Phân tích hình tượng Lorca trong “Đàn ghita của Lorca” – Thanh Thảo

Or you want a quick look:

Hình tượng Lorca là một trong những hình tượng trung tâm trong tác phẩm Đàn ghita của Lorca. Phân tích hình tượng Lorca để thấy đây là tiếng nói tri âm của những người nghệ sĩ. Sự thấu hiểu và đồng cảm của Thanh Thảo và hình tượng Lorca trong bài thơ đã cho người đọc có cái nhìn trọn vẹn hơn về con người Thanh Thảo – một trí thức giàu suy tư­ và cũng là một người nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết, lí tưởng.

Mở bài: Thanh Thảo là một cái tên không còn xa lạ với những người yêu thơ Việt Nam. Nhà thơ từng ghi dấu ấn với những tác phẩm đầy trăn trở suy tư về cuộc đời:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình”

Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc…”

(Những người đi tới biển – Thanh Thảo)

Bên cạnh đó, nhà thơ còn được biết đến với những tác phẩm thể hiện sự suy tư trăn trở về nghệ thuật. Trong đó, bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca lại là một thanh âm đầy đặc sắc. Tuy vẫn thể hiện những băn khoăn về nghệ thuật nhưng màu sắc chủ đạo trong bài thơ lại là sự tiếc thương, kính trọng cũng như sự trân quý tài năng của ông dành cho người nghệ sĩ Tây Ban Nha – Lorca. Thanh Thảo đã vượt qua mọi quy luật về sự băng hoại của thời gian, mọi giới hạn cách biệt của không gian để thể hiện tấm lòng của mình đối với Lorca. Hình tượng Lorca chính vì thế được Thanh Thảo khắc họa rõ nét như chạm như khắc trong mỗi vần thơ…

Nội dung chính bài viết

Tìm hiểu nhà thơ Thanh thảo và tác phẩm Đàn ghi-ta của Lorca

Với bất kỳ một tác phẩm nào, để nắm được giá trị nội dung và nghệ thuật cũng như nét đặc sắc và độc đáo của thi phẩm thì chúng ta cần nắm được những nét chính về tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Với hình tượng Lorca trong tác phẩm Đàn ghita của Lorca, người đọc cần biết đến những ý chính sau về Thanh Thảo và nội dung tác phẩm.

Đôi nét về tác giả Thanh Thảo

Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công. Quê ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông sinh năm 1946 và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thanh Thảo tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Thanh Thảo tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Không chỉ tham gia chiến đấu trên chiến trận mà ông còn tích cực dùng ngòi bút của mình thành vũ khí chiến đấu sắc bén. Sau khi hòa bình lập lại, Thanh Thảo vẫn tiếp tục tích cực hoạt động trên lĩnh vực văn chương với nhiều sáng tác thơ, tiểu luận phê bình, báo.

Năm 2001, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thơ của Thanh Thảo chứa nhiều suy tư về cuộc đời, con người trong thời đại mới. Thanh Thảo cũng có nhiều nỗ lực cách tân trong thơ Việt Nam, đặc biệt ở mảng thơ tự do có nhiều sáng tạo độc đáo.

Thanh Thảo là một trí thức nhiều suy tư, trăn trở với các vấn đề xã hội và thời đại. Phong cách nghệ thuật của nhà thơ mang kiểu tư duy giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm, đặc biệt là nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực. Các sáng tác của Thanh Thảo có thể kể đến Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1982), Khối vuông ru-bích (1985),…

Hoàn cảnh ra đời “Đàn ghi-ta của Lorca”

Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca được trích từ tập thơ Khối vuông ru-bích. Bài thơ này tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Thảo đậm chất suy tư, nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực.

Phê-đê-ri-cô Ga-xi-a Lorca (1898 – 1936) là một nghệ sĩ tài năng người Tây Ban Nha trên nhiều lĩnh vực thơ ca, hội họa, âm nhạc, sân khấu. Ông cổ vũ nhân dân đấu tranh chống lại nền chính trị độc tài Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Trước ảnh hưởng to lớn của Lorca với xã hội, năm 1936, bọn phát xít Phrăng-cô đã giết chết ông. Cái chết của Lorca đã trở thành biểu tượng  cho việc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít và bảo vệ nền văn minh nhân loại.

Bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca được viết liền mạch trong khoảng thời gian rất ngắn, sau khi tác giả ngồi chơi và đàm đạo về thơ Lorca với những người bạn tâm đắc. Những ý thơ trong bài chính là kết quả của ấn tượng và nhận thức sâu sắc về Lorca. Lorca là nhà thơ mà tác giả vô cùng ngưỡng mộ. Cả hành trình thơ ca, cuộc đời cũng như cái chết oan khuất của Lorca đã gây cho Thanh Thảo những xúc cảm mạnh mẽ. Chính những hình ảnh cùng với nhạc điệu trong nhiều bài thơ của Lorca đã dẫn dắt Thanh Thảo khi viết  tác phẩm Đàn ghita của Lorca.

Tác phẩm này được viết với mục đích là khúc tưởng niệm về hình tượng Lorca, đồng thời làm sống dậy hình ảnh người nghệ sĩ chiến đấu hết mình, qua đó cũng thể hiện sự tri âm, đồng cảm và ngưỡng vọng đối với một người nghệ sĩ tài hoa có cốt cách anh hùng và số phận bi thương…

Phân tích hình tượng Lorca trong tác phẩm Đàn ghita của Lorca

Hình tượng Lorca là người nghệ sĩ thiên tài – một chiến sĩ anh hùng

Lorca là một nhà nghệ thuật tiêu biểu của Tây Ban Nha. Vì vậy, ngay từ đầu tác phẩm, Thanh Thảo đã dùng chính không gian văn hóa đậm chất Tây Ban Nha để giới thiệu về hình tượng Lorca.

“Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”

Nói đến đất nước Tây Ban Nha, người ta thường nghĩ đến tiếng đàn ghi ta, những vũ điệu Flamenco và bộ môn đấu bò tót nổi tiếng. Chính vì vậy khi nhắc đến không gian Tây Ban Nha, hình ảnh tiếng đàn và áo choàng đỏ đã xuất hiện.

Sinh thời Lorca không chỉ là nhà thơ, nhà soạn kịch mà ông còn là một nghệ sĩ ghi-ta độc đáo. Cụm từ “tiếng đàn” vừa nói đến âm thanh của đàn ghita – loại nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha, vừa là ẩn dụ tượng trưng cho tài năng nghệ thuật của hình tượng Lorca. Bọt nước vốn là những bong bóng nước mang đến một vẻ đẹp tinh khiết trắng trong nhưng cũng rất mong manh, dễ vỡ nhưng lại khó tan biến. Một bọt nước sẽ nhanh chóng mất đi nhưng lại nhanh chóng xuất hiện thêm hàng ngàn hàng vạn bọt nước khác.

Chính vì lẽ đó mà sự kết hợp “những tiếng đàn bọt nước” vừa gợi lên sự mỏng manh của nghệ thuật nhưng đồng thời cũng gợi lên được sức sống của nó – mỏng manh nhưng không dễ biến mất. Chỉ ở dòng thơ đầu, Thanh thảo đã hé mở về số phận của Lorca.

Cụm từ “áo choàng đỏ gắt” gợi hình ảnh và không khí của một đấu trường căng thẳng đến nghẹt thở. Trong không khí ấy, hình tượng Lorca hiện lên như một đấu sĩ khát khao tự do đang đấu tranh chống lại bọn độc tài phát xít để giành lại hòa bình tự do quyền sống cho con người, một đấu sĩ say mê nghệ thuật đang đấu tranh chống lại nền văn chương nghệ thuật già nua bằng những cách tân nghệ thuật độc đáo.

