Tôn Tử, tự là Trưởng Khanh, sinh năm 545 TCN, tức năm Chu Linh Vương thứ 27, người Lạc An nước Tề. Vì nội chiến nên phải chạy đến La Phù Sơn ở ngoại thành Cô Tô, kinh đô của nước Ngô ẩn cư rồi chuyên tâm nghiên cứu binh pháp…
Sau nhiều năm ẩn cư, quan sát thế sự và kinh nghiệm tác chiến của các bậc tiền nhân, ông đã viết ra cuốn: “Binh Pháp Tôn Tử” đồng thời xuất sơn phò tá vua Ngô. Kể từ đó nước Ngô bách chiến bách thắng, uy chấn thiên hạ.
Bộ sách này của ông không những có thể áp dụng thực tế trong hoàn cảnh binh đao nơi xa trường thuở xưa kia, mà ngay cả ngày nay các bậc doanh nhân, những nhà lãnh đạo tài ba cũng luôn lấy đó làm cuốn sách “gối đầu giường” như kim chỉ nam cho mọi hoạt động của bản thân mình. Riêng tại giới doanh nhân Nhật Bản, “Binh Pháp Tôn Tử” được áp dụng phổ biến đến trên 3/10 trí huệ trong chiến lược kinh doanh.
Tôn Tử viết: “Binh gia, việc quốc gia đại sự, chỗ sống và chết, đạo tồn vong không thể không suy xét”. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản thì cho rằng: tuy các ngành các nghề khác nhau nhưng khi áp dụng binh pháp Tôn Tử thì đều có tác dụng hiệu quả giống nhau. Một quyết định của người lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo ra sự ảnh hưởng sâu sắc đến hàng nghìn hàng vạn người lao động phía sau đó.
Vậy nên khi phải đưa ra một quyết định đơn độc đôi khi cũng khó có thể tránh được những do dự phân ưu, lúc này nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật thường vận dụng trí huệ trong binh pháp Tôn Tử để từ đó mà đưa ra quyết sách của mình.
Theo số liệu thống kê của tạp chí kinh tế Diamond, khi phỏng vấn những người đứng đầu danh sách 1000 nhà doanh nghiệp lớn, thì có tới 31% người đều trả lời chịu sự ảnh hưởng của binh pháp Tôn Tử trong hoạt động kinh doanh của mình.
Ngoài việc ứng dụng binh pháp Tôn Tử vào vấn đề quản lý nhân sự, tổ chức bộ phận cấp dưới trong doanh nghiệp, các bậc lãnh đạo doanh nghiệp còn vận dụng cả tư tưởng: “Nhất đạo, nhị thiên, tam địa, tứ tướng, ngũ pháp” (Thứ nhất là quy luật, thứ hai thiên thời, thứ ba địa lợi, thứ tư người lãnh đạo, thứ năm là chế độ) để đo lường thế sự, trạng thái của mình.
Qua đó có thể thấy được phần nào trí huệ uyên thâm trong binh pháp của Tôn Tử, dưới đây là 6 câu trong số muôn ngàn câu nói bác đại tinh thâm trong binh pháp Tôn Tử:
1. Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần
Người dụng binh cũng giống như thế nước chảy, luôn vô định, vô hình tuỳ cơ ứng biến, không có quy mô làm mẫu. Nếu như có thể tùy theo tình hình biến hóa của địch mà biến đổi theo đó giành thắng lợi. Đó chính là cái được gọi “dụng binh như Thần”.
2. Tri khả dĩ chiến dữ bất khả chiến giả thắng
Tướng lĩnh mà biết được khả năng khi nào có thể đánh được, khi nào không đánh được thì ắt có thể chiến thắng.
3. Cố thiện chiến giả, cầu chi ư thế, bất trách ư nhân, cố năng trạch nhân nhi nhậm thế
Người làm tướng thiện chiến, giỏi cầm quân đánh trận chính là biết dựa vào tình thế, chứ không phải dựa vào bộ hạ, khi có được thế sự tốt mới chọn người thích đáng ứng đối, như vậy sẽ có thể quyết định được thắng thua toàn cuộc.
4. Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý
Nhân lúc kẻ địch không chuẩn bị, không nghĩ tới mà bất ngờ xung kích giành thắng lợi.
5. Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, nếu có thể nắm rõ được tình thế của cả bên mình, bên địch thì khi chiến đấu có thể nắm chắc được phần thắng trong tay.
6. Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã, bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã
Người lãnh đạo bách chiến bách thắng cũng không hẳn đã phải là người lãnh đạo giỏi thiện chiến. Không đánh mà có thể khuất phục được quân địch mới là người giỏi thiện chiến, mới là người lãnh đạo có cảnh giới cao nhất.
Theo NTDTV Phong Vân biên dịch
Có thể bạn quan tâm:
- 8 chiến thuật lợi hại nhất trong ‘Binh pháp Tôn Tử’, nghìn năm còn giá trị