Bạn đang xem: Vì sao lữ anh dồi bị giết
Chín năm chưa thể truy tố kẻ chủ mưu
Theo cáo trạng của VKS quân sự Quân khu 9, từ trước đó, người ra lệnh cho Thái Văn Hùng bắn ông Lữ Anh Dồi là Trung tá Nguyễn Ngọc (khi đó là phó ty công an, chỉ huy trưởng Công an vũ trang Minh Hải cũ) đã xóa tên ông Dồi trong danh sách đảng viên của cơ quan. Năm ngày sau khi ông Lữ Anh Dồi bị bắn chết, Nguyễn Ngọc đã có báo cáo số 005 rằng ông Lữ Anh Dồi phản quốc, chống cự nên bị tiêu diệt.
Với “công lao” này, Nguyễn Ngọc được thăng cấp thượng tá, sau đó được rút lên Bộ Nội vụ rồi đi học ở nước ngoài. Thái Văn Hùng cũng được thăng hàm từ chuẩn úy lên trung úy.
Giữa năm 1979, chỉ sau khi thăng cấp vài tháng, Thái Văn Hùng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi bắn ông Lữ Anh Dồi. Tuy nhiên, vụ án kéo dài đến gần chín năm sau vẫn chưa thể truy tố vì nhiều lý do, trong đó có liên quan đến vai trò của Nguyễn Ngọc.
Tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án quân sự Quân khu 9 diễn ra vào tháng 8-1988, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã giải thích công khai lý do vì sao vụ án này bị kéo dài.
Theo đó, ban đầu Công an tỉnh Minh Hải cho rằng vụ việc không có dấu hiệu phạm tội nên không điều tra, xác minh. Đến đầu năm 1980, khi lực lượng công an vũ trang chuyển sang Bộ Quốc phòng quản lý, Nguyễn Ngọc ở lại ngành công an, được rút lên Bộ Nội vụ rồi đi học nước ngoài với hàm thượng tá.
Thời điểm này, Phòng Điều tra hình sự Quân khu 9 được Cục Điều tra hình sự (ĐTHS, Bộ Quốc phòng) tăng cường cán bộ để điều tra vụ án. Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương cho khởi tố Nguyễn Ngọc để điều tra vì Nguyễn Ngọc có liên quan, nếu không khởi tố thì vụ án không thể kết thúc được.
Tháng 1-1986, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thông báo ghi rõ: Bộ Quốc phòng giao cho cơ quan pháp lý Quân khu 9 lập hồ sơ hình sự đưa ra xét xử.
Tháng 7-1986, Cục ĐTHS báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho khởi tố Nguyễn Ngọc và được đồng ý. Tháng 8-1986 (bảy năm năm tháng sau khi ông Lữ Anh Dồi bị bắn chết - NV), Phòng ĐTHS Quân khu 9 đã khởi tố Nguyễn Ngọc, có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ và gửi giấy mời Nguyễn Ngọc đến làm việc. Sau đó, Bộ Nội vụ gửi công văn cho Cục ĐTHS thông báo Nguyễn Ngọc đi học nước ngoài đến tháng 1-1987 mới về nên Phòng ĐTHS Quân khu 9 phải chờ đến thời điểm này.
Tháng 3-1987, Phòng ĐTHS Quân khu 9 gửi giấy mời Nguyễn Ngọc lên làm việc lần thứ hai nhưng Nguyễn Ngọc không đến. Lúc này, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ) phúc đáp công văn cho rằng phải chờ báo cáo với Bộ Nội vụ vì Nguyễn Ngọc do Bộ Nội vụ quản lý.
Tháng 7-1987, Tổng cục Cảnh sát nhân dân (lúc này thuộc Bộ Nội vụ) gửi công văn cho cục trưởng Cục ĐTHS thông báo ý kiến của bộ trưởng Bộ Nội vụ với nội dung để Nguyễn Ngọc ở Công an tỉnh Hậu Giang phục vụ cho việc điều tra. Nhưng Phòng ĐTHS Quân khu 9 chờ mãi vẫn không thấy Nguyễn Ngọc tới. Tháng 11-1987, cơ quan này không còn chức năng điều tra nữa nên chuyển hồ sơ cho VKS quân sự Quân khu 9 tiếp tục xử lý.
Di ảnh ông Lữ Anh Dồi và nhiều bài báo, sách viết về vụ án của ông sau khi Tòa án quân sự Quân khu 9 xử sơ thẩm. Ảnh: T.VŨ
Sa lưới
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, tiếp đó tháng 2-1988, bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Lữ Anh Dồi) đã được gặp và trình bày về vụ án với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có chuyến công tác ở Cà Mau. Sau đó khi trở về Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có chỉ thị lập ban chuyên án do cấp trung ương trực tiếp chỉ đạo để làm rõ sự thật.
Tháng 4-1988, VKS quân sự Quân khu 9 nhận được thông báo của Ban Bí thư thành lập ban chỉ đạo giải quyết vụ án. Đến đây, các cơ quan chức năng càng quyết tâm xử lý hành vi phạm tội của Nguyễn Ngọc.
