Or you want a quick look: Virus Corona là gì?
Virus Corona 2019 (Vi rút Corona, Covid-19) gây bệnh viêm phổi cấp ở Vũ Hán là gì? Vì sao vi rút Corona lại lan nhanh thành dịch chỉ trong thời gian ngắn? Phòng ngừa, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị vi rút dịch Covid-19 bằng cách nào?… là những thắc mắc cần được thông tin chuẩn xác.
Bài viết được sự tư vấn chuyên môn của bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC.
Virus Corona là gì?
Virus Corona là chủng virus mới chưa từng xuất hiện ở người, có tên gọi từ nguồn gốc tiếng Latin. Vi rút Corona là chủng virus được bao bọc bằng những chiếc gai bao bọc bên ngoài, tương tác với thụ thể trên tế bào, theo cơ chế tương tự chìa khóa và ổ khóa, từ đó cho phép virus xâm nhập vào bên trong.
Bùng phát vào cuối tháng 12/2019, bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Hồ Nam, Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, virus Corona ban đầu được xác nhận là một loại bệnh “viêm phổi lạ” hoặc “viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Chỉ sau 100 ngày xuất hiện, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đã nhanh chóng tác động tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thị trường tài chính chao đảo, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói chưa từng có trong lịch sử.
Tên gọi vi rút Corona có nguồn gốc từ tiếng Latin, trong đó “corona” có nghĩa là “vương miện” hoặc “hào quang”. Virus này có những chiếc gai bao bọc bên ngoài, chúng tương tác với thụ thể trên tế bào, theo cơ chế tương tự chìa khóa và ổ khóa, từ đó cho phép virus xâm nhập vào bên trong.
1. Covid 19 là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) là Covid 19. Tên gọi mới này gọi tắt của coronavirus disease 2019, theo các từ khóa “corona”, “virus”, “disease” (dịch bệnh) và 2019 là năm mà loại virus gây đại dịch này xuất hiện.
Tháng 2/2020, Ủy ban quốc tế về phân loại Virus - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chính thức đặt tên cho chủng mới của vi-rút corona là Sars-CoV-2. Đây là tên gọi khác với tên Covid 19 mà WHO đã chỉ định trước đó.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và phân lập được một chủng corona virus mới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạm thời gọi là 2019-nCoV có trình tự gen giống với Sars-CoV trước đây, với mức tương đồng lên tới 79,5%.
2. Virus corona chủng mới là gì?
Virus Corona 2019 là một loại virus gây ra tình trạng nhiễm trùng trong mũi, xoang hoặc cổ họng. Có 7 loại virus Corona, trong đó, 4 loại không nguy hiểm là 229E, NL63, OC43 và HKU1; hai loại khác là MERS-CoV và SARS-CoV nguy hiểm hơn và từng gây ra đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, còn một loại virus Corona thuộc chủng mới (màu vàng) ký hiệu 2019-nCoV hoặc nCoV, còn được gọi với cái tên “Virus Vũ Hán” đang “tung hoành” suốt từ cuối năm 2019 đến nay. Đây là tác nhân gây ra bệnh viêm phổi cấp, khiến hơn 100 triệu người mắc, hơn 2 triệu người tử vong trên thế giới (*).
Đây là dạng virus mới nên con người chưa từng có miễn dịch, kể cả miễn dịch chéo trước đó. Virus Corona là một họ virus lớn thường lây nhiễm cho động vật nhưng đôi khi chúng có thể tiến hóa và lây sang người. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó đi vào trong một số tế bào và chiếm lấy bộ máy tế bào (gây tổn thương viêm đặc hiệu ở đường hô hấp), đồng thời virus chuyển hướng bộ máy đó để phục vụ cho chính nó, tạo ra virus mới và nhiễm tiếp người khác. Người nhiễm 2019-nCoV có các triệu chứng cấp tính: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong; đặc biệt ở những người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Thời gian ủ bệnh của 2019-nCoV là 14 ngày tức là từ lúc nhiễm virus Corona tới lúc phát bệnh là 14 ngày mới có biểu hiện lâm sàng. Điều này khiến cho các biện pháp kiểm soát hiện nay rất khó phát hiện.
