Kinh nghiệm du lịch Yên Tử, Quảng Ninh (Cập nhật 08/2021)

Or you want a quick look:

Cùng Phượt - Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có Chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào danh sơn đất Việt. Yên Tử càng nổi tiếng hơn từ khi các vua nhà Trần (thế kỷ 13) chọn núi rừng Yên Tử làm nơi tu hành và phát triển đạo Phật, hình thành thiền phái Trúc Lâm. Cũng từ đó hệ thống chùa, am, tháp uy nghi được các triều đại sau tôn tạo, xây dựng suốt từ chân lên tới đỉnh núi. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng; cây đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát khiến khách tới du lịch Yên Tử sẽ quên đi nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Giới thiệu chung về Yên Tử

Kinh nghiệm du lịch Yên Tử, Quảng Ninh (Cập nhật 08/2021) Từ trên đỉnh Yên Tử nhìn xuống núi (Ảnh - tamnguyen072)

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Các di tích này nằm ở khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, bao gồm 5 khu vực: Khu di tích và danh thắng Đông Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Nhìn tổng thể, khu di sản đề cử nằm trong vùng núi cao Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều với độ cao trung bình trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Cánh cung Đông Triều được xem là “phên dậu” phía Đông Bắc của Việt Nam. Vùng núi này không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên, nơi bảo tồn nhiều giống loài động, thực vật mà còn là quê hương của Vương triều nhà Trần trong lịch sử, là “Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam”.

Tại đây, nhiều di tích lịch sử, văn hóa vẫn đang được bảo tồn. Từ xưa các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Từ trước Công nguyên, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi đây tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa, tháp và nhiều công trình khác.

Đặc biệt, từ thời Trần (1226 - 1400), Yên Tử đã được đầu tư xây dựng thành khu Quần thể kiến trúc chùa, tháp có quy mô to lớn. Khởi đầu là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (1236). Sau đó, Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - vị vua của hai cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1285 và 1288. Nhưng vào lúc triều đại nhà Trần đang hưng thịnh, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành.

Năm 1299, Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả ba vị được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ 13 và 14. Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài hàng chục km tạo thành Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Kinh nghiệm du lịch Yên Tử, Quảng Ninh (Cập nhật 08/2021) Yên Tử là nơi có vị trí quan trọng trong nền Phật Giáo Việt Nam (Ảnh - y.ang_my)

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng lập ra. Là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các Tăng, Ni, Phật tử và triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ và tôn tạo. Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đây là một quần thể di tích rất lớn và ra đời sớm ở Việt Nam.

Nên du lịch Yên Tử vào thời gian nào?

Kinh nghiệm du lịch Yên Tử, Quảng Ninh (Cập nhật 08/2021) Đi vào mùa lễ hội thì các bạn nhớ xác định tâm lý chen chúc khi đến với Yên Tử nhé (Ảnh - phuongbim1612)

Lễ hội Yên Tử hàng năm thường khai hội vào ngày 10/1 (Âm lịch) và kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân Sau nghi lễ được tổ chức dưới chân núi, sẽ là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với non thiêng Yên Tử.

  • Nếu muốn đi trảy hội xuân Yên Tử và không ngại vất vả, các bạn có thể đi luôn sau ngày khai mạc. Trong dịp này, lượng người đổ về Yên Tử rất đông, các dịch vụ hàng quán có thể nói đều trong tình trạng hoạt động hết công suất, thậm chí muốn đi cáp treo chắc cũng phải xếp hàng dài. Nếu có người già và trẻ nhỏ, tốt nhất dịp này không nên đi.
  • Khoảng thời gian tháng 3 lúc này thời tiết đã tương đối khô ráo, mát mẻ, lượng người đi hội cũng không nhiều như tháng Giêng là thời điểm thích hợp để vẫn có thể đi Yên Tử trong mùa lễ nhưng không quá mệt mỏi do người đông.
  • Ngoài ra, nếu chỉ có ý định đi vãn cảnh chùa, các bạn có thể đi bất cứ lúc nào rảnh. Miễn là theo dõi thời tiết để tránh đi vào lúc mưa bão hay quá lạnh, dễ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Hướng dẫn đi tới Yên Tử

Phương tiện cá nhân

Hướng dẫn đi Đông Yên Tử

Từ Hà Nội, các bạn có thể lựa chọn nhiều đường để đi tới Tp Uông Bí. Đi QL1 đến Tp Bắc Ninh thì rẽ sang QL18, cứ đi thẳng theo tuyến QL này sẽ tới được Tp Uông Bí. Một phương án khác là đi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đến nút giao với QL10 (An Lão, Hải Phòng) thì các bạn thoát ra khỏi cao tốc rồi rẽ trái (rẽ phải đi Thái Bình nhé). Thẳng QL10 (cứ đi thẳng qua Quán Toan, Cầu Kiền, Cầu Giá, không cần đi vào trung tâm Tp Hải Phòng) này đi xuyên qua huyện Thủy Nguyên của Hải Phòng sẽ tới Tp Uông Bí. Lúc này cứ lần theo Google Maps để tới Chùa Trình Yên Tử rồi từ đó bắt đầu hành trình.

Hướng dẫn đi Tây Yên Tử

Thường khi nhắc tới Tây Yên Tử thường mặc định chúng ta sẽ hiểu đích đến cuối cùng là Am Ngọa Vân. Trước kia khi khu vực này chưa được mấy đầu tư, đường đi tới đây khá vất vả. Một vài năm trước thì hệ thống cáp treo được hoàn thành, cùng với chùa Ngọa Vân được xây dựng mới nên về cơ bản hiện giờ lên đây không còn quá vất vả.

