Phân tích nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao

Or you want a quick look:

Phân tích nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao để thấy cùng với Chí Phèo thì Thị cũng là một nhân vật bất hạnh trong tầng lớp nghèo khổ bị bần cùng hóa. Hình ảnh về Thị – một người phụ nữ hiện lên với biết bao chuẩn mực của cái xấu đã làm lay động ý thức và cảm hóa được trái tim của con quỷ dữ làng Vũ Đại. Chính Thị Nở đã khơi dậy tâm hồn hướng thiện cùng bản tính vốn hiền lành của Chí… Bài viết dưới đây của DINHNGHIA.COM.VN sẽ cùng bạn tìm hiểu và phân tích nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao. 

Mở bài: “Chí Phèo” là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nam Cao viết về hoàn cảnh sống và số phận khốn cùng của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong tác phẩm, bên cạnh nhân vật Chí Phèo thì có lẽ Thị Nở cũng là một nhân vật để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu đậm…

Nội dung chính bài viết

Một số nét chính về nhà văn Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo 

Trước khi tìm hiểu và phân tích nhân vật Thị Nở, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả Nam Cao cùng với tác phẩm Chí Phèo. 

Giới thiệu nét chính về Nam Cao 

Nhà văn Nam Cao (1917 – 1951) có tên khai sinh là Trần Hữu Tri, ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Sau khi hoàn thành bậc Thành chung, Nam Cao bôn ba ở nhiều nơi để kiếm sống nhưng vì lâm bệnh nên ông đã về lại quê nhà. Sau đó, ông phải sống một cuộc sống khá chật vật với nghề dạy học. 

Nam Cao là một gương mặt tích cực trong các hoạt động cách mạng từ sau Cách mạng tháng Tám. Ông đã từng tham gia vào lực lượng của đoàn quân Nam tiến. Khi tham gia quân đoàn, ông không chỉ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu mà còn làm cả công tác văn nghệ. Đến năm 1951, khi nhà văn đang trên đường đi công tác vào cùng địch tạm chiếm thì bị Pháp sát hại và hi sinh tại Ninh Bình.

Nhìn bề ngoài, Nam Cao là một người lạnh lùng, ít nói nhưng thực tâm ông là một người luôn có những trăn trở, suy tư về cuộc sống và con người. Ông là người sống rất giàu tình cảm và đặc biệt quan tâm tới những kiếp người sống cảnh nghèo khổ và bị áp bức, đặc biệt là những người nông dân. Họ cũng là những nhân vật chính trong những sáng tác của Nam Cao, đặc biệt là những tác phẩm ra đời sau Cách mạng tháng Tám. Trước Cách mạng, Nam Cao lại hướng ngòi bút của mình để thể hiện tấn bi kịch tinh thần của những người tri thức mang gánh nặng áo cơm. 

Trong cả sự nghiệp sáng tác, Nam Cao đã để lại vô số những tác phẩm tiêu biểu, một số tác phẩm có thể kể đến như: “Giăng sáng”; “Đời thừa”; “Sống mòn”; “Chí Phèo”, “Lão Hạc” hay “Một đám cưới”

Tìm hiểu về truyện ngắn Chí Phèo 

Tác phẩm “Chí Phèo” ban đầu có tên là “Cái lò gạch cũ” nhưng sau đó vào năm 1941, nhà xuất bản đã đổi tên tác phẩm lại thành “Đôi lứa xứng đôi”. Đến năm 1946, khi in lại trong tập “Luống cày” thì đích thân nhà văn đã đặt lại tên cho tác phẩm là “Chí Phèo”. Truyện ngắn này kể về cuộc đời của nhân vật Chí Phèo – một nhân vật đại diện cho kiếp người có số phận bi thảm khi bị xã hội tàn bạo chà đạp, đầu độc lên cả nhân hình và nhân phẩm. 

Viết tác phẩm này, Nam Cao đã thể hiện tình trạng tha hóa rất phổ biến trong xã hội, đồng thời lên án gay gắt sự tàn nhẫn xấu xa của chế độ thực dân phong kiến và bày tỏ niềm thương cảm, niềm tin mãnh liệt vào bản chất lương thiện của con người.

Phân tích nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao 

Tóm tắt nhân vật Thị Nở – chân dung nhân vật 

Ngay từ những dòng viết đầu khi giới thiệu về nhân vật Thị Nở, Nam Cao đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc.

