Chùa Đất Sét – Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh

Or you want a quick look:

Dọc theo con đường Tôn Đức Thắng thuộc địa bàn khóm 1, phường 5, cách chùa Kh’leang khoảng 1km đến số 163A là một ngôi chùa nhỏ nằm bên tay phải có hàng chữ Hán với tên chữ “Bửu Sơn tự” -寶山寺 được khắc trang trọng đặt tại cổng chính của chùa. Nhưng người dân quanh vùng vẫn quen gọi với cái tên giản dị “chùa Đất Sét”, nơi lưu giữ hàng ngàn pho tượng đều được làm từ đất sét.

Theo như lời kể của các vị cao niên, trước đây Bửu Sơn tự chỉ là một am nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX cách đây hơn 100 năm của dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Mãi đến đời trụ trì thứ tư, ông Ngô Kim Tòng (1909 - 1970) am nhỏ được tôn tạo, mở rộng thêm để có ngôi Bửu Sơn tự như bây giờ. Bửu Sơn tự có diện tích khoảng 400m2 với kiến trúc chân phương cột gỗ mái tôn. Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là hàng ngàn tượng Phật và hình thú được thiết kế hết sức sinh động làm bằng đất sét do Ông Tòng đã miệt mài sáng tạo trong suốt 42 năm (từ 1928 đến 1970). Du khách đến thăm chùa Đất Sét ai cũng trầm trồ thán phục và ngưỡng mộ bậc kỳ tài đã dùng tâm quyết cả đời và lòng mến mộ Phật pháp đã sáng tạo ra công trình đầy kỳ công này.

Cổng chùa Đất Sét

Khi còn nhỏ, Ông Ngô Kim Tòng hay đau ốm bệnh tật. Đến năm 1929, lúc ấy Ông 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình chỉ còn cách đưa ông Tòng lên ngôi chùa trên núi thuộc tỉnh An Giang để chữa trị và cầu khấn trời Phật. Vừa uống thuốc vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dần ông đã khoẻ lại và đã quyết tâm đi tu khi mới ở tuổi 20. Khi còn trẻ, Ông Ngô Kim Tòng đã có thiên hướng say mê nặn tượng lấy nguyên mẫu từ những bức hoạ đơn sơ trên bàn thờ Phật của cha, những vật dụng hàng ngày, cây trái quanh nhà đã trở thành đề tài phong phú cho ông thả sức nặn với chất liệu chủ yếu là đất sét quanh vùng. Sau khi lành bệnh ông đam mê vào nặn tượng và thay cha gìn giữ chăm sóc ngôi chùa từ những năm 1930 đến 1970. Với lòng say mê hiếm có, ông Tòng đã miệt mài vừa làm, vừa học mày mò tìm kiếm các công thức, phương pháp để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô giá trên mà không hề đi học ở một lớp đào tạo nào. Chỉ là những trải nghiệm dân gian, ông đã tạo nên những công trình kỷ vật điêu khắc bằng đất sét có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm.

READ  Hoa mai đỏ: ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc mai nở đúng Tết - KHBVPTR

Nguyên liệu dùng cho việc nặn tượng chủ yếu bằng đất sét, do Ông Tòng đào từ những cánh đồng cách chùa vài cây số, đem về phơi khô, rồi bỏ vào cối dùng chày giã nhuyễn cho mịn ra, lọc hết tạp chất, rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn cùng mạc cưa làm nhang (bột hương) và keo ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo thơm. Lúc đó, Ông mới bắt đầu nắn tượng, những bức tượng mịn màng, không nứt nẻ. Ngoài ra, Ông còn nghiên cứu và ứng dụng cách đỡ cho việc nặn tượng đạt yêu cầu thẩm mỹ cao, Ông đã dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, sau đó dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp làm tượng lên, bề ngoài được phủ bằng một lớp sơn nước kim nhũ và dầu bóng. Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà với tư duy tưởng tượng vô cùng phong phú của ông hàng trăm bức tượng lớn, nhỏ được hình thành mà không trùng lắp. Mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ cái thần sắc trên từng khuôn mặt. Đó còn là kết quả từ cái tâm của người có lòng hướng Phật, sự miệt mài cần mẫn, lặng lẽ nhưng mang lại vị ngọt cho đời.

Bước qua cổng tam quan của chùa thẳng theo con đường bê tông vào cửa bên hông, ta sẽ bắt gặp một chú voi to màu trắng cao khoảng 2m như đón chào khách tham quan, sau đó đến gian chính thờ Phật. Nét tiêu biểu trong cách bố trí tượng Phật ở đây nói lên tư tưởng “Tam giáo cộng đồng” (Phật-Nho-Lão) với hệ thống Phật: A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lão Tử, Phật Di Lặc,.…

Ông Ngô Kim Tòng còn tạo nên các tác phẩm khác như: tháp Đa Bảo được làm 1939 lúc ông mới 30 tuổi, cao khoảng 4m được thiết kế hết sức tinh vi. Tháp có 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật, tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị phật và 156 con rồng đỡ từng mái tháp. Phần dưới chân tháp thờ Đại Thừa Diệu pháp Liên hoa Kinh, tượng trưng cho Ngọc Xá Lợi của Phật. Kế bên là “Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luân" hay gọi là “Bảo Tòa Liên Hoa”. Bảo tòa có một tòa sen gồm 1000 cánh sen và trong mỗi cánh sen có một vị Phật ngồi tọa thiền. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái Thiên tiên” gồm 8 cung, đó là “Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài”, mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu, dưới đài sen và Bát quái lại có Tứ đại Thiên Vương trấn giữ. Nhìn tổng thể tòa tháp và đài sen này, du khách sẽ nghĩ ngay đến một nhà điêu khắc tài ba lỗi lạc đã tận dụng giáo lý Phật pháp để sáng tạo ra những pho tượng biết nói ý Phật.

READ  Nhộn nhịp làng bè Phước An - Báo Đồng Nai điện tử

Đèn lục long đăng

Trong gian thờ phía trên trần nhà, có treo một chùm đèn gọi là “Lục Long Đăng” cũng bằng chất liệu đất sét, gồm ba chóp đỉnh với 6 con rồng uốn cong như tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây Nam bộ, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với nhiều chi tiết tinh xảo, nên trọng lượng khá nặng. Đáy đèn là một tòa sen lặt úp tỏa cánh xuống điện thờ, cánh sen khá mỏng nhưng theo dấu thời gian Lục Long Đăng không hề rơi hay sứt mẽ tí nào. Đây là một kiệt tác nghệ thuật hiếm có và là tác phẩm cuối đời của Ông.

Chung quanh chùa, góp phần canh giữ cho hệ thống các tượng Phật, còn nhiều tượng thú cũng bằng đất sét, nổi bật nhất và sắc sảo nhất là cặp Kim Lân đang ngẩng cao đầu trước bệ thờ giữa điện, ngậm trái trân châu, chân gác lên quả cầu trông thật oai phong lẫm liệt, thêm tượng Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã,.. con thì hiền lành con thì hết sức oai phong.

Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn bức tượng làm bằng đất sét mà còn được du khách biết đến bởi 04 cặp đèn cầy (nến) khổng lồ khá đặc biệt. Những năm cuối đời Ông Ngô Kim Tòng không đúc tượng mà tiến hành đúc đèn cầy dựng trong chính điện chùa. Ông mua sáp bạch lạp - loại sáp nguyên chất không lẫn tạp chất từ Sài Gòn về (có nguồn gốc từ Pháp gọi là parafin), chặt vụn sáp nguyên khối nấu chảy ra rồi mới đúc đèn. Do các đôi đèn này có kích thước quá lớn nên ông Tòng đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn, sáp đổ vào chảo lớn nấu liên tục ngày đêm cho nóng chảy rồi đổ vào ống tôn có chiều cao 2,6m, phía ngoài khảm thêm chữ và hình rồng vàng lúc ẩn, lúc hiện uốn lượn theo thân đèn. Sau một tháng, các đôi đèn mới khô hẳn, khi dỡ bỏ khuôn, các đôi đèn này tự nhiên có hình dợn sóng của các tấm tôn. Mấy tháng ròng liên tục làm như vậy ông đúc được sáu cây đèn cầy lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg, ước tính mỗi cặp cháy liên tục ngày đêm phải mất hơn 70 năm và hai cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg, Cặp đèn cầy này được thắp lên vào ngày 18 tháng 07 năm 1970, kể từ ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch; đến nay đã hơn 40 năm. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 3 cây nhang (hương) mỗi cây cao 1,5m, nặng 50kg, nếu thắp lên chắc vài năm mới tàn.

READ  NHỮNG &quotTHIÊN ĐƯỜNG&quot BIỂN ĐẢO Ở VIỆT NAM - Phong Cách Việt Travel

Chùa Đất Sét không nổi tiếng về kiến trúc xây dựng bên ngoài cũng như không quy mô bề thế về diện tích nhưng lại là một ngôi chùa độc đáo. Trong tâm niệm của du khách gần xa, đây được xem là ngôi chùa khá đặc biệt ở Việt Nam vì có trên hàng ngàn pho tượng lớn nhỏ đều được làm từ đất sét, và những cặp đèn cầy và những cây nhang khổng lồ chưa đốt. Chùa Đất Sét cũng là nơi “tịnh tâm” lý tưởng cho mọi du khách, thoáng mát, yên tĩnh mà vẫn toát lên tấm lòng ấm áp nghĩa tình như con người của quê hương Sóc Trăng. Với những nét đẹp ấy, ngày 10 tháng 12 năm 2010 UBND tỉnh Sóc Trăng đã công nhận Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Với những đặt thù độc đáo của những tượng phật, hình thú, những cặp đèn cầy, cây nhang,…Bửu Sơn tự xứng đáng được xét đưa vào danh sách kỷ lục của Việt Nam.

Tân Thị Trang

See more articles in the category: KHÁM PHÁ

Leave a Reply