Kỳ I: Huyền thoại nguồn gốc người Mạ – Báo Lâm Đồng điện tử

Or you want a quick look:

Vùng B’Lao xưa, ở phía đông có sông Đạ Rnga ngăn cách với vùng Di Linh, phía bắc có sông Đồng Nai bao bọc. Dãy núi Bun Trao với các đỉnh Bun Trao, Kon Klang, Bnom Quanh, Bnom Oanh, Bnom Pang Per khởi đầu ở phía đông bắc, với các hoành sơn của ngọn Kon Klang, từ sát sông Đồng Nai vùng Kil Đạ, kẻ một đường thẳng theo hướng đông bắc - tây nam đến đèo B’Lao, nối với dãy núi phía bắc sông La Ngà ở mạn nam, chia vùng B’Lao xưa, thành hai phần gần như biệt lập với nhau. Một bên là cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc thoai thoải, rộng mênh mông. Một bên là lòng chảo Lộc Bắc với những cánh cung đồi thấp, trải dài ra đến ven sông Đồng Nai, con sông mà người Mạ gọi là sông mẹ Đạ Đờng.

Nhà dài của người Mạ B’lao Nhà dài của người Mạ B’lao

Mặt trời vừa lên, những tia nắng xiên qua tàn cây, chiếu những vệt sáng vàng trên triền dốc. Con đường trải nhựa quanh co uốn khúc, với những khúc cua quay đầu của đèo B40, vượt dãy núi Bun Trao, đưa chúng tôi rời phần trung tâm của cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc, vào vùng lòng chảo Lộc Bắc của huyện Bảo Lâm. Phần phía bắc dãy núi sang đến sông Đồng Nai, con sông làm thành một cung tròn, mà hồi đầu thế kỷ XX, nhà thám hiểm người Pháp Henri Maitre đặt tên “vòng khuyên sông Đạ Đờng”. Vòng khuyên này bắt đầu ở cây cầu bắc ngang sông Đồng Nai ở cây số 42 trên quốc lộ 28, bây giờ thuộc xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh. Khu vực này được người Mạ gọi là Kil Đạ. Ở đây, sông Đồng Nai sau khi chảy ngang khe núi hẹp tạo bởi các hoành sơn của núi Kon Klang phía tả ngạn và hai ngọn núi Tà Dòung, Tà Drả ở hữu ngạn, sông bắt đầu chuyển dần từ hướng đông - tây sang hướng bắc - nam, tạo thành một cung tròn khá lớn mà điểm cuối ở xã Đạ Oai thuộc huyện Đạ Huoai ngày nay. Vòng cung này bao gồm xã Lộc Bảo, Lộc Bắc huyện Bảo Lâm, toàn huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh ngày nay - Nơi này trước thuộc hai xã Tân Rai và Tân Đồn của quận Bảo Lộc. Đây là vùng sinh sống của người Mạ, nơi mà nhà dân tộc học người Pháp J. Boubet gọi là xứ Mạ (Nggar Maa’). Người Mạ trong vòng khuyên sông Đạ Đờng có hai nhóm nhỏ, người Mạ Đạ Đờng ở vùng Lộc Bảo, Lộc Bắc, Cát Tiên và người Mạ Coop, hay Mạ Xộp ở vùng Đạ Tẻh. Có người gọi nhóm người Mạ ở ven sông Đạ Đờng là Mạ Ngăn, nhưng theo ông K’Huy, một trí thức trẻ ở xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) thì không có Mạ Ngăn. Vì khi người Mạ trả lời câu hỏi “có phải anh là người Mạ không”, anh ta thường nói “tôi là Mạ Ngăn đây”, có nghĩa rằng anh ta đúng là người Mạ. Như vậy, bất kỳ người Mạ nào cũng có thể tự nhận mình là Mạ Ngăn. Cũng có thể không có Mạ Tô như cách gọi của một số người, người Mạ thường nói “mi cau tô” nghĩa là anh ở vùng trên, vùng thượng nguồn con sông. Cách nói như thế cho thấy là người Mạ vùng hạ du gọi người ở vùng thượng nguồn là Mạ Tô, người Mạ ở vùng trên. Người Mạ ở vùng Đạ Tẻh gọi người Mạ vùng Lộc Bắc là Mạ Tô, người Mạ vùng Lộc Bắc gọi người Mạ vùng Kil Đạ là Mạ Tô, người Mạ vùng Kil Đạ lại gọi người Mạ vùng Lâm Hà là Mạ Tô, như vậy Mạ Tô không phải là một nhóm nhỏ của người Mạ mà chỉ là cách gọi người Mạ ở vùng thượng nguồn. Người Mạ hay dùng nơi cư trú để xác định nhóm địa phương của mình. Người Mạ vùng B’Lao gọi mình là Mạ B’Lao, người Mạ vùng suối Gouil gọi mình là Mạ Đạ Gouil, người Mạ vùng ven sông Đồng Nai là Mạ Đạ Đờng. Người Mạ Đạ Đờng coi mình là người Mạ chính dòng. Chuyện xưa truyền lại kể rằng: Tổ tiên người Mạ sinh ra từ một hang ở núi Odang Ndroe cạnh dòng Đà Đờng. Người chui ra đầu tiên đi về phía thượng nguồn gọi là Mạ Tô, người chui ra thứ hai đi về hạ nguồn thành Mạ Coop, người chui ra cuối cùng là Mạ Đạ Đờng, được Giàng Bnom Odang Ndroe cho đến sinh sống ở vùng rừng ven sông mẹ. Vì sinh ra sau cùng, người Mạ Đạ Đờng có thời gian tô điểm, chau chuốt nên là người đẹp nhất. Trong bài Tam Pớt về K’Lang do ông K’Lý ở buôn B’Tạch, xã Lộc Bắc kể có đoạn nói về nguồn gốc của người Mạ: “ Pàng K’Lơm giao hợp với tảng đá lớn Do ý của Giàng mà sinh ra K’Lang K’Lang lấy vợ là Ka Lot Gốc là con cháu Pàng M’ca” Như vậy, người Mạ cho rằng họ được sinh ra từ một tảng đá lớn. Có thể huyền thoại này thể hiện ý muốn cứng mạnh, trường tồn như núi đá, do người Mạ có quan niệm “Vạn vật hữu linh” nên tự coi mình là con cháu của đá, với mong muốn di duệ của mình cũng mãi tồn tại như đá núi vậy. Dam Bo trong quyển Miền đất huyền ảo có ghi lại câu chuyện về lịch sử xa xưa của người bản địa Tây Nguyên: “Khởi nguyên, trước tất cả mọi chuyện, có một người đàn ông và một người đàn bà, sống bên bờ đại dương, dưới chân ngọn núi Kang R’Naê. Đó là Uong Khot, Uong Kho, hai người Kon Cau đầu tiên, tổ tiên của chúng tôi… (nhưng sau một cuộc cãi vã gay gắt với bọn hổ, Uong Khot, Uong Kho buộc phải chạy trốn lũ thú họ mèo này, chúng săn bắt họ)… Họ chạy trốn ra biển. Bọn hổ lần theo mùi mà đuổi bắt họ. Chúng cũng ra đến biển, mà Uong Khot, Uong Kho vượt qua được, đến một hòn đảo… Uong Khot Uong Kho ở lại trên đảo, họ sinh nhiều con, chúng sống cùng họ… Về sau, những người Tây Nguyên đầu tiên chán sống trên đảo, một mình giữa biển; họ đến sống trên lục địa, ven đại dương”. (Miền đất huyền ảo - Dam Bo - Trang 17, bản ebook - Nguyên Ngọc dịch.) Năm 1881, trong chuyến thám hiểm lên vùng B’Lao, Bác sĩ hải quân Pháp Paul Néis ghi lại được huyền thoại về nguồn gốc người Mạ: “Ngày xưa, toàn vùng từ tả ngạn sông Đồng Nai và La Ngà tới núi Krontouc đều ngập nước, còn vùng đất không bị lụt lội là đầm lầy (có tên là biển Lạc), không có người ở, núi non đều hoang vắng. Một hôm, từ phương nam có con rùa chở một người trên lưng nên bơi chậm chạp đến vùng này. Rùa tìm đến núi Krontouc. Người trên lưng rùa bước xuống đất và từ đó sinh ra người dân tộc”. (Vương Liêm - Về vùng đất cổ miền Đông Nam Bộ - NXB Lao Động 2005 - Tr 162) Câu chuyện này cho thấy người Mạ không phải gốc ở miền đất này, mà họ đã đi thuyền từ một nơi khác đến, có thể từ miền biển phía đông và nơi họ cập bờ là miền Đông Nam Bộ hiện nay, có điều, khó mà đoán định thời điểm mà tổ tiên của họ vượt biển đến đất này.

