Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ [Bài viết ĐẶC SẮC nhất]

Or you want a quick look:

Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ để cảm nhận được tâm trạng u uất trước hoàn cảnh gôm cùm cũi sắt cũng như nỗi nhớ thời oanh liệt vàng son của chúa tể sơn lâm. Qua đó, nhà thơ đã cho thấy tâm trạng của chính những người dân đang chịu cảnh nước mất nhà tan lúc bấy giờ. Trong nội dung bài viết dưới đây, DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. 

Mở bài: Bài thơ “Nhớ rừng” được viết bởi Thế Lữ qua bút pháp lãng mạn đầy truyền cảm. Tác phẩm là đại diện tiêu biểu cho một bước đi đầy triển vọng của thi ca Việt Nam khi bước vào khu vườn Thơ Mới ở giai đoạn sau năm 1930. Qua bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được niềm khát khao tự do mãnh liệt cùng với nỗi chán ghét thực tại giả dối, tù túng được thể hiện qua lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú. Cùng phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.

Nội dung chính bài viết

Những nét chính về tác giả và tác phẩm 

Sơ nét về Thế Lữ cùng với tác phẩm sẽ giúp bạn có những thông tin hữu ích phục vụ việc tìm hiểu và phân tích bài thơ Nhớ rừng. 

Đôi nét về nhà thơ Thế Lữ 

Thế Lữ (sinh năm 1907 – mất năm 1989) tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, ông quê Bắc Ninh, người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông vốn là con của một gia đình viên chức và được tạo điều kiện học tập. Sau khi học hết bậc Thành Chung, ông có một khoảng thời gian học tập ở Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương nhưng khi chưa hoàn thành xong chương trình thì ông bỏ dở. 

Năm 1932, khi trở thành thành viên của Tự lực văn đoàn, Thế Lữ như khám phá ra niềm say mê của mình đối với nghiệp sáng tác nên ông đã có những hoạt động rất tích cực và sôi nổi ở lĩnh vực viết văn, làm báo. Tên tuổi của ông được biết đến với vai trò là một trong những nhà thơ có những đóng góp nổi bật trong phong trào Thơ mới, nhất là ở giai đoạn đầu. 

Những đóng góp theo Hoài Thanh nhận định là sự đóng góp bằng sự thay đổi “từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”. Sự thay đổi đó đã tác động không nhỏ đến chiến thắng của Thơ Mới trên thi đàn.

Không chỉ có đóng góp trên lĩnh vực văn học mà Thế Lữ còn có công rất lớn trong những ngày đầu xây dựng ngành kịch nói ở nước ta. Dấu ấn Thế Lữ đã được ghi lại trong một số tác phẩm chính của ông như “Mấy vần thơ” (1935), “Vàng và máu” (1934), “Bên đường Thiên lôi” (1936), “Lê Phong phóng viên” (1937)…

Tìm hiểu về bài thơ Nhớ rừng 

“Nhớ rừng” được biết đến là một trong những bài thơ đặc sắc của Thế Lữ và cũng là một trong số những tác phẩm mở màn cho giai đoạn đầu đầy hứa hẹn sự thành công của phong trào Thơ Mới. 

Ngay từ thể loại, bài thơ đã có hình thức trình bày mới khi được viết bằng thể thơ 8 chữ vốn là một thể loại mới mẻ so với những sáng tác của thời đại. Ưu điểm của thể thơ này là có thể giúp tác giả diễn đạt rất linh hoạt và tự do bởi độ dài ngắn không hạn định, không bắt buộc khắt khe về số lượng khổ, câu, cùng với đó là cách gieo biến đổi hoán vị bằng trắc.

Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ để thấy toàn bộ tác phẩm là lời của con hổ ở vườn bách thú với tâm trạng u uất, tù túng trong chuỗi ngày bị giam cầm. Trong khi quá khứ là một thời tung hoành ngang dọc đầy huy hoàng thì giờ đây, vị chúa tể sơn lâm lại bị cầm tù trong vườn bách thú. Đó chính là nguyên nhân khiến nó hồi tưởng và tiếc nuối về những năm tháng xưa cũ.

phân tích bài thơ nhớ rừng của tác giả Thế Lữ Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ [Bài viết ĐẶC SẮC nhất]
Phân tích bài thơ Nhớ rừng của tác giả Thế Lữ

Phân tích bài thơ Nhớ rừng để thấy nỗi niềm của con hổ nơi vườn thú

Tâm trạng uất hận của chúa sơn lâm, nỗi nhớ về quá khứ vàng son, sự u uất khi nghĩ về thực tại tầm thường giả dối cùng với khao khát tự do sục sôi… là những ý chính khi phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. 

