Cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng trong truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ thấy hiện lên hình tượng nhân vật Từ Hải – một đấng nam nhi quân tử với khí phách lẫm liệt anh hùng. Bên cạnh đó, khi cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng, ta còn thấy đại thi hào Nguyễn Du đã khéo léo thể hiện khát vọng của mình cũng như bao người trong thời đại bấy giờ – khát vọng về sự tự do hạnh phúc, ước vọng về công bằng và lẽ phải, sẽ không còn những cuộc chia ly…
Mở bài: Trong đời Kiều có nhiều cuộc chia tay, chia tay đột ngột với Kim Trọng khi mối tình đầu chớm nở; chia tay Thúc Sinh trong tâm trạng cô đơn, đầy dự cảm không lành. Cuộc chia ly thường đau buồn, quyến luyến nhưng cuộc chia tay giữa Từ Hải và Thuý Kiều lại không mang tính bi lụy, đau buồn. Nói về cuộc chia tay nhưng thực chất là để khắc hoạ hình tượng người anh hùng lý tưởng – Từ Hải. Điều đó được thể hiện rõ qua đoạn trích Chí khí anh hùng.
Nội dung chính bài viết
Vị trí đoạn trích Chí khí anh hùng trong truyện Kiều
Đoạn trích nằm từ câu 2213 đến 2230. Thuý Kiều bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai. Trong lúc Kiều đau khổ cùng cực thì “Từ Hải vụt đến như một vì tinh lạc chiếu sáng cả một đoạn đời Kiều”. Đúng như Hoài Thanh đã nhận xét. Chí ở đây là mục đích cao cả hướng đến. Khí là nghị lực để có thể đạt được mục đích ấy.
Như vậy, “Chí khí anh hùng” là lý tưởng, mục đích cao cả và nghị lực phi thường của người anh hùng. Tuy nói về cuộc chia tay của Thúy Kiều và Từ Hải nhưng qua nhan đề ta thấy nổi bật lên không phải là nói về cuộc chia tay, hay nói về tâm trạng con người trong cuộc chia tay. Và nhân vật trung tâm được xác định qua nhan đề đoạn trích này chính là Từ Hải.
“Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này, đã dễ làm gì được nhau?
Chọc trời, khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang, nào biết trên đầu có ai?”
Có thể nói, Từ Hải không chỉ là người anh hùng lý tưởng của Kiều mà còn là người anh hùng lý tưởng của Nguyễn Du. Từ Hải chính là hiện thân cho những lý tưởng, hoài bão của Nguyễn Du.
Phân tích Từ Hải khi cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng
Từ Hải là nhân vật trung tâm của trích đoạn. Vì vậy, khi cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng, người đọc không thể không phân tích nhân vật Từ Hải.
Khát vọng lên đường của nhân vật Từ Hải
“Nửa năm hương lửa đương nồng”
Cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng, ta thấy thời điểm Từ Hải chia tay Thúy Kiều cũng là lúc cuộc sống lứa đôi đang bắt đầu và vô cùng hạnh phúc. Đó là cuộc chia tay của trai anh hùng – gái thuyền quyên. Họ nhận ra nhau ngay buổi đầu gặp gỡ “Cười rằng tri kỉ trước sau mấy người”. Thế nhưng không bằng lòng với cuộc sống êm đềm mà khao khát giấc mộng anh hùng nên Từ Hải quyết lòng ra đi.
Và khi cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng, người đọc cũng nhận thấy vào thời điểm Từ Hải ra đi lập nên sự nghiệp lớn cũng chính là lúc cuộc sống lứa đôi với Thúy Kiều mới đang bắt đầu và vô cùng mặn nồng hạnh phúc. Khi đắm chìm trong hạnh phúc, con người thường quên đi những ước mơ hoài bão của bản thân. Nhưng ở đây, ta nhận thấy cuộc sống êm ấm ấy không thể kìm hãm được lý tưởng của người anh hùng. Từ Hải không đắm mình trong hạnh phúc chốn phòng khuê. Trong phút chốc, chàng đã gác tình phu phụ để thực hiện khát khao tung hoành.
“Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”
Từ trượng phu thường dùng để chỉ người đàn ông có chí khí, là bậc anh hùng hào kiệt và được dùng với hàm ý khâm phục, ngợi ca. Trong xuyên suốt tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ dùng từ trượng phu cho riêng duy nhất Từ Hải. Vì hoài bão, ước muốn thực hiện lý tưởng luôn thường trực trong suy nghĩ của Từ nên khi đưa ra quyết định lên đường hiện thực hóa lý tưởng ấy, Từ không chút đắn đo.
