Or you want a quick look: Một vị Thầy có tâm đạo, có hoài bão tu hành, có tâm bồ đề, có thanh danh, có sự ảnh hưởng lớn sẽ không thể nào ra đời theo bạn.
>> Góc nhìn Phật tử
Yêu một ai đó là chuyện rất bình thường, nhưng tôi thành thật khuyên quý vị đừng bao giờ yêu phải người xuất gia. Người tu không phải là ngôi sao điện ảnh, Phật tử hà tất phải trở thành fan hâm mộ, người tu là người đã cắt ái ly thân, cắt bỏ sự ham muốn thường tình của thế tục để xuất gia, tu hạnh thanh tịnh, trụ trì ngôi nhà chánh pháp trách nhiệm rất nặng nề, chúng ta không nên dùng tình yêu nam nữ trói buộc. Nếu như ai đã lỡ yêu người xuất gia thì bây giờ quày đầu hãy còn kịp. Nếu không thì...
1. Bạn tự nguyện yêu đơn phương trọn đời? Một vị Thầy có tâm đạo, có hoài bão tu hành, có tâm bồ đề, có thanh danh, có sự ảnh hưởng lớn sẽ không thể nào ra đời theo bạn. Điều đó cũng đồng nghĩa với suốt đời bạn phải ôm lấy một tình yêu không hề có sự đáp trả. Một người yêu trong tuyệt vọng sẽ kết thúc đời mình trong đau khổ, kiếp sau trở lại vẫn phải học tập và thử nghiệm tiếp kinh nghiệm đau khổ của kiếp vừa qua.
2. Bạn muốn vĩnh viễn trở thành một cái bóng đau khổ? Yêu lỡ người tu, bạn không thể nào hào phóng nói lời yêu thương một cách quang minh chánh đại, cũng như không thể bộc bạch tâm tư của mình với người khác được, giống như ăn nhằm một quả đắng chát, khó bề nuốt xuống nhưng cũng không thể nhả ra. Bạn mãi mãi chỉ có thể là một cái bóng câm lặng, đi qua cuộc đời này bằng những chuỗi ngày đau khổ.
3. Bạn chấp nhận mang lấy tội danh phá pháp, hoại tăng? Dùng dục tình lôi cuốn người tu là một hành vi phá Tăng, vị Thầy được bạn yêu lại vì bạn mà phá hủy giới pháp của mình, tội danh của bạn thật không phải nhỏ. Người xuất gia trước khi chứng quả vị La hán rất khó cưỡng lại được sự lôi cuốn. Vì vậy mà Đức Phật đã chế định ra rất nhiều thanh quy giới luật để bảo hộ vị ấy.
4. Bạn chấp nhận chung sống với một người không cùng tiếng lòng với bạn? Người xuất gia hằng ngày tụng kinh lễ Phật, tham thiền nhập định, học tập Phật pháp, xa rời cuộc sống thế tục, lỡ một mai người ấy hoàn tục cũng không thể hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống thế tục được. Khi ở bên cạnh bạn, lúc bạn phân tích cho người ấy nghe một sự việc nào đó suốt mấy tiếng đồng hồ, sau đó hỏi người ấy có cao kiến gì không mới phát hiện ra người ấy không hề để tâm nghe và chỉ trả lời một câu “tùy duyên”. Ngày ngày cùng sống với người có một tâm tình như thế, bạn có thể chấp nhận được không?
5. Bạn cam lòng tìm đến một người bạn đời không có năng lực? Người xuất gia lấy việc tu hành làm trọng, đói ăn cơm, lạnh mặc áo, hoàn toàn sống một cuộc sống Tăng lữ không có tài sản riêng tư, người ấy không quen tranh chấp với mọi người, cũng không rành việc bôn ba kiếm sống. Đối với người ấy mà nói, ăn ngon, ăn dở không thành vấn đề, tiền nhiều tiền ít cũng chẳng quan tâm. Người ấy không thể chu toàn cho cuộc sống gia đình, chỉ thích cuộc sống tâm linh tự do tự tại.
Bản chất của người ấy chỉ thích vân du bốn phương, tham thiền niệm Phật, không thích ứng được với cuộc sống gia đình tù túng, nên rốt cuộc mọi việc trong nhà đều do mình bạn lo liệu, đừng bao giờ hy vọng người ấy sẽ giúp ý kiến hay cho bạn. Ví dụ, bạn hỏi người ấy nên mua nhà ở một nơi như thế nào, người ấy nhất định sẽ chọn nơi có phong cảnh ưu nhã, rời xa hồng trần ồn náo mà không hề nghĩ đến sự bất tiện giao thông, bất tiện trong sinh hoạt do cách xa thành thị. Đợi đến khi bạn mắc vào lưới tình rồi mới biết tâm của người ấy trước sau vẫn là tâm lượng người xuất gia, lúc đó, bạn còn yêu người ấy được không.