Ga cáp treo lên Ngọa Vân xuất phát từ Trại Lốc (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh). Từ Hà Nội các bạn có thể đi theo QL1 đi Bắc Ninh, rẽ sang QL18 đi Chí Linh, Sao Đỏ, Đông Triều. Đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông để tới đền An Sinh. Từ đây tiếp tục đi đến hồ Trại Lốc, men theo hồ đến khu di tích Nhà Trần rồi tiếp theo sẽ đến được ga cáp treo đi Ngọa Vân.

Nếu các bạn muốn đi bộ, có nhiều cách để chinh phục Tây Yên Tử. Xuất phát từ chính con đường cáp treo đi Ngọa Vân là một lựa chọn, ngoài ra còn một đường khác các bạn có thể đi từ Hồ Bến Châu, chỗ này có một bến thuyền của người dân, gửi các phương tiện xe máy ô tô ở đấy rồi thuê thuyền chở qua phía bên kia hồ, sẽ có một con đường mòn đi thẳng lên Am Ngọa Vân và đi qua Bãi Đá Chồng. Thường các đội đi trek Tây Yên Tử sẽ đi theo đường này và xuống bằng đường Trại Lốc.

Phương tiện công cộng

Đối với cả 2 chặng Đông Yên Tử và Tây Yên Tử, do đều nằm trên trục đường QL18 nên các bạn chỉ cần bắt các tuyến xe đi Quảng Ninh (Hạ Long, Móng Cái) và xuống ở các điểm tương ứng.

  • Với chặng Tây Yên Tử các bạn xuống ở Thị xã Đông Triều, đoạn giữa phố Trần Nhân Tông cắt với QL18. Từ đây tới ga cáp treo Ngọa Vân còn khoảng hơn 10km, các bạn có thể đi xe ôm hoặc taxi.
  • Với chặng Đông Yên Tử, các bạn xuống ở Tp Uông Bí đoạn chùa Trình, từ đây vào tới trong bến xe Hạ Kiệu còn khoảng 15km.
Đi từ QL18 vào bến xe Hạ Kiệu

Sau khi xuống xe tại chùa Trình, các bạn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe ôm, taxi. Nếu đi vào mùa lễ hội sẽ có xe buýt hỗ trợ đưa khách từ ngoài đường vào bến xe Hạ Kiệu.

Đi từ bến xe Hạ Kiệu vào ga cáp treo

Từ chỗ gửi xe đi vào tới ga cáp treo khoảng 1km, các bạn có thể lựa chọn đi bộ cho khỏe chân hoặc đi xe điện cho nhàn. Giá vé xe điện 15k nếu đi 1 lượt và 20k/ khứ hồi.

Cáp treo lên Yên Tử

Hiện cáp treo lên Yên Tử sẽ có 2 tuyến.

  • Tuyến 1: Giải Oan - Hoa Yên
  • Tuyến 2: Một Mái - An Kỳ Sinh
READ  Nhà ở sau đình chùa có sao không? | Vuidulich.vn

Giá vé 1 chiều của cả 2 chặng này là 150k (1 lượt), khứ hồi 1 chặng là 250k (1 lượt lên 1 lượt xuống) và nếu mua khứ hồi cả 2 chặng sẽ là 300k (2 lượt lên 2 lượt xuống). Nếu xác định đi cáp treo thì nên mua khứ hồi cả 2 chặng cho rẻ nhé.

Cáp treo lên Ngọa Vân

Tuyến cáp treo Ngọa Vân sẽ đưa các bạn lên tới chùa Ngọa Vân một cách nhanh chóng (so với việc leo bộ vài tiếng). Giá vé cáp treo là 100k/1 lượt và 180k/khứ hồi.

Lưu trú ở Yên Tử

Đông Yên Tử

Với khu vực bên Đông Tử, nếu đi vào dịp vắng các bạn có thể hoàn thành chuyến đi trong vòng một ngày và trở về Hà Nội. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn kéo dài lịch trình thành 2 ngày, hoàn toàn có thể ngủ tại Tp Uông Bí tối hôm trước để hôm sau lên Yên Tử thật sớm (lựa chọn 1 chiều leo bộ 1 chiều cáp treo). Trong danh sách nhà nghỉ ở Uông Bí, các bạn chỉ cần chọn những nhà nghỉ ở khu vực Thượng Yên Công, đây là nơi sẽ gần với Yên Tử nhất.

Nếu bạn nào có điều kiện thì trên chỗ nhà ga cáp treo tuyến 2 có cái khách sạn 5 sao Legacy Yen Tu - MGallery by Sofitel +84888672676 mà các bạn có thể nghỉ ở đấy hôm sau xuống.

Tây Yên Tử

Các địa điểm du lịch Yên Tử

Đông Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh)

Khu di tích lịch sử và danh thắng Đông Yên Tử có diện tích khoảng 9.295 ha, gồm các công trình kiến trúc tôn giáo: chùa, am, tháp được xây dựng từ thời Lý, theo tuyến đường trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử thuộc phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công (thành phố Uông Bí) và xã Hồng Thái Đông (thị xã Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Trình

Chùa Trình, tên gọi khác là Chùa Bí Thượng vì Chùa toạ lạc trên một sườn đồi ở làng Bí Thượng nay là khu Bí Thượng thuộc Phường Phương Đông, thành phố Uông Bí. Chùa Bí Thượng xưa được xây dựng vào thời Hậu Lê. Chùa hướng Tây Nam, quy mô kiến trúc kiểu chữ Nhất (-), với diện tích gần 20m 2

Đến đầu thế kỷ XIX chùa được dựng lại với kiến trúc chữ Nhất trên nền chùa cũ nhưng quy mô nhỏ hơn. Đầu thế kỷ XX, Chùa bị hoả hoạn, có bà Phật tử họ Bùi đã phát tâm công đức phục dựng lại ngôi chùa theo kiến trúc hình chữ Đinh rộng hơn chùa cũ với kiến trúc 03 gian tiền đường, một gian hậu cung. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp chùa bị phá huỷ. Vào năm 1993 bằng nguồn công đức của nhân dân trong vùng, chùa được xây dựng lại với kiểu kiến trúc nhà cấp 4, có 03 gian. Đến năm 1999 chùa được tu sửa khang trang.

