Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh tự túc A-Z (Cập nhật 08/2021)

Or you want a quick look:

Cùng Phượt - Hà Tĩnh là một tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam. So với các tỉnh bạn kế cận như Nghệ AnQuảng Bình, du lịch Hà Tĩnh vẫn còn thiếu khá nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn cũng như hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển du lịch. Hà Tĩnh là vùng “địa linh nhân kiệt” có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, không gian du lịch biển đẹp, các loại hải sản phong phú đa dạng nhưng tất cả đều không có gì nổi bật hẳn lên để có thể thu hút và níu chân du khách. Biển Hà Tĩnh với chiều dài 137 km bờ, nhiều bãi tắm đẹp nhưng có vẻ như đang đầu tư theo kiểu… mạnh nơi nào nơi đó thắng, thậm chí, Khu du lịch Thiên Cầm được xác định là trọng điểm quốc gia nhưng chưa hoàn thành quy hoạch, vướng mặt bằng. Du lịch văn hóa - tâm linh, dẫu là niềm tự hào nhưng khách đến chủ yếu là để tĩnh tâm rồi lại đi nơi khác.

Giới thiệu chung về Hà Tĩnh

Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh tự túc A-Z (Cập nhật 08/2021) Bến Thủy, nơi phân chia 2 vùng Nghệ An - Hà Tĩnh (Ảnh - manhhai)

Suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh nhiều lần thay đổi tổ chức, địa giới hành chính và tên gọi. Thời Hùng Vương, Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đầu thế kỷ VI, nhà Lương đổi Cửu Đức thành Đức Châu. Cuối thế kỷ VI, nhà Tuỳ lại đổi Đức Châu thành Hoan Châu. Năm 607, Đức Châu nhập vào Nhật Nam. Năm 622, nhà Đường đổi quận Nhật Nam thành châu Nam Đức, rồi Đức Châu, đến năm 627 lại đổi thành Hoan Châu. Tên Hoan Châu được giữ nguyên cho đến cuối Bắc thuộc. Thời kỳ Đại Việt cũng có nhiều thay đổi.

Đến năm 1831, vua Minh Mạng trên quy mô cuộc cải cách hành chính toàn quốc, tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An thành lập tỉnh Hà Tĩnh. Đây là niên đại quan trọng trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh, chứng tỏ vùng đất này đã hội đủ các điều kiện để thành một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình trung ương.

Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh tự túc A-Z (Cập nhật 08/2021) Thành phố Hà Tĩnh ngày nay (Ảnh - vuidulich.vn)

Là nơi quần tụ của các cư dân bản địa và cư dân từ nhiều vùng khác đến, từng là “phiên trấn”, “phên dậu” của nước Đại Việt xưa, mảnh đất này gắn liền với nhiều dấu ấn, sự kiện quan trọng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đây là quê hương của Mai Thúc Loan, xưng vương Mai Hắc Đế lãnh đạo nhân dân chống lại ách thống trị của phong kiến phương Bắc (năm 772). Đầu thế kỷ XV, hai cha con Quốc công Đặng Tất, Đặng Dung là những thủ lĩnh chủ chốt giúp nhà Hậu Trần lập nên những chiến công vang dội chống giặc Minh. Thế kỷ XV, đất Đỗ Gia (Hương Sơn) và dãy núi Thiên Nhẫn là đại bản doanh của Lê Lợi, nhân dân Hà Tĩnh là chỗ dựa vững chắc của nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống giặc Minh.

Hà Tĩnh là vùng “Địa linh nhân kiệt”, thời nào cũng xuất hiện những anh hùng, chí sỹ, danh nhân văn hoá, từ 3 Trạng nguyên thời nhà Trần, 148 vị đại khoa thời nhà Nguyễn đến những tên tuổi nổi danh đất nước như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Phan Chánh, Xuân Diệu, Huy Cận…

Du lịch Hà Tĩnh vào thời gian nào?

Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh tự túc A-Z (Cập nhật 08/2021) Có mùa đông khá lạnh nên việc du lịch biển Hà Tĩnh chỉ nên thực hiện vào mùa hè, với các hình thức du lịch tâm linh thì tùy điều kiện bạn sắp xếp (Ảnh - trangsun92)

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Hà Tĩnh là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu chuyển tiếp của miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc, nên thời tiết, khí hậu ở Hà Tĩnh rất khắc nghiệt. Hàng năm, Hà Tĩnh có hai mùa rõ rệt.

  • Từ tháng 11 đến khoảng tháng 2 năm sau là thời điểm mùa đông, Hà Tĩnh mang cái lạnh của miền Bắc nhưng lại tương đối khô. Thời điểm này phù hợp để có những hành trình du lịch văn hóa, tâm linh ở Hà Tĩnh.
  • Từ tháng 4 đến tháng 10, đây là mùa nắng gắt, có gió Tây Nam (thổi từ Lào) khô, nóng. Khoảng thời gian này phù hợp để đi du lịch biển Hà Tĩnh như Thiên Cầm hay các bãi biển ở Nghi Xuân.

Hướng dẫn đi tới Hà Tĩnh

Phương tiện cá nhân

Ô tô
Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh tự túc A-Z (Cập nhật 08/2021) Từ Hà Nội đi Hà Tĩnh bằng xe ô tô cá nhân khá đơn giản (Ảnh - vuidulich.vn)

Hà Tĩnh cách Hà Nội khoảng gần 400km, nếu sử dụng ô tô các bạn mất khoảng 6-7 tiếng di chuyển là có thể có mặt ở đây. Nếu chỉ cần di chuyển tới trung tâm tỉnh, các bạn cứ bám theo tuyến QL1A, chặng đầu của hành trình là tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình với gần 100km.

Xe máy

Với nhiều nhóm bạn trẻ thích di chuyển bằng xe máy, các bạn chỉ cần bám theo tuyến QL1A. Tùy thuộc vào đích đến các bạn cũng có thể đi bằng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để ngắm cảnh.

Phương tiện công cộng

Ô tô
Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh tự túc A-Z (Cập nhật 08/2021) Bến xe khách Hà Tĩnh (Ảnh - vuidulich.vn)

Hà Tĩnh nằm giữa miền Trung nơi có tuyến đường huyết mạch là QL1A đi qua với chiều dài hơn 120km, gần 90km đường Hồ Chí Minh cũng chạy qua tỉnh. Nếu sử dụng các tuyến xe khách giường nằm, xe khách chất lượng cao từ Hà Nội các bạn có thể bắt xe tại Bến xe Nước Ngầm. Các tuyến xe đi Hà Tĩnh tại đây chạy liên tục vào các buổi tối sẽ đưa bạn có mặt ở Hà Tĩnh vào sáng sớm.

Tàu hỏa

Tổng chiều dài tuyến đường sắt Bắc Nam qua Hà Tĩnh là 70km, toàn tuyến có 8 ga hành khách trong đó ga chính Yên Trung và ga Hương Phố đều cách trung tâm Tp Hà Tĩnh khoảng hơn 40km. Với khoảng cách gần như bằng nhau, nếu bạn nào muốn tiết kiệm chi phí hãy chọn xuống ga Hương Phố, từ đây có tuyến xe buýt để về trung tâm Tp Hà Tĩnh.

