Người Việt với văn hóa làng xã | Vuidulich.vn

Or you want a quick look:

- Thưa ông! Khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, các nhà nghiên cứu đặc biệt lưu ý đến văn hóa làng xã. Phải chăng đó là những nét đặc trưng và đa dạng của một dân tộc gắn với nền văn minh lúa nước?

- Đúng như vậy! Sự hình thành làng xã gắn với việc phát triển của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp lúa nước. Bởi vì khi con người sống du canh du cư thì xóm làng chưa thể ra đời. Xét về phương diện xã hội thì con người chuyển từ quan hệ huyết thống sang quan hệ láng giềng- địa vực, đây chính là nguyên tắc cơ bản hình thành nên làng xã Việt Nam. Vì thế giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: “Trong quá khứ và thậm chí đến gần đây văn minh- văn hiến Việt Nam vẫn thuộc phạm trù văn minh lúa nước, văn hóa Việt Nam là văn hóa xóm làng”.

Hai đặc trưng cơ bản bao trùm xuyên suốt của văn hóa làng xã truyền thống Việt Nam chính là: tính cộng đồng và tính tự trị. Biểu tượng truyền thống của tính cộng đồng là sân đình, bến nước, cây đa. Bất cứ làng nào cũng có một ngôi đình bởi đó là trung tâm hành chính, nơi diễn ra mọi công việc quan trọng như hội họp, bàn việc làng, việc nước, thu sưu thuế. Sau đó, đình làng là một trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các cuộc hội hè, biểu diễn chèo, tuồng hay ăn uống… Nhưng quan trọng nhất đình làng chính là trung tâm về tôn giáo, tâm linh. Thế đình, hướng đình được xem là yếu tố quyết định đến vận mệnh của cả làng. Và cuối cùng đình làng là trung tâm tình cảm, nói đến làng người ta nghĩ ngay đến ngôi đình với nhiều tình cảm gắn bó thân thương nhất, “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa (tư tưởng Nho gia), đình làng từ chỗ là nơi tập trung của tất cả mọi người dần chỉ là nơi lui tới của cánh đàn ông. Khi bị đẩy ra khỏi đình, phụ nữ thường quần tụ nơi bến nước (những làng không có sông thì giếng nước), nơi hằng ngày chị em thường gặp nhau chuyện trò, giặt giũ. Ngoài ra còn có cây đa cổ thụ nằm ở đầu làng, dưới gốc đa có một miếu thờ, đó là nơi hội tụ của thần thánh, “sợ thần sợ cả cây đa”. Cây đa gắn liền với quán nước, là nơi nghỉ chân, gặp gỡ những người làm đồng, khách qua đường. Do vậy gốc đa trở thành cánh cửa liên kết làng với thế giới bên ngoài.

Biểu tượng truyền thống của tính tự trị là lũy tre. Rặng tre bao bọc quanh làng trở thành một thứ thành lũy kiên cố, bất khả xâm phạm. Lũy tre là một đặc điểm quan trọng làm cho xóm làng khác biệt hẳn ấp lý Trung Hoa, có thành quất bằng đất bao bọc.

READ  50 mẫu cổng làng đẹp bằng đá - Bản vẽ thiết kế cổng làng đẹp

- Văn hóa làng xã đã tạo nên những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, ông nghĩ thế nào về nhận định này?

- Chính văn hóa làng xã đã tạo nên những đặc trưng văn hóa, những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Từ quan hệ láng giềng “bán bà con xa, mua láng giềng gần” nên người Việt có truyền thống đoàn kết, gắn bó yêu thương xóm làng. Tình yêu xóm làng, quê hương được đẩy lên cao là tình yêu quốc gia, đất nước. Cặp đôi làng- nước là cặp khái niệm thường trực trong tư duy và đời sống của người Việt. Công cuộc chống giặc ngoại xâm đòi hỏi phải có tinh thần đoàn kết toàn dân và lòng yêu nước. Hai điều kiện này là sản phẩm sẵn có của tính cộng đồng và tính tự trị làng xã. Khởi nguồn từ cuộc sống nông nghiệp, tính cộng đồng của mọi người trong làng đã chuyển thành ý thức cộng đồng trong phạm vi quốc gia “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Làng quê yên bình. Ảnh: PHƯƠNG HOAN