Chùa Suối Tắm

Chùa Suối Tắm toạ lạc ở thế đất tựa đầu Rùa thiêng (linh quy) bên sườn dốc cửa Ngăn thuộc dãy núi Kim Cương. Từ Chùa Trình đi vào khoảng 5km sẽ tới đây.

Chùa Cầm Thực

Chùa Cầm Thực toạ lạc trên một đỉnh núi tròn như “mâm xôi”. Tương truyền hơn 700 năm trước vua Trần Nhân Tông cùng đệ tử Bảo Sái sau khi xuống Suối Tắm gột sạch bụi trần tiếp tục lộ trình vào Yên Tử.

Trời đã sang trưa, Bảo Sái mở túi lấy cơm chay mời thầy dùng bữa mới sực nhớ xuất ăn của hai thầy trò đã bố thí cho người hành khất ở Cửa Ngăn. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm rồi nghỉ trưa trên núi này. Để ghi lại sự tích trên người xưa dựng chùa đặt tên là Cầm Thực (có nghĩa là “không ăn”) như thể khắc ghi đức hạnh bố thí cứu độ chúng sinh của vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái.

Chùa Lân - Thiền viện Trúc lâm Yên Tử

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Chùa Lân hay tên chữ là Long Động Tự là một ngôi chùa trên núi Yên Tử, thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công. Năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng. Ba vị sư tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp, giảng kinh. Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm.

Chùa Giải Oan

Chùa Giải Oan được xây dựng dưới thời Pháp Loa - vị tổ thứ 2 của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa ngày nay được xây dựng trên nền móng cũ đã trải qua nhiều lần trùng tu.

Năm 2010, nhà thờ Tổ được khởi công xây dựng phía trái chùa Giải Oan. Kiến trúc hình chữ Nhất, bên trong bài trí thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Tổ chùa. Điều đặc biệt bên cạnh chùa Giải Oan là điện thờ thân mẫu (Đức mẫu Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu - Trần Thị Thiều) và Quốc trương (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Am Lò Rèn

Từ chùa Giải Oan, đi theo đường hành hương lên núi khoảng 800 mét, rẽ vào phía trái cách đường hành hương 20 mét, du khách sẽ đến am Lò Rèn. Am xưa nay chỉ còn dấu tích. Đây là nơi rèn đúc các dụng cụ cuốc, xẻng, dao, kéo và các đồ dùng khác phục vụ cho lao động trồng dược liệu, trồng hoa, chế biến thuốc… và cho đời sống sinh hoạt của các Thiền sư và Phật tử ở đây.

Đường Tùng

Đường Tùng ngày nay là một đoạn đường dài hơn trăm mét, người xưa trồng tùng ở hai bên vệ đường, tuổi tùng đã đến vài trăm năm, thân gốc cây đã thành cổ thụ. Đường Tùng là trục đường chính hành hương lên Cõi Phật. Các nhà khoa học thời nay coi Đường Tùng Yên Tử là hàng cây trồng cổ nhất ở Việt Nam. Nhiều người tin Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng đệ tử của Ngài và các thế hệ tu hành của Thiền Phái Trúc Lâm đã trồng tùng ở đây và nhiều nơi trên núi Yên Tử, năm 2014 còn 247 cây. Cây Tùng biểu trưng sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của bậc quân tử. Đường Tùng là di sản quý, vừa là chứng tích lịch sử, vừa là biểu tượng văn hóa; thể hiện tình yêu sự sống, tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên - một giá trị cốt lõi của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Rừng Trúc

Kề bên Đường Tùng là rừng trúc (chữ cổ là “trúc lâm”). Trúc trải khắp núi rừng Yên Tử, suốt từ chân núi lên đỉnh núi. Loài trúc mọc thẳng, sống quần tụ thành rừng, biểu trưng cho sự đoàn kết, kiên cường và sức sống trường tồn. Tên gọi “Trúc Lâm” xuất hiện nhiều trong lịch sử Phật giáo: Tịnh xá Trúc Lâm là nơi Đức Phật Thích-ca từng thuyết pháp. Trúc Lâm Đại Sỹ là hiệu của Trần Nhân Tông. Thiền phái do Ngài sáng lập mang tên Trúc Lâm…

Vườn tháp Huệ Quang

Vườn Tháp Huệ Quang (Huệ Quang Kim tháp) là nơi lưu giữ ngọc cốt của các nhà sư đã từng tu hành tại Yên Tử. Toàn bộ Vườn tháp hiện nay còn lưu giữ 97 ngôi tháp mộ. Mỗi một tháp mộ đều có kích thước và độ cao thấp khác nhau, điều đó thể hiện vị trí, chức sắc của các nhà sư tu hành tại nơi đây.

