Kinh nghiệm du lịch Phan Thiết, Bình Thuận (Cập nhật 08/2021)

Or you want a quick look:

Cùng Phượt - Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung trước kia chỉ là một vùng đất ven biển miền Trung như bao vùng đất khác, cuộc sống của người dân vùng biển Bình Thuận vẫn cứ êm đềm trôi qua cho đến ngày 24/10/1995, Nhật thực toàn phần đến với thành phố Phan Thiết như món quà trời cho đã thu hút hàng trăm nghìn du khách quốc tế và nội địa cũng như các nhà khoa học đến khám phá vùng đất còn nhiều nét hoang sơ này. Kể từ ngày đó, du lịch Phan Thiết - Mũi Né, điểm cuối của miền Trung Việt Nam thân thương, giáp ranh với Đông Nam bộ và chỉ các thành phố Hồ Chí Minh 200km - trở nên nổi tiếng trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới.

Giới thiệu về Phan Thiết

Kinh nghiệm du lịch Phan Thiết, Bình Thuận (Cập nhật 08/2021) Phan Thiết năm 1965 (Ảnh - John A. Hansen)

Phan Thiết là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Phan Thiết nằm trên quốc lộ 1A (chiều dài quốc lộ 1A đi qua là 7 km), cách Thành phố Hồ Chí Minh 198 km về hướng Đông. Phan Thiết là đô thị của miền Trung, thuộc khu vực Nam Trung Bộ

Có một số giả thiết về tên gọi của Phan Thiết và phần lớn đều chấp nhận rằng, “Phan Thiết” không phải là một cái tên thuần Việt:

  • Khi chưa có người Việt định cư, người Chăm gọi vùng đất này là “Hamu Lithít” - “Hamu” là xóm ruộng bằng, “Lithít” là ở gần biển. Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối “Lithit” lại được gắn liền với âm “Phan” tách từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa) và sau này người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết.
  • Người Việt đã phiên âm lại cách gọi tên của người Chăm trước đó: Mang-lang (Phan Rang), Mang-lý (Phan Rí), Mang-thít (Phan Thiết). Ba địa danh này được gọi chung là “Tam Phan”.
  • Po Thit (hoàng tử em của công chúa Po Sah Inư, con của vua Chăm Par Ra Chanh, tức Trà Chanh) đóng đồn trấn ngữ vùng đất này vào thế kỷ XIV được người Việt đọc trại ra mà thành Phan Thiết.

Ngày nay, yếu tố “Phan” còn xuất hiện nhiều trong các địa danh ở tỉnh Bình Thuận như: Sông Phan, Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Phan Lâm, Phan Sơn…

Giữa lòng thành phố Phan Thiết có con sông Cà Ty yên bình chảy qua, chia thành phố thành 2 ngạn: khu thương mại ở ngạn Nam và khu cơ quan hành chính và quân sự ở ngạn Bắc, tạo cho Phan Thiết một nét đẹp nên thơ đầy quyến rũ. Sông Cà Ty dài 7,2 km, ban đầu có tên là sông Phan, khi thành lập thị xã Phan Thiết được gọi là sông Cà Ty, ngược dòng lên thượng nguồn là sông Mường Mán. Bắc qua qua sông Cà Ty là cầu Lê Hồng Phong được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12-2002. Cứ vào mùng 2 Tết Nguyên Đán hàng năm, trên sông Cà Ty lại diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống mừng xuân, mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương.

Nên đi du lịch Phan Thiết vào mùa nào

Thành phố Phan Thiết nằm trong vùng khô hạn, khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiều gió, nhiều nắng, ít bão, không có sương muối, có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 °C đến 27 °C. Tháng 1, tháng 2 và tháng 12 (nhiệt độ trung bình 25,5 °C) mát hơn so với các tháng khác trong năm. Tháng 4 và tháng 5 là những tháng nóng nhất ở Phan Thiết, nhiệt độ có khi lên đến 29 °C.

  • Tháng 12, tháng 1 và tháng 2 (nhiệt độ trung bình 25,5°C) mát hơn so với các tháng khác trong năm. Khoảng thời gian này rất thích hợp để đi nghỉ mát ở Mũi Né, nhất là gia đình có trẻ nhỏ bởi trời vẫn nắng nhưng không khí dịu mát, biển vô cùng nhiều gió.
  • Nếu muốn du lịch đảo Phú Quý các bạn nên lựa khoảng tháng 3 bởi thời gian này biển êm, không ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão hay thời tiết xấu nên tàu đi ra đảo sẽ ít khi bị gián đoạn.

Hướng dẫn đi đến Phan Thiết

Là điểm cuối của dải đất ven biển miền Trung, hiện tại để tới Phan Thiết vẫn chỉ có duy nhất hệ thống giao thông đường bộ.

Từ Hà Nội đến Phan Thiết

Để đến được Phan Thiết từ Hà Nội, nếu muốn tiết kiệm thời gian các bạn bắt buộc phải sử dụng ít nhất 2 loại phương tiện kết hợp là máy bay + ô tô/tàu hỏa. Sân bay gần nhất với Bình Thuận là Cam Ranh hoặc Sài Gòn, tùy thuộc vào việc các bạn đặt được vé nào rẻ hơn thì sử dụng cho hành trình của mình. Tuy nhiên, thực tế thì việc bay vào Sài Gòn rồi từ đây đi Phan Thiết tiện hơn bởi từ Sài Gòn có rất nhiều các chuyến xe đi Phan Thiết chạy liên tục, khoảng 4-5 tiếng là các bạn sẽ tới Phan Thiết.

Từ Sài Gòn đến Phan Thiết

Sài Gòn cách Phan Thiết khoảng gần 200km, thời gian di chuyển giữa 2 thành phố này sẽ mất khoảng nửa ngày. Các bạn có thể lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân, hoặc lựa chọn phương tiện công cộng tuỳ theo hành trình của mình.

Tàu hoả

Hàng ngày từ ga Sài Gòn có chuyến tàu SPT1 đi Phan Thiết, khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 6h40 sáng và đến ga Phan Thiết vào lúc 10h15. Tàu mới được đầu tư nâng cấp để phục vụ du lịch nên khá đẹp, khu vực sắp xếp hành lý được thiết kế rất rộng để du khách có thể thoải mái để đồ. Hành khách đi tàu được phục vụ miễn phí nước suối và khăn lạnh.

Trên tàu cũng có riêng một toa ăn uống để phục vụ khách đi tàu, phục vụ một số món ăn nước như phở, mì…ngoài ra còn có cafe và các loại đồ uống khác. Khoang này có khoảng hơn chục bàn có thể chứa được khoảng vài chục người.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 8/2021)

Xe giường nằm

Hiện có rất nhiều nhà xe chạy từ Sài Gòn (và một số tỉnh khác) đi Phan Thiết. So với tàu hoả, vé xe giường nằm đi Phan Thiết sẽ rẻ hơn, thời gian chạy đa dạng hơn nên sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với việc đi tàu.

