Trong bài văn ngắn này, erin Khuê Ninh, biên tập viên và nhà giáo dục, chiêm nghiệm sự tinh tế của tiếng Việt mà cụ thể là từ “ơi” vốn đầy ý nghĩa mà lại không thể nào chuyển dịch được.
Bài được viết bằng tiếng Anh và được biên dịch bởi Đỗ Ngọc Quỳnh Chi, Đặng Nguyễn Anh Chi, Nguyễn Thị Như Ngọc.
Erin Khuê Ninh
Gần đây tôi cứ miên man nghĩ về chữ “ơi”, làm thế nào mà đây lại là từ gây đau đầu nhất trong tiếng Việt và khó lý giải đến thế.
Có thể bạn cảm nhận được những điều này khi gọi “Má”; còn tôi thì khi gọi “Mẹ ơi”; một nguyên âm kéo dài theo hơi thở, hoặc vang lên giòn tan đầy phấn khích.
Tiếng “ơi” có khi là lời reo vui “Mẹ ơi, coi con tìm thấy cái gì nè!”, là hốt hoảng khi té trầy đầu gối, là sợ hãi tỉnh dậy sau cơn ác mộng, hay mách nước về ai muốn kể mẹ nghe.
Tiếng “ơi” có thể biểu đạt hết những cảm xúc này và còn hơn thế nữa.
Nhưng lúc nào nó cũng mang ý nghĩa:
Mẹ ơi đến đây với con.
Mẹ ơi nghe con nói này.
Con cần mẹ và con biết mẹ đang ở gần lắm.
Cách đây vài tháng, tôi tình cờ đi ngang qua một bia mộ trong khu dành cho người Mỹ gốc Nhật/ mà giờ đây cũng đầy người Mỹ gốc Việt trong một nghĩa trang ở San Jose.
Bia mộ của một thanh niên.
Tôi đọc dòng chữ được khắc trên đó:
“Bố Mẹ thương và nhớ con lắm, con ơi.”
Hai từ “con ơi” khiến tôi rơi nước mắt, nhưng tôi không thể dịch hai từ này sang tiếng Anh được.
Có thể dịch là:
“Mom and Dad love and miss you very much… o child” được chăng?
Không được!
Từ “ơi” như thể ba mẹ vẫn còn đang nói chuyện với cậu.
Ta không nói “ơi” khi biết người kia không thể nghe thấy.
Từ điển Việt-Anh giải thích từ “ơi” có nghĩa là “Hey, hello” hay còn được dùng thay thế cho “Yes”.
Đây là các ví dụ trong từ điển:
Hey, hello
em bé ơi, dậy đi thôi
Hey baby, wake up!
Yes
Bố ơi - Ơi, bố đây
Hey, dad! - Yes
Tuy vậy, dịch “ơi” bằng chữ “Hey” là một sự miễn cưỡng.
Đúng là ta dùng từ “ơi” để réo gọi mọi người, và những người đó có thể là những người lạ, như các anh phục vụ ở nhà hàng (À!, bối cảnh sử dụng ngôn ngữ hạn chế của thế hệ di cư thứ hai).
Nhưng nó không thể nào giống với cụm từ “Hey, you!” (“Này, anh kia!”) của viên cảnh sát trong tác phẩm của Althusser.
“Ơi” là tiếng gọi gần gũi, xen lẫn chút gì đó van nài khẩn khoản.
Tiếng “ơi” vang lên để được nhìn nhận.
Trong khi đó, từ “Hey” lại là sự thân mật suồng sã, buộc người nghe phải đáp lời dù muốn hay không.
Quả thật, về nhà mà nói “Hey” với bố thế nào cũng bị cốc vào đầu.
Dịch “ơi” thành “Hello” lại còn tệ hơn.
Không thể sử dụng từ “ơi” để chào hỏi khi lần đầu tiên bước vào một căn phòng.
Mọi người sẽ nhìn ta như kiểu:
“Sao nào?
Anh muốn gì?”
Hãy tưởng tượng cảnh ta hốt hoảng kéo tay áo một người và rồi không nói gì cả khi cô ấy quay người lại.
Quái đản!
Và tiếng “ơi” ngân dài khi đáp lời người khác có nghĩa là:
“Tôi nghe rồi”, vì vậy có thể dịch thành một từ “Yes?” nghi vấn với ý nghĩa “Có chuyện gì thế?” chứ không thể nào là từ “Yes” khẳng định mang nghĩa “Đồng ý, đúng rồi”.
“Ơi” là một tiếng gọi, vì vậy khi có ai lặp lại từ này để trả lời bạn, đó chính là lời đáp bạn đang chờ đợi nghe.
Đây chính là bài văn ca ngợi vẻ đẹp chữ “ơi” của tôi hôm nay, dành tặng những người bạn Mỹ gốc Việt sắp được làm cha mẹ, hoặc những người bạn sắp có con với người Việt.
Cầu chúc cho bạn sẽ nghe ra được mọi sắc thái tình cảm chất chứa trong từ “ơi” và cầu mong âm thanh của sự gần gũi này không bao giờ lặng tiếng.
ERIN KHUÊ NINH (*)
(*) Là biên tập viên của blog Hyphen, Erin Khuê Ninh giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu văn hóa Á-Mỹ tại Đại học UCSB, và là tác giả của quyển sách Ingratitude: The Debt-Bound Daughter in Asian American Literature (Bội ơn: Hình ảnh người con gái nặng nợ trong văn học Á-Mỹ).