Về Kinh Bắc phải đâu con mắt nhắmGài mảnh gương giàn thiên lý đợi tua ruaChùa Phật Tích ruổi trong màn lụa bạchTượng quan âm má ửng bồ quân
Chẳng phải ngẫu nhiên thi sỹ Hoàng Cầm thốt lên như vậy khi đến nơi này. Thời gian cứ dần trôi, nhưng tượng đá vẫn còn, mẫu đơn vẫn còn. Và mãi đến muôn đời, Phật Tích vẫn giữ trong mình dấu tích của lịch sử và huyền thoại. Nơi khởi tâm Phật Theo sử sách ghi lại, chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh là nơi đầu tiên xuất hiện dấu chân đạo Phật ở Việt Nam. Từ thế kỷ đầu công nguyên, chùa nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ, và hình thành trung tâm Phật giáo Dâu - Luy Lâu. Thời xa xưa, tại khu vực núi Phật Tích có rất nhiều chùa. Năm 820, nhiều nhà sư, thiền sư đã đến tu hành trên núi Phật Tích. Vào thời nhà Lý, năm 1041 vua Lý Thánh Tông cho xây dựng ở Phật Tích một Viện Từ Thị Thiên Phúc và xuất kho hàng chục tấn đồng để đúc chuông, tạc tượng. Đến năm 1057, vua cho xây một ngôi tháp cao 42m, bên trong đặt pho tượng A Di Đà. Cũng trong năm này, Vua cho xây chùa và lấy tên là Vạn Phúc Tự.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm Phật Tích là sự yên tĩnh và linh thiêng của một ngôi chùa nằm bên sườn núi. Một giếng nước cổ nằm ngay phía bên phải cổng chùa. Dưới đáy giếng vẫn còn có một cổ vật quý đó là đầu rồng bằng đá. Bước lên cổng chùa khoảng dăm chục bậc thang đá là hai hàng thú cổ đang phủ quỳ đối xứng nhau. Những sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa có chiều cao trung bình khoảng 1,2m, dài 1,5- 1,8m, tượng trưng cho tinh thần Phật pháp và lòng từ bi, tạo thêm vẻ linh thiêng cho cả ngôi chùa. Đại đức Thích Đức Thiện trụ trì tại chùa Phật Tích cho rằng, xưa kia các chùa ở vùng Kinh Bắc đều có hai hàng thú thể hiện cho sự viếng thăm thường xuyên của các bậc vua chúa. Thế rồi, do thời gian, chiến tranh kéo dài và do cả sự thiếu hiểu biết của con người nên may mắn thay chỉ duy nhất chùa Phật Tích hiện vẫn còn giữ được hai hàng thú.
Trong gian chính của chùa vẫn đang thờ tượng phật A Di Đà bằng đá xanh có từ năm 1057. Đây là bức tượng độc đáo, mang ảnh hưởng của trường phái nghệ thuật Giupta (Ấn Độ). Người ta truyền rằng, thời nhà Trần ngôi tháp bị đổ lộ ra pho tượng Phật mình vàng. Lâu ngày, lớp sơn bên ngoài tượng bong hết, lộ ra vẻ đẹp bên trong của pho tượng đá xanh tuyệt đẹp. Những người dân sống ở phía bên ngoài làng Hỏa Kê cho đây là điềm lành bèn di chuyển vào sườn núi - nơi có ngôi tháp đổ và đổi tên làng thành Phật Tích (dấu tích của Phật). Huyền thoại Từ Thức gặp Tiên Xưa kia, trên núi và chùa Phật Tích bạt ngàn hoa mẫu đơn. Mẫu đơn cũng là loài hoa gắn liền với huyền thoại Từ Thức gặp Tiên. Chuyện rằng, một ngày đầu xuân có thiếu nữ Giáng Hương đến chùa ngắm hoa. Vì vô ý, nàng vịn gãy một cành mẫu đơn nên bị các chú tiểu phạt vạ. May thay, lúc đó chàng Từ Thức đi qua trông thấy bèn cởi áo ngoài chuộc cho nàng. Hai người quen nhau và thường gặp nhau ở chùa vào ngày mùng một. Một lần, Giáng Hương mời Từ Thức về nhà chơi. Nàng dẫn chàng đi qua một khu rừng có nhiều hoa mẫu đơn dẫn đến hang đá bên sườn núi. Bước qua cửa hang, Từ Thức nhìn thấy lầu son, gác tía, tường gấm, bậc đá xanh… Lúc này Giáng Hương mới tiết lộ mình là Tiên và hai người kết thành chồng vợ.
Lễ hội Khán hoa mẫu đơn bắt nguồn từ huyền thoại này. Theo thông lệ, hàng năm, cứ vào ngày mùng 4-5 Tết, bà con quanh vùng, khách thập phương lại nô nức đến chùa Phật Tích ngắm hoa, nghe đọc thơ, bình thơ, hát quan quan họ, chơi các trò chơi dân gian. Hết những ngày lễ hội, khách đến chùa vẫn đông bởi chùa rất linh thiêng. Chuyện tình của cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng và cô Nguyễn Thị Bảy cũng bắt nguồn từ đây. 14 năm trước, Gs Trần Quốc Vượng và cô Bảy gặp nhau lần đầu tiên khi hai người đi lễ tại chùa Phật Tích. Giáo sư đã chính thức cầu hôn cô Bảy tại bàn thờ mẫu… Mấy năm nay, tỉnh Bắc Ninh đã có hướng quy hoạch bốn xã, trong đó có xã Phật Tích là trung tâm của khu du lịch tâm linh - sinh thái với quy mô rộng 1.500ha. Tỉnh lộ 295 chạy ngang qua chùa đang dần hoàn thiện, một pho tượng phật A Di Đà bằng đá xanh cao 27m dự kiến sẽ được đặt trên đỉnh núi Phật Tích - nơi khởi tâm Phật… Khi mọi thứ đi vào hoàn thiện, Phật Tích sẽ thật sự trở thành một điểm du lịch tâm linh - sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thanh Hà