Phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi để thấy lời khẳng định đầy tự hào và khoa học về đất nước – Một dân tộc có nền văn hiến lâu đời và lấy “nhân nghĩa” làm tư tưởng cốt lõi. Không những thế, tình yêu cùng niềm tự hào sâu sắc của ông với đất nước còn được thể hiện rõ nét qua phần đầu của tác phẩm. Trong nội dung bài viết dưới đây của DINHNGHIA.COM.VN, hãy cùng tìm hiểu và phân tích đoạn 1 bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Mở bài 1: Xưa nay tư tưởng nhân nghĩa vốn được biết đến là một nội dung tích của Nho giáo, là tình yêu thương, sự hy sinh và giúp đỡ giữa những con người với nhau. Tư tưởng lớn lao ấy đi vào những áng văn lời thơ cũng mang những nét thật riêng biệt. Nguyễn Trãi đã làm sáng lên “nhân nghĩa” trong Bình Ngô đại cáo, đặc biệt là ở đoạn 1 của tác phẩm. “Nhân nghĩa” ấy chính là yêu dân, đặt nhân dân lên hàng đầu và hãy chiến đấu vì sự hạnh phúc của nhân dân. Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về quan niệm ấy của ông.
Mở bài 2: Nguyễn Trãi (Ức Trai) được biết đến không chỉ là một nhà quân sự chính trị lỗi lạc mà còn là một nhà thơ lớn, nghệ sĩ lớn của dân tộc. Nhắc đến ông, ta không thể quên những tác phẩm nổi bật như Quân Trung từ mệnh tập, Đại cáo bình Ngô, Quốc Âm thi tập hay Ức Trai thi tập. Trong đó, tác phẩm Bình Ngô đại cáo, đặc biệt là ở đoạn thơ đầu đã nêu cao tư tưởng “nhân nghĩa”, lấy hạnh phúc của nhân dân là yếu tố cốt lõi, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của tác giả. Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo sẽ thấy rất rõ điều đó.
Mở bài 3: Nguyễn Trãi là một tác gia lớn của văn học Việt Nam. Nhắc đến Nguyễn Trãi không thể không nhắc những sáng tác thi hứng về thiên nhiên, nhưng bên cạnh đó, còn có một tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông – đó chính là Bình Ngô đại cáo. Tác phẩm này với những ý nghĩa lịch sử đặc biệt, được xem là một tác phẩm mang giá trị tương đương với một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Đại Việt. Ý nghĩa và giá trị to lớn ấy được khắc họa rõ nét trong đoạn đầu của tác phẩm.
Nội dung chính bài viết
Tìm hiểu về Nguyễn Trãi và Đại cáo Bình Ngô
Trước khi cảm nhận về tác phẩm cũng như phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả cùng với tác phẩm.
Sơ nét về tác giả Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai. Thân phụ của Nguyễn Trãi chính là Nguyễn Phi Khanh – con rể của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông sống dưới thời kỳ Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần và lập nên nhà Hồ. Dưới triều nhà Hồ, Nguyễn Trãi cùng cha đi thi và đỗ đạt làm quan nhưng khi giặc Minh xâm lược cha ông bị áp giải về Trung Quốc.
Nguyễn Trãi vẫn luôn ghi nhớ canh cánh lời cha phục hưng đất nước. Cuối cùng ông quyết định đi theo phò tá Lê Lợi. Ông là người có đóng góp lớn trong sự nghiệp khởi nghĩa Lam Sơn. Cuộc khởi nghĩa từ những ngày đầu khó khăn nhưng dưới sự dẫn dắt của Lê Lợi và sự phò tá của Nguyễn Trãi, cuối cùng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đi đến thành công. Vì thế mà Nguyễn Trãi được xem chính là người khai quốc công thần của nhà Hậu Lê.
Thế nhưng bi kịch đã xảy ra. Vụ án oan lớn nhất thời Lê Sơ – án oan Lệ Chi viên đã khiến gia đình ông bị tru di tam tộc. Sau đó đến năm 1464, ông mới được vua Lê Thánh Tông rửa oan.