Tọa lạc nơi đây có nhiều tháp mộ thờ xá lợi các Thiền sư thuộc nhiều thế hệ tu hành ở chùa Hoa Yên từ thời Hậu Lê: Tháp Tự Tuệ thờ Thiền sư Giác Liễu dựng năm 1758, tháp Chân Bảo thờ Thiền sư Diệu Tường dựng năm 1770, tháp Tĩnh Trú thờ thiền sư Thanh Hát…

Chùa Hoa Yên

Ở độ cao 534m so với mực nước biển, từ xưa, chùa Hoa Yên giữ vị thế là chùa trung tâm của cả hệ thống chùa Yên Tử. Tên cũ của chùa là Vân Yên, dân gian thường gọi là Chùa Cả, Chùa Chính, Chùa Yên Tử. Chùa từng có gác chuông, lầu trống, nhà tăng, viện Phù Đồ… Đến thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) lên vãng cảnh chùa, thấy cảnh trí tốt tươi, trăm hoa đua nở, bèn đổi tên chùa thành Hoa Yên.

Chùa là nơi tu hành, thành đạo, truyền thừa của các thế hệ Tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử: Thời Lý có Thiền sư Hiện Quang khai sơn chùa Vân Yên từ trước năm 1220. Thời Trần có Quốc sư Đạo Viên, Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Thiền sư Huệ Tuệ. Tại chùa Hoa Yên, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa, Huyền Quang kế thừa và phát triển dòng Thiền Yên Tử lập nên Thiền Phái Trúc Lâm với tinh thần nhập thế và hộ quốc an dân.

Hơn 700 năm, chùa Hoa Yên qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa ngày nay được phục dựng vào năm 2002, phía dưới nền chùa còn lưu giữ móng nền chùa thời Trần được khảo cổ và phát lộ trước khi phục dựng chùa này. Ngôi chùa kiến trúc hình chữ công (工) gồm Tiền đường có ba gian hai trái, Trung đường (Thiêu hương), Hậu cung (Thượng điện) có ba gian. Chùa thờ tượng Phật theo cách thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam.

Sau chùa là Nhà Tổ kiến trúc hình chữ nhất (一), gồm năm gian hai chái, thờ tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tượng Tam Tổ Trúc Lâm, tượng Tam Vương, tượng Đức Thánh Trần, tượng Tam Tòa Thánh Mẫu. Hai bên chùa là nhà tả vu và hữu vu, kiến trúc giống nhau, gồm năm gian, hai tầng tám mái, làm lầu chuông, lầu khánh. Phía trước sân chùa có ba cây đại cổ, tuổi vài trăm năm. Hai phía hồi chùa còn hai cây sung cổ. Phía Đông sân chùa dựng bia Hậu Phật khắc ghi công đức của bà Vũ Thị Phương đã xuất tiền của cứu trợ dân nghèo vùng Nam Mẫu, Trung Lương, Nội Hoàng.

Chùa Một Mái

Chùa xưa vốn là động Thanh Long, tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần (thoát cõi trần) để làm nơi đọc sách, soạn kinh. Sau khi đức Điều Ngự viên tịch, am xưa được dựng thành ngôi chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái chùa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên, Bán Mái, ngày nay gọi là chùa Một Mái.

Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng rất độc đáo bởi chùa là nơi duy nhất của Yên Tử ngày nay vẫn giữ nguyên hệ thống tượng thờ và đồ thờ trong chùa toàn bằng đá trắng có niên đại cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Bát hương bằng đá trắng khắc chữ “Phật, Pháp, Tăng - tam bảo kim cương” (Phật, Pháp, Tăng - ba ngôi tôn quý) và câu thần chú Mật tông “Úm ma ni bát mê hồng” khắc vào năm 1853. Một số bia đá ghi lại hành trạng của các Thiền sư tu ở chùa Bồ Đà, ghi danh Phật tử hảo tâm công đức trùng tu chùa.

Chùa Vân Tiêu

Vân Tiêu ở đây tức là tầng mây, Chùa có ý nghĩa là Chùa trong tầng mây. Chùa tọa lạc ở phía tây dãy núi Yên Tử. Dãy núi như tường thành chắn ngang luồng gió biển thổi vào, hơi nước ngưng đọng lại thành tầng tầng, lớp lớp mây bao phủ, nhè nhẹ trôi. Ngôi Chùa lúc ẩn, lúc hiện trong những tầng mây ấy.

Xưa kia Chùa chỉ là am thất nhỏ, gọi tên là am Tử Tiêu. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hiển phật, đệ nhị tổ Pháp Loa đã cho xây dựng nơi đây thành chùa lớn. Năm 2001, trung tâm Unesco nghiên cứu, ứng dụng phật học Việt Nam đã vận động phật tử công đức xây dựng chùa.

Trước cửa Chùa Vân Tiêu có Vườn tháp vọng tiên cung (nghĩa là nhìn thấu suốt tới tiên cung). Cụm tháp gồm 06 ngọn tháp xây bằng đá và gạch. Ngọn tháp chính giữa cao 09 tầng gọi là cửu trùng đài, xây vào thời Nguyễn, được xây bằng đá núi, hình lăng trụ bát giác, tám mặt tháp tượng trưng cho bát chính đạo. Vườn tháp “Vọng Tiên Cung” giống như Hòn ngọc quý cùng hai cây Tùng tươi tốt cành lá sum xuê đứng ở hai bên nổi bật trên nên xanh biếc của núi rừng Yên Tử. Đây không phải là tháp mộ nhà sư, mà chỉ là một ngôi tháp thờ phụng chung cho tất cả các chư liệt, tiền tổ. 05 ngôi tháp còn lại, tất cả đều nhỏ bé, khiêm cung, đó là 5 tháp mộ của các thiền sư đức cao, đạo trọng, tu hành ở Vân Tiêu và viên tịch ở đây.