Tâm trạng u uất của con hổ khi bị nhốt ở vườn thú

Ở đoạn thơ đầu tiên khi phân tích bài thơ Nhớ rừng, ta thấy nhà thơ đã thể hiện tâm trạng của con hổ trong cảnh ngộ bị giam hãm ở vườn bách thú. Ngay từ hai câu đầu, tâm trạng của nó đã bộc lộ rất rõ:

“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.”

Câu thơ nói lên sự ngao ngán, căm uất của con hổ. Nó đã sống trong cũi sắt trong những “ngày tháng dần qua” bằng cái tư thế “nằm dài”,  và “gặm” nhấm sự bức bối, bực dọc. Từ cái tư thế uy nghi của “chúa tể muôn loài”, từ sự thong dong tự do giữa non nước mây trời, con hổ nhận thấy giờ đây nó chỉ là một thứ đồ chơi giải trí tầm thường cho những kẻ “ngạo mạn”“ngẩn ngơ”, rồi còn chịu ngang bầy với bọn “dở hơi”, “vô tư lự”. Tuy lâm vào phút “sa cơ”, “bị nhục nhằn tù hãm”, sống trong hoàn cảnh bị tước đoạt đi tự do nhưng cách xưng hô “ta” vẫn cho thấy rằng nó ý thức được rất rõ ràng vị thế của mình.

Cảm xúc uất hận của vị chúa tể bị giam cầm càng dâng trào mãnh liệt hơn trong đoạn thơ thứ tư của bài. Vẫn với cái nhìn đáng chán, đáng khinh, tất cả mọi thứ hiện hữu xung quanh đối với nó chỉ là những thứ “tầm thường”, tẻ nhạt, giả tạo:

“Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;

Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng

Len dưới nách những mô gò thấp kém;

Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,

Cũng học đòi bắt chước kẻ hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.”

Dù con người có nỗ lực tỉa tót, sửa sang mọi thứ như thế nào thì cảnh vật chỉ càng thêm “giả dối”, “tầm thường” và riêng con hổ cũng không hề nguôi đi sự căm ghét trong lòng nó. Tuy cảnh ngộ khiến nó không còn ở trong vai của một vị chúa tể của rừng xanh nhưng nó cũng không cam tâm chịu chung thân phận phàm tục, thấp hèn với những thứ nó nhìn thấy. 

Trong đoạn thơ có sự giễu nhại, chê bai đối với hoa cỏ, cây cối, dòng nước, mô gò. Khi diễn tả sự cảm nhận về cái “tầm thường”, “giả dối” của cảnh vườn bách thú dưới cái nhìn của con hổ thì phải chăng nhà thơ cũng muốn ngầm biểu lộ cái chán ngán của trí thức Tây học trong xã hội đương thời. Họ mang trong mình tâm hồn lãng mạn nhưng lại bị kìm kẹp, ức chế trước sự sống ngột ngạt, tù túng của của xã hội thực dân nửa phong kiến. Sống trong bầu không khí với những thứ tầm thường, giả dối của xã hội, họ thà chịu sự dày vò về thân xác còn hơn là bị đày đọa về tinh thần.

Cuộc vượt ngục trong tâm tưởng của con hổ

Chán chường cảnh sống hiện tại, con hổ đã quyết định tìm lại chốn giang sơn hùng vĩ của nó bằng tâm tưởng của nó. Khi phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, người đọc nhận thấy trong cũi sắt, con hổ nhớ lại hình ảnh của chính mình trong “thuở tung hoành hống hách những ngày xưa” với tiếng gào của gió trời trong cảnh “sơn lâm, bóng cả, cây già”:

“Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.”

Lời nhắc của con hổ đã làm hiện lên khung cảnh đồi núi hùng vĩ, khung cảnh ấy đối lập hoàn toàn với sự tù túng, ngột ngạt trong ngục tù. Nó tuy bí hiểm và có phần dữ dội nhưng lại không kém sự hùng thiêng, kì vĩ và nó đã làm nền cho sự xuất hiện đầy oai phong, lẫm liệt của một vị chúa tể sơn lâm. 