Từ ga Hà Nội có các chuyến tàu SE11 đi từ Hà Nội lúc 8h và đến Yên Trung lúc 14h30, SE5 đi từ Hà Nội lúc 9hvà đến Yên Trung lúc 15h30 là các chuyến tàu khá phù hợp nếu lựa chọn để du lịch Hà Tĩnh bằng tàu hỏa.

Xem thêm bài viết: Hướng dẫn mua vé tàu hỏa trực tuyến (Cập nhật 8/2021)

Máy bay

Hà Tĩnh hiện tại không có sân bay, nếu từ Sài Gòn muốn đến Hà Tĩnh bằng đường hàng không, các bạn có thể lựa chọn một trong hai sân bay của 2 tỉnh hàng xóm là sân bay Vinh (các trung tâm Hà Tĩnh khoảng 50km) hay sân bay Đồng Hới (cách thị xã Kỳ Anh, giáp ranh Quảng Bình khoảng gần 100km).

Tùy từng chặng sẽ do từng hãng hàng không khai thác, nhưng nói chung cả 3 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam đều có đường bay Sài Gòn - Vinh với giá rẻ nhất khoảng 4000k++ cho chặng bay khứ hồi. Nếu bay đến Quảng Bình, các chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet sẽ đưa các bạn tới Đồng Hới sau khoảng 1h30 phút bay.

Đi lại ở Hà Tĩnh

Xe máy

Có lẽ vì lý do du lịch không mấy phát triển mà việc thuê xe máy ở Hà Tĩnh cũng gần như không có. Nếu ở một nơi xa đến Hà Tĩnh, có lẽ bạn cần có một chút niềm tin để có thể thuê được xe máy tại khách sạn nơi mình lưu trú nếu muốn có xe máy vi vu trong những ngày ở đây.

Taxi

Với một số bạn đến Hà Tĩnh bằng phương tiện công cộng và không muốn tự chạy xe trong những ngày ở đây, phương tiện taxi sẽ thuận lợi hơn cả.

Một số hãng taxi ở Hà Tĩnh:

  • Mai Linh: +84888672676 9
  • Lam Hồng: +84888672676 8
  • Rồng Việt: +84888672676 3
Xe buýt

Xe buýt là loại hình vận tải công cộng phổ biến ở nhiều địa phương, với một số tỉnh thành xe buýt vừa có giá thành rẻ hơn và có nhiều sự lựa chọn về thời gian hơn so với các tuyến xe khách cố định. Mạng lưới xe buýt ở Hà Tĩnh không thật đầy đủ nhưng cơ bản cũng có một vài lựa chọn để đến các huyện trong tỉnh. Từ các vị trí xe buýt dừng, các bạn có thể sử dụng thêm xe ôm để đến được địa điểm mong muốn.

Lưu trú ở Hà Tĩnh

Số lượng du khách đến với Hà Tĩnh trong những năm vừa qua ngày một tăng nhưng số lượng khách lưu trú lại thì không quá nhiều. Hầu hết khách du lịch đến với Hà Tĩnh là du lịch tâm linh, sau đó du khách thường sẽ di chuyển tiếp mà không mấy người ở lại. Một phần có lẽ do hạ tầng lưu trú ở Hà Tĩnh vẫn còn khá khiêm tốn, toàn tỉnh có khoảng gần 200 cơ sở lưu trú trải đều trên khắp các huyện.

Tổng số khách sạn từ 3 sao đến 5 sao chỉ đếm trên đầu ngón tay, hy vọng trong những năm tiếp theo, khi mà Hà Tĩnh đầu tư tốt hơn cho hạ tầng du lịch, số lượng khách đến và nghỉ tại đây cũng sẽ tăng theo.

Một số khách sạn tốt ở Thành phố Hà Tĩnh

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Hà Tĩnh (Cập nhật 8/2021)

Các địa điểm du lịch ở Hà Tĩnh

Khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, Can Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, là nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh và hàng trăm người con ưu tú đang làm nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông quan trọng trên hệ thống đường vận chuyển hàng hóa, vũ khí ra tiền tuyến.

Hiện nay, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng quy mô với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt như: Khu mộ 10 nữ TNXP, Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP, Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ ngành giao thông toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng 10 nữ TNXP và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác.

Hồng Lĩnh

Núi Hồng Lĩnh

Truyền thuyết kể rằng núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh. Tương truyền, Núi Hồng Lĩnh do một ông khổng lồ không rõ tên tuổi (dân gian Hà Tĩnh gọi là ông Đùng) đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ Lam giang và La giang đem về đây xếp thành dãy Hồng Lĩnh. Xếp được 99 hòn núi, còn một hòn cuối cùng thì ông Đùng đánh rơi sang phía bờ bắc sông Lam mà thành rú Rum.

Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Thủa xưa, khi vùng Hà Tĩnh là đất của nước Văn Lang, vua Hùng Vương đi tìm nơi định đô mới, vua đi khắp đất nước nhằm tìm vùng đất thích hợp đóng đô. Vua nghe tin vùng Việt Thường thủa xưa đặt kinh đô ở Ngàn Hống. Hùng Vương đích thân dẫn đoàn tùy tùng đến xem. Lúc Hùng Vương đến nơi, bỗng thấy trên trời có 100 con Phượng Hoàng đang bay lượn, trông rất đẹp. Hùng Vương mừng lắm, cho rằng đất đóng đô đây rồi. Ngờ đâu 100 con Phượng Hoàng bay về núi đậu trên 99 đỉnh Ngàn Hống, còn một con đầu đàn không có chỗ đậu nên bay đi, thấy vậy cả đàn Phượng Hoàng cũng bay theo. Hùng Vương nhìn thấy liền cho rằng là điều không may, nói nơi này không thể làm kinh đô.

Chùa và hồ Thiên Tượng

Ðến đầu thế kỷ 19, chùa Thiên Tượng vẫn là ngôi chùa đẹp, là chốn u tịch, thâm nghiêm, nhưng vào năm Ất Dậu 1885, sau biến cố kinh thành Huế, vua tôi Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng, Hương Khê phát động phong trào Cần Vương thì vùng Hồng Lĩnh cũng trở thành nơi hoạt động chống thực dân Pháp. Vì vậy, thực dân Pháp đã cho đốt chùa và tàn phá chùa thành phế tích. Ðến năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh là Ðào Tấn đã cho trùng tu xây dựng lại chùa.

READ  kinh nghiệm du lịch viêng chăn lào | Vuidulich.vn

Chùa Thiên Tượng có thượng tịnh, hạ tịnh, có Lưu Ðức tháp và Thạch Sơn tháp, trong chùa có chuông Ðại Hồng và nhiều tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao… Khuôn viên chùa chừng 150.000 m2 được giới hạn bởi hai suối lớn (suối Bắc và suối Nam) cả hai đều bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng mà hợp thành. Ðường lên chùa được xếp đá công phu theo từng bậc như thang đá. Từ chùa nhìn xuống thị xã Hồng Lĩnh đẹp như một bức tranh.

