Or you want a quick look: Cắt amidan là gì?
So với phương pháp truyền thống, các phương pháp cắt amidan hiện nay ngày càng dễ thao tác lại có độ chính xác cao. Không những thế, thời gian thực hiện nhanh, tốc độ hồi phục bệnh sau mổ được rút ngắn và nguy cơ gây biến chứng thấp.
Cắt amidan là gì?
Viêm amidan là một trong những bệnh lý nhiễm trùng ở amidan dẫn đến hiện tượng sưng viêm và gây đau nhức ở vòm họng. Thông thường, hầu hết các trường hợp viêm đều có thể khỏi sau đó. Tuy nhiên, nếu các đợt viêm amidan diễn ra thường xuyên gây khó nuốt hoặc các tuyến sưng quanh cổ, người bệnh cần điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt amidan là một trong những thủ tục phẫu thuật giúp loại bỏ amidan nằm ở phía sau cổ họng. Phương pháp này không chỉ giúp điều trị và giải quyết triệu chứng bệnh viêm amidan mà còn giúp cải thiện các vấn đề khác về hệ hô hấp như ngưng thở khi ngủ hoặc ngáy nặng.
Các phương pháp cắt amidan phổ biến hiện nay
Trước đây, cắt amidan thường được thực hiện theo phương pháp truyền thống. Trong quá trình người bệnh được gây mê, bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ đã được khử trùng hoàn toàn để cắt bỏ amidan. Thời gian thực hiện phẫu thuật thường mất khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, với sự tiến bộ của y học, các phương pháp cắt amidan trở nên đơn giản, thuận tiện, chính xác và hiệu quả hơn. Hầu hết bệnh nhân sau khi phẫu thuật có thể trở về nhà sau đó vài tiếng, đồng thời tốc độ hồi phục bệnh dự kiến khoảng 2 - 3 tuần.
Dưới đây là các phương pháp cắt amidan thường dùng hiện nay:
Phẫu thuật cắt amidan bằng máy Coblation
Phẫu thuật amidan bằng máy Coblation là phương pháp cắt amidan ưu việt nhất hiện nay. Bởi hình thức thực hiện ít gây bỏng và tổn thương đến các mô xung quanh. Đồng thời, phương pháp này ít gây đau và thời gian cắt nhanh, khoảng 5 - 7 phút. Nếu tính luôn thời gian gây mê chỉ mất 15 - 30 phút là hoàn thành ca phẫu thuật.
Trong quá trình phẫu thuật cắt amidan bằng máy Coblation, sóng radio cao tần sẽ được sử dụng để để ion hóa dung dịch muối. Từ đó giúp cung cấp năng lượng cho các ion để chúng cắt qua lớp mô, giúp loại bỏ amidan. Vì thủ thuật này thực hiện không cần nhiệt nên thời gian hồi phục sau phẫu thuật thường khá nhanh. Do đó, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày.
Phương pháp Electrocautery
Electrocautery là phương pháp cắt amidan dựa vào năng lượng điện. Thủ thuật này giúp làm giảm mất máu trong quá trình mổ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Electrocautery có thể gây tổn thương đối với các mô xung quanh khối amidan. Do đó, sau khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức và khó chịu ở cổ họng.
Cắt amidan bằng Laser
Cắt amidan bằng Laser là thủ thuật cắt sử dụng năng lượng của các bước sóng ánh sáng để loại bỏ khối amidan trong miệng. Biện pháp phẫu thuật này thường không gây đau, thao tác và thời gian thực hiện nhanh. Bên cạnh đó, ánh sáng Laser từ phương pháp cắt amidan này có tính diệt khuẩn tốt, đồng thời ít gây chảy máu trong và sau khi phẫu thuật xong.
Tuy nhiên, thủ thuật cắt này nếu không được xử lý tốt có thể gây nhiễm trùng tại vết mổ. Nghiêm trọng hơn, có thể gây tổn thương để lại sẹo và đôi khi tác động tiêu cực đến dây thanh quản. Trong một số trường hợp giọng nói của bệnh nhân sẽ trở nên khàn và đục hơn.
Cắt amidan bằng Sluder
Phương pháp Sluder được thực hiện khi khối amidan có kích thước lớn dần, không bị dính vào hố amidan và có thể di động dễ dàng. Sau khi được gây mê, bác sĩ sẽ cho toàn bộ khối amidan chui qua lổ cửa sổ của dụng cụ. Tiếp đó, họ sẽ sử dụng lưỡi dao đè cuống amidan và dùng dụng cụ hỗ trợ để cắt đứt khối amidan và đưa ra ngoài.
Phương pháp cắt amidan bằng Sluder thường gây nhiều biến chứng sau phẫu thuật như chảy máu, ngất do gây mê hoặc nhiễm trùng. Do đó, thủ thuật điều trị này chỉ được chỉ định thực hiện khi được bác sĩ đề nghị.
Quy trình cắt amidan
Tùy thuộc vào mỗi phương pháp bệnh nhân lựa chọn mà cách thức thực hiện cắt amidan sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để tiến hành một ca phẫu thuật, bác sĩ thường sẽ thực hiện quy trình cắt theo những tuân thủ dưới đây:
Chuẩn bị trước khi tiến hành phẫu thuật amidan
Thông thường, để một ca phẫu thuật diễn ra thành công, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh khám sức khỏe tổng quát và làm một số xét nghiệm liên quan. Dựa vào kết quả, nếu sức khỏe của người bệnh đạt chuẩn, họ sẽ đặt lịch hẹn phẫu thuật cụ thể.
Trước khi tiến hành cắt amidan, bệnh nhân cần ngưng sử dụng một số loại thuốc chống viêm trước đó 2 tuần. Một số loại thuốc chống viêm không nên sử dụng trước khi phẫu thuật như ibuprofen, aspirin và naproxen. Bởi các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên nhịn ăn sau nửa đêm trước khi bắt đầu ca phẫu thuật. Điều này đồng nghĩa với việc, bệnh nhân không nên ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Việc làm rỗng dạ dày trước khi cắt amidan sẽ giúp giảm nguy cơ buồn nôn do thuốc gây mê gây nên.
Trong quá trình phẫu thuật cắt amidan
Có rất nhiều cách khác nhau để loại bỏ amidan như cắt amidan bằng phương pháp truyền thống, bóc tách hoặc cắt bằng dao plasma,… Cho dù bệnh nhân chọn biện pháp phẫu thuật nào, bác sĩ vẫn phải tiến hành bước gây mê. Bởi đây chính là cách giúp người bệnh không nhận thức được cảm giác đau diễn ra trong suốt quá trình cắt amidan.
Sau khi gây mê thành công, chuyên viên phẫu thuật sẽ giữ miệng bệnh nhân ở trạng thái luôn mở. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ phẫu thuật kèm theo các dụng cụ hỗ trợ khác để loại bỏ amidan.
Phục hồi sau cắt amidan
Sau khi phẫu thuật cắt amidan xong, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức. Khi đó, người bệnh có thể trải qua một số triệu chứng đau đớn, khó chịu do phẫu thuật gây nên. Bệnh nhân có thể bị đau họng hoặc cảm thấy đau ở cổ, tai hoặc hàm. Lúc này, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, nhất là trong 2 - 3 ngày sau khi cắt amidan xong.
Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giảm đau, chống viêm hoặc thuốc kháng sinh cho bệnh nhân sử dụng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên lưu ý về lối sống và sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể như nên thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Không nên nói chuyện ngay sau khi cắt amidan để tránh những ảnh hưởng về sau.
Đồng thời, người bệnh cũng nên cân nhắc thận trọng trong việc sử dụng đồ ăn thức uống. Bệnh nhân có thể nhâm nhi một ít nước hoặc ngậm một ít đá để làm dịu vòm họng. Ngoài ra, để không gây tổn thương ở cổ họng, người bệnh nên lựa chọn những loại thức ăn mềm, chứa nhiều nước. Tuyệt đối không sử dụng đồ ăn cứng, chứa nhiều dầu mỡ và chất thích thích hay thực phẩm cay nóng.
Cuối cùng, để chắc chắn vết cắt lành hẳn và tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình phục, bệnh nhân nên tiến hành tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Đặc biệt, nên thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu người bệnh gặp các vấn đề sau phẫu thuật như sốt cao trên 39 độ, chảy máu tại vị trí cắt hoặc mất nước,…
Trên đây là thông tin hữu ích về các phương pháp cắt amidan cùng với quy trình thực hiện. Việc hiểu rõ về phương pháp cũng như cách thức thực hiện sẽ giúp người bệnh an tâm hơn trong quá trình điều trị. Đồng thời, để ca phẫu thuật diễn ra thành công và đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên lựa chọn những cơ sở khám và cắt uy tín để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
- Sau khi cắt amidan cần làm gì? Cách chăm sóc và ăn uống
- Có nên cắt amidan cho trẻ không? Phương pháp nào? Ở đâu?