Or you want a quick look: Đường phố Hà Nội về đêm
Du lịch Hà Nội nếu thiếu những trải nghiệm phố cổ hà nội về đêm thì chưa thể nói là trọn vẹn. Bỏ qua những ồn ào tấp nập của cuộc sống hiện đại, đi qua những thăng trầm của thời đại mới, phố cổ Hà Nội vẫn ở đó, đứng nép mình giữ lấy nét cổ kính của người Hà Thành. Đã bao lần tự dằn lòng không phải quên Hà Nội, quên phố cổ đi. Nhưng rồi vẫn đặt cho mình tấm vé đi Hà Nội, bởi vì nhớ, nhớ Hà Nội, nhớ phố cổ Hà Nội.
Đường phố Hà Nội về đêm
Có người từng nói phố cổ Hà Nội về đêm nhìn bé tí tẹo, nhưng làm sao đi hết những ngõ nhỏ, làm sao thưởng thức hết món ngon, làm sao biết hết mùi vị nhẹ nhàng nơi phố cổ Hà Nội. Trong cuộc đời, rồi ta sẽ đi qua biết bao nhiêu con phố, bao nhiêu đất nước, liệu có được nơi nào níu kéo bước chân ta như phố cổ Hà Nội.
Video: Ngắm Hà Nội về đêm từ trên cao
Phố cổ Hà Nội về đêm khoác lên mình một vẻ đẹp kiêu sa, được gắn bởi hàng trăm, hàng triệu ánh đèn. Các tấm pano trang trí trên đường đi được thay đổi chủ đề theo từng năm, tạo hiệu ứng tích cực về thị giác. Đặc biệt là trong những dịp như ngày lễ, ngày tết của đất nước, giáng sinh…thì lại càng đẹp hơn gấp bội. Khu vực hồ Gươm là nơi hội tụ nhiều nhất việc bố trí các tiểu cảnh trang trí bằng đèn led, các phương tiện phát sáng khác, thu hút du khách tới đây thăm quan và chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Đường phố Hà Nội về đêm tấp nập người xe qua lại, nhưng cái tấp nập ấy không phải bịn cuốn theo guồng quay của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền, mà đây là thời gian để gia đình, bạn bè gặp gỡ, tụ họp với nhau. Dưới lòng đường là thế, còn trên các vỉa hè, hàng quán cũng đang ồn ã, nhộn nhịp. Một đặc trưng của Hà Nội về đêm ấy là sự bùng nổ của các quán ăn vỉa hè, dân dã, gần gũi, phải chăng cái chất quê trong phố vẫn thể hiện trong điều đó.
Phố đi bộ Hà Nội
Phố đi bộ Hà Nội gồm một khu vực được quy hoạch nhiều tuyến phố trên Hồ Gươm là nơi vui chơi cho người dân từ năm 2016, gọi là phố đi bộ, vì nếu sử dụng phương tiện giao thông, bạn phải gửi xe và đi bộ vào trong các tuyến phố này.
Phố bia Tây Tạ Hiện nhộn nhịp
Để không cản trở việc sinh hoạt bình thường của người dân Thủ đô, đồng thời vẫn đảm bảo không gian vui chơi cho người dân cũng như thu hút khách du lịch, phố đi bộ được mở ra vào thời điểm cuối tuần. Thời gian phố đi bộ bắt đầu từ 19 giờ tối thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật hàng tuần tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ phụ cận.
Chợ đêm phố cổ
Chợ đêm phố cổ là khu vực chính của phố đi bộ, nằm ngay sát Hồ Gươm và chạy dài suốt cung đường phố Hàng Ngang, hàng Đào tới tận cổng chợ Đồng Xuân. Thả bộ đi dọc theo chợ đêm, bạn có thể tùy ý lựa chọn cho mình những món hàng từ đồ thủ công mỹ nghệ được sáng tạo bởi bàn tay cũng những nghệ nhân như lược ngà, chuồn chuồn tre, đồ dùng từ gỗ…, hay những món hàng độc đáo như thiệp 3D, đồ chơi…Các mặt hàng chủ yếu được bày bán tại chợ đêm phố cổ là quần áo, giày dép, các phụ kiện thời trang cho các bạn trẻ.