Cặp hình ảnh “tiếng đàn” và “áo choàng đỏ gắt” hiện ra với những tương phản gay gắt đã phần nào bộc lộ hoàn cảnh sống và chiến đấu của Lorca. Không chỉ gay gắt mà hoàn cảnh ấy còn đầy thi vị với sự xuất hiện của chuỗi âm thanh “li-la” như kéo dài đến bất tận. Cụm từ “li-la” được điệp lại ba lần như mô phòng âm thanh của tiếng đàn. Lúc trầm bổng ngân nga yêu đời, lúc lại mãnh liệt sôi nổi. Đồng thời “li-la” còn gợi liên tưởng đến sắc tím của loài hoa tử đinh hương dịu dàng.

“Đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn…”

Trong hành trình ấy, hình tượng Lorca hiện ra thật đơn độc. Giữa không gian rộng lớn mênh mông, chàng du ca lãng tử vừa đi vừa cất tiếng hát dành tặng cho đời. Sự kết hợp của từ láy “chếnh choáng”, “lang thang” cùng hình ảnh “vầng trăng”, “yên ngựa” đã gợi lên phần nào tư chất lãng mạn nghệ sĩ ấy của hình tượng Lorca.

Người nghệ sĩ ấy không cố định ở một nơi nào mà ngày ngày phiêu bạt lãng du trên yên ngựa, rong ruổi hết thảo nguyên này đến thảo nguyên khác để cất tiếng ca khúc hát say đắm với cuộc đời, với con người. Bước chân ấy tuy có lẻ loi cô độc nhưng đầy ý vị. Màn đêm buồn xuống, chuyến hành trình vẫn cứ tiếp tục.

Và giờ đây, gia nhập vào chuyến đi ấy còn có vầng trăng sáng dịu dàng. “vầng trăng chếnh choáng” bởi đang lắng nghe mê say khúc hát của người nghệ sĩ lãng du hay dường như chính người nghệ sĩ đang say sưa men rượu men đời mà cảm thấy mọi vật cũng lãng mạn thi vị đến thế trong ánh trăng. Hình ảnh người du ca ấy hiện lên gợi cho ta liên tưởng về câu thơ

“Sông Hương hóa rượu ta đến uống

Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”

(Huế – Lưu Trọng Tảo)

Thiên nhiên và con người như ngập tràn trong ánh trăng. Từ láy “đơn độc”, “mỏi mòn” đã thể hiện tâm trạng cô đơn buồn bã của hình tượng Lorca. Trên bước đường cách tân nghệ thuật và đấu tranh vì chính trị của người nghệ sĩ, có ít người dấn thân. Vì thế, khó mà tìm được sự đồng cảm thấu hiểu sẻ chia. Thế nhưng dù cô đơn dù mệt mỏi nhưng Lorca vẫn không ngừng tiến bước, không ngừng nỗ lực tiến về phía trước.

Hình tượng Lorca với số phận thảm khốc

Hình tượng Lorca hiện lên cùng với những dấu ấn đặc trưng của Tây Ban Nha. Nhưng không chỉ dừng ở đó, Thanh Thảo còn khắc họa cả cái chết đau đớn đầy bàng hoàng xúc động của Lorca

“Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

áo choàng bê bết đỏ

Lorca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du”

Lorca dành hết tất cả mọi tình yêu mọi khát khao cho đất nước Tây Ban Nha nhưng chính chế độ chính trị thời điểm đó lại giết chết Lorca. KHổ thơ mở đầu ngắn gọn với một địa danh cụ thể – Tây Ban Nha đã nhấn mạnh không gian bi kịch nơi cái chết của Lorca diễn ra.

Có ai ngờ, Lorca lại chết trên chính mảnh đất mà chàng yêu quý khát khao cống hiến nhất. Tâm hồn của người nghệ sĩ không thể chống lại những phát súng của kẻ độc tài. Một con người trong sạch vô tội như Lorca tuy thường bị ám ảnh về cái chết nhưng Lorca chưa từng nghĩ đến mình sẽ chết nhanh chóng dưới phát súng độc tài đó.