Về lai lịch, Thị Nở được nhà văn giới thiệu là “không có ai thân thích, trừ một người cô đã có thể gọi được là già”. Thị là một người có diện mạo xấu xí mà theo cách miêu tả của nhà văn là đến mức “ma chê quỷ hờn”. Nhà văn đã dành một đoạn viết khá tỉ mỉ khi miêu tả và ngoại hình của thị: “Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó lại ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật tai hại, nếu như hai má nó phính phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn […] Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu”. Thị được miêu tả chân thực về diện mạo như vậy khiến cho người đọc có cảm tưởng khó có thể tìm đâu một người có thể xấu hơn thị.

Phân tích nhân vật Thị Nở, người đọc nhận thấy bản thân việc sở hữu một diện mạo kém sắc đã là một bất hạnh của người phụ nữ, ấy thế mà Thị lại còn dở hơi, gia cảnh nghèo khó và “thị lại là giòng giống của một nhà có mả hủi”. Vì dở hơi nên thị thường hành động hoàn toàn dựa trên bản năng và “có một cái tật không sao chữa được: có lúc đột nhiên muốn ngủ, bất cứ ở đâu hay là đang làm gì”. Vì cái nghèo đeo bám và phải sống qua ngày bằng cái nghề đi gánh nước thuê để kiếm sống nên Thị Nở không được để ý. Thị Nở cũng không có cơ hội được lập gia đình và “người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm”.

Nhận xét về Thị khi phân tích nhân vật Thị Nở 

Qua những chi tiết miêu tả về diện mạo, tính tình Thị Nở, Nam Cao có thể để lại cho người đọc tiếng cười trào phúng nhưng đằng sau tiếng cười ấy, ta cũng cảm nhận được một chút gì đó về sự đáng thương. Đó là thương cho thân phận bất hạnh của nhân vật chỉ vì những điểm đó mà nhân vật không được đón nhận và chấp nhận.

Nếu như Chí Phèo bị người làng Vũ Đại cự tuyệt bởi tội ác của quỷ thì Thị Nở bị mọi người hắt hủi bởi vì xấu xí, vì tính cách “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích” và lại còn có “giòng giống mả hủi”. Khi phân tích nhân vật Thị Nở, ta thấy dường như không chỉ có Chí Phèo mà Thị cũng là một người cô đơn chịu sự ghẻ lạnh của xã hội loài người.

Hình ảnh minh họa nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Tìm hiểu vai trò của Thị khi phân tích nhân vật Thị Nở 

Thị Nở vốn là người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp, giàu lòng thương người, một người luôn mong muốn khát khao hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, Thị Nở cũng là nhân vật góp phần làm nổi bật chủ đề của tác phẩm về bi kịch cuộc đời Chí Phèo – Đó cũng là những nét chính khi phân tích nhân vật Thị Nở. 

Thị Nở là người có phẩm chất tốt đẹp và giàu tình thương người

Dù được xây dựng trong hình ảnh của một người xấu xí nhưng Nam Cao không hoàn toàn vì mục đích miệt thị nhân vật mà là muốn làm nổi bật tình người nơi Thị trong mối quan hệ giữa Thị và Chí Phèo.

Khi phân tích nhân vật Thị Nở sẽ thấy Thị xuất hiện ở đoạn truyện Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại và sau khi uống rượu say từ nhà của Tự Lãng, Chí Phèo lảo đảo ra về, nhưng không về về lều mà đi ra bờ sông gần nhà. Ở đó, Chí Phèo đã gặp Thị Nở, một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng. Sau cuộc gặp đó, thị đã sống cuộc sống vợ chồng trong năm ngày với Chí Phèo. Tưởng chừng đó là quyết định của một con người dở hơi như Thị Nở, là một hành động cũng thuộc về bản năng nhưng chính nhờ vào quyết định ấy mà những gì thuộc về phẩm chất tốt đẹp của một con người đã được bộc lộ ở một người phụ nữ xấu đến “ma chê quỷ hờn” như thị.

Nhờ gặp Chí Phèo, Thị có cơ hội được quan tâm, chăm sóc người khác khi Chí Phèo nôn mửa, Thị biết “đặt bàn tay lên ngực hắn” để hỏi han sau đó “quàng tay vào nách hắn, đỡ cho hắn gượng ngồi. Rồi thị kéo hắn đứng lên. Hắn đu vào cổ thị, hai người lảo đảo đi về lều”. Hành động của Thị Nở không phải là hành động thể hiện sự đáp trả cho sự việc diễn ra giữa hai người trong đêm mà là hành động của tình người. 