Điều đó được thể hiện qua cách dùng từ “thoắt”. Từ “thoắt” không chỉ diễn tả được thời gian ngắn chỉ là một khoảnh khắc, có phần bất ngờ, có phần đột ngột, mà còn diễn tả được tâm thế của người đưa ra quyết định ấy – sự dứt khoát, mạnh mẽ. “Động lòng bốn phương” là cụm từ mang tính ước lệ để chỉ khát khao, ước muốn tung hoành. Khi cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng, ta nhận thấy đó chính là chí làm trai mà ta thường bắt gặp trong thơ ca
“Làm trai cho đáng nên trai.
Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài Yên”
(ca dao)
“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”
(Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ)
“Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.”
(Phận sự làm trai – Nguyễn Công Trứ)
Và tiếp đến nói về hình ảnh Từ Hải, Nguyễn Du còn vẽ ra một bức tranh thiên nhiên rộng lớn xứng tầm với người anh hùng.
“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”
Con người ấy muốn vùng vẫy nơi trời cao đất rộng, không chịu trói mình trong cuộc sống tù túng, gò bó. Đó chính là hình ảnh anh hùng
“Rằng Từ là đấng anh hùng
Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi”
Vì vậy nên tư thế lên đường của Từ Hải được nhìn nhận trong cả tầm mắt và hành động. Trong tầm mắt đó là câu thơ “Trông vời trời bể mênh mang”. Trông vời diễn tả cái nhìn ra xa. Sự kết hợp giữa không gian “trời bể” với từ “mênh mang” đã gợi được một không gian rộng lớn.
Cái nhìn của người anh hùng không bó hẹp trong không gian nhỏ, hẹp xung quanh mà đó là cái nhìn phóng ra xa. Không gian rộng lớn ấy tương xứng với tầm vóc của người anh hùng. Đó cũng là cảm hứng chung khi miêu tả người anh hùng thời trung đại. Cảm hứng vũ trụ, con người vũ trụ với kích thước phi thường, không gian rộng lớn. Không gian ấy rộng lớn ấy không chỉ thể hiện qua hình ảnh mà còn qua sự kết hợp về mặt thanh điệu.
Cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng, ta thấy câu thơ chủ yếu là thanh bằng với việc nối kết liên tiếp của vần “ơi”. Điều đó khiến cho không gian trở nên cao rộng như sự vô thủy vô chung của vũ trụ. Trong không gian ấy, chí khí con người cũng được nhân lên gấp bội. Đó là tư thế được nhìn nhận trong hành động “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”. Ra đi để hoàn thành sự nghiệp lớn nhưng hành trang ra đi của chàng chỉ là “thanh gươm, yên ngựa”. Một thanh gươm, một yên ngựa và một khí phách phi thường, con người ấy bắt đầu sự nghiệp lớn của mình.
Con đường hiện ra là con đường thẳng tắp với “hình ảnh con người thanh gươm yên ngựa như che đầy cả trời” như Hoài Thanh đã nhận xét. “Thẳng rong” chính là đi liền một mạch, chỉ có một hướng không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì. Khi cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng, ta cũng nhận thấy tư thế lên đường ấy gần gũi với hình ảnh lên đường của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”.
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung…
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)
Cuộc chia tay của Thúy Kiều và Từ Hải
Nếu bốn câu thời đầu chỉ mang tính chất thông báo, gợi nhắc đến hoàn cảnh của cuộc chia tay thì ở những câu thơ tiếp theo đã tái hiện lại khung cảnh chia tay của Kiều – Từ
“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”
Trước đó Kiều đã trải qua hai cuộc chia tay, và Kiều chia tay Kim Trọng:
“Dùng dằng chưa nỡ rời tay.
Vầng đông, trông đã đứng ngay nóc nhà.
Ngại ngùng một bước, một xa.
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.
Buộc yên, quảy gánh vội vàng.
Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai.
Buồn trong phong cảnh quê người.
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.
Não người cử gió tuần mưa.
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày”.
Hay là đoạn thơ khi Kiều chia tay Thúc Sinh:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào.
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi phấn chinh an.
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh.
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi.
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường”.
