Hỏi: Một hôm đi dự tiệc, nhân nói về chuyện gả chồng cho con gái, ông bạn tôi bàn về câu: “Thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”. Xin Tuần san ttmn.mobi Thứ Bảy giải thích hộ vì sao phải là 12 bến? 12 bến đó là những bến nào? Có dựa vào điển cố nào không? KHÁNH HƯNG (An Dương Vương, Q5, TPHCM)
LÊ NGUYÊN LƯỢNG: Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn 1895, mục từ Bến) của Huình Tịnh Paulus Của giảng “Con gái mười hai bến nước” là: “Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Nói mười hai bến là nói cho vần”. (tr. 47)
Theo đó, thực sự chỉ có hai bến và vế “trong nhờ, đục chịu” ở sau xác định là bến trong và bến đục. Tuy nhiên, vì vế trước nói tới “mười hai” cho nên người ta cố gắng tìm ra cho đủ số 12. Chẳng hạn:
a. Số 12 ứng với 4 địa vị xã hội (công, hầu, khanh, tướng) và 8 nghề của người chồng (sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục). Giảng như vậy thì trùng lặp: công và khanh cũng là kẻ sĩ; còn canh tức là nhà nông.
b. Số 12 ứng với nghề nghiệp của người chồng: sĩ, nông, công, thương, nho, y, lý, bốc, ngư, tiều, canh, mục. Giảng như vậy cũng trùng lặp: sĩ tức là nho; còn canh tức là nhà nông. c. Số 12 ứng với tuổi của người chồng: tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi.
Bạn đang xem: 12 bến nước là gì
Nguồn gốc của những câu nói đại loại như câu này khá mơ hồ. Theo ông An Chi, do cách hiểu từ nguyên dân gian, người ta đánh tráo nhân duyên (tình ái) với nhân duyên (trong lý thuyết Phật giáo: thập nhị nhân duyên). Ông tạm nêu ra từ nguyên dân gian như một hướng để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của thành ngữ “mười hai bến nước”. (Xem: Chuyện Đông chuyện Tây, tập 5, NXB Trẻ, 2006, tr. 198-202).
Xem thêm: Uống Nước Lá Ổi Có Tác Dụng Gì ? Hình Ảnh Lá Ổi Có Tác Dụng Gì
Hai chữ nhân này, chữ Hán viết khác nhau:- Nhân là hôn nhân ; nhân duyên là duyên phận vợ chồng.
- Còn nhân là nguyên nhân. Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo cho rằng: Sở dĩ chúng sinh đau khổ và luân hồi vì một chuỗi 12 nguyên nhân: vô minh (ngu dốt); hành (hành động); thức (ý thức); danh sắc (danh và hình tướng); lục xứ (lục căn: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý); xúc (tiếp xúc); thụ (cảm giác); ái (yêu mến); thủ (nắm giữ lấy); hữu (trở thành); sinh (sinh ra đời); lão tử (già và chết). Trong thứ tự đó, cái trước là nguyên nhân của cái sau. Nếu cái trước diệt thì cái sau diệt.
Tóm lại, phận gái chỉ có hai bến: trong và đục; còn vì đâu mà nói đến 12 bến thì có nhiều thuyết khác nhau, khó mà quyết đoán.
Cũng cần nói thêm rằng Thân gái mười hai bến nước phản ánh một quan niệm đã lỗi thời: người vợ phải lệ thuộc vào chồng và phải cam chịu nếu gặp phải người chồng tệ bạc. Thời nay, phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển tài năng, gầy dựng sự nghiệp, địa vị xã hội; lắm khi họ hơn hẳn chồng. Do đó, nhiều bà vợ tiến bộ đã quyết định “trong nhờ, đục lóng phèn”, còn lóng phèn mà vẫn không trong thì “bỏ bến”!.