Xem thêm bài viết: Xe khách đi Phan Thiết, Bình Thuận (Cập nhật 8/2021)

Đi lại tại Phan Thiết

Phương tiện xe buýt

Hệ thống xe buýt ở Phan Thiết tuy chưa nhiều nhưng cũng có đủ một số tuyến cơ bản để các bạn có thể di chuyển tới những điểm cần thiết như Mũi Né, Hòn Rơm, Kê Gà, La Gi. Với các địa điểm khác, nếu không nằm trên lộ trình xe buýt các bạn có lẽ sẽ phải cần thuê xe máy để đi tiếp.

Thuê xe máy tại Phan Thiết

Tp Phan Thiết không quá rộng nhưng các địa điểm du lịch trong thành phố lại nằm cách nhau khá xa. Trừ khi chuyến du lịch Phan Thiết của bạn có người nhà và trẻ nhỏ thì nên di chuyển bằng taxi còn không thì phương tiện hữu hiệu nhất để khám phá Phan Thiết chính là xe máy. Với một chiếc xe máy thuê tại Phan Thiết, các bạn có thể dễ dàng và chủ động hơn trong việc di chuyển.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy tại Phan Thiết (Cập nhật 8/2021)

Lưu trú tại Phan Thiết

Khách sạn tại Phan Thiết

Hệ thống khách sạn tại Phan Thiết tập trung chủ yếu ở khu vực Mũi Né với hàng trăm resort, khách sạn, nhà nghỉ bình dân để phục vụ lượng du khách khổng lồ tới đây hàng năm. Tại trung tâm Tp Phan Thiết, số lượng khách sạn không quá nhiều nhưng cũng có một số khách sạn nổi bật với chất lượng tốt, giá cả phải chăng làm hài lòng rất nhiều khách du lịch.

Xem thêm bài viết: Top các khách sạn tốt giá rẻ ở Phan Thiết (Cập nhật 8/2021)

Tùy thuộc vào mục đích của chuyến đi, các bạn có thể lựa chọn lưu trú tại khu vực trung tâm Tp Phan Thiết, ưu điểm là sẽ có nhiều hoạt động để vui chơi, nhiều món ăn vặt vỉa hè để các bạn khám phá hoặc lựa chọn lưu trú tại khu vực Mũi Né, ở Mũi Né buổi tối thì hơi buồn do không có nhiều hoạt động, du khách đa phần nghỉ ngơi trong resort.

Homestay tại Phan Thiết

Dịch vụ này ở Phan Thiết đã có nhưng chưa nhiều, hiện số lượng homestay ở Phan Thiết chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng đặc biệt lại rất thu hút được nhiều các bạn trẻ Việt Nam cũng như nước ngoài đến ở. Những homestay này có ưu điểm là giá phòng rẻ, luôn có kèm các dịch vụ ăn uống giá cũng rẻ luôn, môi trường đa văn hóa do mỗi người lại đến từ những vùng địa lý khác nhau thế nên lúc nào cũng rất vui, ở homestay các bạn lại luôn có cơ hội tìm hiểu và nhận được sự chia sẻ thông tin về du lịch Phan Thiết từ những người bạn khác ở đấy và đã đi trước.

Xem thêm bài viết: Các homestay chất lượng tốt ở Phan Thiết (Cập nhật 8/2021)

Các địa điểm du lịch ở Phan Thiết

Nhiều bạn đến Phan Thiết nhưng chỉ biết đến Mũi Né mà không biết rằng ở Phan Thiết còn rất nhiều địa điểm du lịch thú vị khác. Cùng Phượt tổng hợp các địa điểm du lịch ở Phan Thiết để các bạn tham khảo.

Tháp nước Phan Thiết

Giữa lòng thành phố Phan Thiết có dòng sông Cà Ty hiền hòa chảy qua chia thành phố thành 2 bờ Nam Bắc tạo cho Phan Thiết một nét đẹp nên thơ đầy quyến rũ. Chạy xe qua khỏi cầu Lê Hồng Phong, ta có thể nhìn thấy được Tháp nước Phan Thiết đứng hiên ngang, lịch lãm bên dòng sông Cà Ty. Tháp nước ấy đã đi sâu vào trong lòng của từng người dân Phan Thiết, từ thế hệ này sang thế hệ khác, và đó cũng là biểu tượng của thành phố biển Phan Thiết. Tháp nước Phan Thiết được khởi công xây dựng vào cuối năm 1937, do Hoàng thân Souphanouvong (1909-1995), nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào, khi đó là Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang, thiết kế.

Tháp cao 32 m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5 m, đường kính 9m. Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22m, có đường kính chân tháp là 10m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc.

Tháp do nhà thầu Ưng Du thi công đến 1938 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho toàn vùng đô thị Phan Thiết. Tháp nước Phan Thiết còn độc đáo hơn bởi dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt chữ “Unise Des Eaux de Phan Thiet”) bao quanh tháp, được ghép bằng những mảnh chén sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn, nhìn từ xa luôn lấp lánh trong ánh nắng miền biển.

Mũi Né

Mũi Né Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 14 km về hướng Đông Bắc. Mũi Né là tên một làng chài và cũng là một điểm du lịch quen thuộc trong dải biển Nam Trung Bộ. Bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm, không có bão nên Mũi Né là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng dành cho du khách. Du lịch Mũi Né đặc biệt được du khách nước ngoài yêu thích, nhiều nhất là khách Nga và khách Trung Quốc. Dải bãi biển ở Mũi Né hiện giờ hầu hết nằm trong các khu resort, nhà hàng mà khách du lịch bình thường khó có thể tiếp cận, tuy nhiên Mũi Né cũng còn một vài bãi biển hoang sơ và đẹp mà du khách có thể tiếp cận và tham quan.

Bãi đá Ông Địa

Đây là một bãi biển nằm trên đường từ Phan Thiết đến Mũi Né, đối diện ngay khu resort Sea Link. Không ai biết rõ tên địa danh này có từ lúc nào. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, tên gọi này được hình thành do ở đây có một tảng đá có hình thù giống Ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền. Tảng đá này được hình thành từ tự nhiên. Đầu tiên, một vài người dân sinh sống ở đây cho rằng đây là “Ông Địa” mà trời ban tặng, họ bắt đầu lập am, thắp nhang để cầu tài lộc, buôn may bán đắt. Đây cũng là khu vực được các bạn nước ngoài lựa chọn để chơi các trò chơi mạo hiểm như lướt ván hay trượt sóng.

