Cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

Or you want a quick look: Khái quát Nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý

Cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí giúp các em học sinh tham khảo và củng cố kĩ năng phân tích đề, xác định luận điểm, phát triển luận cứ cũng như hướng dẫn chi tiết cách làm bài. nghị luận về tư tưởng và đạo đức.

Tải Bài Mẫu

Văn nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo đức là những đề khá quen thuộc, gần gũi nên các em dễ viết lan man, viết theo cảm tính, không phân chia luận điểm rõ ràng, viết không đầy đủ các bước. không bao giờ có thể đạt điểm cao. Vậy sau đây là nội dung chi tiết của tài liệu, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Khái quát Nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý


Nghị luận về một tư tưởng đạo lí có thể đề cập đến các vấn đề của đời sống xã hội như: đạo đức, tư tưởng, văn hoá, nhân sinh quan, thế giới quan,…

Văn mẫu nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí | Văn mẫu 9

Có thể khái quát một số vấn đề thường được đưa vào đề thi như: Về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống); Về tâm hồn, tính cách, phẩm chất (lòng nhân ái, vị tha, độ lượng, tính trung thực, dũng cảm chăm chỉ , cần cù,…); Về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội (tình mẫu tử, tình anh em, tình thầy trò, tình bạn, tình đồng bào,…); Về lối sống, quan niệm sống,…

Đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí khá đa dạng: Có thể nêu rõ yêu cầu nghị luận, có thể chỉ đưa ra vấn đề nghị luận mà không đưa ra yêu cầu cụ thể nào, có đề nêu trực tiếp vấn đề nghị luận, có đề gián tiếp đưa ra vấn đề nghị luận qua một câu danh ngôn, một câu ngạn ngữ, một câu chuyện,…Vì vậy học sinh cần nắm chắc kĩ năng làm bài.

Các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là: Sử dụng thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa nghĩa tường minh, hàm ẩn (nếu có); sử dụng thao tác lập luận phân tích để chia tách vấn đề thành nhiều khía cạnh, nhiều mặt, chỉ ra các biểu hiện cụ thể của vấn đề; sử dụng thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề. Dẫn chứng lấy từ thực tế, có thể lấy trong thơ văn nhưng không cần nhiều (tránh lạc sang nghị luận văn học); sử dụng thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ để đối chiếu với các vấn đề khác cùng hướng hoặc ngược hướng, phủ định cách hiểu sai lệch, bàn bạc tìm ra phương hướng,…

Các bước làm bài Nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý


Bước 1: Giải thích tư tư tưởng, đạo lí.

Đầu tiên, cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề

bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ,…). Thường trả lời câu hỏi: Là gì? Như thế nào? Biểu hiện cụ thể?

Bước 2: Bàn luận

– Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).

-Bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề: bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.

Bước 3: Mở rộng

– Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.

– Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.

– Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.

Người tham gia nghị luận đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó là công nhận cái đúng, ngược lại ,nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.

Trong các bước mở rộng, tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của mình mà áp dụng cho tốt, không nên cứng nhắc.

Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động.

Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Kỹ năng phân tích đề nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý


Phân tích đề là chỉ ra những yêu cầu về nội dung, thao tác lập luận và phạm vi dẫn chứng của đề. Đây là bước đặc biệt quan trọng trong làm văn nghị luận xã hội.

Các bước phân tích đề: Đọc kĩ đề bài, gạch chân các từ then chốt (những từ chứa đựng ý nghĩa của đề), chú ý các yêu cầu của đề (nếu có), xác định yêu cầu của đề (Tìm hiểu nội dung của đề, tìm hiểu hình thức và phạm vi tư liệu cần sử dụng).

Cách Làm Bài Văn Nghị Luận Xã Hội 200 Từ Dễ Ghi Điểm Cao Nhất – Lingocard.vn

Cần trả lời các câu hỏi sau:

– Đây là dạng đề nào?

– Đề đặt ra vấn đề gì cần giải quyết?

Có thể viết lại rõ ràng luận đề ra giấy. Có 2 dạng đề:

Đề nổi, học sinh dễ dàng nhận ra và gạch dưới luận đề trong đề bài.

