Phân tích Hồi thứ 14 trong Hoàng Lê nhất thống chí

Or you want a quick look: Hướng dẫn làm bài phân tích hồi thứ mười bốn trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

[Văn mẫu 9] Phân tích Hồi thứ 14 Hoàng Lê nhất thống chí - Những bài văn mẫu phân tích hay về hồi thứ mười bốn tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái.

Phân tích Hồi thứ 14 Hoàng Lê nhất thống chí - Những bài văn mẫu phân tích hay về hồi thứ 14 tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái).

Đề bài: Phân tích Hồi thứ mười bốn trong Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm tác giả Ngô Gia văn phái

*****

Hướng dẫn làm bài phân tích hồi thứ mười bốn trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

1. Phân tích đề

- Yêu cầu đề bài: phân tích các chi tiết, hình ảnh, nội dung, nghệ thuật của bài thơ để thấy được bức tranh về một thời kì lịch sử được tái hiện một cách chân thực, đồng tời cảm nhận tinh thần vì nghệ thuật của các tác giả: dù theo nhà Lê, phò vua Lê nhưng vẫn thừa nhận và khâm phục tài năng của anh hùng Quang Trung.

- Phương pháp làm bài: phân tích

2. Các luận điểm chính cần triển khai

Luận điểm 1: Hoàn cảnh giặc Thanh xâm lược và sự đối phó của nghĩa quân

Luận điểm 2: Thắng lợi của quân khởi nghĩa

Luận điểm 3: Nhận xét về nghệ thuật

3. Lập dàn ý

1, Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Ngô gia văn phái: một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì. Tác phẩm do Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du viết, trừ ba hồi cuối chưa rõ tác giả.

+ Hoàng lê nhất thống chí: là một tác phẩm văn xuôi ghi chép bằng chữ Hán lớn nhất trong văn học Việt Nam trung đại, có tính chất của tiểu thuyết chương hồi, nói về thời kì cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn.

+ Văn bản trong sách giáo khoa là hồi thứ 14 của tác phẩm.

2, Thân bài:

a, Hoàn cảnh giặc Thanh xâm lược và sự đối phó của nghĩa quân

- Miêu tả đội quân của nhà Thanh:

+ Quân đội đông, hùng hậu, sĩ khí ngút trời, “Tôn Sĩ Nghị sau khi đem quân ra cửa ải, xuyên rừng vượt núi như giẫm đất bằng, ngày đi đêm nghỉ, không phải lo lắng gì, kéo thẳng một mạch đến thành Thăng Long, không mất một mũi tên, như vào chỗ không người”

+ Quân đội nhà Thanh đông, tinh nhuệ nhưng hợm hĩnh, chủ quan, hưởng lạc ngủ quên trên chiến thắng: “quân lính các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không có kỷ luật gì cả”, còn tướng quân thì cũng “ngày ngày chơi bời tiệc tùng, không hề để ý đến việc quân”.

+ Được cung nữ phủ Trường Yên cảnh báo về Nguyễn Huệ nhưng cả bọn cũng chỉ biết quát chửi nhau và vẫn ung dung ngồi “tính toán chu đáo”, dự định sang xuân mới tính kế với Nguyễn Huệ

⇒ Sử dụng biện pháp đối lập, đòn bẩy: miêu tả cái hùng mạnh oai phong trước làm nền bật lên sự nhu nhược, tham lam, lười biếng, khinh suất của quan quân nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống.

- Nghĩa quân Tây Sơn của vua Quang Trung:

+ Sự ứng phó nhanh nhẹn, kịp thời: sau khi biết tin, Nguyễn Huệ lên ngôi vua và thu xếp việc trong 1 tháng, 25 tháng chạp xuất quân, 29 âm lịch tới Nghệ An chiêu mộ thêm binh sĩ, 30 âm lịch mở tiệc khao quân ăn tết sớm, và đúng mùng 5 tháng giêng, sau chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, Nguyễn Huệ giữ đúng lời hứa chiến thắng với quân sĩ.