Vị chúa tể xuất hiện đầy uy quyền, kiêu hùng. Những câu thơ sống động, giàu chất tạo hình bởi những từ ngữ như “dõng dạc”, “đường hoàng”, “nhịp nhàng”, “vờn bóng” khiến cho vẻ đẹp của vị chúa tể ấy càng thêm uy nghi, dũng mãnh nhưng cũng hết sức mềm mại, nhịp nhàng. Sự xuất hiện ấy tạo nên sự hài hòa với cái lớn lao, phi thường của núi rừng đại ngàn.

Quá khứ vàng son trong nỗi nhớ của chúa sơn lâm 

Không chỉ đẹp bởi vẻ uy nghi, hào hùng, bức tranh về sự hiện hữu của con hổ giữa núi non lại tô điểm bằng những đường nét hết sức lãng mạn bằng những câu thơ ở khổ thứ ba của bài:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?”

Đoạn thơ tái hiện sự xuất hiện song hành của hổ với mỗi khung cảnh khác nhau. Trong sự kì ảo, lung linh của cảnh “những đêm vàng bên bờ suối”, con hổ xuất hiện trong tư thế “say mồi uống ánh trăng tàn” đầy lãng mạn. Khi cảnh bước vào tiết trời “ngày mưa chuyển bốn phương ngàn” thì hổ trầm ngâm “lặng ngắm giang sơn” như đang nghĩ suy, lo liệu điều gì?.

Khi trời mát lành bởi “bình minh cây xanh nắng gội” thì vị chúa tể được yên giấc trong tiếng ca rộn rã của chim muông. Nếu chiều hiện lên ghê rợn với cảnh “lênh láng máu sau rừng” thì hổ có tham vọng được “chiếm lấy riêng phần bí mật” khi mặt trời “chết”. Dầu ở cảnh nào, con hổ cũng đứng ở vị thế ngự trị đầy uy lực với tầm vóc lẫm liệt, kiêu hùng. 

Thế nhưng, dù kiêu hùng như thế nào, lẫm liệt ra sao thì đó chỉ là những hình ảnh thuộc về quá khứ. Con hổ trong thời điểm hiện tại chỉ còn biết nhìn về quá khứ với sự tiếc nuối khôn nguôi, da diết. Điều đó được thể hiện thông qua một loạt các điệp ngữ: “nào đâu”, “đâu những”. Biết bao sự huy hoàng, oanh liệt của một thời quá khứ đều lùi xa và chỉ còn là những kí ức chỉ có thể tìm lại trong những giấc mơ bằng lời than vãn u uất:

“-Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”

Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ sẽ thấy tâm trạng đó của con hổ cũng chính là tiếng lòng của biết bao người dân Việt Nam sống trong thảm cảnh nô lệ, hằng ngày cũng “gặm” nhấm “khối căm hờn” để nhớ tiếc về “một thời oanh liệt” qua những chiến công chống giặc ngoại xâm vẻ vang.

Nỗi uất hận khi nghĩ về thực tại tầm thường và giả dối

Khi quay trở về với hiện thực, con hổ với nỗi “uất hận ngàn thâu” đã vạch trần toàn bộ sự giả dối, tầm thường và đầy lố bịch của cuộc sống trước mắt. Phân tích bài thơ Nhớ rừng sẽ thấy đó chính là những “cảnh sửa sang tầm thường, giả dối” – là sự bắt chước đầy lố bịch của thiên nhiên giả tạo, cố cho ra cái “vẻ hoang vu” nơi rừng thiêng sâu thẳm nhưng vẫn chỉ ra sự tầm thường… 

“Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu

Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,

Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối…

.Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.”

Khát khao tự do cháy bỏng nhưng vô vọng của con hổ

Chính sự tương phản đối lập giữa thực tại ngột ngạt (đoạn 1 và 4) và quá khứ hào hùng (đoạn 2 và 3) đã làm vị chúa tể sự tiếc nuối đến đau lòng:

“Hỡi oai linh, cảnh núi non hùng vĩ!

Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị,

Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,

Nơi ta không còn được thấy bao giờ!”

Dù không mong muốn nhưng đã có lúc vị chúa tể phải thừa nhận sự bất lực của mình khi không thể thay đổi được hiện tại. Tuy nhiên đó cũng là lúc niềm khao khát tự do trào dâng mãnh liệt. Điều này được chuyển tải trong những câu thơ ở cuối bài khi nhà thơ thể hiện niềm mong mỏi muốn thoát li khỏi thực tại, dù chỉ bằng một giấc mộng vì hiện thực đã quá đỗi “ngao ngán”:

“Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,

– Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”

Niềm mong nhớ về chốn rừng già xưa cũ đã bật lên thành tiếng gọi thống thiết. Đó cũng chính là lời ca thán, niềm khát khao tự do thầm kín nhưng bỏng cháy của nhân dân ta trong thời điểm sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời.

phân tích bài thơ nhớ rừng và hình ảnh con hổ Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ [Bài viết ĐẶC SẮC nhất]
Chúa sơn lâm trong quá khứ oai hùng đầy huy hoàng

Đánh giá nội dung nghệ thuật khi phân tích bài thơ Nhớ rừng

Bài thơ được viết bằng cảm xúc đầy lãng mạn khi nhân vật trữ tình luôn trong tâm thế hướng về thế giới mộng tưởng lớn lao, kì vĩ dù thực tại có bị tù túng, ngột ngạt thế nào. Hệ thống từ ngữ, hình ảnh gợi sự lớn lao của rừng thiêng cùng một giọng điệu dữ dội, bi tráng, đặc biệt là thông qua hình tượng chúa sơn lâm chính là những phương tiện giúp tác giả diễn đạt hiệu quả nỗi chán ghét thực tại tầm thường và niềm khao khát tự do mãnh liệt của bộ phận trí thức tiểu tư sản cùng thời.

Kết bài: Như vậy, dưới hình thức lời con hổ trong vườn bách thú, bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ đã bày tỏ thay cho con người thời đại sự chán ghét cảnh sống tù túng, ngột ngạt của thực tại và niềm mong mỏi được vượt thoát để sống đời tự do. Thông qua đó, tác giả cũng đã khơi lên trong lòng mỗi người tình yêu nước âm thầm, kín đáo nhưng vô cùng mãnh liệt và sâu sắc trong hoàn cảnh nước nhà lúc bấy giờ. 

Dàn ý phân tích bài thơ Nhớ rừng của tác giả Thế Lữ 

Để nắm được những ý chính trong bài viết, dưới đây DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn khái quát lập dàn ý phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.

Mở bài phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ 

  • Giới thiệu sơ nét về nhà thơ Thế Lữ cùng tác phẩm.
  • Khái quát giá trị cùng nội dung của bài thơ Nhớ rừng.

Thân bài phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ 

  • Tâm trạng uất hận của chúa sơn lâm khi bị kìm hãm giam cầm.
  • Cuộc vượt ngục trong tâm tưởng của con hổ khi bị giam hãm.
  • Nỗi nhớ quá khứ vàng son đầy oanh liệt của chúa sơn lâm. 
  • Nỗi u uất khi nghĩ đến quá khứ giả dối đầy tầm thường hiện tại.
  • Sự khát khao cháy bỏng về tự do trong lòng con hổ. 

Kết bài phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ 

  • Nhấn mạnh lại giá trị nội dung và nghệ thuật cũng như ý nghĩa của tác phẩm.
  • Đánh giá bài thơ và trình bày suy nghĩ của bản thân khi phân tích bài thơ Nhớ rừng.

Như vậy, khi tìm hiểu về con hổ với nỗi đau sa cơ thất thế ta còn thấy niềm kiêu hãnh tự hào cùng khát khao tự do cháy bỏng. Phân tích bài thơ Nhớ rừng, ta thấy lời nhắn gửi tha thiết của tác giả về tình yêu quê hương tổ quốc. Ý nghĩa của tự do và hạnh phúc chính là tư tưởng lớn nhất của bài thơ. 

DINHNGHIA.COM.VN đã giúp bạn tìm hiểu, cảm nhận và phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Hy vọng những kiến thức trong bài đã giúp bạn có được những ý văn hay bổ sung cho quá trình nghiên cứu của mình về chủ đề “phân tích bài thơ Nhớ rừng”. Chúc bạn luôn học tốt!. 

Xem thêm:

Tu khoa lien quan:

  • cảm nhận bài thơ nhớ rừng
  • nghị luận về bài thơ nhớ rừng
  • phân tích vẻ đẹp bài thơ nhớ rừng
  • phân tích bài thơ nhớ rừng ngắn gọn
  • cảm nhận về khổ thơ thứ 4 bài nhớ rừng
  • cảm nhận của em về khổ thơ 4 bài nhớ rừng
See more articles in the category: wiki
READ  Lời bài hát Nếu Có Kiếp Sau - Hương Ly

Leave a Reply