Hoàn cảnh ra đời Bình Ngô đại cáo
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực quân sự chính trị, ông còn là một nhà thơ bầu bạn cùng thiên nhiên. Nguyễn Trãi đã biến ngòi bút của mình thành vũ khí chiến đấu. Năm 1427, quân khởi nghĩa đã đánh tan hai đạo quân cứu viện của quân Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy.
Thế giặc ngày càng bất lợi thấy vậy Vương Thông đã viết thư cầu hòa. Tuy đã ở thế thượng phong nhưng ta không tàn sát người vô tội mà nhìn về đại cuộc, Lê Lợi đã chấp nhận lời cầu hòa. Cuộc chiến trường kì đã kết thúc. Mùa xuân năm 1428, Lê Lợi ra lệnh cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để công bố cho thiên hạ biết về chiến thắng của việc bình Ngô.
Nhan đề Bình Ngô đại cáo đã gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Bình có nghĩa là dẹp yên. Ngô ở đây chỉ giặc Minh. Gọi giặc Minh là Ngô bởi lẽ ông muốn nhấn mạnh đến gốc gác của nhà Minh – Chu Nguyên Chương. Từ khi nhà Minh lập quốc đã nhiều lần thất bại trong việc xâm lược Đại Việt. Quá khứ là như vậy hiện tại cũng là như vậy và nếu có thêm một cuộc xâm lược nào thì kết thúc cũng sẽ là thất bại. Đại cáo là bài cáo lớn mang dấu ấn trọng đại về những sự kiện lớn của đất nước. Ngay từ nhan đề đã gợi ra một tâm thế hào hùng.
Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
Tư tưởng chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa được đúc kết trong tác phẩm một cách sâu sắc. Phân tích Bình Ngô đại cáo cũng như tìm hiểu về đoạn đầu của tác phẩm sẽ thấy rất rõ điều đó.
Quan niệm nhân nghĩa – sợi chỉ đỏ kết nối toàn tác phẩm
Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trãi đã nêu ra tiền đề của cuộc khởi nghĩa:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Nhân nghĩa là một khái niệm quen thuộc được các nước phương Đông mặc nhiên thừa nhận. Nhân là người, mối quan hệ giữa người với người còn nghĩa là những việc phù hợp với đạo lí. Vậy nhân nghĩa chính là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người được xây dựng trên cơ sở tình thương và đạo lí. Phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo sẽ thấy tư tưởng chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa đó chính là ở việc coi trọng nhân dân, lấy nhân dân làm gốc.
Đây là một quan niệm của Nho giáo được dùng như một triết lí trong việc trị quốc. Nho giáo quy con người về những mối quan hệ rường cột và từ đó đặt ra cơ sở trị quốc. Nếu con người ai cũng thực hiện đúng chức trách bổn phận của mình thì đất nước sẽ thịnh trị. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà trong năm đức tính người quân tử cần có “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” thì nhân nghĩa đứng đầu.
Mở đầu bài cáo bằng một tư tưởng quen thuộc, Nguyễn Trãi muốn khẳng định một điều đây là cơ sở chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Tuy tiếp thu tư tưởng của Nho giáo Trung Hoa nhưng ông không dùng nó một cách cứng nhắc mà có sự tiếp thu kết nối với những giá trị truyền thống văn hoá cũng như tình hình lịch sử cụ thể của đất nước ta bấy giờ.
Nhân nghĩa không đơn thuần là những triết lí khô khan bó buộc con người vào khuôn khổ mà còn là “yên dân”. Đó chính làm cho nhân dân có cuộc sống hạnh phúc ấm êm không còn chiến tranh, không còn những lời oán than. Đây luôn là hoài bão ước mơ mà cả đời Nguyễn Trãi theo đuổi.
Phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo sẽ thấy yên dân là mục đích cuối cùng mà kẻ sĩ cũng như kẻ làm vua cần phải hướng đến. Đặt trong hoàn cảnh giặc Minh xâm lược thì để yên dân trước hết phải trừ bạo. Bạo ở đây chính là những điều bạo ngược làm cho nhân dân không có cuộc sống ấm no, cụ thể ở đây đó chính là giặc Minh.
Quân giặc xâm lược nước ta dưới bóng dáng “phù Trần diệt Hồ” nhưng đã gây ra biết bao cảnh lầm than cho nhân dân. Nên ta chiến đấu chống quân Minh để diệt trừ đi những điều bạo ngược để bảo vệ cuộc sống ấm no của nhân dân chứ không phải ta là kẻ tham chiến. Từ mối quan hệ giữa người với người, tác giả đã mở rộng thành mối quan hệ đất nước dân tộc. Nguyễn Trãi đã nhìn thấy được vai trò của nhân dân.
“Nhân nghĩa” xưa nay được biết đến chính là tấm lòng thương yêu con người, là những hành động vì lợi ích của nhân dân và cộng đồng – Phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo sẽ thấy rất cụ thể về điều đó. Không chỉ thế, “nhân nghĩa” cũng là sự tôn trọng lẽ phải, bênh vực lẽ phải. Chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên đối với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” là “yên dân”, “trừ bạo”, cuộc sống và sự no ấm của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu.
Giữa con người phải có tình yêu thương lẫn nhau, cùng chiến đấu để bảo vệ đất nước, thoát khỏi đời sống khổ cực, lầm than. Để được như vậy thì phải diệt trừ những kẻ bạo tàn, những thế lực xâm lược hung hãn, đó chính là giặc Minh đang xâm chiếm đất nước ta lúc bấy giờ. Phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo, ta thấy tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chính là lòng yêu nước, thương dân và tinh thần chống giặc ngoại xâm quyết liệt. Đây không chỉ là mối quan hệ nằm trong phạm vi giữa con người với con người mà mở rộng ra là mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc.
Tác giả khẳng định nước ta là nước độc lập và chủ quyền
Sau khi nêu tiền đề của cuộc chiến, Nguyễn trãi đã đưa ra những lập luận khẳng định nước ta là nước độc lập.
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
…………..
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Nước Đại Việt cách gọi ấy nhấn mạnh khẳng định chủ quyền, ta là một nước lập pháp không phải là một quận của Trung Hoa, ý thức dân tộc mạnh mẽ được thể hiện qua tên gọi đất nước. Những từ chỉ thời gian “từ trước, đã lâu, đã chia, đời nào” đã nhấn mạnh thời gian tồn tại của nước ta.
Có thể so với đất nước Trung Hoa giàu mạnh lịch sử của nước ta không thể dài bằng nhưng ta tự hào là một nước độc lập với nền văn hiến ngàn năm. Nguyễn Trãi đã khẳng định sự tồn tại độc lập của nước ta trên nhiều phương diện. Đầu tiên đó là văn hiến. Văn hiến được hình thành trong chiều dài lịch sử tồn tại của một đất nước. Văn hiến bao gồm tất cả các giá trị về vật chất và tinh thần đại diện tiêu biểu tạo nên nét khu biệt cho đất nước cho dân tộc trong tương quan so sánh với đất nước khác dân tộc khác. Đó chính là một trong những điều đặc biệt, vì lẽ đó mà văn hiến được tác giả nêu ra đầu tiên.
Tiếp đến là phương diện chủ quyền lãnh thổ. Phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo, ta thấy rằng núi sông bờ cõi đã chia, định phận ranh giới mỗi nước đã được xác định. Và vi bảo vệ định phận ấy mà biết bao con người đã hi sinh bao thế hệ đã ngã xuống. Tiếp đến khẳng định về yếu tố khác biệt về văn hóa phong tục tập quán. Phong tục tập quán là những thói quen sinh hoạt được hình thành và lưu giữ trong suốt chiều dài lịch sử. Bởi vậy nó chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự tồn tại độc lập lâu đời mà không có lí lẽ nào có thể phản bác.
