Phần I:
VỊT TRỜI - MỘT SỐ TẬP TÍNH VÀ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
Vịt Trời (tên khoa học: Anas Bochas) thuộc họ Vịt (Anatidae). Họ Vịt bao gồm các loài vịt và các loài thủy điểu trông giống vịt, chẳng hạn như ngỗng và thiên nga. Chúng là các loài chim đã tiến hóa để thích nghi với việc bơi lội, nổi được trên mặt nước và đôi khi lặn xuống, ít nhất là trong các vùng nước nông.
Họ Vịt Anatidae bao gồm 3 phân họ: phân họ vịt (Anatinae), ngỗng (Anserinae) và thiên nga (Cygninae). Các loài trong họ này có kích thước rất khác nhau, có loài kích thước và khối lượng rất nhỏ, như Le Khoang cổ (chỉ dài 26,5 cm, cân nặng 164 gam) nhưng cũng có loài kích thước và khối lượng lớn: dài tới 183 cm và cân nặng 17,2 kg (ví dụ Thiên nga kèn). Đặc điểm chung của các loài trong họ vịt là chúng có các chân màng và mỏ dẹt nhiều hay ít. Bộ lông vũ của chúng chống thấm nước rất tốt nhờ một loại mỡ đặc biệt. Họ Anatidae còn có một điểm đáng chú ý ở chỗ, đây là một trong số ít các họ chim có dương vật, thích nghi với việc giao phối trong môi trường nước.
Theo các nhà khoa học, vịt chỉ phân bố rộng rãi trên nửa phía Bắc địa cầu, không thấy vịt ở vùng Nam châu Phi. Vịt trời dễ thích nghi với điều kiện thuần hóa và các nhà điểu học cho rằng, Trung Quốc được xem là nơi thuần hóa vịt sớm nhất từ giống vịt trời Anas Bochas do có nhiều ao hồ, sông rạch, ruộng lúa nước. Ngày nay, nhiều loài vịt và ngỗng đã tuyệt chủng trong khi nhiều loài khác đang được coi là nguy cấp do các hoạt động của con người.
Vịt con nở ra nhanh chóng quen với điều kiện chăn nuôi của con người. Con lai giữa vịt nhà và vịt trời phát triển tốt, sinh sản được.
Vịt trời đạt trưởng thành lúc khoảng 5 tháng tuổi. Các loại vịt trời hiện nuôi ở nước ta thường có khối lượng nhỏ hơn vịt nhà, thường chỉ trên dưới 01kg/con. Vịt trời ghép đôi trong tháng Mười - tháng Mười một và bắt đầu làm tổ vào mùa Xuân, tháng Ba năm sau. Chúng thích làm tổ gần khu vực sông, hồ nước trong một lỗ tự nhiên, trong thân cây. Tổ vịt trời cũng đã được tìm thấy trong cọc gỗ, tổ quạ cũ, đống cỏ khô… Đến mùa sinh sản các vịt trời mái xây dựng tổ từ lá cây, cỏ. Ngoài ra, vịt mái còn ngắt những chiếc lông mao từ ngực mình để phủ lên tổ. Chúng đẻ trứng từ giữa đến cuối tháng Ba, mỗi lứa đẻ trung bình 12 trứng. Để tránh bị kẻ địch săn mồi, chúng thường dấu trứng vào tổ rất kỹ càng.
Vịt trời đực giao phối với vịt mái đồng thời có trách nhiệm bảo vệ người bạn đời và chiếc tổ do chính vịt mái làm ra.
Chu kỳ vòng quy của vịt trời
Chu kỳ vòng đời vịt trời bao gồm 8 giai đoạn: 1. Làm tổ (đẻ trứng); 2. Ấp trứng; 3. Nuôi con (chăm sóc con); 4. Động dục; 5. Thay lông; 6. Di cư mùa đông; 7. Trú đông và 8. Di cư mùa xuân (quay về làm tổ).
Vịt trời (bao gồm cả ngỗng, ngan, thiên nga …) có nhiều mối quan hệ với con người. Chúng có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, thương mại và văn hóa đối với đời sống con người. Nhiều thành viên trong họ vịt trời được sử dụng làm nguồn cung cấp thực phẩm. Các loại lông tơ, lông vũ mềm của vịt, vịt biển, ngỗng … có thể được dùng làm đệm trải giường, gối, túi ngủ và áo khoác. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa con người và các loài thủy điểu dạng vịt này cũng có những mặt trái, gây tác hại cho con người như việc chúng gây hại cho sản xuất nông nghiệp hay có vai trò như là các sinh vật mang mầm bệnh để lây truyền sang con người, chẳng hạn bệnh Cúm gia cầm.
còn tiếp kỳ sau