
Cộng đồng dân cư tiền sử Tràng An định cư trong các hang động hoặc mái đá, phân bố tập trung trong thung lũng đầm lầy núi đá vôi, chịu sự tác động to lớn của biến đổi cảnh quan môi trường do các đợt biển tiến, biển thoái. Cư dân tiền sử nơi đây là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì lâu dài kỹ nghệ ghè đẽo, sớm nảy sinh kỹ thuật cưa, mài; chế tạo và sử dụng phổ biến đồ gốm. Các chứng tích văn hoá khảo cổ tiền sử ở Tràng An phong phú và đa dạng, là nguồn sử liệu vật thật minh chứng cho sự biến đổi đặc biệt về kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng dân cư nơi đây dưới sự tác động thay đổi môi trường núi đá vôi, biến động của khí hậu cổ, của mực nước biển vùng nhiệt đới gió mùa. Đây là các chứng tích điển hình nhất cho cho loại hình cư trú liên tục trong hang động trước, trong và sau biển tiến. Đặc trưng của người Việt cổ ở Tràng An là truyền thống khai thác và sử dụng nhuyễn thể biển và trên cạn, truyền thống săn bắt đa tạp, theo phổ rộng, săn bắt nhiều loài, mỗi loài vật một ít và không dẫn đến huỷ diệt bày đàn động vật đó. Truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá vôi, sự nảy sinh kỹ thuật mài, cưa và kỹ thuật làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầy lầy là nét riêng độc đáo, làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể các di tích khảo cổ ở nơi đây. Có thể nghĩ rằng, hệ thống các di tích khảo cổ tiền sử Tràng An còn chứa đựng sự độc bản hoặc chí ít là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hoá hoặc nền văn minh hiện còn tồn tại hoặc đã mất của nhân loại.
Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư gồm 3 vòng thành liền nhau: thành Đông, thành Tây và thành Nam. Thành Đông nằm ở phía đông, giáp với vùng đồng bằng, là nơi bố trí cung điện nên được gọi là thành ngoại; thành Tây nằm ở bên trong giáp với vùng núi non, là nơi ở của quan lại và khu vực hậu cần nên được gọi là thành nội. Thành Nam rộng hơn, là vùng núi cao hiểm trở để phòng thủ, che chở kinh thành hiện được gọi là Tràng An. Với đặc thù địa hình như vậy, kinh đô Hoa Lư được ví như kinh đô đá với đặc điểm: núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện.
Tương truyền, Vua Đinh Tiên Hoàng muốn khẳng định kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc nên sai Nguyễn Bặc thể hiện câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Danh xưng Tràng An chính thức gắn với cố đô Hoa Lư - Ninh Bình. Hiện nay, Tràng An thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của cố đô Hoa Lư, khu vực này đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của di sản thiên nhiên văn hóa thế giới Tràng An.
Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An trong lòng đất đã dần hé mở ra quyết định lập đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Đó cũng là một căn cứ quan trọng để nhà vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc. Điều này thể hiện bởi sự tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, biến các dãy núi đá vôi làm thành quách để giảm sức người và của. Địa hình Tràng An là cái gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho nhân dân Việt Nam có sự hồi tưởng lại những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội sau đó.
Nên đi du lịch Tràng An vào thời gian nào
Thường khoảng thời gian đẹp nhất để đi Tràng An là vào đầu năm từ tháng 1-3, thời tiết lúc này mát mẻ, không quá nóng. Đây cũng là mùa lễ hội ở chùa Bái Đính nên có thể kết hợp du xuân vãn cảnh chùa. Tuy nhiên, đi vào mùa này lại có một nhược điểm là du khách rất đông, có những thời điểm phải đợi rất lâu mới có đò để đi. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một vài khoảng thời gian như dưới đây để kết hợp du lịch Tràng An và các địa điểm du lịch quanh đó
- Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư (hay còn gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau) diễn ra vào 8-10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
- Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là mùa lúa chín của Ninh Bình.