Từ chùa Thiên Tượng theo đường chim bay về phía đông nam chừng hai km là đến Hồ Thiên Tượng thuộc địa phận phường Bắc Hồng. Hồ nằm trên độ cao 100m, được tạo thành từ nguồn nước của Suối Tiên. Hồ Thiên Tượng có hình dáng đẹp, chiều dài 650m, chiều rộng 180m, sâu trung bình 8m, nơi sâu nhất khoảng chừng 15m. Diện tích mặt hồ hơn 100.000 m2 với dung tích 800.000 m3 nước tự nhiên trong sạch. Phía đông và tây hồ là vách núi dựng đứng, quanh hồ là những dải thông xanh soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng tạo thành bức tranh thủy mặc độc đáo, nguyên sơ giữa một thị xã trẻ trung đang vươn mình phát triển.

Chùa Hang

Theo lịch sử, Chùa Hang tọa lạc trên dãy núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có từ thời Hậu Lê, được biết đến từ thế kỷ XVII. Chùa nằm trong chuỗi liên kết hệ thống chùa cùng trên dãy núi Hồng Lĩnh, phía Bắc có Chùa Thiên Tượng, Chùa Long Đàm, Chùa Móc, Chùa Dằng, Chùa Bảo Ân, xa hơn có Chùa Đại Hùng và Chùa Hương Tích.

Chùa Hang được tạo trên nền tảng của một hang động nhỏ nằm mé sườn tây đỉnh núi Mông Gà, chùa ra đời muộn và không gian thờ tự dựa trên yếu tố tự nhiên là chính. Trải qua một thời kỳ dài không có người ở, Chùa hoang phế, chỉ còn lại một cái hang nhỏ, sập lở, xung quanh bị đất đá bồi đắp. Từ năm 1990 chùa được tôn tạo sơ khai và tôn tạo, xây dựng thêm để được như ngày hôm nay.

Suối Tiên

Suối Tiên nằm dưới hồ Thiên Tượng. Tương truyền đây là nơi xưa tiên tắm và còn để lại dấu chân tiên trên đá Thạch Bàn. Quanh năm suối Tiên rì rào chảy, tạo thành bản nhạc êm đềm bên Hồ Thiên Tượng giữa núi non xanh mát ngàn thông. Nhân dân Hà Tĩnh đã và đang làm hết sức mình để bảo vệ và khai thác các giá trị của di tích một cách tốt nhất phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội và du lịch.

Sông Nhà Lê

Được đào từ thời Lê Hoàn để nối thông từ kinh đô Hoa Lư tới Đèo Ngang và là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Chùa Hương Tích

Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự có nghĩa là Chùa Thơm, chùa có danh hiệu Hoan Châu đệ nhất danh thắng, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia. Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh.

Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh là cả một quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, với nhiều ngôi chùa thờ Phật, một vài ngôi đền thờ Thần, trong đó cả cả những ngôi đền mang tính ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu. Quần thể chùa Hương ở độ cao 650m so với mặt nước biển, được chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu.

Để lên được chùa Hương, khách thập phương có chọn lựa một là suốt hơn 5 km đường rừng qua rừng thông, rừng trúc mai, từ cổng chùa để lên đến chính điện ở độ cao 650m so với mực nước biển. Hai là đi thuyền trên đập Nhà Đường (khoảng 2 km) ngắm nhìn nước từ khe quỷ khóc chảy ra, ngắm cảnh suối nước thơ mộng đẹp như trong tranh vẽ để đến cổng chùa, sau đó đi bộ 1 km theo khe quỷ khóc lên đến đến suối Hương Tuyền, rồi tiến hành đi cáp treo lên chùa. Đường lên chùa rợp bóng thông xanh mát, cả hành trình du khách sẽ được nghe tiếng suối hòa quyện với tiếng thông reo giữa mênh mông trời đất.

Khu nghỉ mát Thiên Cầm

Với đường bờ biển dài 137km, Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng nhiều bãi biển đẹp lý tưởng, trong đó Thiên Cầm được xem là bãi biển đẹp nhất, níu chân bao du khách phương xa. Nơi đây có tiếng sóng dội vào hang núi khiến những chuông đá, khánh đá vang vọng và bàn trời đá bỗng trở thành khúc nhạc muôn điệu như những tiếng đàn trời bên biển đã có từ ngàn xưa.

Thiên Cầm có một vẻ đẹp và sức quyến rũ đến kỳ lạ, ấn tượng với du khách ngay từ tên gọi. Tương truyền, Vua Hùng thứ XIII khi qua đây nghe tiếng sóng biển, thông reo mà cứ ngỡ tiên nữ đánh đàn, lại thấy núi giống đàn Tỳ bà liền hạ bút phê ba chữ “Thiên Cầm Sơn”. Truyện khác kể rằng, Hồ Quý Ly khi trốn chạy đến đây thì bị giặc Minh bắt nên nơi đây có tên là Thiên Cầm (Trời giam).

Bãi biển Thiên Cầm có hình cánh cung trải dài gần 3km bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, cùng với Cùm Nậy (Núi lớn) và Cùm Con (Núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, uốn lượn rồi chảy ra biển.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch biển Thiên Cầm (Cập nhật 8/2021)

Khu du lịch Đồng Nôi

Được xây dựng trên diện tích hơn 40 ha đất cát (diện tích sau khai thác khoáng sản), Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi - Thiên Cầm của Mitraco Hà Tĩnh nằm cách biển Thiên Cầm 1km, cách QL1A hơn 10km.

Đến với Đồng Nôi, du khách có thểể trượt cát, đi xe mô tô địa hình, tham quan khu vực đầm sen, câu cá, đi cầu tre, cầu khỉ, chụp ảnh với cánh đồng hoa hướng dương và trực tiếp trồng rau, thưởng thức trái cây tại vườn chợ nông sản, ẩm thực…

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tọa lạc trên 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê, nằm cách trung tâm Hà Tĩnh khoảng 20km về phía Tây Nam, có diện tích tự nhiên 35,159ha.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ, bời lời vàng, v.v… Đây là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa, luồng thực vật Indonesia - Malaysia và luồng thực vật Hymalaya. Đến nay, tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã phát hiện được 364 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ. Gà lôi lam đuôi trắng, một trong ba loài gà lôi đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng, và nhiều loại quý hiếm khác. Trong 47 loài thú ở đây có 18 loài (chiếm 21%) được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Hồ Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ là một hồ chưa nước nhân tạo tại xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, hiện là hồ nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo, nó mang tính chất phục vụ thuỷ lợi là chính, hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái. Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1976 tới năm 1980 thì hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên, cách thành phố Vinh 70 km về phía nam. Hồ dài gần 30 km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước.

Đền thờ Lê Duẩn

Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm trên đảo Cụ Duẩn trong lòng hồ Kẻ Gỗ được xây dựng vào năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Hà Tĩnh.

Chợ cá Cửa Nhượng

Dọc theo bờ biển xuôi về phía Nam, du khách sẽ đến với chợ cá Cửa Nhượng có tuổi đời trên một trăm năm với nghề làm mắm. Ghé thăm nơi này, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của những người dân làng chài, hòa mình vào buổi chợ sớm khi chuyến tàu thuyền đầy cá.

Khu lưu niệm Hà Huy Tập

Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở thôn 8, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Đây là nơi đang lưu giữ những tư liệu về tuổi thơ cùng những chặng đường hoạt động của đồng chí Hà Huy Tập.