Cụm từ “bỗng kinh hoàng” đã nhấn mạnh trạng thái ngạc nhiên, bất ngờ không chỉ của Lorca mà còn của cả nhân dân Tây Ban Nha trước sự ra đi của con người tài năng ấy. Lại một lần nữa hình ảnh áo choàng đỏ xuất hiện. Nếu ở khổ thơ đầu, hình ảnh áo choàng đỏ gợi liên tưởng đến người dũng sĩ bắt đầu cuộc chiến không khoan nhượng, thì ở khổ thơ này áo choàng đỏ lại gợi liên tưởng đến kết cục bi thảm – cái chết.

Người nghệ sĩ du ca, nhà cách mạng nhiệt huyết Lorca đã bị bắt và giết hại bởi chính quyền độc tài đã lo sợ trước tầm ảnh hưởng của Lorca đến với nhân dân. Đây là một kết cục bi thương của hình tượng Lorca. Bởi người nghệ sĩ ấy còn đang dở dang với những nỗ lực cách tân nền thơ ca già cỗi của nước nhà. Bởi người chiến sĩ cách mạng vẫn chưa thấy được ngày nhân dân được sống trong một bầu không khí tự do.

Những hình ảnh đối lập như một thước phim quay chậm hiện ra dần rõ nét hơn. Người nghệ sĩ tự do yêu đời đối lập với chế độ đàn áp của kẻ thù. Cuộc sống tự do của người nghệ sĩ đối lập với giây phút cuối đời đầy bi phẫn. Tiếng hát thiết tha phóng khoáng với cuộc sống đối lập với hiện thực phũ phàng đẫm máu.Sự đối lập ấy còn hiện lên rõ nét hơn qua khúc hát”:

“Tiếng ghi-ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy”

Điệp khúc “tiếng ghi-ta” vang vọng lên như một khúc hát. “Tiếng ghi-ta” được điệp lại bốn lần không chỉ tạo nhịp điệu nhanh dồn dập mạnh mẽ cho đoạn thơ mà còn hiện lên như một sự ám ảnh. Mỗi lần xuất hiện, tiếng ghi-ta lại được kết hợp với những đặc tính khác nhau. Đó không còn là hình ảnh hay thanh âm trầm bổng mà đó là màu sắc.

Sắc nâu gợi liên tưởng đến màu của đất mẹ bình yên cũng là màu sắc của đàn ghi-ta. Sắc xanh gợi liên tưởng đến sức sống tuổi trẻ. Bầu trời và cô gái ấy xuất hiện như một điểm nhấn của khúc đàn. Bầu trời mở ra khoảng không gian tự do trong xanh. Còn cô gái mở ra một tình yêu rạo rực nồng cháy. Tự do và tình yêu chính là hai yếu tố quan trọng, là nguồn cảm hứng bất tận của người thi sĩ. Tưởng chừng như bấy nhiêu đó thôi đã đủ hạnh phúc viên mãn tròn đầy nhưng ai ngờ tất cả chỉ là bọt nước mong manh dễ tan vỡ.

Dòng thơ “tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy” như chứa đựng hết bao nhiêu tình cảm bị dồn nén trước cái chết của người nghệ sĩ. Tiếng đàn không chỉ đơn thuần là một biểu tượng nghệ thuật mà giờ đây tiếng đàn là một sinh thể có linh hồn có số phận. Phải chăng tiếng đàn ấy chính là hình tượng Lorca? Người sáng tạo ra nghệ thuật đã bị giết chết không thương tiếc. Nghệ thuật dường như cũng đang khóc thương cho số phận mỏng manh của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh. Đó cũng chính là tiếng khóc thương của Nguyễn Du dành cho nàng Tiểu Thanh

“Son phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

(Đọc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du)

Bầu trời, cô gái ấy, khúc ca ấy vẫn còn đó nhưng sẽ mãi mãi không thể vẹn tròn. Bởi lẽ đã thiếu đi linh hồn người nghệ sĩ tài hoa – Lorca.