Một điểm chung là các mặt hàng được bày bán trong chợ đêm giá cả đều khá hợp lý. Tuy nhiên, một lưu ý là cũng không tránh khỏi tình trạng bị chặt chém và bạn nên trả giá khi mua đồ là quần áo tại chợ Đêm. Con đường đi lại quanh chợ khá hẹp, cộng với lượng khách du lịch và người dân tới thăm quan rất đông, nên bạn cũng cần phải bảo quản tư trang của mình, tránh tình trạng xảy ra việc mất cắp ngoài ý muốn. Tốt nhất là bạn nên đeo túi trước ngực, hoặc chỉ mang túi nhỏ gọn bên người.
Các hoạt động vui chơi trong phố đi bộ
Phố đi bộ là không gian văn hóa, giải trí thú vị cho người dân Hà Nội và du khách khi tới đây. Với không gian rộng rãi, những con đường thoáng đãng, thích hợp tái hiện lại những trò chơi dân gian của “tuổi thơ dữ dội” mà ngày nay, các con, các cháu không có cơ hội nhiều được tiếp cận như: Nhảy dây, kéo co, chơi chuyền, đá cầu… Không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà đây còn là những hoạt động kết nối cộng đồng. Không phân biệt là già hay trẻ, trai hay gái… chỉ cần thích là bạn có thể sẵn sàng trở thành một phần của trò chơi, tiếng cười, tiếng nói cứ thế vang xa cả một khu phố
Các trò chơi dân gian diễn ra trên phố đi bộ
Vẽ tranh chân dung là một đặc trưng của phố đi bộ Hà Nội. Không khó có thể bắt gặp các anh, các chú, các bác họa sĩ dạo ngồi ven hồ. Dụng cụ rất đơn giản chỉ bao gồm giá vẽ, các bức ảnh chân dung “quảng cáo” về trình độ cho khách hàng thẩm định, khi ưng cái mắt thì ngồi xuống làm mẫu và rất nhanh chỉ 15 - 20 phút sau, bạn sẽ có một bức tranh chân dung bằng chì cho riêng mình.
Một bác họa sĩ già đang tác nghiệp
Một lần làm model cũng đáng để trải nghiệm đó chứ. Giá cho một bức tranh như vậy dao động từ 250 tới 350k/bức. Mức giá như vậy cũng không phải là quá đắt với công sức và tài hoa của người họa sĩ đã bỏ ra. Bên cạnh đó, các hoạt động ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng thường xuyên được tổ chức tại phố đi bộ. Tùy theo từng thời điểm mà có thể là một buổi biểu diễn ngẫu hứng của các nhóm bạn trẻ đến từ học viện, cover lại các hit vô cùng bắt tai, với lối biểu diễn phóng khoáng, hiện đại.
Buổi biểu diễn nhạc cụ hiện đại của nhóm bạn trẻ
Đi dịch lên đoạn tháp Rùa có thể xem biểu diễn ca trù bởi các nghệ sỹ trong đoàn chèo Hà Nội. Sân khấu được dựng đơn giản, các nghệ sĩ tái hiện cho người xem thông qua loại hình nghệ thuật dân gian như hát xẩm, gắn liền với con đường tàu leng keng từ nội thành vào phố cổ, gắn liền với 36 phố phường, gắn liền với từng quán hàng trong chợ Đồng Xuân….
Ăn gì trong khu vực phố Cổ?
