Vẻ đẹp độc đáo của làng nghề sơn mài Bối Khê – Tạp chí Kiến Trúc

Or you want a quick look: Nghề Sơn mài Bối Khê

Làng nghề sơn mài Bối Khê là một trong những làng nghề sơn mài nổi tiếng của cả nước và có lịch sử phát triển lâu đời, làng được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thành phố Hà nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Làng nghề sơn mài Bối Khê thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà nội khoảng 35km và trung tâm huyện Phú Xuyên khoảng 6km. Làng nghề Bối Khê là 1 trong 7 thôn thuộc xã chuyên mỹ, có quy mô diện tích khoảng 50ha, trong đó diện tích đất ở khoảng 17ha, còn lại là đất nông nghiệp.

Nghề Sơn mài Bối Khê

Sơn mài: Là cách gọi phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài). Dựa vào các hiện vật khảo cổ thì các vật dụng có sử dụng chất liệu sơn đã có ở nước ta vào khoảng 2.500 năm trước. Sơn được trích từ cây sơn, cây sơn mọc nhiều ở vùng trung du Bắc bộ, nhiều nhất là ở Phú Thọ. Người xưa dùng sơn chế từ nhựa cây Sơn (gọi là sơn ta) để phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm… nhằm làm tăng thêm độ bền và sau đó phát triển dần sang tranh trang trí, vẽ thêm một số những đường nét, hoa văn, cảnh quan thiên nhiên để tạo thêm sự độc đáo cho sản phẩm.

Nghề sơn truyền thống chỉ giới hạn bởi các màu nền đen, đỏ sen, nâu cánh gián và các hoạ tiết vàng, bạc. Các nghệ nhân làm nghề sơn gọi là nghề “sơn son thiếp vàng”. Khoảng năm 1930 các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí… đã phối hợp với nghệ nhân Đinh Văn Thành tiến hành thử nghiệm, đưa kỹ thuật sơn son thếp vàng vào làm tranh nghệ thuật. Thuật ngữ “Sơn mài” và “tranh Sơn mài” có từ đó.

Sơn mài là ưu điểm độc đáo của Mỹ thuật Việt Nam, là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của lớp nghệ sĩ đàn anh đã đưa nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, từ dùng để gọi sơn mài thường được hiểu sang các đồ dùng sơn mỹ nghệ của Nhật, Trung Quốc. Thật ra, kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công mỹ nghệ nước ngoài và tranh sơn mài Việt Nam.

Tương truyền rằng cụ tổ nghề sơn có tên là Trần Lư - người làng Bằng Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Vân Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1527 dưới thời Mạc Đăng Dung, cụ được cử đi xứ Trung Quốc. Từ Trung Quốc mà cụ đã học được nghề làm sơn đem về dạy cho dân, trước là quê hương cụ. Điều này đã được khẳng định trong cuốn gia phả “Bình Vọng Trần thị gia phả” viết bằng chữ Hán, hiện còn lưu giữ ở Trung tâm Khoa học Xã hội.

READ  Mách bạn cách sắp xếp hành lí đi phượt, gọn nhẹ, dễ đi lại | Cập nhật 2020

Từ làng Bằng Vọng ban đầu, sau đó nghề sơn đã phát triển rộng khắp. Bối Khê là một làng thuộc phủ Thường Tín xưa kia, cùng với làng Bằng Vọng, từ đó nên nghề sơn được phát triển rất sớm. Trước năm 1954, những người thợ Bối Khê chủ yếu đi làm lưu động, tổ chức thành các phường thợ (thường gồm những người là anh em họ hàng), có người thợ cả đứng đầu. Sản phầm của làng nghề thời kỳ này chủ yếu là các đồ thờ, phục vụ công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước được xem là thời kỳ thịnh vượng của người dân làng Bối Khê do nhu cầu xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Liên Xô (cũ) và Đông Âu rất lớn. Cả xã có tới 4 Hợp tác xã Sơn mài là Trường Sơn ở Bối Khê, Ngọ Hạ, Mỹ Thịnh ở làng Trung và Hợp Thành ở làng Thượng.

Giai đoạn 1989 - 1991, thị trường xuất khẩu duy nhất của hàng thủ công mỹ nghệ là Liên Xô và Đông Âu không còn nên nghề Sơn Mài phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 1996, nghề này lại bắt đầu được khôi phục và không ngừng phát triển.

Đặc điểm nghề truyền thống

Các nghệ nhân làng Bối Khê đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: sơn son thiếp vàng, hoành phi câu đối, tượng Phật với màu sắc lộng lẫy và bền chắc với thời gian để dùng trong các công trình tín ngưỡng… đến các sản phẩm hiện đại đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm…

So với làng nghề sơn truyền thống khác ở châu thổ Bắc Bộ, như làng nghề Cát Đằng (Nam Định, làm nghề sơn quang dầu, sơn mài chắp), Đình Bảng (Bắc Ninh, làm sơn then), Hạ Thái, (Hà Nội, làm sơn mài)…, làng nghề sơn mài Bối Khê mang nét độc đáo riêng với mặt hàng sơn mài khảm, trải qua một quy trình chế tác gồm nhiều công đoán phức tạp. Trung bình, một sản phẩm sơn mài khảm từ cốt mộc đến khi thành phẩm phải trải qua khoảng 12 nước sơn và mất chừng 1 tháng để hoàn thiện 1 lô sản phẩm.

Sản phẩm sơn mài Bối Khê hiện nay được chia làm 3 loại chính là:

  • Sơn mài khảm trứng;
  • Sơn mài khảm trai;
  • Sơn mài bạc.

Quy trình sản xuất truyền thống

Có thể chia làm một số công đoạn chính sau: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.

