Or you want a quick look: Giới thiệu về Rubik Pyraminx
Rubik tam giác (hay Pyraminx) là loại Rubik bán chạy thứ 2 trên thế giới chỉ sau khối lập phương 3×3. Tuy có hình dạng lạ mắt và hơi khó hiểu, nhưng cách giải Rubik tam giác được coi là dễ dàng nhất trong số các loại Rubik biến thể hiện nay.
Giới thiệu về Rubik Pyraminx
Rubik Pyraminx (hay còn gọi là Rubik tam giác) là món đồ chơi giải đố có dạng hình kim tự tháp (hoặc tứ diện) được phát minh bởi Uwe Meffert vào đầu những năm 1970.
Pyraminx đã từng bị bỏ rơi trong ngăn kéo, chỉ đến khi cơn sốt Rubik’ Cube xuất hiện, Meffert mới đưa nó đến một công ty đồ chơi và nhận bằng sáng chế. Hơn 10 triệu khối Pyraminx đã được bán vào dịp Giáng Sinh năm 1981 và 90 triệu chiếc chỉ trong vòng 3 năm – một con số đáng mơ ước của bất kỳ món đồ chơi nào.
Pyraminx cũng là một bộ môn thi chính thức của WCA (Hiệp hội Rubik thế giới), được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003. Kỷ lục thế giới hiện tại đang là 0,91s của Dominik Górny – một Cuber người Ba Lan.
Cấu tạo của Rubik Pyraminx
Kim tự tháp là một tứ diện được chia theo các mặt phẳng song song ở mỗi mặt. Điều này nghĩa là Pyraminx gồm: 4 đỉnh có thể xoay độc lập với nhau, 6 viên cạnh và 4 viên trung tâm nối đỉnh-cạnh (dạng bát diện đều và có 3 mặt lộ ra ngoài).
#Chú thích:
- Màu xanh lá: viên đỉnh.
- Màu đỏ: viên trung tâm.
- Màu vàng: viên cạnh.
Pyraminx có tổng cộng 75.582.720 trạng thái khác nhau. Thế nhưng, giải các viên nối đỉnh-cạnh là chuyện nhỏ và nếu bỏ qua chúng thì chỉ còn 933.120 trạng thái. Ngoài ra, các viên đỉnh có thể dễ dàng xoay để màu sắc của chúng thẳng hàng với nhau, giảm số trạng thái xuống chỉ còn 11.520. Điều này làm cho Pyraminx trở thành một trong những câu đố đơn giản nhất.
Các biến thể của Rubik Pyraminx
Do 4 viên đỉnh của Pyraminx có thể xoay biệt lập nên sau khi tạo ra Pyraminx, Meffert đã cho ra đời một biến thể khác, gọi là: Tetraminx (hay Rubik tứ diện khuyết đỉnh).
Ngoài ra, sau này còn có Pyramorphix – một khối 2×2 hình kim tự tháp đơn giản, Master Pyraminx 4×4 và Rubik Skewb cũng là một dạng Shape-Mod của Pyraminx.
Ký hiệu và quy ước khi giải Pyraminx
Chúng ta hãy đánh dấu bốn góc của Pyraminx bằng bốn chữ cái sau: F, R, L, U. Một chữ cái được hiểu là một lần xoay theo chiều kim đồng hồ ↻, và dấu nháy đơn là một lần ngược chiều kim đồng hồ ↺. Một lần xoay = 1/3 mặt, tương đương với 120 độ.
Các chữ cái F, R, L, U tương ứng với:
- F (Front): mặt trước.
- R (Right): mặt phải.
- L (Left): mặt trái.
- U (Up): mặt trên.
Cách giải Rubik tam giác (Pyraminx)
Bước 1: Giải các viên đỉnh
Có 4 viên góc tại mỗi đỉnh Pyraminx. Việc đầu tiên bạn cần làm là xoay 4 viên góc để chúng khớp với màu các viên trung tâm. Điều này sẽ chỉ tốn tối đa 1 move cho mỗi góc.
Ví dụ:
Bước 2: Giải các viên trung tâm
Khi các viên góc đã giải xong, hãy cố gắng tìm và xoay 2/3 khối Pyraminx (đỉnh + tầng 2) sao cho cho màu của các viên trung tâm khớp với nhau trên tất cả các mặt.
Khi hoàn thành, khối Pyraminx của bạn sẽ có dạng như này:
Bước 3: Giải 3 viên cạnh ở tầng 1
Sau khi giải xong các viên đỉnh và viên trung tâm, hãy chọn một màu làm mặt đáy. Trong hướng dẫn này, tôi sẽ chọn màu xanh lá để bạn dễ hình dung.
Có hai công thức ngắn giúp bạn đưa viên cạnh ở tầng 2 xuống tầng 1, gọi là thuật toán phải và thuật toán trái. Nhiệm vụ của bạn chỉ là tìm, xoay U cho khớp rồi thực hiện công thức mà thôi.
Thuật toán phải: R U’ R’
Thuật toán trái: L’ U L
#Lưu ý: Nếu viên cạnh bạn đang cần tìm nằm luôn ở tầng 1 nhưng lại bị ngược màu => Hãy sử dụng một trong hai thuật toán trên để đưa nó lên tầng 2.
Bước 4: Giải 3 viên cạnh còn lại ở tầng 2
Việc còn lại chỉ là hoán vị 3 vên cạnh cuối cùng ở tầng 2 mà thôi. Hãy giữ khối Rubik trong tay như các hình dưới đây để giúp bạn dễ nhìn rõ trường hợp. Nghĩa là mặt xanh lá đã giải quyết xong chúng ta sẽ nằm ở phía sau, mặt vàng ở đáy, măt đỏ bên phải và xanh dương bên trái.
Ba thuật toán sau sẽ giúp hoán đổi vị trí các viên cạnh, tùy theo việc chúng ta muốn xoay theo chiều kim đồng hồ, ngược kim đồng hồ hay lật 2 góc.
Hoán vị theo chiều kim đồng hồ: R’ F’ R F’ R’ F’ R.
Hoán vị theo chiều ngược kim đồng hồ: R F R’ F R F R’.
Lật 2 cạnh bên dưới: R’ L R L’ F L’ F’ L.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong cách giải Rubik tam giác rồi đấy. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay sai sót gì, hãy để lại cho H2 Rubik một Comment hoặc nhắn tin cho chúng tôi tại – Facebook H2 Rubik.
Chúc các bạn thành công !
Tham khảo thêm các cách giải Rubik khác:
- Cách giải Rubik 3×3.
- Cách giải Rubik Skewb.
- Cách giải Rubik 4×4.
- Cách giải Rubik gương (rubik mirror).