3. Virus Corona gây bệnh như thế nào?
Hầu hết các loại virus Corona có con đường lây truyền giống như những loại virus gây cảm lạnh khác, đó là:
- Người bệnh ho và hắt hơi mà không che miệng, dẫn tới phát tán các giọt nước vào không khí, làm lây lan virus sang người khỏe mạnh.
- Người khỏe mạnh chạm hoặc bắt tay với người có virus Corona khiến virus truyền từ người này sang người khác.
- Người khỏe mạnh tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có virus, sau đó đưa tay lên mũi, mắt hoặc miệng của mình.
- Trong những trường hợp hiếm hoi, virus Corona có thể lây lan qua tiếp xúc với phân.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, trung bình một bệnh nhân nhiễm virus Corona sẽ lây lan sang 5,5 người khác. Chính vì virus Covid-19 có khả năng lan truyền rất nhanh từ người sang người, nên nếu người dân không được trang bị kiến thức về phòng chống bệnh, đại dịch rất dễ xảy ra.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM, Cố vấn cao cấp Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, ở nhiệt độ cao bên ngoài cơ thể (trên 20oC, đặc biệt là trên 25oC), ánh nắng, môi trường thông thoáng, virus Corona (2019-nCoV) sẽ yếu đi và giảm khả năng lây bệnh. Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí, lạnh thì virus sẽ phát tán và lây lan rất nhanh vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển.
Nguồn gốc của dịch bệnh Covid 19
1. Virus Sars Cov 2 được cấu tạo như thế nào?
Giống như các loại virus khác, virus Sars Cov 2 tiến hành thâm nhập sâu vào bên trong tế bào, thuần hóa tế bào thành cỗ máy nhân bản, nhân virus lên gấp nhiều lần. Nếu mục tiêu này hoàn thành, lượng virus Sars Cov 2 đủ lớn để phá vỡ hệ miễn dịch, khiến cơ thể không đủ đề kháng chống lại và nhiễm bệnh.
Virus Sars Cov 2 có dạng hình cầu, đường kính xấp xỉ 125 nanomet, với cấu tạo theo thứ tự từ trong ra ngoài như sau:
- Lõi acid Nucleic: Đây là bộ gen của virus với kích thước 26-32 kilobase, đây là kích thước lớn nhất trong số các loại virus ARN. Lõi acid Nucleic chứa sợi ARN đơn dương (sợi phân tử polyme có vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa, và biểu hiện của gen), giúp virus tiến hành nhân bản nhanh hơn.
- Vỏ Protein: Lớp vỏ này đóng vai trò bảo vệ, được bao bọc bên ngoài bộ gen.
- Lớp vỏ ngoài: Vỏ ngoài bao gồm lớp kép lipit và protein, bên trên có lớp gai protein thực hiện các nhiệm vụ của kháng nguyên, giúp virus xâm nhập vào các tế bào dễ dàng.
2. Hệ gen của virus corona là gì?
Bộ gen của virus corona là bộ gen lớn nhất trong số các virus RNA, bao gồm các vùng: vùng 5’UTR, khung đọc mở, vùng 3’UTR và cuối cùng là đuôi-poly (A).
Có 4 protein cấu trúc được bảo tồn trên các CoV đó là protein (S), protein màng (M), protein vỏ (E) và nucleocapsid (N) protein. Trong đó, Protein S chịu trách nhiệm liên kết với tế bào vật chủ và là thụ thể để virus xâm nhập vào tế bào. Các protein M, E và N là một phần của nucleocapsid của các hạt virus.
Theo các nghiên cứu, bộ gen của virus corona có các mặt tương đồng như sau:
- Tương đồng 50% mã gen so với chủng virus MERS-CoV;
- Tương đồng 79,5% mã gen so với chủng virus SARS-CoV;
- Tương đồng 96% mã gen so với chủng virus Corona được phát hiện trong dơi, đặc biệt là dơi móng ngựa;
- Tương đồng 99% mã gen so với chủng virus Corona có trong loài Tê tê.
