Tập làm văn lớp 5: Tả người bà yêu quý của em (Dàn ý + 32 mẫu)

Or you want a quick look: TOP 32 bài văn tả bà lớp 5 hay nhất

Tập làm văn lớp 5: Tả người bà yêu quý của em gồm dàn ý chi tiết, cùng 32 bài văn miêu tả người bà, giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, tích lũy thêm vốn từ để tả bà nội, bà ngoại hay hơn!

Thông qua 32 bài văn tả bà lớp 5 này, sẽ giúp các em có thêm ý tưởng, nắm được cách trình bày một bài văn hoàn chỉnh để hoàn thành bài văn tả người thân của mình đạt kết quả cao. Vậy mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Mobitool:

TOP 32 bài văn tả bà lớp 5 hay nhất

  • Dàn ý tả người bà yêu quý của em
  • Tả bà của em (9 mẫu)
  • Tả bà ngoại yêu quý của em (11 mẫu)
  • Tả bà nội yêu quý của em (12 mẫu)

Dàn ý tả người bà yêu quý của em

I. Mở bài: Giới thiệu người định tả.

  • Bà ngoại là người mà em yêu nhất và cũng là người chăm sóc và cưng chiều em nhất.

II. Thân bài:

a) Tả hình dáng:

– Bà bao nhiêu tuổi, khoẻ hay yếu, có những nét gì đặc biệt?

(Bà năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Bà thường mặc áo bà ba trắng với quần dài đen rất giản dị)

– Những biểu hiện của tuổi già qua mái tóc, nếp nhăn trên mặt, ánh mắt, miệng, răng, da dẻ, dáng đi.

– Dáng người nhỏ nhắn, thanh tú.

  • Mái tóc dài nhưng bạc phơ giống như những bà tiên trong truyện cổ tích. Khuôn mặt có nhiều nếp nhăn, mỗi khi bà cười những nếp nhăn đó hằn lên rất rõ.
  • Đôi mắt bà còn rất sáng.
  • Nước da đã chuyển sang màu nâu có điểm những chấm đồi mồi.
  • Bàn tay nổi rõ những đường gân xanh.

b) Tả tính tình:

– Những thói quen và sở thích của bà: mặc dù đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn thích làm việc nhà (quét nhà, nấu cơm). Bà thích ăn trầu mặc dù chỉ còn vài cái răng. Bà thích trồng cây và chăm sóc cây cối trong nhà.

– Mối quan hệ của bà với con cháu, hàng xóm.

(Bà là người yêu thương con cháu, chăm sóc chúng tôi từng li từng tí, dạy chúng tôi những điều tốt, điều hay. Bà thường kể truyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Đối với hàng xóm bà cư xử rất tốt, ai cũng yêu mến bà).

III. Kết bài: Tình cảm của em đối với bà.

Em yêu quý bà, mong bà sống thật lâu, thật khoẻ mạnh. Em cố gắng học giỏi để bà vui lòng.

Tả bà của em

Bài văn tả bà – Mẫu 1

Em lớn lên không chỉ với những lời dạy nghiêm khắc của ba mẹ, những bài học lí thú của thầy cô mà còn với những lời ru à ơi ngọt ngào, những câu chuyện cổ tích huyền ảo, những vỗ về thương yêu hết mực của bà.

Em mới yêu quý bà làm sao! Người bà đã ngoài sáu mươi của em vẫn ngày đêm lắng lo cho con cháu. Bà chẳng còn vẻ trẻ trung như trong ảnh thuở bà đôi mươi, giờ bà mập mạp đúng như một “quý bà”. Làn da trắng mịn giờ đây toàn những nếp nhăn. Mỗi khi nở nụ cười, những nếp nhăn khẽ xô lại. Em thầm nghĩ, có lẽ đó là dấu tích của thời gian, của bao sự hi sinh, nhọc nhằn. Mái tóc bà đã gần “trắng như mây” như lời bài hát nào đó em vẫn từng hát. Mùa đông, bà thường búi tóc rồi quấn một chiếc khăn để giữ ấm. Gương mặt bà tròn đầy, phúc hậu. Khuôn miệng móm mém mỗi lúc nhai trầu. Vì bà thường ăn trầu nên hàm răng bà đã nhuộm một màu đen. Bà kể, hồi bà con gái đã nhuộm răng đen nên giờ răng càng đen nhánh. Em thích nhất những câu chuyện cổ tích bà kể. Mỗi chiều hè nóng nực, bà ngồi quạt cho chúng em nằm ngủ, kể những câu chuyện cổ tích thần kì, thế giới có cô Tấm hiền hậu bước ra từ quả thị, có chàng dũng sĩ Thạch Sanh giương cung bắn đại bàng, có cây tre dài tách ra thành từng đốt,…

Em biết bà rất yêu thương chúng em. Cho tới bây giờ, những lời ru ầu ơ ngọt ngào, trìu mến vẫn còn vang vọng trong tâm trí em. Em ước nguyện bà luôn mạnh khỏe để kể cho chúng em nghe nhiều câu chuyện kì thú hơn nữa, để ru những khúc ca ngọt ngào hơn nữa.

Bài văn tả bà – Mẫu 2

Trong gia đình, người mà em yêu quý nhất đó là bà của em. Bà là người gần gũi với em, chăm lo cho em từ thuở em mới lọt lòng. Bà ru em bằng những lời ru êm dịu.

Bà em năm nay đã già rồi, mái tóc đã bạc phơ vì bươn chải với thời’ gian. Khuôn mặt đầy đặn, đẹp lão. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Em nghĩ rằng, mỗi nếp nhăn trên gương mặt bà là một chuỗi ngày dài vất vả. Đôi mắt bà không còn tinh anh nữa nhưng đôi mắt ấy thật dịu hiền khó tả. Đôi mắt đầy yêu thương, trìu mến.

Tuy lưng hơi còng nhưng bà đi lại rất nhanh nhẹn. Đáng chú ý nhất là đôi tay khéo léo của bà. Đôi bàn tay ấy đã chai sần, những ngón tay gầy gầy, xương xương nhưng bà làm biết bao nhiêu là việc. Bà rất thích lao động, ít nghỉ ngơi. Bà thích làm bánh, nấu ăn, dọn dẹp đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp.

Những ngày thơ ấu, em được sống trong tình yêu bao la của bà. Bà bao giờ cũng yêu quý và chăm sóc em. Bằng những câu ca dao ru hò êm ái, những câu chuyện cổ tích li kì, bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng. Bà yêu thương tất cả mọi người, hay giúp đỡ người nghèo khó. Bà mong em học giỏi, thành tài. Bà dạy em những điều hay, lẽ phải. Bà nhắc nhở em phải biết đạo lí, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiện điều nhân nghĩa để giáo dục em.

Tấm lòng nhân hậu của bà đã làm tâm hồn em thêm phong phú, đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên. Gia đình em ai cũng thích bà, làm theo điều mong muốn của bà. Em vẫn thường tha thẩn theo bà, lúc quét nhà, khi nhặt rau, múc nước giúp bà. Em thầm mong sao cho bà em đừng già thêm nữa.

Bài văn tả bà – Mẫu 3

Tuổi thơ của em được nuôi dưỡng bởi những câu hát ru à ơi với cánh cò trắng trên những cánh đồng, với những nàng tiên, ông Bụt trong câu chuyện cổ tích ngàn đời, với những bài học đối nhân xử thế làm người từ người bà kính yêu – người mà em yêu mến và kính trọng nhất trong gia đình.

Bà em là một người phụ nữ hiền hậu, một người phụ nữ nông dân chân chất thật thà. Đôi tay bà đầy những vết nhăn và những vết đồi mồi bởi sương gió của thời gian. Ông em nói khi bà còn trẻ, đôi tay ấy không phải là đôi tay thon dài mềm mịn như những người phụ nữ khác mà ở trên đầu ngón tay là những vết chai do làm việc, những vết cắt đứt tay. Nhưng ông lại yêu đôi bàn tay đó lắm bởi đó là đôi bàn tay lao động, là dấu ấn chứng minh rằng bà đã vất vả làm việc thế nào vì gia đình, vì chồng con.

Bà em đã cao tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Có lẽ bởi bà hay tập thể dục đều đặn mỗi ngày nên bà vẫn có thể đi lại bình thường, làm những việc nhỏ trong nhà dù rằng bố mẹ em đã rất nhiều lần bảo bà để đó cho con cháu làm. Mái tóc của bà đã không còn dày và đen như ngày xưa nữa, mà giờ đây, những sợi tóc đã chuyển sang màu bạc trắng như cước, đã thưa đi rất nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà, em lại buồn vô cùng, bởi cứ mỗi sợi tóc rụng xuống thì thời gian bà ở cạnh em lại giảm bớt đi.

Bà giống như là một kho tàng truyện cổ tích và những câu ca dao vậy. Những ngày còn bé, nằm trong vòng tay ấm áp của bà, trước khi đi ngủ em đều đòi bà kể chuyện và hát ru cho em nghe. Những câu chuyện của bà không chỉ hay mà còn chứa đựng những câu chuyện bài học làm người, chính những bài học ấy đã dạy em lớn khôn nên người. Giọng của bà ngọt ngào và dịu dàng như giọng ca xứ Huế thơ mộng, chính giọng hát ấy đã cùng những câu ca đưa em vào trong giấc mơ cùng những cánh cò trắng trên cánh đồng, cùng hình ảnh những con người nông dân bình dị gần gũi, những chú trâu tung tăng ra đồng mỗi sớm mai.

Bà rất thích trồng cây, đặc biệt là trồng rau. Mảnh vườn nhỏ của nhà em vẫn luôn để trống dưới bàn tay của bà lại trở thành một vườn rau xanh mát với đủ loại rau khác nhau, trong đó có rất nhiều loại rau em thích nữa: rau thơm, rau muống, rau ngót. Bà nói bây giờ thực phẩm ngoài chợ không đáng tin, nhất là rau nên trồng rau thế này vừa giết được thời gian mà nhà vừa có rau sạch để ăn. Không chỉ vậy, khi rau tươi tốt, bà còn hái mang đi cho hàng xóm mỗi nhà một ít. Món quà không phải là giá trị gì nhưng lại chứa đựng sự quan tâm và tấm lòng chân thành của bà.

Em thích nhất là mỗi dịp Tết đến, bà lại cùng ông chuẩn bị lá dong để gói bánh chưng. Những chiếc bánh chưng vuông vắn mềm dẻo vô cùng ngon được bà cẩn thận làm từ khâu làm nhân đến khâu luộc bánh. Mỗi năm khi cùng bà ngồi trông nồi bánh chưng, bà lại kể em nghe câu chuyện về ngày Tết, về bánh chưng bánh dày, về cây nêu, về pháo đỏ, chợ Tết khiến em vô cùng thích thú. Đặc biệt, bà là người bà vô cùng yêu thương con cháu.

Mỗi lần em ốm, bà đều ở bên lo lắng chăm sóc cho em, khuyên em uống thuốc, nấu cháo cho em ăn. Bà tỉ mỉ và chu đáo giống như “người mẹ” thứ hai của em vậy. Khi em ở nhà, bà luôn giục em đi làm bài, để việc đó bà làm hộ cho. Mỗi lần bố mẹ em bảo bà để cho em làm thì bà lại cười và bảo lại rằng: “Bà già này còn khỏe lắm, tụi bây cứ để cho nó học. Mấy việc cỏn con này thì cứ để đó cho bà, chứ chơi mãi cũng buồn.” Nghe lời bà nói, em lại tự nhủ bản thân phải cố gắng học tập thật tốt, đạt nhiều thành tích cao để bà vui lòng và cũng không phụ công ơn và tình yêu thương của bà dành cho em.

Em yêu bà em nhiều lắm! Bà chính là động lực để em cố gắng học tập tốt hơn. Em mong bà sẽ sống lâu trăm tuổi để sum vầy hạnh phúc cùng con cháu.

Bài văn tả bà – Mẫu 4

Em được sống trong một gia đình đầy ắp tình thương và sự hòa thuận. Cả nhà, người được kính yêu nhất là bà. Với em, bà là cơn mưa mùa hạ tưới mát cho tuổi thơ của em.

Bà đã ngoài bảy mươi tuổi, như cổ nhân thường nói đây là tuổi “xưa nay hiếm”. Bà đã già nhưng vẫn nhanh nhẹn và dai sức lắm. Khuôn mặt thanh tú của bà in đầy các vết nhăn của thời gian và sự lo âu, vất vả. Bà trông như cây mai gầy guộc, mảnh mai nhưng rắn rỏi, vững vàng. Mái tóc bà đã sớm bạc trắng, đôi mắt thì nheo nheo nhưng ánh mắt vẫn sáng và nhân từ. Đôi tay của bà gầy guộc, các đường gân và mạch máu nổi rõ lên, nhưng vẫn nhanh nhẹn lo toan được đủ việc trong gia đình. Mẹ vẫn thường nói với em, cả đời bà vất vả quá, khi trẻ lo toan việc nhà để chồng yên tâm đi chiến đấu, nay lại chăm sóc gia đình để các con phấn đấu vươn lên, rồi bà lại chăm chút các cháu để chúng trưởng thành. Vậy là bao nhiêu gánh nặng gia đình một mình bà gánh vác hết. Ở trong nhà, bà luôn là trung tâm hòa giải mọi chuyện, bà thường nói: “Chuyện trong nhà, cứ lớn thì coi là nhỏ, mà nhỏ thì coi như là không có thì mọi chuyện sẽ êm đẹp cả thôi!”. Tôi vừa yêu quý bà lại vừa thương bà. Nhiều lúc tôi chỉ muốn ngã vào lòng bà và nói: “Bà ơi, cháu yêu bà lắm!”. Bà tôi nhiều tuổi nhưng rất chăm tập thể dục buổi sáng. Bà cứ chê lũ trẻ chúng tôi học nhiều mà lại ham ngủ, ít tập tành. Việc nhà nhiều vậy mà bà tôi vẫn tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Bà tham gia Hội phụ nữ phường, Hội hòa giải, Hội từ thiện. Ai ai cũng quý mến bà, có việc gì mọi người thường tới hỏi và nghe bà phân tích. Bà tôi không khéo nói, nhưng bà nói lại hợp tình hợp lí nên dễ thuyết phục mọi người. Vừa rồi, nhà bác hàng xóm sơ ý bị cháy, bà kêu gọi mọi người giúp đỡ để vượt qua khó khăn buổi đầu. Tôi thật sự tự hào về bà mình. Bà sống giản dị và khiêm nhường. Những bữa cơm của gia đình em dưới tay bà thật ấm cúng. Bà khéo chiều lòng được cả nhà với những món ăn bình dân nhưng ngon lành, sạch sẽ. Nhà có máy giặt nhưng bà vẫn động viên mọi người giặt tay rồi hãy cho vào máy. Bà bảo như thế sạch hơn.

Kỉ niệm sâu sắc nhất là lần em bị sốt dịch. Trong trạng thái nóng sốt li bì, em phải đi viện một tuần. Bà luôn ở bên em, mỗi lần bừng tỉnh em thấy đôi mắt lo âu của bà, những cử chỉ âu yếm, nhẹ nhàng, những lời động viên, an ủi của bà hình như có sức mạnh hơn thuốc. Em bình phục dần, và lúc đó mới thấy có vài ngày mà đôi má bà hõm sâu, mái tóc bà bạc thêm nhiều. Lòng xúc động sâu sắc, em nắm chặt tay bà nghẹn ngào không nói nên lời.

Em có nhiều “mẹ” quá, mẹ ở nhà này, ở trường này và bà luôn bên cạnh em. Em tự nhủ lòng mình phải cố gắng sao cho khỏi phụ lòng những “Người mẹ” của mình, phải học giỏi và ngoan để vui lòng họ. Em vô cùng yêu quý và biết ơn bà. Bà sẽ mãi mãi là người em kính yêu nhất. Em mong bà mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu. Bà ơi, bà bình thường thôi mà sao thật là vĩ đại!

Bài văn tả bà – Mẫu 5

Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.

Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyện cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con. Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể.

Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: “Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi” luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.

Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà lấy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém: “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”.

Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi. Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà. Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà. Bà thích chăm sóc cây cảnh, Sáng sáng, bà dậy sớm tưới cây trên sân thượng. Những chồi non, nụ hoa không phụ công chăm sóc của bà, luôn tưng bừng khoe sắc thắm. Những lúc rảnh rỗi, bà ngồi ngắm không biết chán những cái cây đang dần dần lớn lên. Tối tối, khi đi ngủ, bà thường kể chuyện cho tôi. Nghe các câu chuyện của bà, tôi như được hóa thân vào các nhân vật, khi thì là cô Tấm dịu hiền, khi lại là cô tiên tốt bụng.

Bà mua cho tôi rất nhiều sách, nhờ đó kiến thức của tôi được rộng mở hơn. Giờ đây, khi Hà Nội vào đông lạnh giá, ở nơi xa, tôi luôn lo bà có mặc đủ ấm không, bà ngủ có ngon giấc không. Tôi mong bà sống mãi bên tôi. Bà ơi, cháu yêu bà nhất trên thế gian này. Bà là người bà tuyệt vời nhất.

Bài văn tả bà – Mẫu 6

Với tuổi thơ mỗi người, trong tâm trí luôn tồn tại bóng hình của một người quan trọng, một người nuôi lớn tâm hồn ta bằng những câu hát ru, những câu chuyện cổ tích thần tiên. Đó là người bà đáng kính.

Bà em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, cái tuổi không còn trẻ khỏe nữa mà là cái tuổi của vầng trăng xế chiều. Bà có mái tóc bạc trắng, dài trông bà hiền từ như bà tiên bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Đôi mắt của bà đã có những nếp nhăn của tuổi già, càng làm cho sự hiền hậu, nhân từ trong đôi mắt bà thêm ấm áp, chan chứa yêu thương. Đôi mắt ấy luôn tiếp cho em bao động lực niềm tin vững vàng hơn trong cuộc sống. Mỗi khi bà cười những nếp nhăn ấy lại hằn rõ trên khuôn mặt. Gương mặt bà hiền từ, phúc hậu, đôi khi có chấm những đồi mồi. Đôi tay bà đầy những vết nhăn và những vết đồi mồi bởi sương gió của thời gian. Có lẽ đôi bàn tay ấy là do bà làm lụng vất vả vì gia đình, chăm sóc cho con cháu. Bà ngoại em tuy đã lớn tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, những công việc nhà bà vẫn làm rất thành thạo và khéo léo.

Bà em có giọng nói dịu dàng và hiền hòa. Mỗi lần bà hát ru cho em nghe hay kể chuyện cổ tích, em lại như được bước vào trong thế giới huyền diệu bởi giọng nói của bà thế nên em cứ thích nghe bà kể chuyện mãi mà không biết chán. Hằng đêm, bà thường kể cho em biết bao câu chuyện. Bà nhắc nhở em phải biết đạo lí, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiện điều nhân nghĩa để giáo dục em. Cũng nhờ câu chuyện của bà kể mà em cảm thấy tâm hồn thư giãn và dễ chịu hơn rất nhiều. Hồi còn bé, bà thay mẹ chăm sóc em, nuôi em, dạy dỗ bảo ban từng li, từng tí. Lớn lên bà, bố mẹ em đi làm xa, bà lại ở cùng với hai chị em em, giúp đỡ mọi công việc cho gia đình.

Bà em có sở thích trồng rau và những cây cối trong nhà. Chỉ có một mảnh vườn nhỏ mà bà trồng được biết bao nhiêu loài cây. Những loài cây bà trồng đều chứa đựng biết bao tình yêu thương trong đó bởi bà chăm sóc chúng rất chu đáo. Bà không nguôi tay chân lúc nào, khi rảnh bà còn ngồi đan rổ rá rất khéo. Cũng nhờ có bàn tay của bà mà cửa của gia đình em lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ.

Em rất hạnh phúc khi được sống với bà. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của người bà đáng kính biết nhường nào.

Bài văn tả bà – Mẫu 7

Em lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ, em lớn lên trong sự dạy bảo nghiêm khắc của cha và em cũng lớn lên trong cả những câu chuyện cổ tích của bà nữa. Và trong tất cả những người thân trong gia đình, bà chính là người mà em vô cùng yêu quý và cũng hết mực kính trọng – người đã mở cánh cửa thần tiên đưa em vào thế giới cổ tích xinh đẹp.

Bà em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, cái tuổi của một vầng trăng xế chiều. Bà có nước da hồng hào cùng khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Bà có mái tóc ngắn rất mỏng, thuần một màu cước trắng. Ông em nói ngày còn trẻ, tóc bà dày và dài lắm, giống như một thác nước vậy. Trông bà hiền hậu như một bà tiên bước ra từ trong những trang truyện cổ tích. Trên khuôn mặt phúc hậu có những chấm đồi mồi bé, bà bảo ai có những chấm ấy trên mặt thì sẽ sống được rất lâu.

Đôi mắt của bà đã sớm phủ một lớp sương mờ của thời gian nhưng chỉ cần đeo kính lên là bà nhìn rõ lắm. Trong đôi mắt ấy là cả một khoảng trời yêu thương bà dành cho con cháu, nó như biết nói biết cười, biết an ủi, biết sẻ chia mỗi khi chúng em buồn và biết cổ vũ mỗi khi chúng em vui. Bà em có giọng nói dịu dàng và hiền hòa. Mỗi lần bà hát ru cho em nghe hay kể chuyện cổ tích, em lại như được bước vào trong thế giới huyền diệu bởi giọng nói của bà.

Từ ngày còn bé cho đến tận bây giờ, em chưa thấy bà nổi nóng mắng ai hay cãi nhau với ai cả. Bà em hiền nhưng cũng rất nghiêm khắc, mỗi khi em mắc lỗi bà thường nhẹ nhàng chỉ ra lỗi lầm để em sửa sai chứ không đánh mắng em. Gọn gàng và sạch sẽ là một trong những đức tính tính tốt đẹp của bà, bà lúc nào cũng luôn miệng nhắc nhở em phải giữ cho phòng ốc gọn gàng, sạch sẽ thì khi bị mất thứ gì đó việc tìm lại sẽ không mất nhiều thời gian và công sức.

Bà em có sở thích trồng hoa và lên chùa tụng kinh niệm phật. Bà bảo Đức Phật luôn dạy người ta phải biết tích đức, hướng thiện tránh làm điều xấu xa, vậy nên chiều nào bà cũng cùng các già làng tay đeo tràng hạt, mặc áo dài nâu vào chùa. Ngôi nhà nhỏ nhắn của gia đình em cũng nhờ bàn tay khéo léo của bà mà luôn tràn ngập hương thơm cùng ánh sáng mặt trời, những bông hoa với đủ màu sắc khác nhau tô điểm: hoa nhài màu trắng tinh khôi như những bông tuyết khi mùa đông tràn về, những nàng hoa hồng nhung kiều diễm tự hào khoe bộ váy rực rỡ của mình dưới ánh nắng mặt trời.

Bà em còn có sở thích đan khăn cùng mũ len cho mỗi người thân trong gia đình khi đông đến, mùa đông lạnh thật lạnh mà được quàng trên cổ chiếc khăn len bà đan thì ấm áp biết bao, giống như vòng tay của bà đang âu yếm ôm lấy mình vậy. Bà em là một nhà tư vấn tâm lí đích thực đấy nhé, người trong xóm ai có chuyện vui chuyện buồn gì đều sang chia sẻ với bà em để tìm lời giải đáp cho vấn đề của mình. Có lẽ bởi vì bà là người ngoài cuộc nên thấy rõ những điều mà người trong cuộc sẽ chẳng bao giờ có thể nhìn thấy. Mỗi khi ai có chuyện buồn, đau ốm bà đều đến tận nơi thăm hỏi động viên, món quà dù không nhiều nhặn gì, chỉ là cân cam hay chục trứng nhưng mọi người đều hiểu rõ đó là tất cả tấm lòng chân thành bà dành cho họ.

Em từng có một lần, chỉ một lần duy nhất làm bà buồn lòng, đó là làm vỡ chiếc lọ hoa mà ông nội rất quý, tuy bà đã không trách cứ khi em thành thực nhận lỗi nhưng em có thể cảm nhận được nỗi buồn của bà. Em đã tự hứa với bản thân mình sẽ luôn cố gắng ngoan ngoãn hơn để bù đắp phần lỗi lầm ngày hôm ấy.

Em yêu bà em nhiều lắm, em chỉ mong bà có thể mạnh khỏe mà sống thật lâu với con, với cháu để em có thể một lần nữa nằm vào trong lòng mà nghe bà kể những câu chuyện dân gian từ thời xa xưa.

Bài văn tả bà – Mẫu 8

Em sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, trong sự che chở yêu thương của ông bà. Em rất yêu quý các thành viên trong gia đình nhưng có lẽ người mà em yêu quý nhất là bà của em.