Suối Tiên

Đây là một khe nước nhỏ nằm khuất sau các đồi cát đỏ ở trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Lối vào Suối Tiên hầu hết bị che khuất bởi nhà dân nên nếu không để ý các bạn sẽ dễ bị bỏ qua. Đoạn suối này chạy dài khoảng 1km trước khi đổ ra biển, ngay phía trên là những đồi cát đỏ rực khiến khung cảnh trông vô cùng đẹp và nên thơ.

READ  Kinh nghiệm du lịch Bỉ (Brussels) tự túc 2020 giá rẻ ăn chơi thả ga
Hòn Rơm

Đây không phải tên một hòn đảo mà là một ngọn núi nhỏ vẫn còn hoang sơ của Mũi Né, trên đường đi Bàu Trắng các bạn sẽ nhìn thấy một doi đất nhô ra sát biển, đấy chính là khu Hòn Rơm. Do thời tiết thuận lợi, thích hợp phát triển các loại thực vật nên ở trên núi này có một loại cỏ ống dài khoảng 0,50m; vào mùa nắng lớn, cỏ bị cháy khô, màu vàng. Người dân đi biển ở ngoài khơi nhìn vào ngọn núi thấy dáng khô vàng giống như một đụm rơm khổng lồ, nên mới gọi là Hòn Rơm.

Ngày nay, Hòn Rơm thực chất là một “tiểu khu” du lịch của Mũi Né, với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km, vẫn còn nguyên sơ, chưa có người ở và khai thác, gọi là Bãi sau Hòn Rơm. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, người ta có thể ngồi tại đây ngắm bình minh hay hoàng hôn; vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại, tắm biển.

Đồi Cát Hồng

Đồi cát hồng Mũi Né, một phần của Đồi Cát Bay - một bãi cát trải dài nhiều chục cây số và lan rộng từ Bình Thuận đến Ninh Thuận. Đồi hồng là điểm tham quan chính và được xem là đẹp nhất ở Mũi Né nằm trên đường DT706 ra Hòn Rơm. Thời điểm hợp lý để ngắm đồi cát hồng là lúc bình minh hoặc hoàng hôn, những thời điểm này nắng hầu như không có nên bạn có thể đi bộ hoặc chơi trượt cát, những khoảng thời gian khác đồi cát vô cùng nóng, không thích hợp để tham quan.

Làng chài Mũi Né

Qua Suối Tiên một đoạn, ngay sát bờ biển là khu làng chài Mũi Né. Vào mỗi buổi sáng, nơi đây thực sự là một chợ hải sản vô cùng nhộn nhịp với những cuộc mặc cả giữa người mua và người bán. Hầu hết các loại hải sản sau khi cập bờ đều được sơ chế ngay tại bờ biển và được thu mua bởi nhà hàng quán ăn hay những lái buôn. Ngay tại đây nếu thích thưởng thức hải sản tươi sống với một số món đơn giản như ghẹ hay mực hấp, bạn có thể mua tại chợ và người dân sẽ chế biến và làm luôn cho bạn.

Đến làng chài Mũi Né, bạn sẽ có thêm hiểu biết về cuộc sống của ngư dân ở đây. Về những việc vẫn diễn ra hàng ngày, ra khơi bám biển rồi lại quay về bờ nghỉ ngơi, những hoạt động chế biến, giao dịch diễn ra nhộn nhịp và liên tục.

Bãi biển Đồi Dương

Từ Trung tâm thành phố Phan Thiết theo hướng đại lộ Nguyễn Tất Thành, du khách đi thẳng khoảng 1km nữa là đến biển Đồi Dương - Thương Chánh. Là bãi tắm mà tên tuổi của nó đã gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển thành phố biển này.

Đồi Dương là tên một bãi tắm biển, một công viên tọa lạc ngay trung tâm thành phố Phan Thiết, hướng đại lộ Nguyễn Tất Thành, du khách đi thẳng khoảng 1km nữa là đến bãi biển Đồi Dương - Thương Chánh. Nếu như khu vực Hàm Tiến - Mũi Né là bãi tắm riêng của các khu resort chỉ dành cho du khách của họ, thì bãi biển Đồi Dương là bãi tắm công cộng dành cho công chúng. Biển Đồi Dương được gọi như vậy là vì ngày xưa, nơi đây là một vùng rộng lớn trồng rất nhiều cây dương chắn gió. Tuy nhiên, hiện nay khu vực trồng dương đã bị thu hẹp rất nhiều vì phần lớn đất dành cho khách sạn Novotel Phan Thiết. Bãi tắm Đồi Dương bây giờ mang tên chính thức là Công viên Đồi Dương.

Tháp Chăm Phố Hài - Tháp Pôshanư

Tháp Po Sah Inư (còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài) là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km và cách trung tâm khu du lịch Mũi Né khoảng 13km.

Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Po Sah Inư là một trong những cụm tháp Chàm còn tương đối nguyên vẹn.

Trường Dục Thanh

Dục Thanh Học hiệu (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) ngay trên đất nhà thờ họ Nguyễn ở làng Thành Đức (ngày nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết). Cấu trúc chính của trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ - Ngoạ Du Sào - là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà Ngự làm nơi ở chung của các thầy và trò xa nhà.

Lầu Ông Hoàng

Lầu Ông Hoàng là một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp ở phường Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận. Đây vốn là một biệt thự do Ferdinand d’Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây, nhưng đến nay đã bị phá hủy và chỉ còn là tàn tích. Địa danh này cũng được gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết. Ngày nay, tên gọi “Lầu Ông Hoàng” cũng thường được chỉ về khu vực nghĩa trang thành phố Phan Thiết.

Địa danh Lầu Ông Hoàng còn gắn với tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử - bởi lẽ Lầu Ông Hoàng từng là nơi hẹn hò và ngắm trăng của Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm - người tình của nhà thơ. Nhà thơ Hàn Mạc Tử có nhiều bài thơ nói về nơi này, nổi tiếng là bài “Phan Thiết Phan Thiết” với những vần thơ lạ kỳ, ý thơ thống thiết; Trong bài thơ này ông ví mình như chim phượng hoàng, bay qua nhiều cung trời để rồi rớt xuống một cù lao, sau nhiều năm tu luyện đã thành chánh quả, ông theo thất tinh chỉ hướng để đi tìm một người thục nữ và ông:

…lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang. Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…

Tương truyền Hàn Mặc Tử đã phóng bút tích của mình lên tấm bia đá tại Lầu ông Hoàng, tuy nhiên, di tích đó hiện nay chỉ còn là đống gạch vụn. Trong ca khúc “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng có nhắc đến Lầu Ông Hoàng: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…”

Vạn Thủy Tú

Vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là nơi thờ thần Nam Hải - tức Cá Ông, theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển.