Phong tục tập quán của ta so với phương bắc có nhiều nét khác biệt nên không thể xem nước ta là một phần của Trung Hoa. Nguyễn Trãi đã sử dụng phép đối thật khéo. Lần lượt liệt kê các triều đại của ta tồn tại độc lập và song song với các triều đại lịch sử của Trung Hoa. Và ta lại bắt gặp chữ đế một lần nữa xuất hiện trong văn học trung đại Việt Nam. Ngày xưa chỉ có vua của Trung Hoa mới được xưng đế mới được xem là thiên tử còn những nước khác chỉ được xưng chư hầu luôn chịu sự chèn ép hạ mình trước Trung Hoa. Nhưng một nước nhỏ như Đại Việt lại dám xưng đế cho thấy được ý thức dân tộc mạnh mẽ.
Nếu các triều đại của Trung Hoa phát triển mạnh mẽ hưng thịnh thì ta cũng thế tuy có nhiều sự đổi ngôi thay triều đất nước Đại Việt cứ thế mà tồn tại qua bao đời. Khi phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo, ta cũng nhận thấy Nguyễn Trãi khẳng định nước ta là một nhà nước độc lập có chủ quyền, có vua, có chính sách cai trị riêng. Bên cạnh đó một yếu tố không thể thiếu trong công cuộc hưng thịnh của đất nước chính là nhân tài.
Nhân tài chính là yếu tố quyết định. Bên cạnh một vị vua anh minh có tầm nhìn xa trông rộng thì ta còn cần cả những bậc quân thần hết lòng vì đất nước. Vì lẽ đó mà hiền tài chính là nguyên khí của quốc gia ảnh hưởng lớn đến vận mệnh đất nước. Ta có thể thấy Nguyễn Trãi đã đưa ra những phương diện tồn tại của một quốc gia độc lập. Những phương diện ấy được nêu ra một cách cụ thể đầy đủ và được căn cứ vào lịch sử, sử sách ghi chép nên không thể chối cãi. Giọng văn vừa hào hùng vừa tràn đầy tự tin tự hào dân tộc.
Nhấn mạnh sự thất bại của quân giặc trong chiều dài lịch sử
Nhắc đến sự thất bại của quân giặc khi xâm lược nước ta cũng nhằm một mục đích để khẳng định sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược.
“Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi”.
Hàng loạt tên quân giặc “Lưu Cung”, “Triệu Tiết”, “Toa Đô”, “Ô Mã” cùng với những địa danh lịch sử “Cửa Hàm Tử”, “sông Bạch Đằng” đã cho thấy chiến bại không thể chối cãi của giặc. Nhắc đến cửa Hàm Tử không thể không nhắc đến chiến công oanh liệt của vua quan nhà Trần như một nhà thơ đã từng viết:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan”
Còn khi nhắc đến sông Bạch Đằng thì ta phải nhắc đến chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền. Không nêu ra chiến công trực tiếp của quân ta, nhưng qua mỗi dòng ta vẫn thấy một sự chiến thắng oanh liệt của Đại Việt. Khi phân tích đoạn 1 Bình ngô đại cáo sẽ thấy lí do được Nguyễn Trãi nêu ra cho sự thất bại này chính là “tham công”, “thích lớn”. Họ đến xâm lược nước ta không phải vì mục đích chính nghĩa mà vì sự tham lam thích bành trướng thế lực. Ngay từ mục đích ấy ta thấy đây đã là một cuộc chiến phi nghĩa. Và chính vì phi nghĩa nên kết quả chắc chắn sẽ là chuốc lấy bại vong như chính Lí Thường Kiệt đã từng khẳng định.