Tính cộng đồng trong phạm vi làng xã là cơ sở tạo nên tính đồng nhất trong hàng loạt lĩnh vực như đồng tộc, đồng niên, đồng hương, đồng nghiệp và tất yếu dẫn đến sự đồng nhất trong phạm vi quốc gia: Đồng bào (sinh ra từ một bọc trứng). Tính đồng nhất (cùng hội, cùng cảnh ngộ) đã giúp cho người Việt có tính đoàn kết, gắn bó rất cao, luôn yêu thương, giúp đỡ nhau, coi người trong cộng đồng như anh em trong nhà.

Truyền thống văn hóa nông nghiệp là trọng tình, trọng văn, trọng đức nên trong xã hội kẻ sĩ (văn sĩ) được coi trọng, đứng đầu danh mục các nghề trong xã hội: sĩ, nông, công, thương. Nông dân tuy đứng hàng thứ hai nhưng suy cho cùng nó vẫn là nghề cơ bản nuôi sống trí thức, nuôi sống cả cộng đồng và kiến tạo nên truyền thống văn hóa nông nghiệp.

Văn hóa làng xã lấy hương ước, dư luận xã hội điều chỉnh hành vi đạo đức con người. Do đó, nạn bạo hành, bạo lực trong gia đình, dòng họ, làng xã rất hiếm xảy ra.

- Thế giới đầy màu sắc của văn hóa làng xã được quy ước thành lệ làng, đúc kết trong hương ước làng. Vậy phải hiểu như thế nào về các bản hương ước làng, thưa ông?

- Trước Cách mạng Tháng 8, đa số các làng xã người Việt đều có những bản lệ làng thành văn với các tên gọi riêng tùy theo cách ghi chép của người soạn thảo: hương ước, khoán ước, hương biên, hương khoán, hương lệ…Nhưng cho dù gọi bằng tên gọi gì thì nội dung của nó chính là những quy ước/quy chế/lệ làng liên quan đến đời sống mọi mặt của làng mà tất cả mọi thành viên trong làng phải tuân thủ thực hiện. Vì vậy hương ước là công cụ trực tiếp để điều chỉnh các mối quan hệ cộng đồng làng xã và cũng là công cụ trực tiếp để quản lý làng. Hương ước trực tiếp kiểm soát thế ứng xử của các thành viên để giúp bộ máy quản lý làng nắm các cá nhân, quy định trách nhiệm, chế độ thưởng phạt đối với cá nhân trong việc thực hiện các công việc của cộng đồng.

READ  Những hình ảnh làng quê Việt Nam đẹp không thể bỏ qua

Hương ước là biểu hiện cụ thể của văn hóa làng xã nhằm góp phần quan trọng vào việc củng cố tính cộng đồng làng xã và các thành viên trong làng với nhiều đức tính và truyền thống quý báu. Hương ước của làng thường nêu ra các mục tiêu chế định rõ ràng như: mọi người phải ăn ở hòa thuận, giữ đúng đạo hiếu, gìn giữ tình làng nghĩa xóm…; quy định các biện pháp cứu trợ, tương trợ, xây dựng quỹ xã hương. Từ ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng làm cho người nông dân có ý thức dân chủ làng xã. Mọi thành viên trong làng đều có quyền lợi (vật chất, đất công, tinh thần) giống nhau nên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xóm làng. Khi vi phạm điều cấm, đất công đều bị lên án và phải bồi thường thiệt hại. Nếu là chức sắc vi phạm nặng thì bị cách chức. Điều này giúp ngăn chặn bớt sự lũng đoạn, sách nhiễu của các chức sắc trong làng, giữ sự ổn định một cách tương đối. Hương ước chú trọng đến công tác sản xuất nông nghiệp, việc bảo vệ, xây dựng các công trình công cộng; quy định về trật tự làng xóm, quy định khuyến khích tinh thần hiếu học (chế độ học điền); ruộng đất giành cho học trò nghèo học giỏi.