Bà em năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đã sắp vào cái tuổi xế chiều nhưng dáng người bà vẫn thẳng, bước đi còn rất nhanh nhẹn. Mái tóc dài mượt đã điểm màu hoa râm, được bà búi lên gọn gàng bằng chiếc búi màu nâu nhạt. Khuôn mặt phúc hậu hiện lên với làn da bánh mật. Đôi mắt bà đã không còn rõ như trước nữa, mỗi khi đọc sách bà phải dùng kính mới có thể nhìn rõ được. Thế nhưng nó vẫn chứa đựng tình yêu thương sâu sắc dành cho con cháu. Phía chân mắt đã hiện lên vài dấu chân chim. Mỗi khi sà vào lòng bà, nhìn lên đôi mắt ấy, em mới xót xa nhận ra rằng bà em đã già rồi. Bà là con người hiền dịu, nụ cười tươi hiền hậu luôn hiện lên trên đôi môi của bà. Thế nhưng em luôn làm bà buồn lòng, làm cho nụ cười ấy nhiều khi mang theo tia lo âu. Mỗi lần như vậy, bà không mắng chửi, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo em lần sau không được phạm lỗi như vậy nữa nhưng em vẫn nhìn thấy trong đôi mắt đã mờ của bà một tia buồn bã, thất vọng. Em chỉ có thể tự nhủ sẽ không làm bà buồn lòng như thế lần nữa.

Cả cuộc đời bà đã hi sinh cho con cháu, vất vả nhiều năm để nuôi nấng con khi mà ông mất sớm. Đôi bàn tay gầy gầy xương xương cũng đã có nhiều nếp nhăn. Làn da cũng đã xuất hiện những vết đồi mồi. Thế nhưng gần cuối cuộc đời, bà vẫn không nghĩ cho mình. Có cái gì ngon cũng để dành cho cháu. Mỗi lần em về chơi, bà đều mua đồ ăn ngon, đồ chơi cho em bằng những đồng tiền dành dụm ít ỏi từ việc nuôi gà trồng rau. Mỗi buổi tối gió mát trăng thanh, em thường cùng bà ngồi ngoài sân, nằm trong vòng tay ấm áp của bà, lắng nghe giọng nói trầm ấm nhẹ nhàng kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích. Bà đưa em vào giấc ngủ với những giấc mơ tuyệt đẹp, em được bước vào thế giới cổ tích với chàng Thạch Sanh dũng cảm xuống hang cứu công chúa, cô Tấm chăm chỉ, ngoan ngoãn, nơi cái thiện chiến thắng cái ác,… Từ câu chuyện ấy, bà dạy cho em cách làm người, những bài học ý nghĩa.

Em rất yêu quý bà của mình. Câu chuyện của bà đã dạy em rất nhiều điều, dạy em trở nên tốt hơn từng ngày.

Bài văn tả bà – Mẫu 9

Trong gia đình, ngoài ba mẹ, bà là người em yêu quý nhất. Tình yêu thương của bà luôn dành hết cho con, cho cháu nhưng bà luôn yêu quý em hơn cả- đứa cháu gái bé bỏng của bà.

Bà em năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Dáng người bà nhỏ nhắn, bà không còn đi lại nhanh nhẹn như ngày xưa, mà bây giờ cây gậy luôn dìu bà bước từng bước chậm rãi, vững vàng. Lưng bà hơi còng có lẽ bởi gánh nặng mưu sinh suốt cả đời người đã đè nặng lên dáng hình bà. Đôi mắt bà không còn tinh tườm như trước nữa nhưng ánh nhìn của bà vẫn hiền từ, trìu mến như ngày nào. Gương mặt bà xuất hiện những chấm đồi mồi, nếp nhăn qua ngày tháng. Em không biết rằng đôi khi mải chơi, không nghe lời bà khiếm bà phiền lòng, em đã thêm một nếp nhăn trên gương mặt phúc hậu ấy khi để bà lo âu, suy nghĩ về mình. Em yêu nhất mái tóc bạc trắng như cước của bà. Sao lúc nào áng tóc ấy của mượt mà, gọn gàng và thoang thoảng hương thơm dìu dịu của hoa bưởi, trái bồ kết. Giọng nói của bà trầm ấm, bà thường nói chuyện từ từ và nhã nhặn khiến người đối thoại cảm thấy thoải mái. Đôi lúc em hờn dỗi, bà nhẹ nhàng nựng em; Lúc em làm sai điều gì, giọng nói của bà nghiêm nghị hơn mà nó khó giấu nổi nét buồn hiện trên ánh nhìn của bà. Bà em vẫn giữ phong tục ăn trầu, bà nói rằng làm như vậy răng sẽ chắc hơn. Không chỉ thế, mỗi sớm bà thường dậy trước cả nhà một chút để pha trà. Điều đó dường như trở thành nếp sống của bà.

Với gia đình,bà luôn cố gắng vun vén cho cuộc sống của con cháu. Bà thường giúp bố mẹ em một số công việc nhà và để em có thêm thời gian học hành. Bà em thường ngăn nắp trong bộ quần áo nâu bình dị,chân chất. Đức tính cần cù, chịu thương,chịu khó khiến bà mặc dù lớn tuổi, bà vẫn dành thời gian cuốc xới, chăm chút cho mảnh vườn nhà. Bởi ba mẹ em thường đi làm xa nên bà luôn bên em. Bà tỉ mỉ và cẩn thận chỉnh sửa những lời nói, tác phong của em một cách tế nhị, nó giúp em trưởng thành hơn từ những lời bà nhắc nhở. Mỗi tối trước khi đi ngủ, em đều háo hức đợi chờ bà kể chuyện. Bà em là một kho tàng kiến thức về truyện cổ tích hay ca dao, với giọng nói thân thương như có sức mạnh kì diệu bà đưa em đến với thế giới thần kì. Khi nằm bên bà, bàn tay gầy gầy, xương xương của bà thường vuốt ve làn tóc mỏng của em. Những trưa hè oi ả, bà lặng yên phe phẩy chiếc quạt nan để em yên giấc ngủ. Em lớn khôn mới hiểu được tình yêu thương nhiều khi được thể hiện một cách bình dị như thế.

Với họ hàng làng xóm, bà luôn niềm nở chân thành tiếp đón và trong xã giao, bà luôn được mọi người tôn trọng. Em chưa thấy bà gây xích mích với ai bao giờ, bà nói rằng làm như vậy mình sẽ sống thanh thản hơn. Tính khí ương bướng của em không còn nữa bởi những lời bảo ban và cách sống của bà làm gương cho em noi theo.

Em luôn yêu mến và kính vọng bà. Em thầm hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt và vâng lời bà để bà được vui lòng và tự hào về em.

Tả bà ngoại yêu quý của em

Tả bà ngoại – Mẫu 1

Em được lớn lên trong các câu chuyện cổ tích của bà, nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa đã giúp em lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn và cũng chan chứa biết bao tình cảm yêu mến của bà dành cho em. Bà ngoại là người bà mà em vô cùng yêu mến và hết mực kính trọng, bên cạnh bà em luôn cảm thấy có một tình cảm ấm áp, khiến em vui vẻ, hạnh phúc mỗi lúc ở bên.

Bà ngoại em năm nay gần tám mươi tuổi, tóc của bà đã chuyển sang màu trắng cước, đôi mắt của bà đã có các nếp nhăn xung quanh do của tuổi già, nhưng nó càng làm cho mắt bà càng thêm ấm áp, tràn ngập yêu thương. Đôi mắt bà luôn cho em cảm giác ấm áp, bởi lúc nào bà cũng nhìn em bằng ánh mắt thương yêu nhất, đem lại cho em cảm giác nhẹ nhàng, yên bình và chở che như khi còn nhỏ vậy. Bà ngoại em tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn vô cùng khỏe mạnh, nhiều công việc nhà bà vẫn làm vô cùng thành thục và khéo léo, mỗi khi có dịp về thăm bà thì bà ngoại lại nấu cho em những món ăn thật ngon như: thịt kho nước dừa hay sườn xào chua cay…, không những vậy mà bà còn dạy cho em tự làm những món ăn đơn thuần nên mỗi lần được về thăm bà thì em đều cảm thấy rất vui trong lòng

Khi còn nhỏ, vì bố mẹ em bận công tác nên mẹ em đã gửi em cho bà ngoại chăm nom, bà đã chăm sóc cho em rất ân cần, yêu thương để ý em từ các thứ vặt vãnh nhất, dạy em nhiều điều hay lẽ phải và đọc cho em thật những câu chuyện cổ tích thú vị. Bà hay kể cho em về câu chuyện chàng Thạch Sanh can đảm giết đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga, hay cô Tấm thùy mị bước ra trong khoảng quả thị, nàng Bạch Tuyết, cô bé lọ lem… Những câu chuyện của bà gắn liền với những kí ức tuổi thơ của em. Bà ngoại là một người vô cùng tháo vát. Khi còn trẻ bà đã vừa lo việc đồng áng, vừa chăm sóc cho năm người con thơ dại, tuổi ăn chưa no lo chưa tới, bà em có thể làm được rất nhiều thứ hữu dụng khác giống như đan rổ rá, làm quạt mo,… Bà em vô cùng khéo tay nên những đồ vật mà bà làm ra đều rất đẹp mắt và dễ thương. Và bây giờ, tuy bà đã tuổi đã cao nhưng mà bà vẫn làm những công việc trông nom vườn tược, chăn nuôi, trồng hoa quả…Bà luôn nhắc với chúng em ví như không làm gì mà chỉ ngồi một chỗ thì bà rất buồn tay, buồn chân, vì vậy mà bà trồng trọt, chăn nuôi giống như một thú vui của cuộc đời.

Tuy em chỉ có thể về thăm bà ngoại những dịp đặc biệt như lễ tết hay hè nhưng tình cảm yêu quý của em dành cho bà sẽ luôn trong tâm trí em, các kí ức bên bà luôn sống động trong tâm hồn, gợi nhắc về tấm lòng hiền từ, thương yêu của bà dành cho em.

Em mong bà sống thật lâu cùng chúng em để khi lớn lên chúng em có thể yêu thương, phụng dưỡng bà, đền đáp phần nào ơn dưỡng dục của bà dành cho chúng em

Tả bà ngoại – Mẫu 2

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều ta không thể nào biết hết và cũng không thể nào ngờ tới. Cuộc sống là một cái gì đó rất bộn bề, nhiều khi làm ta mệt mỏi và căng thẳng. Chính những lần như thế, ta cần đến một chốn bình yên để trở về. Nơi ấy là nhà. Và với tôi, nơi ấy còn có người bà kính yêu của mình…

Cuộc đời bà dường như là một đời vất vả, lam lũ. Hơn bảy mươi mùa xuân đã qua đi là bằng ấy năm bà dành tình yêu thương cho con cháu của mình. Mẹ tôi kể rằng, ngày xưa, bà cũng là một thiếu nữ tuổi mười tám, hai mươi xinh, lúc ấy, bà như một bông hoa nở rộ. Nhưng thời gian đã cướp đi tất cả. Giò đây, lưng bà đã còng xuống. Mưa nắng, sương gió cuộc đời và những toan lo hiện rõ trên gương mái tóc bà- mái tóc bạc trắng như cước. Làn da của bà nhăn nheo, những lúc bà cười, những nếp nhăn ấy như hằn sâu hơn…

Tuy tuổi đã cao, nhưng bà lại rất minh mẫn. Cuộc đời sương gió tuy vất vả nhưng cũng cho bà sự từng trải. Bà cũng đọc sách rất nhiều, vì vậy bà như một kho tàng tri thức không bao giờ vơi cạn. Khi tôi còn tấm bé, bởi bố mẹ đi làm xa, bà trông tôi. Khi ấy, tôi thấy điều gì mới mẻ, tôi cũng hỏi bà, nào là ‘” vì sao trời lại mưa”, “ vì sao con cá lại bơi dưới nước”… Những câu hỏi ấy tôi không thể nào nhớ hết nhưng tôi nhớ rằng bà đã kiên nhẫn giải thích tất cả cho tôi…

Khi tôi lớn lên, tôi được sống trong những câu chuyện cổ tích của bà. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện về cô Tấm xinh đẹp, về chàng Thạch Sanh dũng mãnh… Sau mỗi một câu chuyện đó, tôi lại như hiểu hơn về thế giới này, đồng thời, qua những câu chuyện đoa, bà còn dạy tôi những bài học làm người…

Lớn hơn lên chút nữa, khi tôi có những hoài bão, những dự định cho riêng mình, bà lại nói với tôi rằng: thế hệ ông bà và bố mẹ con ngày trước, điều kiện không được tốt như bây giờ, cho nên con hãy sống để trở thành người tử tế, sống để biết yêu thương nhiều hơn, và hãy sống thật có ích…Lời bà nói sao mà thấm thía!

Có món gì ngon bà cũng đều phần tôi. Hình như tôi là đứa cháu út nên có phần được thiên vị hơn! Bố mẹ tôi đi làm vất vả, thỉnh thoảng, bà còn làm việc nhà, dọn dẹp nữa… Bố mẹ và tôi thương bà lắm… Cuộc đời này, có phút nào bà được yên lòng đâu…

Bà ơi! Cuộc đời của mỗi người là hữu hạn. Nếu có một ước mơ, tôi sẽ ước rằng bà sẽ sống thật lâu bên tôi để cho tôi được sống mãi với miền cổ tích, với những điều giản dị mà có ý nghĩa…

Tả bà ngoại – Mẫu 3

Đối với em tình bà cháu là không thể thiếu được. Bà dù chỉ là một tiếng gọi đơn sơ ấy thôi, nhưng rất thân thương gần gũi với em ngay từ khi còn chập chững tập đi.

Hình ảnh bà ngoại luôn in sâu trong tâm trí của em. Một người bà hiền từ nhân hậu. Bà em năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Dáng người bà nhỏ nhắn, hơi gầy, với mái tóc đã có nhiều sợi bạc. Lưng bà hơi còng xuống nhưng bà đi lại vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Mắt bà em không còn tinh tường nhưng cái nhìn hiền hậu của bà đầy yêu thương trìu mến. Khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn. Trên vầng trán của bà, dường như mỗi nếp nhăn thể hiện một nỗi khắc khổ, mất mát bà phải trải qua. Mỗi khi bà cười những nếp nhăn đó lại hằn lên rất rõ.

Những ngày ấu thơ, em được sống trong vòng tay yêu thương của bà. Bà bao giờ cũng quý, cũng chăm sóc, cũng yêu thương em. Những bài hát ru em dịu của bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng. Bằng chất giọng trầm ấm, bà kể chuyện rất hấp dẫn, đã bao lần bà đưa em lạc vào xứ sở cổ tích với những nàng tiên, cô tấm dịu hiền. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn thường đỡ đần những công việc vặt trong gia đình. Bố mẹ em thường nghiêm cấm chúng em không được để bà làm bất cứ công việc gì dù nhỏ nhất.

Tuy vậy, bà em vẫn thường dậy sớm để quét sân, quét nhà, có khi bà còn nhặt rau nấu cơm. Bà nói: “Bà làm được cứ để bà làm cho vui”. Em rất hạnh phúc khi được sống cùng bà ngoại. Em sẽ ghi nhớ những lời khuyên của bà, cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn để xứng đáng cháu yêu của bà.

Tả bà ngoại – Mẫu 4

Cả thời thơ ấu, em sống gần bên bà ngoại. Được bà chắt chiu nuông chiều, nên hơn ai hết, em kính yêu ngoại vô cùng.

Ngoại em, năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi. Vóc người cao cao. Tuy lưng hơi còm nhưng bà vẫn đi lại bình thường. Tóc ngoại em đã rụng nhiều, lơ thơ phần trắng hơn phần đen. Bà thường ăn trầu nên môi lúc nào cũng thắm đỏ. Mắt bà không sáng lắm, nhưng khi đeo kính, bà vẫn vá được cho em những lỗ áo do đùa giỡn với bạn bè bị rách. Đôi tay bà nổi gân xanh, da nhăn lại và trổ đầy những hạt đồi mồi nhỏ đen.

Suốt ngày, chẳng lúc nào em thấy ngoại chịu ngồi không. Hết giúp mẹ làm công việc lặt vặt trong nhà, bà lại nhổ cỏ, nên quanh vườn nhà luôn sạch bóng.

Mỗi khi em làm điều gì lầm lỗi bị ba mẹ rầy, bà đều cười hiền lành bảo:

– Trẻ con, nó mới thế.

Được nước, em sà, vào lòng bà nũng nịu. Bà vuốt ve khuyên nhủ em phải ngoan ngoãn. Những lúc ấy, em thấy sung sướng dưới che chở của ngoại. Thường tối đến, em hay nằm kề bên để nghe ngoại kể chuyện. Giọng bà chậm rãi hiền hậu như bà tiên trong cổ tích và thoang thoảng hương trầu cau khiến bây giờ, mỗi khi nghe mùi ấy là em cảm thấy ấm áp và nhớ bà ngay.

Ước gì ngoại em cứ sống mãi bên em thì còn hạnh phúc nào hơn?

Tả bà ngoại – Mẫu 5

Tuổi thơ em lớn lên với những câu hát ru êm dịu của bà ngoại. Bà là bà tiên của cuộc đời em.

Ai cũng bảo bà em đẹp lão. Tuy năm nay bà đã gần 80 tuổi nhưng bà vẫn còn rất nhanh nhẹn. Mái tóc hoa râm nhuốm đầy những nhọc nhằn, vất vả của thời gian. Khuôn mặt bà chằng chịt những nếp nhăn không theo một trật tự nào cùng với những vết sẹo lõm do thủy đậu để lại làm da bà sần sùi. Vầng trán bà cao, đôi lông mày cũng đã có một vài sợi bạc trắng. Đôi mắt bà không còn tinh anh như ngày xưa nữa nhưng nó luôn khiến cho người đối diện cảm nhận được sự dịu dàng, ấm áp. Hàm răng bà đen bóng do nhuộm và cũng vì bà ăn trầu. Cũng vì thế mà tới tận bây giờ, hàm răng của bà vẫn rất khỏe, chưa mất một cái nào. Lưng bà ngoại hơi còng nhưng bà đi lại nhanh nhẹn lắm. Đôi tay gầy guộc, chai sạn vì lam lũ nhưng sao nó đẹp đến thế, đẹp một cách lạ lùng. Đôi tay ấy cả một đời chẳng chịu nghỉ ngơi. Bà bảo “bà ngồi một chỗ không chịu được”.

Ngày trước, bà vẫn thường “thuê” em nhổ tóc bạc cho bà. Mỗi sợi em sẽ được một trăm đồng. Em ngây thơ muốn tìm được thật nhiều tóc bạc để có tiền mua kẹo ăn. Thế nhưng giờ đây, khi tóc bạc trên đầu bà ngày càng nhiều, em chỉ ước bà không bao giờ già đi, mãi mãi khỏe mạnh bên con cháu.

Mỗi trưa hè, hai bà cháu lại ngồi trên cái sạp đầu hè. Bà nhẹ nhàng vuốt mái tóc em, hat cho em nghe những bài hát ngọt ngào. Những lời ru nhẹ nhàng, êm dịu ấy đưa em vào giấc ngủ trưa giữa thời tiết oi ả. Cứ thế, em lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của bà ngoại.

Bà ngoại cũng là người che chở, bảo vệ em mỗi khi em bị bố đánh đòn. Dù em mắc lỗi nặng đến đâu, bà vẫn luôn âu yếm, nhắc nhở nhẹ nhàng. Những lời dạy của bà em luôn khắc sâu trong lòng để không bao giờ mắc lỗi nữa.

Bà ngoại em luôn được mọi người yêu mến bởi tấm lòng nhân hậu, luôn giúp đỡ mọi người. Tấm lòng nhân hậu của bà đã làm tâm hồn em thêm phong phú, đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên. Gia đình em ai cũng thích bà, làm theo điều mong muốn của bà. Em vẫn thường tha thẩn theo bà, lúc quét nhà, khi nhặt rau, múc nước giúp bà.

Em yêu bà, yêu từ cử chỉ, lời nói, yêu cả nụ cười, ánh mắt hiền hậu của bà. Chỉ mong thời gian ngừng trôi để bà không già đi nữa.

Tả bà ngoại – Mẫu 6

Trong gia đình có nhiều thành viên, ai em cũng yêu quý nhưng có lẽ rằng người em yêu quý nhất chính là bà ngoại của em

Bà em cũng đã lớn tuổi lắm rồi, năm nay bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Mái tóc bà thì đã bạc rất nhiều. Cặp mắt không còn tinh tường nữa, nhưng nó vẫn toát lên được sự hiền từ biết bao nhiêu. Da của bà đã nhăn nheo vì tuổi già. Dáng người bà nhỏ nhắn, mặc dù tuổi cao nhưng sức khỏe của bà em lại rất tốt. Vẫn cái dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Có lẽ rằng em ấn tượng nhất đối với đôi bàn tay thô ráp của bà. Những vết chai sạm cứ như nổi rõ hẳn lên, sờ vào là thấy khô cứng. Nhưng lạ thay bàn tay bà em lại rất ấm, ấm hơn bao giờ hết. Hồi nhỏ mỗi khi bà nắm tay em ra chợ là đôi bàn tay ấy như dắt em đi không lo lạc đường và em cảm thấy yên tâm lắm

Bàn tay chai sạn có lẽ vì cả cuộc đời bà em đã vất vả lam lũ lo cho mẹ và các bác ăn học đủ đầy được như chúng bạn. Cứ mỗi lần cúng ông các bác lại nói về ngày trước. Đó là những câu chuyện kể về bà đã lam lũ và tảo tần như thế nào khi nuôi các bác và mẹ em lớn khôn. Bà em lúc đấy vui lắm, khi thấy con cháu ai cũng thành đạt hết. Các bác và mẹ em luôn luôn yêu quý và kính trọng bà, cuộc đời vất vả mưu sinh nuôi 5 đứa con thơ dại lên người. Bởi ông em lúc đó còn đi đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Những lời dạy, sự yêu thương của bà chính là niềm động lực để cho các bác và mẹ em tự bảo nhau ăn học lên người. Cho đến em, em cũng cần thấy được trách nhiệm của mình lúc này là phải học thật giỏi để có thể khiến bà thêm tự hào về cháu gái.

Bà là một kho tàng ca dao, tục ngữ và những câu truyện cổ tích hay. Em được nghe những lời hát ru từ nhỏ, được biết đến nàng công chúa được chàng Thạch Sanh cứu giúp. Biết được những điều hay lẽ phải và phải hướng thiện. Theo bà em nói cứ “Ở hiền rồi sẽ gặp lành”, sống không tham của người, đối tốt với họ chẳng mong báo đáo chắc chắn một ngày nào đó không xa thì mình cũng sẽ “gặp lành”. Và cũng nhờ bà em biết được những sự may mắn không phải do một bậc thần thánh nào tạo lên. Mà may mắn chỉ có được khi trong mỗi chúng ta phải có được những bài học, những kiến thức hay. Khi có kiến thức rồi thì may mắn mới có thể đến với chúng ta và chúng ta mới nắm giữ được.

READ  TOP game hai hoặc nhiều người cùng chơi hay nhất trên điện thoại

Bà chính là một cuốn bách khoa thư để có thể giải đáp được những câu hỏi không bao giờ hết của em. Bà yêu thương em lắm, và em cũng yêu bà như thế. Em tự hứa phấn đấu để bà vui lòng.

Tả bà ngoại – Mẫu 7

Kí ức tuổi thơ mỗi người có thể là hình ảnh dịu dàng của bàn tay mẹ, là mỗi lần áp lưng ba khi đến trường, là khi ngồi nghe ông kể chuyện kháng chiến, chuyện ngày xưa. Còn tuổi thơ của tôi phong phú hơn nhiều: tôi có bàn tay bà, có câu chuyện của bà, có tình yêu thương và có cả bóng dáng bà tôi. Ngoại đã trở thành tuổi thơ của tôi rồi!

Ai mà chẳng có bà, bạn có thể tự hào về bà bạn, nhưng tôi vẫn luôn tin chắc rằng trên đời này không có ai có đẹp hơn bà tôi được. Tôi chắc rằng như thế đấy!

Giống như bao người bà khác, 76 tuổi, ở cái tuổi này, tóc bà đã bạc nhiều rồi. Khó khăn lắm tôi mới tìm được mấy sợi tóc đen cho bà. Tôi vui lắm, tôi khoe bà nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ không nhổ rồi. Bà tôi dáng người nhỏ con, chiếc lưng kia đã còng xuống nhiều vì những cái cuộc đời vẫn gọi là “một nắng hai sương” và những cái bà gọi là “tình yêu thương” dành cho chúng tôi. Bà tôi thích mặc những chiếc áo màu tím chấm bi hay những chiếc màu xanh, xanh như bầu trời ấy! Tôi không biết cái người ta bảo là “phúc hậu” trên mặt bà là gì. Tôi chỉ thấy rằng khi bà cười trông bà rất hiền. Dù khi ấy, những nếp nhăn trên mặt bà xô lại với nhau, vết chân chim ở mắt kia lại hằn sâu thêm. Nhưng tôi lại thích những nếp nhăn và vết chân chim ấy. Vì có nó, bà mới đúng là bà tôi. Bà tôi có con mắt rất đẹp. Nếu “con mắt là cửa sổ của tâm hồn” thì hẳn tâm hồn bà tôi là đẹp nhất trên đời rồi. Đôi mắt đen láy, hơi nheo lại nhưng mỗi khi nhìn vào đó là tôi lại cảm thấy rất bình yên và hạnh phúc đến lạ thường.