Bó hom vóc:

Việc hom bó cốt gỗ (đồ vật cần sơn) ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ dó nên rất dai, có độ bền vững hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa (ngày nay người thợ có thể dùng bột đá) trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy (hoặc vải màn) sau đó còn phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) để chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau đó để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thể thấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ 400-500 năm.

READ  Review chi tiết 50 homestay Nha Trang đẹp lung linh! - Homestay review

Trang trí:

Khi có được tấm vóc nói trên (hoặc các mô hình chạm khác bình hoa, các bộ đồ khác), người chế các món đồ phải làm các công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm trước tiên như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc…sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng, tiếp đến dùng màu.

Với kỹ thuật sơn phủ tượng và đồ nội thất như: hương án, hoành phi, câu đối… người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi các nguyên liệu: quỳ vàng, quỳ bạc, tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt.

Vì dầu bóng đã pha màu để vẽ nên độ bóng chìm trong cốt màu tạo thành độ sâu thẳm của tranh, do đó sau mỗi lần vẽ phải mài. Người xưa sử dụng lá chuối khô làm giấy nháp. Đến nay, nguyên tắc đánh bóng tranh lần cuối chưa có gì thay thế phương pháp thủ công vì loại tranh này không được phép phủ dầu bóng. Đó chính là điểm độc đáo của tranh sơn mài. Sự thành công của một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất lớn vào công đoạn sau cùng. Có một số thứ để mài và đánh bóng như: than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà v.v..

Qua nhiều lần vẽ, hong khô, mài phẳng. Sau khi định hình tác phẩm, bức tranh được phủ lên một lớp sơn sau cùng, hong khô (ủ kín) và mài để màu sắc hiện ra. Mài xong, dùng tay xoa bột than để mặt tranh bóng dần. Thời gian thực hiện một tác phẩm có kích thước nhỏ, đơn giản cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày. Những tác phẩm lớn có khi phải mất vài tháng, vài năm.

Công trình di sản truyền thống làng Bối Khê

Đình làng Bối Khê

Đình làng Bối Khê thờ Cao Sơn Đại Vương - thần Cao Sơn ở núi Tản Viên. Thời kỳ chiến tranh, đình làng bị thực dân Pháp đốt cháy toàn bộ, đến đầu những năm 1990, đình được nhân dân phục dựng lại trên nền ngôi đền cũ. Đình được xây dựng bằng gỗ bao gồm với nhiều chi tiết trạm khắc tinh xảo. Phía trước cổng Đình là một khoảng sân với nhiều cây cổ thụ, đây là nơi người dân thường nghỉ ngơi, chuyện trò vào mỗi buổi chiều. Sau Đình là sân thể thao của làng.

Chùa làng Bối Khê

Chùa Bối Khê là nơi sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng của người dân làng Bối Khê và tu hành của các Phật tử. Khuôn viên toát lên nét cổ kỉnh, trang nghiêm. Với cổng làng được thiết kế theo lối tam quan, cửa chính 2 tầng. Gian thờ chính nằm ở trung tâm của khuôn viên chùa nơi thờ đức Phật Quân Thế Âm Bồ Tát, và nơi thời các vị La Hán, công trình có nhiều chi tiết gỗ được trạm trổ tinh xảo.

READ  Du lịch Hòn Tre Nha Trang: kinh nghiệm ăn gì, chơi gì, ở đâu?

Giữa cổng chùa và gian thờ chính là một khoảng sân chùa rộng, nơi thường diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của người dân trong làng. Ở bên phải của khoảng sân này là tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao 3m được dựng ngoài trời.

Theo truyền miệng của người dân trong làng, trong khuôn viên chùa trước đây có một “hũ chôn vàng”, hàng đêm thường có một đàn lợn vàng chui ra từ hũ này, và chạy vòng quanh. Tuy nhiên, vào thời kỳ bao cấp, sân chùa được sử dụng làm sân kho để tập trung thóc gạo, nên người dân đã phá đi di tích này để mở rộng sân phơi.

Miếu làng Bối Khê

Làng Bối Khê có 2 ngôi miếu thờ: Miếu Ông và Miếu Bà. Miếu Ông nằm ở phía ngoài đê thờ Cao Sơn Đại Vương. Miếu Bà nằm ở phía trong đê thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Hai ngôi Miếu nằm gần nhau nhưng cách khá xa khu dân cư, từ trong làng Bối Khê đi ra Miếu khoảng 1,5km. Trước kia miếu đã bị phá hủy trong giai đoạn chiến tranh, cho đến những năm 1995, 1998 người dân trong làng đã quyên góp và xây dựng lại miếu trên nền đất cũ.

Nhà ở truyền thống

Nhà ở truyền thống làng Bối Khê hiện không còn, phần lớn nhà ở đều được xây dựng trong giai đoạn những năm 1980 cho đến nay, nhiều công trình mới xây dựng theo phong cách biệt thự Pháp, với nhiều chi tiết kiến trúc cóp nhặt, tạo nên bức tranh kiến trúc nông thôn nhiều màu sắc.

Di sản phi vật thể làng Bối Khê

Hội làng

Hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, làng nghề Bối Khê tổ chức lễ hội truyền thống làng nghế Bối Khê, và 3 năm tổ chức lệ rước kiệu, đón các thánh từ Miếu Ông, Miếu Bà về Đình làng dự lễ. Người dân các tỉnh về tham dự hội làng rất đông. Phần lễ thường có tế lễ, dâng hương hoa, rước kiệu. Phần hội thường có các hoạt động trò chơi dân gian, hát chèo.

Lễ Hội Phật đản

Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia,… Tại Việt Nam, ngày này không phải là ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng. Kỷ niệm Vesākha cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người

© Tạp chí Kiến trúc

See more articles in the category: Kinh nghiệm du lịch

Leave a Reply