Và giờ đây là cuộc chia tay với Từ Hải. Vì vậy, nàng đã có những dự cảm về cuộc chia tay. Bởi lẽ mỗi cuộc chia tay đều gắn với sự thay đổi số phận của Kiều. Như sau khi chia tay Kim Trọng thì gia đình nàng gặp gia biến và dẫn đến hoàn cảnh lưu lạc. Vì thế ta có thể hiểu cho tâm trạng của Kiều lúc này có phần lưu luyến không nỡ rời xa.
Khi cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng, ta thấy nàng đã viện dẫn bổn phận trách nhiệm của người vợ “phận gái chữ tòng” gợi nhớ đến đạo tam tòng trong quan niệm Nho giáo. Đó là xét về lý. Còn xét về tình về nghĩa, “một lòng xin đi” thể hiện quyết tâm theo Từ Hải dù có gian nan vất vả. Nàng muốn cùng chàng chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Ta thấy ở Thúy Kiều không chỉ ý thức được bổn phận của người vợ, thể hiện tình yêu với chồng mà còn hiểu, khâm phục và kính trọng Từ Hải. Nàng xứng đáng là tri kỉ của bậc anh hùng.
“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”
Nếu Thúy Kiều viện dẫn đạo phu phụ thuộc về ý thức trách nhiệm bổn phận của người vợ thì Từ Hải lại viện dẫn tình tri kỷ. Ngay từ lần đầu tiếp xúc với Kiều, chàng đã coi nàng là người tri ân, tri kỷ. Trong cuộc hội ngộ ở lầu xanh chính Kiều đã nhìn ra Từ Hải bằng con mắt tinh đời của mình:
“Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.
Cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng để thấy lời nói của Từ Hải không chỉ mang hàm ý từ chối mà Từ Hải khuyên Kiều nên vượt lên thói tầm thường nhi nữ. Lời trách khéo của Từ với Kiều đồng thời cũng là lời khẳng định cho tình cảm của chàng dành cho Kiều. Đằng sau lời nói ấy là ý chí dứt khoát, kiên quyết, không bị níu kéo bởi chuyện tình cảm của Từ.
Ngoài ra, Từ Hải còn đưa ra một lý do khác:
“Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?”
Từ Hải đưa ra hiện thực của những buổi đầu gây dựng sự nghiệp. Chàng hiểu hết những khó khăn ấy, không muốn người tri kỷ của mình phải cùng mình chịu gian khổ ấy. Không chỉ nghĩ cho mình mà Từ còn nghĩ cho Kiều.
“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng, ta thấy đây chính là lời ước hẹn của Từ về một tương lai trở về. Nhưng đó không phải sự trở về bình thường mà là sự trở về khuấy động cả đất trời. Nguyễn Du đã sử dụng một loạt các từ ngữ, hình ảnh thuộc phạm trù không gian như “mười vạn tinh binh” với “tiếng chiêng dậy đất”, “bóng tinh rợp trời” gợi nên khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng Từ Hải.
Khát vọng “làm cho rõ mặt phi thường” chính là khát vọng xây dựng một sự nghiệp, công danh lừng lẫy, xuất chúng, hơn người. Và thành công ấy không chỉ là niềm tự hào chí lớn của chàng mà còn là sính lễ để chàng rước người tri kỉ. “Nghi gia” là nghi thức đón người con gái về làm vợ, làm dâu, một nghi thức có nhiều bước chu đáo và trang trọng. Những nghi thức trang trọng ấy, khí thế ấy mới phù hợp, xứng đáng với Kiều. Hoàn thành chí lớn không chỉ thỏa chí tung hoành cho chàng mà còn vì nàng.
“Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Khi cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng qua hai câu thơ trên, ta nhận ra thời gian hẹn ước đã được Từ Hải xác định. “Một năm sau” đó không phải là thời gian ngắn nhưng đối với sự nghiệp “làm rõ mặt phi thường” ấy thì đây là một khoảng thời gian ngắn. Lời ước hẹn ấy không phải lời hứa suông để an ủi Kiều mà nó thể hiện được sự tự tin của Từ Hải. Đó là lời nói của một người hiểu được, ý thức được bản thân. Qua lời nói của Từ Hải, ta nhận thấy ở Từ có sự thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.