Nhưng tôi vẫn yêu nhất là đôi bàn tay của bà. Những lớp da đã già, nhão dần ra và bọc lấy những mảnh xương yếu ớt của cơ thể. Nhưng đôi tay ấy lại có vẻ rất khỏe mạnh. Chính đôi tay ấy đã gánh bao nhiêu gánh hàng ra chợ và trở về. Đôi tay bê những đồ to lớn. Đôi tay nhóm củi và thổi bếp. Đôi tay ấy đã gây dựng lên cả căn nhà này và nuôi mẹ tôi, các dì tôi ăn học, và giờ là tôi. Nhưng cũng có lúc đôi tay ấy lại rất ấm áp và nhẹ nhàng. Mỗi lúc bà ôm tôi vào lòng, bà vỗ về khi tôi khóc và cả bàn tay vuốt ve cho tôi ngủ những trưa hè oi nóng, những đêm đông lạnh lẽo. Tay bà là chiếc gậy thần kì, là lửa, là nước hay gì mà có sức mạnh vạn năng thế?

Bà tôi rất thông minh. Bà không được học hành nhiều nhưng không có câu ca dao tục ngữ nào mà bà không biết, không một câu chuyện cổ tích ngụ ngôn nào mà bà chưa từng được nghe kể, cũng không một loài cây nào có thể làm khó ngoại. Còn gì hạnh phúc hơn với một đứa trẻ khi được nằm trong lòng bà, tranh với những đứa khác để trả lời, để đoán diễn biến tiếp theo của câu chuyện mà bà đang kể. Bà chưa bao giờ khiến tôi phải buồn, và cả người khác cũng vậy. Bà khiến mọi người luôn phải kính nể, và nói những điều giúp cho mọi người vui vẻ chấp nhận. Thỉnh thoảng, bà nói nhiều một chút. Nhưng không bao giờ những lời đó là thừa cả. Bà luôn suy nghĩ trước khi nói và luôn làm trong âm thầm.

Những người tốt bụng thì sẽ được sống thật lâu để giúp mọi người hạnh phúc phải không nhỉ? Bà tôi cũng sẽ như thế. Ngày xưa, bây giờ và cả mai sau nữa, vẫn sẽ là bà, vẫn mãi là bà trong kí ức tôi, trong cuộc đời tôi.

Tả bà ngoại – Mẫu 8

Trong gia đình, ngoài tình yêu thương của ba mẹ thì người gần gũi, dành nhiều tình yêu thương cho em nhất là bà ngoại. Tuổi thơ của em gắn liền với ngoại. Với em ngoại như bà tiên bước ra từ một câu truyện cổ tích vậy.

Bà ngoại em giờ đã ngoài 70 tuổi. Dấu ấn thời gian như ngày càng rõ nét hơn trên khuôn mặt của bà. Những nếp nhăn trên vầng trán cao, những chấm đồi mồi nơi khóe mắt ngày càng in đậm hơn. Dù vậy, em vẫn thấy bà rất đẹp. Bà có một mái tóc bạc trắng luôn được vấn gọn gàng sau gáy. Đôi mắt bà tuy chẳng còn tinh anh nhưng luôn nhìn em một cách thật dịu dàng và trìu mến. Đôi gò má cao cùng với nụ cười hiền từ khiến cho khuôn mặt bà trông thật phúc hậu. Bà em còn hay ăn trầu. Lúc nhai trầu, môi bà đỏ tươi như là thoa son vậy. Bà có dáng người hơi đậm, bước đi chậm rãi và nhẹ nhàng. Đôi bàn tay của bà đã chai sần đi vì những nhọc nhằn, vất vả. Mẹ em kể : “Xưa nhà mình nghèo lắm, bà đã phải làm lụng sớm hôm, đi làm thuê, đi mót ruộng để nuôi gia đình. Vậy nên, giờ con phải ngoan ngoãn với bà nhé!”. Nghe mẹ kể xong, em càng thương bà hơn.

Từ nhỏ em đã được sống trong tình yêu thương bao la của bà. Những lúc ba mẹ không có nhà, bà chăm sóc em từ miếng ăn đến giấc ngủ. Những lúc em ốm hay quấy khóc, bà đều nhẹ nhàng ở bên dỗ dành em, chăm lo cho em từng li từng tí.Tuổi thơ của em gắn liền với những lời ru êm ả của bà “ À ơi! Cái cò, cái vạc, cái nông…Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò…”

Bà còn dạy em rất nhiều điều bổ ích. Có lần, hồi còn bé, em đang đi thì bị vấp ngã. Em cứ nằm đất ăn vạ chẳng chịu đứng dậy. Bà thấy thế liền đến bên em và bảo: “Cháu của bà, khi bị vấp ngã cháu phải biết tự mình đứng dậy kiên cường và mạnh mẽ. Không được tỏ ra yếu đuối hay trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.Nghe không? Nào! Mau đứng dậy bà xem nào?” Nghe bà nói xong, em liền nín khóc. Chập chững đứng dậy. Bà dạy em biết kính trên nhường dưới, biết vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường kể cho em nghe những câu truyện cổ tích, những tích truyện dân gian như Tấm Cám, Thạch Sanh,Thánh Gióng. Qua những câu chuyện đó bà đã dạy em rằng ở hiền thì ắt gặp lành, lương thiện sẽ gặp người thiện lương, phải có lòng can đảm, dũng cảm và phải có tình yêu với quê hương, gia đình, tình cảm bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.

Em rất yêu và kính trọng bà vì em hiểu tình yêu thương bà dành cho em là vô cùng to lớn. Cả cuộc đời bà đã hy sinh rất nhiều vì con vì cháu. Vậy nên em sẽ cố gắng trở thành một đứa con ngoan trò giỏi để bà được vui lòng.

Tả bà ngoại – Mẫu 9

Em lớn lên trong những câu chuyện cổ tích của bà, những câu chuyện đã cùng em lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn và cũng chứa đựng biết bao tình cảm thương yêu của bà dành cho em. Bà ngoại chính là người em vô cùng yêu mến và kính trọng, ở bà luôn có một tình cảm ấm áp, khiến cho em vui vẻ, hạnh phúc mỗi khi ở bên bà.

Bà ngoại của em năm nay bảy mươi sáu tuổi, mái tóc của bà đã chấm bạc, đôi mắt của bà đã có những nếp nhăn của tuổi già, càng làm cho sự hiền hậu, nhân từ trong đôi mắt bà thêm ấm áp, chan chứa yêu thương. Em rất yêu đôi mắt của bà, bởi lúc nào bà cũng nhìn em bằng ánh mắt nhân hậu, yêu thương nhất, mang lại cho em cảm giác yên bình, chở che như khi còn nhỏ vậy. Bà ngoại em tuy đã lớn tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, những công việc nhà bà vẫn làm rất thành thạo và khéo léo, mỗi lần về thăm bà thì bà ngoại lại làm cho em những món ăn thật ngon như: thịt kho tàu hay sườn xào chua ngọt, không những vậy, bà còn dạy em làm những món ăn đơn giản nên mỗi lần được về thăm bà thì em đều cảm thấy rất vui vẻ.

Khi còn nhỏ, vì bố mẹ em bận công tác nên mẹ em đã gửi em cho bà ngoại chăm sóc, bà đã chăm sóc cho em vô cùng chu đáo, yêu thương quan tâm em từ những thứ nhỏ nhặt nhất, dạy em những điều hay lẽ phải và kể cho em thật nhiều câu chuyện cổ tích thú vị. Bà hay kể cho em về câu chuyện chàng Thạch Sanh dũng cảm giết đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga, hay cô Tấm dịu hiền bước ra từ quả thị, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Những câu chuyện của bà gắn liền với những kí ức tuổi thơ của em.

Bà ngoại là một người vô cùng đảm đang, tháo vát. Khi còn trẻ bà đã vừa lo việc đồng áng, vừa chăm sóc cho năm người con thơ dại, tuổi ăn tuổi lớn, bà em có thể làm được rất nhiều thứ, như bện chổi, đan rổ, làm quạt nan. Bà em rất khéo tay nên những vật dụng mà bà làm ra đều vô cùng đẹp mắt và xinh xắn. Và hiện nay, tuy bà đã lớn tuổi nhưng bà vẫn làm những công việc chăm sóc vườn tược, trồng rau, trồng quả. Bà luôn nói với chúng em nếu không làm gì mà chỉ ngồi một chỗ thì bà rất buồn tay, buồn chân, vì vậy mà bà trồng trọt, chăn nuôi như một thú vui của cuộc sống.

Tuy em không thể thường xuyên về thăm bà ngoại nhưng tình cảm yêu mến của em dành cho bà thì không bao giờ phai nhạt, những kí ức bên bà luôn sống động trong tâm hồn, gợi nhắc về tấm lòng nhân hậu, yêu thương của bà dành cho em. Em mong bà sống thật lâu cùng với chúng em để chúng em có thể yêu thương, phụng dưỡng bà, báo đáp phần nào công ơn dưỡng dục của bà dành cho chúng em.

Tả bà ngoại – Mẫu 10

Ai ai cũng có một người bà để yêu quý, và em cũng vậy. Em cũng có một người bà ngoại thật hiền dịu và luôn quan tâm em, yêu thương em hết mực.

Bà của em năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi rồi. Tóc bà ngoại của em thật đúng như trong bài hát “Bà ơi bà’ mà em đã được học là “tóc bà trắng màu trắng như mây”. Và pha vào những đám mây trắng đó là những đám mây bàng bạc. Lưng của bà cũng đã còng. Làn da của bà đã nhăn nheo khác hẳn với làn da của em. Đôi mắt của bà em cũng đã không còn được tinh nhanh như trước nữa rồi. Mỗi khi lấy đồ gì là bà cũng phải nheo cặp mắt lại. Đôi môi bà cũng đã nứt nẻ nhiều đi. Sức khỏe của bà em cũng không được tốt, có lẽ chính vì tuổi già nên bà càng thêm yếu.

Cả nhà em ai ai cũng yêu quý bà và thường kể những câu chuyện cổ tích, những lời ru dân ca cho em nghe. Mẹ em cũng nói hồi em còn nhỏ mẹ không biết hát ru may mà có bà ngoại dạy, chỉ có hát ru em mới ngủ được. Cho nên em càng lại thêm yêu quý bà hơn rất nhiều. Em như tin vào những câu chuyện cổ tích của bà hay kể cho em. Đó là khi chúng ta sống lương thiện, không dối trá hay giúp đỡ người khác thì chắc chắn rằng một ngày nào đó không xa mình cũng sẽ được hạnh phúc. Em luôn nghe theo lời chỉ bảo của bà và để trở thành con ngoan, trò giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và cả bà ngoại đáng kính mà em yêu quý.

Mặc dù tuổi đã cao, sức cũng yêu nhưng bà em không bao giờ nhờ con cháu làm hộ mình những công việc như giặt quần áo cho mình và cho cả nhà. Bà vẫn cặm cụi giặt mặc dù mẹ em đã nhận hết. Công việc của mẹ cũng bận, bà ngoại vẫn sang nhà em biết điều đó nên bà rất hay làm việc nhà. Mẹ thương bà lắm, thấy bà già yếu mà vẫn lo cho con cháu. Mẹ đã chủ động làm hết tất cả việc, không muốn cho bà làm. Mẹ bảo “mẹ tuổi cao sức yếu, vất vả cả đời rồi, nên mẹ đừng làm nữa hãy để cho chúng con phụ dưỡng mẹ”.

Em rất yêu quý bà ngoại em, em luôn cố gắng chăm ngoan để có thể làm cho bà tự hào về chính em, về đứa cháu của bà.

Tả bà ngoại – Mẫu 11

Tuổi thơ đối với bất kỳ ai cũng là quãng thời gian đẹp đẽ, hạnh phúc. Hạnh phúc bởi sự ngây thơ, hồn nhiên, bởi những điều nhỏ bé mà vô cùng đáng quý. Tuổi thơ của em cũng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, không chỉ bởi vì những điều trên mà còn bởi có một người em luôn kính yêu – bà ngoại.

Bà ngoại của em đã đi hết quãng đường hai phần ba cuộc đời mỗi con người, năm nay bà đã bảy mươi tuổi rồi. Không giống như bà cụ cạnh nhà em, từ những ngày còn lon ton chạy theo chân bà ngoại, em đã thấy bà có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Cái lưng bà theo năm theo tháng đã cong cong xuống, mẹ bảo đó là cái lưng phi thường mạnh mẽ, đã gánh gồng mọi phong ba, chăm sóc, nuôi dạy mẹ và các bác lên người. Tóc bà em trắng như cước, nổi bật trên khuôn mặt trái xoan bé xíu với làn da in hằn dấu vết của thời gian. Mặt của bà đã có nhiều vết chân chim, lan tràn cả nơi khóe mắt. Cái miệng móm mém và hai mắt không còn sáng rõ như trước nữa. Vậy nhưng, ánh mắt hiền từ cùng vẻ mặt hòa ái của bà lại khiến người ta cảm thấy gần gũi, thân thiết.

Đôi tay bà ngoại lộ rõ những khớp xương, nhỏ bé. Ai nghĩ được đôi tay ấy đã nuôi nấng đàn con trưởng thành, xây nhà, dựng cửa và chăm sóc cho từng lớp cháu chắt lớn lên. Em chính là một trong những đứa cháu được bà chính tay bảo bọc, chăm lo từ lúc còn chập chững bước đi. Bà ngoại đã hi sinh cả cuộc đời mình để giữ gìn mái ấm gia đình sau khi ông ngoại mất, ngậm đắng nuốt cay vì con vì cháu. Dáng người nhỏ nhắn mong manh của bà vì con cháu mà kiên cường chống lại giông tố cuộc đời, gian nan vất vả.

Bà của em hiền hậu như những bà tiên trong truyện cổ tích. Dù cho mắt không còn tinh, chân không còn nhanh nhẹn nữa, bà vẫn ngày ngày qua lại giữa các nhà, quan tâm lo lắng cho tất cả con cháu, nội ngoại gái trai không phân biệt đối xử. Bà cẩn thận chăm sóc một mảnh vườn nhỏ, trồng cây nuôi gà. Đến ngày thu hoạch bà lại tất bật đem đến cho từng nhà, khi con cháu khuyên ngăn bà nghỉ ngơi, bà chỉ cười bảo rằng bà thích như thế, ngơi chân ngơi tay bà càng thấy mệt mỏi, bứt rứt không yên.

Bà là người phụ nữ kiên cường, giàu đức hi sinh, là người mà bố mẹ chúng em lẫn mọi người xung quanh kính trọng. Hàng xóm láng giềng kính vì những khó khăn bất hạnh mà bà vượt qua suốt cuộc đời, yêu mến bà tốt bụng, thân thiện. Chỉ cần có người gặp khó khăn, nếu giúp được bà em sẽ không ngần ngại giúp đỡ.

Đối với riêng em, bà là tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc. Bà chăm em từ bé đến lớn, dành tình yêu thương để ru em những giấc ngủ say khi mẹ bận rộn. Những câu chuyện cổ tích nhiệm màu, nhân hậu cũng nhờ giọng kể ấm áp, truyền cảm của bà mà đến với tuổi thơ em. Những đêm trăng tròn vành vạnh, bà bế em trên chiếc võng kẽo kẹt đung đưa, nhẹ nhàng kể về anh Khoai, về cô Tấm…dạy em bao điều mới lạ, sống nhân hậu và yêu thương mọi người…

Thời gian trôi đi, bà em không còn khỏe mạnh như xưa, nhưng tình thương mà bà dành cho con cháu vẫn không hề thay đổi, luôn ngọt ngào và bao la, rộng lớn. Nụ cười hạnh phúc mãn nguyện của bà khi thấy con cháu khỏe mạnh, vui vẻ chính là nụ cười đẹp nhất mà em luôn nhớ mãi không quên.

Em luôn cảm thấy vô cùng may mắn vì được hưởng thụ tình yêu thương và sự bảo bọc của bà. Bà ngoại là người mà em kính yêu nhất. Em sẽ cố gắng sống như những lời bà dạy để không phụ sự kỳ vọng, giáo dục ân cần chu đáo của bà.

Tả bà nội yêu quý của em

Tả bà nội – Mẫu 1

Gia đình em có nhiều thế hệ chung sống với nhau. Ở nhà em người lớn tuổi nhất là ông bà rồi đến bố mẹ em, cô chú của em và hai chị em em. Trong nhà, bà nội là người mà em yêu quý và kính trọng nhất.

Bà nội em năm nay đã gần 60 tuổi rồi. Trước đây bà em từng là một giáo viên Tiểu học. Chính vì là giáo viên nên cách giáo dục của bà lúc nào cũng rất nhẹ nhàng. Bà rất yêu trẻ con và thường hay chơi đùa cùng với chúng em. Có lẽ vì vậy nên nhìn bà trẻ hơn so với tuổi thực. Bà có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to, sáng và sống mũi dọc dừa. Ông em nói hồi trẻ bà đẹp lắm, biết bao nhiêu chàng trai thích bà nhưng cuối cùng bà lại chọn ông. Mỗi lần nghe ông kể chuyện ngày trẻ bà lại cười hiền. Thường ngày bà ăn mặc rất giản dị. Những bộ quần áo bà mặc hơi tối màu. Bà thích nhất là màu tím vì bà nói màu tím là màu của sự thủy chung.

Mặc dù đã về hưu nhưng bà nội dường như chẳng có lúc nào ngơi nghỉ. Bà thường dậy thật sớm vào buổi sáng để quét dọn và nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Bà thương mẹ em như con gái vậy. Bà nói mẹ đi làm vất vả buổi sáng không cần dậy sớm, mọi việc trong nhà cứ để bà lo. Buổi trưa em và em em đi học về cơm nước bà đã dọn sẵn trên bàn, chỉ việc ngồi vào là ăn. Buổi trưa chỉ có 3 bà cháu em ở nhà, bà thường hát ru cho chúng em ngủ trưa rồi đến giờ lại gọi chúng em dậy đi học. Ở trong nhà, ai có chuyện gì buồn phiền là bà biết và hỏi han.

Càng gần gũi với bà em lại càng kính trọng bà hơn. Em sẽ chăm ngoan, học giỏi, vâng lời bà để bà vui lòng.

Tả bà nội – Mẫu 2

Gia đình em là một gia đình lớn, gồm: ông bà nội, ba má, cô út và hai chị em em. Em nhỏ nhất nhà nên trong nhà, ai cũng quan tâm và chăm lo cho em nhiều lắm. Có thể nói, bà nội em là người “đứng mũi, chịu sào” trong việc lo toan vun vén và sắp xếp mọi hoạt động trong nhà và cũng là người gần gũi và quan tâm đến em nhiều nhất. Em yêu quý và kính trọng nội em vô cùng.

Năm nay, bà nội em năm mươi chín tuổi. Bà nội đã nghỉ hưu được bốn năm rồi. Khi chưa nghỉ hưu, nội em là giáo viên bậc Tiểu học gần nhà. Khi chưa nghỉ hưu, nội em rất trẻ và rất đẹp. Năm ấy, nội năm lăm tuổi mà chưa ai đến nhà nói đúng tuổi nội. Bà nội đứng bên cạnh mẹ em, trông như hai chị em. Chẳng ai nghĩ đó lại là mẹ chồng với nàng dâu. Năm nay, bà nội 59 tuổi. Tuy lớn tuổi nhưng trông bà nội em vẫn rất trẻ. Ai cũng nói nội em chỉ khoảng 50 tuổi là cùng. Nội em có khuôn mặt trái xoan, có sống mũi dọc dừa, đôi mắt to, lông mày đậm hơi cong tự nhiên, không tỉa tót nên rất đẹp. Bà nội em ăn mặc giản dị nhưng rất nền nã. Nội em toàn chọn những màu hơi tối như tím than, xanh dương đậm, tím đậm. Có lẽ da nội trắng nên mặc những màu đó, bà nội càng trẻ, càng đẹp hơn. Khi còn đi dạy học, nội em thường đi giày màu đen hoặc nâu. Khi ở nhà, bà nội em đi đôi dép lê màu đen hoặc trắng.

Từ ngày nghỉ hưu, suốt ngày bà nội em chẳng chịu nghỉ ngơi mà lúc nào cũng luôn tay. Có thể nói, nội em là người của công việc. Buổi sáng, nếu mẹ em đi làm ca thì bà nội là người lo mọi công việc của một người nội trợ như quét dọn, nấu nướng, giặt giũ. Vì thế, đi học về, hôm nào em cùng có sẵn cơm ngon, canh ngọt. Khi làm hết mọi việc trong gia đình, bà nội lại nghĩ ra nhiều món ăn mới. Nội ghi ghi, chép chép cách nấu để ngày chủ nhật liền đó thế nào cả nhà cũng có một bữa ăn với những món ăn rất ngon bà nội đã tự sáng chế ra. Thương bà nội vất vả, em luôn tranh thủ thời gian để giúp nội những việc lặt vặt trong nhà như quét dọn nhà cửa, đánh ấm chén.

Bà nội em sống rất nghĩa tình và tốt bụng. Bà con lối xóm ai cũng nể trọng bà và luôn lấy bà nội em ra làm tấm gương để dạy bảo con cháu.

Với em, bà nội còn là nơi em gửi gắm niềm vui, nỗi buồn. Có những chuyện em không thể tâm sự được vợi mẹ nhưng lại có thể nói với bà. Những lúc ấy, bà nội em quả thực là điểm tựa tinh thần vững chắc cho em.

Nội em đúng là người phụ nữ có vẻ đẹp truyền thống. Nội đẹp về ngoại hình, đẹp về tâm hồn và cũng rất đẹp trong những việc làm. Em vô cùng yêu quý, kính trọng và biết ơn bà nội của em. Em sẽ luôn chăm học, chăm làm, hiếu thảo với bà nội để bà vui, bà sống lâu trăm tuổi cùng con cháu.

Tả bà nội – Mẫu 3

Chắc hẳn các bạn ai cũng có bà, em cũng vậy và bà nội là người cao tuổi nhất trong gia đình em. Bà luôn dạy bảo những điều hay lẽ phải cho con cháu. Em rất yêu quý và kính trọng bà.

Bà em năm nay đã gần tám mươi tuổi. Lưng bà còng vì vậy đi đâu bà cũng phải chống gậy. Da của bà nội em nhăn nheo có nhiều chấm đồi mồi. Tóc bà đã bạc rất nhiều tuy vẫn nhưng mắt bà em vẫn còn rất tinh. Những buổi trưa em ngồi nhổ tóc bạc cho bà, hai bà cháu nói chuyện rất vui vẻ. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn thích đọc báo. Mỗi lần như vậy bà lại phải đeo kính lão và khi đọc xong bà em lau chùi chiếc kính cẩn thận và cất vào tủ. Mẹ em kể khi em và em của em còn bé, bà nội chăm sóc chúng em rất chu đáo nhất là những lúc mẹ vắng nhà. Đêm ngủ vì nhớ mẹ không ngủ được nên bà đã kể chuyện cổ tích và hát ru cho chúng em nghe. Bà hát hay lắm, bà kể chuyện cũng hay, nghe bà hát mà em đã ngủ từ bao giờ không biết. Bây giờ bà yếu hơn rồi chúng em cũng không còn nhỏ nữa, mỗi khi trái gió trở trời em lại xoa bóp tay chân cho bà em. Bà mỉm cười trìu mến. Em rất yêu quý bà em không chỉ vì bà là người cao tuổi nhất trong gia đình mà còn là vì bà luôn dạy chúng em những điều hay lẽ phải, phải biết kính trên nhường dưới, phải thật thà, làm sai phải xin lỗi và luôn ngoan ngoãn nghe lời ông bà cha mẹ. Sau giờ học em lại mong thật nhanh về nhà để kể chuyện ở lớp, ở trường cho bà nghe.

Bà thật tuyệt vời, em mong bà em luôn khỏe mạnh, sống lâu để em mãi được ở bên bà được nhổ tóc sâu cho bà và được bà chỉ bảo, dạy dỗ.

Tả bà nội – Mẫu 4

Trong gia đình tôi có rất nhiều người, nhưng người tôi yêu mến và kính trọng nhất là bà nội tôi.

Năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà còn rất khỏe. Da bà nhăn nheo, ngăm đen. Phải chăng đó chính là dấu của thời gian. Khác với những người bà cùng tuổi, bà tôi có mái tóc đen, dài, lúc nào cũng được búi gọn sau gáy. Vầng trán cao, đôi mắt to đã có phần mờ đục. Đặc biệt nụ cười với hàm răng nhuộm đen làm bà thêm phúc hậu. Đôi bàn tay của bà xương xương với những vết chai sần vì làm lụng vất vả. Bà ăn mặc rất giản dị, nhiều khi chỉ là những bộ đồ nâu đã cũ. Mỗi khi mẹ tôi biếu tiền bà để mua quần áo, bà thường lắc đầu và bảo: “Mẹ già rồi, không cần nhiều quần áo, con để tiền đó lo cho bọn trẻ”.

Bà nội tôi rất thích chăm sóc cây xanh. Sáng sáng, bà thường tự tay tưới tắm và bắt sâu cho cây. Một lần, cái Anh, em họ tôi hỏi bà: “Bà ơi, tại sao bà quý những cái cây này thế. Có khi nào bà yêu chúng hơn bọn cháu không?”. Bà nhìn chúng tôi, bảo: “Sao thế được, tất nhiên là bà phải yêu các cháu bà hơn rồi. Những cái cây này chỉ là thú vui của bà thôi. Đây là những cái cây ông để lại khi mất. Bà thay ông chăm sóc chúng”.