Các vạn thường được xây dựng ngay sát bờ biển của các làng chài. Vạn này được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng vào năm Nhâm Ngọ 1762 để thờ Cá Ông (cá voi) với chính điện, nhà thờ Tiền Hiền, Võ Ca được bố trí theo hình chữ Tam, mặt chính quay về hướng Đông. Khi mới xây dựng xong, cửa vạn sát ngay bờ biển, ngày nay bờ biển đã dời xa ra ngoài hơn 100 m.

Vạn làng Thủy Tú là một trong những vạn cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Bên trong vạn có nhiều di sản văn hóa Hán-Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối, trên văn khắc của đại hồng chung.

Mộ Nguyễn Thông

Nguyễn Thông (1827-1884), tự Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am; là quan nhà Nguyễn và là danh sĩ Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 19. Nguyễn Thông sinh ngày 28 tháng 5 năm 1827 tại làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Năm 1880 ông cất thêm một ngôi nhà nhỏ đặt tên “Ngọa Du sào” nghĩa là “Tổ nằm chơi” để đọc sách làm thơ. Đến nay trong “Ngọa Du sào” vẫn còn hai câu liễn của Nguyễn Tư Giãn tặng Nguyễn Thông cũng là hiện vật trong khu di tích Dục Thanh.

Là nhà trí thức yêu nước, với vốn tích lũy nhiều, đi nhiều và hiểu biết nhiều, ông đã làm nhiều thơ văn và ra đời hàng chục quyển của các bộ “Ngọa Du sào tập”, “Kỳ xuyên văn sao”, “Dưỡng chính lục”…

Những năm tháng cuối đời Nguyễn Thông đã để lại cho bạn bè, gia đình và nhân dân Phan Thiết tấm lòng kính yêu. Ông mất ngày 7 tháng 7 năm 1884 (Tức ngày 27/8 năm Giáp Thân). Là nhà trí thức yêu nước, nhà thơ, nhà văn và nhà hoạt động xã hội có ảnh hưởng lớn ở miền Nam nước ta nửa đầu thế kỷ XIX.

Sau khi mất, theo nguyện vọng khi còn sống, ông được gia đình, bạn bè chôn cất dưới chân núi Cố. Núi Cố có nhiều cây cối, chim chóc, dưới chân núi là biển cả tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Ngôi mộ được xây giản dị, gần gũi như tấm lòng và con người của ông.

Mộ có chiều dài 9,45m rộng 6,35 m phần chính mộ đắp hình con lân như những ngôi mộ người xưa. Trên mộ có tấm bia bằng đá, khắc chữ Hán, nội dung trên bia là bài văn bia do chính Nguyễn Thông viết.

Chùa Ông (Quan Đế Miếu)

Chùa Ông (tức Quan Đế Miếu) là ngôi miếu (nhiều người nhầm là chùa) cổ nhất và có quy mô nhất của người Hoa ở Bình Thuận, nằm tại phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết.

  • Nằm trên một diện tích khá lớn, chùa này có lối kiến trúc và trang trí nghệ thuật đặc trưng của người Hoa:
  • Các dãy nhà nối tiếp nhau tạo nên hình chữ Kim
  • Hệ thống cột, vĩ kèo chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, có phần giống kĩ thuật chạm khắc trong các ngôi đình chùa của người Việt
  • Các cột chính đều treo câu đối được chạm khắc, sơn son, thiếp vàng lộng lẫy
  • Bên trong có những bức tranh chạm gỗ miêu tả các điển tích xưa của người Hoa có niên đại thế kỷ 18. Nhiều bức hoành lớn được chuyển từ Trung Hoa sang ở thế kỷ 19.

Chùa Ông hiện nay còn lưu giữ nhiều chiếc chuông cổ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật, phần lớn được đúc tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và được chuyển sang từ triều đại nhà Thanh. Kiểu cách và vật liệu giống Đại hồng chung của người Việt nhưng được trang trí phức tạp và rườm rà hơn trên thân chuông. Chùa Ông là một trong những ngôi chùa có vườn chùa đẹp.

Đình Đức Thắng

Đình làng Đức Thắng là một ngôi đình cổ nằm tại phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đình này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19, khi đó chỉ là một nhà tranh vách đất để nhân dân làm nơi thờ Thành Hoàng làng và hội đồng kỳ mục hội họp. Năm Đinh Mùi (1811), khi đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu và tiền bạc thì nhân dân khởi công xây dựng mới ngôi đình trên nền ngôi đình cũ. Nhưng vì đây là ngôi đình có quy mô lớn nhất lúc bấy giờ ở Phan Thiết nên mãi đến năm 1847 thì công việc xây dựng mới hoàn chỉnh, kể cả các công trình phụ. Có tài liệu ở đình Đức Thắng ghi: việc xây dựng đình làng Đức Thắng từ năm Tân Sửu đến Đinh Mùi.

Đình làng Đức Nghĩa

Đình làng Đức Nghĩa là một ngôi đình cổ nằm ở phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đình được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 19, nằm ở vị trí gần đình làng Đức Thắng. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan về phong thổ địa lý nên dân làng dời đình lên động cát làng Thành Đức (làng Thành Đức nhập với vạn Nam Nghĩa thành làng Đức Nghĩa). Đình xây dựng trên động cát cao, phía trước có ao sen lớn.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu do những người thương gia người Hoa xây dựng tại Phú Hài. Căn cứ vào Thiên Hậu cung phả ghi chép : Những thương gia người Hoa sang VN giao thương thường vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và ghé vào các cửa biển để lên các chợ ven sông buôn bán. Tại Phan Thiết , các thương gia thường ghé vào biển Phú Hài đến chợ Dinh. Hầu hết các thương gia buôn bán đều lập trang thờ bà Thiên Hậu trên ghe để được bà phù hộ bình an.

Một hôm có 1 chiếc ghe bị hư hỏng, phải đậu tại sân Phú Hài để sửa chửa. Nhằm thuận tiện cho việc sửa chửa, chủ ghe đã thỉnh tượng Bà lên một mô đất cạnh dòng sông để thờ cúng tạm.Sau khi sửa chửa xong chủ ghe làm lễ rước tượng xuống ghe. Nhưng tượng Bà bỗng dưng quá nặng , nhiều người khiêng không nhúc nhích nổi. Chủ ghe cũng đã cúng bái cho tượng nhưng vẫn không được. Cuối cùng đành phải che tạm 1 miếu nhỏ để thờ Bà.Sau đó vào năm 1725 những thương gia người Hoa đến buôn bán tại chợ Dinh Phú Hài cùng đến cúng bái và góp tiền xây dựng chùa Bà Thiên Hậu tại đây.Năm 1946 chiến tranh xảy ra đã làm hư hại và sụp đổ ngôi đền. Trước năm 1975 , khu vục này không được an ninh , nên người dân không được đi lại thường xuyên , nên việc xây dựng lại Chùa Bà Thiên Hậu chưa được quan tâm đúng mức.Đến năm 1995 Quan Đế Miếu (Chùa ông ) , Thành Phố Phan Thiết muốn xây dựng lại ngôi đền , nhưng do kinh phí khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được.Năm 1995 ban quản lý Miếu đã xin phép chính quyền địa phương xây dựng lại ngôi đền trên nền đất cũ . Chính quyền đã chấp nhận và trao đất cho ban quản lý Quan Đế Miếu.Ngày 27.3.2003 , ngôi đền được khởi công xây dựng lại. Nhờ vào lòng hảo tâm và sự thành kính cúng bái của tập thể người Hoa và người Việt tại địa phương ,cũng như các nơi trong và ngoài nước. Hiện tại ngôi đền đã được xây dựng hoàn tất đến chính và hai đền phụ.