Cảm nhận tư thế khi lên đường của Từ Hải
“Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”
Trong “Chinh Phụ ngâm” Đặng Trần Côn có tả cuộc chia tay giữa người chinh phu và người chinh phụ như sau:
“Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước giây giây lại dừng”
Nhưng trong tác phẩm Truyện Kiều khi tái hiện cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải, sau cuộc đối thoại ta không bắt gặp một nét đau thương quyến luyến của Từ Hải. Sau lời nói là một hành động mạnh mẽ “dứt áo”. Ta thấy những hành động liên tiếp nhau “quyết lời”, “dứt áo”, “ra đi”, không đắn đo, không suy nghĩ. Điều đó thể hiện được sự mạnh mẽ, dứt khoát trong hành động, quyết đoán trong suy nghĩ. Đó là cái tầm, cái tâm cần có của những người làm việc lớn.
Hình ảnh “gió mây” xuất hiện làm phông nền cho sự xuất hiện của người anh hùng ở phía sau – cánh chim bằng. Theo sách xưa kể rằng chim bằng là một giống chim rất lớn, đập cánh làm động nước trong ba ngàn dặm, cưỡi gió mà bay lên chín ngàn dặm. Chim bằng trong thơ văn thường tượng trưng cho khát vọng của người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn.
Đem hình ảnh chim bằng để ẩn dụ cho tư thế ra đi của Từ Hải, Nguyễn Du muốn khẳng định Từ chính là bậc anh hùng cái thế có tầm vóc phi thường, sánh ngang đất trời, vũ trụ. Cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng qua cụm từ “Đã đến kỳ dặm khơi” cho thấy nhà thơ đã xác định và khẳng định đến lúc Từ Hải ra đi thực hiện lý tưởng của mình.
Nhận xét tác phẩm khi cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng
Cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng, ta thấy ước mơ công lí của Nguyễn Du được gửi gắm qua hình tượng Từ Hải, một con người có phẩm chất và chí khí phi thường. Con người ấy được Nguyễn Du vận tâm miêu tả như chạm như khắc bằng hành động và lời nói mạnh mẽ, dứt khoát. Ở nhân vật này, ta không bắt gặp những phút giây dùng dằng của tâm tư hay những phút giây đau khổ, bi lụy vì tình yêu. Bởi Từ Hải là người anh hùng, là người duy nhất mang lại công bằng cho cuộc đời Kiều. Từ là điểm được vững chắc nhất của Kiều.
Kết bài: Cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng, ta thấy Nguyễn Du đã tái hiện lại cuộc chia tay giữa Kiều và Từ Hải nhưng không để lại dư vị đau buồn mà để lại một hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng ra đi vì chí lớn. Tuy trong tác phẩm, Từ Hải sẽ chết nhưng hình ảnh người anh hùng “đầu đội trời chân đạp đất” ấy sẽ mãi sống trong lòng người đọc. Từ không chỉ là người anh hùng lý tưởng của Kiều của Nguyễn Du mà còn là của biết bao thế hệ độc giả sau này.
Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng của Nguyễn Du
Để giúp các em nắm được những ý chính trong bài viết, dưới đây DINHNGHIA.COM.VN sẽ lập dàn ý bài viết cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng.
Mở bài cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng
- Đôi nét về đại thi hào Nguyễn Du cùng kiệt tác truyện Kiều.
- Giới thiệu đoạn trích Chí khí anh hùng trong truyện Kiều: Vị trí, nội dung đặc sắc, nghệ thuật.
Thân bài cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng
- Phân tích khát vọng lên đường của nhân vật Từ Hải.
- Cảm nhận về cuộc chia tay của Thúy Kiều với Từ Hải.
- Nhận xét tư thế khi lên đường của người anh hùng Từ Hải.
Kết bài cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng
- Tóm tắt giá trị nội dung và nghệ thuật của trích đoạn cũng như tác phẩm.
- Khái quát lại ý nghĩa của đoạn trích Chí khí anh hùng: Biểu đạt hình tượng về người anh hùng lý tưởng, đồng thời cũng ngợi ca sự chân tình của hai nhân vật Thúy Kiều và Từ Hải.
Cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng trong truyện Kiều của Nguyễn Du đã giúp mỗi người thấy được hình ảnh người trượng phu quyết chí ra đi vì chí lớn, vì lý tưởng của mình với lời hứa hẹn trở về vinh quang. Đó cũng chính là những ước mong của đại thi hào Nguyễn Du về một người anh hùng dám đứng lên chống lại cường quyền, mang lại hạnh phúc và công bằng trong xã hội.
Trên đây là những phân tích và cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng của Nguyễn Du. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu của bản thân với chủ đề cảm nhận về đoạn trích Chí khí anh hùng. Chúc bạn luôn học tốt!
Xem thêm >>> Cảm nhận Trao duyên – Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du
Xem thêm >>> Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên