Các phương pháp điều trị sẹo rỗ hiệu quả

Or you want a quick look: 1. Phân loại sẹo

Mụn trứng cá là một bệnh lý da rất phổ biến với tỉ lệ mắc phải đến hơn 80% ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tình trạng mụn khi không được điều trị và kiểm soát kịp thời sẽ dễ dàng khiến da mắc phải sẹo rỗ. Sẹo rỗ thường gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da và tâm lý của bệnh nhận, thậm chí làm giảm chất lượng cuộc sống của họ. Vì vậy việc điều trị sẹo rỗ sớm, kịp thời và tích cực là vô cùng cần thiết.

Mức độ thành công trong điều trị sẹo rỗ phụ thuộc rất nhiều vào phương thức điều trị tương ứng với từng loại sẹo. Mặc dù có khá nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ nhưng phác đồ trị sẹo phải được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân tùy thuộc vào hình thái sẹo và mức độ sẹo mà họ có, y học gọi đó là cá thể hóa điều trị. Thông thường phác đồ trị sẹo cần kết hợp một vài phương pháp để đạt được hiệu quả tốt nhất vì sẹo rỗ thường đa hình, tức một bệnh nhân thường đồng thời mắc phải nhiều loại sẹo có hình thái khác nhau. Bài viết sau đây từ BSCKI. Ninh Vũ Hoàng Tuấn tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes sẽ cung cấp cho chúng ta kiến thức về các loại sẹo rỗ, giải phẫu và mô học của từng loại, cùng các phương pháp điều trị sẹo hiện nay cùng hiệu quả của chúng trên các loại sẹo rỗ khác nhau.

1. Phân loại sẹo

Sẹo rỗ được phân thành 3 loại chính: icepick scars (sẹo đáy nhọn), rolling scars (sẹo đáy tròn), boxcar scars (sẹo đáy vuông).

Sẹo đáy nhọn là những sẹo hẹp <2mm, sâu đến lớp bì hoặc mô dưới da, đường kính sẹo thu nhỏ dần từ bề mặt đến đỉnh sâu nhất của sẹo.

Sẹo đáy tròn có bờ sẹo nông và dốc, nền sẹo giống màu da bình thường, đường kính rộng khoảng 4-5mm. Dưới đáy những loại sẹo này thường có những dải xơ gắn chặt lớp bì với lớp dưới da. Vì vậy, việc cắt đứt các dải xơ này để giải phóng đáy sẹo là rất quan trọng trong điều trị.

Sẹo đáy vuông có bờ thẳng đứng, có thể nông (0.1-0.5 mm) hoặc sâu (>0.5 mm), thường có đường kính 1.5-4 mm.

2. Các phương pháp điều trị sẹo rỗ

2.1 Phương pháp điều trị sẹo rỗ bằng Laser

Liệu pháp laser đã và đang là một lựa chọn hàng đầu trong điều trị sẹo rỗ, gồm có 2 loại: laser bóc tách (phá hủy cả thượng bì và lớp bì) và laser không bóc tách (tác động lớp bì mà không ảnh hưởng lớp thượng bì phía trên). Gần đây, tái tạo bề mặt da bằng laser phân đoạn (fractional) đã được ứng dụng một cách rộng rãi trên lâm sàng để điều trị sẹo rỗ. Laser phân đoạn (fractional) tác động lên da thông qua những cột laser siêu nhỏ giúp mang lại hiệu quả điều trị tương tự như laser không phân đoạn nhưng rút ngắn thời gian nghỉ dưỡng, giảm các biến chứng trong điều trị.

READ  Xác định khung giờ vàng cho việc học tiếng Anh hiệu quả - Yola
  • Laser bóc tách

Hai loại laser bóc tách phổ biến trong điều trị sẹo: laser CO2 với bước sóng 10600 nm và laser Er:YAG với bước sóng 2940nm. Laser bóc tách nhắm vào các phân tử nước dẫn đến việc tạo ra nhiệt và bóc bay loại bỏ thượng bì, bì nhú và cả bì lưới, từ đó giúp tăng sinh collagen và tái tạo mô, giúp vết sẹo đầy lên. So với laser CO2 thì laser Er:YAG có ưu điểm là cần thời gian hồi phục sau điều trị ngắn hơn, ít gây đau hơn khi điều trị và ít có tác dụng không mong muốn như đỏ da kéo dài, thay đổi sắc tố da. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là dễ gây chảy máu và đạt hiệu quả tái tạo bề mặt da kém hơn laser CO2. Laser CO2 phân đoạn (fractional) là loại laser bóc tách đang được coi là lựa chọn điều trị sẹo rỗ hiệu quả nhất hiện nay.

  • Laser không bóc tách

Laser không bóc tách là phương pháp điều trị sẹo mụn không xâm lấn. Các loại laser không bóc tách thường được sử dụng bao gồm Nd:YAG 1064nm, Nd:YAG 1320nm, laser xung màu 585-595nm (PDL). Laser không bóc tách nhắm các mục tiêu trong lớp bì để kích thích tăng sinh collagen và tái tạo da giúp cải thiện sẹo rỗ nhưng chỉ đạt hiệu quả cao với những sẹo đáy tròn và sẹo đáy vuông nông, ít hiệu quả đối với sẹo đáy nhọn. Điều trị sẹo rỗ bằng laser không bóc tách có thời gian phục hồi sau điều trị nhanh hơn và tác dụng phụ giảm nhẹ hơn so với laser bóc tách. Tuy nhiên, cần điều trị nhiều lần hơn và mức độ cải thiện sẹo cũng thấp hơn so với laser bóc tách.

2.2 Điều trị sẹo rỗ bằng phương pháp Fractional Radiofrequency

RF là một phương pháp có thể được sử dụng cho tất cả các loại sẹo rỗ, sử dụng năng lượng cao truyền vào da khiến nước trong da nóng lên, kích thích phản ứng làm lành vết thương. Kết quả giúp tăng sinh sợi collagen, tái tạo da và cải thiện các vết sẹo. RF mang lại hiệu quả không ấn tượng như laser CO2 fractional nhưng các tác dụng phụ như tăng sắc tố sau viêm khá ít, đây là cơ sở để kết hợp điều trị RF với các loại laser khác để đạt được hiệu quả tốt hơn.

2.3 Phương pháp Chemical Reconstruction of Skin Scars Technique (Tái tạo sẹo bằng hóa chất - CROSS)

Phương pháp CROSS là một kỹ thuật điều trị sẹo rỗ bằng cách chấm trichloroacetic acid (TCA) ở nồng độ cao lên vết sẹo, từ đó kích hoạt sự tổng hợp mới các thành phần da như collagen, elastin và các chất nền. Kỹ thuật này có thể sử dụng cho các vết sẹo sâu như sẹo đáy nhọn, sẹo đáy vuông.

READ  10 loại phấn kiềm dầu cực siêu mà chị em không thể bỏ qua

2.4 Điều trị sẹo rỗ bằng cách mài da (Dermabrasion)

Mài da được sử dụng để loại bỏ các lớp bề mặt da bằng cách vật lý, từ đó cho phép quá trình lành thương diễn ra đem lại làn da mới thẩm mỹ hơn. Mài da có hiệu quả trong việc điều trị các loại sẹo nông như sẹo đáy tròn và sẹo đáy vuông nông. Tuy nhiên phương pháp này có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như ban đỏ, nhạy cảm ánh sáng, thay đổi sắc tố sau viêm, đặc biệt là giảm sắc tố và sẹo phì đại sau thủ thuật là những biến chứng có thể tồn tại vĩnh viễn.

2.5 Phương pháp bóc tách đáy sẹo (Subcision)

Phương pháp này sử dụng đầu kim để cắt đứt các dải sơ bám chặt vào đáy sẹo, từ đó giải phóng đáy sẹo tạo điều kiện cho quá trình tái tạo đẩy đáy sẹo đầy lên. Bóc tách đáy sẹo có tác dụng tốt nhất đối với sẹo đáy tròn, ít hiệu quả hơn đối với sẹo đáy vuông và sẹo đáy nhọn.

2.6 Điều trị sẹo rỗ bằng Punch Excision / Elevation

Punch Excision là một lựa chọn cho điều trị sẹo đáy nhọn và sẹo đáy vuông sâu. Phương pháp này sử dụng một thiết bị đục lỗ để loại bỏ mô sẹo đến lớp mỡ dưới da, mô sẹo được cắt đi, sau đó đóng lại bằng chỉ khâu. Các vết sẹo điều trị phải cách nhau ít nhất 4-5 mm để ngăn ngừa lực kéo da quá mức hoặc thời gian điều trị cách nhau tối thiểu 4 tuần giữa các vết sẹo gần nhau để tránh những tác động xấu về mặt thẩm mỹ. Mặc dù phương pháp này gây hình thành sẹo mới nhưng sẹo mới sẽ nhỏ hơn, mờ hơn, ít được chú ý hơn so với những sẹo sâu ban đầu. Bên cạnh đó có thể sử dụng các thủ thuật tái tạo bề mặt khác từ 4-6 tuần sau Punch Excision còn giúp cải thiện đáng kể sẹo. Punch Excision có thể kết hợp một cách an toàn và hiệu quả với laser tái tạo bề mặt trong cùng một ngày.