Đề chìm, học sinh cần đọc kĩ đề bài, dựa vày ý nghĩa câu nói, câu chuyện, văn bản được trích dẫn mà xác định luận đề.

Ví dụ minh hoạ:

Dạng đề trong đó tư tương đạo lí được nói đến một cách trực tiếp.

Ví dụ: bàn về sự tự tin, lòng tự trọng của con người trong cuộc sống, tinh thần tự hào dân tộc.

Dạng đề trong đó tưởng đạo lí được nói tới một cách gián tiếp.

Ví dụ 1: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” (B.Babbles) Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Hướng dẫn phân tích đề:

Ý kiến trên có các từ khoá trọng tâm cần giải thích :

“Sứ mạng”: Vai trò lớn lao, cao cả của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. “Người mẹ”: Người sinh ra con cái, rộng hơn đó chính là mái ấm gia đình.

“Chỗ dựa cho con cái”: nơi che chở, yêu thương , là nơi con cái có thể nương tựa.

Câu nói đã đưa ra quan điểm giáo dục của cha mẹ với con cai hết sức thuyêt phục: Vai trò của cha mẹ không chỉ nằm trong việc dạy dỗ con mà quan trọng hơn là làm sao để con cái biết sống chủ động, tích cực, không dựa dẫm. Đây chính là vấn đề nghị luận.

Ví dụ 2. Chiếc bình nứt.

Một người có hai chiếc bình lớn để chuyển nước. Một trong hai chiếc bình bị nứt nên khi gánh từ giếng về, nước trong bình chỉ còn một nửa.chiếc bình lành rất hãnh diện về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc bình nứt luôn dằn vặt, cắn rứt vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một hôm chiếc bình nứt nói với ông chủ: “Tôi thực sự thấy xấu hổ về mình … Tôi muốn xin lỗi ông… Chỉ vì tôi bị nứt mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức mà ông bỏ ra.” “Không đâu

READ  Ngày lễ tình nhân Valentine là vào ngày nào? Có mấy ngày Valentine?

– ông chủ trả lời – khi đi về ngươi có chú ý tới những luống hoa bên đường không? Ngươi không thấy hoa chỉ mọc bên này đường phía đường của nhà ngươi sao? Ta đã biết được vết nứt của nhà ngươi nên đã gieo hạt giống hoa bên ấy. Trong những năm qua, ta đã vun xới cho chúng và hái chúng về để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi nhà ta có ấm cúng và duyên dáng như thế này không?”.

Cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như chiếc bình nứt. Anh( Chị) có đồng ý với câu kết của văn bản trên không?

Hướng dẫn: Người viết cần đọc kĩ câu chuyện, giải thích ý nghĩa biểu tượng của các hình ảnh để rút ra vấn đề nghị luận.

Giải thích: “vết nứt”: tượng trưng cho những gì khiếm khuyết, không trọn vẹn trong bản thân mỗi con người.

Vấn đề nghị luận: Mỗi chúng ta – dù không hoàn hảo như chiếc bình lành nhưng, ai cũng có giá trị riêng, những đóng góp riêng cho xã hội. Điều đó làm nên sự khác nhau của mỗi người trong cuộc đời.

Kỹ năng xác định luận điểm, triển khai luận cứ


Học sinh cần dựa vào dàn ý chung của kiểu bài nghị luận về tư tưởng đạo lí để xác định các luận điểm cho bài viết. Thông thường, bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí sẽ có những luận điểm chính sau:

Luận điểm 1: Giải thích tư tưởng đạo lí

Luận điểm 2: Bình luận, chứng minh tư tưởng đạo lí, phê phán những biểu hiện sai lệch liên quan đến vấn đề

Luận điểm 3: Bài học rút ra

Để thuyết minh cho luận điểm lớn, người ta thường đề xuất các luận điểm nhỏ. Một bài văn có thể có nhiều luận điểm lớn, mỗi luận điểm lớn lại được cụ thể hoá bằng nhiều luận điểm nhở hơn. Tuỳ vào từng đề bài, học sinh có thể triển khai những luận điểm nhỏ hơn.

Ví dụ minh hoạ:

Đề bài: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”. (Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập)
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định trên.