Ở tỉnh ta, bản khoán ước làng Phú Kinh, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng là bản khoán ước khắc gỗ, in năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng, tháng 6 năm 1774 hiện còn lưu giữ được. Đây là bản hương ước điển hình nhất của tỉnh nên trong tiến trình nghiên cứu, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

- Chúng ta đang khẳng định văn hóa làng xã là cốt lõi, là bản sắc của văn hóa dân tộc. Từ bao đời nay, chính đặc trưng văn hóa này đã hun đúc nên những giá trị tinh thần, những mối quan hệ bền chặt và khăng khít. Tuy nhiên khi đi sâu vào tìm hiểu về văn hóa làng xã vẫn thấy có một số hạn chế. Trong thời đại ngày nay, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, theo ông chúng ta nên làm gì để khắc phục những hạn chế của văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp tục phát huy và có những thay đổi ra sao để văn hóa làng xã, nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam được tồn tại một cách vững bền?

- Những hạn chế đó xuất phát từ những đặc trưng của văn hóa làng xã như tính cộng đồng là nhấn mạnh vào sự đồng nhất, vì thế mà ý thức con người, ý chí cá nhân bị thủ tiêu, luôn hòa tan vào các mối quan hệ xã hội; giải quyết xung đột theo hướng “hòa cả làng”. Tính đồng nhất dẫn đến thói dựa dẫm, ỷ lại “nước nổi, bèo nổi” kéo theo tư tưởng cầu an, cả nể, sợ “rút dây động rừng” nên thường chủ trương đóng cửa dạy nhau. Tiếp nữa là thói cào bằng, đố kỵ không muốn ai hơn mình (xấu đều hơn tốt lõi; khôn độc không bằng ngốc đàn). Tính tự trị nhấn mạnh vào sự khác biệt do đó mà sinh ra tư hữu, ích kỷ. Bè nhà ai người ấy chống; ai có thân thì lo, “của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”; “Trai làng ở quá còn đông, cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư”…Tiếp nữa là óc gia trưởng, tôn ty. Tính tôn ty, sản phẩm của nguyên tắc tổ chức nông thôn thôn theo huyết thống tự thân nó không phải là xấu nhưng khi gắn với tính gia trưởng tạo nên tâm ý quyền huynh thế phụ, áp đặt ý muốn của mình vào người khác; tạo nên thế lực vô lý “sống lâu ra lão làng”…

READ  Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 3 tập 1 – trang 7, 8 – Tuần 1 – Tiết 2 | Giải Bài Tập Hay

Đặc điểm môi trường sống quy định đặc tính tư duy cuộc sống nông nghiệp lúa nước và lối sống trọng tình, tư suy biện chứng dẫn đến sự hình thành nguyên lý âm dương và lối ứng xử nước đôi. Người Việt vừa có tính đoàn kết, tương trợ lại vừa có óc tư hữu, ích kỷ, cào bằng. Vừa có tính tập thể hòa đồng lại vừa có óc bè phái địa phương. Vừa có nếp sống dân chủ bình đẳng, vừa có tính gia trưởng, tôn ty. Vừa có tính cần cù, tự cung tự cấp, vừa có thói dựa dẫm, ỉ lại. Tùy nơi, tùy lúc mà điều kiện tốt xấu được bộc lộ. Khi gian nan, khó khăn, nguy cơ đe dọa sự sống thì đoàn kết, gắn bó; khi nguy cơ qua rồi thì trở về với tư hữu, bè phái địa phương.

Chính từ những hạn chế nêu trên nên hiện nay trong quá trình hội nhập chúng ta phải thay đổi một cách triệt để trong tư duy và trong hành động. Phát huy những đặc tính nhân văn, nhân bản, bản sắc của văn hóa Việt, con người Việt. Khắc phục những nhược điểm của tư tưởng sản xuất nhỏ, sẵn sàng hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại. Văn hóa làng xã một lần nữa trở thành thành trì, pháo đài bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở tiếp thu một cách có chọn lọc, đào thải những yếu tố văn hóa trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc để đưa đất nước hội nhập sâu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Xin cảm ơn ông!

See more articles in the category: KHÁM PHÁ

Leave a Reply