Bà rất yêu chúng tôi. Hồi tôi còn bé, bà đã thay mẹ, chăm bẵm tôi từng li từng tí. Hằng đêm, bà đưa tôi vào giấc ngủ qua những khúc hát ru. Mỗi lần tôi ốm, bà xuống chăm nom tôi để mẹ đi làm. Bà ngồi bên giường, dỗ dành, đút cho tôi từng thìa cháo nhỏ. Suốt những năm tuổi thơ, tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà.

Sau này, khi không còn ở bên tôi thường xuyên nữa nhưng cứ mỗi lần xuống nhà tôi chơi, bà lại mang rất nhiều quà

quê lên cho tôi và hàng xóm láng giềng. Ai cũng yêu quý và kính nể bà. Bà rất nhân hậu. Có lần, nhìn thấy một em bé ăn xin từ xa, bà vội bước lại cho bé tiền và bảo bé đi mua gì ăn cho đỡ đói. Đợi em đi khỏi, bà nói với tôi: “Cháu đã nhìn thấy em đó chưa? Bà đoán chắc em bé đó chỉ tầm tuổi cháu thôi, thế mà đã phải ra đường ăn xin. Thật tội nghiệp. Nếu từ nay về sau, cháu gặp ai cơ nhỡ, khó khăn, cháu nhớ giúp người ta. Họ cũng là người như chúng ta, chẳng qua cuộc sống của họ không được may mắn, cháu không bao giờ được kì thị, chế giễu người ta”.

Vì rất yêu quý bà nên tôi rất thích được về quê. Tôi chỉ mong luôn được gặp bà, được nghe những câu chuyện cổ tích của bà, được nằm trong lòng bà, thiu thiu ngủ qua tiếng ru à ơi của bà. Tôi rất yêu bà, Tôi mong sẽ không bao giờ phải xa bà.

Tả bà nội – Mẫu 5

Chuông đồng hồ đều đặn buông chín tiếng. Màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Chỉ còn âm thanh của gió khua xào xạc trong khu vườn trước ngõ. Em rời bàn học bước ra sân, vươn vai hít thở không khí trong lành để cố xua đi cơn buồn ngủ. Còn hai bài tập Toán nữa, phải cố làm cho hết. Từ giường bên, có tiếng trở mình khe khẽ. Bà nội vẫn thức để chờ em.

Bà nội em năm nay hơn bảy mươi tuổi, dáng gầy guộc và lưng đã hơi còng. Dấu ấn thời gian in rõ trên mái tóc bạc phơ và trên gương mặt nâu rám hằn sâu những vết nhăn của bà. Mắt bà đã hơi mờ nhưng đôi tai vẫn còn tinh lắm. Chỉ nghe bước chân hay giọng nói từ xa là bà đã nhận ra đúng từng người trong gia đình. Cũng vì quen với công việc nhà nông quanh năm vất vả từ thời trẻ nên cho đến nay, bà vẫn còn khỏe mạnh, dẻo dai. Những lúc bố mẹ em ra đồng, một mình bà lo đi chợ, nấu cơm, chăm sóc bầy gà, bầy lợn. Ít khi em thấy bà ngồi yên một chỗ. Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác cuốc ra vườn, cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, bón phân cho mấy luống rau và hơn chục gốc na, gốc bưởi.

Bà hay kể chuyện. Em rất phục trí nhớ của bà. Ngày xưa bà chỉ được học ở trường làng, thế nhưng bà lại thuộc lòng Truyện Kiều, Nhị độ mai, Phạm Công Cúc Hoa, Đồng tiền Vạn Lịch,… cùng với bao nhiêu là ca dao và truyện cổ. Những trưa hè gió nồm nam mát lộng, bà mắc võng ở chái nhà, nằm đung đưa vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ngâm nga hát.

Em nghe mấy cụ già bảo rằng hồi con gái, bà là một “liền chị” quan họ nổi tiếng trong vùng. Con cháu, họ hàng và làng xóm rất quý bà vì bà hiền lành, phúc hậu. Ai gặp khó khăn cần đến bà là bà sẵn sàng giúp đỡ, chẳng quản sớm khuya. Bà thường khuyên con cháu thương người như thể thương thân và đối xử với láng giềng phải có tình có nghĩa. Học bài xong, em thu xếp sách vở cho vào cặp, cài cửa, tắt đèn rồi nhẹ nhàng chui vào màn. Bà nằm dịch sang bên nhường chỗ cho em. Hơi ấm tỏa ra từ người bà rất dễ chịu. Em vòng tay ôm lấy lưng bà, thủ thỉ: “Bà ơi! Cháu đấm lưng cho bà nhé! “. Bà mắng yêu: “Bố chị! Để bà chờ mãi! Thôi, ngủ đi, mai dậy sớm mà đi học! “.

Em yêu bà lắm và mong bà nội mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu.

Tả bà nội – Mẫu 6

Trong gia đình, người em yêu quý nhất là bà nội của em. Bà đã lo lắng, chăm sóc cho em từ khi em mới chào đời. Bà luôn dành cho em tình yêu thương ấm áp. Em luôn trân trọng và biết ơn những tình cảm bà đã dành cho em.

Bà em năm nay đã ngoài 70, mái tóc bạc phơ như bà tiên ông bụt trong những câu chuyện cổ tích bà hay kể cho em nghe. Khuôn mặt bà hiền từ, phúc hậu. Vầng trán bà cao, hiện lên trên đó là những nếp nhăn dài. Em nghĩ, mỗi nếp nhăn trên gương mặt bà chính là những vất vả, khó mà bà đã trải qua suốt bao năm tháng. Tuy bà đã già, mắt đã kém nhưng đôi mắt ấy mỗi lần nhìn em vẫn ánh lên sự trìu mến, ấm áp lạ thường.

Bà em lưng đã còng, tóc đã bạc ấy mà bà vẫn rất nhanh nhẹn. Với đôi bàn tay khéo léo, bà thường chăm chút khu vườn trước nhà em rất tỉ mỉ. Từ những bụi hồng gai, hoa cúc, hàng râm bụt bà thường tưới nước hàng ngày cho chúng. Đặc biệt, bà em rất thích giàn thiên lí trước cổng nhà. Dưới giàn hoa thiên lí ấy, bà đã kể cho em nghe rất nhiều truyện cổ tích, thế giới của cô Tấm, chị Hằng, chú Cuội cứ hiện ra trước mắt em, qua từng lời kể ấm áp của bà. Những ngày lễ, tết bà hay cùng mẹ chuẩn bị những món ngon cho cả gia đình. Cả nhà em ai cũng thích món bánh giò bà làm, từng lớp bột mịn, trong cùng nhân bánh mềm béo ngậy được bà khéo léo gói cẩn thận qua vỏ lá chuối. Nhìn đôi bàn tay, gầy gầy xương xương cẩn thận gói từng chiếc bánh, em như thấy tình yêu thương bà dành cho con, cho cháu gửi gắm qua những chiếc bánh đơn sơ mộc mạc ấy.

Tuổi thơ của em được sống bên bà, được bà chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ em thấy mình thật may mắn. Không những thế, bà còn dạy cho em cách ứng xử phải biết kính trên nhường dưới, thấu hiểu những đạo lí tốt đẹp ở đời. Mỗi lần kể cho em nghe câu chuyện nào đó, bà luôn nhắc nhở em phải ghi nhớ những lời ông cha ta đã răn dạy, phải biết yêu thương, đùm bọc giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn.

Em cảm thấy mình rất hạnh phúc vì có người bà tuyệt vời, bà đã dành cả tình yêu bao la của mình cho con cháu. Bà đã gieo vào lòng em những hạt mầm của sự yêu thương, đùm bọc bằng chính tấm lòng nhân hậu của mình. Em chỉ mong bà luôn vui khỏe để hằng ngày em có thể cùng bà chăm sóc cho vườn cây trước nhà, và nghe những câu chuyện bà kể.

Tả bà nội – Mẫu 7

“Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu học, bà chăm cháu làm”

(“Bếp lửa”- Bằng Việt)

Không hiểu sao mỗi lần đọc lời thơ của Bằng Việt, trong lòng tôi lại xốn xang bao cảm xúc và nghĩ về người bà kính yêu của mình. Bà đã bên tôi, nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành bằng tình yêu, sự chở che và bao dung nhất….

Bà nội tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi rồi. Dáng người bà đã hơi còng xuống vì bao vất vả, lo toan cho con cháu, cho gia đình rồi. Gương mặt bà tròn, phúc hậu với bạc tóc bạc trắng như cước luôn được bà vấn gọn gàng sau một vành khăn nên trông bà cứ như một bà tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích. Nước da bà đã ngả màu, cùng những vết đồi mồi trên làn da bà như phản chiếu rằng cuộc đời này, mọi thăng trầm bà đã chứng kiến cả rồi. Mắt bà đã không còn tinh tường như xưa mà ngày càng mờ dần đi. Nhưng ánh mắt bà vẫn trìu mến và âu yếm dành cho tôi và mọi người như ngày nào. Mỗi khi bà cười, những nếp nhăn trên gương mặt lại dãn ra. Giọng của bà ấm áp lắm, giọng nói ấy đã ru tôi ngủ bên cánh võng trong những đêm hè oi nồng và đưa tôi vào thế giới cổ tích với mọi điều thánh thiện và tràn ngập những ước mơ.

Bà luôn dành tình yêu thương cho tôi và chị tôi vô điều kiện. Đi đâu xa, bà đều mua quà phần chị em tôi, có gì ngon, bà cũng đều dành cả. Bà còn dạy tôi những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, dạy tôi biết phân biệt phải trái, đúng sai rõ ràng, biết cách sống để trung thực với chính mình, sống để trở thành người giàu tình yêu thương, đặc biệt là sống không phải chỉ là cho riêng mình mà còn biết sống vì gia đình và vì mọi người xung quanh. Bà cũng rất nghiêm khắc với tôi, mỗi khi tôi làm sai điều gì, bà đều nghiêm khắc nhắc nhở để tôi không tái phạm. Ở nhà, mặc dù bà đã già rồi, bố mẹ cũng nhắc tôi không nên để bà làm nhiều nhưng bà vẫn làm những việc vặt trong gia đình vì bà bảo rằng nếu ngồi chơi, bà cũng thấy chán. Với mọi người xung quanh, bà luôn nhã nhặn, giúp đỡ mọi người chỉ cần đó là việc bà có thể làm. Bà còn tham gia vào các hoạt động của thôn, xóm rất nhiệt tình nữa.

Bà mãi là bà tiên của lòng tôi. Bà ở đó, dang rộng vòng tay yêu thương, chở che cho tôi, khiến tôi bình an và hạnh phúc. Dù chưa bao giờ nói với bà rằng tôi yêu bà nhưng bà sẽ mãi ở trong tim tôi.

Tả bà nội – Mẫu 8

Bà nội, đó là hai tiếng gọi thân thương mà tôi được gọi, có biết bao nhiêu người không còn bà để mà gọi và tôi thấy tôi thật hạnh phúc khi được có bà nội trên đời này. Bà không chỉ đơn giản là mộ người bà nội mà bà còn là tri ân tri kỉ của tôi. mọi chuyện tôi đều nói với bà, tâm sự với bà và cho tôi những lời khuyên bổ ích. Bà như cơn mưa mùa hạ tưới mát tuổi thơ tôi.

Bà nội tôi trải qua một cuộc đời lam lũ vất vả người phụ nữ sinh ra trong bom đạn vì thế bà càng thêm sức dẻo dai chịu đựng. Bà tôi có khuôn mặt mà tôi thấy người ta khen là phúc hậu. Cuộc đời trải qua biết bao khó nhọc những lúc chạy giặc bà phải ngụp trong nước dấu mình trong bèo kể cả những đoạn mương sông bẩn thỉu nhất. Sau đó khi về nhà chồng nội tôi một tay nuôi dưỡng bố và các bác của tôi trong khi đó ông nội tôi còn đang bận công tác ngoài thủ đô. Một mình chăm sóc bảy người con tôi thấy nội tôi thật khỏe khoắn. Thế nhưng giờ đây, nội tôi bị tai biến mạch máu não thật bất công cho những gì bà phải trải qua, sự hi sinh hay tấm

Mặc dù đã tám mốt tuổi thế nhưng trông bà tôi vẫn trẻ như hồi còn sáu mươi. Ai vào cũng phải khen nước da hồng hào trắng khỏe, khuôn mặt nội giờ không còn được trẻ trung đẹp đẽ như thuở xưa nữa mà thay vào đó là những những nếp nhăn chằng chịt. Nghe bố tôi nói rằng nội tôi ngày xưa xinh lắm, đẹp lắm và cho đến bây giờ cái tuổi xế bóng chiều tôi vẫn thấy nội tôi rất đẹp. Đó là vì nước da trắng vốn có của nội, là mái tóc tuy đã ở cái tuổi tám mốt nhưng lại chỉ điểm vài sợi trắng trên đầu. khi gội đầu thì không còn nhìn thấy những sợi trắng đó nữa. Mái tóc dài ngày xưa của bà được cắt ngắn đi cho gọn gàng và dễ gội. Khuôn mặt ấy vẫn phúc hậu như ngày nào nhưng lại thật là đáng thương khi khuôn mặt ngày càng béo ra, không phải vì béo tốt mà là do bệnh. Nói đúng hơn là bị phù mặt nhưng vết nám chấm to như những mụn ruồi xuất hiện trên mặt của bà. Mắt của bà híp lại , đôi lông mày rụng hết phần dưới đi,mi mắt cũng rụng còn lại những sợi mi ngắn cũn. Điều đó không làm bà xấu đi mà làm bà đẹp hơn vì sau căn bệnh ấy bà vẫn đẹp vẫn trẻ như vẫn còn sáu mươi.

Dáng hình của nội tôi giờ đây vì bệnh mà béo lên, nhưng khổ nỗi bà chỉ béo mỗi phần bụng còn chân tay thì lại gầy gò. Không kể đến cánh tay bên phải bị liệt, bà không thể tự xúc cơm được nữa mà phải có người súc cho. Còn gì khổ hơn khi mất đi một cánh tay, tôi thương bà tôi nhiều lắm cả cuộc đời tu nhân tích đức mà đến cuối đời lại không thể sống một cuộc sống an lành. Nhiều khi uất ức nội tôi khóc như trẻ con, những nếp nhăn xô lại và những giọt nước mắt tràn ra trên hai gò má. Cái miệng mếu xệch đi trông mà không kìm được nước mắt, gặp người thân đi xa về bà càng khóc nhiều hơn. Mỗi đêm bà dậy đi vệ sinh tôi tỉnh giấc nghe thấy những hơi thở khó khăn của bà mà chạnh lòng nghĩ bản thân chưa làm được gì cho bà. Cứ mỗi lần đứng lên ngồi xuống là cả một sự khó nhọc của bà ngay cả khi lật mình khi ngủ nữa.

Bà tôi cơ cực vậy đấy và giờ đây tôi yêu thương bà hơn bất cứ điều gì, cả cuộc đời ấy tôi sẽ cố gắng giúp cho bà vui mỗi ngày. Mai này lớn lên tôi sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho những người bà thoát khỏi căn bệnh quái ác kia.

Tả bà nội – Mẫu 9

Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.

Bà nội em năm nay đã gần 80 tuổi. Đôi mắt bà đã mờ đục, mái tóc đã bạc và mỏng đi nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà em đều cảm thấy xót xa, cố gắng chải nhẹ nhàng nhất có thể. Làn da của bà đã hằn in bao dấu vết của thời gian, nhăn nheo, chảy xệ và điểm cả những đốm đồi mồi.

Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em.

Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.

Bà là người mà em vô cùng yêu quý. Em mong bà mạnh khỏe, sống thật lâu với các con các cháu. Em sẽ học thật giỏi, thật ngoan, thường xuyên ở bên bà để bà vui lòng.

Tả bà nội – Mẫu 10

Từ thời ấu thơ, chính là cánh cò trong lời ru của bà vỗ cánh qua nôi đã nuôi em lớn lên, chính là những câu chuyện bà kể mỗi đêm trăng sáng đã chắp cánh cho tâm hồn em đến những vùng đất kì diệu, và cũng chính là từng lời bà vỗ về đã xoa dịu đi những nỗi buồn trẻ con. Bà đi cùng quãng đời tuổi thơ trong sáng, nên hình ảnh bà luôn in sâu vào tâm trí của em.

Bà em năm nay đã ngoài 70 tuổi. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. 70 năm đời người đã in dấu trên mái tóc của bà màu trắng như mây- mái tóc pha sương pha gió của cả một đời lam lũ vất vả. Trên gương mặt bà đã hằn lên vết chân chim, đặc biệt là ở vầng trán và khóe mắt, mà mỗi khi bà cười em đều yêu và gọi chúng là những chiếc “cầu vồng đất”. Tuy vậy, đôi mắt bà còn rất sáng, bà vẫn hay ngồi tự làm những công việc như xâu chỉ vào kim mà không cần nhờ đến người giúp đỡ. Hai hàm răng bà đen vì thường xuyên nhai trầu. làn da bà nhăn nheo, đầy những chấm đồi mồi. Em yêu hơn cả là đôi tay gầy gò, nổi rõ những đường gân xanh, yêu tấm lưng còng đã gánh vác bao công việc nặng nhọc của cả một đời người.

Phần lớn thời gian ở nhà bà dành để chăm lo cho bữa cơm của gia đình hàng ngày. Mỗi khi đi học về em lại muốn sà vào mâm cơm đã thưởng thức ngay những món ăn bà nấu. Bà quan tâm và biết khẩu vị của từng người, bà nấu bằng cả tình yêu thương nên ăn một bữa cơm bà nấu ai cũng thấy ngon miệng. Thỉnh thoảng bà vẫn dạy em nấu cơm, quét dọn làm việc nhà. Bà từng dặn: con gái lớn, phải làm được việc nhà để đỡ đần cha mẹ. Nghiêm khắc có mà nuông chiều em cũng có Tình yêu của bà là những đồng quà tấm lòng bà để dành, cho em mỗi khi em đi học về, là những đêm trong kí ức thời thơ bé lờ mờ hình ảnh bà thức may cho em chiếc áo. Thời gian rảnh rỗi bà thường cùng các bạn già đi chùa thắp hương và đi tập thể dục. Bà rất thân thiện và hay giúp đỡ hàng xóm nên được nhiều người yêu quý.

Bà nội là người em vô cùng yêu quý, là tấm gương mà em luôn muốn noi theo. Em tự hứa với mình sẽ học hành thật chăm chỉ, thật ngoan ngoãn để bà vui lòng.

Tả bà nội – Mẫu 11

Người mà em yêu quý nhất trong gia đình là bà nội của em. Bà là người luôn luôn chăm sóc, chia sẻ và bảo ban em nhiều điều.

Bà em năm nay đã ngoài 80, dáng người nhỏ, lưng hơi còng. Mái tóc bà được búi gọn sau gáy, bạc trắng như những sợi cước nhìn thật là đẹp. Mỗi khi đi ra ngoài, bà hay đội thêm một chiếc mấn màu đen truyền thống như những người phụ nữ Việt Nam ta xưa. Bà có một gương mặt phúc hậu và hiền từ. Trải qua bao sóng gió của cả một đời người, nước da bà đã nhiều những nếp nhăn tuổi tác, nhưng nhìn vẫn thật hồng hào. Đôi mắt bà nhỏ, 80 năm cuộc đời, giờ đây không còn nhìn rõ nữa, mỗi lần đứa nào vào chơi, bà chỉ nhận ra qua tiếng chào, nếu muốn nhìn mặt phải đến thật gần. Em rất thích nụ cười của bà, nụ cười ấm áp và nhân hậu. Mỗi khi bà cười, để lộ hàm răng đen nhuộm từ thời chống Pháp, ấy là vẻ đẹp đặc trưng của bà. Dù tuổi đã cao, nhưng nhờ có lối sống lành mạnh và yêu đời, bà vẫn rất khỏe mạnh, điều đó làm em rất vui. Bà rất thích trồng rau, lên chùa, ngồi uống nước chè tươi và nói chuyện cùng các cụ. Bà cũng hay nhóm bếp, nướng mấy củ khoai củ sắn đào về từ ngoài vườn, mỗi khi có đồ gì ngon, bà đều chia hết cho các cháu. Các bác trong nhà bảo bà già rồi cứ ngồi nghỉ ngơi, nhưng bà không chịu, bà bảo ngồi không ngứa chân ngứa tay không chịu được. Em rất thích nghe bà kể truyện cổ tích, những câu chuyện ngày xưa về ông bụt bà tiên, cứ buổi tối, hai bà cháu lại mang chiếu ra hiên nằm kể chuyện, bà mồm bỏm bẻm nhai trầu, cháu chăm chú lắng nghe, cười khúc khích. Thuở nhỏ, cha mẹ đi làm bận bịu, bà là người chăm sóc và bảo ban em nhiều điều, bà dạy em biết điều gì đúng, điều gì sai, dạy em làm việc nhà, trồng cây và những điều tưởng chừng rất bình dị trong cuộc sống. Những lời dạy bảo của bà luôn thật ý nghĩa và sâu sắc, cả đời em không bao giờ quên được.

Em rất yêu quý bà của em. Em mong bà sẽ luôn vui vẻ, sống thật lâu cùng với gia đình mình để em được bà dạy bảo và yêu thương bà nhiều hơn nữa.

Tả bà nội – Mẫu 12

Gia đình em là một gia đình lớn, nhiều người gồm: ông bà nội, ba má, cô út em của ba và hai chị em em. Em là người nhỏ nhất nhà nên trong nhà, mọi người ai cũng để ý, quan tâm và chăm lo cho em nhiều lắm. Có thể nói về bà nội em là người lo lắng vun vén và bố trí mọi hoạt động trong nhà và cũng là người gần gũi và quan tâm, để ý tới em nhiều nhất. Em yêu mến và kính trọng bà nội em rất nhiều.

Năm nay, bà nội em đã gần sáu mươi tuổi. Bà nội đã nghỉ hưu để lo toan việc nhà được năm năm rồi. Khi chưa nghỉ hưu, nội em là giáo viên bậc Tiểu học ở gần nhà. Lúc chưa nghỉ hưu, nội em rất trẻ và vô cùng xinh đẹp. Năm đấy, nội năm lăm tuổi mà chưa ai tới chơi nhà có thể đoán đúng tuổi nội. Bà nội đứng bên cạnh mẹ em, trông giống như hai chị em. Chẳng người nào nghĩ đấy lại là mẹ chồng đối với nàng dâu. Năm nay, bà nội sau mươi tuổi. Tuy tuổi đã cao nhưng trông bà nội em vẫn rất trẻ. Người nào cũng nói nội em chỉ khoảng năm mươi tuổi là nhiều. Nội em có mặt mài tròn trịa, có sống mũi dọc dừa, đôi mắt to tròn và lông mày đậm trông cong rất tự nhiên, ít tỉa tót nên rất đẹp. Bà nội em ăn mặc đơn sơ giản dị tuy nhiên vô cùng nền nã. Nội em toàn chọn những màu sắc tương đối tối màu như đen, xanh dương đậm, tím than. Có lẽ da nội trắng nên mặc những màu ấy, bà nội càng trẻ trung, càng đẹp hơn. Lúc còn đi dạy học ở trường, nội em thường thường đi giày màu đen hoặc nâu. Còn khi ở nhà, bà nội em đi đôi dép lê trong nhà màu đen hoặc trắng.

Từ ngày nghỉ hưu ở nhà, cả ngày bà nội em chẳng chịu nghỉ xả hơi mà khi nào cũng luôn tay. Có thể kể, nội em là người của công việc. Buổi sáng, ví như mẹ em đi làm ca thì bà nội là người lo mọi công việc của một người nội trợ như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ…. do đó, đi học về, hôm nào em cũng có sẵn cơm ngon, canh ngọt trên bàn. Khi làm hết mọi việc trong gia đình, bà nội lại nghĩ ra các món ăn mới cho phong phú. Nội ghi ghi, chép chép cách thức nấu ăn để nhằm các ngày chủ nhật liền đó thế nào cả nhà cũng có một bữa ăn với những món ăn rất ngon và đẹp mắt bà nội đã tự sáng tạo ra. Thương bà nội nặng nhọc, em luôn tranh thủ thời gian nhằm giúp đỡ nội các việc vặt vãnh trong nhà giống như thu dọn đồ dùng bừa bãi, dọn dẹp nhà cửa, rửa ấm chén,…

READ  Hướng dẫn cài đặt game Rồng Thần Huyền Thoại trên máy tính

Bà nội em sống rất tình nghĩa với mọi người xung quanh và thật thà tốt bụng. Bà con hàng xóm người nào cũng nể trọng bà và luôn lấy bà nội em để làm tấm gương để dạy bảo các con cháu.

Với em, bà nội còn là nơi em chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Có các chuyện em không thể tâm sự được với mẹ tuy nhiên lại có thể kể với bà. Những khi ấy, bà nội em quả thật là điểm tựa vô cùng vững chắc cho em.

Nội em đúng là người phụ nữ có vẻ đẹp những truyền thống. Nội em không những đẹp về ngoại hình, mà cũng rất đẹp trong nhiều việc làm, tâm hồn. Em rất yêu, Kính trọng và rất biết ơn bà nội của em. Em sẽ luôn cố gắng chăm học, chăm làm, hiếu thảo với bà nội nhằm bà vui, bà sống lâu trăm tuổi cùng con cháu.