+ Tinh thần của quân sĩ: tất cả đều nghiêm trang chỉnh tề, “một lòng một chí quyết chiến quyết thắng”.

⇒ Thủ pháp đối lập, đòn bẩy lần nữa phát huy tác dụng: tả quân Thanh trước để làm bật lên sự thần tốc, anh hùng của quân đội Quang Trung; làm bật lên hình ảnh vua Quang Trung anh dũng, khiêm tốn mà thu phục lòng người, bản lĩnh, yêu nước.

b, Thắng lợi của quân khởi nghĩa

- Sự tự tin, tài mưu lược của người cầm quân: Quang Trung tin vào một thắng lợi của chính nghĩa, truyền cảm hứng cho quân đội của mình; ông đích thân chỉ huy đội quân tiên phong, anh dũng, quyết đoán.

- Dũng khí của quân khởi nghĩa: sức mạnh tinh thần, tuy thô sơ ít ỏi về quân lực và vũ khí, chỉ dùng gậy gộc cuốc thuổng mà đánh bại được súng ống.

- Những trận đánh với thắng lợi rực rỡ thể hiện tài binh lược của Quang Trung:

+ Đánh ở sông Gián, sông Thanh Quyết, quân Lê Chiêu Thống và quân Thanh thấy bóng dáng quân đội Quang Trung từ xa đã tự bỏ chạy, bị bắt sống.

+ Trận Hà Hồi, dùng tinh thần uy hiếp tinh thần khiến giặc sợ hãi, không tốn một binh lính cũng chiếm được đồn.

+ Trận Ngọc Hồi: quân giặc chống cự yếu ớt rồi thua, tướng giặc chạy vội “Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp”.

⇒ lời kể ngắn gọn, bình dị càng làm tăng sự thần kì của chiến thắng

c, Nhận xét về nghệ thuật

Thành công trong sử dụng các hình ảnh đối lập, thủ pháp đòn bẩy: tả quân Thanh trước, tả quân đội Quang Trung sau.

- Thành công trong xây dựng hình tượng nhân vật Quang Trung và nghĩa quân.

- Lối kể chuyện chân thực, không khoa trương.

3, Kết bài:

- Tác phẩm tái hiện lại một thời kì lịch sử một cách chân thực.

- Thể hiện tinh thần vì nghệ thuật của các tác giả: dù theo nhà Lê, phò vua Lê nhưng vẫn thừa nhận và khâm phục tài năng của anh hùng Quang Trung.

Xem thêm:

4. Sơ đồ tư duy

Sau khi nắm được các ý chính và cách triển khai hệ thống luận điểm, luận cứ, cách sử dụng các dẫn chứng trong bài phân tích Hồi thứ mười bốn trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, các em hãy tham khảo thêm các bài văn mẫu dưới đây để có thêm ý tưởng làm bài nhé.

Văn mẫu chọn lọc phân tích Hồi 14 của Hoàng Lê nhất thống chí

Bài văn mẫu 1: 

Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn lịch sử chương hồi của một số tác giả trong Ngô gia văn phái. Tác phẩm đã khái quát một giai đoạn lịch sử với bao biến cố dữ dội đẫm máu từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa đến khi Gia Long chiếm Bắc Hà (1868 - 1802) như: loạn kiêu binh, triều Lê Trịnh sụp đổ, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Gia Long lật đổ triều đại Tây Sơn...

READ  Đóng vai Thúy Kiều kể lại Chị em Thúy Kiều (4 mẫu)

Sự sụp đổ không thể cưỡng nổi của triều đại Lê Trịnh và khí thế sấm sét của phong trào nông dân Tây Sơn là hai nội dung lớn được phản ánh qua Hoàng Lê nhất thống chí. Đặc biệt Hồi thứ mười bốn đã thể hiện một cách hào hùng sức mạnh quật khởi của dân tộc trước thù trong giặc ngoài và khắc họa hình tượng Nguyễn Huệ, người anh hùng dân tộc đã làm nên chiến công Đống Đa bất tử.