READ  Kinh nghiệm phượt Đà Lạt bằng xe máy ngắm cảnh đẹp, đồ ăn ngon | Cập nhật 2020

Chùa Phật Quang

Tương truyền, chùa Phật Quang có tên gốc là Bồ Đề, thuộc thôn An Hòa, tổng Vạn Phước, huyện An Phước, phủ Bình Thuận, nay là đường Trần Quang Khải, Hưng Long, Tp Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Chùa được xây cách đây hơn 320 năm.

Sau khi về trụ trì chùa Phật Quang, sư Thích Huệ Tánh đã cho xây dựng chính điện mới ở phía trước ngôi chùa cổ. Chùa Phật Quang mang vẻ uy nghi, tĩnh lặng, hoa văn chạm trổ ở tiền sảnh, bao lam, nóc, mái chùa có màu sắc tươi sáng, tượng Phật Di Lặc nụ cười hoan hỉ tọa ngay giữa chính sân… khiến du khách đến viếng chùa cảm thấy tươi vui, nhẹ nhàng. Chùa có hẳn một khu nhà nghỉ khang trang dành cho các đệ tử và khách thập phương, gian phòng nhỏ cạnh chính điện chùa cổ là nơi nghỉ ngơi dành cho sư trụ trì.

Ngoài bộ kinh Phật khắc bằng gỗ đầy đủ và cổ xưa nhất được ghi vào kỷ lục guiness Việt Nam, chùa Phật Quang còn có hai kỷ lục khác là chuông Gia Trì và cặp mõ Gia Trì làm bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Được biết, cặp mõ Gia Trì cao 80cm, ngang 92cm, được làm bằng gỗ mít Quảng Bình, do 3 thợ Quảng Nam thực hiện từ 1977 - 2004. Chuông Gia Trì do thợ Quảng Nam thực hiện, cao 1m, đường kính 1,2m, nặng 400kg.

Chùa núi Tà Cú

Chùa núi Tà Cú (người địa phương hay gọi đơn giản là chùa Núi) là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao hơn 400 m, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, gần quốc lộ 1A, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam.

Phía trên chùa, cách hang Tổ khoảng 50 m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49 m, cao 7 m. Tác phẩm do ông Trương Định Ý chủ trì, được đúc bằng bê tông cốt thép trong đợt trùng tu năm 1963. Cách pho tượng khoảng 50 m về phía dưới là nhóm tượng Di đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: tượng A Di Đà ở giữa cao 7 m, bên trái là tượng Quán Thế Âm và bên phải tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5 m. Tháp mộ của Tổ và của các nhà sư trụ trì đã qua đời được chia thành hai cụm ở trước điện thờ và sau điện thờ. Tháp Tổ nằm trước điện thờ, bên cạnh có mộ con cọp tương truyền là đã được sư Hữu Đức thuần hóa.

Đồi cát Bàu Trắng

Bàu Trắng là tên một hồ nước ngọt cách Mũi Né khoảng 35km thuộc huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Bàu Trắng chia thành 2 phần bởi một đồi cát vắt ngang qua. Nhân dân ở đây từ xưa đã gọi là Bàu Ông và Bàu Bà. Bàu Bà rộng hơn Bàu Ông và chứa lượng nước nhiều hơn. Độ sâu của Bàu Bà là 19m vào mùa mưa. Xung quanh Bàu Bà trồng rất nhiều sen (nên nơi đây còn có tên là Bàu Sen), sen được cư dân trồng với mục đích thu hoạch hạt và ngó. Thế nhưng, chính việc trồng sen tại khu vực này khiến cho cảnh quan thêm phần đặc sắc.

Đồi cát gắn liền với Bàu Trắng từ hàng nghìn năm nay, giờ được ví như một tiểu sa mạc Sahara của Bình Thuận. Khu vực này hiện vẫn còn hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ đưa vào khai thác. Chính vì vậy, đây là một điểm du lịch rất đáng để đến khi du lịch Mũi Né. Thời điểm phù hợp để đến Bàu Trắng là sáng sớm, khi bình minh lên. Lúc này ngoài vẻ đẹp của đồi cát, bạn còn có cơ hội săn những bức ảnh tuyệt vời trước khi một ngày mới bắt đầu. Thời gian này nhiệt độ đồi cát cũng vẫn chưa cao nên không

Đến đây bạn có thể tham gia vào một trò chơi mạo hiểm và rất thú vị là lái xe mô tô trên cát.

Các món ăn ngon và đặc sản Phan Thiết

Các món ăn ngon ở Phan Thiết

Bánh căn Phan Thiết

Bánh Căn cùng làm từ bột gạo rồi được đổ trong khuôn như bánh khọt nhưng khác ở chỗ là được đổ trong khuôn đất và không tráng mỡ vào khuôn, vì vậy hương vị bánh căn là bột “nướng” khác với bột “chiên” của bánh khọt. Bánh chín được nạy ra, 2 cái úp vào nhau giữa là lá hành thái nhỏ. Bánh căn được dùng kèm với nước mắm hoặc nước cá kho, có thể ăn kèm với xíu mại.

Bánh xèo Phan Thiết

Ở nước ta, nhiều vùng có bánh xèo nhưng mỗi nơi một khác. Miền sông nước Nam bộ có bánh xèo bông điên điển, những góc phố TP HCM lại được biết đến với bánh xèo chảo ăn với cải bẹ xanh… Nhưng chẳng nơi nào nâng bánh xèo lên thành danh thực, có thể cung cấp cho tiệc cơ quan, liên hoan, sinh nhật… như bánh xèo Phan Thiết

So với đại đa số cách ăn bánh xèo, thì Phan Thiết là vùng có cách ăn đơn giản và lạ lẫm nhất vì bất kỳ ai cũng ngạc nhiên khi không bắt gặp bất kỳ loại rau sống nào để cuốn bánh. Bởi lẽ, bánh xèo ở Phan Thiết được ăn kèm rau sống với nước mắm pha, tất cả cùng hòa quyện với nhau cùng lúc chứ không cầu kỳ cuốn từng miếng.

