Or you want a quick look: Tết Trung thu vào ngày nào?
Hòa trong không khí rộn ràng của đêm rằm tháng 8 đang đến gần, chúng ta hãy cùng dành thời gian tìm hiểu về nguồn gốc, sự tích Tết Trung thu ở Việt Nam nhé!
Tết Trung thu vào ngày nào?
Tết Trung thu (chữ Nôm: 節中秋; tiếng Trung: 中秋節; Tiếng Hàn: 추석; Tiếng Nhật: 月見) là ngày rằm tháng 8 Âm lịch hằng năm, nó còn được gọi là Tết trông Trăng, hay Tết hoa đăng. Trẻ em rất mong đợi ngày này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, tổ chức trò chơi và được ăn những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon.
Vào ngày này, ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thỏa thích. Tại Trung Quốc và các khu phố người Hoa trên thế giới còn có tổ chức bắn pháo hoa trong ngày này.
Tết Trung thu là lễ hội tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, ngày này cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia tại Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy đều cùng đón ngày Tết Trung thu bằng những lễ hội linh đình nhưng nguồn gốc Tết Trung thu ở mỗi quốc gia lại không hề giống nhau. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự tích Tết Trung thu của người Việt Nam để hiểu rõ hơn về ngày lễ đặc biệt này nhé!
Sự tích Tết Trung thu
Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba sự tích về Tết Trung thu được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.
Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:
– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!
Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.
Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.
Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.
Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.
Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.
Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.
Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa…
>> Xem thêm: Hình ảnh chị Hằng Nga và chú Cuội ngồi gốc cây đa trên cung trăng đẹp
Ý nghĩa ngày Tết Trung thu
Tết Trung thu có ở Việt Nam từ rất lâu trước đây, theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ nên có lẽ, Trung thu là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Ngoài ra, trong văn hóa Việt Nam, hình ảnh mặt trăng mang rất nhiều ý nghĩa về tinh thần. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Chính vì vậy, ngày rằm tháng 8 – ngày mặt trăng tròn và rõ nhất trong năm được coi là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều sẽ quây quần bên nhau, khi đêm xuống, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ… Ngoài ra, ngày rằm tháng 8 còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết thêm được về sự tích Tết Trung thu ở Việt Nam cũng như hiểu được ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này. Để tham khảo thêm thông thú vị khác về ngày Tết Trung thu, hãy thường xuyên truy cập Mobitool bạn nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau của chúng tôi!
Tham khảo thêm
- Trung thu ngày mấy 2021? Trung thu 2021 vào thứ mấy?
- Tết Trung Thu là gì? Tết Trung Thu còn được gọi là gì khác?
- Tết Trung Thu tiếng Anh là gì? Từ vựng tiếng Anh về Trung Thu
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến Trung thu 2021? Còn mấy ngày nữa đến Trung thu?
- Cap hay về Trung Thu, stt về Trung Thu bá đạo nhất