Ta như được sống lại những giờ phút lịch sử nghiêm trang và hào hùng của dân tộc vào cuối năm Mậu Thân (1788), đầu năm Kỉ Dậu (1789) khi Lê Chiêu Thống đã rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta. Tác giả Hoàng Lê nhất thông chí mở đầu hồi mười bốn đã viết:

Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận,

Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài.

Vị cứu tinh của dân tộc thuở ấy là Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Ngày 22 tháng 11 năm Mậu Thân, Tôn Sĩ Nghị chiếm Thăng Long. Tướng Ngô Văn Sở lui binh về án ngữ tại Tam Điệp. Ngày 24, Nguyễn Huệ được tin cấp báo, và ngày 25 lên ngôi hoàng đế "tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi", lấy niên hiệu là Quang Trung, Nguyễn Huệ đốc xuất đại binh ra Bắc. Ngày 29 đến Nghệ An tuyển thêm một vạn quân tinh nhuệ. Nguyễn Huệ tổ chức duyệt binh truyền hịch đánh quân Thanh, vạch trần âm mưu xâm lược của bọn chúng "mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện...; kêu gọi tướng sĩ "đồng tâm, hiệp lực, để dựng nên công đức”. Nhà vua chia quân làm 5 doanh (tiền, hậu, tả, hữu, trung quân) rồi thần tốc ra Tam Điệp hội quân với cánh quân Ngô Văn Sở. Quang Trung chia đại quân làm 5 đạo, cho quân ăn tết Nguyên đán trước, "bảo kín" với các tướng soái đến tối 30 thần tốc đánh quân Thanh, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long "mở tiệc ăn mừng". Qua đó, ta thấy rõ Quang Trung có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sáng suốt, giàu mưu lược, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng lũ xâm lăng.

Các sự kiện như lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, tuyển quân và truyền hịch ở Nghệ An, cho quân sĩ ăn Tết Nguyên đán trước; đặc biệt, nhà vua đã lạo nên yếu tố bất ngờ, đánh quân Thanh vào đúng dịp tết khi chúng "chỉ chăm chú vào việc vến tiệc vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc' đã thể hiện tinh thần quyết đoán của một thiên tài quân sự khi Tổ quốc lâm nguy.

Tác giả mượn lời người cung nhân cũ để làm nổi bật tính cách anh hùng phi thường của Nguyễn Huệ khi trận Ngọc Hồi chưa xảy ra:

"Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sấm sét".

Nguyễn Huệ là một anh hùng có tài điều binh khiển tướng, trù hoạch quân mưu như thần. Ra quân đánh thắng như chẻ tre. Bắt sống toàn bộ toán quân Thanh đi do thám tại Phú Xuyên, dùng mưu gọi loa, vây kín làng Hà Hồi, quân Thanh "rụng rời sợ hãi" phải đầu hàng. Dùng kì mưu kết ba tấm ván thành một bức bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức; mỗi bức có 20 dũng sĩ, lưng dắt dao ngắn dàn thành trận chữ "nhất" xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi. Súng quân Thanh bắn ra đều vô hiệu. Vua Quang Trung cưỡi voi đốc chiến.

Sáng mồng 5, đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, hàng vạn giặc bị giết "thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại". Vua đã đặt phục binh tại đê Yên Duyên và Đại Áng, hợp vây quân Thanh tại Quỳnh Đô, giặc trốn xuống đầm Mực bị quân Tây Sơn "lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người".

Thừa thắng, vua Quang Trung tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long đúng trưa mồng 5 tháng giêng năm Kỉ Dậu, trước kế hoạch 2 ngày. Có tài thao lược vô song, có tin vào sức mạnh chiến đấu và tinh thần yêu nước của tướng sĩ, của nhân dân ta mới có niềm tin tất thắng ấy. Chiến thắng Đống Đa 1789 đã làm cho tên tuổi người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ sáng ngời mãi ngàn thu.