Khi phân tích vi rút Corona, các nhà khoa học nhận thấy vi rút Corona cùng loài với virus gây bệnh SARS vào năm 2003 với độ tương đồng lên đến 94.6% các chuỗi axit amin.
Trong bộ gen của vi rút Corona có một gen thiết yếu là RdRp (RNA phụ thuộc RNA polymerase), gen này có độ bảo tồn cao, được dùng để chẩn đoán phát hiện vi rút Corona.
Xem thêm: Biến thể Delta
3. Vi rút Corona được phát hiện khi nào?
Vi rút corona được tìm thấy ở cả động vật và người. Một số chủng virus corona có thể gây cảm lạnh thông thường hoặc nghiêm trọng hơn là Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) hoặc Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS). Trong khi đó, virus corona mới là một chủng mới của corona virus chưa từng phân lập được ở người trước đây.
Virus mới này có tên gọi là 2019-nCoV, chưa từng được phát hiện trước khi bùng phát dịch được báo cáo tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona kéo dài cho tới nay trên 215 quốc gia, khiến hàng chục triệu người mắc, và hàng triệu người tử vong trên thế giới và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Thời gian ủ bệnh virus Corona
Một người nhiễm virus Corona có thể xuất hiện các triệu chứng đầu tiên sau thời gian ủ bệnh khoảng 2-14 ngày, trung bình là 5 ngày. Trong thời gian ủ bệnh, virus vẫn có thể lây truyền gây nhiễm bệnh. VNVC đã chuẩn bị sẵn 1 bài viết về thời gian ủ bệnh virus Corona cho bạn tham khảo.
Triệu chứng vi rút Corona qua từng ngày
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo: “Virus Corona chủng 2019-nCoV đặc biệt nguy hiểm với những người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, trẻ em, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh lý nền mãn tính như bệnh tim, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, béo phì, đái tháo đường… Những đối tượng này có khả năng lây nhiễm cao, khó điều trị do bệnh lý diễn biến nhanh, nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt, virus Corona cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ có thai. Khi phụ nữ có thai mắc bệnh sẽ để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý này với phụ nữ có thai tương tự như mức độ của dịch bệnh MERS năm 2014.”
Cũng như các chủng virus Corona MERS-CoV, SARS-CoV, 2019-nCoV là căn nguyên của hàng loạt căn bệnh đường hô hấp cấp với các dấu hiệu/biểu hiện nguy hiểm bao gồm sốt cao, đau đầu, ho, khó thở và thường tiến triển thành viêm phổi. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn bị suy yếu nội tạng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh là từ 2-10 ngày.
Xem clip: Cách nhận biết sớm nhất triệu chứng do virus Corona gây ra
1. Triệu chứng virus corona qua từng ngày
Tùy theo thể trạng và sức đề kháng, triệu chứng nhiễm corona qua từng ngày của mỗi cá thể là khác nhau, tuy nhiên những triệu chứng này đều biểu hiện rõ từ 2-14 ngày. Do đó, ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.
Ngày 1 đến ngày 3:
- Dấu hiệu giống bệnh cảm thông thường.
- Viêm họng nhẹ, không sốt, không mệt mỏi.
- Ăn uống và hoạt động bình thường.
Ngày 4:
- Cổ họng bắt đầu đau nhẹ, người lờ đờ.
- Bắt đầu khan tiếng.
- Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ.
- Đau đầu nhẹ, tiêu chảy nhẹ.
- Bắt đầu chán ăn.
Ngày 5:
- Đau họng nhiều hơn, khan tiếng nhiều hơn.
- Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ
- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức các khớp xương.
Ngày 6:
- Triệu chứng của virus Corona 2019 là bắt đầu sốt nhẹ.
- Ho có đàm hoặc ho khan không đàm.
