Vĩnh Phúc nằm ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng, giáp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ. Địa hình Vĩnh Phúc vừa có đồng bằng, vừa có đồi, núi thấp và núi trung bình. Các khu vực hành chính của Vĩnh Phúc bao gồm thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Khí hậu Vĩnh Phúc là khí hậu nhiệt đới gió mùa và mang những đặc trưng của khí hậu vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó từ tháng 4 tới tháng 9 chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam, từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23,5 – 25 độ C, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 38,5 độ C, thấp nhất có thể xuống mức 2 độ C, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa vùng núi và đồng bằng, ở Tam Đảo với độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển thì nhiệt độ trung bình năm chỉ khoảng 18,4 độ C. Lượng mưa trung bình năm khoảng 1.400 – 1.600mm, mưa nhiều từ tháng 5 tới tháng 10, mưa ít từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau.
Vĩnh Phúc có nhiều điểm đến hấp dẫn như Thác Bạc, Đầm Rưng, hồ Đại Lải, vườn quốc gia Tam Đảo, vườn cò Hải Lựu, đồi 79 Mùa Xuân, khu du lịch Đầm Vạc, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, nhà thờ đá Tam Đảo, đình Tam Canh, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, tháp Bình Sơn, làng gốm Hương Canh, làng hoa Mê Linh… Bạn có thể đến Vĩnh Phúc vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm, đặc biệt là vào mùa hè thì Tam Đảo, Đại Lải sẽ là những địa điểm lí tưởng để tránh nóng, nếu bạn muốn tham gia lễ hội Tây Thiên thì có thể tới đây vào tháng 2 Âm lịch… Bạn có thể tới Vĩnh Phúc bằng xe máy, ô tô hay tàu hỏa đều rất tiện.
Những đặc sản nên thưởng thức và mua về làm quà khi tới Vĩnh Phúc: Ngọn su su, gà bọc đất nướng, gà nướng mật ong, thịt lợn rừng xiên nướng, nem chua Vĩnh Yên, bò tái kiến đốt, cá thính Lập Thạch, tép dầu Đầm Vạc, xôi đen, chè kho Tứ Yên, bánh trùng mật mía Vĩnh Tường, bánh ngõa Lũng Ngoại, bánh nẳng Lập Thạch, rượu sâu chít, rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa, dứa Tam Dương…