Làng nghề may truyền thống Thượng Hiệp | Vuidulich.vn

Or you want a quick look:

QPTĐ-Đến làng nghề may truyền thống Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi không khí lao động sản xuất và giao thương hàng hóa luôn tấp nập, sôi động. Hai bên đường vào làng là hệ thống cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm với mẫu mã đa dạng, từ bình dân đến cao cấp; còn bên trong các nhà xưởng, máy móc luôn chạy hết công suất, mỗi ngày cung cấp hàng vạn sản phẩm cho thị trường.

Nghề may ở Thượng Hiệp tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động.

Không ai biết chính xác nghề may ở Thượng Hiệp có từ bao giờ, chỉ biết, từ xa xưa, thủa chưa có máy may, người dân trong làng đã nổi tiếng khéo tay khâu vá, làm ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường. Sản phẩm làm ra khá đa dạng từ quần áo, khăn, yếm đến chăn màn được mang bán ở chợ phiên phục vụ người dân trong xã và các vùng lân cận. Trong thời Pháp thuộc, một số gia đình khá giả đã có máy may đạp chân, sản xuất những sản phảm cao cấp hơn như quần âu, áo sơ mi, áo vest...

Vậy nhưng, làng nghề may Thượng Hiệp thực sự phát triển khi có ánh sáng của thời mở cửa. Bắt đầu là nhận gia công cho người dân Cổ Nhuế (Từ Liêm) sản xuất áo chống rét xuất khẩu sang Đông Âu cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Sau đó, nghề may nhanh chóng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người dân trong làng cũng không làm thuê nữa mà vươn lên làm chủ, nhập vải từ nhiều nơi để làm ra những sản phẩm được tiêu thu trong cả nước.

READ  Hơn 40 khách sạn, nhà nghỉ, homestay, resort ở La Gi, Bình Thuận

Hiện nay, nghề may đã phát triển trong toàn xã Tam Hiệp. Theo thống kê, toàn xã hiện có 50 hộ đăng ký doanh nghiệp, 650 hộ sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 572 hộ thương mại-dịch vụ và 17 hộ chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa. Sự phát triển ngày một lớn mạnh của ngành hàng may mặc, thú nhồi bông đang thu hút hàng vạn lao động tại địa phương và các khu vực lân cận.

Năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Đỗ Văn Linh, ở cụm 2 đã là chủ một xưởng cắt may có tiếng. Anh Linh cho biết: "Nghề may mặc ở đây phát triển mạnh từ năm 2000, nhưng thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là từ năm 2010 đến nay, có thời gian các cơ sở sản xuất trong làng làm hết công suất mà vẫn không đủ cầu". Cơ sở của anh Linh luôn có khoảng 20 lao động làm việc ổn định, sản xuất đủ các loại quần áo người lớn và trẻ em, chất lượng từ bình dân đến cao cấp, tùy theo nhu cầu khách hàng.

Ngoài giải quyết việc làm cho lao động trong thôn, làng nghề Thượng Hiệp còn tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho hàng nghìn lao động của các xã Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Tam Thuấn, Thanh Đa, Ngọc Tảo, Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ), Canh Nậu, Đại Đồng, Lại Thượng (huyện Thạch Thất) Đan Phượng, Đồng Tháp (huyện Đan Phượng); thậm chí có cả người ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa... cũng đến nhận hàng về gia công. Nhờ sự phát triển ổn định, thu nhập từ nghề may mặc đã trở thành nguồn thu chính của xã Tam Hiệp. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tính đến tháng 6/2018 đã đạt khoảng 48 triệu đồng/năm. Con số này đưa xã Tam Hiệp trở thành địa phương có mức thu nhập cao nhất của huyện Phúc Thọ. Đến nay, toàn xã đã có khoảng 500 hộ gia đình có ô tô. Đời sống của người dân xã Tam Hiệp không ngừng được cải thiện và nâng cao...

READ  Một ngày khám phá khu du lịch Hồ Khuôn Thần - AllTours

Theo Nghị quyết số 12, huyện Phúc Thọ đặt mục tiêu xây dựng xã Tam Hiệp trở thành điển hình phát triển làng nghề vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu trên, lãnh đạo địa phương cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục động viên nhân dân đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường làng nghề. Đồng thời, nghiên cứu, thành lập các hội doanh nghiệp làng nghề, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất.

Thu Huyền

See more articles in the category: Kinh nghiệm du lịch

Leave a Reply