Điều đó được thể hiện trong sự xuất hiện của Thị Nở vào buổi sáng hôm sau, khi Chí Phèo suy nghĩ về cuộc đời, về việc “hình như đã trông thấy cái tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau” rồi hắn có thể như sắp khóc được thì thị đã đến như một sự cứu rỗi linh hồn. Khi đến nhà Chí Phèo, Thị Nở lại mang đến một bát cháo hành còn nóng nguyên. Một người ngẩn ngơ, tưởng chừng như không biết quan tâm mọi người như thị lại có thể dành tình sự chăm sóc cho người khác.

Thị mang đến cho Chí Phèo bát cháo hành và đồng thời, thị cũng bắc cho Chí Phèo một nhịp cầu trở về với đời sống của một con người lương thiện. Khi phân tích nhân vật Thị Nở, ta thấy hương vị của bát cháo hành đã khiến Chí Phèo thật sự xúc động vì lần đầu tiên trong đời, Chí được người ta cho ăn mà không cần phải rạch mặt ăn vạ. Lần đầu tiên trong đời, Chí được ăn và được chăm sóc bởi bàn tay của người phụ nữ vì từ thuở lọt lòng, Chí đã bị bỏ rơi. Cũng là lần đầu tiên trong đời, Chí Phèo được ăn trong ánh mắt trìu mến của Thị Nở để rồi hắn cảm nhận được hình như mình cũng được xem là một con người.

Thị Nở đã thực sự đánh thức phần người còn lại của Chí Phèo bằng tình yêu thương, giúp cho những ước mơ và khát vọng ngày xưa trong Chí Phèo có cơ hội thức dậy. Trong cái xã hội bị tha hóa và con người thường tỏ ra lạnh lùng, tàn nhẫn và định kiến với những người xung quanh, người ta không chấp nhận, mặc kệ sự tồn tại của người lầm lỡ như Chí Phèo, người ta cho Thị Nở là kẻ ngẩn ngơ thì chính thị lại là người đã dùng tình người đã đánh thức những phẩm chất tốt đẹp tiềm tàng trong Chí Phèo.

Thị Nở còn là người luôn khát khao hạnh phúc gia đình

Trong tác phẩm, sau khi sống cuộc sống vợ chồng năm ngày với Chí Phèo, ta còn thể thấy được ở Thị Nở một niềm khát khao chính đáng về hạnh phúc gia đình. Khi phân tích nhân vật Thị Nở sẽ thấy Thị dù có xấu xí như thế nào, dở hơi ra sao thì thị có lẽ thẳm sâu trong người phụ nữ ấy cũng có mong muốn được có niềm hạnh phúc của một mái ấm như biết bao người phụ nữ trên đời.

Đối với Chí Phèo, Thị Nở có cảm giác “ngượng ngượng mà thinh thích” và trong mối quan hệ ấy, thị thật sự nghiêm túc trong việc muốn xây dựng hạnh phúc gia đình với Chí Phèo nên đã đưa ra quyết định “dừng yêu để hỏi cô thị đã”. Thị có lẽ cũng muốn cuộc hôn nhân dù có được một cách ngẫu nhiên như thế nhưng cũng cần đến sự đồng thuận của người bề trên chăng?.

Thị có lẽ cũng đã hi vọng, đã tin tưởng rằng mong muốn chính đáng đó của mình sẽ được sự chấp thuận của người cô nhưng đến cuối cùng điều thị ước ao lại không trở thành hiện thực. Thế nên sau khi bị cô chối từ, thị đã giận dữ và tức tối rồi “dẫm chân xuống đất, rồi lại nhảy cẫng lên như thượng đồng”.

Quyết định của bà cô chính là biểu hiện của những định kiến xã hội trong việc chối từ sự trở lại làm người của Chí Phèo nhưng đồng thời cũng tước đoạt đi cái quyền được trở thành một người phụ nữ của gia đình như Thị Nở. Chí Phèo rơi vào bi kịch và Thị Nở cũng trở nên hết sức đáng thương

Thị Nở góp phần làm nổi bật tác phẩm: bi kịch cuộc đời Chí Phèo

Thị Nở đã đến với Chí Phèo như một cái duyên và chính nhờ tình yêu của thị mà Chí Phèo có mong muốn được sống một cuộc đời lương thiện nhưng thị cũng lại chính là người đầu tiên ruồng bỏ Chí Phèo và khiến hắn thật sự phải gánh chịu bi kịch bị cự tuyệt của một con người.

Sau khi hỏi ý kiến người cô, Thị Nở đã quyết định “dừng yêu” và bỏ rơi Chí Phèo. Khi phân tích nhân vật Thị Nở, ta thấy quyết định đó của Thị đã khiến Chí Phèo nhận ra một điều là tất cả những ước mơ, khát vọng trong mình đã thực sự đổ vỡ. Kể cả những ước mơ nhỏ bé như được làm bạn với mọi người, được sống một cuộc đời lương thiện hay được xây dựng tương lai với Thị Nở cũng trở nên quá tầm với Chí Phèo.