Bài văn trên có những luận điểm sau:

Luận điểm 1: Giải thích ý nghĩa thông điệp của tác giả. Tác giả muốn khẳng định chân lí: Muốn có hạnh phúc và thành công trên đường vinh quang mỗi người bắt buộc phải biết “chịu đau” khi gặp những “mũi gai” và “đi qua muôn ngàn sóng gió”.

Luận điểm 2: Bàn luận

Vì sao tác giả khẳng định như thế? Lấy dẫn chứng để chúng minh vấn đề

Luận điểm 3: Nêu bài học rút ra: để thành công trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần suy nghĩ và hành động như thế nào?

Khi xây dựng lập luận, điều quan trọng nhất là phải tìm cho được các luận cứ có sức thuyết phục cao.Luận cứ là những ý nhỏ, triển khai cho luận điểm. Luận cứ có thể là dẫn chứng, lí lẽ làm sáng tỏ cho luận điểm. Luận cứ phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau:

+ Trước hết, luận cứ phải phù hợp với yêu cầu khẳng định của luận điểm. Nội dung của luận cứ phải thống nhất với nội dung của luận điểm.

+ Thứ hai, luận cứ phải xác thực, tức là nó phải đúng đắn. Khi nêu luận cứ, người viết cần biết chính xác về nguồn gốc, các số liệu, các sự kiện, tiểu sử nhân vật,… Biết không chắc chắn thì chưa vội sử dụng. Tuyệt đối không được bịa đặt luận cứ.

+ Thứ ba, luận cứ phải tiêu biểu.

+Thứ tư, luận cứ phải vừa đủ, đáp ứng yêu cầu chứng minh toàn diện cho luận điểm.

Học sinh cần trích dẫn chính xác. Nhớ nguyên văn thì đặt trong ngoặc kép, nhớ đại ý thì chuyển thành lời gián tiếp.

Dàn ý bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí


1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: dẫn dắt câu nói, dẫn dắt vào nội dung.

2. Thân bài

a. Giải thích khái niệm

Đối với đề bài có câu nói: trích dẫn câu nói, phân tích câu nói.

Đối với đề bài không có trích dẫn câu nói (vd: bàn về tính kiên trì): phân tích từ khóa quan trọng.

→ Rút ra ý nghĩa, bài học từ câu nói.

b. Phân tích

Phần phân tích trả lời cho câu hỏi: tại sao? (vd: tại sao có chí thì nên?)

(Lưu ý: đảm bảo trả lời từ 2 – 3 ý trở lên).

c. Chứng minh

Dẫn chứng từ nhân vật (văn học, lịch sử, khoa học xã hội…)

Dẫn chứng từ thực tế đời sống: những tấm gương tiêu biểu từ đời sống.

d. Phản biện

Lật ngược vấn đề:

Đối với đề bài phân tích xuôi (vd: bàn luận về ý kiến: “có chí thì nên”) thì phản biện ngược (những người không có chí thì sẽ…).

Đối với đề bài phân tích ngược (vd: “cái giá của việc đánh mất chữ tín”) thì phản biện xuôi (giữ “chữ tín” sẽ giúp chúng ta có được những gì?)

3. Kết bài

Bài học nhận thức và phương hướng hành động.

Tóm tắt lại vấn đề (kết lại ý nghĩa của văn bản).

Liên hệ bản thân.

Mẫu đề Nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý


Đề 1: Phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa của câu nói: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học).

1. Mở bài

– Có rất nhiều yếu tố giúp con người thành công trong cuộc sống. Người xưa thì khái quát thành “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Người nay lại khẳng định lí tưởng cao đẹp, phương pháp đúng đắn, hiểu biết sâu sắc, bản lĩnh sáng tạo…

– Song có lẽ, không ai phủ nhận vai trò của ý chí, nghị lực. Câu nói của Nguyễn Bá Học “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” góp thêm một tiếng nói đáng tin cậy về vai trò của ý chí, nghị lực.

2. Thân bài

a) Giải thích ý kiến

– Giải thích từ, hình ảnh:

+ “ngăn sông cách núi” là một hình ảnh vừa mang ý nghĩa cụ thể chỉ những không gian địa lí hiểm trở, vừa chứa ý nghĩa khái quát về những chướng ngại, thử thách, khó khăn khách quan.