Đức Thọ

Khu lưu niệm Trần Phú

Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú ở thôn Tùng Ảnh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, được xếp hạng “Di tích danh nhân cách mạng” năm 1992. Phần mộ đồng chí Trần Phú được khởi công xây dựng từ ngày 8/1/2000 nằm trên ngọn núi Quần Hội ở xã Tùng Ảnh, nhìn ra bến Tam Soa bốn mùa nước mát. Từ trên khu lăng mộ nhìn xuống, ba dòng sông hội về bến Tam Soa như ba dải lụa đào, bồi đắp phù sa, tắm mát cho ngàn đời người dân Hà Tĩnh.

Đền Cả Du Đồng

Đền Cả Du Đồng (Đền Tổng Du Đồng) thuộc địa phận thôn Vĩnh Thuận , xã Đức Đồng - Huyện Đức Thọ. Trước đây thuộc thôn Vĩnh, tổng Dương Đồng Phủ Đức Thọ, là nơi từ cuối nhà Lê, nhân dân đã dựng ngôi đền thờ ông Bùi Thúc Ngật , đậu hương cống (cử nhân) người có công khai phá chiêu dân lập nên xóm làng của Tổng Du Đồng, truyền bá, mở mang nghề nông trang (nông nghiệp và dâu tằm) mở trường dạy học đầu tiên cho nhân dân cả vùng phía tây huyện Đức Thọ ngày nay.

Đền Cả Du Đồng là một công trình kiến trúc nghệ thuật, tuy quy mô không đồ sộ nhưng rất đẹp và uy nghiêm, với những mảng chạm khắc tinh xảo tuyệt vời, độc đáo và uyển chuyển. Kết cấu đền Cả Du Đồng bao gồm cột nanh nhà Tam quan, hạ, trung và thượng điện bố cục theo kiểu chữ Tam ngoảnh mặt về hướng tây nam. Trước đền có một dãy ao hồ quanh năm đầy nước tạo nên thế cận thuỷ cho đền, sau đền có con sông nhỏ Hắc Giang lượn vòng uốn khúc ôm lấy thôn Vĩnh rồi đổ ra sông Ngàn Sâu. Trong số kiến trúc đền nhà Tam quan là đặc sắc hơn cả, gồm 1 gian 2 vì có hồi văn làm bằng gỗ lim và mít lợp ngói mũi hài, toàn bộ các đường xà kẻ khâu đấm rường và cửa vọng đều được chạm lộng rất tỉ mỉ và tinh xảo với các đề tài dân gian như cảnh trí sinh hoạt tứ quý, cá chép vượt vũ Môn, rùa đội cuốn thư. Nhà Tam quan là bình phong để ngăn cách cổng, sân đền với khu vực thờ tự, song đây không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật nổi tiếng tại Hà Tĩnh. Vì thế nhân dân trong vùng có câu ca: “Gác chuông Kẻ Thượng Hương án Xa lang Tam quan Tự Đồng”

Sông La

Sông La là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố (từ Hương Sơn đồ về) và sông Ngàn Sâu (từ Hương Khê và Vũ Quang) tại bến Tam Soa (Linh Cảm, Đức Thọ). Đến lượt nó lại hợp lưu với sông Cả (từ Nghệ An chảy sang) tạo thành dòng sông Lam nằm giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sông La là một dòng sông rất đẹp, có phong cảnh nên thơ và là nguồn cảm ứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ.

Hương Sơn

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông

Đến Hương Sơn, không thể không nói đến quần thể di tích lịch sử văn hoá - nhà thờ, mộ, tượng đài và chùa Tượng Sơn - nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với Đại Danh Y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một con người rất thông minh, học giỏi nhưng không màng đến danh lợi.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 01 năm 1720; mất ngày Rằm tháng giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1791) tại quê mẹ xã Tình Diệm xưa, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn. Truyền thuyết kể lại rằng, sinh thời ông thường thả diều trên đỉnh Núi Giả, Hồ Sen và ông dặn dò con cháu đến lúc diều rơi ở đâu thì khi ông mất an táng ông ở đó. Mộ của ông bây giờ nằm ở dãy núi Cánh Diều dưới chân núi Minh Tự, xã Sơn Trung. Ngôi mộ nằm ở độ dốc 30 o , đầu hướng lên đỉnh cao nhất của dãy núi Minh Tự, chân mộ chiếu thẳng vào đỉnh cao của dãy Trường Sơn. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống toàn cảnh nơi đây như một bức tranh thuỷ mặc, bên phải có khe Nước Cắn chảy rì rào, trước mặt có dòng sông Ngàn Phố trong xanh hiền hòa và một vùng đồi núi, làng mạc nên thơ.

Hướng về phía Tây 7 km là đến với khu Nhà thờ Lê Hữu Trác được gọi là vườn đào Hải Thượng thuộc xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn - một vùng đất nằm sát bên bờ sông Ngàn Phố. Đây là chốn thâm sơn cùng cốc xưa nhưng là nơi phong cảnh hữu tình, nhân dân ở đây sống hoà thuận cùng nhau bên nếp nhà tranh. Đến nhà thờ Lê Hữu Trác - nơi có Núi Giả, Hồ Sen nằm sát nhau ở góc vườn, Hồ Sen hình bán nguyệt ôm lấy chân núi ở phía Tây Bắc. Chính nơi đây Lê Hữu Trác đã thường xuyên quan sát hướng gió để xem mạch, chữa bệnh và là chốn tri ân, nơi ông thường cùng bạn bè lên đó ngắm trăng, đón gió, uống rượu, đánh cờ, đọc sách và ngâm vịnh thơ ca.

Trên đường từ mộ đến nhà thờ ghé qua chùa Tượng Sơn (còn gọi là chùa Hầm Hầm) - một di tích lịch sử văn hoá nằm sát tả ngạn sông Ngàn Phố. Chùa Tượng Sơn nằm trên một vùng đất bằng phẳng, đẹp đẽ giữa cánh đồng xóm Vĩnh Tuy, xóm Chùa, làng Yên Hạ, làng Quát. Chùa Tượng Sơn là một trong những nơi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dùng làm nơi đọc sách nghiên cứu và chữa bệnh cho nhân dân; chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi thờ liệt tổ nội, ngoại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

READ  Bảng giá thuê xe ô tô du lịch Đà Nẵng giá rẻ【Cập nhật 2021】
Chùa Côn Sơn

Ngày xưa địa điểm này là nơi cất giấu lương thực, của cải và vũ khí chiến đấu phục vụ nghĩa quân Lam Sơn. Khi đất nước thái bình, Nguyễn Trãi đã cho xây dựng chùa Côn Sơn tại vị trí này như một nghĩa cử đền đáp dành cho nhân dân đã cưu mang giúp đỡ nghĩa quân trong những ngày tháng gian khổ chiến đấu chống quân thù ở mảnh đất này.

Khu nghỉ mát Nước Sốt

Suối khoáng nóng Sơn Kim (nhân dân địa phương thường gọi là Nước Sốt) thuộc địa bàn huyện Hương Sơn. Nước Sốt nằm gần sát biên giới Việt - Lào, có đường quốc lộ 8A thuận lợi nối liền với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Điểm nhấn nổi bật nhất của khu du lịch sinh thái Nước Sốt chính là Nhà máy sản xuất nước khoáng Sơn Kim với công suất 20 triệu lít/năm. Nhà máy này đã từng bị san phẳng trong trận lũ quét lịch sử năm 2002, nay đang dần được hồi sinh với những khu nghỉ dưỡng, tắm nước nóng kết hợp với du lịch sinh thái và thăm quan cửa khẩu. Nếu thích khám phá, du khách có thể sang tận Lạc Xao của nước bạn Lào. Tuor này hiện đang thu hút khá đông du khách ưa thích tìm hiểu văn hóa, phong tục các dân tộc và nghiên cứu về đa dạng sinh học của vùng sinh thái Bắc Trường Sơn.

Bãi tắm Rào Àn

Từ Hà Tĩnh về phía Tây hơn 100 km, bãi tắm đội 9 - Rào Àn thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn luôn thu hút du khách và người dân địa phương đến nghỉ mát vui chơi vào dịp cuối tuần. Thời điểm thích hợp đến bãi tắm là từ tháng 4 đến tháng 8. Ngoài bãi tắm đội 9, trong khu này còn có thác Bạc, du khách không chỉ được tận hưởng bầu không khí trong lành, nguồn nước mát lạnh mà còn có cảm giác gần gũi thiên nhiên. Ở đây, du khách có thể cắm trại hoặc nghỉ ngơi bên các nhà chòi nhỏ mà không phải mất phí, khi nô đùa chán chê du khách cũng có thể bày tiệc nướng và có những phút giây thư giãn cùng nhau.

Khu du lịch thác Xai Phố

Xã Sơn Hồng, Hương Sơn có một ngọn thác rất đẹp gọi là thác Xai Phố. Nhìn từ xa, người ta cứ ngỡ như một đàn ngựa trắng đang tung bờm, giương vó phi nước đại. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngọn thác này chảy không bao giờ ngưng nghỉ. Ngọn thác vắt qua năm tháng, đang chờ đợi một khu du lịch sinh thái lý tưởng…

Cửa khẩu Cầu Treo

Cửa khẩu Cầu Treo là cửa khẩu quốc tế đường bộ tại vùng đất xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn. Đây là điểm cuối của quốc lộ 8 ở lãnh thổ Việt Nam, trên đỉnh đèo Keo Nưa, và đường này nối tiếp sang Lào. Cửa khẩu ra đời khi kết thúc chiến tranh chống Pháp, 1954. Tháng 8/1997 cửa khẩu Cầu Treo được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế.

Thác Vũ Môn

Nằm trên dãy núi Giăng Màn (Khai Trướng), ở phía Tây Nam huyện Hương khê với độ cao 1.700 m so với mực nước biển, Thác Vũ Môn gắn liền với truyền thuyết cá chép thi vượt thác hàng năm để được hóa thành Rồng. Với chiều cao của thác hơn 200 m, thác có 4 cấp nước mỗi cấp nước có độ cao chênh lệch từ 25 m - 86 m, đây là một trong những thác tự nhiên huyền bí và kỳ vĩ của Hà Tĩnh.

Bãi biển Xuân Hải

Nằm cách thành phố Hà Tĩnh 15 km về phía Đông Bắc, khu du lịch bãi tắm Xuân Hải (Thạch Bằng, Lộc Hà) là điểm du lịch hấp dẫn. Với chiều dài 12 km bờ biển, nhất là bãi tắm Xuân Hải có bãi cát trắng, mịn và bằng phẳng, sóng nhẹ, nước trong xanh, độ mặn vừa phải và còn mang đậm nét hoang sơ nên rất có điều kiện để phát triển du lịch. Biển Lộc Hà không chỉ có bãi tắm đẹp mà còn có nhiều nguồn thủy hải sản phong phú như tôm, cua, ghẹ, mực, hến, vẹm xanh, sò, các loại cá… là nguồn thực phẩm biển tươi sống để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách.

Núi Bằng Sơn

Núi Bằng Sơn tức Rú Bờng, là ngọn núi có Chùa Kim Dung. Chùa nằm giữa núi xã Thạch Bằng và Thạch Mỹ. Chùa được xây dựng vào thời Trần, thờ Phật Tổ, Ngọc Hoàng và Thánh Mẫu. Do dòng họ Phan Hữu xây dựng nên đứng đầu là ông Quyền Quang thời kỳ chống Pháp, các chí sĩ yêu nước đã lấy chùa làm trụ sở. Mỗi mùa lễ hội du khách các vùng đến dự rất đông để cầu phúc lộc, nam nữ thì đến cầu duyên. Trên núi có mộ tổ Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh.

Khu du lịch Quỳnh Viên

Quỳnh Viên, là tên xưa nhất của núi Nam Giới. Lê Thánh Tông khi qua đây đã viết: “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (ngọn núi nổi tiếng này xưa còn gọi là núi Quỳnh Viên).

Nằm bên bờ biển Thạch Hải, huyện Thạch Hà, cách Thiên Cầm khoảng 25 km về phía bắc. Chỉ mất khoảng 10 phút đi xe máy từ Tp Hà Tĩnh, các bạn có thể đến được khu này.

Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng

Khu Tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng uy nghi, trang nghiêm tọa lạc ngay cạnh sông Cầu Sông thuộc địa phận thôn Tân Long, xã Việt Xuyên, Thạch Hà. Đây là công trình của tuổi trẻ cả nước và nhân dân tỉnh nhà nhằm tri ân sự hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng - người đoàn viên TNCS đầu tiên.

Nghi Xuân

Bãi biển Xuân Thành

Bãi biển Xuân Thành nằm trên địa phận xã Xuân Thành (Nghi Xuân) cách Tp Vinh khoảng 13km về phía đông, cách Tp Hà Tĩnh khoảng 40km về phía bắc. Biển ở đây trải dài hơn 5km với độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn màng, nước biển ở đây có độ mặn vừa phải, trong, xanh và rất sạch. So với nhiều bãi biển khác tại Hà Tĩnh, biển Xuân Thành còn giữ được vẻ nguyên sơ, kỳ bí, thơ mộng của núi, rừng và biển ngút tầm mắt.

Điều tạo nên sự khác biệt cho bãi biển Xuân Thành chính là song song với biển có một dòng sông nước ngọt mang tên Mỹ Dương, bắt nguồn từ núi Hồng Lĩnh, chảy uốn lượn theo chiều dài của biển, với những rặng dừa ngày đêm soi bóng. Sông không sâu nhưng nước không bao giờ cạn. Hai bên bờ sông là thảm thực vật xanh tốt. Đứng trên cầu bắc ngang qua sông, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc bao la của biển cả.

Trường đua chó Xuân Thành

Đến Xuân Thành, du khách không những chỉ đùa vui với sóng biển, thưởng thức những hải sản cực ngon ở đây, quây quần bên gia đình bạn bè vào dịp cuối tuần mà còn được theo dõi một hình thức giải trí sôi động và hào hứng mới lạ: Đua chó Greyhound. Trường đua chó được thiết kế, xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế, cùng những sự kiện đặc biệt được tổ chức thường xuyên trong năm sẽ đảm bảo người dân địa phương và du khách luôn có những phút giây hào hứng mới mẻ.

Khu lưu niệm Nguyễn Du

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân là một tổ hợp bao gồm nhiều di tích. Đến với nơi đây du khách sẽ có dịp tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền - dòng họ từng được người dân xứ Nghệ xưa ví von: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/Sông Rum hết nước, họ này hết quan”.

