(TBKTSG) - Từ “độc quyền” trong tiếng Việt được dùng để dịch hai khái niệm khác nhau trong tiếng Anh là “monopoly” và “exclusive”. Việc dùng lẫn lộn hai khái niệm này đã dẫn đến những hiểu nhầm trong thời gian qua, nhất là từ khi nổi lên vụ K+.
Bạn đang xem: Độc quyền tiếng anh là gì
Từ độc quyền (exclusive) thường được dùng trong các trường hợp như một nhạc sĩ cho phép một ca sĩ độc quyền sử dụng các bài hát trong vòng năm năm, một nhà xuất bản ký hợp đồng độc quyền xuất bản tác phẩm của một nhà văn, hay một công ty nhập khẩu được độc quyền phân phối sản phẩm máy tính xách tay của một nhãn hiệu nào đó. Những hợp đồng loại này không liên quan gì đến độc quyền hiểu theo nghĩa “monopoly” cả. Nhiều nơi còn ra sức quảng bá cho chuyện độc quyền này như một tờ báo có thể rao: đón đọc phỏng vấn độc quyền với nhân vật X trên số báo ngày mai.
Khái niệm độc quyền (monopoly) trong Luật Cạnh tranh nói về chuyện khác, theo định nghĩa: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”. Hoạt động cung cấp điện của tập đoàn Điện lực hiện nay mới chính là độc quyền theo dạng này.Tuy nhiên, đúng là những hợp đồng độc quyền (exclusive dealing) có thể dẫn tới độc quyền bị luật pháp kiểm soát (monopoly). Ví dụ, khi Apple trao cho hãng AT&T độc quyền phân phối iPhone trên đất Mỹ đã bị nhiều đơn kiện vi phạm luật chống độc quyền. Ở đây luật pháp các nước thường phải dựa vào từng trường hợp cụ thể để phân xử, xem xét coi cái hợp đồng độc quyền đó có xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, có ngăn trở việc gia nhập thị trường của công ty khác, nói chung là cân nhắc xem nó hỗ trợ hay ngăn cản việc cạnh tranh lành mạnh.
Bản quyền phát sóng các chương trình thể thao là loại hình rơi vào chỗ tranh cãi độc quyền hay không độc quyền nhiều nhất, không chỉ ở nước ta mà còn ở Anh hay Mỹ và nhiều nước khác.
Với Giải ngoại hạng Anh (EPL), bản thân việc bán đấu giá bản quyền phát sóng các trận đấu cũng là đề tài tranh luận kéo dài trong nhiều năm. Hãng truyền hình cáp BSkyB liên tiếp trong nhiều năm giành được quyền này mãi đến năm 2006 mới nhường bớt cho một số hãng khác do Ủy ban châu Âu không đồng ý cho bán theo dạng độc quyền với một hãng truyền hình duy nhất. Bởi độc quyền ở đây (exclusive rights) đã dẫn đến tình trạng độc quyền - monopoly.
Xem thêm: 5 Phương Pháp Tiết Kiệm Và Giảm Chi Phí Vận Hành Là Gì, Khái Niệm Chi Phí Vận Hành Là Gì
Chính vì thế, ở nhiều nước đã có hẳn những điều luật chặt chẽ chi phối việc phát sóng các sự kiện thể thao quan trọng, điểm chung của các điều luật này là buộc phải ưu tiên phát sóng các sự kiện thể thao lớn như World Cup, Thế vận hội... trên các đài truyền hình đại chúng (free-to-air). Ví dụ ở Úc, có luật yêu cầu phải trao quyền ưu tiên cho các đài truyền hình đại chúng mua bản quyền các sự kiện thể thao theo một danh mục cụ thể, chỉ khi nào các đài truyền hình free-to-air này từ chối thì các hãng truyền hình cáp mới được quyền tham gia mua bản quyền để phát sóng thu tiền.
Quay trở lại vụ K+ ở Việt Nam, rất khó để áp dụng Luật Cạnh tranh và kiện K+ lạm dụng vị trí độc quyền vì không dễ gì chứng minh hợp đồng phát sóng độc quyền của K+ với MP&Silva (một dạng exclusive dealing) sẽ dẫn đến monopoly. Nhưng có một vấn đề có thể làm rõ ngay.
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có 51% cổ phần trong K+ vì thế VTV phải có trách nhiệm liên đới với hoạt động của K+. Đặt giả thuyết VTV là một đài truyền hình free-to-air có sử dụng ngân sách nhà nước, lại từ chối thương lượng hợp đồng mua bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh để nhường sân chơi cho một công ty con của mình, đây là một hành động không thể chấp nhận. Xin nhấn mạnh đây chỉ là giả định. Lại giả sử sau này với các sự kiện thể thao thật sự quan trọng khác như World Cup hay Olympic mà VTV cũng “nhường” cho các đài truyền hình trả tiền thì bộ mặt ngành truyền hình nước ta sẽ đi về đâu?
Vì vậy vai trò quản lý nhà nước trong trường hợp này là nhanh chóng soạn thảo những quy định tương tự ở các nước (như luật anti-siphoning ở Úc), không để chuyện phát sóng Giải ngoại hạng Anh trở thành một tiền lệ xấu. Nếu không có những quy định như thế, các đài truyền hình free-to-air hiện nay rất dễ nghĩ đến chuyện nhường hết mọi “miếng ngon, vật lạ” cho các đài truyền hình cáp thuộc sở hữu của mình.
Nhìn rộng ra, việc phát triển các loại hình truyền hình trả tiền ở nước ta chưa theo một khuôn khổ quy định nào cả trên nhiều phương diện. Ở nhiều nước khác, tỷ lệ quảng cáo trên truyền hình trả tiền bị hạn chế thấp hơn truyền hình miễn phí nhiều lần. Ví dụ ở Ý, nếu các kênh truyền hình miễn phí được quảng cáo tối đa 20% thời gian trong một giờ phát sóng thì các kênh trả tiền chỉ được quảng cáo tối đa 12%. Cần thiết phải có một dạng như bộ quy tắc ứng xử cho các đài truyền hình trả tiền để tránh những hình ảnh không đẹp đẽ chút nào khi quảng cáo cứ chạy ngang màn hình suốt mọi chương trình hay chuyện cắt kênh thường bị than phiền nhiều nhất.