Bánh tráng cuốn dẻo

Món này được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường. Thành phần của bánh khá đơn giản gồm bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ, trứng cút. Mọi thứ được cuộn lại rất ngon và hấp dẫn. Món ăn này thường được bán vào buổi chiều tối.

Bánh canh

Một món ăn mang hương vị rất riêng của Phan Thiết . Bánh canh chả cá thì có của Trảng Bàng, Nha Trang, Bình Định … nhưng mùi vị ở Phan Thiết là đặc sắc hơn cả. Sợi bánh canh rời, đục chứ ko trong, ko dính như là bánh canh thường hay ăn, và thấy giống cọng bún bò. Không chỉ bán bánh canh và hầu hết các hàng bánh canh đều bán kèm với bánh mỳ xúi mại trứng luộc rất ngon và hấp dẫn . Ngoài ra bạn còn có thể ăn bánh mỳ nóng chấm với nước bánh canh rất ngon.

Mì Quảng Phan Thiết

Mì Quảng vốn bắt nguồn từ miền Trung ở xứ Quảng Nam nhưng khi du nhập vào Phan Thiết đã được biến tấu đi rất nhiều, cụ thể là nước lèo nấu ngọt xương và nước nhiều hơn chứ không xâm xấp như tô mì Quảng gốc, ngoài sợi phở trắng còn có thêm món mì vàng sợi nhỏ ăn kèm, và cũng chỉ ở Phan Thiết mới sáng tạo ra món mì Quảng vịt mà nơi khác không có.

Mì Quảng Phan Thiết có hai món chính là mì Quảng vịt với mì Quảng heo, thường quán nào bán cũng đầy đủ cả hai để tùy theo khẩu vị khách chọn lựa. Ăn heo thì có thịt lát hoặc giò nạc, ăn vịt thì có đùi vịt rồi đầu, cổ, cánh, ức, bộ lòng đủ cả.

Bún bò dơ Phan Thiết

Có một quán bún bò nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Tp Phan Thiết mà cái hương, cái vị của nước lèo và rau ăn kèm không giống bất kỳ nơi nào. Nhiều thực khách sành ăn quả quyết, phong vị bún bò này không phải Bắc, cũng chẳng phải Nam, càng không phải Huế.

Chính món bún bò dơ sẽ khiến những thực khách phải có thêm một nhìn nhận khác, phải gật đầu mà thừa nhận rằng ngoài bún bò Huế ra, vẫn còn một món bún bò khác biệt và ngon như thế. Chẳng biết công thức của món bún bò dơ được ai sáng chế ra, tuy nhiên ở thành phố biển Phan Thiết nó gắn liền với một chiếc xe nhỏ được bày bán tại một trong những con lộ chính của nơi này, và tất nhiên lúc nào cũng đông khách.

Món này khi ăn phải vừa ăn vừa nhai miếng thịt bò thơm, dai được ướp ngon lành, húp vị nước dùng thanh ngọt, cắn miếng huyết, nhai cọng rau răm cho điểm xuyết thêm chút vị cay nhè nhẹ, pha lẫn chút vị chua không lẫn vào đâu được của dấm . Người Phan Thiết đi ăn bún bò dơ hình như không phải vì hiếu kỳ bởi cái tên là lạ của nó, mà họ ăn vì sự quen thuộc và đôi khi còn bao hàm cả những nỗi nhớ nhung xa xưa lắm.

Bánh quai vạc

Bánh quai vạc khá giống với bánh bột lọc Huế. Bánh được làm nhỏ, với lớp vỏ dai, mềm, trong suốt, để lộ nhân tôm và hấp dẫn nhờ hương vị của nước mắm ngon. Món này cũng là món ăn được cho cả ngày. Không chỉ ăn kèm nước mắm, người Phan Thiết còn thích cho bánh quai vạc vào bánh mì, rưới nước mắm ớt lên.

Bánh rế Phan Thiết

Bánh rế có nguồn gốc xuất xứ tại Phan Rang (Ninh Thuận), dần dần lan rộng khắp miền Trung, rồi đến phía Nam, nhưng ngày nay phổ biến nhất và trở thành đặc sản ở Phan Thiết (Bình Thuận). Nghề làm bánh rế ở Phan Thiết hiện nay tập trung chủ yếu ở các khu vực nội thành, là nghề truyền thống của nhiều gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh rế mùi vị, độ ngon khác nhau, nhưng tất cả đều tạo nên nét đặc trưng, hương vị rất riêng cho vùng đất này.

Bánh rế thoạt đầu trông rất đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải hết sức khéo léo. Nguyên liệu chính của món này chủ yếu từ khoai mì hoặc khoai lang. Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì (sắn) thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn gồm 6 thợ đảm nhận các công việc khác nhau mới có thể chế biến được chiếc bánh rế thơm ngon và chất lượng.

Khoai, sắn sau khi được chọn kỹ, bỏ vào thau nước ngâm vài tiếng cho bớt nhựa, sau đó lột sạch vỏ và bào thành sợi nhỏ đều, để khi chiên những sợi này đan xen và quấn lẫn nhau. Trộn chúng với một xíu hương vani rồi mới đem chiên.

Tiếp đến, người thợ bánh bắc chảo dầu lên lò than đang ửng hồng, thêm một ít dầu dừa vào chảo. Khi dầu sôi, bốc một nắm khoai mì/khoai lang bào sẵn bỏ vào cái vá (muỗng) có cán dài rồi nhúng vào chảo dầu. Dùng đũa đảo sợi khoai lên cho chín đều và tránh bị dính vào thành cục quá dày.

Dầu nóng làm cho khoai chín và kết dính vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình thù giống cái rế để lót nồi, xoong, niêu của người dân vùng quê, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, từ đó mà bánh rế ra đời. Khi bánh đã kết dính với nhau và đã chín đều, dùng vá vớt bánh ra vỉ cho ráo dầu.

Chiên hết số sợi mì đã bào cũng là lúc bánh rế đầy rổ. Ta dùng một chảo khác để thắng đường. Khi đường tan chảy, gấp từng chiếc bánh rế một nhúng sâu vào chảo đường rồi lấy ra, cứ tiếp tục cho đến hết. Sau đó rắc thêm chút mè trắng rang sẵn lên mặt bánh rế vừa nhúng đường, để khi dùng tạo hương thơm và vị đặc biệt hơn.

Lẩu thả Phan Thiết

Nguyên liệu chính làm nên món này là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương cẩn thận, cá được trụng (chần) và rửa sạch bằng nước chanh tươi để mất mùi tanh, rồi tẩm ướp sơ gia vị.