Khi Thị Nở bỏ đi, Chí Phèo đã chạy theo nắm tay như cố níu kéo cuộc sống được làm một con người. Thế nhưng, Thị Nở đã dứt khoát gạt tay hắn ra và còn xô hắn ngã. Thị đã đẩy Chí Phèo trở về đời sống của một con quỷ. Chí Phèo khóc khi nhận ra bi kịch lớn nhất của cuộc đời mình: bi kịch không thể vượt qua được định kiến xã hội, bi kịch của một con người được sinh ra làm người nhưng không được chấp nhận là người.

Đánh giá tác phẩm khi phân tích nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo 

Về nội dung, truyện ngắn “Chí Phèo” đã thể hiện tấm lòng thương cảm của mình với số phận bi đát của người nông dân nghèo khi bị đẩy vào con đường lưu manh hóa đến độ bế tắc, cùng đường và phải chịu một kết cục không lối thoát. Đồng thời, tác phẩm cũng đại diện cho tiếng nói phê phán của nhà văn đối với một xã hội quần ngư tranh thực với đầy rẫy những cường hào ác bá khiến người dân không thể ngóc đầu lên được

Về nghệ thuật, Nam Cao đã hết sức thành công trong cách xây dựng nhân vật và tổ chức, sắp xếp cốt truyện hết sức hấp dẫn, giàu kịch tính. Đặc biệt, tác phẩm đã sử dụng hệ thống ngôn từ vừa tinh tế, vừa sống động, nhất là với những đoạn độc thoại nội tâm đã cho tạo nên hiệu quả rất lớn đối với việc phân tích tâm lí nhân vật.

Kết bài: Riêng với việc xây dựng hình ảnh nhân vật Thị Nở, Nam Cao đã cho thấy tấm lòng trân trọng của mình với những vẻ đẹp khuất lấp nơi một con người dù có dung mạo xấu xí, có tính cách gàn dở. Đồng thời, nhà văn cũng đã lên tiếng tố cáo xã hội với những định kiến tàn nhẫn, những định kiến ấy đến độ nếu không đẩy con người lầm lạc như Chí Phèo đến cái chết bi thảm thì cũng khiến một người phụ nữ như Thị Nở bị tước đoạt niềm khao khát chính đáng về một mái ấm gia đình.

Dàn ý phân tích nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao 

Để giúp bạn đọc nắm được những nét chính trong bài viết cũng như giá trị của tác phẩm, DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn khái quát và lập dàn ý phân tích nhân vật Thị Nở. 

Mở bài phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo

  • Giới thiệu những nét nổi bật nhất về nhà văn Nam Cao cùng tác phẩm Chí Phèo.
  • Khẳng định Thị Nở cũng là nhân vật giúp làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.
  • Thị Nở là nhân vật giúp nhà văn thể hiện tư tưởng nhân đạo.

Thân bài phân tích nhân vật thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo

  1. Thị Nở là nhân vật giàu lòng thương người và có nhiều phẩm chất tốt đẹp.
  2. Thị là người phụ nữ luôn mong muốn khát khao về hạnh phúc gia đình.
  3. Nhân vật Thị cũng góp phần giúp tác giả thể hiện tư tưởng tác phẩm.

Kết bài phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo 

  • Nhấn mạnh lại phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Thị Nở.
  • Đề cập đến những nét nghệ thuật làm nên hình tượng nhân vật Thị.
  • Tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm: Xây dựng nhân vật Thị Nở, nhà văn Nam Cao thể hiện sự trân trọng con người đồng thời vạch trần một xã hội thối nát.

Nhà văn Nam Cao thông qua tác phẩm “Chí Phèo” đã xây dựng lên hình tượng một người phụ nữ khá tiêu biểu trong xã hội cũ. Qua Thị Nở, tác giả ngợi ca nét đẹp tâm hồn của những người phụ nữ. Tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao qua năm tháng thời gian vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu, cũng như hình tượng về Chí, về Thị – mãi mãi là những minh chứng cho tài năng của nhà văn. 

DINHNGHIA.COM.VN đã cung cấp cho bạn những ý văn hay khi phân tích nhân vật Thị Nở. Hy vọng qua bài viết, bạn đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích trong quá trình tìm hiểu và phân tích nhân vật Thị Nở. Chúc bạn luôn học tốt!. 

Xem thêm:

See more articles in the category: wiki
READ  Kiwi Ngô Mai Trang là ai? Tiểu sử, sự nghiệp Ngô Mai Trang

Leave a Reply