Để nói hết được những món ăn khu vực phố cổ Hà Nội chắc là sẽ tốn không ít giấy mực, vì bởi chỉ cần đi hết tuyến phố đi bộ Hà Nội, người ăn nhiều nhất cũng phải chịu thua bởi sự đa dạng và phong phú các món ăn nơi đây. Trước hết, phải kể tới món ăn vặt vì nơi đây là thiên đường, tập trung những gì ngon nhất, mới nhất, lạ nhất và cũng là ngon nhất. Ấy là đĩa nôm bò khô Hoàn Kiếm với đĩa nộm đầy đặn với đu đủ nạo, thịt bò khô cắt miếng do chủ tự làm chứ không phải loại sợi dễ pha trộn làm giả, gân bò, mề quay, gan sấy, trộn cùng nước gia giảm chua ngọt, cắn một miếng sừn sựt, dai dai, bùi bùi, beo béo…kích thích vị giác tới bùng nổ. Món này chỉ bán tới tầm khoảng 10 giờ tối, nếu không nhanh chân bạn sẽ chẳng tìm được chỗ ngồi, một phần nộm như vậy giá khoảng 35 nghìn đồng thôi.
Là team xôi thịt thì đừng bỏ qua chân gà nướng tại Ngõ Gạch, một địa điểm nổi danh trước cả phố “gà” Lý Văn Phúc. Để đảm bảo độ nóng hổi, các chân, cánh gà chỉ được nướng khi khách gọi, nên có thể khách sẽ phải chờ hơi lâu. Nhưng thay vào đó là một đĩa chân, cánh gà ú ụ, béo múp, xém thơm phức mùi mật ong, giòn bên ngoài nhưng mềm ẩm, tươm mỡ bên trong. Ăn kèm không thể thiếu là rau muống dầm, dưa chuột chẻ. Lai rai trong những tối mưa dầm ở Hà Nội là ngon bá cháy, không đối thủ. Đi ăn món này phải xôm tụ, chuyện trò rôm rả, và cũng chỉ mất có 40 - 50k/người là cái bụng đã cảm thấy đầy đầy.
Cháo sườn sụn chợ Đồng Xuân đắt khách quanh năm, đông nhất từ 8, 9 giờ tối trở đi. Đúng như tên gọi, cháo sườn sụn ghi điểm ở những miếng sụn non ẩn trong lớp cháo bột mềm, trắng nõn nà, thơm phức. Cắn một miếng nghe sừn sựt, trộn chung với quẩy ròn, với ruốc xao vàng như thấy cả một bầu trời thương nhớ. Điều đặc biệt ở đây là cháo được nấu từ gạo xay thành bột, nên rất sánh mịn. Cái thứ cháo bột này làm cho người ăn vừa thấy lạ, vừ thấy quen, đến mê mẩn. Một bát cháo đầy đặn có giá 30 ngàn, khá “chất” cho một buổi tối khi đã lót dạ mấy thứ quà vặt bên đường.
Ây da, để nhắc thêm các món khác thì đúng là không biết kể sao cho hết, nào là bánh mì chả cá - cái sự kết hợp tưởng như thách thức ấy lại mang tới hương vị khó quên cho thực khách, nằm ở đúng phố Chả Cá cho bạn tìm đến, với giá 20 nghìn đồng/chiếc;
Bánh mì chả cá ngon tuyệt
Bò nướng Mã Mây
Tiệm bò nướng Xuân Xuân lại là trường hợp đặc biệt ở con phố Mã Mây, quán chiếm vị trí “độc tôn” và chẳng đối thủ nào “ăn theo” được. Giá khoảng 250k - 400k cho 1 set đồ nướng ngon tuyệt cú mèo.
nem chua nướng giòn dai ngõ Ấu Triệu
thanh thoát hương vị bún thang Cầu Gỗ
nào kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ…
Xôi Yến - Phố Nguyễn Hữu Huân
Xôi Yến bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội vào những năm cuối thập niên 90. Là một quán xôi lâu đời tại Hà Nội, với những món xôi đa dạng nhiều hương vị thơm ngon đặc trưng, Xôi Yến tại Nguyễn Hữu Huân vẫn luôn là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều tín đồ nhà xôi và với cả những thực khách muốn thưởng thức những suất xôi no ngon cho khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng.