Tập làm văn lớp 5: Tả người bà yêu quý của em gồm dàn ý chi tiết, cùng 32 bài văn miêu tả người bà, giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, tích lũy thêm vốn từ để tả bà nội, bà ngoại hay hơn!

Thông qua 32 bài văn tả bà lớp 5 này, sẽ giúp các em có thêm ý tưởng, nắm được cách trình bày một bài văn hoàn chỉnh để hoàn thành bài văn tả người thân của mình đạt kết quả cao. Vậy mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Mobitool:

TOP 32 bài văn tả bà lớp 5 hay nhất

  • Dàn ý tả người bà yêu quý của em
  • Tả bà của em (9 mẫu)
  • Tả bà ngoại yêu quý của em (11 mẫu)
  • Tả bà nội yêu quý của em (12 mẫu)

Dàn ý tả người bà yêu quý của em

I. Mở bài: Giới thiệu người định tả.

  • Bà ngoại là người mà em yêu nhất và cũng là người chăm sóc và cưng chiều em nhất.

II. Thân bài:

a) Tả hình dáng:

– Bà bao nhiêu tuổi, khoẻ hay yếu, có những nét gì đặc biệt?

(Bà năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Bà thường mặc áo bà ba trắng với quần dài đen rất giản dị)

– Những biểu hiện của tuổi già qua mái tóc, nếp nhăn trên mặt, ánh mắt, miệng, răng, da dẻ, dáng đi.

– Dáng người nhỏ nhắn, thanh tú.

  • Mái tóc dài nhưng bạc phơ giống như những bà tiên trong truyện cổ tích. Khuôn mặt có nhiều nếp nhăn, mỗi khi bà cười những nếp nhăn đó hằn lên rất rõ.
  • Đôi mắt bà còn rất sáng.
  • Nước da đã chuyển sang màu nâu có điểm những chấm đồi mồi.
  • Bàn tay nổi rõ những đường gân xanh.

b) Tả tính tình:

– Những thói quen và sở thích của bà: mặc dù đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn thích làm việc nhà (quét nhà, nấu cơm). Bà thích ăn trầu mặc dù chỉ còn vài cái răng. Bà thích trồng cây và chăm sóc cây cối trong nhà.

– Mối quan hệ của bà với con cháu, hàng xóm.

(Bà là người yêu thương con cháu, chăm sóc chúng tôi từng li từng tí, dạy chúng tôi những điều tốt, điều hay. Bà thường kể truyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Đối với hàng xóm bà cư xử rất tốt, ai cũng yêu mến bà).

III. Kết bài: Tình cảm của em đối với bà.

Em yêu quý bà, mong bà sống thật lâu, thật khoẻ mạnh. Em cố gắng học giỏi để bà vui lòng.

Tả bà của em

Bài văn tả bà – Mẫu 1

Em lớn lên không chỉ với những lời dạy nghiêm khắc của ba mẹ, những bài học lí thú của thầy cô mà còn với những lời ru à ơi ngọt ngào, những câu chuyện cổ tích huyền ảo, những vỗ về thương yêu hết mực của bà.

Em mới yêu quý bà làm sao! Người bà đã ngoài sáu mươi của em vẫn ngày đêm lắng lo cho con cháu. Bà chẳng còn vẻ trẻ trung như trong ảnh thuở bà đôi mươi, giờ bà mập mạp đúng như một “quý bà”. Làn da trắng mịn giờ đây toàn những nếp nhăn. Mỗi khi nở nụ cười, những nếp nhăn khẽ xô lại. Em thầm nghĩ, có lẽ đó là dấu tích của thời gian, của bao sự hi sinh, nhọc nhằn. Mái tóc bà đã gần “trắng như mây” như lời bài hát nào đó em vẫn từng hát. Mùa đông, bà thường búi tóc rồi quấn một chiếc khăn để giữ ấm. Gương mặt bà tròn đầy, phúc hậu. Khuôn miệng móm mém mỗi lúc nhai trầu. Vì bà thường ăn trầu nên hàm răng bà đã nhuộm một màu đen. Bà kể, hồi bà con gái đã nhuộm răng đen nên giờ răng càng đen nhánh. Em thích nhất những câu chuyện cổ tích bà kể. Mỗi chiều hè nóng nực, bà ngồi quạt cho chúng em nằm ngủ, kể những câu chuyện cổ tích thần kì, thế giới có cô Tấm hiền hậu bước ra từ quả thị, có chàng dũng sĩ Thạch Sanh giương cung bắn đại bàng, có cây tre dài tách ra thành từng đốt,…

Em biết bà rất yêu thương chúng em. Cho tới bây giờ, những lời ru ầu ơ ngọt ngào, trìu mến vẫn còn vang vọng trong tâm trí em. Em ước nguyện bà luôn mạnh khỏe để kể cho chúng em nghe nhiều câu chuyện kì thú hơn nữa, để ru những khúc ca ngọt ngào hơn nữa.

Bài văn tả bà – Mẫu 2

Trong gia đình, người mà em yêu quý nhất đó là bà của em. Bà là người gần gũi với em, chăm lo cho em từ thuở em mới lọt lòng. Bà ru em bằng những lời ru êm dịu.

Bà em năm nay đã già rồi, mái tóc đã bạc phơ vì bươn chải với thời’ gian. Khuôn mặt đầy đặn, đẹp lão. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Em nghĩ rằng, mỗi nếp nhăn trên gương mặt bà là một chuỗi ngày dài vất vả. Đôi mắt bà không còn tinh anh nữa nhưng đôi mắt ấy thật dịu hiền khó tả. Đôi mắt đầy yêu thương, trìu mến.

Tuy lưng hơi còng nhưng bà đi lại rất nhanh nhẹn. Đáng chú ý nhất là đôi tay khéo léo của bà. Đôi bàn tay ấy đã chai sần, những ngón tay gầy gầy, xương xương nhưng bà làm biết bao nhiêu là việc. Bà rất thích lao động, ít nghỉ ngơi. Bà thích làm bánh, nấu ăn, dọn dẹp đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp.

Những ngày thơ ấu, em được sống trong tình yêu bao la của bà. Bà bao giờ cũng yêu quý và chăm sóc em. Bằng những câu ca dao ru hò êm ái, những câu chuyện cổ tích li kì, bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng. Bà yêu thương tất cả mọi người, hay giúp đỡ người nghèo khó. Bà mong em học giỏi, thành tài. Bà dạy em những điều hay, lẽ phải. Bà nhắc nhở em phải biết đạo lí, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiện điều nhân nghĩa để giáo dục em.

Tấm lòng nhân hậu của bà đã làm tâm hồn em thêm phong phú, đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên. Gia đình em ai cũng thích bà, làm theo điều mong muốn của bà. Em vẫn thường tha thẩn theo bà, lúc quét nhà, khi nhặt rau, múc nước giúp bà. Em thầm mong sao cho bà em đừng già thêm nữa.

Bài văn tả bà – Mẫu 3

Tuổi thơ của em được nuôi dưỡng bởi những câu hát ru à ơi với cánh cò trắng trên những cánh đồng, với những nàng tiên, ông Bụt trong câu chuyện cổ tích ngàn đời, với những bài học đối nhân xử thế làm người từ người bà kính yêu – người mà em yêu mến và kính trọng nhất trong gia đình.

Bà em là một người phụ nữ hiền hậu, một người phụ nữ nông dân chân chất thật thà. Đôi tay bà đầy những vết nhăn và những vết đồi mồi bởi sương gió của thời gian. Ông em nói khi bà còn trẻ, đôi tay ấy không phải là đôi tay thon dài mềm mịn như những người phụ nữ khác mà ở trên đầu ngón tay là những vết chai do làm việc, những vết cắt đứt tay. Nhưng ông lại yêu đôi bàn tay đó lắm bởi đó là đôi bàn tay lao động, là dấu ấn chứng minh rằng bà đã vất vả làm việc thế nào vì gia đình, vì chồng con.

Bà em đã cao tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Có lẽ bởi bà hay tập thể dục đều đặn mỗi ngày nên bà vẫn có thể đi lại bình thường, làm những việc nhỏ trong nhà dù rằng bố mẹ em đã rất nhiều lần bảo bà để đó cho con cháu làm. Mái tóc của bà đã không còn dày và đen như ngày xưa nữa, mà giờ đây, những sợi tóc đã chuyển sang màu bạc trắng như cước, đã thưa đi rất nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà, em lại buồn vô cùng, bởi cứ mỗi sợi tóc rụng xuống thì thời gian bà ở cạnh em lại giảm bớt đi.

Bà giống như là một kho tàng truyện cổ tích và những câu ca dao vậy. Những ngày còn bé, nằm trong vòng tay ấm áp của bà, trước khi đi ngủ em đều đòi bà kể chuyện và hát ru cho em nghe. Những câu chuyện của bà không chỉ hay mà còn chứa đựng những câu chuyện bài học làm người, chính những bài học ấy đã dạy em lớn khôn nên người. Giọng của bà ngọt ngào và dịu dàng như giọng ca xứ Huế thơ mộng, chính giọng hát ấy đã cùng những câu ca đưa em vào trong giấc mơ cùng những cánh cò trắng trên cánh đồng, cùng hình ảnh những con người nông dân bình dị gần gũi, những chú trâu tung tăng ra đồng mỗi sớm mai.

Bà rất thích trồng cây, đặc biệt là trồng rau. Mảnh vườn nhỏ của nhà em vẫn luôn để trống dưới bàn tay của bà lại trở thành một vườn rau xanh mát với đủ loại rau khác nhau, trong đó có rất nhiều loại rau em thích nữa: rau thơm, rau muống, rau ngót. Bà nói bây giờ thực phẩm ngoài chợ không đáng tin, nhất là rau nên trồng rau thế này vừa giết được thời gian mà nhà vừa có rau sạch để ăn. Không chỉ vậy, khi rau tươi tốt, bà còn hái mang đi cho hàng xóm mỗi nhà một ít. Món quà không phải là giá trị gì nhưng lại chứa đựng sự quan tâm và tấm lòng chân thành của bà.

Em thích nhất là mỗi dịp Tết đến, bà lại cùng ông chuẩn bị lá dong để gói bánh chưng. Những chiếc bánh chưng vuông vắn mềm dẻo vô cùng ngon được bà cẩn thận làm từ khâu làm nhân đến khâu luộc bánh. Mỗi năm khi cùng bà ngồi trông nồi bánh chưng, bà lại kể em nghe câu chuyện về ngày Tết, về bánh chưng bánh dày, về cây nêu, về pháo đỏ, chợ Tết khiến em vô cùng thích thú. Đặc biệt, bà là người bà vô cùng yêu thương con cháu.

Mỗi lần em ốm, bà đều ở bên lo lắng chăm sóc cho em, khuyên em uống thuốc, nấu cháo cho em ăn. Bà tỉ mỉ và chu đáo giống như “người mẹ” thứ hai của em vậy. Khi em ở nhà, bà luôn giục em đi làm bài, để việc đó bà làm hộ cho. Mỗi lần bố mẹ em bảo bà để cho em làm thì bà lại cười và bảo lại rằng: “Bà già này còn khỏe lắm, tụi bây cứ để cho nó học. Mấy việc cỏn con này thì cứ để đó cho bà, chứ chơi mãi cũng buồn.” Nghe lời bà nói, em lại tự nhủ bản thân phải cố gắng học tập thật tốt, đạt nhiều thành tích cao để bà vui lòng và cũng không phụ công ơn và tình yêu thương của bà dành cho em.

Em yêu bà em nhiều lắm! Bà chính là động lực để em cố gắng học tập tốt hơn. Em mong bà sẽ sống lâu trăm tuổi để sum vầy hạnh phúc cùng con cháu.

Bài văn tả bà – Mẫu 4

Em được sống trong một gia đình đầy ắp tình thương và sự hòa thuận. Cả nhà, người được kính yêu nhất là bà. Với em, bà là cơn mưa mùa hạ tưới mát cho tuổi thơ của em.

Bà đã ngoài bảy mươi tuổi, như cổ nhân thường nói đây là tuổi “xưa nay hiếm”. Bà đã già nhưng vẫn nhanh nhẹn và dai sức lắm. Khuôn mặt thanh tú của bà in đầy các vết nhăn của thời gian và sự lo âu, vất vả. Bà trông như cây mai gầy guộc, mảnh mai nhưng rắn rỏi, vững vàng. Mái tóc bà đã sớm bạc trắng, đôi mắt thì nheo nheo nhưng ánh mắt vẫn sáng và nhân từ. Đôi tay của bà gầy guộc, các đường gân và mạch máu nổi rõ lên, nhưng vẫn nhanh nhẹn lo toan được đủ việc trong gia đình. Mẹ vẫn thường nói với em, cả đời bà vất vả quá, khi trẻ lo toan việc nhà để chồng yên tâm đi chiến đấu, nay lại chăm sóc gia đình để các con phấn đấu vươn lên, rồi bà lại chăm chút các cháu để chúng trưởng thành. Vậy là bao nhiêu gánh nặng gia đình một mình bà gánh vác hết. Ở trong nhà, bà luôn là trung tâm hòa giải mọi chuyện, bà thường nói: “Chuyện trong nhà, cứ lớn thì coi là nhỏ, mà nhỏ thì coi như là không có thì mọi chuyện sẽ êm đẹp cả thôi!”. Tôi vừa yêu quý bà lại vừa thương bà. Nhiều lúc tôi chỉ muốn ngã vào lòng bà và nói: “Bà ơi, cháu yêu bà lắm!”. Bà tôi nhiều tuổi nhưng rất chăm tập thể dục buổi sáng. Bà cứ chê lũ trẻ chúng tôi học nhiều mà lại ham ngủ, ít tập tành. Việc nhà nhiều vậy mà bà tôi vẫn tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Bà tham gia Hội phụ nữ phường, Hội hòa giải, Hội từ thiện. Ai ai cũng quý mến bà, có việc gì mọi người thường tới hỏi và nghe bà phân tích. Bà tôi không khéo nói, nhưng bà nói lại hợp tình hợp lí nên dễ thuyết phục mọi người. Vừa rồi, nhà bác hàng xóm sơ ý bị cháy, bà kêu gọi mọi người giúp đỡ để vượt qua khó khăn buổi đầu. Tôi thật sự tự hào về bà mình. Bà sống giản dị và khiêm nhường. Những bữa cơm của gia đình em dưới tay bà thật ấm cúng. Bà khéo chiều lòng được cả nhà với những món ăn bình dân nhưng ngon lành, sạch sẽ. Nhà có máy giặt nhưng bà vẫn động viên mọi người giặt tay rồi hãy cho vào máy. Bà bảo như thế sạch hơn.

Kỉ niệm sâu sắc nhất là lần em bị sốt dịch. Trong trạng thái nóng sốt li bì, em phải đi viện một tuần. Bà luôn ở bên em, mỗi lần bừng tỉnh em thấy đôi mắt lo âu của bà, những cử chỉ âu yếm, nhẹ nhàng, những lời động viên, an ủi của bà hình như có sức mạnh hơn thuốc. Em bình phục dần, và lúc đó mới thấy có vài ngày mà đôi má bà hõm sâu, mái tóc bà bạc thêm nhiều. Lòng xúc động sâu sắc, em nắm chặt tay bà nghẹn ngào không nói nên lời.

Em có nhiều “mẹ” quá, mẹ ở nhà này, ở trường này và bà luôn bên cạnh em. Em tự nhủ lòng mình phải cố gắng sao cho khỏi phụ lòng những “Người mẹ” của mình, phải học giỏi và ngoan để vui lòng họ. Em vô cùng yêu quý và biết ơn bà. Bà sẽ mãi mãi là người em kính yêu nhất. Em mong bà mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu. Bà ơi, bà bình thường thôi mà sao thật là vĩ đại!

Bài văn tả bà – Mẫu 5

Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.

Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyện cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con. Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể.

Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: “Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi” luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.

Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà lấy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém: “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”.

Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi. Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà. Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà. Bà thích chăm sóc cây cảnh, Sáng sáng, bà dậy sớm tưới cây trên sân thượng. Những chồi non, nụ hoa không phụ công chăm sóc của bà, luôn tưng bừng khoe sắc thắm. Những lúc rảnh rỗi, bà ngồi ngắm không biết chán những cái cây đang dần dần lớn lên. Tối tối, khi đi ngủ, bà thường kể chuyện cho tôi. Nghe các câu chuyện của bà, tôi như được hóa thân vào các nhân vật, khi thì là cô Tấm dịu hiền, khi lại là cô tiên tốt bụng.

Bà mua cho tôi rất nhiều sách, nhờ đó kiến thức của tôi được rộng mở hơn. Giờ đây, khi Hà Nội vào đông lạnh giá, ở nơi xa, tôi luôn lo bà có mặc đủ ấm không, bà ngủ có ngon giấc không. Tôi mong bà sống mãi bên tôi. Bà ơi, cháu yêu bà nhất trên thế gian này. Bà là người bà tuyệt vời nhất.

Bài văn tả bà – Mẫu 6

Với tuổi thơ mỗi người, trong tâm trí luôn tồn tại bóng hình của một người quan trọng, một người nuôi lớn tâm hồn ta bằng những câu hát ru, những câu chuyện cổ tích thần tiên. Đó là người bà đáng kính.

Bà em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, cái tuổi không còn trẻ khỏe nữa mà là cái tuổi của vầng trăng xế chiều. Bà có mái tóc bạc trắng, dài trông bà hiền từ như bà tiên bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Đôi mắt của bà đã có những nếp nhăn của tuổi già, càng làm cho sự hiền hậu, nhân từ trong đôi mắt bà thêm ấm áp, chan chứa yêu thương. Đôi mắt ấy luôn tiếp cho em bao động lực niềm tin vững vàng hơn trong cuộc sống. Mỗi khi bà cười những nếp nhăn ấy lại hằn rõ trên khuôn mặt. Gương mặt bà hiền từ, phúc hậu, đôi khi có chấm những đồi mồi. Đôi tay bà đầy những vết nhăn và những vết đồi mồi bởi sương gió của thời gian. Có lẽ đôi bàn tay ấy là do bà làm lụng vất vả vì gia đình, chăm sóc cho con cháu. Bà ngoại em tuy đã lớn tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, những công việc nhà bà vẫn làm rất thành thạo và khéo léo.

Bà em có giọng nói dịu dàng và hiền hòa. Mỗi lần bà hát ru cho em nghe hay kể chuyện cổ tích, em lại như được bước vào trong thế giới huyền diệu bởi giọng nói của bà thế nên em cứ thích nghe bà kể chuyện mãi mà không biết chán. Hằng đêm, bà thường kể cho em biết bao câu chuyện. Bà nhắc nhở em phải biết đạo lí, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiện điều nhân nghĩa để giáo dục em. Cũng nhờ câu chuyện của bà kể mà em cảm thấy tâm hồn thư giãn và dễ chịu hơn rất nhiều. Hồi còn bé, bà thay mẹ chăm sóc em, nuôi em, dạy dỗ bảo ban từng li, từng tí. Lớn lên bà, bố mẹ em đi làm xa, bà lại ở cùng với hai chị em em, giúp đỡ mọi công việc cho gia đình.

Bà em có sở thích trồng rau và những cây cối trong nhà. Chỉ có một mảnh vườn nhỏ mà bà trồng được biết bao nhiêu loài cây. Những loài cây bà trồng đều chứa đựng biết bao tình yêu thương trong đó bởi bà chăm sóc chúng rất chu đáo. Bà không nguôi tay chân lúc nào, khi rảnh bà còn ngồi đan rổ rá rất khéo. Cũng nhờ có bàn tay của bà mà cửa của gia đình em lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ.

Em rất hạnh phúc khi được sống với bà. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của người bà đáng kính biết nhường nào.

Bài văn tả bà – Mẫu 7

Em lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ, em lớn lên trong sự dạy bảo nghiêm khắc của cha và em cũng lớn lên trong cả những câu chuyện cổ tích của bà nữa. Và trong tất cả những người thân trong gia đình, bà chính là người mà em vô cùng yêu quý và cũng hết mực kính trọng – người đã mở cánh cửa thần tiên đưa em vào thế giới cổ tích xinh đẹp.

Bà em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, cái tuổi của một vầng trăng xế chiều. Bà có nước da hồng hào cùng khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Bà có mái tóc ngắn rất mỏng, thuần một màu cước trắng. Ông em nói ngày còn trẻ, tóc bà dày và dài lắm, giống như một thác nước vậy. Trông bà hiền hậu như một bà tiên bước ra từ trong những trang truyện cổ tích. Trên khuôn mặt phúc hậu có những chấm đồi mồi bé, bà bảo ai có những chấm ấy trên mặt thì sẽ sống được rất lâu.

Đôi mắt của bà đã sớm phủ một lớp sương mờ của thời gian nhưng chỉ cần đeo kính lên là bà nhìn rõ lắm. Trong đôi mắt ấy là cả một khoảng trời yêu thương bà dành cho con cháu, nó như biết nói biết cười, biết an ủi, biết sẻ chia mỗi khi chúng em buồn và biết cổ vũ mỗi khi chúng em vui. Bà em có giọng nói dịu dàng và hiền hòa. Mỗi lần bà hát ru cho em nghe hay kể chuyện cổ tích, em lại như được bước vào trong thế giới huyền diệu bởi giọng nói của bà.

Từ ngày còn bé cho đến tận bây giờ, em chưa thấy bà nổi nóng mắng ai hay cãi nhau với ai cả. Bà em hiền nhưng cũng rất nghiêm khắc, mỗi khi em mắc lỗi bà thường nhẹ nhàng chỉ ra lỗi lầm để em sửa sai chứ không đánh mắng em. Gọn gàng và sạch sẽ là một trong những đức tính tính tốt đẹp của bà, bà lúc nào cũng luôn miệng nhắc nhở em phải giữ cho phòng ốc gọn gàng, sạch sẽ thì khi bị mất thứ gì đó việc tìm lại sẽ không mất nhiều thời gian và công sức.

Bà em có sở thích trồng hoa và lên chùa tụng kinh niệm phật. Bà bảo Đức Phật luôn dạy người ta phải biết tích đức, hướng thiện tránh làm điều xấu xa, vậy nên chiều nào bà cũng cùng các già làng tay đeo tràng hạt, mặc áo dài nâu vào chùa. Ngôi nhà nhỏ nhắn của gia đình em cũng nhờ bàn tay khéo léo của bà mà luôn tràn ngập hương thơm cùng ánh sáng mặt trời, những bông hoa với đủ màu sắc khác nhau tô điểm: hoa nhài màu trắng tinh khôi như những bông tuyết khi mùa đông tràn về, những nàng hoa hồng nhung kiều diễm tự hào khoe bộ váy rực rỡ của mình dưới ánh nắng mặt trời.

Bà em còn có sở thích đan khăn cùng mũ len cho mỗi người thân trong gia đình khi đông đến, mùa đông lạnh thật lạnh mà được quàng trên cổ chiếc khăn len bà đan thì ấm áp biết bao, giống như vòng tay của bà đang âu yếm ôm lấy mình vậy. Bà em là một nhà tư vấn tâm lí đích thực đấy nhé, người trong xóm ai có chuyện vui chuyện buồn gì đều sang chia sẻ với bà em để tìm lời giải đáp cho vấn đề của mình. Có lẽ bởi vì bà là người ngoài cuộc nên thấy rõ những điều mà người trong cuộc sẽ chẳng bao giờ có thể nhìn thấy. Mỗi khi ai có chuyện buồn, đau ốm bà đều đến tận nơi thăm hỏi động viên, món quà dù không nhiều nhặn gì, chỉ là cân cam hay chục trứng nhưng mọi người đều hiểu rõ đó là tất cả tấm lòng chân thành bà dành cho họ.

Em từng có một lần, chỉ một lần duy nhất làm bà buồn lòng, đó là làm vỡ chiếc lọ hoa mà ông nội rất quý, tuy bà đã không trách cứ khi em thành thực nhận lỗi nhưng em có thể cảm nhận được nỗi buồn của bà. Em đã tự hứa với bản thân mình sẽ luôn cố gắng ngoan ngoãn hơn để bù đắp phần lỗi lầm ngày hôm ấy.

Em yêu bà em nhiều lắm, em chỉ mong bà có thể mạnh khỏe mà sống thật lâu với con, với cháu để em có thể một lần nữa nằm vào trong lòng mà nghe bà kể những câu chuyện dân gian từ thời xa xưa.

Bài văn tả bà – Mẫu 8

Em sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, trong sự che chở yêu thương của ông bà. Em rất yêu quý các thành viên trong gia đình nhưng có lẽ người mà em yêu quý nhất là bà của em.

