Or you want a quick look: Tài liệu tham khảo
Hồi trung học hay đi ngủ ké nhà thằng bạn. Còn nhớ, tối xách cái bàn chải đi kiếm kem không thấy. Hỏi nó, nó tỉnh rồi đưa cho mình cục xà bông, nói xài cái này nè! Cảm giác “giặt” hai hàm răng của mình lúc đó cũng hơi ngồ ngộ, nhưng bọt của nó thì thật khó chịu. Cũng thằng bạn đó, nó có một sở thích hơi quái một chút, là chạy xe đạp sau mấy chiếc xe hơi để hít khói xe. Ặc, ổng khen thơm! Mà hồi đó ngu, không biết khói thơm vì benzene. Sách hóa chỉ dạy cân bằng phản ứng, nhớ có nói gây ung thư nhưng cái đám nhóc ấy có biết ung thư là gì đâu chứ?
Mấy tháng trước, vụ tương Chinsu làm dân tình hốt hoảng, cũng là vì benzene nhưng Chinsu vốn không có sẵn, mà chỉ có rủi ro tạo ra Benzene trong những điều kiện nhất định. Trong thực tế, chúng ta đang tiếp xúc với Benzen mọi lúc, mọi nơi mà không hề hay biết. Hàng ngày bạn đổ xăng, thể nào cũng hít một tí. Ra quán cafe hay lên bar nghe nhạc, ngồi cạnh mấy ông phun khói mù mịt, benzen đầy trời. Mua áo mới tại sao nên giặt rồi mới mặc? Để benzene trôi hết đi. Vào xe dưới trời nắng nóng, tại sao phải mở cửa sổ ngay? Để xua benzene ra ngoài chứ còn gì nữa! Cứ thế, mỗi ngày có hàng chục hàng trăm cơ hội chúng ta tiếp xúc với benzene, với rất rất nhiều những chuyện tào lao chung quanh nó.
C6H6, Benzene, hydrocarbon 6 vòng thơm, được xác nhận là chất sinh ung nhóm 1 theo xếp loại của IARC, có bằng chứng rõ ràng cho thấy có liên quan giữa sự tiếp xúc với nó và ung thư, cụ thể là nhiều loại ung thư máu. Tuy nhiên, khoan hãy hốt hoảng vì quan hệ nhân quả trong y khoa hơi phức tạp một chút. Việc một tác nhân được xác định là sinh ung không có nghĩa là ” chạm là dính, đụng là bị”. Nhân – quả thường thể hiện một cách tế nhị là LÀM TĂNG RỦI RO MẮC BỆNH. Tăng bao nhiêu? Còn tùy theo thời gian, số lượng tiếp xúc. Đôi khi, còn liên quan đến yếu tố cơ địa. Bởi vậy, trong cái list dài dằng dặc của nhóm 1, có những con virus, vi khuẩn quen thuộc như HBV, HCV, HPV, HIV, HP v.v... Có những hóa chất từng bị điểm danh như formaldehyt, amiang, aflatoxin…Lại có những thứ mà hàng ngày chúng ta vẫn tỉnh queo “nhập khẩu” như khói thuốc lá, rượu, thịt chế biến (xúc xích, lạp xưởng, bacon v.vvv). Benzene, nói cho cùng chỉ là một trong số rất nhiều rủi ro mà ta phải đối diện trong cuộc sống hàng ngày.
Benzen gặp ở đâu? Thưa là, ở đâu cũng gặp. Hồi trước chưa biết về chuyện sinh ung, benzene dùng khắp nơi do khả năng làm dung môi tuyệt vời của nó. Sau náy biết rồi, người ta hạn chế nhiều nhưng benzen vẫn gặp ở các bộ phận liên quan đến xăng dầu, công nghiệp nhựa, thuốc lá, khói công nghiệp, phụ tùng ô tô, sơn các loại v.v.. Nói tóm lại, ở những nơi và những vật mà bạn không bao giờ nghĩ đến. Đơn giản mà nói, trong nhà bạn chẳng hạn, vẫn có một lượng không nhỏ benzene trôi nổi từ sơn tường, từ xe đậu trong gararge, từ bề mặt các đồ trang trí nội thất hay thậm chí từ những tác phẩm nghệ thuật mà mấy đứa nhỏ đang cặm cụi sáng tác. Câu hỏi là, tại sao người ta không sợ thịt chế biến mà lại sợ benzene, dù cả hai đều bị dán nhãn chất sinh ung thư? Đơn giản thôi, xếp loại của IARC chỉ nói lên khả năng mà không phản ảnh mức độ. Thịt chế biến có thể kiểm tra mức tiêu thụ mỗi ngày một cách chính xác và nguy cơ của nó có thể được ước lượng khá rõ ràng. Một người liên tục ăn 50gr thịt chế biến mỗi ngày, sẽ có nguy cơ ung thư đại tràng tăng hơn 18% so với người không ăn. Ví dụ, lâu lâu mới ăn thì nguy cơ chung vào khoảng 5 %-Ngày nào cũng ăn thì con số này tăng lên thành (5*1.18), thành 6%. Bởi vậy, tăng chút xíu mà đời thêm hương vị, lại thêm đi soi đại tràng đúng định kỳ cho bảo đảm, sợ gì mà không ăn ?