Hướng dẫn đi tới Tràng An
Đi tới Ninh Bình
Đường bộ
Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, có 9 quốc lộ (trong đó có 6 quốc lộ khởi đầu và 3 quốc lộ đi qua) dàn đều trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên phương tiện thuận lợi nhất để đến với Ninh Bình chính là thông qua hệ thống giao thông đường bộ.
Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Do Tp Ninh Bình cũng nằm ngay sát trên trục QL1A nên ngoài các tuyến xe này, các bạn có thể sử dụng bất cứ một tuyến xe nào khác từ Hà Nội đi vào các tỉnh miền Trung hay miền Nam (hãy lựa chọn các tuyến xe Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… vì các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục)
Xem thêm bài viết: Các tuyến xe khách đi Ninh Bình (Cập nhật 8/2021)
Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm Tp Ninh Bình, từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.
Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL1A cũ qua Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình Thanh Hóa. Chú ý là tránh không đi nhầm sang phía hướng Nam Định - Thái Bình để đỡ vòng vèo.
Đường sắt
Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp - Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.
Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 8/2021)
Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.
Từ Ninh Bình đi Tràng An
Tràng An chỉ cách trung tâm Tp Ninh Bình khoảng 7km (từ bến xe Ninh Bình khoảng 7km, từ ga Ninh Bình khoảng 8km), khá gần nên các bạn có thể thuê xe máy tại Ninh Bình nếu muốn tự đi, nếu không thì đi xe ôm hoặc taxi. Với những bạn đi bằng phương tiện cá nhân từ Hà Nội, khi bắt đầu vào đến trung tâm Tp Ninh Bình các bạn để ý bên tay phải có đường Tràng An, rẽ vào và đi thẳng khoảng vài km là tới.
Đi lại ở Tràng An
Phương tiện đi lại duy nhất ở Tràng An là thuyền, và tất nhiên là bạn cũng không thể tự mang thuyền vào để chèo được. Khi vào cổng, bạn mua vé tham quan là đã bao hồm tiền thuyền ở trong đó. Một thuyền chở 6 người, và nhất định là phải đủ 6 người mới đi. Nếu trong trường hợp nào đó mà bạn muốn đi thuyền riêng, bạn chỉ cần mua đủ 6 vé là được. Trước kia ở đây thuyền chỉ đi theo 1 lộ trình, tuy nhiên kể từ sau khi quay xong bộ phim Kong, một lộ trình thứ 2 đã được đưa thêm vào để du khách có thể lựa chọn.
Tuyến 1: Bến thuyền - Đền Trình - Hang Tối - Hang Sáng - Hang Nấu Rượu - Đền Trần - Hang Ba Giọt - Hang Seo - Hang Sơn Dương - Phủ Khống - Chùa Báo Hiếu - Hang Khống - Hang Trần - Hang Quy Hậu - quay về bến thuyền (thời gian 3,5 tiếng)
Tuyến 2: Bến thuyền - Hang Lấm - Hang Vạng - Hang Thánh Trượt - Đền Suối Tiên - Hang Đại - Hành Cung Vũ Lâm - Phim trường Kong (làng thổ dân) - quay về bến thuyền (thời gian 2,5 tiếng)
Tuyến 3: Bến thuyền - Đền Trình - Hang Mây - Suối Tiên - Hang Địa Linh - Hang Đại - Hành Cung Vũ Lâm - phim trường Kong (làng thổ dân) - quay về bến thuyền (thời gian 3 tiếng)
Lưu trú tại Tràng An
Nghỉ tại thành phố Ninh Bình
Cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 7km, các bạn nên lựa chọn nghỉ tại thành phố Ninh Bình để có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm khách sạn, nhà nghỉ phù hợp. Từ đây, chỉ mất khoảng 15-20 phút di chuyển là tới bến thuyền Tràng An nên không quá bất tiện.