Bà em năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đã sắp vào cái tuổi xế chiều nhưng dáng người bà vẫn thẳng, bước đi còn rất nhanh nhẹn. Mái tóc dài mượt đã điểm màu hoa râm, được bà búi lên gọn gàng bằng chiếc búi màu nâu nhạt. Khuôn mặt phúc hậu hiện lên với làn da bánh mật. Đôi mắt bà đã không còn rõ như trước nữa, mỗi khi đọc sách bà phải dùng kính mới có thể nhìn rõ được. Thế nhưng nó vẫn chứa đựng tình yêu thương sâu sắc dành cho con cháu. Phía chân mắt đã hiện lên vài dấu chân chim. Mỗi khi sà vào lòng bà, nhìn lên đôi mắt ấy, em mới xót xa nhận ra rằng bà em đã già rồi. Bà là con người hiền dịu, nụ cười tươi hiền hậu luôn hiện lên trên đôi môi của bà. Thế nhưng em luôn làm bà buồn lòng, làm cho nụ cười ấy nhiều khi mang theo tia lo âu. Mỗi lần như vậy, bà không mắng chửi, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo em lần sau không được phạm lỗi như vậy nữa nhưng em vẫn nhìn thấy trong đôi mắt đã mờ của bà một tia buồn bã, thất vọng. Em chỉ có thể tự nhủ sẽ không làm bà buồn lòng như thế lần nữa.

Cả cuộc đời bà đã hi sinh cho con cháu, vất vả nhiều năm để nuôi nấng con khi mà ông mất sớm. Đôi bàn tay gầy gầy xương xương cũng đã có nhiều nếp nhăn. Làn da cũng đã xuất hiện những vết đồi mồi. Thế nhưng gần cuối cuộc đời, bà vẫn không nghĩ cho mình. Có cái gì ngon cũng để dành cho cháu. Mỗi lần em về chơi, bà đều mua đồ ăn ngon, đồ chơi cho em bằng những đồng tiền dành dụm ít ỏi từ việc nuôi gà trồng rau. Mỗi buổi tối gió mát trăng thanh, em thường cùng bà ngồi ngoài sân, nằm trong vòng tay ấm áp của bà, lắng nghe giọng nói trầm ấm nhẹ nhàng kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích. Bà đưa em vào giấc ngủ với những giấc mơ tuyệt đẹp, em được bước vào thế giới cổ tích với chàng Thạch Sanh dũng cảm xuống hang cứu công chúa, cô Tấm chăm chỉ, ngoan ngoãn, nơi cái thiện chiến thắng cái ác,… Từ câu chuyện ấy, bà dạy cho em cách làm người, những bài học ý nghĩa.

Em rất yêu quý bà của mình. Câu chuyện của bà đã dạy em rất nhiều điều, dạy em trở nên tốt hơn từng ngày.

Bài văn tả bà – Mẫu 9

Trong gia đình, ngoài ba mẹ, bà là người em yêu quý nhất. Tình yêu thương của bà luôn dành hết cho con, cho cháu nhưng bà luôn yêu quý em hơn cả- đứa cháu gái bé bỏng của bà.

Bà em năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Dáng người bà nhỏ nhắn, bà không còn đi lại nhanh nhẹn như ngày xưa, mà bây giờ cây gậy luôn dìu bà bước từng bước chậm rãi, vững vàng. Lưng bà hơi còng có lẽ bởi gánh nặng mưu sinh suốt cả đời người đã đè nặng lên dáng hình bà. Đôi mắt bà không còn tinh tườm như trước nữa nhưng ánh nhìn của bà vẫn hiền từ, trìu mến như ngày nào. Gương mặt bà xuất hiện những chấm đồi mồi, nếp nhăn qua ngày tháng. Em không biết rằng đôi khi mải chơi, không nghe lời bà khiếm bà phiền lòng, em đã thêm một nếp nhăn trên gương mặt phúc hậu ấy khi để bà lo âu, suy nghĩ về mình. Em yêu nhất mái tóc bạc trắng như cước của bà. Sao lúc nào áng tóc ấy của mượt mà, gọn gàng và thoang thoảng hương thơm dìu dịu của hoa bưởi, trái bồ kết. Giọng nói của bà trầm ấm, bà thường nói chuyện từ từ và nhã nhặn khiến người đối thoại cảm thấy thoải mái. Đôi lúc em hờn dỗi, bà nhẹ nhàng nựng em; Lúc em làm sai điều gì, giọng nói của bà nghiêm nghị hơn mà nó khó giấu nổi nét buồn hiện trên ánh nhìn của bà. Bà em vẫn giữ phong tục ăn trầu, bà nói rằng làm như vậy răng sẽ chắc hơn. Không chỉ thế, mỗi sớm bà thường dậy trước cả nhà một chút để pha trà. Điều đó dường như trở thành nếp sống của bà.

Với gia đình,bà luôn cố gắng vun vén cho cuộc sống của con cháu. Bà thường giúp bố mẹ em một số công việc nhà và để em có thêm thời gian học hành. Bà em thường ngăn nắp trong bộ quần áo nâu bình dị,chân chất. Đức tính cần cù, chịu thương,chịu khó khiến bà mặc dù lớn tuổi, bà vẫn dành thời gian cuốc xới, chăm chút cho mảnh vườn nhà. Bởi ba mẹ em thường đi làm xa nên bà luôn bên em. Bà tỉ mỉ và cẩn thận chỉnh sửa những lời nói, tác phong của em một cách tế nhị, nó giúp em trưởng thành hơn từ những lời bà nhắc nhở. Mỗi tối trước khi đi ngủ, em đều háo hức đợi chờ bà kể chuyện. Bà em là một kho tàng kiến thức về truyện cổ tích hay ca dao, với giọng nói thân thương như có sức mạnh kì diệu bà đưa em đến với thế giới thần kì. Khi nằm bên bà, bàn tay gầy gầy, xương xương của bà thường vuốt ve làn tóc mỏng của em. Những trưa hè oi ả, bà lặng yên phe phẩy chiếc quạt nan để em yên giấc ngủ. Em lớn khôn mới hiểu được tình yêu thương nhiều khi được thể hiện một cách bình dị như thế.

Với họ hàng làng xóm, bà luôn niềm nở chân thành tiếp đón và trong xã giao, bà luôn được mọi người tôn trọng. Em chưa thấy bà gây xích mích với ai bao giờ, bà nói rằng làm như vậy mình sẽ sống thanh thản hơn. Tính khí ương bướng của em không còn nữa bởi những lời bảo ban và cách sống của bà làm gương cho em noi theo.

Em luôn yêu mến và kính vọng bà. Em thầm hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt và vâng lời bà để bà được vui lòng và tự hào về em.

Tả bà ngoại yêu quý của em

Tả bà ngoại – Mẫu 1

Em được lớn lên trong các câu chuyện cổ tích của bà, nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa đã giúp em lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn và cũng chan chứa biết bao tình cảm yêu mến của bà dành cho em. Bà ngoại là người bà mà em vô cùng yêu mến và hết mực kính trọng, bên cạnh bà em luôn cảm thấy có một tình cảm ấm áp, khiến em vui vẻ, hạnh phúc mỗi lúc ở bên.

Bà ngoại em năm nay gần tám mươi tuổi, tóc của bà đã chuyển sang màu trắng cước, đôi mắt của bà đã có các nếp nhăn xung quanh do của tuổi già, nhưng nó càng làm cho mắt bà càng thêm ấm áp, tràn ngập yêu thương. Đôi mắt bà luôn cho em cảm giác ấm áp, bởi lúc nào bà cũng nhìn em bằng ánh mắt thương yêu nhất, đem lại cho em cảm giác nhẹ nhàng, yên bình và chở che như khi còn nhỏ vậy. Bà ngoại em tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn vô cùng khỏe mạnh, nhiều công việc nhà bà vẫn làm vô cùng thành thục và khéo léo, mỗi khi có dịp về thăm bà thì bà ngoại lại nấu cho em những món ăn thật ngon như: thịt kho nước dừa hay sườn xào chua cay…, không những vậy mà bà còn dạy cho em tự làm những món ăn đơn thuần nên mỗi lần được về thăm bà thì em đều cảm thấy rất vui trong lòng

Khi còn nhỏ, vì bố mẹ em bận công tác nên mẹ em đã gửi em cho bà ngoại chăm nom, bà đã chăm sóc cho em rất ân cần, yêu thương để ý em từ các thứ vặt vãnh nhất, dạy em nhiều điều hay lẽ phải và đọc cho em thật những câu chuyện cổ tích thú vị. Bà hay kể cho em về câu chuyện chàng Thạch Sanh can đảm giết đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga, hay cô Tấm thùy mị bước ra trong khoảng quả thị, nàng Bạch Tuyết, cô bé lọ lem… Những câu chuyện của bà gắn liền với những kí ức tuổi thơ của em. Bà ngoại là một người vô cùng tháo vát. Khi còn trẻ bà đã vừa lo việc đồng áng, vừa chăm sóc cho năm người con thơ dại, tuổi ăn chưa no lo chưa tới, bà em có thể làm được rất nhiều thứ hữu dụng khác giống như đan rổ rá, làm quạt mo,… Bà em vô cùng khéo tay nên những đồ vật mà bà làm ra đều rất đẹp mắt và dễ thương. Và bây giờ, tuy bà đã tuổi đã cao nhưng mà bà vẫn làm những công việc trông nom vườn tược, chăn nuôi, trồng hoa quả…Bà luôn nhắc với chúng em ví như không làm gì mà chỉ ngồi một chỗ thì bà rất buồn tay, buồn chân, vì vậy mà bà trồng trọt, chăn nuôi giống như một thú vui của cuộc đời.

Tuy em chỉ có thể về thăm bà ngoại những dịp đặc biệt như lễ tết hay hè nhưng tình cảm yêu quý của em dành cho bà sẽ luôn trong tâm trí em, các kí ức bên bà luôn sống động trong tâm hồn, gợi nhắc về tấm lòng hiền từ, thương yêu của bà dành cho em.

Em mong bà sống thật lâu cùng chúng em để khi lớn lên chúng em có thể yêu thương, phụng dưỡng bà, đền đáp phần nào ơn dưỡng dục của bà dành cho chúng em

Tả bà ngoại – Mẫu 2

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều ta không thể nào biết hết và cũng không thể nào ngờ tới. Cuộc sống là một cái gì đó rất bộn bề, nhiều khi làm ta mệt mỏi và căng thẳng. Chính những lần như thế, ta cần đến một chốn bình yên để trở về. Nơi ấy là nhà. Và với tôi, nơi ấy còn có người bà kính yêu của mình…

Cuộc đời bà dường như là một đời vất vả, lam lũ. Hơn bảy mươi mùa xuân đã qua đi là bằng ấy năm bà dành tình yêu thương cho con cháu của mình. Mẹ tôi kể rằng, ngày xưa, bà cũng là một thiếu nữ tuổi mười tám, hai mươi xinh, lúc ấy, bà như một bông hoa nở rộ. Nhưng thời gian đã cướp đi tất cả. Giò đây, lưng bà đã còng xuống. Mưa nắng, sương gió cuộc đời và những toan lo hiện rõ trên gương mái tóc bà- mái tóc bạc trắng như cước. Làn da của bà nhăn nheo, những lúc bà cười, những nếp nhăn ấy như hằn sâu hơn…

Tuy tuổi đã cao, nhưng bà lại rất minh mẫn. Cuộc đời sương gió tuy vất vả nhưng cũng cho bà sự từng trải. Bà cũng đọc sách rất nhiều, vì vậy bà như một kho tàng tri thức không bao giờ vơi cạn. Khi tôi còn tấm bé, bởi bố mẹ đi làm xa, bà trông tôi. Khi ấy, tôi thấy điều gì mới mẻ, tôi cũng hỏi bà, nào là ‘” vì sao trời lại mưa”, “ vì sao con cá lại bơi dưới nước”… Những câu hỏi ấy tôi không thể nào nhớ hết nhưng tôi nhớ rằng bà đã kiên nhẫn giải thích tất cả cho tôi…

Khi tôi lớn lên, tôi được sống trong những câu chuyện cổ tích của bà. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện về cô Tấm xinh đẹp, về chàng Thạch Sanh dũng mãnh… Sau mỗi một câu chuyện đó, tôi lại như hiểu hơn về thế giới này, đồng thời, qua những câu chuyện đoa, bà còn dạy tôi những bài học làm người…

Lớn hơn lên chút nữa, khi tôi có những hoài bão, những dự định cho riêng mình, bà lại nói với tôi rằng: thế hệ ông bà và bố mẹ con ngày trước, điều kiện không được tốt như bây giờ, cho nên con hãy sống để trở thành người tử tế, sống để biết yêu thương nhiều hơn, và hãy sống thật có ích…Lời bà nói sao mà thấm thía!

Có món gì ngon bà cũng đều phần tôi. Hình như tôi là đứa cháu út nên có phần được thiên vị hơn! Bố mẹ tôi đi làm vất vả, thỉnh thoảng, bà còn làm việc nhà, dọn dẹp nữa… Bố mẹ và tôi thương bà lắm… Cuộc đời này, có phút nào bà được yên lòng đâu…

Bà ơi! Cuộc đời của mỗi người là hữu hạn. Nếu có một ước mơ, tôi sẽ ước rằng bà sẽ sống thật lâu bên tôi để cho tôi được sống mãi với miền cổ tích, với những điều giản dị mà có ý nghĩa…

Tả bà ngoại – Mẫu 3

Đối với em tình bà cháu là không thể thiếu được. Bà dù chỉ là một tiếng gọi đơn sơ ấy thôi, nhưng rất thân thương gần gũi với em ngay từ khi còn chập chững tập đi.

Hình ảnh bà ngoại luôn in sâu trong tâm trí của em. Một người bà hiền từ nhân hậu. Bà em năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Dáng người bà nhỏ nhắn, hơi gầy, với mái tóc đã có nhiều sợi bạc. Lưng bà hơi còng xuống nhưng bà đi lại vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Mắt bà em không còn tinh tường nhưng cái nhìn hiền hậu của bà đầy yêu thương trìu mến. Khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn. Trên vầng trán của bà, dường như mỗi nếp nhăn thể hiện một nỗi khắc khổ, mất mát bà phải trải qua. Mỗi khi bà cười những nếp nhăn đó lại hằn lên rất rõ.

Những ngày ấu thơ, em được sống trong vòng tay yêu thương của bà. Bà bao giờ cũng quý, cũng chăm sóc, cũng yêu thương em. Những bài hát ru em dịu của bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng. Bằng chất giọng trầm ấm, bà kể chuyện rất hấp dẫn, đã bao lần bà đưa em lạc vào xứ sở cổ tích với những nàng tiên, cô tấm dịu hiền. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn thường đỡ đần những công việc vặt trong gia đình. Bố mẹ em thường nghiêm cấm chúng em không được để bà làm bất cứ công việc gì dù nhỏ nhất.

Tuy vậy, bà em vẫn thường dậy sớm để quét sân, quét nhà, có khi bà còn nhặt rau nấu cơm. Bà nói: “Bà làm được cứ để bà làm cho vui”. Em rất hạnh phúc khi được sống cùng bà ngoại. Em sẽ ghi nhớ những lời khuyên của bà, cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn để xứng đáng cháu yêu của bà.

Tả bà ngoại – Mẫu 4

Cả thời thơ ấu, em sống gần bên bà ngoại. Được bà chắt chiu nuông chiều, nên hơn ai hết, em kính yêu ngoại vô cùng.

Ngoại em, năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi. Vóc người cao cao. Tuy lưng hơi còm nhưng bà vẫn đi lại bình thường. Tóc ngoại em đã rụng nhiều, lơ thơ phần trắng hơn phần đen. Bà thường ăn trầu nên môi lúc nào cũng thắm đỏ. Mắt bà không sáng lắm, nhưng khi đeo kính, bà vẫn vá được cho em những lỗ áo do đùa giỡn với bạn bè bị rách. Đôi tay bà nổi gân xanh, da nhăn lại và trổ đầy những hạt đồi mồi nhỏ đen.

Suốt ngày, chẳng lúc nào em thấy ngoại chịu ngồi không. Hết giúp mẹ làm công việc lặt vặt trong nhà, bà lại nhổ cỏ, nên quanh vườn nhà luôn sạch bóng.

Mỗi khi em làm điều gì lầm lỗi bị ba mẹ rầy, bà đều cười hiền lành bảo:

– Trẻ con, nó mới thế.

Được nước, em sà, vào lòng bà nũng nịu. Bà vuốt ve khuyên nhủ em phải ngoan ngoãn. Những lúc ấy, em thấy sung sướng dưới che chở của ngoại. Thường tối đến, em hay nằm kề bên để nghe ngoại kể chuyện. Giọng bà chậm rãi hiền hậu như bà tiên trong cổ tích và thoang thoảng hương trầu cau khiến bây giờ, mỗi khi nghe mùi ấy là em cảm thấy ấm áp và nhớ bà ngay.

Ước gì ngoại em cứ sống mãi bên em thì còn hạnh phúc nào hơn?

Tả bà ngoại – Mẫu 5

Tuổi thơ em lớn lên với những câu hát ru êm dịu của bà ngoại. Bà là bà tiên của cuộc đời em.

Ai cũng bảo bà em đẹp lão. Tuy năm nay bà đã gần 80 tuổi nhưng bà vẫn còn rất nhanh nhẹn. Mái tóc hoa râm nhuốm đầy những nhọc nhằn, vất vả của thời gian. Khuôn mặt bà chằng chịt những nếp nhăn không theo một trật tự nào cùng với những vết sẹo lõm do thủy đậu để lại làm da bà sần sùi. Vầng trán bà cao, đôi lông mày cũng đã có một vài sợi bạc trắng. Đôi mắt bà không còn tinh anh như ngày xưa nữa nhưng nó luôn khiến cho người đối diện cảm nhận được sự dịu dàng, ấm áp. Hàm răng bà đen bóng do nhuộm và cũng vì bà ăn trầu. Cũng vì thế mà tới tận bây giờ, hàm răng của bà vẫn rất khỏe, chưa mất một cái nào. Lưng bà ngoại hơi còng nhưng bà đi lại nhanh nhẹn lắm. Đôi tay gầy guộc, chai sạn vì lam lũ nhưng sao nó đẹp đến thế, đẹp một cách lạ lùng. Đôi tay ấy cả một đời chẳng chịu nghỉ ngơi. Bà bảo “bà ngồi một chỗ không chịu được”.

Ngày trước, bà vẫn thường “thuê” em nhổ tóc bạc cho bà. Mỗi sợi em sẽ được một trăm đồng. Em ngây thơ muốn tìm được thật nhiều tóc bạc để có tiền mua kẹo ăn. Thế nhưng giờ đây, khi tóc bạc trên đầu bà ngày càng nhiều, em chỉ ước bà không bao giờ già đi, mãi mãi khỏe mạnh bên con cháu.

Mỗi trưa hè, hai bà cháu lại ngồi trên cái sạp đầu hè. Bà nhẹ nhàng vuốt mái tóc em, hat cho em nghe những bài hát ngọt ngào. Những lời ru nhẹ nhàng, êm dịu ấy đưa em vào giấc ngủ trưa giữa thời tiết oi ả. Cứ thế, em lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của bà ngoại.

Bà ngoại cũng là người che chở, bảo vệ em mỗi khi em bị bố đánh đòn. Dù em mắc lỗi nặng đến đâu, bà vẫn luôn âu yếm, nhắc nhở nhẹ nhàng. Những lời dạy của bà em luôn khắc sâu trong lòng để không bao giờ mắc lỗi nữa.

Bà ngoại em luôn được mọi người yêu mến bởi tấm lòng nhân hậu, luôn giúp đỡ mọi người. Tấm lòng nhân hậu của bà đã làm tâm hồn em thêm phong phú, đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên. Gia đình em ai cũng thích bà, làm theo điều mong muốn của bà. Em vẫn thường tha thẩn theo bà, lúc quét nhà, khi nhặt rau, múc nước giúp bà.

Em yêu bà, yêu từ cử chỉ, lời nói, yêu cả nụ cười, ánh mắt hiền hậu của bà. Chỉ mong thời gian ngừng trôi để bà không già đi nữa.

Tả bà ngoại – Mẫu 6

Trong gia đình có nhiều thành viên, ai em cũng yêu quý nhưng có lẽ rằng người em yêu quý nhất chính là bà ngoại của em

Bà em cũng đã lớn tuổi lắm rồi, năm nay bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Mái tóc bà thì đã bạc rất nhiều. Cặp mắt không còn tinh tường nữa, nhưng nó vẫn toát lên được sự hiền từ biết bao nhiêu. Da của bà đã nhăn nheo vì tuổi già. Dáng người bà nhỏ nhắn, mặc dù tuổi cao nhưng sức khỏe của bà em lại rất tốt. Vẫn cái dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Có lẽ rằng em ấn tượng nhất đối với đôi bàn tay thô ráp của bà. Những vết chai sạm cứ như nổi rõ hẳn lên, sờ vào là thấy khô cứng. Nhưng lạ thay bàn tay bà em lại rất ấm, ấm hơn bao giờ hết. Hồi nhỏ mỗi khi bà nắm tay em ra chợ là đôi bàn tay ấy như dắt em đi không lo lạc đường và em cảm thấy yên tâm lắm

Bàn tay chai sạn có lẽ vì cả cuộc đời bà em đã vất vả lam lũ lo cho mẹ và các bác ăn học đủ đầy được như chúng bạn. Cứ mỗi lần cúng ông các bác lại nói về ngày trước. Đó là những câu chuyện kể về bà đã lam lũ và tảo tần như thế nào khi nuôi các bác và mẹ em lớn khôn. Bà em lúc đấy vui lắm, khi thấy con cháu ai cũng thành đạt hết. Các bác và mẹ em luôn luôn yêu quý và kính trọng bà, cuộc đời vất vả mưu sinh nuôi 5 đứa con thơ dại lên người. Bởi ông em lúc đó còn đi đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Những lời dạy, sự yêu thương của bà chính là niềm động lực để cho các bác và mẹ em tự bảo nhau ăn học lên người. Cho đến em, em cũng cần thấy được trách nhiệm của mình lúc này là phải học thật giỏi để có thể khiến bà thêm tự hào về cháu gái.

Bà là một kho tàng ca dao, tục ngữ và những câu truyện cổ tích hay. Em được nghe những lời hát ru từ nhỏ, được biết đến nàng công chúa được chàng Thạch Sanh cứu giúp. Biết được những điều hay lẽ phải và phải hướng thiện. Theo bà em nói cứ “Ở hiền rồi sẽ gặp lành”, sống không tham của người, đối tốt với họ chẳng mong báo đáo chắc chắn một ngày nào đó không xa thì mình cũng sẽ “gặp lành”. Và cũng nhờ bà em biết được những sự may mắn không phải do một bậc thần thánh nào tạo lên. Mà may mắn chỉ có được khi trong mỗi chúng ta phải có được những bài học, những kiến thức hay. Khi có kiến thức rồi thì may mắn mới có thể đến với chúng ta và chúng ta mới nắm giữ được.

Bà chính là một cuốn bách khoa thư để có thể giải đáp được những câu hỏi không bao giờ hết của em. Bà yêu thương em lắm, và em cũng yêu bà như thế. Em tự hứa phấn đấu để bà vui lòng.

Tả bà ngoại – Mẫu 7

Kí ức tuổi thơ mỗi người có thể là hình ảnh dịu dàng của bàn tay mẹ, là mỗi lần áp lưng ba khi đến trường, là khi ngồi nghe ông kể chuyện kháng chiến, chuyện ngày xưa. Còn tuổi thơ của tôi phong phú hơn nhiều: tôi có bàn tay bà, có câu chuyện của bà, có tình yêu thương và có cả bóng dáng bà tôi. Ngoại đã trở thành tuổi thơ của tôi rồi!

Ai mà chẳng có bà, bạn có thể tự hào về bà bạn, nhưng tôi vẫn luôn tin chắc rằng trên đời này không có ai có đẹp hơn bà tôi được. Tôi chắc rằng như thế đấy!

Giống như bao người bà khác, 76 tuổi, ở cái tuổi này, tóc bà đã bạc nhiều rồi. Khó khăn lắm tôi mới tìm được mấy sợi tóc đen cho bà. Tôi vui lắm, tôi khoe bà nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ không nhổ rồi. Bà tôi dáng người nhỏ con, chiếc lưng kia đã còng xuống nhiều vì những cái cuộc đời vẫn gọi là “một nắng hai sương” và những cái bà gọi là “tình yêu thương” dành cho chúng tôi. Bà tôi thích mặc những chiếc áo màu tím chấm bi hay những chiếc màu xanh, xanh như bầu trời ấy! Tôi không biết cái người ta bảo là “phúc hậu” trên mặt bà là gì. Tôi chỉ thấy rằng khi bà cười trông bà rất hiền. Dù khi ấy, những nếp nhăn trên mặt bà xô lại với nhau, vết chân chim ở mắt kia lại hằn sâu thêm. Nhưng tôi lại thích những nếp nhăn và vết chân chim ấy. Vì có nó, bà mới đúng là bà tôi. Bà tôi có con mắt rất đẹp. Nếu “con mắt là cửa sổ của tâm hồn” thì hẳn tâm hồn bà tôi là đẹp nhất trên đời rồi. Đôi mắt đen láy, hơi nheo lại nhưng mỗi khi nhìn vào đó là tôi lại cảm thấy rất bình yên và hạnh phúc đến lạ thường.