Các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã từng ăn lộc của nhà Lê, vốn có cảm tình với vua Lê nhưng trước họa xâm lăng và chiến công Đống Đa oanh liệt, họ đã đứng trên lập trường dân tộc, đã viết nên những trang văn đẹp nhất, dựng lên một tượng đài kì vĩ ,tráng lệ về người anh hùng Nguyễn Huệ. Chỉ mấy năm sau, trong bài Ai tư vãn khóc vua Quang Trung qua đời, Ngọc Hân công chúa đã viết:

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.

Đó là hình tượng người anh hùng Quang Trung trong văn học mà ta cảm nhận được với bao ngưỡng mộ.

Bằng biện pháp nghệ thuật tương phản đối lập, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã miêu tả và nêu bật sự thảm bại của quân Thanh xâm lược và số phận nhục nhã, bi đát của bọn vua quan phản nước hại dân.

Chỉ huy 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta là Tôn Sĩ Nghị. Sau khi chiếm được Thăng Long "không mất một mũi tên, như vào chỗ không người" hắn vô cùng "kiêu căng buông tuồng". Bọn tướng tá chỉ biết "chơi bời tiệc tùng, không hề đề ý gì đến việc quân". Chúng huênh hoang tuyên bố là đầu xuân sẽ kéo quân thẳng đến sào huyệt của Tây Sơn để "bắt sống không một tên nào lọt lưới!".

Thế nhưng, trước sức tiến công như vũ bão của Nguyễn Huệ, bao đồn giặc bị đánh tơi bời. Đồn Hà Hồi phải đầu hàng. Đồn Ngọc Hồi bị đập nát, Sầm Nghi Đống phải tự tử. Hàng vạn giặc phải bỏ mạng ở đầm Mực, Tôn Sĩ Nghị "sợ mất mật, ngựa không kịp chói yên, người không kịp mặc giáp... nhằm hướng Bác mà chạy". Quân tướng "hoảng hồn, tan tác bỏ chạy". Chúng tranh nhau chạy, xô đẩy nhau rơi xuống sông, cầu phao đứt, hàng vạn giặc bị rơi xuống nước mà chết, đến nỗi nước sông Nhị Hà bị tắc nghẽn. Bọn sống sót chạy tháo thân về nước!

READ  Top 3 mẫu kể lại câu chuyện lão Hạc bán chó

Bọn Việt gian bán nước cầu vinh như Lê Chiêu Thống, Lê Quýnh, Trịnh Hiến trên đường tháo chạy trở thành lũ ăn cướp. Chúng bạt vía kinh hồn chạy đến Nghi Tàm, "thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc".

Tại cửa ải, Lê Chiêu Thống và bọn cận thần "than thở, oán giận chảy nước mắt" trông thật bi đát, nhục nhã. Còn Tôn Sĩ Nghị "cũng lấy làm xấu hổ". Chết nhưng nết không chừa! Lê Chiêu Thống hứa “xin sang hầu tướng quân", nghĩa là tiếp tục rước voi về giày mả tổ! Còn Tôn Sĩ Nghị vẫn khoác lác: “ Nguyễn Quang Trung chưa diệt,việc này còn chưa thôi!".

Có thể nói, hình ảnh lũ xâm lược và bọn bán nước được miêu tả bằng nhiều chi tiết châm biếm, thể hiện một thái độ khinh bỉ sâu sắc.

Đọc Hồi thứ mười bốn (Hoàng Lê nhất thống chí) ta càng thấu rõ tim đen quân xâm lược phương Bắc, âm mưu của thiên triều, và bộ mặt dơ bẩn của bọn Việt gian bán nước. Ta càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc ta, vô cùng kính phục và biết ơn Nguyễn Huệ, nhà quân sự thiên tài của Đại Việt.

