Cổng vào làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh:hanoimoi.com.vn)
Vì sao làng xã cổ truyền có sức mạnh như vậy? Làng là một đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt ở nông thôn, có địa vực, cơ sở hạ tầng, cơ cấu tổ chức, phong tục, tập quán, tâm lý, quan niệm, tính cách và cả “hương âm”, "thổ ngữ" tức "giọng làng" riêng, hoàn chỉnh và tương đối ổn định trong quá trình lịch sử. Đặc biệt, để duy trì trật tự, nền nếp, mỗi làng đều có hương ước, được coi như bộ luật của làng.
Hương ước là lệ làng được văn bản hóa, quy định chặt chẽ về cơ cấu tổ chức; yêu cầu công khai, minh bạch về bầu bán, bãi miễn các chức vị trong làng; phân bổ thuế, phân chia ruộng đất công; về tuần phòng; về lễ nghi, tín ngưỡng; về lệ hôn thú, tang ma; về tương trợ, cứu tế; về khai sinh, khai tử, học hành và xử phạt vi phạm… Có thể nói mọi quan hệ trong làng xã đều được quy định trong hương ước. Hương ước do chính dân làng soạn thảo, nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương; hằng năm hương ước đều được tuyên đọc một lần tại đình làng, để ai cũng nhớ, cũng thuộc và những điều khoản không còn phù hợp cũng thường được sửa đổi.
Đặc điểm của làng xã cổ truyền là tự trị, tự quản. Nhà nước chỉ can thiệp vào làng xã trong việc thu thuế, bắt lính; xử lý những vụ án hình sự, hay những vụ tranh chấp dân sự làng không hòa giải được; can thiệp khi có dịch bệnh lớn…còn lại thuộc quyền tự trị, tự quản của các làng xã.
Cơ cấu tổ chức làng xã xưa đơn giản nhưng chặt chẽ, hệ thống tổ chức gồm Hội đồng hương chính và Lý trưởng do dân làng tự bầu, Nhà nước phê chuẩn, nếu vị chức sắc nào thực hiện trách nhiệm kém cỏi hay có sai phạm, dân làng sẽ bầu người khác thay thế. Làng có đội ngũ tuần phiên, có trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự trong làng và ngoài đồng. Hầu hết hương ước các làng đều quy định, nếu tuần phiên lơ là để trộm đục tường, khoét vách ăn trộm hay gặt trộm lúa ngoài đồng, tuần phiên bị phạt và đền cho gia đình mất trộm 100% số tài sản thiệt hại.
Hương ước nhiều làng quy định, khi họp Hội đồng ở đình làng, dân làng có quyền đến dự, ai có điều gì thắc mắc có quyền chất vấn, Hội đồng có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, hương ước cũng quy định người chất vấn phải có thái độ đúng mực, ai say rượu nói càn có thể bị phạt.
Có hương ước còn quy định, ai mất gà, mất buồng cau, buồng chuối mà đi chửi rong trong làng, làm “mất phong thể của làng” thì bị xử phạt. Nói về xử phạt, điều đặc biệt là ai vi phạm cũng bị phạt, nhưng những người dân thường bị phạt nhẹ, còn những người có chức sắc, có chữ nghĩa thì bị phạt nặng hơn nhiều lần.
Do tính chất tự trị, tự quản cao như thế nên người ta đánh giá làng xã cổ truyền Việt Nam “như một nước cộng hòa thu nhỏ”, với những thiết chế chặt chẽ, những quy định bảo đảm “dân chủ làng xã” và cố kết cộng đồng rất cao.
Điều đáng quan tâm nữa là nhìn chung dân trí trước đây còn thấp, đại đa số không biết chữ nhưng “nếp sống văn hóa lại khá cao”, những người có chữ nghĩa trong làng rất được tin cậy và tôn trọng. Người có chữ nghĩa tham gia Hội đồng, được bầu làm chức dịch… Và cũng vì thế mà người dân rất hiếu học, mong con cháu được học hành, đỗ đạt thành tài.
Những giá trị đó khiến làng xã xưa bình yên, vững vàng trước các yếu tố ngoại lai suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Ngày nay, làng xã cổ truyền đã thay đổi, không còn bao bọc khép kín trong lũy tre làng mà là một đơn vị dân cư mở, mỗi xã là một đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất trong hệ thống hành chính bốn cấp hiện nay. Đây là điều kiện để các làng xã phát triển, nhất là phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng làng nghề hay nông nghiệp sạch… để nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế thị trường hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn là những mặt tiêu cực tác động đến nông dân, nông thôn rất khốc liệt. Có nhận định cho rằng tình hình chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp là một bước ngoặt mới chưa từng có, đã làm biến dạng không ít làng xã cổ truyền, biến nhiều nông dân thành thị dân, nhiều người hoàn toàn không có tư liệu sản xuất và tay nghề bị lạc lõng trước thời cuộc, khiến họ phải ra đô thị, chợ biên giới, xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài, hay phá hủy chính môi trường sống của mình để kiếm ăn. Có ý kiến cho rằng những tiêu cực của cơ chế thị trường khiến người nông dân lao vào cuộc tranh đoạt, dẫn đến sự suy thoái đạo đức văn hóa nông thôn ở mức độ trầm trọng, hiện tượng lấn chiếm đất công, tranh chấp từ đường không còn là chuyện hiếm.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, làng xã phải tháo gỡ những nếp cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp của làng xã truyền thống như co cụm, khép kín “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” hay chỉ trong lệ làng, coi thường pháp luật kiểu “Phép vua thua lệ làng”… nhưng cũng đồng thời phải bảo lưu được những giá trị quý báu của văn hóa làng xã như ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng; tôn trọng trật tự, kỷ cương; tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau”… là một bài toán khó, nhưng không thể không tìm ra giải pháp.
Chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó bản sắc dân tộc phải chăng một phần quan trọng nằm ở văn minh làng xã cổ truyền. Những giá trị mang tính bản sắc ấy ở nông thôn đang đứng trước những thách thức rất lớn.
Để giải quyết vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài này, Nhà nước cần có những giải pháp vĩ mô, nhưng vai trò rất quan trọng của mỗi cộng đồng dân cư, làng xã, dòng họ và mỗi cá nhân phải được phát huy, khơi lại những giá trị truyền thống trong trẻo, nâng cao lòng tự hào về truyền thống để thích nghi với xã hội hiện đại mà không mất gốc, mất đi bản sắc văn hóa Việt được đúc kết qua ngàn năm lịch sử đáng tự hào của tổ tiên ta./.