READ  Vật lí 9 Bài 40: Hiện tượng khúc xạ ánh sáng

Nhưng tôi vẫn yêu nhất là đôi bàn tay của bà. Những lớp da đã già, nhão dần ra và bọc lấy những mảnh xương yếu ớt của cơ thể. Nhưng đôi tay ấy lại có vẻ rất khỏe mạnh. Chính đôi tay ấy đã gánh bao nhiêu gánh hàng ra chợ và trở về. Đôi tay bê những đồ to lớn. Đôi tay nhóm củi và thổi bếp. Đôi tay ấy đã gây dựng lên cả căn nhà này và nuôi mẹ tôi, các dì tôi ăn học, và giờ là tôi. Nhưng cũng có lúc đôi tay ấy lại rất ấm áp và nhẹ nhàng. Mỗi lúc bà ôm tôi vào lòng, bà vỗ về khi tôi khóc và cả bàn tay vuốt ve cho tôi ngủ những trưa hè oi nóng, những đêm đông lạnh lẽo. Tay bà là chiếc gậy thần kì, là lửa, là nước hay gì mà có sức mạnh vạn năng thế?

Bà tôi rất thông minh. Bà không được học hành nhiều nhưng không có câu ca dao tục ngữ nào mà bà không biết, không một câu chuyện cổ tích ngụ ngôn nào mà bà chưa từng được nghe kể, cũng không một loài cây nào có thể làm khó ngoại. Còn gì hạnh phúc hơn với một đứa trẻ khi được nằm trong lòng bà, tranh với những đứa khác để trả lời, để đoán diễn biến tiếp theo của câu chuyện mà bà đang kể. Bà chưa bao giờ khiến tôi phải buồn, và cả người khác cũng vậy. Bà khiến mọi người luôn phải kính nể, và nói những điều giúp cho mọi người vui vẻ chấp nhận. Thỉnh thoảng, bà nói nhiều một chút. Nhưng không bao giờ những lời đó là thừa cả. Bà luôn suy nghĩ trước khi nói và luôn làm trong âm thầm.

Những người tốt bụng thì sẽ được sống thật lâu để giúp mọi người hạnh phúc phải không nhỉ? Bà tôi cũng sẽ như thế. Ngày xưa, bây giờ và cả mai sau nữa, vẫn sẽ là bà, vẫn mãi là bà trong kí ức tôi, trong cuộc đời tôi.

Tả bà ngoại – Mẫu 8

Trong gia đình, ngoài tình yêu thương của ba mẹ thì người gần gũi, dành nhiều tình yêu thương cho em nhất là bà ngoại. Tuổi thơ của em gắn liền với ngoại. Với em ngoại như bà tiên bước ra từ một câu truyện cổ tích vậy.

Bà ngoại em giờ đã ngoài 70 tuổi. Dấu ấn thời gian như ngày càng rõ nét hơn trên khuôn mặt của bà. Những nếp nhăn trên vầng trán cao, những chấm đồi mồi nơi khóe mắt ngày càng in đậm hơn. Dù vậy, em vẫn thấy bà rất đẹp. Bà có một mái tóc bạc trắng luôn được vấn gọn gàng sau gáy. Đôi mắt bà tuy chẳng còn tinh anh nhưng luôn nhìn em một cách thật dịu dàng và trìu mến. Đôi gò má cao cùng với nụ cười hiền từ khiến cho khuôn mặt bà trông thật phúc hậu. Bà em còn hay ăn trầu. Lúc nhai trầu, môi bà đỏ tươi như là thoa son vậy. Bà có dáng người hơi đậm, bước đi chậm rãi và nhẹ nhàng. Đôi bàn tay của bà đã chai sần đi vì những nhọc nhằn, vất vả. Mẹ em kể : “Xưa nhà mình nghèo lắm, bà đã phải làm lụng sớm hôm, đi làm thuê, đi mót ruộng để nuôi gia đình. Vậy nên, giờ con phải ngoan ngoãn với bà nhé!”. Nghe mẹ kể xong, em càng thương bà hơn.

Từ nhỏ em đã được sống trong tình yêu thương bao la của bà. Những lúc ba mẹ không có nhà, bà chăm sóc em từ miếng ăn đến giấc ngủ. Những lúc em ốm hay quấy khóc, bà đều nhẹ nhàng ở bên dỗ dành em, chăm lo cho em từng li từng tí.Tuổi thơ của em gắn liền với những lời ru êm ả của bà “ À ơi! Cái cò, cái vạc, cái nông…Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò…”

Bà còn dạy em rất nhiều điều bổ ích. Có lần, hồi còn bé, em đang đi thì bị vấp ngã. Em cứ nằm đất ăn vạ chẳng chịu đứng dậy. Bà thấy thế liền đến bên em và bảo: “Cháu của bà, khi bị vấp ngã cháu phải biết tự mình đứng dậy kiên cường và mạnh mẽ. Không được tỏ ra yếu đuối hay trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.Nghe không? Nào! Mau đứng dậy bà xem nào?” Nghe bà nói xong, em liền nín khóc. Chập chững đứng dậy. Bà dạy em biết kính trên nhường dưới, biết vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường kể cho em nghe những câu truyện cổ tích, những tích truyện dân gian như Tấm Cám, Thạch Sanh,Thánh Gióng. Qua những câu chuyện đó bà đã dạy em rằng ở hiền thì ắt gặp lành, lương thiện sẽ gặp người thiện lương, phải có lòng can đảm, dũng cảm và phải có tình yêu với quê hương, gia đình, tình cảm bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.

Em rất yêu và kính trọng bà vì em hiểu tình yêu thương bà dành cho em là vô cùng to lớn. Cả cuộc đời bà đã hy sinh rất nhiều vì con vì cháu. Vậy nên em sẽ cố gắng trở thành một đứa con ngoan trò giỏi để bà được vui lòng.

Tả bà ngoại – Mẫu 9

Em lớn lên trong những câu chuyện cổ tích của bà, những câu chuyện đã cùng em lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn và cũng chứa đựng biết bao tình cảm thương yêu của bà dành cho em. Bà ngoại chính là người em vô cùng yêu mến và kính trọng, ở bà luôn có một tình cảm ấm áp, khiến cho em vui vẻ, hạnh phúc mỗi khi ở bên bà.

Bà ngoại của em năm nay bảy mươi sáu tuổi, mái tóc của bà đã chấm bạc, đôi mắt của bà đã có những nếp nhăn của tuổi già, càng làm cho sự hiền hậu, nhân từ trong đôi mắt bà thêm ấm áp, chan chứa yêu thương. Em rất yêu đôi mắt của bà, bởi lúc nào bà cũng nhìn em bằng ánh mắt nhân hậu, yêu thương nhất, mang lại cho em cảm giác yên bình, chở che như khi còn nhỏ vậy. Bà ngoại em tuy đã lớn tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, những công việc nhà bà vẫn làm rất thành thạo và khéo léo, mỗi lần về thăm bà thì bà ngoại lại làm cho em những món ăn thật ngon như: thịt kho tàu hay sườn xào chua ngọt, không những vậy, bà còn dạy em làm những món ăn đơn giản nên mỗi lần được về thăm bà thì em đều cảm thấy rất vui vẻ.

Khi còn nhỏ, vì bố mẹ em bận công tác nên mẹ em đã gửi em cho bà ngoại chăm sóc, bà đã chăm sóc cho em vô cùng chu đáo, yêu thương quan tâm em từ những thứ nhỏ nhặt nhất, dạy em những điều hay lẽ phải và kể cho em thật nhiều câu chuyện cổ tích thú vị. Bà hay kể cho em về câu chuyện chàng Thạch Sanh dũng cảm giết đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga, hay cô Tấm dịu hiền bước ra từ quả thị, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Những câu chuyện của bà gắn liền với những kí ức tuổi thơ của em.

Bà ngoại là một người vô cùng đảm đang, tháo vát. Khi còn trẻ bà đã vừa lo việc đồng áng, vừa chăm sóc cho năm người con thơ dại, tuổi ăn tuổi lớn, bà em có thể làm được rất nhiều thứ, như bện chổi, đan rổ, làm quạt nan. Bà em rất khéo tay nên những vật dụng mà bà làm ra đều vô cùng đẹp mắt và xinh xắn. Và hiện nay, tuy bà đã lớn tuổi nhưng bà vẫn làm những công việc chăm sóc vườn tược, trồng rau, trồng quả. Bà luôn nói với chúng em nếu không làm gì mà chỉ ngồi một chỗ thì bà rất buồn tay, buồn chân, vì vậy mà bà trồng trọt, chăn nuôi như một thú vui của cuộc sống.

Tuy em không thể thường xuyên về thăm bà ngoại nhưng tình cảm yêu mến của em dành cho bà thì không bao giờ phai nhạt, những kí ức bên bà luôn sống động trong tâm hồn, gợi nhắc về tấm lòng nhân hậu, yêu thương của bà dành cho em. Em mong bà sống thật lâu cùng với chúng em để chúng em có thể yêu thương, phụng dưỡng bà, báo đáp phần nào công ơn dưỡng dục của bà dành cho chúng em.

Tả bà ngoại – Mẫu 10

Ai ai cũng có một người bà để yêu quý, và em cũng vậy. Em cũng có một người bà ngoại thật hiền dịu và luôn quan tâm em, yêu thương em hết mực.

Bà của em năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi rồi. Tóc bà ngoại của em thật đúng như trong bài hát “Bà ơi bà’ mà em đã được học là “tóc bà trắng màu trắng như mây”. Và pha vào những đám mây trắng đó là những đám mây bàng bạc. Lưng của bà cũng đã còng. Làn da của bà đã nhăn nheo khác hẳn với làn da của em. Đôi mắt của bà em cũng đã không còn được tinh nhanh như trước nữa rồi. Mỗi khi lấy đồ gì là bà cũng phải nheo cặp mắt lại. Đôi môi bà cũng đã nứt nẻ nhiều đi. Sức khỏe của bà em cũng không được tốt, có lẽ chính vì tuổi già nên bà càng thêm yếu.

Cả nhà em ai ai cũng yêu quý bà và thường kể những câu chuyện cổ tích, những lời ru dân ca cho em nghe. Mẹ em cũng nói hồi em còn nhỏ mẹ không biết hát ru may mà có bà ngoại dạy, chỉ có hát ru em mới ngủ được. Cho nên em càng lại thêm yêu quý bà hơn rất nhiều. Em như tin vào những câu chuyện cổ tích của bà hay kể cho em. Đó là khi chúng ta sống lương thiện, không dối trá hay giúp đỡ người khác thì chắc chắn rằng một ngày nào đó không xa mình cũng sẽ được hạnh phúc. Em luôn nghe theo lời chỉ bảo của bà và để trở thành con ngoan, trò giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và cả bà ngoại đáng kính mà em yêu quý.

Mặc dù tuổi đã cao, sức cũng yêu nhưng bà em không bao giờ nhờ con cháu làm hộ mình những công việc như giặt quần áo cho mình và cho cả nhà. Bà vẫn cặm cụi giặt mặc dù mẹ em đã nhận hết. Công việc của mẹ cũng bận, bà ngoại vẫn sang nhà em biết điều đó nên bà rất hay làm việc nhà. Mẹ thương bà lắm, thấy bà già yếu mà vẫn lo cho con cháu. Mẹ đã chủ động làm hết tất cả việc, không muốn cho bà làm. Mẹ bảo “mẹ tuổi cao sức yếu, vất vả cả đời rồi, nên mẹ đừng làm nữa hãy để cho chúng con phụ dưỡng mẹ”.

Em rất yêu quý bà ngoại em, em luôn cố gắng chăm ngoan để có thể làm cho bà tự hào về chính em, về đứa cháu của bà.

Tả bà ngoại – Mẫu 11

Tuổi thơ đối với bất kỳ ai cũng là quãng thời gian đẹp đẽ, hạnh phúc. Hạnh phúc bởi sự ngây thơ, hồn nhiên, bởi những điều nhỏ bé mà vô cùng đáng quý. Tuổi thơ của em cũng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, không chỉ bởi vì những điều trên mà còn bởi có một người em luôn kính yêu – bà ngoại.

Bà ngoại của em đã đi hết quãng đường hai phần ba cuộc đời mỗi con người, năm nay bà đã bảy mươi tuổi rồi. Không giống như bà cụ cạnh nhà em, từ những ngày còn lon ton chạy theo chân bà ngoại, em đã thấy bà có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Cái lưng bà theo năm theo tháng đã cong cong xuống, mẹ bảo đó là cái lưng phi thường mạnh mẽ, đã gánh gồng mọi phong ba, chăm sóc, nuôi dạy mẹ và các bác lên người. Tóc bà em trắng như cước, nổi bật trên khuôn mặt trái xoan bé xíu với làn da in hằn dấu vết của thời gian. Mặt của bà đã có nhiều vết chân chim, lan tràn cả nơi khóe mắt. Cái miệng móm mém và hai mắt không còn sáng rõ như trước nữa. Vậy nhưng, ánh mắt hiền từ cùng vẻ mặt hòa ái của bà lại khiến người ta cảm thấy gần gũi, thân thiết.

Đôi tay bà ngoại lộ rõ những khớp xương, nhỏ bé. Ai nghĩ được đôi tay ấy đã nuôi nấng đàn con trưởng thành, xây nhà, dựng cửa và chăm sóc cho từng lớp cháu chắt lớn lên. Em chính là một trong những đứa cháu được bà chính tay bảo bọc, chăm lo từ lúc còn chập chững bước đi. Bà ngoại đã hi sinh cả cuộc đời mình để giữ gìn mái ấm gia đình sau khi ông ngoại mất, ngậm đắng nuốt cay vì con vì cháu. Dáng người nhỏ nhắn mong manh của bà vì con cháu mà kiên cường chống lại giông tố cuộc đời, gian nan vất vả.

Bà của em hiền hậu như những bà tiên trong truyện cổ tích. Dù cho mắt không còn tinh, chân không còn nhanh nhẹn nữa, bà vẫn ngày ngày qua lại giữa các nhà, quan tâm lo lắng cho tất cả con cháu, nội ngoại gái trai không phân biệt đối xử. Bà cẩn thận chăm sóc một mảnh vườn nhỏ, trồng cây nuôi gà. Đến ngày thu hoạch bà lại tất bật đem đến cho từng nhà, khi con cháu khuyên ngăn bà nghỉ ngơi, bà chỉ cười bảo rằng bà thích như thế, ngơi chân ngơi tay bà càng thấy mệt mỏi, bứt rứt không yên.

Bà là người phụ nữ kiên cường, giàu đức hi sinh, là người mà bố mẹ chúng em lẫn mọi người xung quanh kính trọng. Hàng xóm láng giềng kính vì những khó khăn bất hạnh mà bà vượt qua suốt cuộc đời, yêu mến bà tốt bụng, thân thiện. Chỉ cần có người gặp khó khăn, nếu giúp được bà em sẽ không ngần ngại giúp đỡ.

Đối với riêng em, bà là tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc. Bà chăm em từ bé đến lớn, dành tình yêu thương để ru em những giấc ngủ say khi mẹ bận rộn. Những câu chuyện cổ tích nhiệm màu, nhân hậu cũng nhờ giọng kể ấm áp, truyền cảm của bà mà đến với tuổi thơ em. Những đêm trăng tròn vành vạnh, bà bế em trên chiếc võng kẽo kẹt đung đưa, nhẹ nhàng kể về anh Khoai, về cô Tấm…dạy em bao điều mới lạ, sống nhân hậu và yêu thương mọi người…

Thời gian trôi đi, bà em không còn khỏe mạnh như xưa, nhưng tình thương mà bà dành cho con cháu vẫn không hề thay đổi, luôn ngọt ngào và bao la, rộng lớn. Nụ cười hạnh phúc mãn nguyện của bà khi thấy con cháu khỏe mạnh, vui vẻ chính là nụ cười đẹp nhất mà em luôn nhớ mãi không quên.

Em luôn cảm thấy vô cùng may mắn vì được hưởng thụ tình yêu thương và sự bảo bọc của bà. Bà ngoại là người mà em kính yêu nhất. Em sẽ cố gắng sống như những lời bà dạy để không phụ sự kỳ vọng, giáo dục ân cần chu đáo của bà.

Tả bà nội yêu quý của em

Tả bà nội – Mẫu 1

Gia đình em có nhiều thế hệ chung sống với nhau. Ở nhà em người lớn tuổi nhất là ông bà rồi đến bố mẹ em, cô chú của em và hai chị em em. Trong nhà, bà nội là người mà em yêu quý và kính trọng nhất.

Bà nội em năm nay đã gần 60 tuổi rồi. Trước đây bà em từng là một giáo viên Tiểu học. Chính vì là giáo viên nên cách giáo dục của bà lúc nào cũng rất nhẹ nhàng. Bà rất yêu trẻ con và thường hay chơi đùa cùng với chúng em. Có lẽ vì vậy nên nhìn bà trẻ hơn so với tuổi thực. Bà có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to, sáng và sống mũi dọc dừa. Ông em nói hồi trẻ bà đẹp lắm, biết bao nhiêu chàng trai thích bà nhưng cuối cùng bà lại chọn ông. Mỗi lần nghe ông kể chuyện ngày trẻ bà lại cười hiền. Thường ngày bà ăn mặc rất giản dị. Những bộ quần áo bà mặc hơi tối màu. Bà thích nhất là màu tím vì bà nói màu tím là màu của sự thủy chung.

Mặc dù đã về hưu nhưng bà nội dường như chẳng có lúc nào ngơi nghỉ. Bà thường dậy thật sớm vào buổi sáng để quét dọn và nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Bà thương mẹ em như con gái vậy. Bà nói mẹ đi làm vất vả buổi sáng không cần dậy sớm, mọi việc trong nhà cứ để bà lo. Buổi trưa em và em em đi học về cơm nước bà đã dọn sẵn trên bàn, chỉ việc ngồi vào là ăn. Buổi trưa chỉ có 3 bà cháu em ở nhà, bà thường hát ru cho chúng em ngủ trưa rồi đến giờ lại gọi chúng em dậy đi học. Ở trong nhà, ai có chuyện gì buồn phiền là bà biết và hỏi han.

Càng gần gũi với bà em lại càng kính trọng bà hơn. Em sẽ chăm ngoan, học giỏi, vâng lời bà để bà vui lòng.

Tả bà nội – Mẫu 2

Gia đình em là một gia đình lớn, gồm: ông bà nội, ba má, cô út và hai chị em em. Em nhỏ nhất nhà nên trong nhà, ai cũng quan tâm và chăm lo cho em nhiều lắm. Có thể nói, bà nội em là người “đứng mũi, chịu sào” trong việc lo toan vun vén và sắp xếp mọi hoạt động trong nhà và cũng là người gần gũi và quan tâm đến em nhiều nhất. Em yêu quý và kính trọng nội em vô cùng.

Năm nay, bà nội em năm mươi chín tuổi. Bà nội đã nghỉ hưu được bốn năm rồi. Khi chưa nghỉ hưu, nội em là giáo viên bậc Tiểu học gần nhà. Khi chưa nghỉ hưu, nội em rất trẻ và rất đẹp. Năm ấy, nội năm lăm tuổi mà chưa ai đến nhà nói đúng tuổi nội. Bà nội đứng bên cạnh mẹ em, trông như hai chị em. Chẳng ai nghĩ đó lại là mẹ chồng với nàng dâu. Năm nay, bà nội 59 tuổi. Tuy lớn tuổi nhưng trông bà nội em vẫn rất trẻ. Ai cũng nói nội em chỉ khoảng 50 tuổi là cùng. Nội em có khuôn mặt trái xoan, có sống mũi dọc dừa, đôi mắt to, lông mày đậm hơi cong tự nhiên, không tỉa tót nên rất đẹp. Bà nội em ăn mặc giản dị nhưng rất nền nã. Nội em toàn chọn những màu hơi tối như tím than, xanh dương đậm, tím đậm. Có lẽ da nội trắng nên mặc những màu đó, bà nội càng trẻ, càng đẹp hơn. Khi còn đi dạy học, nội em thường đi giày màu đen hoặc nâu. Khi ở nhà, bà nội em đi đôi dép lê màu đen hoặc trắng.

Từ ngày nghỉ hưu, suốt ngày bà nội em chẳng chịu nghỉ ngơi mà lúc nào cũng luôn tay. Có thể nói, nội em là người của công việc. Buổi sáng, nếu mẹ em đi làm ca thì bà nội là người lo mọi công việc của một người nội trợ như quét dọn, nấu nướng, giặt giũ. Vì thế, đi học về, hôm nào em cùng có sẵn cơm ngon, canh ngọt. Khi làm hết mọi việc trong gia đình, bà nội lại nghĩ ra nhiều món ăn mới. Nội ghi ghi, chép chép cách nấu để ngày chủ nhật liền đó thế nào cả nhà cũng có một bữa ăn với những món ăn rất ngon bà nội đã tự sáng chế ra. Thương bà nội vất vả, em luôn tranh thủ thời gian để giúp nội những việc lặt vặt trong nhà như quét dọn nhà cửa, đánh ấm chén.

Bà nội em sống rất nghĩa tình và tốt bụng. Bà con lối xóm ai cũng nể trọng bà và luôn lấy bà nội em ra làm tấm gương để dạy bảo con cháu.

Với em, bà nội còn là nơi em gửi gắm niềm vui, nỗi buồn. Có những chuyện em không thể tâm sự được vợi mẹ nhưng lại có thể nói với bà. Những lúc ấy, bà nội em quả thực là điểm tựa tinh thần vững chắc cho em.

Nội em đúng là người phụ nữ có vẻ đẹp truyền thống. Nội đẹp về ngoại hình, đẹp về tâm hồn và cũng rất đẹp trong những việc làm. Em vô cùng yêu quý, kính trọng và biết ơn bà nội của em. Em sẽ luôn chăm học, chăm làm, hiếu thảo với bà nội để bà vui, bà sống lâu trăm tuổi cùng con cháu.

Tả bà nội – Mẫu 3

Chắc hẳn các bạn ai cũng có bà, em cũng vậy và bà nội là người cao tuổi nhất trong gia đình em. Bà luôn dạy bảo những điều hay lẽ phải cho con cháu. Em rất yêu quý và kính trọng bà.

Bà em năm nay đã gần tám mươi tuổi. Lưng bà còng vì vậy đi đâu bà cũng phải chống gậy. Da của bà nội em nhăn nheo có nhiều chấm đồi mồi. Tóc bà đã bạc rất nhiều tuy vẫn nhưng mắt bà em vẫn còn rất tinh. Những buổi trưa em ngồi nhổ tóc bạc cho bà, hai bà cháu nói chuyện rất vui vẻ. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn thích đọc báo. Mỗi lần như vậy bà lại phải đeo kính lão và khi đọc xong bà em lau chùi chiếc kính cẩn thận và cất vào tủ. Mẹ em kể khi em và em của em còn bé, bà nội chăm sóc chúng em rất chu đáo nhất là những lúc mẹ vắng nhà. Đêm ngủ vì nhớ mẹ không ngủ được nên bà đã kể chuyện cổ tích và hát ru cho chúng em nghe. Bà hát hay lắm, bà kể chuyện cũng hay, nghe bà hát mà em đã ngủ từ bao giờ không biết. Bây giờ bà yếu hơn rồi chúng em cũng không còn nhỏ nữa, mỗi khi trái gió trở trời em lại xoa bóp tay chân cho bà em. Bà mỉm cười trìu mến. Em rất yêu quý bà em không chỉ vì bà là người cao tuổi nhất trong gia đình mà còn là vì bà luôn dạy chúng em những điều hay lẽ phải, phải biết kính trên nhường dưới, phải thật thà, làm sai phải xin lỗi và luôn ngoan ngoãn nghe lời ông bà cha mẹ. Sau giờ học em lại mong thật nhanh về nhà để kể chuyện ở lớp, ở trường cho bà nghe.

Bà thật tuyệt vời, em mong bà em luôn khỏe mạnh, sống lâu để em mãi được ở bên bà được nhổ tóc sâu cho bà và được bà chỉ bảo, dạy dỗ.

Tả bà nội – Mẫu 4

Trong gia đình tôi có rất nhiều người, nhưng người tôi yêu mến và kính trọng nhất là bà nội tôi.

Năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà còn rất khỏe. Da bà nhăn nheo, ngăm đen. Phải chăng đó chính là dấu của thời gian. Khác với những người bà cùng tuổi, bà tôi có mái tóc đen, dài, lúc nào cũng được búi gọn sau gáy. Vầng trán cao, đôi mắt to đã có phần mờ đục. Đặc biệt nụ cười với hàm răng nhuộm đen làm bà thêm phúc hậu. Đôi bàn tay của bà xương xương với những vết chai sần vì làm lụng vất vả. Bà ăn mặc rất giản dị, nhiều khi chỉ là những bộ đồ nâu đã cũ. Mỗi khi mẹ tôi biếu tiền bà để mua quần áo, bà thường lắc đầu và bảo: “Mẹ già rồi, không cần nhiều quần áo, con để tiền đó lo cho bọn trẻ”.

Bà nội tôi rất thích chăm sóc cây xanh. Sáng sáng, bà thường tự tay tưới tắm và bắt sâu cho cây. Một lần, cái Anh, em họ tôi hỏi bà: “Bà ơi, tại sao bà quý những cái cây này thế. Có khi nào bà yêu chúng hơn bọn cháu không?”. Bà nhìn chúng tôi, bảo: “Sao thế được, tất nhiên là bà phải yêu các cháu bà hơn rồi. Những cái cây này chỉ là thú vui của bà thôi. Đây là những cái cây ông để lại khi mất. Bà thay ông chăm sóc chúng”.