Punch Elevation là một lựa chọn hiệu quả cho sẹo đáy vuông nông và sâu. Kỹ thuật này sử dụng một công cụ sinh thiết đục lỗ xuống lớp mỡ dưới da, mô được nâng cao hơn một chút so với bề mặt da xung quanh và được cố định bằng chỉ khâu. Trong quá trình lành thương, mô sẽ rút lại một chút để cải thiện sẹo. Cũng giống như Punch Excision, thủ thuật tái tạo bề mặt ngay tại vết sẹo có thể được thực hiện từ 4-6 tuần sau Punch Elevation. Nghiên cứu cho thấy, Punch Elevation kết hợp với laser fractional CO2 cho kết quả điều trị sẹo mụn tốt hơn so với laser fraction CO2 đơn thuần.

2.7 Sử dụng chất làm đầy (Dermal filler)

Việc tiêm chất làm đầy vào da để cải thiện sẹo mụn dựa trên cơ sở nâng mô. Hyaluronic acid là chất làm đầy phổ biến nhất để điều trị sẹo mụn. HA đã được chứng minh tạo ra phản ứng ở chất nền ngoại bào, kích thích tổng hợp collagen. Ngoài ra, các loại chất làm đầy khác được sử dụng trong điều trị sẹo rỗ là mỡ tự thân, poly-L lactic acid (PLLA), calcium hydroxylapatite (CaHA). Thời gian duy trì hiệu quả điều trị không chỉ phụ thuộc vào loại chất làm đầy và kỹ thuật tiêm mà còn phụ thuộc vào từng loại sẹo. Hiệu quả nhất đối với loại sẹo đáy tròn.

READ  Cách giảm 10kg trong 1 tháng: Thực đơn và cách tập trong 30 ngày

2.8 Trị sẹo bằng cách lăn kim (Microneedling)

Lăn kim là một lựa chọn điều trị ít tốn kém cho sẹo mụn. Phương pháp này sử dụng đầu lăn với nhiều đầu kim nhỏ để tạo ra nhiều vết thương nhỏ sâu đến lớp bì, qua quá trình ành thương, các yếu tố tăng trưởng được tiết ra kích thích tăng sinh và tổng hợp collagen, từ đó cải thiện sẹo.

Xem thêm

Mụn trứng cá tuổi dậy thì và các phương pháp điều trị hiệu quả

2.9 Cách dùng huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma - PRP) để trị sẹo

PRP là một phương pháp điều trị sẹo rỗ từ chính máu tĩnh mạch của bệnh nhân. Sau khi máu được lấy từ bệnh nhân sẽ trải qua quá trình ly tâm và chiết tách để thu được phần huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với máu toàn phần ban đầu. Sau khi được đưa vào da sẹo bằng cách tiêm, lăn kim… sẽ thúc đẩy quá trình lành thương thông qua các yếu tố tăng trưởng có trong tiểu cầu, và giúp cải thiện sẹo.

Tóm lại, vì sẹo rỗ rất phức tạp và khác nhau giữa từng bệnh nhân, nên việc lựa chọn phương pháp điều trị phải dựa trên mức độ sẹo, loại và hình thái sẹo, cũng như loại da của bệnh nhân. Các mục tiêu và kỳ vọng của bệnh nhân thời gian điều trị, số lần điều trị, thời gian hồi phục và kết quả cải thiện cần được thảo luận rõ ràng để mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, cũng cần ghi nhớ rằng không có phương pháp nào hiện nay có thể điều trị hết hoàn toàn sẹo rỗ mà chúng ta phải hiểu rằng: việc điều trị sẹo rỗ là đang làm cải thiện mức độ lõm của sẹo để trông đầy hơn và làn da nhìn tổng quan đẹp hơn. Cũng cần ghi nhớ để có kết quả điều trị tốt, bệnh nhân nên tìm đến các phòng khám da liễu bởi tại đây sẽ có đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa da liễu có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế sẽ trực tiếp thăm khám, đánh giá và đưa ra những phương pháp điều trị an toàn và phù hợp với từng loại sẹo, trên từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.

Chương trình truyền thông Vì sức khỏe người Việt kết hợp với phòng khám da liễu Doctor Acnes tổ chức các chương trình tư vấn và khám bệnh trực tuyến về bệnh lí da liễu theo từng chủ đề nằm trong chuỗi hoạt động phi lợi nhuận “Bệnh nhân hỏi, bác sĩ trả lời”.

Buổi tư vấn lần 1 với chủ đề “Khám và tư vấn bệnh lý về mụn” được tổ chức từ 11h30′-12h30′ ngày 19/6/2021.

Qúy bạn đọc đang gặp phải những vấn đề da liễu, có nhu cầu nghe tư vấn cụ thể từ bác sĩ, mời xem TẠI ĐÂY.

BS. Ninh Vũ Hoàng Tuấn

Bài viết cùng chủ đề

Bài viết liên quan

See more articles in the category: MUA SẮM

Leave a Reply