Nghệ thuật kể chuyện, bút pháp miêu tả nhân vật lịch sử (Nguyễn Huệ, Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị) rất chân thực và sinh động tạo nên những trang văn hào hùng tuyệt đẹp vừa giàu giá trị văn chương, vừa mang tính lịch sử sâu sắc.

>> Tham khảo bài soạn văn Hoàng Lê nhất thống chí để tóm lược lại những đặc sắc nội dung và nghệ thuật của tác

Bài văn mẫu 2:

"Hoàng Lê nhất thống chí" của nhóm tác giả Ngô gia văn phái từ lâu đã được xem là cuốn sách lịch sử đặc biệt quan trọng, là cuốn tư liệu quí giá cho các nhà sử gia nước nhà. Tuy nhiên, vượt ra khuôn khổ giá trị của cuốn sách lịch sử thông thường, tác phẩm còn mang một giá trị văn chương hay, độc đáo, rất tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết lịch sử, viết theo lối chương hồi.

Toàn bộ tác phẩm gồm có mười bảy hồi. Đó là một chuỗi câu chuyện lịch sử dài, với biết bao nhiêu là những biến cố thăng trầm, đầy dữ dội, đau thương, đẫm máu và nước mắt của các triều đại phong kiến Việt Nam từ ba mươi năm cuối thế kỉ XVIII đến mấy năm đầu thế kỉ XIX; từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa cho đến khi Gia Long chiếm Bắc Hà, lật đổ triều đại Tây Sơn, lập nên triều đại Gia Long - nhà Nguyễn. Trong tác phẩm, tiêu biểu có Hồi thứ mười bốn: "đánh Ngọc Hồi quân Thanh thua trận. Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài", là một trong những phần hay nhất của tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí".

Tác giả đã dựng lên bức chân dung về người anh hùng áo vải dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh và tái hiện sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh cùng số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống một cách chân thực, sinh động.

Có thể nói, dưới ngòi bút của nhà văn, người đọc như đang sống lại những giờ phút đau thương của lịch sử dân tộc khi mà vào cuối năm Mậu Thân 1788, đầu năm Kỉ Dậu 1789, vua Lê Chiêu Thống đã rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta. Ngày 22 tháng 11, Tôn Sĩ Nghị chiếm được thành Thăng Long, tướng Ngô Văn Sở phải tạm thời rút lui về Tam Điệp để phòng thủ.

Đứng trước vận mệnh lịch sử Việt Nam "ngàn cân treo sợi tóc", Nguyễn Huệ hiện lên như một vị cứu tinh chói lọi của dân tộc ta. Nhận được tin báo Nguyễn Huệ giận lắm, "định thân chinh cầm quân đi ngay". Chỉ trong vòng hơn một tháng trời, Nguyễn Huệ đã làm được rất nhiều việc: Ngày 25 lên ngôi hoàng đế, "tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi", rồi đốc thúc đại quân tiến ra Bắc; ngày 29 tới Nghệ An, nhà vua cho tuyển thêm quân sĩ và mở một cuộc duyệt binh lớn, thu nạp được hơn một vạn quân tinh nhuệ; sau đó đưa ra lời phủ dụ, vạch rõ âm mưu và sự tàn độc của quân xâm lược phong kiến phương Bắc, nêu cao truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc và đưa ra lời hiệu triệu kêu gọi các quân sĩ "đồng tâm hiệp lực, để dựng lên công lớn".

Lời phủ dụ như sấm truyền bên tai, như một lời hịch mang âm hưởng vang vọng của sông núi, kích thích lòng yêu nước và truyền thống anh hùng của dân tộc. Chưa dừng lại ở đó, nhà vua còn hoạch định kế hoạch hành quân "lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đánh đuổi được người Thanh" rồi chia quân sĩ ra làm năm đạo".