Về giá cả, một bát xôi đầy ụ có giá trung bình từ 40 ngàn đến 60 ngàn tùy loại, vẫn không khác biệt nhiều so với thời gian trước. Sau một thời gian đóng cửa hiện giờ quán đã mở lại và rất đông khách.
Bánh tráng trộn hàng Trống
Trước đây mỗi khi nhắc đến bánh tráng trộn, các bạn trẻ ở Hà Nội đều phải xuýt xoa, thèm muốn bởi đây là món ăn vặt đặc trưng mà chỉ các bạn trong Nam mới có cơ hội thưởng thức. Tuy nhiên những năm gần đây, món ăn này đã xuất hiện khá nhiều ở Hà Nội, một trong những quán bánh tráng trộn nổi tiếng nhất nhì Hà Thành chính là quán cô Toàn số 86 Hàng Trống.
Giá cho mỗi suất bánh tráng cô Toàn được xem là rẻ nhất Hà Nội, chỉ 20k/suất, kể từ khi mở quán đến giờ đã 2 năm nhưng mức giá này vẫn không thay đổi. Chỉ với 20k bạn đã có thể thưởng cho mình một món ăn vặt vừa ngon lại vừa nổi tiếng này rồi đấy.
Mỳ gà tần Hàng Bồ chưa bao giờ vắng khách
Quá nhiều thứ phải kể, nếu không kể hết thấy có lỗi với cái bụng thèm ăn quá. Chính vì vậy, chắc hẳn phải lên lịch trình thật nghiêm túc để thưởng thức hết những món ăn này khi tới phố đi bộ Hà Nội nhé.
Bản đồ Phố Cổ Hà Nội
Hà Nội vốn được biết đến là Hà Nội 36 phố phường. 36 phố phường ngày nay chính là khu vực được gọi là phố cổ, khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội, có bề dày gắn liền với một ngàn năm lịch sử của thủ đô. 36 phố phường phản ánh cơ cấu tổ chức thành thị cổ xưa gồm 36 phường nghề. Các phố mang tên các mặt hàng được sản xuất hoặc bày bán ở đó: phố Hàng Bông, phố Hàng Gai, phố Lò Rèn, phố Hàng Đường… Cơ cấu này về mặt không gian và xã hội là hiện thân của một di sản phi vật chất đặc biệt, duy trì các nghề cổ và giới thiệu nhiều hoạt động mang tính chất truyền thống tại các khu phố.
Bản đồ khu vực Phố Cổ Hà Nội tính tới năm 2016
Khu vực phố cổ hiện nay đã có những thay đổi ngoạn mục so với khu vực nội đô trong lịch sử. Phố cổ Hà Nội hiện nay là kết quả của sự chuyển hóa hài hòa giữa làng và phố, mang những nét đậm chất Á Đông. Những tồn dư của lịch sử thời đô hộ, mang lại cho phố cổ những kiến trúc Âu hóa, đặc biệt là các công trình mang kiến trúc thời Pháp thuộc như Bảo tàng lịch sử Hà Nội, Nhà hát lớn, Chợ Đồng Xuân…bên cạnh là những dãy nhà mái ngói cổ nằm hút sâu trong những con ngõ nhỏ. Tất cả tạo nên một bức tranh đa sắc, chẳng hề nhàm chán. Các con phố được nối với nhau bằng hệ thống đường đi chằng chịt, đường ngắn qua nhiều ngã ba, ngã tư. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn cần phải chú ý vì nhiều tuyến đường quy định là đường một chiều, nên nếu lần đầu tới đây du lịch, bạn tốt nhất nên mang theo bản đồ bên mình để tránh bị nhầm lẫn.