Xem thêm bài viết: Các khách sạn giá tốt ở Tp Ninh Bình (Cập nhật 8/2021)
Homestay ở Tràng An
Nếu không thích di chuyển xa và muốn tận hưởng cuộc sống giữa bốn bề là thiên nhiên tươi đẹp, các bạn có thể cân nhắc việc lựa chọn ở trong một số homestay ngay gần Tràng An, tuy nhiên lại không có quá nhiều lựa chọn để các bạn có thể quyết định.
Xem thêm bài viết: Homestay ở Tràng An, Ninh Bình (Cập nhật 8/2021)
Địa điểm du lịch Tràng An
Các di tích văn hóa
Đền Trình
Đền Trình là nơi thờ 4 công thần nhà Đinh là 2 vị Tả Thanh Trù và 2 vị Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào nhường ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, các ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, nhân dân đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ các ông.
Đền Tứ Trụ
Đền Tứ Trụ nằm cạnh đền Trình, là di tích thờ 4 vị đại thần nhà Đinh gồm Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.
Sách Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng như thơ ca dân gian thường nói đến Tứ trụ “Bặc, Điền, Cơ, Tú” tức là bốn người trụ cột của triều nhà Đinh. Tứ trụ là 4 vị quan thân cận, cùng quê hương và cùng tuổi với Đinh Tiên Hoàng Đế, từng giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Các vị đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ hiện được thờ ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình.
Đền Trần Ninh Bình
Đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần.
Phủ Khống
Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lủng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có hai loại: 1 tròn và 1 dẹt.
Hành cung Vũ Lâm
Hành cung Vũ Lâm nằm sâu trong khu vực rừng núi của Quần thể di sản thế giới Tràng An. Trung tâm hành cung Vũ Lâm thờ vua quan nhà Trần. Dưới triều của nhà Trần có danh thần Trương Hán Siêu, ông gốc là người Ninh Bình, là một danh sĩ nổi tiếng thời Trần, và là môn khách đắc lực của Trần Hưng Đạo. Trương Hán Siêu có tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Trong giai đoạn vua Trần Nhân Tông về vùng đất này để tu hành thì sau đó danh thần Trương Hán Siêu cũng đã lui về ẩn tu và lập am tu tập tại quê hương Ninh Bình. Chính vì vậy mà Trương Hán Siêu cũng được nhân dân thờ tại khu di tích này.
Đền Cao Sơn
Đền Cao Sơn thờ thần Cao Sơn trấn Tây Hoa Lư tứ trấn. Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở Ninh Bình thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay nên còn được gọi là vị thần tây trấn Hoa Lư tứ trấn), con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập nhiều đền thờ
Đền Suối Tiên
Đền Suối Tiên nằm ở thượng nguồn dòng sông Ngô Đồng, thực chất là điểm kéo dài của tuyến du lịch Tam Cốc nhưng lại được kết nối trong tuyến du lịch thứ 2 trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đền thờ thần Quý Minh trấn Nam - Hoa Lư tứ trấn.
Các hang động tiêu biểu ở Tràng An
Hang Địa Linh
[su_youtube_advanced url=”https://www.youtube.com/watch?v=at6xp5_oF_U&t=5s” width=”660″ height=”560″ fs=”no” theme=”light”][/su_youtube_advanced]
Hang Địa Linh- Tràng An dài 1.500m, có chỗ bề ngang chỉ rộng 3m (Video: Phương Nguyễn)
Hang Địa Linh dài khoảng 1500m và là hang đầu tiên trong cuộc hành trình xuất phát từ bến thuyền sông Sào Khê thăm quan tuyến số 1. Hang còn có tên là hang Châu Báu vì khi vào đây du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho báu của những nhũ đá hóa thạch. Ra khỏi cửa hang là một khung cảnh sơn thủy hữu tình của mây trời, núi non và sông nước. Hang dài 260 m với nhiều nhũ đá rủ xuống kì ảo.
Hang Nấu Rượu
Trong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua.
Hang Ba Giọt
Hang Ba Giọt có nhiều nhũ đá với đủ màu sắc xuất hiện. Có loại gọi là cây bụt mọc xuyên từ trần ngược xuống. Điểm đặc biệt là các nhũ đá ở hang Ba Giọt không khô như những hang trước mà ướt đẫm và tiếp tục biến hình, hình thành nên những hình dáng, sắc thái mới…
Hang Sính, Hang Si và Hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trầm mình ở hang Si.