Hôm đó là ngày 30 tháng chạp, vua cho tổ chức mở tiệc khao quân , hẹn đến ngày mồng bảy năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng...Qua đó, ta thấy vua Quang Trung - Nguyễn Huệ hiện lên là một con người có hành động mạnh mẽ, xông xáo, có trí tuệ sáng suốt trong nhận định tình hình địch ta và là người biết nhìn xa trông rộng, chưa thắng nhưng nhà vua đã nghĩ tới quyết sách ngoại giao, kế hoạch hòa bình trong mười năm tới.

Tác giả đã mượn lời người cung nhân cũ để làm nổi bật tính cách anh hùng phi thường của Nguyễn Huệ khi trận Ngọc Hồi chưa diễn ra: "Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn không một người nào dám nhìn thẳng vảo mặt hắn. Thấy hắn trở tay, đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sấm sét". Lời nhận xét đó không phải là không có căn cứ. Điều này được thể hiện rất rõ, rất chân thực, cụ thể trong cuộc điều binh khiển tướng trực tiếp của nhà vua.

Trong chiến trận, vua Quang Trung hiện lên oai phong, lẫm liệt, có tài thao lược hơn người. Có thể nói dưới bàn tay chỉ huy của nhà vua, quân đi đến đâu, giặc bị tiêu diệt tới đó. Lúc đi đến sống Gián và sông Thanh Quyết, toán quân Thanh vừa trông thấy bóng nhà vua đã "tan vỡ chạy trước"; tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc vua lặng lẽ cho vây kín làng rồi dùng mưu bắc loa truyền gọi khiến quân Thanh "ai nấy đều rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực, khí giới đều bị quân Nam lấy hết"; sáng mùng 5 tết tiến sát đồn Ngọc Hồi, đề phòng trước mũi súng của giặc, vua Quang Trung đã sai quân lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, cứ mười người một bức, lưng giắt dao ngắn, theo sau là hai mươi người cầm binh khí dàn thành chữ "nhất" tiến thẳng vào đồn.

READ  TOP 7 bài Đóng vai Đăm Săn kể lại Chiến thắng Mtao Mxây hay nhất

Vì thế, súng giặc bắn ra đều vô tác dụng. Nhân có gió bắc, quân Thanh dùng súng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, hòng làm quân ta rối loạn, không ngờ bỗng trời trở gió nam ngược lại, thành ra quân Thanh tự hại mình. Trước tình thế nghìn năm có một ấy, nhà vua liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che, xông thẳng lên phía trước, gươm giáo chạm nhau thì vứt ván xuống đất cứ nấy dao ngắn thủ sẵn trong tay áo mà chém. Kết quả, quân Thanh "thây nằm đầy đống, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại". Thừa thắng xông lên, vua Quang trung lẫm liệt, oai phong cưỡi voi tiến vào giải phóng thành Thăng Long vào trưa ngày mùng 5 tết Kỉ Dậu – trước kế hoạch hai ngày. Giặc bỏ chạy, vua cho phục binh tại đê Yên Duyên và Đại Áng, vây quân Thanh ở Quỳnh Dô, giặc chạy xuống đầm Mực, cuối cùng bị quân Tây Sơn " lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người".

Nhà văn đã tả thật chi tiết, sinh động sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận nhục nhã, bi đát của bọn vua quan phản nước hại dân bằng một giọng điệu vừa ngậm ngùi xót xa, lại vừa mạnh mẽ, tự hào. Vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo quân vào thành. Tôn Sĩ Nghị và vua Lê ở Thăng Long chỉ chăm chú vào ngày tết, yến tiệc vui mừng, không lo chi đến việc bất trắc.

Ngược lại, quan quân ta mạnh mẽ như hổ báo, thế như chẻ tre, như "tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên". Vì bị đánh úp bất ngờ, không có chuẩn bị, Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, cứ nhằm hướng bắc mà chạy; Sầm Nghi Đống thì thắt cổ tự vẫn; quân sĩ nhà Thanh đều "hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều.

Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa". Còn số phận thảm hại của bọn vua tôi phản nước hại dân Lê Chiêu Thống cũng phải chịu cảnh nhục nhã của kẻ vong quốc. Lê Chiêu Thống cũng vội vã cùng kẻ thân tín "đưa thái hậu ra ngoài", bỏ chạy, cướp cả thuyền dân để qua sống, may được người thổ hào giúp cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi " cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt", sau này phải cạo đầu tết tóc như người Mãn Thanh...

Đến đây, chúng ta mới thấy hết được tác giả Ngô gia văn phái là những con người tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật khách quan. Mặc dù, họ vốn dĩ là cựu thần nhà Lê, ăn bổng lộc triều Lê, không có thiện cảm với quân Tây Sơn, thậm chí xem Tây Sơn như là kẻ thù, nhưng họ vẫn viết về Quang Trung và những chiến công của đoàn quân áo vải một cách thật hả hê, mạnh mẽ, tự hào.

Điều đó có được là do ý thức dân tộc của những trí thức có lương tri, lương tâm. Họ đã thấy được những cái hạn chế, sự thối nát, hèn mạt của nhà Lê và dã tâm xâm lược độc ác, hống hách của quân Thanh nên họ không thể đứng đó mà ngoảnh mặt làm ngơ được. Qua đó, chúng ta cảm thấy thật tâm phục, khẩu phục trước ý thức, trách nhiệm và tình yêu đất nước dân tộc của nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

Đoạn trích "Hồi thứ mười bốn" trong "Hoàng Lê nhất thống chí" là một đoạn trích hay, độc đáo, có nhiều thành công về mặt nghệ thuật: kể tả đan xen rất sinh động, cụ thể, gây được ấn tượng mạnh; giọng điệu biến đổi linh hoạt, phù hợp với từng đoạn văn, từng hoàn cảnh lịch sử. Cảnh tháo chạy của quân tướng nhà Thanh được miêu tả dưới cái nhìn hả hê, mãn nguyện của người thắng trận trước sự thất bại thảm hại của kẻ thù cướp nước: âm hưởng nhanh, dồn dập, gợi sự tán loạn, tan tác.

Cảnh bỏ chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống được miêu tả dài hơn, âm hưởng chậm, toát lên vẻ chua xót, ngậm ngùi... Đặc biệt sự thành công nổi bật trong đoạn trích là nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật với đầy đủ diện mạo tới bản chất: Tôn Sĩ Nghị ( tướng nhà Thanh) thì kiêu căng, ngạo mạn, khi bị quân Tây Sơn đanh đến thì "sợ mất mật" hèn hạ dẫn quân bỏ chạy; vua Lê Chiêu Thống hiện lên là con người ích kỉ, vì lợi ích dòng họ mà trở thành kẻ phản động, đớn hèn, nhục nhã cướp cả thuyền dân mà bỏ chốn; Còn vua Quang Trung – nhân vật chính trong truyện lại hội tụ biết bao phẩm chất của một người anh hùng "văn võ song toàn", đầu đội trời chân đạp đất... Tất cả đã hòa với nhau làm một, tạo nên sự thành công tuyệt vời của một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, viết theo lối chương hồi.

Khép lại đoạn trích "Hồi thứ mười bốn" người đọc thấy được những âm mưu tàn ác của quân xâm lược phương Bắc đối với dân tộc ta. Đồng thời, qua đoạn trích ta càng cảm thấy tự hào hơn về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc Việt Nam, thấm thía và biết ơn sâu sắc những con người anh hùng, trong đó có nhà vua, nhà quân sự tài ba Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Tham khảo thêm:

***

Hy vọng rằng dàn ý chi tiết cùng bài tham khảo phân tích Hồi thứ mười bốn trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

See more articles in the category: Văn học

Leave a Reply