Khu du lịch sinh thái nhà vườn Đức Đường

Khu du lịch sinh thái nhà vườn Đức Đường ở thôn Nam Sơn, xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), du khách chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước một không gian xanh tươi, trong lành và đẹp đến mê hồn. Trên diện tích gần 2 ha, khu du lịch ẩn mình giữa núi rừng điệp trùng của dãy Hồng Lĩnh với 8 hạng mục: khu nhà vui chơi, hệ thống nhà nghỉ biệt lập, nhà điều hành, nhà vòm, bể bơi, cầu treo, cầu thuyền, vườn hoa cây cảnh.

Đồi chè Kỳ Trung

Không phải vất vả để đến với Thái Nguyên hay Mộc Châu, ngay tại Hà Tĩnh nếu muốn chiêm ngưỡng những đồi chè xanh ngát các bạn có thể đến với đồi chè Kỳ Trung (Kỳ Anh) để chiêm ngưỡng những đồi chè xanh mát, chạy dài và rất thơ mộng này.

Vườn Quốc gia Vũ Quang

Vườn quốc gia Vũ Quang (còn gọi với tên: Vườn quốc gia Vụ Quang) là nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Với đặc điểm đa dạng sinh học cao và các giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, đây không chỉ là khu bảo tồn đa mục đích mà còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Đèo Ngang

Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, vắt qua dãy Hoành Sơn (núi Ngang), một chi núi của Trường Sơn Bắc mọc lấn ra tận biển Đông với điểm chót là mũi Đao, mũi Độc. Khối Hoành Sơn chiếm diện tích khoảng 1.500km2, có ngọn Ba Cốc cao tới 823m, nhưng chiều cao trung bình chỉ khoảng 400m và ở Đèo Ngang 256m. Hoành Sơn là biên giới tự nhiên Việt - Chiêm xưa, nay là địa giới hành chính giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đồng thời đó cũng là ranh giới khí hậu: Hà Tĩnh thuộc khí hậu bắc, mùa đông có gió mùa đông bắc mạnh còn mùa hè thì gió Lào nóng dữ dội. Lượng mưa ở Hoành Sơn rất lớn, 3000mm/năm và bão cũng rất nhiều. Trong khi đó, Quảng Bình chỉ cách hơn 10km đã mang rõ đặc điểm của khí hậu nam: gió đông bắc rất yếu.

Hoành Sơn Quan được xem như một chứng tích lịch sử đặc biệt, một điểm nhấn cho vẻ đẹp của dãy núi Hoành Sơn. Trên đỉnh đèo Ngang hiện còn “Cổng Trời” di tích của cửa ải Hoành Sơn Quan bằng gạch đá được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo. Hoành Sơn Quan, tức cửa Hoành Sơn ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan, hai phía đào núi thành 1.000 bậc. Hoành Sơn Quan giờ đây tuy không nguyên vẹn, nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.

Các món ăn ngon ở Hà Tĩnh

Hải sản Hà Tĩnh

Với ngư trường chính ở vùng rộng, ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt trong ngày nên hải sản đều rất tươi ngon. Hải sản sau khi được mang lên bờ, những loài còn sống như: cua, ghẹ, tôm, tôm tít… sẽ được các nhà hàng thả vào bể nước, còn những loài khác sẽ chuyển cấp đông và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn.

Mực nhảy Vũng Áng

Một trong những đặc sản của Hà Tĩnh, chính là mực nhảy Vũng Áng. Mực nhảy được ngư dân dân đánh bắt từ biển rất tươi ngon và được nuôi trong những lồng nước ngọt, du khách có thể chọn và mua, sau đó nhờ chế biến ngay tại sạp với thực đơn đa dạng và phong phú.

Cá trích nướng

Đi dọc cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà), bất kể mùa nắng hay mùa mưa, ta vẫn nghe thơm lừng mùi cá trích nướng lẫn trong mùi khói than hồng, ngào ngạt. Những rổ cá còn tươi ròng, đầy ắp hương vị mặn mòi của biển đã níu chân bao người phương xa.

Với người dân nơi đây, cá trích không phải là sơn hào hải vị quá xa xỉ, thậm chí còn được xem là món ăn bình dân nhất so với những loại cá, tôm biển. Thế nhưng, bất kỳ ai, khi nếm thử một con cá trích tươi vừa được nướng chín còn bốc hơi nóng hổi đều cảm nhận được sự quyến luyến không rời.

Gỏi cá đục

Cá đục dài khoảng 13-18cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tư­ơng tự loài cá bống nư­ớc ngọt. Cá đục có thể chế biến đ­ược rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu nh­ư mùa nào cũng có.

Gỏi cá đục chế biến khá công phu và phải làm đúng cách ăn mới ngon. Cá đục còn tư­ơi, tách đôi, bỏ x­ương ngâm với chanh vắt chừng 15 phút. Sau đó vớt ra, vắt khô, để ráo. Mu dừa nạo nhỏ, trộn đều với cá. Lạc rang đâm mịn trộn với nư­ớc cá, n­ước dừa dùng làm n­ước lèo. Một gia vị nữa không thể thiếu là ớt t­ươi và tỏi. Ớt và tỏi giã nhỏ, trộn vào n­ước lèo, vừa ăn vừa xuýt xoa mới tuyệt!

Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non.., cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng, khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nư­ớc lèo. Khi ăn gỏi cá đục, bạn sẽ cảm nhận đ­ược vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.

Bánh mướt cuốn ram

Bánh mướt cuốn ram (bánh cuốn nem rán) là món ăn sáng dân dã, đặc trưng của người dân Hà Tĩnh. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ ngâm trong nước nhiều giờ sau đó đem nghiền thành bột rồi tráng mỏng bằng tay. Nguyên liệu làm món ram cầu kỳ hơn, gồm thịt, miến, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành… cuộn chặt trong lá bánh mỏng rồi rán giòn. Ram nóng quấn trong lá bánh mướt mỏng tang ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt mang đến hương vị khó cưỡng.

READ  Hướng dẫn phượt Sài Gòn - Nha Trang 2020 đường biển cực đẹp

Bánh bèo Hà Tĩnh

Khác với bánh bèo của Huế, bánh bèo Hà Tĩnh được làm từ bột lọc (bột sắn), nhân bánh làm từ tôm non bóc vỏ hoặc thịt nạc trộn với mộc nhĩ được xào lên. Bánh bèo Hà Tĩnh thưởng thức theo hai cách: bánh bèo chan nước mắn pha, rắc thêm hành khô và bánh bèo nước từ nước xương hầm được chan sin sít vào với bánh. Chính nguyên liệu và cách thưởng thức đã tạo nên hương vị riêng cho món bánh bèo Hà Tĩnh. Đây là món quà ăn vặt được nhiều người ưu thích đặc biệt là giới trẻ.

Cháo canh Hà Tĩnh

Cháo canh có mặt ở nhiều nơi, nhưng ở Hà Tĩnh lại có vị riêng biệt. Sợi cháo canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột, sợi được xắt ra dài chừng 2/3 thân đũa ăn cơm, sợi bánh có màu trắng đục. Nước dùng của cháo canh vừa có vị ngọt của xương hầm, vị thơm của hành tím, vị béo của tôm, vài lát giò lụa, thêm nhúm hành lá, ngò tàu, vài lát ớt thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng.

Hến sông La

Như một món quà được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông La hiền hòa, người dân các xã ven sông từ xưa đến nay vẫn gìn giữ nghề cào hến. Những con hến bé li ti qua nhiều công đoạn chế biến khá tỉ mỉ có thể chế biến ra nhiều món ăn lạ miệng nhưng không kém phần hấp dẫn như hến xào, canh hến, lẩu hến, cháo hến, đặc biệt nước hến có vị ngọt đậm đà… tạo nên một hương vị đặc trưng, ngon đến lạ lùng. Dù đi xa, câu hát rao “Hến ngọt, rọt nậy, đong đầy, bán rẻ ai mua” vẫn níu bước chân người xa quê tha thiết tìm về.

Dê núi Hương Sơn

Hầu như khách bình dân hay thượng lưu đến huyện Hương Sơn đều thích thưởng thức món đặc sản thịt dê núi. Đặc biệt, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nổi tiếng với nghề nuôi dê truyền thống từ bao đời nay.

Với lợi thế địa hình nhiều đồi núi cùng hang động, khe suối… dê ở Sơn Tiến được người dân thả nuôi tự nhiên hoặc nuôi nhốt. Nếu nuôi dê trong chuồng, chủ nuôi vẫn thường xuyên vào rừng chặt đủ thứ lá cây dê ưa thích mang về để vỗ béo cho dê.

Bún bò Đò Trai

Đây là món được người dân địa phương khuyên là món ăn bạn nhất định phải thử mỗi khi có cơ hội ghé qua vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Có cách ăn khá giống với món bún chả nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, bún bò Đò Trai không để bún sẵn vào bát nước dùng mà cho ra đĩa riêng. Sợi bún Đò Trai to, tròn, có màu hơi nâu như hoa cau, bởi được làm theo cách thủ công hoàn toàn bằng tay từ một loại gạo quê vẫn thường được người dân nơi đây sử dụng để nấu rượu. Thịt bò được sử dụng để làm ra món bún cũng phải từ chính những con bò được chăn thả ven đê nơi vùng quê Đức Thọ.

Bún được ăn kèm cùng các loại rau thơm, xà lách và bánh đa (còn gọi là bánh tráng). Các gia vị cần thiết khác như chanh, ớt, dấm tỏi và sa tế giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo.

Đặc sản Hà Tĩnh mua về làm quà

Kẹo cu đơ

Trước kia ở làng Thịnh Xá bên kia sông Ngàn Phố có nhà ông Cu Hai chuyên nấu kẹo lạc. Những đứa trẻ trong làng thường hay rủ nhau đến để xin vét nồi bằng ám hiệu “Cu Hai”. Đi miết, sợ cha mẹ biết mà mắng mỏ nên mỗi lần rủ rê nhau, những đứa trẻ ấy đã gọi chệch đi là “Cu đơ” (từ phiên âm của số 2 trong tiếng Pháp). Lâu dần, cách gọi của trẻ con cũng lan sang cả người lớn. Và, loại kẹo độc đáo ấy cũng được mặc định một tên gọi mới là Cu đơ. Kẹo cu đơ ban đầu chỉ được nấu ở làng Mân Xá hai bên sông Ngàn Phố, về sau có một người thiếu sinh quân từ thị xã Hà Tĩnh lên trọ học ở đây đã học nghề và đem về phổ biến ở phố thị.

Đây là một loại kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm đậu phộng làm nhân, rồi đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại với nhau để nguội.

Bánh đa vừng

Bánh đa Hà Tĩnh dày, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen. Bánh được làm hoàn toàn bằng gạo non, là thứ gạo mới, không dùng loại gạo các mùa trước vì sẽ làm mất đi vị thơm, béo của bánh.

Bánh gai làng Khóng

Những chiếc bánh gai đen bóng mang hương vị ngọt thơm của mật mía, cái dẻo dính của nếp, quyện vị béo của đậu xanh, cùi dừa từ lâu đã là một sản vật nức tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Mọi nguyên liệu làm bánh đều được người dân sản xuất ngay tại địa phương. Đây là thứ bánh ăn nguội, thường được người dân dùng vào các dịp ăn hỏi, làm quà biếu.

Bánh đa kê Nghi Xuân

Bánh đa kê tuy chỉ là một thức quà quê dân dã, đơn giản nhưng chứa đựng cả một nét văn hóa và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên ở huyện cực Bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyên liệu làm bánh đa kê rất đơn giản, bao gồm hạt kê đã xát vỏ, đậu xanh, bánh đa và các gia vị cần thiết như muối, mì chính, tinh bột nghệ. Đầu tiên người làm hàng phải ngâm kê trong khoảng 2 tiếng rồi vò và đãi sạn cho thật sạch, để ráo. Nồi nước nấu kê được bỏ thêm chút muối, mì chính và tinh bột nghệ để bánh có màu vàng tươi đẹp mắt. Sau khi đun sôi hỗn hợp thì cho kê vào lấy đũa đánh thật đều tay cho đến khi kê đặc mới được thả đũa ra.

Ruốc rươi Nghi Xuân

Với người dân ven sông Lam, ruốc rươi từ lâu là món ăn không thể thiếu với từng gia đình mỗi độ tết đến. Trước đây, người dân muối rươi chỉ để phục vụ gia đình, biếu người thân, nhưng những năm gần đây đã trở thành món hàng đặc sản, mang về nguồn thu lớn mỗi dịp tết.

Cam bù Hương Sơn

Cam bù thường bắt đầu ra hoa vào mùa xuân và chín vào dịp Tết Nguyên Đán. Cam có quả hình cầu, vỏ dày và mọng nước, lúc chín vỏ màu da cam rất đẹp. Mùi của cam rất thơm và hấp dẫn với mùi đặc trưng của vỏ cam. Trọng lượng trung bình mỗi quả từ 250 ÷ 300g, có quả đạt hơn 1,2 kg. Cam bù được trồng ở hầu hết các xã của huyện Hương Sơn nhưng trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Hàm, Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Thọ (huyện Vũ Quang).

Bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, nổi tiếng bưởi có hình dáng cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, mùi thơm nhẹ tự nhiên. Múi bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt, rất thích hợp cho du khách mua về làm quà.

Cam Khe Mây

Cam Khe Mây đã khẳng định được thương hiệu bởi vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Cam đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân vùng Khe Mây (Hương Khê)

Nấm tràm Kỳ Anh

Sau mỗi cơn mưa, người dân các xã vùng cao của Kỳ Anh lại tích cực tìm về những rừng tràm để hái nấm. Nấm tràm có màu nâu tím, ăn ban đầu có vị nhẫn đắng nhưng sau đó sẽ ngọt hậu, bùi béo và rất thơm. Nấm tràm mọc nhiều từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch nên nếu có dịp đi qua Kỳ Anh vào thời gian này, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội mua chút ít về làm quà nhé.

Lịch trình du lịch Hà Tĩnh

Hà Nội - Thiên Cầm - Sầm Sơn - Hà Nội

Ngày 1: Hà Nội - Ngã Ba Đồng Lộc - Thiên Cầm

Xuất phát từ Hà Nội lúc 6h sáng, khoảng 12h trưa đến Tp Vinh. Dừng nghỉ ngơi thưởng thức một số món ăn ngon Nghệ An.

Từ Tp Vinh di chuyển đi Ngã 3 Đồng Lộc, đây là nơi yên nghỉ của các nữ TNXP trong thời kỳ chiến tranh. Sau khi dâng hương tại đây, tiếp tục đi về Thiên Cầm nhận phòng. Nhớ kiểm tra kỹ khách sạn ở Thiên Cầm để đảm bảo còn phòng.

Chiều tắm biển Thiên Cầm

Ngày 2: Thiên Cầm - Hồ Kẻ Gỗ

Sáng dậy tắm biển, ngắm bình minh ở Thiên Cầm sau đó xuất phát đi làng cá Cửa Nhượng (rất gần Thiên Cầm)

Từ làng cá, các bạn tiếp tục đi Khu bảo tồn thiên nhiên và hồ Kẻ Gỗ, đây là địa danh rất nổi tiếng trong một số bài hát về Hà Tĩnh.

Chiều về lại Thiên Cầm tắm biển, thưởng thức hải sản.

Ngày 3: Thiên Cầm - Hương Tích - Sầm Sơn

Từ bãi biển Thiên Cầm, đi ngược về phía Thị xã Hồng Lĩnh đến núi Hồng Lĩnh lên tham quan chùa Hương Tích. Khu vực này khá rộng nên thời gian di chuyển để khám phá tốn khá nhiều thời gian.

Kết thúc khám phá Hương Tích, tiếp tục di chuyển về qua Nghệ An, Thanh Hóa, dừng chân nghỉ ngơi ở Sầm Sơn.

Ngày 4: Sầm Sơn - Hà Nội

Sáng dậy tranh thủ khám phá và tắm biển Sầm Sơn, thưởng thức hải sản Sầm Sơncác món ăn ngon ở Thanh Hóa.

Trưa trả phòng, di chuyển về lại Hà Nội kết thúc chuyến đi.

Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình

Lịch trình này sử dụng phương tiện cá nhân do đi lại giữa các tỉnh thành, các bạn muốn sử dụng phương tiện công cộng sẽ hơi khó trong vấn đề di chuyển và cần điều chỉnh riêng một chút để phù hợp.

Ngày 1: Hà Nội - Vinh

Sáng sớm xuất phát từ Hà Nội lúc 6h, khoảng 12h có mặt tại Vinh, ăn uống nghỉ ngơi trên đường luôn cho tiện. Đi thăm khu di tích Kim Liên, Làng Sen quê Bác.

Sau khi rời khu di tích Kim Liên, di chuyển tới Cửa Lò, nhận phòng khách sạn tại Cửa Lò để cất đồ đạc, chiều ra tắm biển tự do. Tối dạo chơi biển Cửa Lò

Ngày 2: Cửa Lò - Ngã 3 Đồng Lộc - Thiên Cầm

Sáng dậy ngắm biển và khám phá Cửa Lò, ăn sáng rồi khởi hành đi Ngã 3 Đồng Lộc. Thắp hương tưởng niệm các chiến sỹ TNXP đã hy sinh tại đây.

Tiếp tục di chuyển đi Khu sinh thái Hồ Kẻ Gỗ, đây là một địa điểm rộng lớn và gần gũi với thiên nhiên.

Trưa nghỉ ăn uống trên đường rồi khởi hành đi biển Thiên Cầm, khám phá tắm biển, nghỉ ngơi ăn uống tại đây.

Ngày 3: Hà Tĩnh - Quảng Bình

Ăn sáng, trả phòng rồi sắp xếp đồ đi Quảng Bình. Trên đường đi có thể dừng tại Vũng Áng thưởng thức đặc sản Hà Tĩnh món mực nhảy.

Qua Đèo Ngang khoảng 7km sẽ tới khu Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi yên nghỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi vào viếng mộ Đại tướng di chuyển tiếp đi Bãi Đá Nhảy, một địa danh du lịch rất nổi tiếng ở Quảng Bình.

Chiều tối về đến Đồng Hới, nếu sớm có thể tắm biển hoặc không nhận phòng khách sạn rồi ra biển thưởng thức hải sản.

Tối ngủ Đồng Hới

Ngày 4: Đồng Hới - Phong Nha

Xuất phát từ Đồng Hới khoảng 8h sáng, từ đây đi đến trung tâm Phong Nha mất khoảng 1 tiếng. Đến khoảng 9h có mặt tại đây. Từ trung tâm Phong Nha các bạn men theo đường 20 cho đến Cầu Trạ Ang sẽ thấy biển chỉ dẫn đi Động Thiên Đường, khoảng 30 phút nữa, vậy là khoảng 9h30 sẽ bắt đầu đến được cửa động Thiên Đường

Vé vào cửa Động Thiên Đường là 250k cho 1 người, nếu muốn giảm bớt khoảng hơn 1km đi bộ các bạn có thể bỏ qua màn mua vé xe điện, nếu không giá vé xe điện khứ hồi là 100k. Từ điểm dừng xe điện, các bạn cần leo khoảng 600m để đến cửa động, đường dốc thoai thoải và đi dưới các tán cây rừng nên cũng không mất quá nhiều sức. Bình quân khoảng 30 phút lên tới cửa động. Động Thiên Đường khá sâu, đi từ cửa hàng một mạch vào đến điểm cuối cùng nhanh cũng phải mất khoảng 30 phút, thể nên tổng thời gian từ lúc bạn bắt đầu mua vé cho đến khi quay lại cổng vào sẽ mất khoảng 2 tiếng.

Khoảng 11h30 quay lại đến bãi gửi xe, tiếp tục di chuyển đến Suối Nước Mọoc, 2 chỗ này cách nhau chỉ khoảng hơn 3km. Ăn trưa tại đây, chú ý là khu du lịch họ không cho mang đồ ăn vào nên các bạn chỉ nên chuẩn bị nước, bia.. đồ ăn có thể đặt tại đây, giá cả cũng vừa phải không đắt lắm.

Tối đặt phòng khách sạn ở Phong Nha và nghỉ tại đây.

Ngày 5: Khám phá Động Phong Nha

Bến thuyền đi Phong Nha nằm ngay khu trung tâm, sáng các bạn dậy sớm mua vé thuyền đi Động Phong Nha. Một hành trình cả đi và về mất khoảng 3-4 tiếng.

Trưa quay lại Phong Nha nghỉ ngơi ăn uống rồi lái xe về Hà Nội.

Nửa ngày 5-6: Hà Nội

Nửa ngày thứ 5 và ngày thứ 6 lái xe thẳng về Hà Nội, nếu có đủ lái xe đổi nhau có thể về tới Hà Nội trong khoảng 12-13 tiếng. Nếu không có lẽ cần nghỉ ngơi tại Vinh rồi hôm sau đi tiếp về Hà Nội.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh 2021
  • du lịch Hà Tĩnh tháng 8
  • tháng 8 Hà Tĩnh có gì đẹp
  • review Hà Tĩnh
  • hướng dẫn đi Hà Tĩnh tự túc
  • ăn gì ở Hà Tĩnh
  • phượt Hà Tĩnh bằng xe máy
  • Hà Tĩnh ở đâu
  • đường đi tới Hà Tĩnh
  • chơi gì ở Hà Tĩnh
  • đi Hà Tĩnh mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Hà Tĩnh
  • homestay giá rẻ Hà Tĩnh
See more articles in the category: Kinh nghiệm du lịch

Leave a Reply