Or you want a quick look: Giới thiệu lịch sử làng lụa Hội An
Làng lụa Hội An không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm lụa từ phương thức dệt thủ công truyền thống hơn 300 năm mà đây còn là nơi quy tụ và hồi sinh nghề ươm tơ dệt lụa của vùng đất xứ Quảng đang có nguy cơ mai một.
Làng lụa là nơi biểu trưng cho thời kỳ cực thịnh của tơ lụa ở xứ đàng trong, vào những năm của thế kỷ thứ 17 tàu thuyền của các thương gia Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha đã đến đây để mua tơ sống và các loại lụa.
Qua đó lụa Hội An đã theo chân các thương nhân men theo con đường tơ lụa trên biển để có mặt khắp nơi trên thế giới.
Nằm cách phố cổ Hội An tầm 1km, làng lụa chính là địa điểm không thể bỏ qua của nhiều du khách khi đến du lịch Hội An.
Để thuận tiện hơn cho bạn hôm nay mình chia sẻ đến bạn kinh nghiệm du lịch làng lụa Hội An để bạn có thể thoải mái tham quan trong chuyến đi sắp tới nhé.
Giới thiệu lịch sử làng lụa Hội An
Làng lụa Hội An là nơi trưng bày và giữ gìn nghề ươm tơ dệt lụa của Hội An, được đầu tư và phục dựng bởi công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam với mong muốn khôi phục lại một làng nghề truyền thống.
Đây còn là nơi tái hiện lại cuộc sống của những nghệ nhân nghề dệt và nguồn gốc xuất phát của “con đường tơ lụa trên biển” vào những năm thế kỷ 17 để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Hội An.
Tham quan làng lụa Hội An bạn sẽ tìm hiểu rõ nhất về quy trình để tạo ra một tấm vải lụa mềm mại từ việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo tơ và dệt lụa.
Ngoài nơi trưng bày nghề dệt lụa tại đây có cả quán cafe, nhà hàng, khạch sạn và phòng trưng bày các sản phẩm tơ lụa thành phẩm để bạn có thể mua sắm.
+ Địa chỉ, Phương tiện đến làng lụa
Làng lụa Hội An nằm ở số 28 Nguyễn Tất Thành, Tp. Hội An. Cách phố cổ Hội An khoảng chừng 1km.
Vì quảng đường không xa lắm nên bạn có thể di chuyển đến đây bằng xe đạp hoặc xích lô để có thể vừa đi vừa ngắm phố cổ.
Ngoài ra bạn cũng có thể thuê xe máy với giá khoảng 120k/ngày để đến làng lụa và đi những địa điểm xa của Hội An như Biển An Bàng, Rừng dừa Bảy Mẫu,..Hoặc cũng có thể di chuyển đến đây bằng taxi hay xe điện cũng rất dễ dàng.
+ Thông tin & giờ mở cửa làng lụa Hội An
Giờ mở cửa: 8:00 - 21:00
Website: vuidulich.vn
Điện thoại: (+84) 02353 921 144
Giá vé tham quan làng lụa hội an
Giá vé tham quan làng lụa Hội An: 50.000đ/người.
Giá buffet tại làng lụa hội an: 299.000đ/người
Tour tham quan làng lụa
Hiện nay làng lụa Hội An có trong chương trình tour tham quan cho những du khách có nhu cầu, gồm tour ngắn và tour dài:
- Tour ngắn (từ 8:00 - 17:00 hàng ngày)
Giá vé 100.000đ/người, thời gian tham quan là 45 phút có hướng dẫn viên hướng dẫn.
Với tour này vì thời gian khá ngắn nên bạn chỉ có thể tìm hiểu sơ qua về các quy trình của nghề ươm tơ dệt lụa, và bạn sẽ không được tự tay trải nghiệm như ở những làng nghề khác.
- Tour dài (từ 9:00 hoặc 14:00 hàng ngày)
Giá vé 595.000đ/người, thời gian tham quan là 4 tiếng có hướng dẫn viên thuyết minh.
Với tour này bạn cũng có một quy trình tìm hiểu về làng lụa Hội An nhưng thời gian tham quan sẽ lâu hơn và bạn sẽ tìm hiểu sâu sắc hơn về tất cả các chi tiết và kỹ thuật của nghề ươm tơ dệt lụa, ngoài ra bạn còn có cơ hội tự tay dệt lụa dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân.
Cuối tour bạn sẽ được thưởng thức bữa ăn tại nhà hàng với những món ăn đặc sản và truyền thống của người dân Hội An.
Thời điểm thích hợp tham quan làng lụa
Vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 1 là khoảng thời gian Hội An có nhiều mưa và đôi lúc có bão nữa nên đi du lịch Hội An nói chung và du lịch làng lụa Hội An nói riêng bạn nên tránh những tháng này.
Với những tháng còn lại mình nghĩ đó là khoảng thời gian đẹp để bạn thoải mái tham quan làng lụa.
Bạn nên đi vào buổi sáng hoặc chiều đều được vì đa số là tham quan bên trong nhà, nếu muốn thưởng thức buffet tại nhà hàng thì bạn nên đi vào khoảng giờ trưa hoặc chiều tối để có thể thưởng thức những món ăn truyền thống tại làng lụa Hội An.
Trải nghiệm gì ở làng lụa Hội An?
+ Tham quan nhà rường truyền thống.
Khi mới bước vào bên trong làng lụa Hội An bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà rường truyền thống của người dân Hội An xưa, những ngôi nhà tại đây được sưu tầm khắp mọi nơi của xứ quảng để bê về triển lãm tại làng lụa.
Tại ngôi nhà lớn chính giữa là nơi thờ Bà Chúa Tàm Tang, bà tên thật là Đoàn Thị Ngọc sau này được làm hoàng hậu gọi là Đoàn Quý Phí.
Bà là người đã có công rất lớn trong việc giữ gìn và phát triển nghề dệt lụa tại Hội An và cũng là người đầu tiên tìm cách đưa tơ lụa của Hội An ra thế giới.
Bên cạnh đó nhà truyền thống còn trưng bày các sản phẩm lụa đặc trưng của 54 dân tộc anh em của Việt Nam.
+ Tham quan vườn dâu với những gốc dâu cổ thụ
Rời khỏi nhà truyền thống bạn sẽ được khám phá vườn dâu rộng lớn với những gốc dâu cổ thụ hàng trăm năm được tìm kiếm và sưu tầm khắp nơi đem về trồng tại làng nghề lụa Hội An.
Có cả những giống dâu của người Việt và những giống dâu cổ của người Champa xưa.
+ Khám phá cách nuôi tằm lấy tơ
Đến với làng lụa Hội An bạn sẽ được tìm hiểu về cách nuôi và chăm sóc những con tằm từ lúc nhỏ đến lớn.
Với người Việt thì sẽ nuôi tằm trong những chiếc nông lớn, hái lá cho tằm ăn đến lúc lớn đủ ngày thì bỏ riêng để tằm tự quấn kén.
Còn đối với cách nuôi tằm của người Chăm pa xưa thì ngược lại, họ sẽ cho tằm lên cây dâu để tằm tự ăn tự sống và họ chỉ thu hoạch kén thôi.
Những con tằm nhìn nhỏ như những chú sâu non thôi những sức ăn của chúng khá mạnh, nó có thể ăn liên tục trong 3 ngày và nghỉ 1 ngày.
Chính vì thế mà tằm rất nhanh lớn. Vòng đời của mỗi chú tằm từ lúc sinh ra đến lúc chết là khoảng từ 40 -45 ngày.
+ Tham quan phòng ươm tơ
Những chiếc kén sau khi tằm quấn sẽ được thu hoạch lại để bắt đầu cho công đoạn tiếp theo đó là ươm tơ. Sẽ có 2 màu kén là màu vàng và màu trắng tương tự sẽ cho ra 2 màu lụa khác nhau.
Kén sẽ được bỏ vào nồi nước sôi khoảng hơn 80 độ và nấu liên tục để những sợi tơ mềm mại hơn và dẻo dai hơn. Sau đó kéo chúng lại thành những sợi tơ lớn để dệt (gồm nhiều sợi kén nhỏ tạo thành).
+ Tham quan phòng dệt lụa
Tơ sau khi kéo sợi sẽ được nấu với nhiệt độ và thời gian nhất định (tùy vào chất lượng lụa nghệ nhân muốn cho ra để điều chỉnh thời gian nấu).
Sau khi nấu, tơ lụa sẽ được gắn từng sợi vào khung và nghệ nhân bắt đầu quy trình dệt lụa.
Tại đây bạn sẽ được chứng kiến quy trình tạo ra những tấm vải lụa đẹp và chất lượng thế với những hoa văn họa tiết độc đáo.
Tất cả các khung dệt từ thời champa cổ xưa đến những khung dệt hiện đại thời nay đều được trưng bày tại làng lụa Hội An để trình diễn cho khách xem.
Thật sự đến đây mình mới hiểu vì sao vải lụa thật lại có giá rất đắt, một phần là vì chất lượng của lụa khá đẹp và mát phần khác là do các nghệ nhân đã bỏ rất nhiều công sức và qua nhiều công đoạn mới có thể cho ra một tấm lụa thành phẩm như vậy.
Cho nên thực tế mà nói chỉ có những ai thật sự kiên trì và yêu nghề thì mới có thể gắn liền được với nghề truyền thống này.