“Không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng…”

Chính vì vậy, hình tượng Lorca với cái chết đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cả con người cả đất trời. Con người tiễn biệt Lorca bằng những cái vẫy tay, thiên nhiên lại tiễn biệt Lorca bằng giọt nước mắt của vầng trăng. Một hình ảnh thi vị đọng lại cuối cùng về cái chết của Lorca. Không còn máu, không còn những dằn vặt đau đớn mà chỉ còn một nỗi buồn man mác khắp vũ trụ. Hình tượng Lorca hiện lên thật cao cả biết bao.

Bởi tuy Lorca mất đi nhưng nghệ thuật của ông, những hoài bão khát khao của ông sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Tây Ban Nha nói riêng, nhân dân toàn thế giới nói chung. Nó như “cỏ mọc hoang” kia giản dị, nhỏ bé có thể bị vùi dập nhưng sức sống mãnh liệt không thể nào bị dập tắt. Cỏ hoang cắm rễ vào đất còn hình tượng Lorca đã cắm rễ vào trái tim mỗi con người….

Chuyến đi của Lorca về cõi vĩnh hằng và sự bất diệt

Lorca từng viết “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Di ngôn ấy của ông đã được Thanh Thảo hiện thực hóa qua đoạn thơ

“Đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghi-ta màu bạc”

Cái chết của Lorca được nhắc lại lần nữa qua hình ảnh hoán dụ ‘”đường chỉ tay đã đứt”. Đối lập với sinh mệnh ngắn ngủi của đời người là dòng sông rộng lớn của cuộc đời. Đứng trước dòng chảy của cuộc đời dù êm ả hay khắc nghiệt thì con người chỉ có thể im lặng chấp nhận số phận. Dù có yêu mến kính trọng tiếc thương Lorca nhiều thế nào đi chăng nữa, thì ta vẫn phải chấp nhận hiện thực rằng Lorca đã mất.

Cái chết ấy phần nào cũng chính là sự giải thoát cho Lorca trước khung cảnh bạo tàn của hiện tại. Hình tượng Lorca xuất hiện trực tiếp trong dòng thơ “Lorca bơi sang ngang”. Câu thơ như một lời khẳng định. Và trên hành trình về thế giới bên kia, Lorca không cô đơn mà vẫn còn người bạn tri kỷ của mình – chiếc đàn ghi-ta. Chiếc đàn ấy lại chuyển màu một lần nữa. Lần này nó khoác lên mình sắc bạc óng ánh gợi liên tưởng về một huyền thoại.

Nếu ở khổ đầu, hình tượng Lorca xuất hiện trong “vầng trăng chếnh choáng” thì ở khổ thơ này Lorca vẫn xuất hiện trong ánh sáng của chiếc ghi-ta màu bạc. Lorca xuất hiện sau khi chết như không có chút màu sắc u ám hay sự lạnh lẽo nào mà đó là một chuyến hành trình thi vị đầy ánh sáng. Di ngôn ấy của Lorca đã được Thanh Thảo thực hiện một cách tinh tế. Đó như sự tôn trọng của Thanh Thảo dành cho hình tượng Lorca. Câu thơ chính vì vậy mà mang một màu sắc huyền diệu lấp lánh gợi cảm giác về một sự thoát tục, siêu thoát của Lorca

“Chàng ném lá bùa cô gái di-gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la…”

Hành động mạnh mẽ dứt khoát của Lorca càng thể hiện được sự ra đi thanh thản. Và đồng thời, nó còn là lời nhắn gửi của Lorca đến hậu thế. Hãy lãng quên đi những cách tân của Lorca, đừng để những sáng tạo của ông trở thành bức tường thành cho sự cách tân, phá cách. Điều đau đớn nhất của một người nghệ sĩ đặc biệt như Lorca không phải là cái chết hay chìm vào lãng quên mà điều đau đớn nhất là những cách tân sáng tạo của người nghệ sĩ ấy. Thoáng một chút tiếc nuối…