Ngoài cá tươi được xếp ngay ngắn trên đĩa ở giữa, những nguyên liệu khác còn có trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo… Tất cả phải được xắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình một bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có đĩa bún và một nồi nước lèo sôi sục kế bên.

Để thưởng thức lẩu thả, thực khách lấy khoảng 3-4 con cá vào tô, tiếp đó cho thêm các nguyên liệu phụ rồi rót nước lèo vào bát để thưởng thức.

Gỏi cá Phan Thiết

Trong số các loại gỏi chế biến từ hải sản Phan Thiết , gỏi cá Phan Thiết là món ăn ngon và rất riêng của vùng biển Phan Thiết. Vị ngọt bùi của cá, cay nồng của các loại rau tươi, béo của bánh tráng mè và thứ nước chấm đặc trưng tạo nên món ăn thơm ngon, bổ dưỡng và đậm đà hương vị biển.

Cá lồi xối mỡ

Cá lồi xuất hiện nhiều nhất là vào các tháng 7-8-9 âm lịch. Một con cá lồi lớn nhất có trọng lượng từ 3-5 kg, trung bình từ 1-2 kg và nhỏ nhất khoảng 0,5 kg. Thông thường các bà nội trợ chọn mua những con cá lồi lớn, thịt sẽ nhiều và ngọt hơn. Có nhiều món ăn ngon chế biến từ cá lồi: nấu canh chua cá lồi, cá lồi kho tỏi, tiêu hay ớt. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cá lồi xối mỡ cuốn bánh tráng. Đây là món ăn ngon ở Phan Thiết mà bạn không thể bỏ lỡ.

Cá lồi khi mua về, được cạo sạch chất nhờn, mổ bụng bỏ ruột cá chỉ để gan lại hấp chung với cá. Cá cắt thành từng miếng vuông, đem hấp cách thủy. Mỡ heo thắng vàng, cho hành lá vào, gần ăn xúc cá ra đĩa, rưới mỡ hành lên. Nước mắm để chấm cá lồi là nước mắm tỏi ớt, đường và me. Nêm sao vừa đủ vị chua, cay, mặn ngọt. Gan cá lồi được hấp chín bỏ vào nước mắm đánh tan, nước mắm sẽ thêm phần hấp dẫn nhờ vào vị béo của gan cá.

Riêng với những người thích ăn món cuốn thì cá lồi cuốn bánh tráng là món không thể bỏ qua. Cũng chế biến bằng cách hấp như các loại cá biển khác, nhưng cá lồi sau đó còn được xối mỡ hành lên thân cá, đem lại món ăn vừa beo béo vừa có hương thơm thoang thoảng của hành. Ăn kèm là rau sống, bún tươi, bánh tráng và chén nước mắm ớt chanh hoặc mắm me.

Mực một nắng

Ngoài cua Huỳnh Đế , tôm hùm … có 1 đặc sản khác mà ai đến Phan Thiết cũng muốn thưởng thức đó chính là mực một nắng Phan Thiết. Sau những giờ phút bong đùa cùng nước biển. Cùng ngồi quây quần dưới bóng mát của những cây dù trên biển để thưởng thức món mực một nắng phan thiết quả là điều thú vị.

READ  Homestay Bình Liêu tốt nhất | Hanoi Tourism | Vuidulich.vn

Những chú mực lá to xòe ra, chỉ cẩn một lần hong qua cái nắng Bình Thuận, sau đó nướng trên than hồng, mực sẽ ngã sang màu vàng nhạt phảng phất hương thơm. Món mực này sẽ ngon hơn nhiều khi chấm với nước mắm Phan Thiết cho thêm vài lát ớt. Vị ngọt dai của mực, độ mặn vừa phải và thơm lừng của nước mắm cùng hòa vào hương vị nồng cay của ớt mang lại cho du khách thêm niềm hứng khởi. Chỉ thế thôi nhưng món ăn rất đổi bình dị này sẽ để lại nỗi nhớ trong lòng không ít những thực khách đã từng thưởng thức.

Tôm biển Phan Thiết

Một trong những hải đặc sản nổi tiếng của thành phố du lịch Phan Thiết là tôm biển. Và càng nổi tiếng hơn khi trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn ở Phan Thiết hiện nay tôm biển đã được chế biến thành những món ăn rất ngon và hấp dẫn.

So với các vùng biển giàu hải sản khác, thiên nhiên còn ưu đãi cho vùng biển Phan Thiết - Bình Thuận rất nhiều loài tôm biển không chỉ có giá trị cao về dinh dưỡng mà còn rất dễ chế biến thành những món ăn ngon và bỗ dưỡng. Có thể kể ra đây vài giống tôm ngon chỉ có ở Phan Thiết là tôm he, tôm sú lửa, tôm càng, tôm thẻ xanh, tôm rồng, tôm hùm, tôm mũ ni, tôm bạc. Hay một số loại tôm rất hiếm như tôm hùm gai, tôm đất, tôm tít, tôm chì, tôm gân, tôm nghệ. Rất nhiều món ăn dân dã và đời thường được người dân thành phố Phan Thiết chế biến từ những con tôm ngọt lịm và thơm lừng như tôm ram, gỏi tôm, tôm lăn bột, tôm hấp gừng, tôm hấp nước dừa, tôm nướng, canh chua tôm, lẫu tôm, thậm chí món tôm luộc chấm muối tiêu chanh cũng rất ngon miệng.

Răng mực

Răng mực là cục tròn tròn, nhỏ xíu trên phần đầu mực thường bị nhiều người nhầm tưởng là mắt mực hay miệng mực. Trước đây, khi chế biến mực, người ta thường bỏ đi vì cho rằng không ăn được nhưng dần trở thành một thức đặc sản của Phan Thiết.

Từ răng mực có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau, nhưng hấp dẫn nhất là món chả răng mực, chủ quán sẽ lựa những chiếc răng mực nhỏ để chế biến món này do đó khi ăn bạn không cần phải gỡ càng ra. Răng mực được nhúng vào bột, sau đó cho vào chảo dầu đang nóng, chiên từng khoanh nhỏ, đợi đến khi vàng giòn thì vớt ra để ráo dầu và thưởng thức.

Các món làm từ Dông

Dông là món đặc sản của vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận. Dông là loài bò sát sống chủ yếu ở các sa mạc, đồi cát. Dông có khả nương nhịn uống nước lâu ngày, sinh trưởng tốt trong môi trường nắng nóng và khô nên còn được gọi là vua của đồi cát. Dông có thể chế biến thành nhiều món ngon như dông nướng, dông xào sả ớt, gỏi dông, dông nấu dưa hồng, món nào cũng ngon và khó quên. Thịt dông tắng như thịt gà nhưng săn hơn, mềm và ngọt.