- Đau họng nhiều hơn, đau khi nuốt nước bọt, khi ăn hoặc nói.
- Cơ thể mệt mỏi, buồn nôn.
- Tiêu chảy, có thể nôn ói.
- Lưng hoặc ngón tay đau nhức.
Ngày 7:
- Sốt cao dưới 38o.
- Ho nhiều hơn, đàm nhiều hơn.
- Toàn thân đau nhức.
- Khó thở.
- Tiêu chảy và nôn ói nhiều hơn.
Ngày 8:
- Sốt khoảng trên dưới 38o.
- Khó thở, hơi thở khò khè, nặng lồng ngực.
- Ho liên tục, đàm nhiều, tắt tiếng.
- Đau khớp xương, đau đầu, đau lưng.
Ngày 9:
- Các tình trạng như sốt, ho, khó thở, nặng lồng ngực… trở nên nặng nề hơn.
2. Biểu hiện Covid-19 có sổ mũi không?
Vi rút Corona thường bị nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh cúm thông thường. Cần lưu ý, người mắc bệnh cúm thông thường chỉ phát triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, khác với Covid 19, người bệnh sẽ có các biểu hiện như ho, ho khan, ho dai dẳng, sốt… nhưng không sổ mũi.
3. Biểu hiện sớm nhất của bệnh virus corona là gì?
Theo cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), khi mắc Covid 19, một hoặc tất cả các triệu chứng đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong vòng 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus corona chủng mới. Theo đó, các biểu hiện sớm nhất để phát hiện bệnh là:
- Sốt: Sốt là dấu hiệu nhận biết corona đầu tiên. Hầu hết trẻ em và người lớn sẽ được xác định là sốt khi nhiệt độ vượt mức 38oC. Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân không nên dựa vào nhiệt độ đo buổi sáng vì sốt do virus thường khiến thân nhiệt tăng vào cuối buổi chiều và đầu buổi tối.
- Ho khan: Ho là một triệu chứng Covid 19 sớm và phổ biến nhất. Ho do Covid 19 gây ra sẽ không thể điều trị dứt điểm khi uống thuốc ho thông thường.
- Mệt mỏi: Mệt mỏi, kiệt sức, đau nhức cơ thể là biểu hiện Covid 19 sớm. Nghiên cứu của WHO cho thấy, khoảng 40% trong số gần 6.000 người mắc bệnh trải qua giai đoạn mệt mỏi. Trạng thái này thậm chí còn kéo dài ngay sau khi Covid 19 kết thúc một vài tuần.
4. Covid 19 sốt bao nhiêu độ?
Sau thời gian ủ bệnh (trong khoảng từ 2 đến 14 ngày), các triệu chứng nhiễm Covid 19 bắt đầu xuất hiện như ho khan và sốt nhẹ. Sốt được xác định nghi ngờ Covid 19 là từ 38,1oC - 39oC hay 100,5oF - 102,1oF, thường kèm theo giảm chức năng vị giác và khứu giác.
Bệnh nhân sẽ được điều trị và cách ly tại nhà nếu các triệu chứng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và tự khỏi trong 1 tuần. Khoảng 10% người bệnh vẫn còn những triệu chứng sốt, mệt mỏi, ho, tiêu chảy… vào tuần thứ hai. Nếu các triệu chứng càng kéo dài càng xuất hiện thêm nhiều triệu chứng tăng nặng, đòi hỏi người bệnh phải nhập viện, hồi sức tích cực và thở máy xâm lấn. Covid 19 có diễn tiến khó đoán, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền đi kèm. Biểu hiện lâm sàng thay đổi từ hoàn toàn không có triệu chứng đến triệu chứng nặng và tử vong.
5. Triệu chứng virus covid-19 có nghẹt mũi không?
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 5% bệnh nhân mắc Corona virus có triệu chứng nghẹt mũi. Đây không phải là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh, nhưng đây là triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh và cúm. Trên thực tế, nhiều dấu hiệu Covid 19 giống với bệnh cúm như đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Một số triệu chứng khác có thể giống như cảm lạnh hoặc dị ứng, như đau họng, ho, sốt và nghẹt mũi.
6. Triệu chứng vi rút covid-19 ho có đờm không?
Báo cáo đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong số 55.924 người mắc Covid 19 được theo dõi, hơn 33% bệnh nhân có biểu hiện ho ra đờm, chất nhầy dày được tạo ra từ phổi. Triệu chứng ho của Covid 19 không phải là hiện tượng ngứa cổ họng khiến người bệnh hắng giọng, cũng không chỉ là do kích thích, mà cơn ho này xuất phát từ vùng ức và các ống phế quản bị viêm rất khó chịu.
7. Triệu chứng covid xuất hiện sau bao lâu?
Một người nhiễm virus Corona có thể xuất hiện các triệu chứng sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-14 ngày, trung bình là 5 ngày. Trong thời gian ủ bệnh, virus vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Do đó, cần thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để hạn chế nguy cơ lây truyền nhiễm.
8. Tại sao nhiễm covid 19 nhưng không có triệu chứng?
Người nhiễm Corona virus không triệu chứng là người mang mầm bệnh Covid 19 trong cơ thể nhưng vẫn khỏe mạnh hoặc đã bị nhiễm mầm bệnh nhưng không có dấu hiệu cũng như bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Nguyên nhân là do cơ thể có sức đề kháng mạnh đã ức chế sự phát triển, không cho virus phát triển và nhân lên, hoặc số lượng vi sinh vật xâm nhập cơ thể chưa đủ lớn để gây bệnh nên không có triệu chứng của bệnh. Với trường hợp này, người bệnh chưa phát dấu hiệu bệnh, tuy nhiên nếu vì một lý do nào đó khiến sức đề kháng suy giảm, cơ thể sẽ nhanh chóng bị virus tấn công và gây bệnh.
Dạng người lành mang mầm bệnh không triệu chứng hết sức nguy hiểm vì chúng có thể đào thải mầm bệnh ra môi trường bên ngoài, gây lây lan cho những người khác, nguy cơ bùng phát thành dịch.
9. Dấu hiệu Covid-19 da nổi mẩn
Theo các nhà nghiên cứu, da nổi mẩn do Covid-19 là dấu hiệu phổ biến và không thể bỏ qua để nhận biết virus SARS-CoV-2. Biểu hiện ngoài da của bệnh nhân nhiễm COVID-19 rất đa dạng, có thể kể đến như:
- Ngón chân, ngón tay bị cước;
- Chàm ở vùng cổ và ngực; chàm miệng;
- Phát ban sần, nổi mụn nước;
- Mề đay,…
Hầu hết các tổn thương đều tự khỏi sau khoảng 10 ngày, trong đó 5 biểu hiện đáng chú ý và thường gặp nhất là:
- Phát ban sần (47%).
- Mề đay (19%).
- Ngón chân COVID-19 (19%).
- Phản ứng mụn nước hoặc dạng thuỷ đậu (9%).
- Viêm mao mạch dạng livedo hoặc hoại tử (6%).
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, những bệnh nhân mắc bệnh lý nền về da, đặc biệt là bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm bì cơ… cần tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo phòng dịch của bác sĩ da liễu và của bệnh viện nơi bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Những người không thuộc nhóm bệnh lý tự miễn nhưng đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid hoặc các thuốc sinh học… cũng cần nâng cao cảnh giác để phòng, tránh mắc COVID-19 vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh.
10. Dấu hiệu Covid-19 đau họng
Đau họng, ho khan, thậm chí có đờm đặc và bọt, khả năng cao là một trong những triệu chứng điển hình, nghiêm trọng và phổ biến của Covid-19. Dấu hiệu covid đau họng thường dễ bị nhầm lẫn với đau họng thông thường. Đau họng do Covid không có hiệu quả điều trị khi uống các thuốc đau họng thông thường. Do đó, nếu cảm thấy ho nhiều, kéo dài, uống thuốc hoặc điều trị tại nhà không đỡ, kết hợp với triệu chứng sốt, khó thở, người bệnh cần đi khám sức khỏe ngay tại các cơ sở khám, chữa bệnh được Nhà nước, Bộ Y tế chỉ định.
11. Triệu chứng Covid-19 buồn nôn
Các triệu chứng về đường tiêu hóa như buồn nôn hay nôn là dấu hiệu nhận biết sớm covid-19. Thông thường, buồn nôn thường xuất hiện 1-2 ngày trước khi người bệnh phát sốt. Mặc dù vậy, hiện tượng này có thể gây ra do các bệnh lý khác về sức khỏe. Nếu như có bất kỳ triệu chứng bất thường nghi Covid-19, hãy tự cách ly, giữ khoảng cách an toàn với những người trong gia đình. Ở trong một phòng riêng, sử dụng phòng tắm riêng nếu có thể.
12. Triệu chứng Covid-19 chảy nước mũi
COVID-19, dị ứng, cúm, cảm lạnh,… đều là những bệnh tác động đến đường hô hấp gây các triệu chứng giống nhau nên rất khó phân biệt. Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm đường hô hấp cấp như: virus cúm mùa, virus hợp bào,…
Theo các chuyên gia, có thể phân biệt COVID-19 với các bệnh khác thông qua 3 triệu chứng đặc trưng và rõ ràng nhất là sốt, ho khan dai dẳng và khó thở. Sổ mũi, chảy nước mũi là biểu hiện phổ biến của bệnh cúm, không phải của COVID-19.
13. Triệu chứng covid có hắt hơi không?
KHÔNG! Hắt hơi là triệu chứng đặc trưng của cúm hoặc cảm lạnh, nhưng không phải là dấu hiệu điển hình của COVID-19. Việc phân biệt COVID-19 với cảm cúm thường rất khó chính xác, do vậy, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc cúm. Thêm nữa, nếu không tiêm ngừa cúm mà chẳng may mắc COVID-19, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi… Các biểu hiện trong thời điểm này sẽ khiến người bệnh và những người xung quanh càng thêm lo lắng. Do đó, tiêm vắc xin phòng cúm sớm và đầy đủ sẽ không lo bị nhầm lẫn triệu chứng với Covid-19, nếu có mắc phải.
14. Triệu chứng Covid-19 khó thở
Triệu chứng khó thở, thở hụt ở lồng ngực là dấu hiệu cảnh báo điển hình nhất của COVID-19. Virus SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, kiểm soát hệ hô hấp dẫn đến triệu chứng khó thở, tức ngực… Nếu bạn bị ho kèm cảm thấy khó thở thì đừng chủ quan vì khả năng nhiễm COVID-19 là rất cao. Lúc này, bạn nên đến bệnh viện thăm khám kịp thời trước khi bệnh tình trở nên trầm trọng.
15. Triệu chứng Covid-19 tiêu chảy
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh), những bệnh nhân mắc COVID-19 không có quá nhiều rối loạn hô hấp nhưng lại bị đau bụng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ hiện tượng viêm phổi (ở thùy dưới phổi) do nhiễm virus SARS-CoV-2. Ở nhóm người lớn tuổi, nếu mức độ của COVID-19 nghiêm trọng thì triệu chứng tiêu hóa xuất hiện nặng nề hơn.
Một nghiên cứu khác trên 204 bệnh nhân ở Vũ Hán - nơi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 cho thấy, gần một nửa bệnh nhân (48,5%) đến bệnh viện với các vấn đề về tiêu hóa, chủ yếu bị tiêu chảy. Các chuyên gia khuyến cáo, tiêu chảy cũng là một triệu chứng điển hình của COVID-19, do đó khi xuất hiện của các triệu chứng như trên, hãy tự cách ly và không xuất hiện ở những nơi công cộng.
Nguyên nhân nhiễm vi rút Corona
Virus Sars Cov 2 là nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia trên toàn cầu đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của Sars Cov 2. Nhiều ý kiến cho rằng, Sars Cov 2 là một Betacoronavirus, thuộc họ với vi rút gây hội chứng MERS-CoV và hội chứng SARS, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi.
Đối tượng dễ mắc virus gây dịch Covid 19 (Sars-Cov-2)
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra danh sách những người có nguy cơ cao nhất nhiễm vi rút Corona. Đây là nhóm đối tượng cực kỳ nhạy cảm và dễ tử vong do virus Corona gồm cả trẻ em, người lớn, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có tiền sử bệnh, người bị suy giảm miễn dịch hoặc có các bệnh lý nền (bệnh tim, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, béo phì, đái tháo đường…).
Biến chứng do virus Covid-19
Đại dịch Covid 19 do virus Sars Cov 2 chủ yếu gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng. Mặc dù vậy, Covid 19 vẫn được ghi nhận với nhiều biến chứng của Covid-19 thường gặp như nhức đầu, chóng mặt, thay đổi ý thức, rối loạn khứu giác, rối loạn vị giác, co giật và đột quỵ.
Cách chẩn đoán và xét nghiệm Covid 19
Hiện nay, để chẩn đoán vi rút Corona, bệnh nhân cần được xét nghiệm tìm chuỗi di truyền đặc trưng của Corona virus có trong mẫu phết vùng mũi - họng. Thông thường, các phòng xét nghiệm mất 4-6 giờ test xét nghiệm để tìm chuỗi di truyền đặc hiệu của Covid 19. Tại Việt Nam, kết quả chẩn đoán và xét nghiệm Covid 19 thường có sau khoảng 24h.
Điều trị Covid 19
Cho đến nay, thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị vi rút Corona, tất cả thuốc hiện nay đều là thuốc điều trị triệu chứng. Bộ Y tế khuyến cáo việc sử dụng thuốc trong điều trị Covid 19 phải tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Người dân không tự ý sử dụng thuốc, tránh ngộ độc hay các tác dụng phụ không mong muốn.
Virus Corona lây lan như thế nào?
COVID-19 lây nhiễm thông qua dịch tiết mũi họng khi tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người bệnh. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn từ miệng hoặc mũi của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói hoặc hát.
Người tiếp xúc gần (trong khoảng cách 1 mét) với người nhiễm bệnh có thể mắc COVID-19 khi các giọt bắn xâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc. Ngoài ra, virus có thể bám trên bề mặt, lây lan khi chạm tay nắm cửa, tay vịn cầu thang,… sau đó lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng mình trước khi rửa tay.
Theo đánh giá từ đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, tốc độ lây lan của các biến chủng virus SARS-CoV-2 đang rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường kín, thông khí kém, nơi tập trung đông người… Tại các khu vực bùng dịch, không loại trừ khả năng COVID-19 lây nhiễm qua hạt khí dung (giọt bắn rất nhỏ lơ lửng trong không khí), đặc biệt tại các địa điểm trong nhà, không khí không đủ thông thoáng.
Để chủ động phòng, tránh tiếp xúc với giọt bắn, đều quan trọng cần thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế gồm: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”. Đồng thời, cần rửa tay thường xuyên thật kỹ bằng nước và xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn, thường xuyên lau rửa các bề mặt bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn.
Người không có triệu chứng có thể lây truyền virus không?
CÓ. Người bệnh có thể lây truyền virus ngay cả khi họ không có triệu chứng điển hình. Cần xác định người bệnh bằng xét nghiệm, cách ly, và chăm sóc y tế, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Thậm chí, người đã được xác định mắc COVID-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng cũng cần được cách ly và thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách, kiểm soát để hạn chế tiếp xúc với người khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Cách phòng ngừa virus Corona
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế kêu gọi người dân Việt Nam cùng thực hiện và lan tỏa nghiêm túc thông điệp “5K+ Vắc xin” gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế + Vắc xin. Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở… người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, ngoài các giải pháp mang tính căn cơ thì những hành động sau là rất cần thiết để sớm chấm dứt đại dịch:
- Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết, không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
- Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
- Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ đồ vật nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác trước khi về nhà.
- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Về đến nhà phải thay quần áo và vệ sinh sạch sẽ.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
- Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
- Nếu cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
- Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng hotline hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
- Khai báo y tế qua ứng dụng cho bản thân mình và người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở… người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tham khảo bài viết về cách phòng chống Covid-19 cùng VNVC nhé!
Tiêm vắc xin COVID-19 ở đâu?
Ngay trong đại dịch, cả thế giới luôn trông chờ sự xuất hiện của vắc xin, vũ khí duy nhất giúp khắc chế virus toàn cầu. Vắc xin nào hiệu quả? Người Việt Nam được tiêm loại nào? Tiêm vắc xin COVID-19 ở đâu? là câu hỏi nhận được sự quan tâm của hàng triệu người.
Với sự nhanh nhạy, chủ động, năng lực vượt trội và dám chấp nhận rủi ro lớn, Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) là đơn vị đầu tiên mang 30 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca (Vương quốc Anh) về Việt Nam và chuyển giao toàn bộ cho Chính phủ theo nguyên tắc phi lợi nhuận, phục vụ đồng bào phòng dịch, góp phần phục hồi kinh tế, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, những lô vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đầu tiên đang được tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng, địa bàn ưu tiên theo hướng dẫn chỉ đạo của Chính Phủ và Bộ Y tế theo mức độ ưu tiên cho các đối tượng như cán bộ y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch, nhân viên ngoại giao, lực lượng quân đội - công an, người đang sống tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ,…
Sắp tới VNVC sẽ nỗ lực tiếp tục trao đổi với các hãng sản xuất và cung cấp vắc xin trên thế giới để có thể sớm đưa thêm những loại vắc xin COVID-19 khác về Việt Nam, tiếp tục phục vụ cho nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất.
Cách ly và giãn cách xã hội
Cách ly xã hội (Social distancing) là biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc làm giảm sự lây lan của virus Sars-Cov-2. Mục tiêu của cách ly xã hội là giảm khả năng tiếp xúc giữa người nhiễm bệnh và những người không bị nhiễm bệnh, giảm nguy cơ lây truyền bệnh, nhiễm bệnh và cuối cùng là tử vong.
Vaccine Covid 19
Cả thế giới đang chạy nước rút để sản xuất vaccine Covid 19 với hy vọng chấm dứt đại dịch Covid 19 trên toàn cầu. Đến nay, đã có hơn 100 loại vắc xin của hơn 40 quốc gia tham gia vào cuộc đua sản xuất vaccine Covid 19. Tính đến tháng 10 năm 2020, có 321 ứng viên vắc xin đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó 56 ứng viên đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng.
Vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 (Vương quốc Anh) có hiệu quả lên đến hơn 90% với 2 liều tiêm. Trong quý 1 năm 2021, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là đơn vị đầu tiên đưa vắc xin này về Việt Nam và sẽ sớm triển khai tiêm chủng vắc xin này cho hàng chục triệu người dân.
Dinh dưỡng cho người nhiễm Covid 19
Khi một người đã bị nhiễm virus Corona, việc cần chú trọng là tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, giảm nhẹ triệu chứng, rút ngắn thời gian điều trị, đồng thời tăng cao hiệu quả điều trị. Cần sớm lập kế hoạch nuôi dưỡng người nhiễm vi rút Corona theo tình trạng dinh dưỡng và bệnh cảnh lâm sàng cụ thể.
(*): Số liệu cập nhật đến 17h00 ngày 30/01/2021.
Trên đây là toàn bộ các thông tin quan trọng về dịch bệnh Covid-19 và chủng virus Corona 2019 (vi rút Corona hay Sars-Cov-2) mà VNVC đã kết hợp cùng các chuyên gia đầu ngành giải thích cặn kẽ.