Or you want a quick look: ISFP là gì?
ISFP là gì? Những đặc điểm chung về tính cách và quan điểm sống của những người thuộc nhóm ISFP bao gồm những yếu tố nào, ISFP phù hợp nghề gì, trong tình yêu họ là người ra sao, tất cả thắc mắc xoay quanh vấn đề này sẽ được BachKhoaWiki bật mí trong bài viết dưới đây nhé.
ISFP là gì?
ISFP là chữ cái đầu trong bốn từ Introversion, Sensing, Feeling và Perception. ISFP là một trong 16 nhóm tính cách được nghiên cứu bởi MBTI (Myers-Briggs Type Indicator).
Những người thuộc nhóm tính cách ISFP thường có ngoại hình nhẹ nhàng, điềm tĩnh và ít nói, họ chú trọng và đề cao giá trị cá nhân. Họ cũng là những người có trực giác tốt và sỡ hữu óc sáng tạo độc đáo, đôi khi khác thường và phá cách. Tuy có thiên hướng nội tâm, nhưng họ lại là người chuộng tự do, bay nhảy và ghét bị gò bó trong bất kì môi trường, không gian hay kể cả là định kiến xã hội nào.
Làm trắc nghiệm MBTI miễn phí tại đây.
Đặc điểm tính cách của nhóm tính cách ISFP là gì?
Điểm mạnh của ISFP
Điểm mạnh nổi trội nhất của những người thuộc nhóm tính cách ISFP chính là cảm xúc hướng nội. Họ chuộng việc đi sâu vào thế giới nội tâm bên trong, chính vì thế họ là những người có khả năng thấu cảm cao, điều này giúp họ có được những mối liên kết chặt chẽ với một số người thân thiết nhất định bên cạnh mình như gia đình, bạn bè.
Bên cạnh đó, những người thuộc nhóm tính cách ISFP thường nhạy cảm và có tần số rung động cao. Họ có những góc nhìn rất độc đáo, thú vị, đa chiều và không bị gò bó trong bất kì quy chuẩn xã hội nào. Tuy nhiên, những giá trị tinh thần, cá nhân mà họ trân trọng đều rất nhất quán, ít khi bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài.
Một điểm thú vị ở những người thuộc nhóm tính cách này đó là bên cạnh cảm xúc hướng nội, họ còn có trực giác hướng ngoại khá mạnh. Điều này có nghĩa là họ không ngại trải nghiệm những điều mới mẻ, luôn thích thú với việc tìm tòi, khám phá ra những ý tưởng độc đáo. Không những thế, một số người còn thích xê dịch, thử thách bản thân ở nhiều vùng đất mới. Chính vì thế mạnh này mà họ có khả năng tưởng tượng, sáng tạo cao.
Điểm yếu của ISFP
Bên cạnh những điểm mạnh lí tưởng, ISFP vẫn có những điểm yếu nhất định. Họ tin và trân trọng vào giá trị cá nhân, chính vì thế đôi khi họ trở nên cứng đầu, trong việc bảo vệ niềm tin và sự lựa chọn của mình thông qua những biểu đạt mang tính cá nhân hóa cao.
Là người có suy nghĩ đa chiều, không muốn giới hạn bản thân trong bất kỳ quy chuẩn nào nên đôi khi chính đặc trưng tính cách này mang đến phiền toái cho họ. Đôi khi những người ISFP sẽ rơi vào trạng thái phân vân, thiếu quyết đoán trong những vấn đề của mình.
Vì là người sống thiên về cảm xúc nên ISFP thường sở hữu tư duy logic, phân tích cao. Bên cạnh đó, những quy chuẩn xã hội về thế giới vật chất khiến họ cảm thấy thiếu hấp dẫn và không phù hợp với giá trị cá nhân của bản thân, nên những người thuộc nhóm ISFP thường có ít động lực để theo đuổi tiền bạc,…
ISFP trong công việc
Điểm mạnh của ISFP trong công việc
Trong công việc, những người thuộc nhóm tính cách ISFP thường hòa đồng, cởi mở, ham học hỏi và luôn sẵn sàng cho những thử thách, trải nghiệm mới. Bên cạnh đó, họ còn là người có khả năng trực giác cao, nhạy cảm và có óc quan sát trong công việc.
Những người thuộc nhóm tính cách này có óc sáng tạo độc đáo, lối tư duy tự do luôn giúp họ giải phóng được khả năng liên tưởng, tưởng tượng thiên bẩm của mình. Họ còn có con mắt nghệ thuật rất tinh tường và nhạy bén.
Điểm yếu của ISFP trong công việc
Những người thuộc nhóm tính cách này có một điểm yếu đặc trưng trong môi trường công việc chính là sự tự ti. Điều này thường xuất phát từ những trải nghiệm tuổi thơ của chính họ, khi từ bé họ đã là những người chuộng thế giới tinh thần, sống thiên về cảm xúc trong một xã hội đặt nặng về vấn đề vật chất, tiền tài, và một điều hiển nhiên là họ sẽ thiếu sự công nhận từ môi trường xung quanh.
Nhóm tính cách này cũng dễ rơi vào tình trạng stress trong công việc, vì sự nhảy cảm và thiên hướng nội tâm của họ. Áp lực xã hội từ những cuộc tranh cãi có thể sẽ kìm hãm họ rất lâu và đè nén khả năng sáng tạo ra những ý tưởng độc đáo, phóng khoáng của họ.
Những người có tính cách thuộc nhóm ISFP cũng sẽ thường xảy ra xung đột với đồng nghiệp, đặc biệt là những người theo trường phái truyền thống, có khuôn khổ nhất định. ISFP đề cao giá trị của sự tự do, phóng túng, chính vì thế cho nên rất khó để họ có thể hòa hợp được trong môi trường gò bó, chèn ép và bị đè nén bởi những quy chuẩn đạo đức, xã hội theo lối tư duy cũ.
Tính cách ISFP nên làm nghề gì?
Với nét tính cách hướng nội đặc trưng nhưng lại chuộng sự tự do, không ngại lao vào những trải nghiệm mới nên những người ISFP sẽ phù hợp với các nhóm ngành như:
- Những ngành liên quan đến nghệ thuật: Hội họa, âm nhạc, người soạn nhạc, thiết kế,…
- Những ngành có liên quan đến định hướng thế hệ cần sự thấu hiểu và nhẫn nại cao như giáo dục, tâm lý học hay nghề chữa lành nói chung.
- Những ngành đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới liên tục như marketing, content,…
ISFP nên làm gì để thành công trong sự nghiệp?
Để đạt được những thành công trong sự nghiệp, ISFP cần vạch ra được định hướng phù hợp với tính cách của bản thân. Bên cạnh đó, là người đề cao giá trị cá nhân nên đôi khi ISFP sẽ trở nên hơi độc đoán trong công việc, chính vì thế ISFP cũng nên tiết chế bản thân và lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh, từ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp.
ISFP cũng nên học cách tiết chế cái tôi hơn để có thể chủ động xin sự hỗ trợ trong công việc từ những người xung quanh đối với những vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của bản thân. Việc chủ động với chính mình sẽ giúp ISFP mở ra được nhiều cơ hội hợp tác và thành công hơn trong công việc.
ISFP trong các mối quan hệ
Điểm mạnh của ISFP trong các mối quan hệ
Điểm mạnh đặc trưng nhất của ISFP trong các mối quan hệ chính là khả năng lắng nghe, thấu hiểu sâu sắc. Không những thế, việc sở hữu trực giác tốt còn giúp ISFP đưa ra những lời khuyên phù hợp với đối phương. Chính vì vậy mà ISFP sẽ xây dựng những mối liên kết chặt chẽ nhất định với người thân, bạn bè xung quanh.
Bên cạnh đó, ISFP là những người biết cách tôn trọng không gian riêng tư của đối phương trong những mối quan hệ. Chính vì bản thân họ là người không thích sự gò bó, kiểm soát nên ISFP sẽ làm điều tương tự với những mối quan hệ của mình.
ISFP là người thiên về cảm xúc nội tâm, chuộng đời sống cảm xúc và trân trọng những món quà tinh thần nên họ thường có định hướng và cam kết lâu dài với các mối quan hệ, đặc biệt là tình yêu. ISFP luôn mang đến năng lượng bình an, nhẹ nhàng và thuần khiết cho đối phương.
Điểm yếu của ISFP trong các mối quan hệ
Những đặc trưng tính cách của ISFP cho thấy rất rõ họ không phải là người giỏi thể hiện tình yêu và cảm xúc cá nhân bằng lời nói, chính vì thế đôi khi họ sẽ gặp vấn đề về giao tiếp trong các mối quan hệ xung quanh, và thậm chí là khiến những mâu thuẫn trở nên nặng nề và khó giải quyết hơn.
ISFP sống thiên về trực giác và cảm xúc, nên khả năng quản lý tài chính không cao. Họ khó có thể hoạch định được định hướng tài chính và quán xuyến tiền bạc giỏi trong một mối quan hệ.
ISFP đôi khi sẽ trở nên độc đoán trong mối quan hệ của mình khi họ cảm nhận được giá trị cá nhân của bản thân đang bị kìm nén bởi những yếu tố bên ngoài. Họ mưu cầu sự riêng tư cao trong các mối quan hệ nên lắm lúc sẽ khiến đối phương cảm thấy xa cách và tủi thân.
ISFP trong tình yêu
Cách mà ISFP thể hiện tình yêu
ISFP yêu một cách đam mê và nồng nhiệt.
Với tính cách hướng nội và đề cao giá trị tinh thần, ISFP hiểu rất rõ về cảm xúc của bản thân mình, chính vì thế khi đã yêu một người, họ nhận biết rõ tình cảm của bản thân dành cho người ấy. Tuy không giỏi việc thể hiện cảm xúc bằng lời nói nhưng ISFP lại rất tinh tế trong cách hành động của mình, ISFP yêu nồng nhiệt và đầy đam mê. Nhưng một khi ISFP đã quyết định đặt niềm tin vào người mình yêu, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ tất cả mọi suy nghĩ, góc khuất của bản thân mà không sợ hãi, ngần ngại điều gì.
Lãng mạn và tinh tế.
ISFP là người rất lãng mạn trong tình yêu. Họ mong cầu một mối quan hệ tình cảm có sự liên kết sâu sắc về mặt linh hồn. ISFP trân trọng giá trị bên trong hơn là những nhu cầu về vật chất, tiền bạc. Chính vì thế nên đôi khi ISFP sẽ trở nên rất mơ mộng, xa rời thực tế khi yêu.
Ấm áp, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ những vấn đề của đối phương.
ISFP rất ấm áp trong tình yêu, họ sẵn sàng lắng và thấu hiểu vấn đề của đối phương dưới góc nhìn đa chiều, không phán xét. Họ thật sự muốn đào vào chiều sâu của mối quan hệ tình cảm và không bị thu hút với những mối tình thoáng qua. ISFP là người rất nghiêm túc trong tình yêu, một khi đã yêu ai, họ sẽ hết lòng vì người đó.
Đề cao giá trị của sự tự do, hướng đến sự cởi mở trong tình yêu.
Tuy là người có cam kết và định hướng lâu dài trong mối quan hệ tình cảm, nhưng ISFP lại không chuộng cuộc sống hôn nhân bởi họ nghĩ nó sẽ kìm hãm giá trị cá nhân và ngăn cản ý muốn tự do của bản thân họ. Họ mong muốn xây dựng một mối quan hệ cởi mở, đủ an toàn để họ có thể thỏa sức chạy nhảy trong tình yêu và ở đó cả hai đều sẵn sàng chia sẻ cho nhau nghe về vấn đề mình, sẵn sàng bên cạnh, vực dậy tinh thần của đối phương trước bất kì bão giông cuộc đời nào.
ISFP phù hợp với nhóm tính cách nào nhất khi yêu
ISFP phù hợp với những người thuộc nhóm tính cách INFP, INFP được mệnh danh là nhóm người lý tưởng hóa, tuy nhiên khác với ISFP, họ mơ mộng, sống nội tâm và khép kín hơn. Nhưng cả hai nhóm người này đều giống nhau ở điểm đề cao giá trị cá nhân và trân trọng đời sống cảm xúc.
Khi ISFP và INFP yêu nhau, họ sẽ có xu hướng đặt cảm xúc của đối phương trên những nhu cầu cá nhân của mình. Cả hai đều sở hữu khả năng thấu hiểu cao, họ có thể cảm nhận được suy nghĩ của đối phương chỉ bằng trực giác và ánh mắt lúc nhìn nhau.
ISFP và INFP mong cầu sự an toàn và tính cam kết trong một mối quan hệ cao, đặc trưng tính cách của cả hai sẽ mang lại sự cân bằng, cởi mở và bền lâu cho tình yêu của mình. Tuy nhiên, giữa họ dễ xảy ra những tranh cãi về định hướng bởi ISFP là người có thiên hướng thực tế trong khi INFP lại luôn mải mê, mơ mộng trong những tưởng tượng riêng của bản thân mình.
Những điều cần lưu ý khi yêu ISFP
Giống như những nhóm tính cách khác, ISFP cũng có giới hạn riêng của bản thân, dưới đây là những điều cần lưu ý khi yêu ISFP:
- ISFP đề cao giá trị cá nhân nên họ có nhu cầu cao trong việc được tôn trọng không gian riêng. Khi yêu ISFP, bạn không nên kiểm soát và gò bó ISFP trong bất kì khuôn khổ nào.
- ISFP là kiểu người có trực giác cao nên đôi khi họ sẽ trở nên khá nhạy cảm với những suy nghĩ của mình. Vì vậy, bạn nên tạo cho ISFP niềm tin và sự an toàn nhất định trong tình yêu, bạn nên thể hiện tình cảm và sự cam kết trong mối quan hệ bằng cả lời nói và hành động cùng với sự chân thật của mình.
- ISFP còn là kiểu người mộng mơ và giàu trí tưởng tượng nên khi yêu ISFP, bạn hãy chủ động lắng nghe và trân trọng những giá trị bên trong của họ.
- ISFP đặc biệt không đánh giá cao những chuẩn mực xã hội hiện có, họ mong cầu một tình yêu sâu sắc và không phán xét về mọi mặt của nhau, bạn nên lắng nghe quan điểm của ISFP bằng tình yêu chứ không phải bằng tâm trí và óc phân tích cá nhân.
Những ISFP nổi tiếng
Người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ISFP thường là những nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc như: Avril Lavigne, Michael Jackson, Britney Spears, Lana Del Rey hoặc Jacqueline Kennedy Onassis (Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ từ năm 1961 đến 1963), …
Xem thêm:
Qua những thông tin trên, chắc hẳn bạn đọc đã biết được ISFP là gì cũng như những thông tin cần thiết liên quan đến nhóm tính cách này. Nếu thấy hữu ích hãy Like và Share bài viết để ủng hộ BachkhoaWiki nhé!
Tham khảo: Truity, 16personalities, Onlinepersonalitytests, Personality-central, Personalitypage