READ  Phineas and Ferb | Phineas and Ferb Wiki Tiếng Việt | Fandom
Chùa Bảo Sái

Chùa mang tên vị đệ tử thân tín nhất của Vua Trần đã từng tu hành tại đây. Chùa Bảo Sái ở độ cao trên 700 m so với mực nước biển. Thời kỳ Vua Trần tu hành, nơi đây chỉ có am trong động.

Am có tên là Ngộ Ngữ Viện, ở sau chùa Bảo Sái hiện nay là nơi biên soạn, lưu trữ kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và thiền sư Bảo Sái được vua Trần giao cho việc biên tập và ấn tống kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử rồi chuyển xuống các Chùa để truyền giảng thiền Tông cho các tăng ni và phật tử trong cả nước Đại Việt. Trên vách đá Ngộ Ngữ Viện nay vẫn còn câu đối:

“Thạch hoá Trúc Lâm lưu điển tích Sơn cao Bảo toà kết lâu đài”

Dịch nghĩa:

“Nơi đá núi sáng lập phái Trúc Lâm, điển tích còn lưu lại. Trên non cao toà báu Thiền môn đã kết thành lâu đài”

Thác Ngự Dội

Thác Ngự Dội, là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thường ra tắm gội, sau đó Ngài lên Am Thiền Định kế bên để tọa thiền.

Am Thiền Định

Am Thiền Định nằm cách chùa Hoa Yên khoảng 500m về phía Tây. Ngày nay, dấu vết Am Thiền Định nằm bên cạnh con đường dẫn ra thác Ngự Dội và Thác Vàng, cách Thác Ngự Dội khoảng 20m, cách Thác Vàng 180m.

Thác Vàng

Thác Vàng bắt nguồn từ dãy núi Bạch Hổ tạo thành dòng chảy ánh kim gọi là Khê Hổ cùng với Thác Bạc tuôn chảy, vươn dài xuôi về phía Nam, ôm lấy thung lũng Giải Oan tạo thành một minh đường tụ thủy lưu giữ khí thiêng.

Tượng An Kỳ Sinh

Truyền thuyết kể lại rằng: Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, ở phương Bắc có một đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh đã đến đây tu pháp Đạo Tiên. Ngài hái lượm cỏ cây, thảo dược, luyện đan sa, thần sa thành thuốc trường sinh và ban pháp dược chữa bệnh cứu người.

Người đời tỏ lòng tôn kính gọi ông là An Tử (nghĩa là thày An), và gọi núi này là An Tử Sơn (nghĩa là núi thày An). Sau này, để tránh gọi tên húy của Ngài, dân gian đổi tên gọi núi An Tử thành Yên Tử và dựng tượng Ngài để thờ cúng. Tượng An Kỳ Sinh là một tảng đá tự nhiên, trông giống hình đạo sỹ đứng chắp tay cung kính quay về Tây phương, áo dài thướt tha. Tượng cao 2,2m. Thân tượng có tạc chữ hán dã bị mờ nét.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Để tôn vinh những công đức của Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp. Năm 2009, Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh là chủ đầu tư đã tổ chức lễ khởi công đúc Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc liền khối bằng đồng nguyên chất. Tượng đúc ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao 2,7 mét, phần đài sen và tượng cao 9,9 mét. Tổng thể tượng cao 12,6m, trọng lượng nặng 138 tấn. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2, có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển.

Cổng trời Bia Phật

Do quá trình biến động địa chất, bãi đá Chùa Đồng trông như hàng nghìn “linh quy” (Rùa thiêng) chầu về đỉnh thiêng Yên Tử. Trong đá trầm tích biển có những con ốc, con sò biển hoá thạch và có những thực vật biển sống ở đây như cây sú, cây vẹt.

Phía trước dưới cổng trời có một phiến đá trầm tích cát sỏi biển, mỏng, cao hơn 5m, bề rộng khoảng 2m. Mặt đá chính diện giống như hình chiếc oản dâng lên cúng Phật. Phiến đá đó gọi là “Bia Phật”. Mặt trước của bia được tạc một hàng chữ Hán lớn theo chiều dọc, ba chữ trên nay đã mờ, chỉ còn lại một chữ cuối cùng khá rõ nét nằm gọn trong vòng tròn, đó là chữ “Phật”. Phía dưới chữ Phật có một hàng ngang gồm 04 chữ Hán “Tứ Tự Hồng Danh”.

Chùa Đồng

Chùa Đồng - Tên chữ là Thiên Trúc Tự, toạ lạc trên đỉnh Non thiêng Yên Tử ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Nơi đây có không gian thiên nhiên bao la hùng vĩ, quanh năm mây trắng, sương mù che phủ đan xen lúc nắng, lúc mưa, khí hậu ẩm ướt. Những Cây Trúc, cây Sú, cây Vẹt,…mọc thành rừng, trên những triền núi đá còn dấu tích những vỏ Sò, vỏ Ốc. Tam Tổ Trúc Lâm và các Thiền sư thường ngồi thiền để “Thân hoà đồng trụ, giới hoà đồng tu”.

Chùa Đồng được trùng tu năm 2006 và khánh thành ngày 12 tháng 12 năm Bính Tuất (30/01/2007), được đúc bằng đồng nguyên chất nặng trên 70 tấn, chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, chiều cao 3,35m, hình dáng Chùa như một Đài sen, trong Chùa thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm. Đây là một công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo và lớn nhất Đông Nam Á được làm hoàn toàn bằng chất liệu đồng.

Tây Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh)

Quần thể khu di tích nhà Trần ở Đông Triều ở phía Nam dãy núi Đông Triều thuộc địa bàn 4 xã: An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An đã được Nhà nước đặc cách xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Quy hoạch khu di tích nhà Trần bao gồm 14 điểm di tích: Đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.

