6 hướng dẫn trang trí góc lớp
Đối với một lớp học mầm non thì các góc chơi luôn là nơi giúp khơi gợi niềm say mê học hành và tạo cảm hứng học cho các bé. Chính vì thế, việc trang trí cho các góc lớp mầm non luôn được giáo viên đặc biệt quan tâm, phải làm sao để thật lôi cuốn và hấp dẫn với trẻ. Hôm nay, các bạn hãy cùng hoatieu.vn tìm hiểu về những hướng dẫn trang trí các góc lớp mầm non đẹp nhất nhé!
1. Hướng dẫn trang trí góc xây dựng
Góc xây dựng được xem là một trong những góc học giúp phát huy sự sáng tạo của trẻ thông qua việc xây dựng hay thiết kế những không gian mà mình yêu thích. Tại góc học này, trẻ có thể giả vờ đóng vai các chú công nhân, những việc làm của trẻ thể hiện rất cần cù, cặm cụi làm công việc của người công nhân, đồng thời cũng giúp trẻ học được cách biết hợp tác với nhau để thực hiện một công việc được giao. Để trang trí cho góc xây dựng thật phù hợp, các cô giáo cần chuẩn bị các nguyên vật liệu xây dựng chẳng hạn như: gạch, bộ lắp ghép, cổng, hàng rào, cây xanh, các hoại hoa, rau, cỏ, bàn ghế, đồ chơi xích đu,... trang phục của bác thợ xây. Ngoài ra, cô giáo có thể sử dụng một vài hình vẽ về người công nhân khi đang làm việc như: xây nhà, xây hàng rào, đẩy xe cát,... để trẻ có thể dễ dàng hình dung.
2. Hướng dẫn trang trí góc bác sỹ
Góc chơi này vừa tạo cho trẻ sự thích thú khi tham gia trò chơi mà cũng vừa giúp các em tránh được nỗi sợ hãi mỗi khi phải khám bác sĩ ngoài đời thực. Tại đây, trẻ có thể giả vờ đóng vai bác sỹ, trẻ thể hiện mình là một bác sỹ tốt hết lòng chăm sóc bệnh nhân, nhưng hoạt động của trẻ không nhằm đến mục đích cuối cùng là chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân mà chỉ để thỏa mãn nhu cầu của trẻ khi tham gia vào xã hội người lớn. Để có thể trang trí góc lớp này thật hiệu quả và đúng như ý nghĩa mà nó mang lại, các cô giáo cần chuẩn bị các dụng cụ y khoa chẳng hạn như mô hình răng miệng, hộp thuốc, ống xi lanh. Những đồ vật này các cô có thể mua từ cửa hàng bán dụng cụ y tế hoặc xin của tiệm thuốc tây. Bên cạnh đó, cô giáo cũng có thể chuẩn bị một vài chiếc áo blue hay mũ y tế để trẻ mặc vào và cảm thấy mình thật sự giống một bác sỹ.
3. Hướng dẫn trang trí góc âm nhạc
Góc âm nhạc sẽ là nơi để trẻ làm quen, ôn luyện, củng cố cũng như vận dụng những kỹ năng nghệ thuật vào các trò chơi và các hoạt động sáng tạo, tạo điều kiện thể hiện khả năng âm nhạc của trẻ. Để giúp góc âm nhạc thực sự là nơi lôi cuốn, hấp dẫn đối với trẻ thì tốt nhất góc âm nhạc không nên cố định, các kệ phải được đóng sao cho vừa tầm trẻ khi sử dụng, nên có bánh xe đẩy. Tại góc âm nhạc, cô giáo có thể sử dụng giấy báo, hay những loại giấy phế liệu có kích cỡ lớn, tạo điều kiện cho trẻ có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình, có thể thiết kế ra những mẫu áo, váy… theo ý tưởng của trẻ, phục vụ chơi vũ hội hóa trang hay nhảy múa tự do,... Bên cạnh đó, các cô giáo cũng có thể sáng tạo thêm một vài dụng cụ, đồ vật dùng trong âm nhạc để khiến trẻ thích thú hơn khi tham gia vào hoạt động góc chẳng hạn như:
Micro: Cô giáo có thể lấy vải màu bọc trái bóng bàn lại, rồi dùng keo dán bóng đã bọc lên đầu nhỏ của ống chỉ, sau đó có thể cắt thêm 1 số họa tiết trang trí ở phần tay cầm để tạo thành một chiếc Micro thật độc đáo.
Xắc xô: Cô giáo cắt vỏ lon bia lấy phần đầu và đấy lon có chiều cao khoảng 3m. Cà mặt vỏ cho bớt cạnh sắc, sau đó bỏ vào bên trong mấy hòn sỏi và lồng 2 phần đó vào khít với nhau. Cuối cùng cắt decal dán viên quanh vỏ lon, trang trí các họa tiết để học cụ thêm sinh động.
4. Hướng dẫn trang trí góc học tập
Trong góc học tập, giáo viên nên thiết kế những trò chơi sử dụng các bức tranh khổ lớn trên giấy, bảng treo bằng vải, giấy, các thẻ bìa với kích thước nhỏ chơi cùng với các chi tiết rời bằng xốp màu, bìa màu, vải màu có thể gắn dính để dễ dàng thay đổi số lượng, kích thước, vị trí… theo nội dung chủ đề giáo dục và các biểu tượng toán cần cung cấp, củng cố.
Các trò chơi theo nhóm có thể sử dụng những thẻ bìa, tranh với kích thước nhỏ.
Với các chi tiết gắn dính trẻ có thể tự lựa chọn, có thể chơi cùng nhau, trao đổi, so sánh, lựa chọn, đối chiếu kết quả với nhau. Mặt khác sự hỗ trợ của giáo viên cũng rất cần thiết để làm tăng cường các hoạt động phối hợp giữa giáo viên với trẻ, giữa trẻ với nhau.
Tranh ảnh với các chi tiết rời sẽ tạo ra những tình huống “mở” giúp trẻ có thể tự di chuyển các miếng ghép rời với nhiều sự lựa chọn, nhiều giải pháp và với mỗi tình huống khác nhau. Như vậy sẽ giúp trẻ tư duy linh hoạt, nhìn nhận các sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống một cách mềm dẻo và tự tin hơn.
5. Hướng dẫn trang trí góc khoa học
Tại góc khoa học, trẻ có thể làm các thí nghiệm và sẽ phát hiện ra nhiều điều lý thú, thông qua đó trẻ có cơ hội để khám phá các biểu tượng toán sơ đẳng, các mối quan hệ toán học đơn giản. Chính vì điều này, cô giáo hãy chuẩn bị các dụng cụ có thể giúp hỗ trợ thực hiện một vài thí nghiệm đơn giản chẳng hạn như: sỏi và chai nước để trẻ làm thí nghiệm ''vật chìm, vật nổi'', mực và nước để làm thí nghiệm ''pha màu cho nước'',... Bên cạnh đó, các cô giáo cũng nên trang trí với một vài bức hình gợi mở về sự sáng tạo, khám phá cho các bạn nhỏ như: hình ảnh những con vật thân quen trong giới tự nhiên, hình ảnh một con thuyền đang vượt sóng hay một nhà bác học đang cầm kính lúp nghiên cứu về một thứ gì đó,…
6. Hướng dẫn trang trí góc tạo hình
Góc tạo hình cũng là nơi giúp phát huy sự sáng tạo của trẻ một cách hiệu quả. Và để tăng thêm sự hiệu quả cho góc học này, việc sử dụng nguyên vật liệu tạo hình là hết sức quan trọng. Nguyên vật liệu là những loại đồ dùng, dụng cụ dễ kiếm, dễ bảo quản, an toàn và dễ sử dụng… nhằm kích thích sự sáng tạo của trẻ. Cô giáo và trẻ có thể tự kiếm các vật chẳng hạn như lá cây, phế liệu hư, vỏ hộp, giấy vụn, thùng các tông, quần áo cũ, tạp chí cũ, bông vải vụn,... Đặt và xắp xếp các vật liệu ở những vị trí sao cho trẻ có thể thấy rõ và lấy được dễ dàng để thực hiện hoạt động tạo hình vào bất cứ lúc nào trẻ thích. Chính từ sự đa dạng của nguyên vật liệu tạo hình có thể lựa chọn được sẽ khuyến khích khả năng sáng tạo của trẻ.
Ngoài ra, các cô cũng có thể treo một số tranh cung cấp các tranh khái niệm với nhiều sắc thái và chất liệu khác nhau để làm những gợi ý dành cho trẻ, thông qua đó tạo cho trẻ cảm giác thích thú, gây cảm xúc và mong muốn được tái tạo cho trẻ về nghệ thuật tạo hình. Đồng thời cô giáo nên chú ý bố trí một khoảng không gian thoáng mát, đủ ánh sáng, dễ dàng quan sát để làm nơi trưng bày sản phẩm cho trẻ.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.