+ Tham quan phòng trưng bày sản phẩm từ lụa
Sau cùng bạn sẽ được đưa đến phòng trưng bày các sản phẩm độc đáo được làm trực tiếp từ những nghệ nhân tài hoa của làng lụa Hội An.
Bạn sẽ học cách phân biệt vải lụa được dệt từ những khung dệt cổ và những khung dệt hiện đại, những loại lụa có thời gian nấu lâu và mau để bạn có thể phân biệt được chất lượng của từng loại.
+ Học cách nhận biết lụa thật và lụa pha
Bạn sẽ không nhận biết được đâu là thật và đâu là lụa giả khi sờ vì loại nào cũng mềm cả, chỉ có dùng lửa đốt lên bạn mới biết đâu là lụa thật:
Với lụa thật 100% thì khi đốt lụa sẽ không bắt lửa, có khói trắng, có mùi khét như tóc cháy và không vón cục.
Với lụa pha thì khi đốt lụa cũng không bắt lửa nhưng cho mùi khét như giấy cháy.
Với vải không phải từ lụa sẽ rất dễ bắt lửa, có khói màu đen và đặc biệt là vón cục sau khi cháy như nilong.
Tại phòng trưng bày bạn sẽ có cơ hội lựa chọn mua cho mình những tấm vải lụa đẹp với chất lượng đảm bảo tốt nhất để về làm quà sau chuyến du lịch Hội An.
Khi nhìn giá lụa bên ngoài bạn sẽ cảm thấy rất đắt nhưng sau khi tham quan quy trình để cho ra một tấm vải lụa kì công như này thì mình nghĩ chắc bạn sẽ không còn thấy nó đắt nữa.
+ Ghé Nhà hàng buffet làng lụa hội an
Nếu bạn lựa chọn đi tour dài khi đến làng lụa Hội An thì cuối chuyến tham quan bạn sẽ được thưởng thức một bữa ăn buffet với những món ăn ngon Hội An như bánh xèo, cao lầu, mì quảng, bánh bèo, bánh hoa hồng,…
Không gian nhà hàng khá đặc biệt đó là bạn được ngồi ăn ngoài trời và thức ăn được bày trí trên những gánh nan được phục vụ bởi những cô gái với bộ đồ bà ba truyền thống.
Không gian này giống như một buổi chợ quê khi ngồi ăn trên những gánh hàng rong cùng những món ăn đặc sản của quê hương.
+ Khách sạn làng lụa Hội An
Làng lụa Hội An ngoài cung cấp những tour tham quan làng nghề thú vị còn cung cấp chỗ nghỉ khá lý tưởng cho khách mỗi khi đến với Hội An.
Nơi đây được đánh giá là yên tĩnh gần gũi với thiên nhiên, không gian thoáng mát được bao phủ bởi cây cối xung quanh.
Dịch vụ spa và massage đều rất chuyên nghiệp, có hồ bơi lớn và không gian vui chơi cho trẻ em khá rộng làm cho nhiều gia đình có con nhỏ thích thú khi lưu trú tại đây.
Nếu bạn thích một nơi yên tĩnh kết hợp tham quan và nghĩ dưỡng thì Silk Village Resort & spa Hoi An sẽ là điểm dừng chân tưởng nhất cho bạn.
Giá phòng ở đây cũng tương đối cao dao động trong khoảng từ 1,4 triệu đến 4 triệu/đêm tùy vào phòng bạn lựa chọn.
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vinpearl Hội An
Review về làng lụa Hội An
Trên đây là những chia sẻ của cá nhân mình, còn bây giờ mời bạn tham khảo những review làng lụa Hội An từ những vị khách khác khi họ đến đây nhé.
Hình ảnh làng lụa Hội An
Địa điểm tham quan gần làng lụa Hội An
+ Làng rau trà quế
+ Làng gốm thanh Hà
+ Chùa Cầu Hội An
+ Nhà cổ Hội An
+Rừng dừa bảy mẫu
Tạm kết
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng dệt lụa Hội An đang được xem là bảo tàng sống của một làng nghề truyền thống ở quảng Nam và đặc biệt hơn nữa nơi đây tìm thấy nhiều nét đẹp văn hóa thấm đẫm những tâm hồn của người dân đất Quảng muốn gửi gấm đến du khách phương xa.
Trên đây là tất cả những kinh nghiệm khám phá làng lụa ở Hội An của mình muốn chia sẻ đến bạn, hi vọng những thông tin trên có ích cho bạn trong chuyến đi sắp tới.
Nếu bạn đã đến làng lụa Hội An rồi có thể chia sẻ cảm nhận và kinh nghiệm của mình phía dưới phần bình luận để mọi người cùng tham khảo nhé.
- Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc