Or you want a quick look: Tổng quan nghiên cứu là gì ?
Tổng quan nghiên cứu là gì ?
Hãy tưởng tưởng tri thức của nhân loại như một bức tường to lớn, mà ở đấy nghiên cứu của ta chỉ là một viên gạch. Mỗi viên gạch sau khi được tạo hình sẽ được đặt lên bức tường, liên kết với các viên gạch khác giúp bức tường to dài thêm ra. Quá trình tạo gạch chính là việc thực hiện nghiên cứu và việc bức tường ngày càng to thêm, cứng cáp thêm - chính là sự đóng góp của bạn vào bức tranh chung của nghiên cứu khoa học (Ý nghĩa của nghiên cứu).
Thế nhưng, để viên gạch nằm đúng vị trí của nó thay vì bị thiên lệch đi so với bức tường ban đầu - bạn sẽ phải xem tổng quát về bức tường trước, tìm xem vị trí nào đang thiếu gạch, vị trí nào còn trống, vị trí nào gạch bị nứt đi cùng với nhu cầu thay thế... từ đó tạo ra viên gạch phù hợp để đáp ứng nhu cầu. Trên thực tế, viên gạch mà ta tạo ra vừa kế thừa các đặc điểm thiết kế những viên gạch trước đó, vừa có tính mới để góp phần củng cố bức tường. Nếu không đạt các tiêu chí trên viên gạch của ta sẽ bị loại bỏ và lãng quên.
Quá trình xem xét một bức tường không hoàn hảo để đưa vào đó một viên gạch phù hợp là câu chuyện minh họa cho cái gọi là xây dựng tổng quan tài liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu.
Bạn đang xem: Tổng quan tài liệu là gì
Tại sao cần xây dựng tổng quan?
Điều cuối cùng mà một người chỉ huy muốn làm có lẽ là đưa quân tiến vào một trận địa hoàn toàn chưa nắm rõ tình hình. Cũng như các kỹ sư xây dựng sẽ chẳng dám mạo hiểm xây dựng một ngôi nhà nếu chưa trải qua khảo sát nghiêm ngặt về địa chất. Làm nghiên cứu cũng vậy.
Việc bạn thực hiện một nghiên cứu đã có người làm từ trước, nhưng không có tính mới, không có sự cập nhật, khôn đưa ra một kết quả tạo ra sự khác biệt - sẽ đưa đến một hệ lụy là không ai trong giới khoa học chịu thừa nhận thành quả của bạn.
Cần hiểu rằng, rất khó để tìm ra một chủ đề nghiên cứu hoàn toàn mới lạ chưa từng có người đặt chân tới trong thời điểm hiện nay khi mà khoa học và công nghệ đã phát triển trong suốt mấy trăm năm qua. Phần lớn ý tưởng nghiên cứu được ta nghĩ ra ít nhiều đã từng có người từng thực hiện.
Làm thế nào để có thể đảm bảo tính mới của nghiên cứu nếu ta bỏ qua việc tìm hiểu các nghiên cứu đi trước? Đọc và nắm tổng quan về vấn đề nghiên cứu thông qua các nghiên cứu tiền nhiệm chính là cách thức để giải quyết vấn đề. Đó cũng chính là mục đích của việc viết tổng quạn tài liệu nghiên cứu.
Xem thêm: In Compliance With Là Gì - Định Nghĩa, Ví Dụ, Giải Thích
Viết tổng quan như thế nào?
Nếu chỉ đọc tài liệu rồi cắt ghép và bê nguyên nội dung thả vào báo cáo, đấy chỉ mới là một bản tóm tắt tài liệu tham khảo, việc thiếu phân tích từ những nội dung đã đọc chưa đủ để biến bản báo cáo này thành một tổng quan tài liệu. Để xây dựng tổng quan, bạn sẽ cần thực hiện một số bước sau:
Bước 1. Tập hợp tài liệu:
Tìm các nguồn tài liệu liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu và khoanh vùng nhóm tài liệu trong phạm vi nội dung và thời gian xác định của đề cương nghiên cứu. Không nên đọc tràn lan mọi tài liệu bạn có sẵn, thay vào đó, một danh mục tài liệu tham khảo sẽ giúp ích trong trường hợp này.
Ở mục tập hợp tài liệu này ta cũng nên phân biệt các tài liệu thường thức với tài liệu khoa học, trong đó Wikipedia được xem lại một dạng tài liệu thường thức và không được sử dụng trong môi trường học thuật. Ta cũng cần lựa chọn các tài liệu có hàm lượng khoa học cao và thấp hơn, trong đó các bài tập lớn - khóa luận tốt nghiệp của sinh viên được cho là có giá trị khoa học thấp hơn.
Bạn có thể tìm các tài liệu khoa học qua
Sở dĩ có cách phân biệt này bởi phần lớn các bài khóa luận có sự tham khảo lại từ các tài liệu thứ cấp khác. Các tài liệu được đánh giá cao hơn thường là các bài báo nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín, sách chuyên khảo hoặc các tài liệu của các học giả có tên tuổi.
Bước 2. Tìm điểm chung:
Cụ thể hơn là chỉ ra những khía cạnh tương đồng với ý tưởng nghiên cứu của bản thân. Đây được xem là cơ sở ban đầu để củng cố cho lòng tin của nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về những vấn đề tiền nhiệm. Rất khó để thuyết phục hồi đồng khoa học tin vào một nghiên cứu chưa từng được triển khai, chỉ vì tính hiện hữu và tiền khả thi của nó
Bước 3. Phân tích - bình luận
Phân tích chéo các tài liệu tham khảo bằng cách so sánh, đối chiếu các nghiên cứu với nhau nhằm khai thác các thiếu sót, các "lỗ hổng" của nghiên cứu đó. Chỉ ra các thiếu sót không hướng đến mục đích phê phán, chê bai ai nếu được thực hiện dưới một góc nhìn phản biện.
Mục đích của việc nắm các hạn chế trong nghiên cứu đi trước giúp ta tránh được việc phạm phải các lỗi sai. Cũng cần xác định rằng, nếu việc tìm ra cái mới hoàn toàn mới là việc khó thì chuyện khám phá ra hạn chế của nghiên cứu trước và đưa ra một nghiên cứu mới để hoàn thiện bổ sung là việc hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa khoa học
Ngoài 3 nội dung chính kể trên, ta cũng cần lưu ý thêm 2 điểm phụ ở dưới
4. Đánh giá các kết quả một cách tôn trọng, khách quan và công bằng. Hiếm khi chúng ta được tiếp thu tư tưởng "không có kết quả cũng là một kết quả". Thay vì phản ánh đúng thực tại khách quan của xã hội, đôi khi ta bị ép vào việc luôn phải đưa ra kết quả trong một nghiên cứu. Ví dụ, nếu nghiên cứu trước đưa ra kết quả là không xác định được động cơ đi lễ chùa của người dân vì phương pháp họ thực hiện là quan sát không tham dự. Ta vẫn nên tôn trọng khám phá của họ, vì các lý do khác nhau, có thể họ không thể triển khai một phương pháp đủ mạnh mẽ để khai thác theo chiều sâu. Ta có thể đưa ra nhận xét rằng phương pháp trên chưa phù hợp và đề xuất một nghiên cứu mới với phương pháp mới - nhằm lật lại kết quả của nghiên cứu trên.
5. Mỗi lần tham khảo tài liệu ta nên ghi chú lại các thông tin quan trọng, tạo mục lục tham khảo và trích dẫn các nghiên cứu theo quy định của pháp luật. Tôn trọng bản quyền tác giả cũng là cách để tôn trọng bản thân khi bước chân vào nghiên cứu
Kết luận
Có thể thấy việc xây dựng tổng quan, không gì hơn ngoài việc bạn biết mình đang tìm hiểu điều gì, sau đó tìm đọc tài liệu liên quan. Đừng ngại đọc, bởi đó là cách mà bạn có thể đứng trên vai những người khổng lồ. Quá trình đọc sẽ giúp bạn định hình lại vấn đề nghiên cứu, phát triển câu hỏi nghiên cứu và trở thành cơ sở để bạn đánh giá sự khả thi khi muốn thực hiện đề tài của mình.
Tất nhiên, nếu bạn ngại đọc thì đó lại là chuyện khác !
---
Tài liệu tham khảo chính:
Gordon Mace & Francois Petry (2013), “Cẩm nang xây dựng dự án nghiên cứu trong khoa học xã hội”, NXB Tri thứcMichel Beaud (2014), “Nghệ thuật viết luận văn”, NXB Tri thứcNguyễn Xuân Nghĩa (2010), “Phương pháp & kĩ thuật trong nghiên cứu xã hội”, NXB Phương ĐôngNguyễn Văn Tuấn (2018), “Phân tích dữ liệu với R”, NXB Tổng hợp TP. HCMNguyễn Văn Tuấn (2018), “Đi vào nghiên cứu khoa học”, NXB Tổng hợp TP. HCMPhan Văn Quyết & Nguyễn Quý Thanh (2001), “Phương pháp nghiên cứu Xã hội học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội