Theo định nghĩa thông dụng, kinh doanh là hoạt động mưu cầu lợi nhuận (nói “mưu cầu” bao quát hơn “làm ra” vì có khi kinh doanh bị lỗ). Nội hàm này thể hiện trong định nghĩa của Từ điển tiếng Việt 1997 do Hoàng Phê chủ biên: “Kinh doanh là tổ chức việc sản xuất, buôn bán sao cho sinh lợi”.
Ảnh minh họa. 20 người trong số 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất trong danh sách của Forbes Việt Nam là các nữ doanh nhân giàu có và quyền lực bậc nhất nền kinh tế hiện tại.Luật Doanh nghiệp định nghĩa dài dòng hơn:
“Kinh doanh là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”.
Từ điển Thuật ngữ kinh doanh (Dictionary of business terms - tiếng Anh) năm 1987 do Jack P. Friedman chủ biên, định nghĩa “Kinh doanh (business) là nghề nghiệp hoặc hoạt động thương mại mưu cầu lợi nhuận bằng việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ. Kinh doanh do các doanh nhân (entrepreneur) bỏ vốn cho một hoạt động chịu rủi ro để kiếm lợi nhuận. Cơ sở kinh doanh được gọi là doanh nghiệp. Quy mô của nó từ hộ kinh doanh của chủ sở hữu cá thể đến công ty, tập đoàn quốc tế có vốn hàng tỉ USD và sử dụng hàng nghìn lao động” (trong tiếng Anh entrepreneur nhấn mạnh khía cạnh người bỏ vốn đầu tư, còn từ này trong tiếng Pháp lại chú trọng khía cạnh quản lý, như định nghĩa của Từ điển Larousse 2002: “Entrepreneur là người đứng đầu một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây nhà hoặc xây dựng công trình công cộng. Về luật pháp, entrepreneur là người trong một hợp đồng kinh doanh cam kết thực hiện một công việc cho người chủ công trình (tiếng Việt gọi là thầu khoán hoặc nhà thầu)”.
Từ các định nghĩa trên, có thể nói kinh doanh gồm hai việc:
- Bỏ vốn đầu tư kinh doanh;
- Quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nhân hay nhà kinh doanh là người thực hiện cả hai việc hoặc một trong hai việc ấy?
Có ý kiến cho rằng khi chủ doanh nghiệp trực tiếp giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc một doanh nghiệp thì họ là doanh nhân vì họ trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp; còn nếu chủ doanh nghiệp thuê giám đốc để điều hành doanh nghiệp, thì chủ doanh nghiệp là doanh nhân, còn giám đốc chỉ là người làm thuê, không phải là doanh nhân. Nói như vậy chưa thoả đáng vì quản lý, điều hành doanh nghiệp, dù là làm thuê cũng có chức năng và mục tiêu hoạt động là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp bằng việc cung cấp cho xã hội sản phẩm hoặc dịch vụ; thêm vào đó, ngày càng có nhiều người trong số này trở thành cổ đông của doanh nghiệp. Họ có vai trò quan trọng trong kinh doanh, phải có kiến thức và văn hoá kinh doanh, nên không thể loại họ ra ngoài hàng ngũ doanh nhân, kể cả khi họ chỉ làm thuê cho chủ doanh nghiệp.
Nói tóm lại, có thể coi doanh nhân là những người làm cả hai việc nêu trên hoặc một trong hai việc. Về việc bỏ vốn đầu tư thì phải phân tích sâu hơn: đối với các công ty cổ phần gồm nhiều cổ đông, thì chỉ cổ đông chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối, có vai trò quyết định đối với hoạt động của doanh nghiệp mới được coi là doanh nhân, vì những cổ đông khác tuy có tham gia (hoặc cử đại diện tham gia) đại hội cổ đông, được bỏ phiếu về một số vấn đề của doanh nghiệp nhưng không có tiếng nói trong hoạt động thường xuyên của doanh nghiêp, nghĩa là không trực tiếp làm công việc kinh doanh. Về người quản lý kinh doanh, có ý kiến cho rằng đối với các doanh nghiệp lớn, ngoài tổng giám đốc phải coi giám đốc kinh doanh, giám đốc tài chính v.v… cũng đích thực là doanh nhân; tuy nhiên điều này phụ thuộc vào quy chế về chức năng và trách nhiệm của từng doanh nghiệp đối với các giám đốc điều hành từng lĩnh vực.
Những người chủ doanh nghiệp và người giám đốc doanh nghiệp là đơn vị kinh tế được thành lập theo luật Doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã) là lực lượng chủ yếu trong tầng lớp doanh nhân vì đó là những người kinh doanh có vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như trong việc sử dụng lao động. Theo Niên giám thống kê 2008, tính đến cuối năm 2007 cả nước có 155.771 doanh nghiệp, sử dụng 7.382.160 lao động (chiếm 16,7% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế; riêng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng thì số lao động trong các doanh nghiệp chiếm 58,6%), tạo ra khoảng trên một nửa tổng sản phẩm trong nước(GDP). Như vậy trong các doanh nghiệp thành lập theo luật có khoảng 300.000 doanh nhân.
Ở nước ta, tầng lớp doanh nhân phải kể cả những người kinh doanh dưới hình thức hộ cá thể (như định nghĩa của Dictionary of business terms). Trong các ngành phi nông nghiệp, có những hộ kinh doanh cá thể sử dụng hàng trăm lao động nhưng vì nhiều lý do, họ chưa đăng ký thành doanh nghiệp. Trong loại hình này, người bỏ vốn đầu tư thường trực tiếp quản lý kinh doanh, nên với 3.748.138 hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp có đến cuối năm 2007 (theo Niên giám thống kê 2008), nước ta có xấp xỉ 4 triệu doanh nhân cá thể (hiện tại con số này lớn gấp nhiều lần).
Trong nông nghiệp, theo Niên giám thống kê cách đây 10 năm 2008, có 116.222 trang trại và những người chủ trang trại mang đầy đủ tính cách của doanh nhân. Ngoài ra, những hộ nông dân cá thể mà toàn bộ hoặc hầu hết sản phẩm làm ra để bán trên thị trường nên rất cần kiến thức kinh doanh và thông tin thị trường, cũng phải được coi là doanh nhân, mặc dù tính cách và năng lực kinh doanh còn có hạn. Chưa có con số thống kê nhưng phải tính tới vài triệu doanh nhân trong hơn 10 triệu hộ nông dân cá thể. Những con số chỉ để chứng minh ai là doanh nhân chứ chưa bàn về sự phát triển đội ngũ này qua từng giai đoạn lịch sử.
Như vậy, tầng lớp doanh nhân nước ta rất đông đảo, gồm nhiều loại ở nhiều tầm cỡ và trình độ khác nhau (chưa kể các hộ kinh doanh nông nghiệp cá thể thì đến nay đã có xấp xỉ 5 triệu doanh nhân). Tầng lớp này đang tiếp tục phát triển về số lượng và cần nâng cao chất lượng cả về trình độ, năng lực kinh doanh và trách nhiệm xã hội, xứng đáng là một thành phần liên kết với công nhân, nông dân và trí thức để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Đông đảo là vậy nhưng để thực sự trở thành doanh nhân đúng nghĩa cần hội đủ các tiêu chí như đạo đức, kiến thức, văn hóa… vì thế dân gian mới chia ra người giàu với trọc phú.