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Đánh giá tác phẩm khi phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo
Chỉ với đoạn đầu Nguyễn Trãi đã nêu ra tiền đề quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Với ngôn ngữ mạnh mẽ kết hợp với những hình ảnh gợi lên những chiến công oanh liệt đã tạo nên giọng thơ hào hùng tràn đầy tự tin. Lập luận sắc bén kết hợp với căn cứ lịch sử không chối cãi đã tạo nên cơ sở vững chắc cho tiền đề cuộc khởi nghĩa.
Kết bài 1: Chính vì những giá trị khẳng định tồn tại chủ quyền mạnh mẽ ấy đã tạo nên giá trị cho tác phẩm Bình Ngô đại cáo. Dù thời gian đã qua đi nhưng mỗi lần đọc tác phẩm này ta vẫn cảm thấy tràn đầy hào hùng, một ý thức độc lập tự hào chủ quyền mạnh mẽ…
Kết bài 2: Tác phẩm Đại cáo bình Ngô được biết đến là một trong ba bản tuyên ngôn độc lập vĩ đại của dân tộc ta. Không những thế, bài cáo còn được xem là áng thiên cổ hùng văn tràn ngập nguồn cảm hứng trữ tình và mang tính chất hào hùng. Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo đã giúp ta hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân ta. Cũng bởi thế mà tình yêu quê hương đất nước mỗi ngày một thêm lớn hơn. Đó còn là niềm tự hào tự tôn dân tộc, là quyết tâm xây dựng và bảo vệ cũng như củng cố nền độc lập chủ quyền của nước nhà.
Kết bài 3: Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo giúp ta hiểu được ý nghĩa lớn lao tuyệt đẹp của giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm – bản Tuyên ngôn Độc lập, áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc. Tìm hiểu bài cáo còn nâng cao tinh thần yêu nước cũng như lòng tự hào tự tôn dân tộc trong mỗi người…
Dàn ý phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
Để giúp bạn nắm được giá trị nội dung và nghệ thuật, cũng như tư tưởng và chủ đề của tác phẩm, DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn lập dàn ý phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo. Từ dàn ý dưới đây cùng với tham khảo bài viết trên, chắc chắn sẽ giúp bạn có những ý văn hay bổ sung cho bài viết của mình bên cạnh việc thuyết minh về tác phẩm Bình Ngô đại cáo.
Mở bài phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
- Khái quát những nét nổi bật về tác giả Nguyễn Trãi.
- Giới thiệu nét chính về tư tưởng chủ đề của Đại cáo Bình Ngô.
Thân bài phân tích đoạn 1 bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
- Tư tưởng nhân nghĩa soi chiếu kết nối toàn tác phẩm.
- Đại Việt là nước độc lập chủ quyền, có văn hiến, lịch sử riêng biệt.
- Nhấn mạnh sự thất bại theo lịch sử của kẻ thù xâm lược.
Kết bài phân tích đoạn 1 bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
- Tóm lược nội dung cùng với nghệ thuật của Đại cáo bình Ngô.
- Liên hệ đến một số áng thiên cổ hùng văn khác như Nam quốc sơn hà, Tuyên ngôn độc lập của dân tộc.
- Thể hiện những suy nghĩ của bản thân khi phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo.
Có thể thấy, Đại cáo bình Ngô đã thể hiện sắc nét tư tưởng nhân nghĩa lấy nhân dân làm trọng. Nước ta là dân tộc “nhân nghĩa” khi dùng sức mạnh của lòng dân để đánh thắng những kẻ thù tàn bạo. Với nghệ thuật đặc sắc kết hợp với giọng điệu hùng tráng đã cho thấy lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Trãi đồng thời củng cố tinh thần dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt trong mỗi người…
Như vậy DINHNGHIA.COM.VN đã cùng bạn tìm hiểu và phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo. Mong rằng bạn đã tìm thấy những kiến thức hữu ích cũng như những ý văn hay phục vụ cho quá trình học tập của mình. Nếu có bất cứ thắc mắc hay câu hỏi nào liên quan đến chủ đề Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo, hãy để lại ở phần nhận xét bên dưới nha. Nếu thấy hay đừng quên share bạn nhé!.
Xem thêm: