William Boyd -
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một phỏng đoán về khởi nguồn của truyện ngắn. Tôi thường mường tượng trong đầu mình hình ảnh của một bầy vượn người, quần tụ vào với nhau bên ánh lửa, trước cửa hang trong một đêm tối nào đó. Một người trong bọn họ bỗng nói: “Mọi người sẽ không tin nổi những gì đã xảy ra với tôi ngày hôm nay đâu?”. Lúc đó, những kẻ đang gặm xương cũng ngừng nhai, trẻ con yên lặng, cả bộ lạc hướng về người đang sở hữu câu chuyện với một sự tập trung cao độ. Những chuyện vặt, những chuyện đùa, những câu chuyện đã xảy ra được kể lại với một chút “gia giảm”, hư cấu… chính là khởi nguyên của thể loại truyện ngắn mà ngày nay chúng ta sáng tác và thưởng thức. Nhưng bạn có thể tranh luận rằng, chuyện kể là một hình thức diễn thuyết nảy sinh khi sự tri nhận về quá khứ và tương lai mở ra trong con người, khiến họ cảm thấy cần phải hình thành nên một cách thức nào đó khả dĩ có thể truyền tải những câu chuyện, những trải nghiệm cá nhân của mình nhằm lôi cuốn, cảnh báo hoặc hù dọa… người khác.
Nguồn gốc truyện ngắn là một vấn đề thú vị nhưng không ai chứng minh được một cách rành rọt. Tôi biết, nhưng quy trình này đã giúp tôi lý giải được sức mạnh lạ lùng của truyện ngắn. Thể loại này tỏ ra gần gũi và tự nhiên với chúng ta hơn những hình thức truyện kể dài hơi khác. Nếu một câu chuyện diễn ra trong vài giờ liên tục, không chóng thì chầy, người nghe sẽ dần dà tản mát đi, bởi không ai đủ kiên nhẫn chờ cho đến hồi kết. Nhưng truyện ngắn thì lại diễn ra trong một thời gian ngắn, cực ngắn và thường được kể một cách rất “chọn lọc”. Hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra trong quá trình kể chuyện: Ngay đến cả những người “thiếu chuyên nghiệp” nhất cũng biết cách để nhấn lướt, biết chi tiết nào cần nhấn mạnh, chi tiết nào cần bỏ qua, nhân vật nào cần miêu tả tỉ mỉ và nhân vật nào cần phác họa sơ qua. Đó là cả một quá trình “biên tập” bao hàm trong đó sự chọn lọc, nhấn nhá và hư cấu của người kể chuyện. Tính thuyết phục của sự hư cấu nằm ở sự nhỏ gọn nhưng đầy đủ của nghệ thuật trần thuật.
Nếu điều đó là đúng thì tại sao truyện ngắn - với tư cách là một thể loại văn học - lại ra đời muộn như vậy? Nếu tính từ thời điểm truyện ngắn được xuất bản thì lịch sử loại hình nghệ thuật này chỉ lâu đời hơn phim ảnh có vài thập kỷ. Câu trả lời có thể được tìm thấy từ các vấn đề nhân khẩu học. Đương nhiên, trước đó, truyện ngắn đã tồn tại dưới hình thức truyền miệng truyền thống, nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện ồ ạt của một tầng lớp độc giả biết đọc biết viết ở thế kỷ 19 ở phương Tây, nhu cầu in ấn và phổ biến thể loại này bằng văn tự mới ra đời. Tuy nhiên, cũng không có loại ấn phẩm nào tải cho được những tác phẩm dài quá 5 trang. Sự giới hạn về kích cỡ này đã buộc các nhà văn phải co cụm tác phẩm của mình lại. Độc giả cần truyện ngắn và nhà văn bỗng nhiên phát hiện ra mình có thêm một thể loại văn học mới để chuyển tải ý đồ nghệ thuật. Sự trưởng thành nhanh chóng của thể loại truyện ngắn đã chứng minh cho luận điểm này của tôi. Không hề loạng choạng lúc ra đời và cũng không cần phải mất hàng thế kỷ để cải biến và phát triển. Thực tế là chỉ trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thế kỷ 19, Hawthorne, Poe và Turgenev đã có thể viết nên những sáng tác kinh điển có sức sống đến tận ngày nay. Giữa thế kỷ 19, truyện ngắn đã “đủ lông đủ cánh” và cuối thế kỷ này truyện ngắn phát triển đến đỉnh cao với những sáng tác của Anton Chekhov.
Bậc thày truyện ngắn Anton Chekhov.