Tương truyền ai đi qua hang Ba Giọt mà đón được ba giọt nước từ nhũ đá nhỏ vào lòng bàn tay sẽ may mắn trong cuộc đời và hạnh phúc trong tình yêu.
Hang Bói
Hang Bói là một di chỉ khảo cổ học có giá trị trong quần thể di sản thế giới Tràng An. Lối vào hang sâu thăm thẳm, rậm rạp với nhiều loài cây mọc ken dày, ánh nắng không thể chiếu xuống đất được nên con đường đầy rêu và thảm lá cây.
Hang Bói được phát hiện năm 2002. Lúc đó lòng hang có nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật và một vài mảnh tước, bằng chứng cho thấy dấu ấn người tiền sử thuộc Văn hóa Hòa Bình sớm cách ngày nay khoảng một vạn năm. Các nhà nghiên cứu thống nhất đặt tên hang Bói vì nó ở trong khu thung Bói gắn với truyền thuyết vua quan nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây.
Phim trường ‘Kong: Skull Island’
Kong: Skull Island là bộ phim bom tấn của Mỹ được bấm máy vào năm 2016 với nhiều cảnh quay tại các danh thắng của Việt Nam như: Quần thể di sản thế giới Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình).
Phim trường làng thổ dân được phục đựng với diện tích khoảng 10 hecta, gồm 36 túp lều chóp nhọn cùng sự tham gia của hơn 50 người đóng vai thổ dân. Đây là mô hình do ban quản lý sinh thái Tràng An và Doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện. Bối cảnh phim trường làng thổ dân trong phim Kong: Skull Island nằm tại khu du lịch Tràng An đã mở cửa cho du khách tham quan từ ngày 15/4/2017.
Ăn gì khi du lịch Tràng An
Cơm cháy Ninh Bình
Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.
Thịt dê núi Ninh Bình
Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.
Ốc núi Ninh Bình
Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.
Cá rô Tổng Trường
Cá rô Tổng Trường là loại cá rô sống ở môi trường hang động ngập nước vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Gọi là cá rô Tổng Trường vì loài cá này được phát hiện thấy ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, nay là quần thể di sản thế giới Tràng An ở huyện Hoa Lư. Cá rô Tổng Trường có thịt rắn, vàng, thơm và có thể chế biến thành nhiều món ăn như: rang, rán, nấu canh chua cá rô hoặc kho khô.
Xem thêm bài viết: Các món ăn ngon ở Ninh Bình (Cập nhật 8/2021)
Một số lịch trình du lịch Tràng An
Tổng hợp một vài lịch trình du lịch Tràng An kết hợp cùng các địa điểm du lịch cùng trong quần thể như Bái Đính, Hoa Lư, Tam Cốc Bích Động để các bạn tham khảo. Tùy thuộc vào thời gian thực tế của mình, các bạn có thể thêm hoặc rút ngắn số ngày để phù hợp.
Hà Nội - Tràng An - Bái Đính - Hoa Lư (1 ngày)
Sáng từ Hà Nội khởi hành đi Ninh Bình, nếu đi theo đường cao tốc thì chỉ chừng hơn 1 tiếng là bạn có mặt ở Tp Ninh Bình. Từ đây bắt đầu đi tới khu du lịch Tràng An.
Khoảng 9h bắt đầu đi khám phá Tràng An bằng thuyền, tùy thuộc lịch trình mà các bạn mất khoảng 2-3 tiếng để khám phá hết nơi này. Sau khi rời Tràng An, đến khu di tích Cố đô Hoa Lư, tham quan khu đền vua Đinh, vua Lê. Nghỉ ngơi ăn trưa tại một nhà hàng nào đó.
Chiều đi thăm chùa Bái Đính, đây là quần thể chùa rất nổi tiếng ở Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác nhận. Kết thúc hành trình các bạn trở lại về Hà Nội.