+ “lòng người ngại núi e sông”: diễn tả những chướng ngại, thử thách, khó khăn thuộc chủ quan – bản thân con người chưa thông suốt về tư tưởng, không có ý chí, quyết tâm, nhụt chí, nản lòng.

+ “đường đi” không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn là cách nói khái quát về công việc, sự nghiệp:

– Nội dung câu nói: Câu nói muốn khẳng định và nhấn mạnh yếu tố tinh thần, tư tưởng của con người đối với công việc. Một khi tư tưởng thông suốt, tinh thần vững vàng thì sẽ có quyết tâm cao, có ý chí mạnh mẽ để vượt qua được khó khăn, thử thách.

b) Bàn luận

(1) Vai trò của ý chí, nghị lực:

– Con đường đời luôn ẩn chứa nhiều chông gai thử thách. Bởi vậy, khi thực hiện một công việc, xây dựng một sự nghiệp, nếu bản thân con người chưa thông suốt về tư tưởng, không có ý chí, quyết tâm, nhụt chí, nản lòng… thì khó có thể vượt qua những thử thách dù lớn hay nhỏ.

– Vượt qua khó khăn thử thách của đường đời đã khó, vượt qua sự ngại khó ngại khổ của bản thân còn khó hơn. Vì thế, con người cần nhận thức đúng, sâu sắc tư tưởng để có tinh thần vững vàng. Ý chí, nghị lực, quyết tâm chính là sức mạnh tinh thần để con người bắt tay thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả. Khi ấy, dù đối mặt với những thử thách bất ngờ, tưởng như quá khả năng, con người vẫn sẽ có cách để khắc phục, chiến thắng.

(2) Biểu hiện của ý chí, nghị lực trong đời sống và trong văn học

READ  Free Fire: Lịch thi đấu Đấu trường sinh tồn mùa xuân 2021

– Trong đời sống:

+ Nhờ có ý chí, quyết tâm cao độ, Bác Hồ kính yêu mới vượt qua bao khó khăn, thử thách trên hành trình bôn ba suốt ba mươi năm tìm đường cứu nước. Chính Bác cũng đã khẳng định vai trò to lớn của ý chí, nghị lực: Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên

+ Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta, nếu không có quyết tâm cao, ý chí sắt đá giành độc lập, mang nặng tâm lí “nước nhược tiểu”, sẽ không thể có nguồn sức mạnh tinh thần vô địch để đứng vững và chiến thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo, hùng hậu, hung hãn (cuộc chiến đấu chống Mông Nguyên, cuộc đấu tranh vệ quốc chống Pháp và giải phóng đánh Mĩ…).

+ Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bằng sức mạnh của tinh thần, chúng ta đã vượt lên nhiều thử thách để bảo vệ thành quả dựng nước của cha ông ta, làm cho tổ quốc Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, có thể sáng vai với bạn bè quốc tế…

+ Các nhà khoa học đã nghiên cứu kiên trì, bền bỉ…để có được những phát minh, công trình khoa học giúp ích cho con người.

– Trong văn học nghệ thuật:

+ Có nhiều nhà văn bằng ý chí, nghị lực phi thường đã vượt lên hoàn cảnh, cs nghèo khổ, xh xấu xa để trở thành những nhà văn lớn được kính trọng về nhân cách và tài năng (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Gorki, Solokhop, Victor Hugo, Moda…)

+ Có rất nhiều tác phẩm ca ngợi, khẳng định sức mạnh kì diệu của ý chí, nghị lực con người (anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, tổ nữ trinh sát mặt đường trong Những ngôi sao xa xôi, những người lính trong thơ ca kháng chiến Đồng chí, Tây Tiến, Bài thơ về tiểu đội xe không kính…

(3) Mở rộng, phản đề

– Câu nói trên đề cao tinh thần vượt khó chứ không khuyên con người đạt được mục tiêu bằng mọi giá.

– Phê phán những người vừa gặp khó khăn đã nản chí, vừa gặp thất bại đã buông xuôi, chưa làm được việc mà đã tưởng tưởng ra những khó khăn, nguy hiểm…

c) Bài học nhận thức và hành động

– Câu nói đã khẳng định được vai trò quan trọng của ý chí, nghị lực đối với việc vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời của mỗi người.

– Mỗi chúng ta cần rèn luyện ý chí, nghị lực để sẵn sàng đối diện với những khó khăn thử thách.

3. Kết bài

– Như vậy, trên đường đời đầy gian nan thử thách, mỗi người phải có nghị lực sống để vượt qua tất cả, “nghị lực sống sẽ mở ra cho chúng ta những con đường đi đến thành công!”.

Đề 2: Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết.

1. Mở bài

– Trong cuộc sống, nhiều khi người ta chỉ nghĩ đến việc ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết mà ít chú ý phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người. Hai vấn đề ấy rất chặt chẽ với nhau, quan trọng và cần thiết như nhau.

– Ý kiến: “Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết” thật sâu sắc và đúng đắn.

2. Thân bài

a) Giải thích vấn đề

– Lòng vị tha, tình đoàn kết:

+ Lòng vị tha: là tấm lòng biết vì người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng hay xã hội;

+ Tình đoàn kết: là tình cảm làm cho nhiều người liên hợp với nhau tạo thành một khối nhất trí, gắn bó trên cơ sở một lợi ích chung nào đó. Lòng vị tha và tình đoàn kết là những tình cảm cao đẹp của con người. Lòng vị tha và tình đoàn kết được thể hiện thường xuyên là cơ sở hình thành lối sống nhân ái, hoà hợp – một trong những lối sống đẹp nên thường được ca ngợi, biểu dương, trân trọng.

– Thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người: là thái độ không quan tâm tới, không có chút tình cảm gì đối với con người và cuộc sống; không có biểu hiện tình cảm thân mật, gần gũi trong giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người. Thờ ơ, lạnh nhạt là dấu hiệu của thái độ sống ích kỉ, nhỏ nhen, tầm thường ở con người. Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người nếu thành thói quen sẽ hình thành lối sống vô tâm, tàn nhẫn, tầm thường – một trong những lối sống xấu xa khiến con người dễ trở thành kẻ tha hoá, tàn bạo, mang thú tính, do đó cần phải phê phán, lên án mạnh mẽ.

b) Bàn luận

(1) Ý nghĩa, tác dụng:

– Trong xã hội cũng như trong mỗi con người đều tồn tại cả hai thái độ sống thờ ơ, lạnh nhạt, và vị tha, đoàn kết. Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người, ca ngợi lòng vị tha và tình đoàn kết thực chất là hai mặt của một vấn đề, chúng liên quan rất chặt chẽ với nhau, đều chung mục đích xây dựng lối sống đúng đắn và cao đẹp cho con người, tạo dựng một môi trường sống tốt đẹp vì con người:

+ Ca ngợi lòng vị tha và tình đoàn kết là để khẳng định một lối sống đẹp nhằm khuyến khích những con người có lối sống đúng đắn ấy tiếp tục thể hiện và phát huy trong mọi mối quan hệ giao tiếp; mặt khác cũng góp phần làm cho con người khác có thể học tập, phấn đấu noi theo. Như thế sẽ làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn, góp phần tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh, nhân ái, hoà hợp.

+ Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người là cách bộc lộ thái độ không đồng tình, bất bình trước một lối sống xấu xa, nhằm cảnh tỉnh những người đang có lối sống sai lạc đó; giúp họ thay đổi, điều chỉnh dần để hướng đến một cách sống đúng đắn, đẹp đẽ hơn như biết sống nhân ái, đoàn kết với mọi người…; phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người cũng là cách nhằm hạn chế, ngăn chặn những biểu hiện khác của lối sống sai trái như giả dối, tham lam, tàn bạo… góp phần tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh, nhân ái, hoà hợp.

(2) Biểu hiện

– Trong cuộc sống: Việc phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người được thể hiện dưới nhiều hình thức gắn với những biểu hiện phong phú, đa dạng nhiều khi khó nhận ra của thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người.

+ Nhắc nhở, khuyên nhủ khi thấy ai đó chưa biết quan tâm, cảm thông, chia sẻ những khó khăn, vất vả, gánh nặng… của người thân hoặc có những lời nói, việc làm, ứng xử khiến người thân lo, buồn, khổ tâm…

+ Tỏ thái độ không đồng tình với một người vô tâm chạm vào nỗi đau, nỗi bất hạnh… của một ai đó.

