Or you want a quick look: Tóm tắt và nhận định trước khi kể lại chuyện Tấm Cám với kết thúc khác
Tấm Cám là câu chuyện cổ tích quen thuộc với biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nhưng chúng ta vốn chỉ biết đến cái kết quen thuộc: Mẹ con nhà Cám phải trả giá cho sự độc ác của chúng, còn Tấm cùng nhà vua sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Cái kết này có thực sự đủ tốt? Dưới đây CUNGHOCVUI sẽ kể lại chuyện Tấm Cám với kết thúc khác, sâu sắc và đa chiều hơn.
Kể lại chuyện Tấm Cám với một kết thúc khác
Tóm tắt và nhận định trước khi kể lại chuyện Tấm Cám với kết thúc khác
Tóm tắt câu chuyện
Tấm Cám là câu chuyện cổ tích quen thuộc với biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nhân vật chính của truyện là cô Tấm hiền lành, hiểu thảo và có phần hơi cam chịu. Đây cũng là dạng nhân vật điển hình cho phe Thiện trong lời kể của ông bà ta khi xưa. Đối nghịch với Thiện là Ác, được hai mẹ con nhà Cám đóng vai một cách xuất sắc.
Cuộc đời gian truân vất vả từ tấm bé, khi mẹ thì mất sớm, bố lấy vợ khác. Tấm phải sống với dì ghẻ và có thêm một đứa em. Mà mấy đời bánh đúc có xương? chẳng những vậy rồi cha Tấm cũng bỏ cô mà đi, cuối cùng bao nhiêu công việc và sự bất công đều bị dì ghẻ đổ dồn lên đầu, để mẹ con chúng được ăn trắng mặc trơn.
Nhưng cũng chẳng vì thế mà những đức tính tốt đẹp của cô bị mai một đi, và cũng khiến trời xanh phải động lòng. Những điều may mắn và cơ hội lần lượt xuất hiện: Được bụt giúp đỡ, gặp nhà vua và bà lão bán hàng nước, dù bị hãm hại bao nhiêu lần vẫn có thể quay trở lại được. Cuối kết truyện theo SGK ngữ văn lớp 10, Tấm trở về và thay trời hành đạo, bắt mẹ con Cám phải trả giá vì những gì đã gây ra.
Xem thêm:
Tóm tắt truyện Tấm Cám hay nhất
Hướng dẫn lập dàn ý cảm nhận nhân vật Tấm
Nhân xét về đoạn kết cũ
Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một kết cục khá tốt, rất đúng với những điều người xưa đã dạy chúng ta: Gieo nhân nào ắt gặt quả nấy, và cũng là điều người lớn muốn khuyên dạy trẻ em khi kể cho chúng nghe câu chuyện này. Thế nhưng cũng có rất nhiều tranh cãi về cái kết.
Thứ nhất: Tấm vốn dĩ là cô gái hiền lành, vậy mà lại lừa em gái nhảy vào nước sôi, để mẹ kế đau buồn đến chết. Đây chẳng phải có chút tàn nhẫn, lừa lọc, đi ngược lại câu “Tha thứ người tức là tự tha thứ mình” hay sao? Những tưởng “ Trong đầm gì đẹp bằng sen/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, hóa ra tiếp xúc lâu ngày với mẹ con Cám, Tấm cũng dần trở nên tàn bạo.
Thứ hai: Con người không phải là trắng hay đen, tốt hay xấu, mọi thứ đều có tính hai mặt. Rõ ràng dì ghẻ rất độc ác với Tấm, nhưng cũng lại là một người mẹ rất tốt với Cám. Bà luôn nghĩ đến con mình, muốn con được ăn trắng mặc trơn, giành mọi cơ hội tốt đẹp nhất cho Cám. Dù cách thức thực hiện có thể sai, nhưng điều tốt thì không thể phủ nhận.
Thứ ba: Cái chết của mẹ con dì ghẻ, đặc biệt là Cám có cần thiết hay không? Cám từ tấm bé luôn bị ảnh hưởng bởi những hành vi xấu của mẹ, nên tư tưởng cũng rất bị ảnh hưởng. Tuy vậy, truyện lại chưa hề cho Cám một cơ hội để khác đi. Biết đâu khi được đi nhiều hơn và thấy những điều tốt đẹp, cô ta lại có thể thay đổi thì sao?
Tất nhiên nếu chỉ dừng lại ở mức là câu chuyện cho thiếu nhi thì cái kết cũ là đủ. Thế nhưng đối với độ tuổi lớn hơn, cái kết nên khác đi để có thể đào sâu và suy ngẫm.
Tưởng tượng kết thúc truyện tấm cám
Tưởng tượng kết thúc mới cho truyện Tấm Cám
Nhận định về kết chuyện mới
Cái kết mới của truyện sẽ được xây dựng theo các tiêu chí sau:
Kết mới vẫn sẽ giữ được điều răn dạy cốt lõi: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy” tuy nhiên sẽ thêm được vào sự nhân văn: Luôn cho người khác cơ hội sửa đổi vì “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.
Đôi khi cái ác gây ra không phải vì bản tính sinh ra đã ác, chẳng qua vì họ ở trong một môi trường xấu và không có cơ hội biết đến những điều tốt hơn nên mới như vậy. Cho họ nhìn thấy những điều tốt đẹp sẽ có một cái kết khác đi cho cả đôi bên và vẫn giữ được hình ảnh cô Tấm ngoan hiền.
Kể lại chuyện Tấm Cám với kết thúc khác
Gặp lại được Tấm sao bao ngày xa cách, nhà vua vui mừng không tả xiết. Sau khi hậu tạ bà lão đã chăm sóc Tấm, ngài lập tức sai người mang võng mác rước cô về cung. Qua lời kể của Tấm, nhà vua đã biết được toàn bộ câu chuyện, ngài nổi trận lôi đình và quyết định cả hai cùng quay trở lại ngôi nhà nơi cô chôn rau cắt rốn.
Khi ấy mẹ con Cám vốn đã mở cờ trong bụng, vui sướng vì sau bao lần phải thấp thỏm: hết chim vàng anh, xoan đào lại đến khung cửi, cuối cùng Tấm đã chính thức biến mất. Chúng bàn nhau mở cỗ mời cả làng tới dự, lấy cớ là mừng Cám chính thức trở thành hoàng hậu.
Đột nhiên từ cổng làng, tiếng kèn trống linh đình nổi lên, tiến dần về phía nhà mẹ con họ. Tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai, lớn bé đều đổ xô ra xem. Đang trong cơn no say, hai mẹ con Cám phải giật thót mình vì giọng nói quen thuộc vừa cất lên. Ô kìa, ai như cô Tấm nhưng lại xinh đẹp, lộng lẫy hơn trước đứng bên cạnh đức vua. Không phải Tấm đã chết rồi ư?
Thức thời, chúng ra sức quỷ lạy van xin Tấm tha chết cho mình. Nhưng nào thể xoa dịu nổi cơn giận dữ của đức vua, ngài liền sai binh lính bắt chúng đi chém đầu.
Xem thêm:
Đóng vai Tấm kể lại câu chuyện Tấm Cám
Bài văn mẫu phân tích nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, Tấm ra tay ngăn cản và xin cho mẹ con Cám một cơ hội được cải tà quy chính. Cuối cùng cũng ngăn được cái cái chết ập đến dành cho dì ghẻ và Cám. Nhưng bù lại, chúng bị bắt giam vào ngục, ngày ngày lao động vất vả.
Thời gian đầu với bản tính lười nhác thì những công việc ấy quả thực rất khó. Thế nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác nữa, vì đó chính là hình phạt thích đáng . Cũng từ những thời gian khó khăn ấy, mẹ con nhà Cám đã hiểu ra những nỗi cực nhọc mà Tấm phải chịu trước kia và dần dần thay tâm đổi tính.
Chăm chỉ hơn khiến chúng hiểu ra một điều rằng:
“Muốn no thì phải chăm lo,
Một hạt thóc vàng chín hạt mồ hôi”
Từ việc chỉ biết ăn sung mặc sướng trên sự hầu hạ của Tấm, giờ đây hai mẹ con đã tự làm để lo liệu cho thân mình. Thấy được sự thay đổi tích cực ấy, nhà vua đã đặc biệt ban cho cô Cám một đặc ân là được dạy thêm về nghề dệt vải. Sẵn có năng khiếu, Cám học rất tốt và nhanh chóng thuần thục.
Sau này khi đã mãn hạn giam giữ, có nghề trong tay và được Tấm cho vốn, Cám về làng mở tiệm, hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày. Ban đầu dân làng cũng dị nghị, thế nhưng cũng thấy được sự khác biệt hoàn toàn, không còn lười biếng, kênh kiệu nữa, dần dần cũng chấp nhận.
Một thời gian nữa trôi qua, Cám gặp được người tốt, hai người kết hôn và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Việc làm ăn cửa tiệm cũng ngày càng khấm khá lên, trong nhà cũng có của ăn của để. Mẹ kế của Tấm cũng đã lớn tuổi, cắt tóc đi tu và nương nhờ nơi cửa phật, ngày ngày đọc kinh sám hối về những tội lỗi gây ra khi trước.
Không để bụng những chuyện khi xưa, lúc này Tấm mời gia đình em vào lại Hoàng cung sau nhiều ngày xa cách. Khi này cô đã sinh cho nhà vua một công chúa và một hoàng tử rất đáng yêu. Hai chị em gặp lại tay bắt mặt mừng, làm lành và nói chuyện vô cùng thân thiết. Tất cả đều sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
Kể lại chuyện Tấm Cám với cái kết khác (3 mẫu)
Gợi ý một vài cái kết khác cho truyện cổ tích Tấm Cám
Cách 1: Cái kết vô cùng đau đớn, thậm chí còn đau đớn hơn cả cái chết trong SGK Ngữ Văn lớp 10 của của NXB Giáo dục.
Cái kết này được in trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” của NXB Văn học. Tấm lừa Cám nhảy vào nước sôi, làm mắm em rồi gửi lọ mắm ấy cho mẹ kết ăn. Cái kết này đặt ra rất nhiều câu hỏi: : Có phải Tấm thay đổi thành người độc ác và mưu mẹo? Vì chỉ người mưu mẹo, nham hiểm mới có thể nghĩ ra cách làm này. Bất cứ ai khi đọc đều không tránh khỏi cảm giác ghê sợ. Hình ảnh một nàng Tấm hiền lành lương thiện cũng nhạt nhòa phần nào đó.
Cách 2: Cái kết khác của Tấm Cám được NXH Văn học (Phúc Hải tuyển chọn) được in trong cuốn “Truyện Cổ tích Việt Nam đặc sắc”.
Cái kết này cũng khá tương đồng với cái kết trên, tuy nhiên có phần mẹ kế uất ức chết theo con. Nhìn chung truyện có phần giảm bớt tính chất truyện, khi không đưa vào đó phần mô tả cảnh Tấm làm mắm Cám. Nhưng người đọc vẫn sẽ có những thắc mắc như trên: Tấm thậm chí tự tay giết em, và gián tiếp giết dì. Một cô gái hiền lành sao lại có thể làm việc ấy?
Cách 3: Tấm Cám trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam-Mẹ kể con nghe của NXB Mỹ Thuật
Mẹ con Cám chết vì sét đánh trên đường về quê. Một cái chết hoàn toàn do thiên nhiên, số phận. Chị Tú nhận định, cách kết thúc vẫn đảm bảo phẩm chất hiền lành, giàu lòng vị tha của cô Tấm, thể hiện rõ nét ước mơ của con người về chân lý của cuộc sống, về quy luật của tự nhiên: Cái thiện chiến thắng cái ác, hạnh phúc mỉm cười với người lương thiện và sự trừng phạt đích đáng sẽ đến với kẻ độc ác.
Nhìn chung rất khó để có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Mỗi người chúng ta sẽ có những quan điểm khác nhau khi đánh giá những cái kết khác của cùng một câu chuyện đã quen thuộc. Nhưng chỉ cần có một cái nhìn cởi mở đều sẽ tìm ra những cái hay riêng, bên cạnh những thiếu sót. Trên đây là bài viết kể lại chuyện Tấm Cám với kết thúc khác mà CungHocVui muốn chia sẻ đến bạn.