Xem thêm: Hệ Sinh, Cơ Sở Và Tổ Hợp Tuyến Tính Là Gì, Span Tuyến Tính
Đại tá Hồ Minh Tiến (Sáu Sơn, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 9, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng) kể: “Ban chuyên án có các anh như Hai Trường, Bùi Thành Ngôn…, trong đó tôi tham gia với tư cách ủy viên. Khi triển khai công tác điều tra không gặp nhiều trở ngại vì việc dựng lại hiện trường, điều tra, thu thập chứng cứ được Tỉnh ủy Minh Hải ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều. Nhưng cái khó là ở chỗ không lấy lời khai của Nguyễn Ngọc được, trong khi trước đó đã bắt giữ, khai thác được từ Thái Văn Hùng nhiều thông tin và tất cả đều cần phải đối chứng trực tiếp với Nguyễn Ngọc”.
Cũng theo Đại tá Tiến, qua thu thập và điều tra, các chứng cứ trong vụ án đều quy về một mối chủ mưu là Nguyễn Ngọc. Thái Văn Hùng cũng thừa nhận trong bản cung là “Nguyễn Ngọc ra lệnh tôi giết Lữ Anh Dồi”. Sau khi củng cố vững chắc hồ sơ, ban chuyên án mời Nguyễn Ngọc về Cần Thơ với lý do hợp tác làm rõ một số vấn đề có liên quan. “Khi Ngọc xuất hiện làm việc là chúng tôi đọc lệnh bắt tạm giam luôn” - Đại tá Tiến kể.
Công lý tại tòa
Tháng 7-1988, VKS quân sự Quân khu 9 đã ra cáo trạng truy tố Thái Văn Hùng về tội giết người, Nguyễn Ngọc về hai tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vu khống.
Sau đó VKS quân sự Trung ương kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm thay đổi tội giết người thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Ngọc.
Tháng 4-1989, Tòa án quân sự Cấp cao xử phúc thẩm vụ án. Giống như ở phiên tòa sơ thẩm, sau khi thẩm vấn làm rõ các vấn đề, đại diện VKS đọc bản luận tội đã rút lại kháng nghị thay đổi tội danh đối với Nguyễn Ngọc, đồng tình với bản án sơ thẩm là Nguyễn Ngọc phạm tội giết người. HĐXX đã giảm án cho Thái Văn Hùng từ tù chung thân xuống 18 năm tù về tội giết người, phạt Ngọc 20 năm tù về tội giết người (tăng năm năm tù so với bản án sơ thẩm - NV), ba năm về tội vu khống, tổng hợp hình phạt chung là 20 năm tù.
Sau đó viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm nhưng tháng 6-1990, Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã họp giám đốc thẩm, bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm...
Kiểm sát viên bị thuyết phục bởi diễn biến phiên tòa Về báo cáo số 005 của Nguyễn Ngọc vu khống ông Lữ Anh Dồi phản quốc, có tư tưởng thoái hóa biến chất, móc nối câu kết với ngụy quân, ngụy quyền tìm cách lấy vũ khí, phương tiện trốn ra nước ngoài, cáo trạng của VKS quân sự Quân khu 9 xác định đây là sự vu khống trắng trợn với ông Dồi vì 53 người dưới tàu toàn là đàn bà và trẻ em, không có ai là ngụy quân, ngụy quyền... Tại các hồ sơ còn lưu giữ cũng như lời kể của một số người chứng kiến hai phiên tòa sơ, phúc thẩm, sở dĩ các kiểm sát viên thay đổi quan điểm về tội danh của Nguyễn Ngọc là bởi bị thuyết phục trong quá trình thẩm vấn, làm rõ tại các phiên tòa. Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi kiểm sát viên đề nghị kết án Nguyễn Ngọc về tội giết người, hàng ngàn người dân trong và quanh phòng xử (Nhà văn hóa thị xã Cà Mau) đã vỗ tay rần rần. Trước các nhân chứng như Trương Hoàng Danh (người chấp bút viết báo cáo số 005 vu khống ông Lữ Anh Dồi theo chỉ đạo của Nguyễn Ngọc) và gần chục người tận mắt thấy ông Lữ Anh Dồi ngã xuống khi đang cầm điếu thuốc trên tay, Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng không còn lý lẽ nào biện minh rằng ông Lữ Anh Dồi chống đối nên phải tiêu diệt. Cáo trạng của VKS quân sự Quân khu 9 cũng xác định Thái Văn Hùng đã chủ động bắn ông Lữ Anh Dồi khi nạn nhân không có hành động kháng cự nào... “Hy vọng quyền lợi của ông Dồi được bảo đảm” Trong vụ án ông Lữ Anh Dồi, tôi đã tham gia trực tiếp các phiên họp, bảo vệ quan điểm của tòa trước VKS các cấp trong các lần xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Trong tất cả cuộc cọ xát ấy, tòa án các cấp đều khẳng định Nguyễn Ngọc đã vu khống ông Dồi, ra lệnh cho thuộc cấp là Thái Văn Hùng giết hại ông Dồi. Bản án của các cấp tòa cũng yêu cầu phục hồi quyền lợi chính trị cho nạn nhân. Việc làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho ông Dồi là quá chậm trễ. Lần này qua báo, tôi được biết bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã trực tiếp làm việc với vợ ông Dồi. Tới đây có thể phía Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) sẽ làm việc với Tòa án quân sự Trung ương để rút hồ sơ, tìm hiểu bản chất sự việc. Tôi hy vọng quyền lợi của ông Dồi lần này sẽ được bảo đảm, khép lại vụ án từ 37 năm trước. Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao |