Hoa hồng 80% nếu mời gọi người tham gia đóng tiền
Thời gian gần đây, hàng chục nghìn người, đa phần là những người trẻ kiếm tiền bất chấp, tham gia vào mô hình kinh doanh giáo dục trực tuyến với tên gọi Edunetwork.
Các thành viên tham gia chủ yếu sử dụng mạng xã hội Facebook để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia bằng những lời hứa hẹn “thay đổi bản thân”, “trở nên giàu có”, và đặc biệt là khoản hoa hồng lên đến 80% cho người tham gia.
Theo giới thiệu, Edunetwork là một nền tảng giáo dục trực tuyến của Singapore (thực chất là của một nhóm người Việt thành lập). Khi tham gia mô hình này, mỗi người sẽ được học các “khoá học làm giàu” với 5 cấp độ khác nhau.
Tuy nhiên, người tham gia phải bỏ tiền để học với mức học phí tương ứng cho 5 khóa học gồm: 50 USD - 200 USD - 500 USD - 1.000 USD, và 2.000 USD.
Các khóa học này được giới thiệu là những bài giảng do các diễn giả “hàng đầu thế giới”, những “ông vua bán hàng” giảng dạy, nhưng thực chất chỉ là những video dạy làm giàu với nội dung hệt như những cuốn sách “self help” đang được bày bán nhan nhản trên thị trường.
Do đó, không mấy ai quan tâm đến nội dung cũng như chất lượng của khóa học. Thứ duy nhất được quan tâm chính là tỷ lệ chi trả hoa hồng lên đến 80% cho mỗi học viên (cũng chính là thành viên tham gia).
Tuy nhiên, như đã nói trên, để được “bán hàng”, trước tiên bạn sẽ phải bỏ tiền túi ra để mua các khóa học.
Uyên Hồ, người sáng lập mô hình Edunetwork.Thâm nhập vào nhóm các thành viên Edunetwork, có thể thấy một khi đã tham gia vào hệ thống này họ như bị “tẩy não” với một ảo tưởng rằng mình không những sẽ sớm trở nên giàu có mà còn đang góp phần “nâng tầm tri thức cho nhiều người khác”.
Với sự tiếp tay của một số cơ quan truyền thông, cũng như một số tổ chức chuyên trao tặng “giải thưởng” cho các doanh nghiệp cần làm hình ảnh, các “Edunetworker” thi nhau chia sẻ về những video, những bài viết quảng bá cho mô hình “giáo dục trực tuyến” này, coi đó là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0.
Thậm chí, một người phụ nữ có tên Vũ Thị Linh tự xưng là “Công chức thanh tra nhà nước” và là thành viên của hệ thống giáo dục Edunetwork. Trong video đăng tải lên MXH, nữ “cán bộ Thanh tra” khẳng định: “Những người tham gia hệ thống này không chỉ là những bà mẹ bỉm sữa mà còn có cả công an, quân đội, y sỹ, giáo viên, các em học sinh lớp 10, 11, 12, thậm chí những cô chú 70 tuổi đã về hưu rồi vẫn muốn tham gia vào Edunetwork để nâng cao kiến thức bản thân và nâng cao thu nhập”.
Một phụ nữ tự xưng “cán bộ thanh tra nhà nước” (bên trái) livestream lôi kéo người tham gia. Một cô gái khác cũng lên mạng khoe “thành quả 4 tháng cày Edunetwork”. Những hình ảnh này khiến nhiều người nhẹ dạ sập bẫy đa cấp.Trần Văn Sơn - một tu nghiệp sinh người Việt tại Nhật Bản cho biết, anh đã phải “bỏ của chạy lấy người” nhưng vẫn cảm thấy mình may mắn khi rút chân sớm khỏi Edunetwork.
“Được bạn bè giới thiệu, ban đầu do thiếu kinh nghiệm sống nên tôi chi 200 USD để mua các khóa học. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ và được những người có kinh nghiệm khuyên bảo, tôi đã quyết định từ bỏ luôn, mất 200 USD. Nếu không được cảnh báo sớm thì chắc bây giờ tôi đã mắc kẹt và rơi vào mớ bòng bong đi mời gọi nhiều người quen mất tiền mua những khóa học kiểu này”, Trần Văn Sơn trải lòng với PV Infonet.
Cần cảnh giác với những lời chào mời
Được biết, hiện có rất nhiều nhóm khác nhau của Edunetwork hoạt động trên môi trường mạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là nhóm kín với tên gọi “Edunetwork - Nhóm hướng dẫn và đào tạo cho thành viên chính thức”.
Nhóm này hiện đã có hơn 25 nghìn thành viên sau 9 tháng ra mắt, được dẫn dắt bởi những thành viên cốt cán, trong đó có Hồ Thị Kim Uyên (Uyên Hồ) - Người sáng lập, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục trực tuyến Edunetwork Global Việt Nam.
Nhóm kín của những người tham gia (bên trái) hiện đã có hơn 25 nghìn thành viên. Một tin nhắn trong nhóm “Thủ lĩnh Edunetwork VN” (bên phải) được phát tán một cách có chủ ý.Khái niệm về hoạt động kinh doanh đa cấp đã được quy định rõ tại Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh.
Trong trường hợp người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới, hoạt động này được liệt vào kinh doanh đa cấp.
Mặc dù vậy, trao đổi với PV Infonet, bà Hồ Thị Kim Uyên khẳng định: “Edunetwork không phải đa cấp vì không có tầng, không có cấp, không yêu cầu doanh số, cấp bậc,…”
Trả lời câu hỏi về việc Edunetwork rầm rộ tuyển thành viên nhưng không hề nhắc đến nội dung hay chất lượng khóa học, mà chỉ đem tỷ lệ hoa hồng 80% ra làm “mồi nhử”, bà Hồ Thị Kim Uyên cho rằng “có thể vì cộng tác viên khá đông, một số bạn chưa biết cách truyền tải nên chia sẻ về thu nhập khá nhiều, dễ gây phản cảm và hiểu lầm cho mọi người.”
Trao đổi với Infonet, luật sư Đặng Văn Cường - đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho rằng thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các hoạt động buôn bán, liên kết đầu tư, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ được diễn ra thường xuyên trên không gian mạng. Ngoài các hoạt động kinh doanh, đầu tư chân chính, tuân thủ pháp luật, thì các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng diễn ra rất nhiều, gây thiệt hại đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân.
“Các hoạt động có nguy cơ thực hiện hành vi lừa đảo nhiều nhất là kinh doanh theo hình thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo, các quỹ đầu tư và các hình thức kinh doanh mới mà trong đời sống xã hội thực tế chưa có. Bởi vậy, mỗi người chúng ta khi tham gia một hoạt động kinh doanh, đầu tư trên không gian mạng thì cần phải trang bị những kiến thức cơ bản, cần phải tìm hiểu hoạt động kinh doanh, đầu tư đó một cách thận trọng.” - Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Đặng Văn Cường khuyến nghị mỗi cá nhân cần cảnh giác với những lời mời chào ngon ngọt, bởi không có hoạt động nào kiếm tiền dễ dàng chỉ bằng cách bỏ tiền vốn ra mà không cần có trình độ chuyên môn, không cần có kỹ năng nghiệp vụ, không cần kiến thức.
Hiền Anh