Vậy ai là người viết và xuất bản truyện ngắn hiện đại? Ai là ông tổ của thể loại này? Truyện kể và các hình thức trần thuật ngắn đã ra đời từ hàng thế kỷ trước dưới hình thức này hoặc hình thức khác như: truyện kể về nàng Scheherazade, Chuyện mười ngày của Boccaccio, những câu chuyện trong Kinh thánh. Nhưng đâu là căn cứ văn bản chính xác để chúng ta có thể dựa vào đó mà khẳng định: “Đây là một truyện ngắn hiện đại”. Nhiều ý kiến cho rằng vinh dự này phải thuộc về Walter Scott với truyện ngắn The Two Drovers đăng trên một tờ báo của Canongate (Edinburgh, Scotland) năm 1827. Đó là một điểm bắt đầu khá hợp lý, vì sau truyện ngắn này, tên tuổi của Walter Scott nổi như cồn, ảnh hưởng của ông không chỉ dừng lại ở những nhà văn trong nước như George Eliot và Thomas Hardy mà còn vươn ra ngoài biên giới, tới Balzac (Pháp), Pushkin và Turgenev (Nga), Fenimore Cooper và Hawthorne (Mỹ). Những nhà văn này tiếp tục để lại ảnh hưởng đến các cây bút về sau như Flaubert, Maupassant, Chekhov, Poe và Melville… Như vậy, chúng ta đã có thể lần tìm được dòng phát triển của truyện ngắn từ khởi nguồn của nó. Chỉ có một khúc mắc duy nhất, là sau sự khởi động của Scott, giữa thế kỷ 19, truyện ngắn Anh dường như biến mất trước sự thống trị của tiểu thuyết. Các nhà văn Pháp, Nga và Mỹ dường như tận dụng thể loại này một cách nhanh chóng hơn. Chỉ đến những năm 1880, với sự xuất hiện của Robert Louis Stevenson, người ta mới thấy truyện ngắn hồi sinh lại ở Anh, kéo theo một dòng các nhà văn khác như Wells, Bennett, James và Kipling.
Vì vậy, từ những góc nhìn khác, có thể cho rằng, truyện ngắn hiện đại khởi đầu từ Mỹ. Một số ý kiến coi Twice-Told Tales xuất bản năm 1837 của Nathaniel Hawthorne là điểm bắt đầu. Khi Edgar Allan Poe đọc Hawthorne, ông đã có bài phân tích đầu tiên về sự khác nhau giữa truyện ngắn và tiểu thuyết với định nghĩa, truyện ngắn đơn giản là lối trần thuật khiến “độc giả có thể đọc liền một mạch”. Sự định danh này hoàn toàn không sơ sài như ban đầu nhiều người nghĩ. Điều Poe muốn nhấn mạnh là hiệu quả đặc biệt của truyện ngắn, cái mà ông nhận thấy một cách mạnh mẽ từ hình thức "tất cả trong một" của thể loại này. Poe viết tiếp: “Trong cấu trúc tổng thể của nó, không có một từ nào mà sự thể hiện khuynh hướng trực tiếp hoặc gián tiếp của nó không được nhà văn sắp đặt trước. Với ý nghĩa đó, bằng tài năng và sự chăm sóc kỹ lưỡng của nhà văn, tác phẩm như một bức tranh hiện lên với trọn vẹn màu sắc, đưa lại cho người đọc sự thỏa mãn đầy đủ nhất”.
Poe có lẽ đã quá sơ đồ và quy tắc hóa tính vượt trội của cái gọi là “cấu trúc được sắp đặt trước” ở truyện ngắn, nhưng ông đặc biệt chính xác khi bàn đến hiệu quả tự nhiên của thể loại này. Truyện ngắn thường mang lại những âm vang dài và rộng hơn khuôn khổ chật hẹp về mặt hình thức của nó. Điều này có thể được chứng minh bằng chính những truyện ngắn của Poe như The Fall of the House of Usher.
Herman Melville rất ghét viết truyện ngắn. Ông từng cho biết, ông viết thể loại này đơn thuần chỉ vì tiền, nhưng sự xuất hiện của Benito Cereno và Bartleby the Scrivener của ông đã báo hiệu cho một thời đại của truyện ngắn.
Turgenev cũng có truyện ngắn xuất bản vào những năm 1850 và đóng góp lớn nhất của ông là đã khởi đầu cái dòng chảy mà Chekhov sẽ là người kết thúc. Tại sao Anton Chekhov (1860-1904) lại được tôn vinh là một bậc thày của truyện ngắn. Mọi câu trả lời có thể đều không đầy đủ nhưng ở một khía cạnh nào đó có thể thấy, Chekhov với những kiệt tác ra đời vào những năm 1890 là người đã mang đến cuộc cách mạng trong quá trình phát triển của thể loại truyện ngắn bằng sự thay đổi phong cách trần thuật. Chekhov chính là người kết thúc cho giai đoạn phát triển đầu tiên của truyện ngắn. Từ sau cái chết của ông, truyện ngắn thế kỷ 20 hầu như phát triển dưới cái bóng khổng lồ mà nhà văn để lại. Joyce đi theo phong cách Chekhov, Katherine Mansfield chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Chekhov, Raymond Carver thì hầu như sẽ không xuất hiện nếu như trước đó không có tác giả Phòng số 6. Có lẽ, truyện ngắn viết sau Chekhov đều bằng hình thức này hay hình thức khác “mang nợ” những tác phẩm của ông. Khoảng 20 năm cuối thế kỷ 20, các nhà truyện ngắn trên thế giới mới bắt đầu vượt thoát khỏi cái bóng của nhà văn Nga vĩ đại này.
Từ Chekhov đến đầu thế kỷ 20, truyện ngắn bước vào thời đại hoàng kim của nó, đặc biệt là ở Mỹ. Thể loại văn học này xuất hiện đậm đặc trên báo chí với sự đón nhận một cách háo hức của độc giả, nhuận bút dành cho tác giả ngày càng cao. Trong những năm 1920, Scott Fitzgerald từng được tờ Saturday Evening Post trả 4.000 USD cho chỉ một truyện ngắn. Bạn phải nhân lên ít nhất 20 lần nữa thì mới biết được “tầm vóc” của khoản nhuận bút này so với giá trị đồng tiền hôm nay.
Hà Linh dịch
(Nguồn: Tạp chí Prospect)