READ  Thích Chân Quang - Thiền Tôn Phật Quang, núi Dinh Bà Rịa Vũng Tàu
Đàm đá B’Lao ở Bảo tàng Lâm Đồng Đàm đá B’Lao ở Bảo tàng Lâm Đồng

Cũng có truyện kể nói về nơi gốc tích của người Mạ: Ở vùng người Mạ, đang mùa suốt lúa, có người con gái đang suốt lúa trên rẫy, chợt trời u ám đổ mưa, cơn mưa trái mùa làm công việc ngưng lại, cô nàng tức giận, ngang ngược chổng mông lên thách thức với Giàng, nên Giàng phạt cho cả vùng 7 năm hạn hán rồi bảy năm mưa lũ, làm nước dâng lên ngập lụt hết nhà, hết buôn. Người Mạ nhờ có con chim sáo biết nói tiếng người, cho biết trước, nên kéo nhau lên núi cao ở, được chim sáo chỉ đường đến núi Odang Ndroe rồi dần dần sinh sôi nảy nở thành các buôn dọc theo sông lớn. Ở buôn Gor, buôn Pàng (xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên) có lưu truyền một truyền thuyết cũng thấy ở buôn Bù Đạt của người Stiêng thuộc xã Phước Cát II. Truyền thuyết (Yalyau) này kể rằng: Ngày xưa, người Kon Cau sống ven biển, mãi về sau, khi đông lên, họ mới đi sâu vào vùng núi, dọc theo các con nước lớn. Như thế có thể ngày xa xưa, người Mạ vốn ở miền đồng bằng ven biển, nên mới bị nạn lụt đe dọa và họ phải di cư lên miền núi cao, sinh sống dọc theo sông Đạ Đờng như ngày nay. Bên bếp lửa, trong căn nhà dài hơn một tiếng chiêng ngân ở buôn Hang Kar, già làng K’Pieu hay cùng vợ hát cho con cháu nghe những bài ca truyền miệng từ ông bà ngày xưa, có một đoạn kể chuyện người Mạ đến vùng đất này: Khi ở ven sông đã đông người, một năm có nạn dịch xảy ra, Giàng bảo người Mạ phải chia nhau đi tìm nơi ở mới, ông tổ của Hang Kar được Giàng chỉ đường dời buôn, đưa con cháu đến vùng đất có bảy con nước tụ hội, có loài cây cho bột ăn thay cơm được, có loại lá con khỉ vẫn ăn. Vùng đất ấy vốn của loài khỉ, nên khi đến đấy, người Hang Kar phải cà răng cửa đi, để phân biệt đâu là người, đâu là khỉ. Dù gốc tích của người Mạ được lưu truyền thế nào, dù họ có di cư từ miền đất khác, bên kia biển đến vùng đất này chăng nữa, thì họ cũng là những người của núi rừng B’Lao. Họ đã là cư dân bản địa từ bao đời nay, trong tâm thức người Mạ thì buôn là nước (quốc gia) rồi. Trong buôn, luôn có một nhân vật giữ vị thế cao nhất là già làng, thường là một cụ già, tóc đã bạc vì thời gian… Cụ đã sống nhiều, đi nhiều, nghe nhiều, làm nhiều nên biết nhiều. Trong các cuộc bàn luận, ý kiến của già làng thường là ý kiến quyết định, cách nói của cụ thường viện dẫn những câu tục ngữ ngắn, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện xảy ra. Những cách giải quyết của cụ thường tuân theo các gợi ý mà cụ được nghe, được xem, được chỉ dạy từ ngày xưa. Kiến thức được gom nhặt từ nhiều đời truyền lại và cũng đang truyền lại cho con cháu. Khi còn sống, cụ là túi khôn, là luật tục của buôn. Khi chết, trở về với rừng, người trong buôn vẫn nhớ đến và già làng đi vào huyền thoại, vào những bài Yal Yau… Kỳ II: Tên của một con đèo

READ  Bật Mí Đời Sống Loài Ong - Đặc Điểm, Tập Tính Xã Hội Của Loài Ong Mật

Ghi chép: NINH THẾ HÙNG

See more articles in the category: KHÁM PHÁ

Leave a Reply