Làng nghề dệt, may truyền thống Mỹ Thắng vào vụ Tết – Báo Nam Định điện tử

Or you want a quick look:

Những ngày cuối năm 2020, không khí sản xuất các loại sản phẩm chăn, ga, gối, đệm, quần áo ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) dường như hối hả hơn. Xe ô tô tải đủ loại kích cỡ ùn ùn kéo về mang các sản phẩm đem đi tiêu thụ. Dọc hai bên đường làng, các xưởng sản xuất quần áo hoạt động hết công suất. Tiếng máy may kêu rào rào, người bán, người mua trao đổi náo nhiệt.

Sản xuất quần áo ở cơ sở Hiếu Thúy, xóm 10, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). Sản xuất quần áo ở cơ sở Hiếu Thúy, xóm 10, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Anh Trần Văn Hiếu ở xóm 10 vừa bốc các bao tải quần áo lên xe vừa giải thích: “Bắt nguồn từ nghề sản xuất chăn bông của làng Sắc (gồm các xóm 7, 8, 9, 10) từ những năm bao cấp, sau này được mở rộng hơn với các nghề làm chăn, ga, gối, đệm, quần áo. Do sản phẩm của làng nghề sử dụng chất liệu phong phú, kiểu dáng bắt kịp với xu thế, giá cả lại phải chăng nên thu hút đông đảo khách hàng, nhất là những người có thu nhập thấp. Thị trường của Mỹ Thắng giờ phát triển rộng khắp cả nước, thậm chí xuất đi các nước Lào, Campuchia… Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn hơn các năm trước, nhưng làng nghề vẫn duy trì sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng”. Con đường trục xã những ngày này dường như chật chội hơn bởi các cửa hàng mọc lên san sát, người đi lại tấp nập. “Chẳng có nơi nào trong tỉnh khi đất mặt đường làng lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, mà cũng không có người bán. Đây đúng là “đất vàng, đất bạc”(!)”, anh Hiếu cho biết thêm. Không chỉ mặt đường, các xưởng sản xuất còn thành lập ở tận các ngõ ngách trong khu dân cư. Cảnh quan vườn cây, ao cá được thay thế bởi nhà ở, nhà xưởng. Tiếng máy chạy rào rào kéo hết dong ngõ này đến dong ngõ khác. Ông Trần Lương Hữu, trưởng xóm 9 cho biết: “Xóm có trên 200 hộ thì có trên một nửa số hộ mở xưởng sản xuất chăn ga, gối đệm, quần áo với quy mô mỗi xưởng 10 người đến vài chục người. Ngoài ra, xóm có 4 công ty may mặc lớn, mỗi xưởng hàng trăm công nhân. Ước tính mỗi năm, doanh thu sản xuất chăn ga, gối đệm của xóm mỗi năm đạt trên 7 tỷ đồng. Năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thu nhập người dân làng nghề vẫn ổn định”. Vợ chồng anh chị Trần Thị Thủy ở xóm 9 mạnh dạn đầu tư 3 tỷ đồng đầu tư mở 2 xưởng sản xuất quần áo ở thôn Bườn 3 và bên Lý Nhân (Hà Nam) thường xuyên thu hút trên 200 lao động làm việc, sản xuất các loại quần áo đông, hè để tiêu thụ các thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Những ngày này giáp Tết này, doanh nghiệp làm việc không có ngày nghỉ để kịp cho các đơn hàng. Người lao động được động viên tăng ca, làm thêm giờ để sản xuất đủ hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