Bà rất yêu chúng tôi. Hồi tôi còn bé, bà đã thay mẹ, chăm bẵm tôi từng li từng tí. Hằng đêm, bà đưa tôi vào giấc ngủ qua những khúc hát ru. Mỗi lần tôi ốm, bà xuống chăm nom tôi để mẹ đi làm. Bà ngồi bên giường, dỗ dành, đút cho tôi từng thìa cháo nhỏ. Suốt những năm tuổi thơ, tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà.

Sau này, khi không còn ở bên tôi thường xuyên nữa nhưng cứ mỗi lần xuống nhà tôi chơi, bà lại mang rất nhiều quà

quê lên cho tôi và hàng xóm láng giềng. Ai cũng yêu quý và kính nể bà. Bà rất nhân hậu. Có lần, nhìn thấy một em bé ăn xin từ xa, bà vội bước lại cho bé tiền và bảo bé đi mua gì ăn cho đỡ đói. Đợi em đi khỏi, bà nói với tôi: “Cháu đã nhìn thấy em đó chưa? Bà đoán chắc em bé đó chỉ tầm tuổi cháu thôi, thế mà đã phải ra đường ăn xin. Thật tội nghiệp. Nếu từ nay về sau, cháu gặp ai cơ nhỡ, khó khăn, cháu nhớ giúp người ta. Họ cũng là người như chúng ta, chẳng qua cuộc sống của họ không được may mắn, cháu không bao giờ được kì thị, chế giễu người ta”.

Vì rất yêu quý bà nên tôi rất thích được về quê. Tôi chỉ mong luôn được gặp bà, được nghe những câu chuyện cổ tích của bà, được nằm trong lòng bà, thiu thiu ngủ qua tiếng ru à ơi của bà. Tôi rất yêu bà, Tôi mong sẽ không bao giờ phải xa bà.

Tả bà nội – Mẫu 5

Chuông đồng hồ đều đặn buông chín tiếng. Màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Chỉ còn âm thanh của gió khua xào xạc trong khu vườn trước ngõ. Em rời bàn học bước ra sân, vươn vai hít thở không khí trong lành để cố xua đi cơn buồn ngủ. Còn hai bài tập Toán nữa, phải cố làm cho hết. Từ giường bên, có tiếng trở mình khe khẽ. Bà nội vẫn thức để chờ em.

Bà nội em năm nay hơn bảy mươi tuổi, dáng gầy guộc và lưng đã hơi còng. Dấu ấn thời gian in rõ trên mái tóc bạc phơ và trên gương mặt nâu rám hằn sâu những vết nhăn của bà. Mắt bà đã hơi mờ nhưng đôi tai vẫn còn tinh lắm. Chỉ nghe bước chân hay giọng nói từ xa là bà đã nhận ra đúng từng người trong gia đình. Cũng vì quen với công việc nhà nông quanh năm vất vả từ thời trẻ nên cho đến nay, bà vẫn còn khỏe mạnh, dẻo dai. Những lúc bố mẹ em ra đồng, một mình bà lo đi chợ, nấu cơm, chăm sóc bầy gà, bầy lợn. Ít khi em thấy bà ngồi yên một chỗ. Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác cuốc ra vườn, cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, bón phân cho mấy luống rau và hơn chục gốc na, gốc bưởi.

Bà hay kể chuyện. Em rất phục trí nhớ của bà. Ngày xưa bà chỉ được học ở trường làng, thế nhưng bà lại thuộc lòng Truyện Kiều, Nhị độ mai, Phạm Công Cúc Hoa, Đồng tiền Vạn Lịch,… cùng với bao nhiêu là ca dao và truyện cổ. Những trưa hè gió nồm nam mát lộng, bà mắc võng ở chái nhà, nằm đung đưa vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ngâm nga hát.

Em nghe mấy cụ già bảo rằng hồi con gái, bà là một “liền chị” quan họ nổi tiếng trong vùng. Con cháu, họ hàng và làng xóm rất quý bà vì bà hiền lành, phúc hậu. Ai gặp khó khăn cần đến bà là bà sẵn sàng giúp đỡ, chẳng quản sớm khuya. Bà thường khuyên con cháu thương người như thể thương thân và đối xử với láng giềng phải có tình có nghĩa. Học bài xong, em thu xếp sách vở cho vào cặp, cài cửa, tắt đèn rồi nhẹ nhàng chui vào màn. Bà nằm dịch sang bên nhường chỗ cho em. Hơi ấm tỏa ra từ người bà rất dễ chịu. Em vòng tay ôm lấy lưng bà, thủ thỉ: “Bà ơi! Cháu đấm lưng cho bà nhé! “. Bà mắng yêu: “Bố chị! Để bà chờ mãi! Thôi, ngủ đi, mai dậy sớm mà đi học! “.

Em yêu bà lắm và mong bà nội mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu.

Tả bà nội – Mẫu 6

Trong gia đình, người em yêu quý nhất là bà nội của em. Bà đã lo lắng, chăm sóc cho em từ khi em mới chào đời. Bà luôn dành cho em tình yêu thương ấm áp. Em luôn trân trọng và biết ơn những tình cảm bà đã dành cho em.

Bà em năm nay đã ngoài 70, mái tóc bạc phơ như bà tiên ông bụt trong những câu chuyện cổ tích bà hay kể cho em nghe. Khuôn mặt bà hiền từ, phúc hậu. Vầng trán bà cao, hiện lên trên đó là những nếp nhăn dài. Em nghĩ, mỗi nếp nhăn trên gương mặt bà chính là những vất vả, khó mà bà đã trải qua suốt bao năm tháng. Tuy bà đã già, mắt đã kém nhưng đôi mắt ấy mỗi lần nhìn em vẫn ánh lên sự trìu mến, ấm áp lạ thường.

Bà em lưng đã còng, tóc đã bạc ấy mà bà vẫn rất nhanh nhẹn. Với đôi bàn tay khéo léo, bà thường chăm chút khu vườn trước nhà em rất tỉ mỉ. Từ những bụi hồng gai, hoa cúc, hàng râm bụt bà thường tưới nước hàng ngày cho chúng. Đặc biệt, bà em rất thích giàn thiên lí trước cổng nhà. Dưới giàn hoa thiên lí ấy, bà đã kể cho em nghe rất nhiều truyện cổ tích, thế giới của cô Tấm, chị Hằng, chú Cuội cứ hiện ra trước mắt em, qua từng lời kể ấm áp của bà. Những ngày lễ, tết bà hay cùng mẹ chuẩn bị những món ngon cho cả gia đình. Cả nhà em ai cũng thích món bánh giò bà làm, từng lớp bột mịn, trong cùng nhân bánh mềm béo ngậy được bà khéo léo gói cẩn thận qua vỏ lá chuối. Nhìn đôi bàn tay, gầy gầy xương xương cẩn thận gói từng chiếc bánh, em như thấy tình yêu thương bà dành cho con, cho cháu gửi gắm qua những chiếc bánh đơn sơ mộc mạc ấy.

Tuổi thơ của em được sống bên bà, được bà chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ em thấy mình thật may mắn. Không những thế, bà còn dạy cho em cách ứng xử phải biết kính trên nhường dưới, thấu hiểu những đạo lí tốt đẹp ở đời. Mỗi lần kể cho em nghe câu chuyện nào đó, bà luôn nhắc nhở em phải ghi nhớ những lời ông cha ta đã răn dạy, phải biết yêu thương, đùm bọc giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn.

Em cảm thấy mình rất hạnh phúc vì có người bà tuyệt vời, bà đã dành cả tình yêu bao la của mình cho con cháu. Bà đã gieo vào lòng em những hạt mầm của sự yêu thương, đùm bọc bằng chính tấm lòng nhân hậu của mình. Em chỉ mong bà luôn vui khỏe để hằng ngày em có thể cùng bà chăm sóc cho vườn cây trước nhà, và nghe những câu chuyện bà kể.

Tả bà nội – Mẫu 7

“Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu học, bà chăm cháu làm”

(“Bếp lửa”- Bằng Việt)

Không hiểu sao mỗi lần đọc lời thơ của Bằng Việt, trong lòng tôi lại xốn xang bao cảm xúc và nghĩ về người bà kính yêu của mình. Bà đã bên tôi, nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành bằng tình yêu, sự chở che và bao dung nhất….

Bà nội tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi rồi. Dáng người bà đã hơi còng xuống vì bao vất vả, lo toan cho con cháu, cho gia đình rồi. Gương mặt bà tròn, phúc hậu với bạc tóc bạc trắng như cước luôn được bà vấn gọn gàng sau một vành khăn nên trông bà cứ như một bà tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích. Nước da bà đã ngả màu, cùng những vết đồi mồi trên làn da bà như phản chiếu rằng cuộc đời này, mọi thăng trầm bà đã chứng kiến cả rồi. Mắt bà đã không còn tinh tường như xưa mà ngày càng mờ dần đi. Nhưng ánh mắt bà vẫn trìu mến và âu yếm dành cho tôi và mọi người như ngày nào. Mỗi khi bà cười, những nếp nhăn trên gương mặt lại dãn ra. Giọng của bà ấm áp lắm, giọng nói ấy đã ru tôi ngủ bên cánh võng trong những đêm hè oi nồng và đưa tôi vào thế giới cổ tích với mọi điều thánh thiện và tràn ngập những ước mơ.

Bà luôn dành tình yêu thương cho tôi và chị tôi vô điều kiện. Đi đâu xa, bà đều mua quà phần chị em tôi, có gì ngon, bà cũng đều dành cả. Bà còn dạy tôi những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, dạy tôi biết phân biệt phải trái, đúng sai rõ ràng, biết cách sống để trung thực với chính mình, sống để trở thành người giàu tình yêu thương, đặc biệt là sống không phải chỉ là cho riêng mình mà còn biết sống vì gia đình và vì mọi người xung quanh. Bà cũng rất nghiêm khắc với tôi, mỗi khi tôi làm sai điều gì, bà đều nghiêm khắc nhắc nhở để tôi không tái phạm. Ở nhà, mặc dù bà đã già rồi, bố mẹ cũng nhắc tôi không nên để bà làm nhiều nhưng bà vẫn làm những việc vặt trong gia đình vì bà bảo rằng nếu ngồi chơi, bà cũng thấy chán. Với mọi người xung quanh, bà luôn nhã nhặn, giúp đỡ mọi người chỉ cần đó là việc bà có thể làm. Bà còn tham gia vào các hoạt động của thôn, xóm rất nhiệt tình nữa.

Bà mãi là bà tiên của lòng tôi. Bà ở đó, dang rộng vòng tay yêu thương, chở che cho tôi, khiến tôi bình an và hạnh phúc. Dù chưa bao giờ nói với bà rằng tôi yêu bà nhưng bà sẽ mãi ở trong tim tôi.

Tả bà nội – Mẫu 8

Bà nội, đó là hai tiếng gọi thân thương mà tôi được gọi, có biết bao nhiêu người không còn bà để mà gọi và tôi thấy tôi thật hạnh phúc khi được có bà nội trên đời này. Bà không chỉ đơn giản là mộ người bà nội mà bà còn là tri ân tri kỉ của tôi. mọi chuyện tôi đều nói với bà, tâm sự với bà và cho tôi những lời khuyên bổ ích. Bà như cơn mưa mùa hạ tưới mát tuổi thơ tôi.

Bà nội tôi trải qua một cuộc đời lam lũ vất vả người phụ nữ sinh ra trong bom đạn vì thế bà càng thêm sức dẻo dai chịu đựng. Bà tôi có khuôn mặt mà tôi thấy người ta khen là phúc hậu. Cuộc đời trải qua biết bao khó nhọc những lúc chạy giặc bà phải ngụp trong nước dấu mình trong bèo kể cả những đoạn mương sông bẩn thỉu nhất. Sau đó khi về nhà chồng nội tôi một tay nuôi dưỡng bố và các bác của tôi trong khi đó ông nội tôi còn đang bận công tác ngoài thủ đô. Một mình chăm sóc bảy người con tôi thấy nội tôi thật khỏe khoắn. Thế nhưng giờ đây, nội tôi bị tai biến mạch máu não thật bất công cho những gì bà phải trải qua, sự hi sinh hay tấm

Mặc dù đã tám mốt tuổi thế nhưng trông bà tôi vẫn trẻ như hồi còn sáu mươi. Ai vào cũng phải khen nước da hồng hào trắng khỏe, khuôn mặt nội giờ không còn được trẻ trung đẹp đẽ như thuở xưa nữa mà thay vào đó là những những nếp nhăn chằng chịt. Nghe bố tôi nói rằng nội tôi ngày xưa xinh lắm, đẹp lắm và cho đến bây giờ cái tuổi xế bóng chiều tôi vẫn thấy nội tôi rất đẹp. Đó là vì nước da trắng vốn có của nội, là mái tóc tuy đã ở cái tuổi tám mốt nhưng lại chỉ điểm vài sợi trắng trên đầu. khi gội đầu thì không còn nhìn thấy những sợi trắng đó nữa. Mái tóc dài ngày xưa của bà được cắt ngắn đi cho gọn gàng và dễ gội. Khuôn mặt ấy vẫn phúc hậu như ngày nào nhưng lại thật là đáng thương khi khuôn mặt ngày càng béo ra, không phải vì béo tốt mà là do bệnh. Nói đúng hơn là bị phù mặt nhưng vết nám chấm to như những mụn ruồi xuất hiện trên mặt của bà. Mắt của bà híp lại , đôi lông mày rụng hết phần dưới đi,mi mắt cũng rụng còn lại những sợi mi ngắn cũn. Điều đó không làm bà xấu đi mà làm bà đẹp hơn vì sau căn bệnh ấy bà vẫn đẹp vẫn trẻ như vẫn còn sáu mươi.

Dáng hình của nội tôi giờ đây vì bệnh mà béo lên, nhưng khổ nỗi bà chỉ béo mỗi phần bụng còn chân tay thì lại gầy gò. Không kể đến cánh tay bên phải bị liệt, bà không thể tự xúc cơm được nữa mà phải có người súc cho. Còn gì khổ hơn khi mất đi một cánh tay, tôi thương bà tôi nhiều lắm cả cuộc đời tu nhân tích đức mà đến cuối đời lại không thể sống một cuộc sống an lành. Nhiều khi uất ức nội tôi khóc như trẻ con, những nếp nhăn xô lại và những giọt nước mắt tràn ra trên hai gò má. Cái miệng mếu xệch đi trông mà không kìm được nước mắt, gặp người thân đi xa về bà càng khóc nhiều hơn. Mỗi đêm bà dậy đi vệ sinh tôi tỉnh giấc nghe thấy những hơi thở khó khăn của bà mà chạnh lòng nghĩ bản thân chưa làm được gì cho bà. Cứ mỗi lần đứng lên ngồi xuống là cả một sự khó nhọc của bà ngay cả khi lật mình khi ngủ nữa.

Bà tôi cơ cực vậy đấy và giờ đây tôi yêu thương bà hơn bất cứ điều gì, cả cuộc đời ấy tôi sẽ cố gắng giúp cho bà vui mỗi ngày. Mai này lớn lên tôi sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho những người bà thoát khỏi căn bệnh quái ác kia.

Tả bà nội – Mẫu 9

Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.

Bà nội em năm nay đã gần 80 tuổi. Đôi mắt bà đã mờ đục, mái tóc đã bạc và mỏng đi nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà em đều cảm thấy xót xa, cố gắng chải nhẹ nhàng nhất có thể. Làn da của bà đã hằn in bao dấu vết của thời gian, nhăn nheo, chảy xệ và điểm cả những đốm đồi mồi.

Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em.

Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.

Bà là người mà em vô cùng yêu quý. Em mong bà mạnh khỏe, sống thật lâu với các con các cháu. Em sẽ học thật giỏi, thật ngoan, thường xuyên ở bên bà để bà vui lòng.

Tả bà nội – Mẫu 10

Từ thời ấu thơ, chính là cánh cò trong lời ru của bà vỗ cánh qua nôi đã nuôi em lớn lên, chính là những câu chuyện bà kể mỗi đêm trăng sáng đã chắp cánh cho tâm hồn em đến những vùng đất kì diệu, và cũng chính là từng lời bà vỗ về đã xoa dịu đi những nỗi buồn trẻ con. Bà đi cùng quãng đời tuổi thơ trong sáng, nên hình ảnh bà luôn in sâu vào tâm trí của em.

Bà em năm nay đã ngoài 70 tuổi. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. 70 năm đời người đã in dấu trên mái tóc của bà màu trắng như mây- mái tóc pha sương pha gió của cả một đời lam lũ vất vả. Trên gương mặt bà đã hằn lên vết chân chim, đặc biệt là ở vầng trán và khóe mắt, mà mỗi khi bà cười em đều yêu và gọi chúng là những chiếc “cầu vồng đất”. Tuy vậy, đôi mắt bà còn rất sáng, bà vẫn hay ngồi tự làm những công việc như xâu chỉ vào kim mà không cần nhờ đến người giúp đỡ. Hai hàm răng bà đen vì thường xuyên nhai trầu. làn da bà nhăn nheo, đầy những chấm đồi mồi. Em yêu hơn cả là đôi tay gầy gò, nổi rõ những đường gân xanh, yêu tấm lưng còng đã gánh vác bao công việc nặng nhọc của cả một đời người.

Phần lớn thời gian ở nhà bà dành để chăm lo cho bữa cơm của gia đình hàng ngày. Mỗi khi đi học về em lại muốn sà vào mâm cơm đã thưởng thức ngay những món ăn bà nấu. Bà quan tâm và biết khẩu vị của từng người, bà nấu bằng cả tình yêu thương nên ăn một bữa cơm bà nấu ai cũng thấy ngon miệng. Thỉnh thoảng bà vẫn dạy em nấu cơm, quét dọn làm việc nhà. Bà từng dặn: con gái lớn, phải làm được việc nhà để đỡ đần cha mẹ. Nghiêm khắc có mà nuông chiều em cũng có Tình yêu của bà là những đồng quà tấm lòng bà để dành, cho em mỗi khi em đi học về, là những đêm trong kí ức thời thơ bé lờ mờ hình ảnh bà thức may cho em chiếc áo. Thời gian rảnh rỗi bà thường cùng các bạn già đi chùa thắp hương và đi tập thể dục. Bà rất thân thiện và hay giúp đỡ hàng xóm nên được nhiều người yêu quý.

Bà nội là người em vô cùng yêu quý, là tấm gương mà em luôn muốn noi theo. Em tự hứa với mình sẽ học hành thật chăm chỉ, thật ngoan ngoãn để bà vui lòng.

Tả bà nội – Mẫu 11

Người mà em yêu quý nhất trong gia đình là bà nội của em. Bà là người luôn luôn chăm sóc, chia sẻ và bảo ban em nhiều điều.

Bà em năm nay đã ngoài 80, dáng người nhỏ, lưng hơi còng. Mái tóc bà được búi gọn sau gáy, bạc trắng như những sợi cước nhìn thật là đẹp. Mỗi khi đi ra ngoài, bà hay đội thêm một chiếc mấn màu đen truyền thống như những người phụ nữ Việt Nam ta xưa. Bà có một gương mặt phúc hậu và hiền từ. Trải qua bao sóng gió của cả một đời người, nước da bà đã nhiều những nếp nhăn tuổi tác, nhưng nhìn vẫn thật hồng hào. Đôi mắt bà nhỏ, 80 năm cuộc đời, giờ đây không còn nhìn rõ nữa, mỗi lần đứa nào vào chơi, bà chỉ nhận ra qua tiếng chào, nếu muốn nhìn mặt phải đến thật gần. Em rất thích nụ cười của bà, nụ cười ấm áp và nhân hậu. Mỗi khi bà cười, để lộ hàm răng đen nhuộm từ thời chống Pháp, ấy là vẻ đẹp đặc trưng của bà. Dù tuổi đã cao, nhưng nhờ có lối sống lành mạnh và yêu đời, bà vẫn rất khỏe mạnh, điều đó làm em rất vui. Bà rất thích trồng rau, lên chùa, ngồi uống nước chè tươi và nói chuyện cùng các cụ. Bà cũng hay nhóm bếp, nướng mấy củ khoai củ sắn đào về từ ngoài vườn, mỗi khi có đồ gì ngon, bà đều chia hết cho các cháu. Các bác trong nhà bảo bà già rồi cứ ngồi nghỉ ngơi, nhưng bà không chịu, bà bảo ngồi không ngứa chân ngứa tay không chịu được. Em rất thích nghe bà kể truyện cổ tích, những câu chuyện ngày xưa về ông bụt bà tiên, cứ buổi tối, hai bà cháu lại mang chiếu ra hiên nằm kể chuyện, bà mồm bỏm bẻm nhai trầu, cháu chăm chú lắng nghe, cười khúc khích. Thuở nhỏ, cha mẹ đi làm bận bịu, bà là người chăm sóc và bảo ban em nhiều điều, bà dạy em biết điều gì đúng, điều gì sai, dạy em làm việc nhà, trồng cây và những điều tưởng chừng rất bình dị trong cuộc sống. Những lời dạy bảo của bà luôn thật ý nghĩa và sâu sắc, cả đời em không bao giờ quên được.

Em rất yêu quý bà của em. Em mong bà sẽ luôn vui vẻ, sống thật lâu cùng với gia đình mình để em được bà dạy bảo và yêu thương bà nhiều hơn nữa.

Tả bà nội – Mẫu 12

Gia đình em là một gia đình lớn, nhiều người gồm: ông bà nội, ba má, cô út em của ba và hai chị em em. Em là người nhỏ nhất nhà nên trong nhà, mọi người ai cũng để ý, quan tâm và chăm lo cho em nhiều lắm. Có thể nói về bà nội em là người lo lắng vun vén và bố trí mọi hoạt động trong nhà và cũng là người gần gũi và quan tâm, để ý tới em nhiều nhất. Em yêu mến và kính trọng bà nội em rất nhiều.

Năm nay, bà nội em đã gần sáu mươi tuổi. Bà nội đã nghỉ hưu để lo toan việc nhà được năm năm rồi. Khi chưa nghỉ hưu, nội em là giáo viên bậc Tiểu học ở gần nhà. Lúc chưa nghỉ hưu, nội em rất trẻ và vô cùng xinh đẹp. Năm đấy, nội năm lăm tuổi mà chưa ai tới chơi nhà có thể đoán đúng tuổi nội. Bà nội đứng bên cạnh mẹ em, trông giống như hai chị em. Chẳng người nào nghĩ đấy lại là mẹ chồng đối với nàng dâu. Năm nay, bà nội sau mươi tuổi. Tuy tuổi đã cao nhưng trông bà nội em vẫn rất trẻ. Người nào cũng nói nội em chỉ khoảng năm mươi tuổi là nhiều. Nội em có mặt mài tròn trịa, có sống mũi dọc dừa, đôi mắt to tròn và lông mày đậm trông cong rất tự nhiên, ít tỉa tót nên rất đẹp. Bà nội em ăn mặc đơn sơ giản dị tuy nhiên vô cùng nền nã. Nội em toàn chọn những màu sắc tương đối tối màu như đen, xanh dương đậm, tím than. Có lẽ da nội trắng nên mặc những màu ấy, bà nội càng trẻ trung, càng đẹp hơn. Lúc còn đi dạy học ở trường, nội em thường thường đi giày màu đen hoặc nâu. Còn khi ở nhà, bà nội em đi đôi dép lê trong nhà màu đen hoặc trắng.

Từ ngày nghỉ hưu ở nhà, cả ngày bà nội em chẳng chịu nghỉ xả hơi mà khi nào cũng luôn tay. Có thể kể, nội em là người của công việc. Buổi sáng, ví như mẹ em đi làm ca thì bà nội là người lo mọi công việc của một người nội trợ như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ…. do đó, đi học về, hôm nào em cũng có sẵn cơm ngon, canh ngọt trên bàn. Khi làm hết mọi việc trong gia đình, bà nội lại nghĩ ra các món ăn mới cho phong phú. Nội ghi ghi, chép chép cách thức nấu ăn để nhằm các ngày chủ nhật liền đó thế nào cả nhà cũng có một bữa ăn với những món ăn rất ngon và đẹp mắt bà nội đã tự sáng tạo ra. Thương bà nội nặng nhọc, em luôn tranh thủ thời gian nhằm giúp đỡ nội các việc vặt vãnh trong nhà giống như thu dọn đồ dùng bừa bãi, dọn dẹp nhà cửa, rửa ấm chén,…

Bà nội em sống rất tình nghĩa với mọi người xung quanh và thật thà tốt bụng. Bà con hàng xóm người nào cũng nể trọng bà và luôn lấy bà nội em để làm tấm gương để dạy bảo các con cháu.

Với em, bà nội còn là nơi em chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Có các chuyện em không thể tâm sự được với mẹ tuy nhiên lại có thể kể với bà. Những khi ấy, bà nội em quả thật là điểm tựa vô cùng vững chắc cho em.

Nội em đúng là người phụ nữ có vẻ đẹp những truyền thống. Nội em không những đẹp về ngoại hình, mà cũng rất đẹp trong nhiều việc làm, tâm hồn. Em rất yêu, Kính trọng và rất biết ơn bà nội của em. Em sẽ luôn cố gắng chăm học, chăm làm, hiếu thảo với bà nội nhằm bà vui, bà sống lâu trăm tuổi cùng con cháu.

See more articles in the category: TIN TỨC

Leave a Reply