ai là danh nhân văn hóa thế giới | Vuidulich.vn

Or you want a quick look:

Không chỉ là một “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học trung đại Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du còn là một Danh nhân văn hóa thế giới, được cả thế giới biết đến và công nhận. Tác phẩm “Truyện Kiều” của ông đã trở thành một tài sản văn học chung của thế giới, được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau.

Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại phường Bích Câu, Thăng Long (nay là Hà Nội) trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ ở xứ Nghệ. Bố ông là Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng đầu triều; mẹ là bà Trần Thị Tần, cũng sinh trưởng trong một dòng họ có truyền thống hiếu học ở Kinh Bắc. Sinh ra và học hành ở kinh đô, Nguyễn Du sớm được thừa hưởng những tinh tuý của nhiều vùng văn hoá nổi tiếng: xứ Nghệ, Kinh Bắc, Thăng Long, Phú Xuân, Gia Định… Sống trong một thời đại đầy phong ba bão táp, cuộc đời của Nguyễn Du cũng vì thế mà ba chìm bảy nổi. Mười một tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mẹ chết, ông phải sống ở nhà anh cả Nguyễn Khản. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê - Trịnh sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng tiêu điều “Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán”. Ông phải lưu lạc nhiều nơi, một thời kỳ dài nương nhờ quê vợ ở Thái Bình, cuối cùng đành trở về quê nhà tìm kế mưu sinh. Sau khi Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du trở lại chốn quan trường. 18 năm làm quan cho triều Nguyễn nhưng cũng hơn 3 lần ông xin cáo quan về quê, khi thì lấy cớ dưỡng bệnh, lúc lại bận việc nhà... Và trong một đợt dịch tả vào năm Minh Mệnh nguyên niên, ông bị nhiễm bệnh rồi mất tại kinh thành Huế ở tuổi 55.

Truyền thống của dòng họ, quê hương, sự giao thoa của các vùng văn hoá, phong ba bão táp của thời đại cùng với tư chất thông minh đã góp phần tạo nên một thi hào Nguyễn Du với lòng thương người sâu sắc. Đó cũng là mạch nguồn tạo nên các tác phẩm văn học kiệt xuất như 3 tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục; các tác phẩm thơ Nôm: Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón và đặc biệt nhất là Truyện Kiều - trở thành đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam. Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nguyên có tên là “Đoạn trường tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại lúc nhà thơ đang sống. Tác phẩm gồm 3.254 câu lục bát kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.

READ  Cách chơi Irelia Tốc Chiến: Bảng ngọc và cách lên đồ mới nhất

Về giá trị hiện thực, tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Về giá trị nhân đạo, Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim - Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó. Thông qua nhân vật Từ Hải, người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả xã hội bạo tàn, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng.

Cùng với đó, Truyện Kiều còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người. Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca. Vì thế, Truyện Kiều là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.

READ  Chỉ số ROA là gì? Cách tính ROA (hiểu TOÀN DIỆN) – CophieuX

Nghệ thuật tự sự trong Truyện Kiều cũng đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lí con người. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho rằng Truyện Kiều là cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của văn học Việt Nam. Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này.

Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Với Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Hiện nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, trong đó tiếng Pháp có trên 10 bản dịch, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc trên 10 bản, tiếng Nhật 5 bản…

READ  [Video] Cách đổi tên kí tự đặc biệt Liên Quân Mobile cực độc, cực chất | Vuidulich.vn

Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại thành phố Béc lin (Đức) Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du (1675 - 1965) cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có Chỉ thị số 112-CT/TW, ngày 26/10/1965 “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”. Đây là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ đó đến nay các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều luôn được tiến hành và thu nhiều kết quả mới.

Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức ban hành Quyết định số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới.

Việc Đại thi hào Nguyễn Du được vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới là một niềm vinh dự, một niềm tự hào lớn của Việt Nam. Hiện nay, Hà Tĩnh đang tích cực chuẩn bị các hoạt động nhằm tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du long trọng, xứng tầm với những cống hiến của ông đối với nền văn hóa Việt Nam.

Theo vuidulich.vn

See more articles in the category: TIN TỨC

Leave a Reply