Chúng ta biết rằng, việc Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng chọn làng Thanh Chiêm làm Dinh trấn của Quảng Nam, vào năm 1602, là một quyết sách mang tầm nhìn chiến lược. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi khá đơn giản: “Nhâm Dần, năm thứ 45 (1602), nhân đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm, nằm ngang đến bờ biển, chúa khen rằng: “Chỗ này quả là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt núi, xem xét hình thế, dựng Dinh trấn ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ 6 trấn giữ” (Sđd, tr. 43).
Sách sử ghi như vậy, dù khá vắn tắt. Nhưng truyền thuyết lại có cách kể chuyện của mình.
Một thời gian ngắn sau khi lập Dinh trấn ở xã Cần Húc, chúa Tiên bàn với con trai, là thế tử Nguyễn Phúc Nguyên, người được giao trấn thủ Quảng Nam, dời Dinh trấn về làng Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn).
Chính tại Dinh trấn Thanh Chiêm, một đêm khi nghỉ lại tại đây, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã mộng thấy một người đàn bà đẹp, tự xưng là nữ thần xứ Nam Diêu, tặng cho chúa một cái chén đất rất đẹp, và truyền, chúa hãy đi tới đất Nam Diêu, cách 3 dặm ở phía bắc, sẽ tìm ra ta, và sẽ lập được làng nghề mới cho dân, để xây dựng hoàng triều cương thổ về sau.
Sáng hôm sau, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng con trai là Nguyễn Phúc Nguyên lên đường, đi về phía bắc, vượt qua một con sông nhỏ, rồi theo lời người dân địa phương chỉ dẫn, tới một cái miếu nhỏ, dưới gốc đa cổ thụ lâu đời, có tên là miếu Nam Diêu. Lạ lùng thay, hai cha con Chúa Tiên thấy ở ngôi miếu nhỏ hoang sơ này có bày chiếc chén đất nung mà nữ thần Nam Diêu đã tặng cho chúa đêm qua.
Xúc động trước sự linh ứng và để tỏ lòng kính ngưỡng, chúa làm lễ cúng bái trang trọng và cho xây một miếu thờ khang trang ngay tại đây. Sau đó, chúa cho người âm thầm ra Bắc, vận động dân ở các làng gốm nổi tiếng vào Nam lập nghiệp, và chúa đã dành cho những di dân này nhiều sự ưu đãi. Thế là làng gốm Thanh Hà đã được hình thành, cùng với hai làng nghề nổi tiếng khác là làng đúc đồng Phước Kiều (Thanh Chiêm) và làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim) tạo nên một tam giác làng nghề truyền thống nổi tiếng, góp phần tạo nên sự phồn vinh của trục hành chính - kinh tế Dinh trấn Thanh Chiêm, cảng biển Hội An, nổi tiếng suốt các thế kỷ 17 và 18. Thanh Chiêm - Hội An cũng chính là trục địa - văn hóa đã khai sinh chữ Quốc ngữ của dân tộc Việt Nam.
Làng gốm Thanh Hà (xã Cẩm Hà), nằm cách phố cổ Hội An khoảng 3km về phía tây, từ lâu đã đi vào văn học dân gian xứ Quảng. Ta có thể nghe những câu ca khẳng định làng nghề trong một bài ca địa chí Quảng Nam, như: “Lửa chi lửa hực sáng lòa. Lò gốm lò gạch Thanh Hà ở đây”, hay: “Thanh Hà vẫn gạch bát nồi. Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh”. Một câu rất dí dỏm là: “Nhất Phước Kiều đám ma. Nhì Thanh Hà nhà cháy”, có nghĩa: làng Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), là làng đúc đồng nổi tiếng, chuyên làm phèng la, cồng chiêng, nên suốt ngày có tiếng thử các loại phèng la, cồng chiêng, nghe như đám ma; còn làng Thanh Hà, là làng gốm, làng gạch, suốt ngày khói bốc lên như đám cháy nhà. Đây là cách nói ví von rất có duyên, để chỉ đặc trưng làng nghề của từng địa phương. Hay một cách chọc ghẹo rất hòm hỉnh: “Phú Chiêm ăn cá bỏ đầu. Thanh Hà nghe nói bắc cầu qua xin” (dị bản: Thanh Hà xách dọc xỏ xâu đem về!). Và cả trong tình yêu lứa đôi: “Mưa từ Bà Rén mưa ra/ Mưa khắp thiên hạ, mưa qua Cẩm Hà/ Đôi ta không cửa, không nhà/ May mô lại gặp cũng là nợ duyên”...
Thanh Hà nổi tiếng với nghề truyền thống là nghề gốm. Theo các nhà chuyên môn, gốm Thanh Hà chủ yếu là gốm đất nung và gốm sành nâu. Chúng ta biết rằng gốm đất nung đã tạo nên những sản phẩm được nhào nặn từ đất sét thường và được nung với nhiệt độ tương đối thấp (chỉ từ 600 đến 900 độ C); phần lớn cho ra đời những sản phẩm có màu đỏ hay màu vàng gạch. Với những vùng đất sét ở hạ lưu sông Thu Bồn, người làng gốm Thanh Hà, với chiếc bàn xoay truyền thống, đã chế tạo những sản phẩm phục vụ đời sống cư dân nông nghiệp, như: chiếc bình vôi ăn trầu, chiếc nồi hiếu (thường dùng trong các lễ phóng sinh), nồi, trả, hủ, om (để sắc thuốc), chum, vại... Còn gốm sành nâu ở Thanh Hà cũng sử dụng đất sét thường, nhưng lại được nung ở nhiệt độ cao hơn (thường phải trên 1.000 độ C). Và người làng gốm Thanh Hà gọi loại lò nung này là lò xanh (có lẽ do ngọn lửa xanh?).
Nhân làng gốm Thanh Hà (Hội An) được công nhận là Di sản cấp quốc gia, chúng tôi không thể không bồi hồi nhớ lại những năm tuổi nhỏ sống ở Hội An, vẫn thường đạp xe lên Thanh Hà để thăm bạn và nhất là để được chiêm ngưỡng lễ cúng giỗ tổ làng nghề rất long trọng, với nhiều nghi tiết đặc sắc, vẫn được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 tháng Bảy (âm lịch) tại khu miếu cổ Nam Diêu của làng Thanh Hà. Giữa làng gốm Thanh Hà hiện nay, có Công viên đất nung, với diện tích hơn 5.000m2, trở thành bảo tàng gốm độc đáo và lớn nhất Việt Nam.