Đây là nội dung trong chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 33, do Liên minh Kỷ lục thế giới, Tổ chức Kỷ lục châu Á, Hội Kỷ lục gia và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp tổ chức. Tại kỳ hội ngộ này, Kỷ lục gia (KLG), TS Phạm S, là một trong 12 cá nhân, đơn vị được trao Giải thưởng cống hiến và lần đầu tiên được Hội đồng WRCA chính thức giới thiệu trên các phương tiện truyền thông của Kỷ lục trên toàn cầu.
Sáng tạo khoa học vì cộng đồng Cách đây tròn 20 năm, hai giống chè LĐ-97 và TB14 ra đời, đã làm thay đổi toàn bộ cục diện ngành chè Lâm Đồng nói riêng và cả ngành chè Việt Nam. Năm 1997, TS Phạm S giữ cương vị Giám đốc Trung nghiên cứu thực nghiệm chè Lâm Đồng. Lúc bấy giờ, năng suất bình quân của chè trong nước chỉ khoảng 5 tấn/ha, thì các giống chè cao sản của TS Phạm S nghiên cứu đạt năng suất hơn 20 tấn/ha, trở thành bước đột phá đối với ngành chè Việt Nam.
Năm 1998, khi nhận Bằng lao động sáng tạo, ông nói: “Trong mỗi bằng lao động sáng tạo đều có lời dạy của Bác Hồ: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của dân tộc... không biết quý trọng sáng kiến và kinh nghiệm, tức là lãng phí của dân tộc”. Thấu hiểu sâu sắc lời dạy của Bác, do đó, dù tổ chức phân công công tác nhiều lĩnh vực, nhưng mình luôn lấy sáng kiến, khoa học công nghệ để đổi mới tư duy, làm động lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công”.
Qua hơn 25 năm hoạt động khoa học bền bỉ, KLG-TS Phạm S là tác giả một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, một giải pháp hữu ích; bảy Bằng lao động sáng tạo; chủ sở hữu 42 văn bằng sở hữu trí tuệ; sáng lập viên Vườn nghiên cứu Quốc tế xuất sắc - INTEREXREGAR, được bảo hộ sở hữu trí tuệ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam.
Hiện, vườn thực vật INTEREXREGAR đang lưu giữ hơn 100 nghìn cá thể. Trong đó, hơn 100 nguồn gen quý hiếm trong và ngoài nước, đóng góp nhiều giống cây quý hiếm cho nền nông nghiệp Việt Nam như: Hai giống chè cao sản, hai giống hoa quý hiếm, một giống dâu tây, hai giống cây lâm nghiệp, ba giống dược liệu quý hiếm và nhiều giống cây khác, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Việt Nam. Đặc biệt, là 5 giống cây ăn quả quý hiếm, trong đó có siêu quả Magic-S, được Viện sở hữu trí tuệ quốc tế công nhận “Top 10 thương hiệu nổi tiếng quốc gia năm 2017” và Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương công nhận “Top 10 thương hiệu tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017”.
KLG-TS Phạm S là tác giả chín cuốn sách, một giáo trình đại học; công bố hơn 100 công trình khoa học, báo cáo khoa học trên một số tạp chí khoa học, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Ông còn là tác giả trực tiếp trả lời hơn 100 phỏng vấn về khoa học nông nghiệp, quy hoạch đô thị xanh trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc gia, phục vụ các thông tin hữu ích cho cộng đồng.
Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học, ông còn tham gia tích cực trong công tác đào tạo. Đến nay, KLG-TS Phạm S tham gia đào tạo đại học, hướng dẫn và đồng hướng dẫn sau đại học 22 học viên cao học và bốn nghiên cứu sinh trong nước, quốc tế; tham gia đào tạo và Hội đồng khoa học nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam; tham gia hợp tác với các trường đại học quốc tế như: University of California, Davis, Hoa Kỳ; University Ghent, Vương quốc Bỉ; University Sung Kyunkwan, Hàn Quốc; University Stenden, Hà Lan...
Trong quá trình nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, KLG-TS Phạm S đã đưa ra 5 khái niệm có tính mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đã được thể chế các chính sách phục vụ sản xuất và đời sống; được chia sẻ trên phạm vi quốc gia và quốc tế, như: Khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghiệp nông nghiệp, Làng đô thị xanh và khái niệm nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. “Các khái niệm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành những tài liệu quý phục vụ trong đào tạo nguồn nhân lực, trong nghiên cứu khoa học, trong chỉ đạo sản xuất…”, KLG-TS Phạm S, cho biết.
Nhà khoa học - nhà quản lý Lấy khó khăn trong thực tiễn làm mục tiêu sáng tạo, đó là tác phong làm việc của nhà khoa học, nhà quản lý, TS Phạm S. “Trong quá trình công tác, mình luôn phân bổ thời gian hợp lý vào ban đêm, ngày nghỉ, dịp lễ, Tết để ưu tiên công tác nghiên cứu khoa học. Và sự nghiệp nghiên cứu khoa học luôn gắn bó với mình, là giá trị cốt lõi không thể thiếu trong suốt quá trình hoạt động thực tiễn”, KLG-TS Phạm S, thổ lộ.
Năm 2004, ông được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, sau đó 5 năm là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Hiện ông giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong các chuyến thực tế cùng TS Phạm S, hầu như lúc nào cũng thấy ông tất bật, trăn trở với sự chỉ đạo về cây, con, về nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh địa phương. Ông luôn nhớ từng chi tiết, hiện trạng sản xuất nông nghiệp của từng vùng, để chỉ đạo sản xuất sát với thực tế của địa phương.
Trong hơn 25 năm công tác, dù được phân công đảm nhận nhiều lĩnh vực, nhưng KLG-TS Phạm S chưa bao giờ ngưng nghỉ việc nghiên cứu khoa học, nhiều công trình khoa học của ông có giá trị thực tiễn cao, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Ông vinh dự là tác giả đoạt giải nhì “Giải thưởng khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2007”; chủ nhiệm đề tài cụm công trình khoa học được công bố trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” lần thứ nhất - năm 2016. “Đây là những thành quả bước đầu, là động lực giúp mình cố gắng, phấn đấu nhiều hơn trên con đường nghiên cứu khoa học đã và đang theo đuổi”, KLG-TS Phạm S, tâm sự.
Viện Nội dung Kỷ lục thế giới tặng Đĩa vàng ghi nhận sự cống hiến của Kỷ lục gia, TS Phạm S.
Với những đóng góp khoa học phục vụ cộng đồng, KLG-TS Phạm S được các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, tôn vinh như: Viện Hàn lâm Khoa học sáng tạo Thế giới trao tặng Biểu tượng đĩa vàng, về sự đóng góp khoa học công nghệ; một trong 200 nhà khoa học được ghi danh trong ấn phẩm “Niên lịch và Sự kiện Việt Nam” năm 2017, do Viện Niên lịch và Sự kiện thế giới phát hành. Đặc biệt, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng Kỷ lục gia khoa học về “Nhà khoa học có bằng lao động sáng tạo và văn bằng sở hữu trí tuệ nhiều nhất”, “Nhà khoa học được bảo hộ sở hữu trí tuệ giống cây trồng, nguồn gen thực vật quý hiếm trong và ngoài nước nhiều nhất” và “Vườn nghiên cứu quốc tế xuất sắc, được bảo hộ sở hữu trí tuệ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, TS Phạm S là nhà khoa học nghiên cứu theo hướng ứng dụng cao, một trong những nhà khoa học thực tiễn, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng nhiều đề tài khoa học liên quan nông nghiệp công nghệ cao, vì sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.