Đông Triều có nghĩa là “Triều đình phía Đông”, vùng đất cổ Đông Triều trước đó có tên gọi An Sinh hay Yên Sinh. An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần trước khi dời đến Thái Bình và Nam Định. Đây là một trong những vùng ẩn tích chứa nhiều các di sản văn hóa đặc sắc của thời Trần với tính chất của khu di tích này là quê gốc nhà Trần so với các di tích Nhà Trần khác ở Thăng Long (Hà Nội), Long Hưng (Thái Bình), Thiên Trường (Nam Định).

Đền An Sinh

Khu di tích Đền An Sinh ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Từ quốc lộ 18A đến trung tâm phường Đông Triều, rẽ trái (nếu đi từ Hà Nội) khoảng 5 km là vào tới đền. Khu di tích bao gồm một ngôi đền và lăng mộ của các vị vua Trần, nằm rải rác trong một khuôn viên khá rộng lớn có bán kính 20 km để thờ “Bát vị Hoàng Ðế” thời Trần. Di tích được xây dựng thời Trần, trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Khu lăng mộ An Sinh thờ các vị vua Trần Thái Tông (1225-1258), Trần Thánh Tông (1258-1278), Trần Nhân Tông (, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông. Trần Giản Định, tức là Giản Định Đế, là vị vua nhà Hậu Trần, con trai của Trần Nghệ Tông, xưng đế năm 1407, cũng được thờ tại đây. Trong bán kính 4 km là rải rác các lăng mộ và cũng có 175 đời nhà Trần

Khu vực đền có diện tích khá rộng, khoảng 80.000 m2. Cổng đền có những hàng nhãn cổ thụ làm cho cảnh quan đền thêm cổ kính. Quanh đền có 14 cây đại thụ, biểu hiện cho 14 đời vua nhà Trần. Trước đền có tám cây vạn tuế biểu hiện cho tám vị vua được thờ ở đây.

Di tích Đô Kiệu (Đỗ Kiệu)

Dốc dựng đứng và không có bậc, xưa kia kiệu của vua Trần khi đi theo lối này, đến đây Kiệu cũng đành dừng lại nên từ đó mới có tên là Dốc Đỗ Kiệu.

Khu di tích Đá Chồng

Đá Chồng là một cụm công trình kiến trúc nằm ở phía sườn Đông Nam của khu vực Đèo Voi thuộc phía đông nam của quần thể di tích Ngọa Vân, cách am Ngọa Vân khoảng 3km. Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt các dấu vệt nền móng kiến trúc chùa tháp tại Ngọa Vân cùng với các di tích hiện còn cho thấy Đá Chồng gồm hai khu 1 và 2, trong đó Đá Chồng 1 là một quần thể gồm chùa tháp, sân vườn và hồ.

Chùa Hồ Thiên

Hồ Thiên là ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời phong kiến. Chùa nằm ở phía Tây Yên Tử ở độ cao trên 500m so với mặt biển giữa vùng rừng núi hoang sơ mênh mang, là một kiến trúc có giá trị trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hoá dân tộc. Chùa được khởi dựng dưới triều Trần. Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (tức đệ nhất tổ phái Trúc Lâm) từng đăng đàn thuyết pháp tại đây. Ban ngày, Ngài thuyết pháp, tối đến lại về Am Ngọa Vân để nghỉ ngơi. Sau khi ngài mất, đệ tử chùa Hồ Thiên đã tạc tượng thờ ngài.

Theo thầy Thích Trí Thông Đạt Ma, người đời vẫn tưởng Hồ Thiên có nghĩa là hồ nước trên trời, nhưng thực ra, chữ “hồ” ở đây không phải ao hồ, mà là “quần tụ”. Hồ Thiên chính là nơi quần tụ của chư Thiên.

Am Ngọa Vân

Tháng 8 năm 1299 vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung Trùng Quang Phủ Thiên Trường (Nam Định) xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân, am nhỏ đó được gọi tên theo đỉnh núi nơi dựng am từ là am Ngọa Vân. Ngày 1 tháng 11 năm 1308 (Mậu Thân) Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tử nằm tại am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi Ngài hóa Phật, các đệ tử đã hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng một tòa bảo tháp để lưu giữ xá lỵ của Ngài tại đỉnh và gọi tên là Phật Hoàng tháp.

Là nơi Phật hoàng tu hành và đắc đạo, Ngọa Vân là nơi thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm. Ngay sau khi ngài hóa, Pháp Loa (tổ thức hai của Thiền phái Trúc Lâm) đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Nếu trước đó, Ngọa Vân chỉ có một am nhỏ làm nơi tu thiền của Phật Hoàng thì đến đây Ngọa Vân đã trở thành một quần thể Chùa - Am với nhiều công trình kiến trúc chùa, tháp. Trong đó, am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Trải qua một thời gian dài suy vong của Phật giáo, các công trình kiến trúc ở Ngọa Vân xây dựng dưới thời Trần đều bị phá hủy hoặc xuống cấp. Đầu thế kỷ 18, thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng lại Ngọa Vân. Ông cho xây dựng lại Phật Hoàng tháp, nhà Tổ làm nơi thờ Tam Tổ Trúc Lâm cũng như xây mới một số công trình khác.

Đầu thế kỷ 20, các kiến trúc xây dựng thời Lê Trung Hưng phần lớn đã bị đổ nát, nhân dân làng Đốc Trại (ngay là làng Trại Lốc), làng được triều đình ngà Nguyễn giao cho việc trông coi thờ phụng lăng tẩm các vị vua Trần và chùa Ngọa Vân đã trùng tu, tôn tạo các công trình cũ còn lại và xây mới nhà Tổ, am Ngọa Vân và am Sơn Thần.

READ  CÁC LOẠI CÁ CẢNH ĐẸP DỄ NUÔI NHẤT Ở VIỆT NAM

Trải suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm, am Ngọa Vân từ lúc ban đầu chỉ là một “thảo am” nơi Trúc Lâm Đại Sĩ tu hành và đắc đạo, trở thành thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Tây Yên Tử (Bắc Giang)

Theo thống kê hiện nay, hệ thống Tây Yên Tử có hàng chục di tích, danh thắng có giá trị nổi bật. Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông… Mỗi ngôi chùa có những nét kiến trúc riêng và được xây dựng theo luật phong thủy, địa lý đẹp… ghi đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý - Trần. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa là một trung tâm, là chốn tổ, có hệ thống tượng phật phong phú, linh thiêng, đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật giá trị nổi bật.

Xem thêm bài viết: Các địa điểm du lịch ở Bắc Giang (Cập nhật 8/2021)

Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này.

Nơi đây là vùng đất tụ thủy, tụ nhân, địa linh nhân kiệt, được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi khai tràng thuyết pháp, đồng thời làm trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo của nước Đại Việt. Như vậy, chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là ngôi chùa lớn, một đại danh lam được lưu truyền trong sử sách mà còn là chốn tổ của một dòng thiền lớn Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, chạm khắc, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc… Đặc biệt kho Mộc bản với hơn 3 nghìn bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 15 tháng 5 năm 2012.

Chùa Am Vãi

Thuộc địa phận xã Nam Dương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, di tích chùa Am Vãi tọa lạc ở trên một địa thế đẹp gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, tạo nên một thắng cảnh tuyệt vời. Tương truyền chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử khi đạo Phật ở vào giai đoạn cực thịnh.

Khu di tích - danh thắng Suối Mỡ

Suối Mỡ là tên một con suối bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hồ Chuối chảy xuôi dòng theo núi Huyền Đinh - Yên Tử, tạo ra nhiều thác và những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Dọc theo ven suối có đền Thượng, đền Trung, đền Hạ phụng thờ công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương, được phong là Thượng Ngàn Thánh Mẫu. Khu vực rừng suối nước Vàng nằm trên dãy Phật Sơn - Yên Tử, có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, dòng suối độc đáo với 24 ngọn thác là một điểm tham quan kỳ thú. Quanh khu vực này có nhiều di tích lịch sử như: chùa Đồng Vành, đền Bản Phủ thờ vua Trần và các hoàng hậu, công chúa thời Trần…

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử nằm ở vị trí sườn Tây núi Yên Tử, chiếm phần lớn diện tích rừng tự nhiên trong quần thể các dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều. Đây là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, nối liền với diện tích rừng thường xanh của tỉnh Quảng Ninh.

Đặc sản làm quà khi du lịch Yên Tử?

Măng trúc tươi Yên Tử

Cây trúc sống sâu trong rừng, trên những vách đá cheo leo hay thung lũng sâu thăm thẳm trong vùng núi Yên Tử, Quảng Ninh. Do chịu nhiều sương gió, giá rét lạnh buốt trên núi, nên thân cây đanh, lá quằn lại. Thế nhưng, phần măng lại khá mềm, ngọt, rất thích hợp chế biến các món ăn.

Vì thế, măng trúc được coi là món quà của thiên nhiên mang tặng cho đất thiêng Yên Tử. Tương truyền, ngày xưa, người dân trong vùng và các bậc tu sĩ trên núi Yên Tử dùng măng trúc làm món ăn chính. Qua thời gian, măng trúc dần trở thành món ăn nổi tiếng.

Rượu mơ Yên Tử

Mơ Yên Tử là loại quả đặc sản địa phương có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Rượu Mơ Yên Tử sử dụng rượu gạo truyền thống ngâm với quả mơ tươi được trồng tự nhiên tại rừng Yên Tử và đến nay đã trở thành một đặc sản Yên Tử nói riêng và đặc sản Quảng Ninh nói chung.

Canh gà rượu bâu

Đây là món ăn của người dân tộc Dao Thanh y ở quanh chân núi Yên Tử (xã Bằng Cả, Hoành Bồ). Canh gà nấu với rượu bâu, không chỉ có vị thơm ngọt của đặc sản gà Hoành Bồ, món ăn thơm mùi gừng, có vị thanh, rất dễ ăn.

Rau dớn Yên Tử

Có thể nói rau dớn là một sản vật độc đáo của núi rừng Yên Tử. Rau dớn có vị ngọt mát, hơi nhớt. Lá rau dớn xanh mượt. Rau dớn có quanh năm nhưng ngon nhất là vào mùa mưa. Khi đó, cây rau dớn ngậm đủ nước, ngọn cây mập, non tơ mỡ màng. Rau có thể chế biến thành những món ăn như rau dớn xào tỏi, nộm rau dớn. Rau dớn cũng là loại rau khá “chân phương”, ngon nhất khi chế biến không cầu kỳ, cũng không ưa khi chế biến kèm với thịt, cá.

Chè lam Yên Tử

Chè lam là thức quà đặc biệt. Ăn một miếng chè lam để cảm nhận vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng, một chút bùi bùi của lạc. Đến với Yên Tử vào mùa xuân, khi cái lạnh vẫn còn dịu ngọt, man mác, đất trời mù sương mưa phùn, ăn một miếng chè lam cho ấm bụng, mua về làm quà tặng cho nhau chắc chắn sẽ là kỷ niệm đẹp trong chuyến hành hương của mỗi người.

Trầu một lá Yên Tử

Cây trầu một lá này chỉ có ở Yên Tử Quảng Ninh, nếu ai đã từng đi lên yên tử thì hãy mua lấy một nắm trầu một lá về mà ngâm rượu nhiều lần dùng để bôi ngoài da. Ba loại cây lá thuốc lấy từ núi Yên Tử là địa liền, gừng gió và trầu 1 lá ngâm với rượu thành loại dầu xoa. Dầu này dùng để xoa ngoài da chữa các chứng đau xương, đau khớp

Lịch trình du lịch Yên Tử

Lịch trình đi Yên Tử

Ngày 1: Hà Nội - Tp Uông Bí

Sáng xuất phát từ Hà Nội đi Tp Uông Bí. Nếu đi bằng ô tô cá nhân các bạn cứ đi theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho nhanh. Đi đường này chắc khoảng 2,5 - 3 tiếng là tới Uông Bí thôi.

Tranh thủ đi chơi Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự 寶光寺) là một ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí. Tối nghỉ ngơi tại Tp Uông Bí để tiện ăn uống hoặc đi thẳng vào trong chân núi Yên Tử ngủ lại.

Ngày 2: Yên Tử - Uông Bí - Hà Nội

Sáng hôm sau leo Yên Tử thật sớm, đi sớm vừa mát mẻ vừa kịp thời gian để xuống núi. Nói chung với sức khỏe trung bình, chắc mất khoảng 5-6 tiếng để lên tới đỉnh.

Chiều xuống đi cáp treo.

Xuống đến chân núi nghỉ ngơi rồi lên xe quay trở lại Hà Nội.

Lịch trình đi Tây Yên Tử

Lịch trình này dành cho các bạn ưa khám phá, thích trekking nên khá vất vả. Các bạn nên tránh đi vào mùa lễ nhé. Cần chuẩn bị sẵn thực phẩm, nước uống và lều trại cho 1 ngày 1 đêm.

Ngày 1: Hà Nội - Am Ngọa Vân

Từ Hà Nội, đi đến Đông Triều. Như phía trên đá nói, các bạn có thể lựa chọn đường Bắc Ninh - QL18, đường Hải Dương - Chí Linh hay đường nào quen thuộc với các bạn.

Đến thị xã Đông Triều ghé vào Đền An Sinh nhé, sau khi vào đền xong thì đi đến Hồ Bến Châu và gửi xe, bắt đầu hành trình chinh phục Tây Yên Tử, về với am Ngọa Vân.

Sau khi được đưa qua bên kia hồ, đi theo đường mòn để lên am Ngọa Vân, trước đó các bạn sẽ đi qua Bãi Đá Chồng. Về cơ bản, đường này các bạn có thể nhìn thấy rõ trên Google Maps, tuy nhiên nếu có người biết đường truóc rồi đi cùng thì vẫn tốt hơn. Hoặc không cũng chẳng sao, đằng nào chả mang theo lều trại.

Vừa leo vừa chơi chắc khoảng chiều tối lên tới Am Ngọa Vân, xin ngủ nhờ tại chùa hoặc nếu không có đủ chỗ thì tìm một bãi trống trong sân chùa dựng lều là oke. Ngày trước có mỗi cái am cũ, chứ giờ chùa mới xây to rồi thì chắc không thiếu chỗ trống đâu

Ngày 2: Am Ngọa Vân - Trại Lốc

Phương án 1

Hôm sau ngủ dậy thì từ Am Ngọa Vân đi xuống lại dưới núi theo đường Trại Lốc (chính là đường làm cáp treo hiện nay), đường này ngày xưa khó chứ giờ làm bậc đá hết rồi nên cứ đi xuống thôi. Đi theo cách này thì xuống đến Trại Lốc lại phải tìm cách về Bến Châu để lấy xe, hơi khoai :))

Phương án 2: Quay lại bằng đường cũ hôm qua

Sau khi xuống đến nơi, nếu còn nhiều thời gian trên đường về có thể ghé qua khu Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương trước khi về lại Hà Nội

Một số lưu ý khi du lịch Yên Tử

  • Nếu có ý định leo núi, nên chuẩn bị loại giầy phù hợp. Các loại giày trekking và có đế chống trơn trượt sẽ tốt hơn. Nếu không có thể sử dụng dép tổ ong.
  • Mang theo áo gió mỏng nhẹ nếu đi vào mùa hè, lên núi cao vẫn luôn lạnh nhé. Vào mùa đông thì vẫn cần mang đủ áo ấm, dừng lại một tí là lạnh run ngay.
  • Mang theo lượng nước đủ dùng nếu xác định leo bộ.
  • Đi vào dịp lễ hội thì cần phải cẩn thận, Yên Tử với Chùa Hương hở ra cái là móc túi với rạch túi. Tốt nhất nếu mang túi đi thì mang túi đểu thôi, tiền nong thì để chỗ khác :))
  • Đừng mua mấy cái loại cỏ cây bán trên đấy nếu bạn không biết là gì, các khu du lịch thường bán linh tinh nhiều thứ mà chẳng cách nào kiểm chứng được nguồn gốc. Mang về đến nhà mà biết bị lừa rồi cũng chẳng biết kêu ai.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Yên Tử 2021
  • du lịch Yên Tử tháng 8
  • tháng 8 Yên Tử có gì đẹp
  • review Yên Tử
  • hướng dẫn đi Yên Tử tự túc
  • ăn gì ở Yên Tử
  • phượt Yên Tử bằng xe máy
  • Yên Tử ở đâu
  • đường đi tới Yên Tử
  • chơi gì ở Yên Tử
  • đi Yên Tử mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Yên Tử
  • homestay giá rẻ Yên Tử
See more articles in the category: KHÁM PHÁ

Leave a Reply