+ Bất bình khi một ai đó dửng dưng, giễu cợt, cười nhạo người tàn tật, kẻ ăn mày, nghèo khổ, gặp tai hoạ bất ngờ; thậm chí còn tỏ ra hả hê khi thầy người mình không ưa, không thích thất bại, mất mát hay tức tối, ghen tị khi thấy người khác thành công.

+ Lên án người đã xúc phạm nặng nề danh dự, nhân phẩm, nhân cách con người vì những mục đích đen tối, xấu xa.

+ Kiên quyết đấu tranh để gạt bỏ lối sống thờ ơ, lạnh nhạt.

– Trong văn học: Văn học sinh ra và tồn tại được trong cuộc đời là để thực thi sứ mệnh cao cả trở thành “thứ khí giới thanh cao và đắc lực… để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam). Vì vậy, trong văn học, cùng với việc ngợi ca lòng vị tha và tình đoàn kết, nhà văn còn thể hiện nhiệt tình phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người:

READ  Kí tự chữ nhỏ, ký tự số nhỏ FF

+ Lỗ Tấn một lần đi xem phim thấy những người Trung Quốc hăm hở đi xem người Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho quân Nga đã giật mình: Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân. Và thế là ông chuyển từ nghề thuốc sang làm văn nghệ. Thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh chính là một trong những biểu hiện của “quốc dân tính” mà ông phê phán.

+ Trong các sáng tác dân gian: Mẹ con Cám thờ ơ lạnh nhạt với nỗi khổ, những nhu cầu sống, ước mơ chính đáng của Tấm, trở thành kẻ tàn nhẫn, độc ác nên đã bị tác giả dân gian trừng trị đích đáng…

+ Trong các tác phẩm văn học viết: Tắt đèn – Ngô Tất Tố; Số đỏ – Vũ Trọng Phụng; Chí Phèo – Nam Cao…

(3) Mở rộng, phản đề:

– Cách thức phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người cũng rất cần thiết và quan trọng: Phê phán trung thực, thẳng thắn nhưng cũng cần khéo léo, tế nhị. Để sự phê phán có tác dụng tích cực, phải luôn xuất phát từ thái độ thiện chí với tinh thần xây dựng. Tránh lối phê phán nhằm bêu riếu, hạ thấp, xúc phạm.

– Trong cuộc sống hiện nay, khi mà tư tưởng tôn trọng cá nhân đang được đề cao, trong chừng mực nào đó, người ta hay dựa vào tư tưởng này để ngụy biện cho thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người. Cũng có biểu hiện ngộ nhận thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người là tôn trọng tự do cá nhân, là không can thiệp vào cuộc sống của nhau. Thực ra đó là cách sống “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” mà cha ông ta từng phê phán.

– Đôi khi cũng có hiện tượng con người vin vào lí do bận bịu công việc mưu sinh, lập nghiệp, theo đuổi lí tưởng riêng mà vô tình trở thành kẻ thờ ơ với cha mẹ, vợ con, anh em, hàng xóm… Bởi vậy, việc ca ngợi lòng vị tha và tình đoàn kết luôn đồng hành với việc phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người. c) Bài học nhận thức và hành động

– Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người, ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết thực chất là hai mặt của một vấn đề, chúng liên quan rất chặt chẽ với nhau, đều chung mục đích xây dựng lối sống đúng đắn và cao đẹp cho con người, tạo dựng một môi trường sống tốt đẹp vì con người.

– Luôn biết nhận ra, biết xấu hổ với những biểu hiện sống thờ ơ, lạnh nhạt của chính mình với niềm vui sướng, nỗi buồn đau hay thành công thất bại của người sống quan mình. Từ đó, nghiêm khắc phê phán bản thân , quyết tâm khắc phục, từ bỏ thái độ sống như thế.

3. Kết bài

– Làm điều xấu tất nhiên là không tốt nhưng thấy cái xấu mà không lên án thì cũng chẳng phải là tốt. Vì thế, phê phán thái độ ghẻ lạnh, thờ ơ là đúng, là cần thiết trong thế giới nhân ái, nhân văn.

– Ý kiến đúng đắn đã giúp mỗi người khắc phục được cách ứng xử có tính chất cực đoan trước những vấn đề đạo đức, nhân sinh đang nảy sinh trong đời sống.

Đề 3: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận” (Euripides). Anh (chị) nghĩ thế nào về câu nói trên?

1. Mở bài

– Cuộc sống bôn ba vất vả để mưu sinh, nhiều lúc con người ta cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Khi đó, điểm tựa và nguồn động lực lớn lao có thể đưa con người vượt qua khó khăn đó chính là gia đình.

– Bàn về ý nghĩa và vai trò to lớn của gia đình đối với mỗi cá nhân, Euripides nói: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”

2. Thân bài

a) Giải thích

– Gia đình: chỉ mối quan hệ hôn nhân và huyết thống giữa các thành viên của gia đình, thể hiện tình cảm gắn bó bền chặt, không thể chia cắt.

– Tai ương của số phận: chỉ những khó khăn, trắc trở gặp phải khi bước trên đường đời.

– Nội dung câu nói: Khẳng định vai trò to lớn của gia đình đối với mỗi con người – gia đình là sức mạnh giúp con người vượt lên khó khăn, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và vững vàng hơn trong cuộc sống.

b) Bàn luận

(1) Vai trò của gia đình

– Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người và là gốc rễ của mọi điều tốt đẹp nhất cuộc sống. Gia đình không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách của một con người mà còn góp phần lớn tạo ra những thành công khi trưởng thành.

+ Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tài năng và nhân cách con người. Bởi vậy, mỗi con người sinh ra và lớn lên, trưởng thành đều có sự ảnh hưởng, giáo dục to lớn từ truyền thống gia đình.

Chính điều đó sẽ là hành trang cho mỗi chúng ta bước vào đời, giúp ta khẳng định năng lực và phẩm giá của mình để thành công trong cuộc sống.

+ Gia đình là cái nôi hạnh phúc của con người từ bao thế hệ: không chỉ đùm bọc, chở che, gia đình còn giúp con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Trong cuộc đời, không ai có thể tránh khỏi những va vấp, những tổn thương, những khó khăn thử thách, những thất bại. Khi đó, gia đình sẽ là nơi bao bọc, chở che, động viên, vỗ về chúng ta đứng lên sau thất bại, là chỗ dựa vững chắc và vô điều kiện những khi ta đã “lưng chùng gối mỏi” sau những lúc tất tả trên đường đời.

(2) Trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình

– Câu nói trên đặt ra vấn đề cho mỗi con người, xã hội: Bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó cần: trong gia đình mọi người phải biết thương yêu, đùm bọc chở che nhau; phê phán những hành vi bạo lực gia đình, thói gia trưởng…

(3) Mở rộng, phản đề

– Gia đình có vai trò to lớn đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con người vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không được sự chở che, đùm bọc, giáo dục, nâng đỡ của gia đình nhưng vẫn thành đạt, trở thành con người hữu ích cho xã hội.

– Gia đình là quan trọng như thể sinh mệnh con người vậy mà có những đứa con bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ; lãng quên cội nguồn, cự tuyệt tình thân; sống thiếu trách nhiệm đối với những người thân trong gia đình.

c) Bài học nhận thức và hành động

– Câu nói trên thật đúng khi khẳng định vai trò của gia đình đối với cuộc sống mỗi người. Vì gia đình có giá trị bền vững và vô cùng to lớn không bất cứ thứ gì trên cõi đời này sánh được, cũng như không có bất cứ vật chất cũng như tinh thần nào thay thế nổi.

– Mỗi chúng ta cần góp phần bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hãy biết thương yêu, đùm bọc, chia sẻ cho nhau. Hãy biết nhẫn nhịn, chịu đựng, hi sinh để gia đình luôn là tổ ấm hạnh phúc nhất.

3. Kết bài

– Ai đó đã định nghĩa: Gia đình, đó là nơi ngay cả khi nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc. Vậy chúng ta hãy bằng tình yêu và hành động của mình để cho niềm hạnh phúc ấy luôn được reo lên trong hai tiếng thiêng liêng “gia đình”.

See more articles in the category: TIN TỨC

Leave a Reply