Trường hợp của Benzene thì khác. Trước hết, bản thân benzene có khả năng gây ngộ độc cấp tính khi tiếp xúc lượng lớn. Thứ hai, benzene có khả năng gây độc trên diện rộng, nhất là trong những vụ rò rĩ hoá chất xăng dầu. Thứ ba, người ta không có cách nào đánh giá chính xác lượng benzene mỗi người tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày, đơn giản vì phạm vi tiếp xúc của nó quá rộng. Cuối cùng, các bằng chứng liên hệ giữa benzene và ung thư là rất rõ ràng, và là nguyên nhân dẫn đến vô số những vụ kiện của các công nhân, của những đứa trẻ bị ung thư máu diễn ra khắp thế giới. Nhận định của WHO về benzene đáng chú ý như thế này: Không có ngưỡng nào được ghi nhận là an toàn, ngay cả các rủi ro của benzene ở nồng độ thấp vẫn chưa rõ ràng, tóm lại là tiếp xúc càng ít càng tốt.
Nói tiếp, Benzene là một chất cực kỳ dễ bay hơi, nên nó thường gây họa qua đường thở khi người ta hút thuốc lá hay hít khói công nghiệp nhưng bài này chủ yếu tán chuyện xăng dầu.
Bất cứ chỗ nào có bình hay bồn xăng, là có bay hơi, là có mùi xăng, là có Benzene. Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Columbia/ Mỹ cảnh báo sự bay hơi từ các bồn xăng nghiêm trọng hơn người ta nghĩ cả chục lần. Khảo sát ở 2 trạm xăng cho thấy, trung bình bơm 1000 lít, thì bay mất từ 3-7 lít. Bởi vậy, cần xem lại các quy chuẩn an toàn về xây dựng chung quanh trạm xăng.
Khí bay hơi từ bồn xăng ngầm thoát ra ngoài qua van thở, gia tăng đáng kể mỗi khi nạp xăng. Từ những năm 90, thiết kế trạm xăng yêu cầu có hệ thống thu hồi khí bay hơi cấp 1 (stage 1 vapor recovery), với đường ống dẫn khí ngược từ bồn ngầm trở về xe bồn khi bơm xăng, không cho phát tán ra ngoài. Hiện tượng phát tán khí bay hơi cũng xảy ra tương tự khi bơm từ cây xăng vào bình xăng xe. Từ những năm 2000, hệ thống thu hồi khí cấp 2 được thiết lập nhằm hạn chế sự phát tán này. Một số lổ thu ở cần bơm sẽ hút các khí trong bình xăng và đưa về bồn ngầm. Sau vài năm, một giải pháp tốt hơn được lắp ngay trên xe, góp phần thu lại khí bay hơi và đưa trở lại buồng đốt như nhiên liệu. Hệ thống này (ORVR = Onboard Refueling Volatile Recovery ) giúp thu được 98% khí bay hơi và giúp tăng hiệu suất động cơ. Nhờ vậy, từ 2012, hệ thống thu hồi khí cấp 2 trở nên không còn cần thiết.
Cùng với việc cắt giảm khí bay hơi, giảm bớt khí thải lại là một vấn đề khác. Từ những năm 70, xe hơi đã có bộ chuyển hóa khí thải (catalyst converter) giúp chuyển một phần NO2,CO, hydrocarbon thành N2, CO2 và H2O, tuy không hoàn toàn. Phát triển xe xanh (xe hybrid và xe điện) là một khuynh hướng khác cũng có triển vọng, tuy chúng cũng đang có rắc rối với pin.
Song song với cải tiến kỹ thuật, có nhiều thay đổi hành vi được khuyến khích để chống lại Benzene:
- Không mở nắp khi chưa sẵn sàng.
- Vặn chặt nắp xăng khi xong.
- Luôn giữ cần bơm xăng hướng lên.
- Không cố đổ đầy bình xăng.
- Không bơm nhồi, bơm nhấp.
Đặc biệt, cố đổ đầy bình xăng là một thói quen xấu cho cả xe hơi và xe máy. Sau khi cần xăng tự tắt ( click), bình xăng xe hơi đúng là chưa đầy và còn có một khoảng trống dành cho khí bay hơi. Cố đổ đầy sẽ làm xăng tràn vào hệ thống ORVR, làm xe ngập mùi xăng và nhiều khả năng dẫn đến hư hỏng. Đối với xe máy, việc đổ đầy hay bị tràn và rơi vãi xăng bên ngoài. Cũng để giải quyết phiền phức chung quanh cái nắp xăng, các nhà sản xuất đang chuyển dần sang dạng bình xăng không nắp (capless gas tank), giúp họng bình xăng lúc nào cũng đóng kín. Cũng vậy, do các quy định ngày càng gắt gao để bảo đảm an toàn cho nhân viên, ngày nay phần lớn cây xăng có khuynh hướng chuyển sang tự phục vụ.
Xem thêm bài Benzene kỳ 2: Kẻ sát nhân thầm lặng