READ  Dịch vụ nhận dệt vải theo yêu cầu uy tín chất lượng nhất tại TPHCM

Nhiều người gọi xã Mỹ Thắng là “xưởng sản xuất khổng lồ” quả không sai. Vì từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nơi đây đã từng bước thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ cung ứng nguyên liệu, phụ kiện đến khâu hoàn thiện sản phẩm tạo ra giá trị hàng hoá lớn. Có cơ sở chuyên nhập vải, vải vụn cung cấp cho các cơ sở may, làm chăn, thú nhồi bông. Chị Phạm Thị Xuân, người lao động ở một cơ sở chuyên cung cấp vải vụn hoạt động nhiều năm nơi đây cho biết, vải vụn được thu gom lại, phân loại theo màu sắc rồi tẩy trắng rồi chuyển sang dây chuyền tách bông sợi cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp dệt. Khách hàng ở ngay trong xã, nhưng cũng nhiều khách hàng là công ty lớn ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của thành phố Nam Định để sản xuất vải. Đối với bông silicon được cơ sở bán cho xưởng sản xuất ruột chăn và ga đệm cao cấp. Dọc tuyến đường của xã, không khó bắt gặp hàng chục các hộ sản xuất các loại phụ kiện may mặc như chun, cúc, nhãn mác, các xưởng thêu chữ, thêu hình cho quần áo. Cơ sở thêu Nam Thi nằm mặt đường làng Sắc từ những năm trước đã đầu tư hàng tỷ đồng mua hàng loạt dây chuyền thêu vi tính hiện đại. Với mẫu mã phong phú, giá cả phải chăng, các sản phẩm thêu của cơ sở Nam Thi được nhiều doanh nghiệp trong xã tín nhiệm đặt hàng. Cuối năm, do lượng hàng đặt lớn, cơ sở phải sản xuất cả ngày đêm để phục vụ kịp thời các đơn hàng. Mặc dù trời rét nhưng không khí lao động nơi đây khá tấp nập, ai cũng hồ hởi làm việc để có thu nhập cao. Vợ chồng anh Phạm Văn Thế mới mở cửa hàng bán quần áo, vải may mặc được 2 năm nay. Anh Thế là người Nam Trực, nhân một lần lên đây, thấy cơ hội làm ăn lớn, anh chị đã mạnh dạn mở cửa hàng bán nguyên liệu may mặc. Anh Thế cho biết: Ngày thường, cửa hàng của anh chị vốn đã đông khách đến mua vải theo cân, theo lô về may, những ngày cuối năm, đặc biệt khi rét đậm, rét hại, hàng nhập về bán không kịp bởi nhu cầu quá cao. Có ngày cao điểm, anh chị bán hàng chục kiện vải cho các xưởng về sản xuất, doanh thu cả chục triệu đồng. Với chuỗi cung ứng dây chuyền, nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm, quần áo của xã Mỹ Thắng ngày càng phát triển. Toàn xã hiện có 16 công ty, doanh nghiệp lớn và trên 600 cơ sở sản xuất kinh doanh may mặc, sản xuất chăn, ga, gối, đệm, in, thêu. Hàng tháng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã giải quyết việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động. Hàng năm, giá trị sản xuất của xã đạt 100 tỷ đồng. Thu nhập từ làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 80% trong cơ cấu kinh tế của xã hàng năm. Nhờ nghề truyền thống, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Không chỉ tạo việc làm cho dân địa phương, các cơ sở sản xuất của xã còn mở nhiều cơ sở vệ tinh, thu hút nhiều lao động trong lúc nông nhàn.

READ  Đi Lễ Chùa Khấn Như Thế Nào? Bài Khấn Đi Đền, lên chùa nên cầu gì?

Với quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng đã đặt ra yêu cầu đổng bộ về cơ sở hạ tầng của xã Mỹ Thắng. Tuy nhiên, hệ thống đường giao thông của xã chưa đáp ứng đủ yêu cầu, các tuyến đường liên thôn nhiều năm lầy lội, mấp mô, xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh việc tiếp nhận Dự án nâng cấp cải tạo đường 63B dài 2,3km, Dự án đường Thịnh Thắng qua địa bàn xã dài 2,5km, Dự án đường liên xã từ Đại lộ Thiên Trường đến Cầu Tây dài 2,8km, xã có chủ trương xây dựng một khu dân cư tập trung, trung tâm thương mại chợ Sắc, nâng cấp cầu Mỹ Thắng - Hòa Hậu..., từ đó hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông làng nghề. Bên cạnh đó, người dân nơi đây cũng mong muốn sớm đưa Cụm công nghiệp làng nghề Mỹ Thắng đã được tỉnh phê duyệt quy mô 20ha vào hoạt động để sản xuất làng nghề tập trung hơn, giảm tiếng ồn và làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải qua đó đưa nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm và quần áo của xã phát triển ổn định, bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Thiện

See more articles in the category: KHÁM PHÁ

Leave a Reply