- "Phượt" và những mối nguy
- Lôm côm chuyện “phượt” của giới trẻ
Địa điểm phượt rất đa dạng, hầu hết đều là những vùng núi hiểm trở hẻo lánh, đa số các phượt thủ đều chọn cho mình phương tiện di chuyển chính là xe máy vì sự tiện lợi và những ưu việt của nó: bạn có thể nhìn ngắm, nghe, hít thở và hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận bằng mọi giác quan, dừng đỗ theo ý muốn. Đi xe máy cũng tạo cảm giác gần gũi hơn với người dân địa phương trên những mảnh đất mình đi qua.
Dân phượt trước mỗi chuyến đi đều tuyển các cặp “xế-ôm”: thường xế là nam (người cầm lái) và ôm là nữ ngồi cùng xe. Cá biệt cũng có những chị em phụ nữ có cá tính mạnh sẵn sàng cầm lái trong các chuyến đi dài hàng ngàn cây số.
Với dân phượt, những cung đường càng sâu, càng xa, càng hiểm trở càng có sức hấp dẫn. Nhưng cũng chính tại những cung đường đó, họ cũng phải đối mặt với những bất trắc, đôi khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Những sự cố như ngã xe, xây xát, hỏng xe, gặp mưa lũ… không chuyến đi nào là không có. Những chuyến đi bồng bột và thiếu sự chuẩn bị, tìm hiểu đã đưa đến nhiều hệ quả xấu. Năm nào cũng có những mảnh đời còn rất trẻ mãi mãi nằm lại trên những cung đường.
Phượt được nhiều bạn trẻ yêu thích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Quang Dũng.Tháng 11-2014, một nhóm phượt gặp tai nạn ở Hà Giang khiến nữ phượt thủ xấu số tên G (sinh năm 1993, Hải Dương) qua đời. Tai nạn được xác định do thời tiết sương mù nên 1 xe bất ngờ đâm phải xe tải ở đoạn cua cuối dốc, khu vực Hà Giang. Trước đó 2 tuần, vào ngày 1-11-2014, anh Nguyễn Việt Anh (trú TP Hồ Chí Minh) đang chạy môtô cùng nhóm phượt trên đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn đã qua đời sau tai nạn. Theo chia sẻ, chiếc môtô của thanh niên này đã vượt xe tải cùng chiều rồi lao vào dải phân cách giữa đường.
Từ tháng 8 đến 9-2015, rất nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra tại đường xuống đèo Tam Đảo. Nguyên nhân được xác định do hầu hết các trường hợp đều do đi xe tay ga và tắt máy thả trôi dốc.
Gần đây nhất, một nam sinh trong lần đầu tiên đi phượt có tên Trần T (sinh năm 1996, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học tại Hà Nội) đã tử nạn trên cung đường Y Tý - Lào Cai. Nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm được xác định do đường đi khá hẹp, chiếc xe máy của nạn nhân bị xe tải bất ngờ chèn ép khiến xe máy bị trượt bánh. Và còn rất nhiều vụ tai nạn khác trên những cung đường phượt mà cho đến nay vẫn chưa có những thống kê chính thức.
Tham gia vào một số diễn đàn phượt như Phượt.com, Phượt Hà Nội… chắc hẳn sẽ không khó gặp những vụ tố hành vi ăn chặn tiền của một số đối tượng mang danh leader (trưởng nhóm) với những người mới đi phượt. Lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của những người lần đầu đi phượt, không ít “lão làng” đã đứng ra ăn chặn tiền, bán tour nhằm thu lợi nhuận nhờ những khoản chênh lệch giữa tiền mọi người đóng góp và thực chi.
Anh Mai Văn Mạnh, trưởng nhóm HD Phượt cho biết: “Chuyện leader ăn chặn tiền của những thành viên không còn lạ. Ví dụ bữa ăn trưa lẽ ra là 80 nghìn/suất/bữa thì họ tính lên 110 nghìn/suất/bữa, chỗ ngủ 70 nghìn/người/đêm thì tính lên 100 nghìn/người/đêm,… mỗi người mất một ít nhưng đoàn đông thành ra sẽ được một khoản “to to”. Vì vậy nên bọn mình gồm mấy anh em thân thiết đã lập ra một nhóm riêng đi cùng nhau để tránh những chuyện như vậy xảy ra”.
Không khó để nghe được những câu chuyện về gạ tình trên đường phượt. Những cặp xế-ôm đồng hành trên mỗi cung đường, họ giúp đỡ nhau những lúc mệt mỏi, cười đùa vui vẻ khiến họ nhanh chóng thân thiết. Nhưng cũng vì vậy giúp cho những “kẻ xấu” lợi dụng để gạ tình, sàm sỡ, thậm chí là làm chuyện đồi bại với bạn phượt.
Một nữ phượt thủ tên Linh chia sẻ: “Mình từng chứng kiến cảnh một cô bạn trong đoàn khi uống say đã bị một thành viên nam lợi dụng ôm ấp và sờ soạng. Từ đó mình chẳng dám uống quá nhiều hay bất cẩn với các thành viên nam khác trong đoàn”.
Việc không quen biết ai trong đoàn phượt, đi riêng lẻ hay uống say trong mỗi chuyến phượt là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến các nữ phượt thủ có nguy cơ bị gạ tình hay quấy rối tình dục. Lợi dụng sự non nớt cùng kiến thức phượt còn ít của các bạn nữ, những phượt thủ háo sắc có thể dụ dỗ hoặc ép bạn đến một nơi vắng vẻ và hậu quả đáng tiếc xảy ra. Điều này sẽ khiến bạn tổn thương về cả tinh thần lẫn thể xác.
Theo nhiều phượt thủ có kinh nghiệm cho biết, những cung đường gần sát biên giới thường hấp dẫn dân phượt bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều loại “bẫy” rất tinh vi. Những khu vực biên giới nóng về buôn bán hàng cấm như vũ khí, ma túy, dân phượt có thể bị lợi dụng khi bị nhét hàng cấm vào tư trang hành lý. Nếu dân phượt không cảnh giác, rất dễ rơi vào cảnh “tình ngay lý gian”.
Không ai có thể bảo vệ bạn tốt hơn ngoài chính bạn. Vì vậy khi tham gia một cung phượt, đừng đánh cược bản thân với những điều bất trắc. Tìm hiểu kỹ chuyến đi, các thành viên trong đoàn, chuẩn bị tinh thần và tư trang đầy đủ. Nói không với các hành vi vượt quá giới hạn, tuyệt đối đừng nên “chỉ biết đi thôi, chẳng biết gì”.