Hà Nội - Nhà thờ Phát Diệm - Tràng An - Bái Đính (2 ngày 1 đêm)
Ngày 1: Hà Nội - Ninh Bình - Phát Diệm - Động Thiên Hà
Từ Hà Nội khởi hành đi thẳng nhà thờ đá Phát Diệm. Đây là một quần thể nhà thờ công giáo với kiến trúc độc đáo và đặc sắc, được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ trong một thời gian dài từ 1875 đến 1899.
Nghỉ ngơi ăn trưa. Chiều từ Phát Diệm đi tham quan Động Thiên Hà. Tuy động không lớn nhưng do nằm ngay trong dải núi Tướng, vốn là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh thành Hoa Lư thế kỷ 10, nên động Thiên Hà được nhiều du khách tìm đến để hiểu thêm về vùng đất cố đô.
Chiều tối quay lại Tp Ninh Bình, thuê khách sạn tại Tp Ninh Bình để nghỉ ngơi, tối nhớ thưởng thức các đặc sản của Ninh Bình
Ngày 2: Tràng An - Hoa Lư - Bái Đính - Hà Nội
Từ Tp Ninh Bình di chuyển tới khu du lịch Tràng An, chọn 1 trong 2 tuyến khám phá Tràng An để đi. Sau khi kết thúc hành trình ở đây thì tiếp tục đi tới cố đô Hoa Lư thăm đền vua Đinh, vua Lê
Trước khi trở lại Hà Nội, các bạn nhớ ghé thăm chùa Bái Đính, một ngôi chùa mới được xây dựng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập.
Hà Nội - Cúc Phương - Bái Đính - Tràng An - Vân Long (3 ngày 2 đêm)
Ngày 1: Hà Nội - Ninh Bình - Cúc Phương
Sáng khởi hành từ Hà Nội, khoảng 3 tiếng sẽ xuống đến cổng vườn quốc gia Cúc Phương, ăn trưa tại Cúc Phương. Tham quan rừng Cúc Phương, Cây Trò ngàn năm, các địa danh dọc theo chặng đường từ cửa rừng vào trong.
Tối ngủ một đêm tại Cúc Phương
Ngày 2: Cúc Phương - Bái Đính - Hoa Lư - Tràng An
Buổi sáng trả phòng, ăn sáng rồi từ Cúc Phương khởi hành đi chùa Bái Đính, ngôi chùa có quy mô hoành tráng và lớn bậc nhất. Từ Bái Đính tiếp tục di chuyển đi đến cố đô Hoa Lư. Sau khi thăm đền vua Đinh, vua Lê và khám phá cố đô, các bạn nghỉ ngơi ăn trưa rồi tiếp tục di chuyển đến khu du lịch Tràng An. Lựa chọn một trong 2 tuyến di chuyển ở đây, chiều về Tp Ninh Bình Nghỉ Ngơi
Ăn tối và ngủ đêm tại Tp Ninh Bình
Ngày 3: Ninh Bình - Vân Long - Kênh Gà - Hà Nội
Buổi sáng dậy trả phòng, từ Tp Ninh Bình đi đầm Vân Long. Đây cũng là một trong những nơi thực hiện các cảnh quay của Kong : Skull Island. Trưa từ Vân Long về thẳng khu suối nướng nóng Kênh Gà ăn uống, nghỉ ngơi và tắm suối nước nóng.
Chiều khởi hành về Hà Nội.
Tìm trên Google
- kinh nghiệm du lịch Tràng An 2021
- du lịch Tràng An tháng 8
- tháng 8 Tràng An có gì đẹp
- review Tràng An
- hướng dẫn đi Tràng An tự túc
- ăn gì ở Tràng An
- phượt Tràng An bằng xe máy
- Tràng An ở đâu
- đường đi tới Tràng An
- chơi gì ở Tràng An
- đi Tràng An mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Tràng An
- homestay giá rẻ Tràng An
- giá vé tham quan tràng an
- thuê thuyền du lịch tràng an