Xoáy nước cuộc đời đã cuốn trôi đi người nghệ sĩ vào cõi vĩnh hằng, để lại cả một sự im lặng nuối tiếc. Trong không gian ấy bỗng vang lên những thanh âm thật gần gũi “li-la li-la li-la”. Khúc hát tự do mà hình tượng Lorca dâng tặng đời đã trở thành khúc ca mặc niệm. Khúc hát ấy còn mãi với thời gian vượt qua mọi giới hạn không gian để gieo vào lòng người những xúc cảm ngưỡng mộ và tiếc thương cho một số phận tài hoa, một nhân cách cao cả.

hình tượng lorca với số phận bi thương Phân tích hình tượng Lorca trong “Đàn ghita của Lorca” – Thanh Thảo

Nhận xét giá trị tác phẩm khi phân tích hình tượng Lorca

Bút pháp siêu thực đã được Thanh Thảo vận dụng nhuần nhị. Thanh Thảo đã khắc họa chân dung về hình tượng Lorca chỉ qua những nét phác thảo nhưng từng đường nét màu sắc lại hiện ra sống động chạm vào lòng người. Những hình ảnh quen thuộc mang đậm dấu ấn văn hóa của Tây Ban hiện lên khiến người đọc có cảm giác như đang tận mắt chứng kiến cảnh tượng bi thảm về cái chết của Lorca.

Bài thơ như một lời tự sự, như những thước phim quay chậm tái hiện lại cuộc đời và sự ra đi của một tài năng nghệ thuật với bao sự dở dang. Đây chính là nén hương lòng của Thanh Thảo dành để viếng tặng Lorca. Qua đó, Thanh Thảo đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, tiếc thương đối với Lorca.

Kết bài: Xuyên suốt bài thơ là hình tượng Lorca song hành cùng tiếng đàn. Cái chết của Lorca là một sự mất mát quá lớn đối với nền văn học Tây Ban Nha nói riêng, nền văn học thế giới nói chung. Cái chết ấy đã để lại một sự tiếc thương vô vàn về hành trình sáng tạo dở dang, về một nhân cách lớn lao cao cả.  Kết thúc bài thơ nhưng khúc hát “li-la” ấy vẫn còn vang vọng mãi như sự nhắc nhớ về một tài năng kiệt xuất nhưng chịu nhiều bi thương.

Dàn ý chi tiết phân tích hình tượng Lorca của Thanh Thảo

Mở bài hình tượng Lorca trong Đàn ghita của Lorca  

  • Giới thiệu về tác giả Thanh thảo và tác phẩm.
  • Ý nghĩa của hình tượng Lorca trong tác phẩm Đàn ghi-ta của Lorca.

Thân bài hình tượng Lorca trong Đàn ghita của Lorca  

  • Hình tượng Lorca là người nghệ sĩ thiên tài – một chiến sĩ anh hùng.
  • Hình tượng Lorca với số phận thảm khốc.
  • Sự bất diệt và trường tồn của hình tượng Lorca.

Kết bài hình tượng Lorca trong Đàn ghita của Lorca  

  • Nêu vai trò và ý nghĩa của hình tượng Lorca đối với tác phẩm.
  • Giá trị tác phẩm Đàn ghita của Lorca cùng phong cách và tài năng của Thanh Thảo.

Khi phân tích hình tượng Lorca,  ta thấy tác phẩm này chứa đựng triết lý về nghệ thuật của nhà thơ Thanh Thảo: đó là triết lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống cũng như sức sống của nghệ thuật…Hy vọng qua bài viết phân tích hình tượng nhân vật Lorca, bạn đã tìm thấy những kiến thức hữu ích cho mình. Chúc bạn luôn học tốt!

Xem thêm >>> Cảm nhận về hình tượng tiếng đàn ghi ta của Thanh Thảo

Xem thêm >>> Phân tích bài thơ đàn ghita của Lorca – Ngữ Văn 12

See more articles in the category: wiki
READ  On Hand là gì và cấu trúc cụm từ On Hand trong câu Tiếng Anh vuidulich.vn

Leave a Reply