Cá nục kho Phan Thiết

Cá nục là một trong những món ăn bình dân nhưng rất thơm ngon và nhiều dinh dưỡng. Thịt cá nục chắc và ngọt nên chế biến được nhiều món ngon như kho, nướng, chiên, hấp, nấu chua, nấu sốt, trong đó đậm đà hương vị miền biển nhất là món cá nục kho theo bí quyết của người Phan Thiết.

Với món cá nục kho, người Phan Thiết thường kho theo kiểu “cá nục kho tỏi ớt” cùng một điểm rất khác biệt trong chế biến là bẻ đầu nhét vào bụng cá, vừa tạo cho con cá nục kho căng tròn hấp dẫn vừa làm cho miếng cá (nhất là những người thích ăn đầu) thêm thơm ngon khi thấm đều gia vị.

Trứng mực Phan Thiết

Phan Thiết còn có một món ít người biết đó chính là trứng mực hấp. Trứng mực hình thoi, màu trắng đục, thoạt đầu nhìn qua chả mấy hấp dẫn, tuy nhiên khi hấp lên nóng hổi, đem ra còn chút khói bốc lên sẽ kích thích vị giác đến lạ. Món ăn này đơn giản từ cách chế biến đến gia vị đi kèm. Chỉ cần chén muối tiêu chanh bên cạnh, cho thêm vài lát ớt cay, một đĩa rau răm ăn kèm cho thơm và một đĩa đồ chua là đã đủ làm xiêu lòng thực khách.

Bún cá ngừ Phan Thiết

Với nguồn hải đặc sản phong phú và bồ dưỡng, người Phan Thiết (Bình Thuận) không chỉ chế biến nên những món ăn thơm ngon với hương vị rất riêng mà còn rất gần, gũi mộc mạc trong tên gọi như tính cách đôn hậu của miền biển. Và bún cá ngừ kho là một món ăn như thế.

Theo một số tài liệu ẩm thực, món bún cá ngừ kho có xuất xứ từ các tỉnh miền Trung theo chân người “ngũ Quảng” đến lập nghiệp tại Phan Thiết - Bình Thuận hơn 100 năm qua. Dần dà, theo thời gian món ăn này cũng được nêm nếm lại cho hợp khẩu vị hơn khi “người Phan Thiết” thích nghi dần với mảnh đất nắng nhiều, mưa ít.

Về cơ bản, cách chế biến cá ngừ kho rất đơn giản. Cá ngừ tươi mua ở chợ về làm sạch, cắt từng lát dày khoảng 2,5cm, ngâm nước muối, rửa sạch, cho vào rổ để ráo nước rồi ướp đều gia vị ở hai mặt lát cá (muối, bột ngọt). Khi những lát cá vừa thấm thì dùng dầu chiên sơ rồi cho vào nồi nước đã có gia vị (cà, hành, tỏi, ớt giã nhuyễn, ớt nguyên trái, nước mắm, bột ngọt, nước dừa …) sao cho vừa xăm xắp mặt lát cá. Vặn lửa to, cho nước trong nồi sôi bung lên rồi vớt bọt, hạ lửa dần để cá thấm cho đến khi cá chín thơm lừng Vậy là đã có món cá ngừ kho đậm đà hương vị miền biển. Cá ngừ kho thường là món ăn với cơm của đại bộ phận người Phan Thiết. Nhưng nếu ăn với bún tươi kiểu Phan Thiết lại là một món ăn rất lạ miệng và hợp khẩu vị nhiều người.

Đặc sản Phan Thiết mua về làm quà

Nước mắm Phan Thiết

Nước mắm Phan Thiết thuộc loại “lão làng” và đã có mặt ở hầu hết tại các thị trường trong nước. Nước mắm Phan Thiết đã có từ thời Phan Thiết có tên là Tổng Đức Thắng (1809). Những nhà làm nước mắm khi đó đã làm được nhiều nước mắm và bán ở Đàng Ngoài. Ðến đầu thế kỷ 20, nước mắm Phan Thiết đã có một nhãn hiệu nổi tiếng là nước mắm Liên Thành, được bán rộng rãi trong Nam ngoài Trung.

Khác biệt chung nhất, dễ nhận thấy nhất của nước mắm Phan Thiết so với nước mắm Phú Quốc và các vùng khác là màu vàng rơm (nếu nguyên liệu là cá cơm) hay màu nâu nhạt (cá nục), trong sánh, có mùi thơm nồng và vị ngọt đậm do đạm cao. Khác biệt đó của nước mắm Phan Thiết được giải thích vì quá trình ủ chượp dưới trời nắng và gió - nhiệt độ trung bình cao, độ ẩm thấp tác động tích cực đến cơ chế lên men - điều mà khó có địa phương nào được ưu đãi như vùng cực Nam Trung Bộ.

Ngay trong làng nghề nước mắm ở Phan Thiết, cũng có 3 khu vực sản xuất nước mắm ít nhiều khác nhau:

  • Khu vực phường Thanh Hải: Chủ yếu là các hàm hộ (nhà làm nước mắm) nhỏ, sản phẩm nước mắm vừa mặn, có màu cánh gián đẹp (nhưng để lâu dễ bị xuống màu), độ đạm trung bình. Tại đây còn sản xuất ra các sản phẩm gốc mắm như: mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc…
  • Khu chế biến nước mắm Phú Hài: Đây là khu vực sản xuất quy mô tương đối lớn, sản phẩm nước mắm có độ mặn truyền thống.
  • Khu vực phường Hàm Tiến-Mũi Né: nước mắm tại khu vực này có thể nói là tốt nhất vì nguyên liệu làm từ cá cơm và không có phụ gia. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra rất hạn chế.
Trái thanh long

Bình Thuận có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây thanh long phát triển, cung cấp sản phẩm quanh năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu; sản lượng chiếm 80% sản lượng của cả nước. Thanh long Bình Thuận có vỏ quả dày, khi chín màu đỏ có độ bóng cao, tai quả dày, cứng, chân tai rộng; thịt quả chắc giòn, có vị ngọt chua; mùi thơm đặc trưng, hạt nhỏ và ít.

Cốm hộc

Cốm hộc là thức quà khá đặc trưng của vùng đất Phan Thiết. Cốm hộc được làm từ gạo nếp ngon rang nở bung và đường sên với dứa, gừng. Cũng như các lọai cốm khác, cốm hộc được làm từ lúa nếp. Nếp đem rang, hạt nếp nở bung thành hoa gọi là hạt nổ.

Nước khoáng Vĩnh Hảo

Vĩnh Hảo là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam, được khai thác từ nguồn tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm chính của Vĩnh Hảo là nước khoáng có ga (trước đây gọi là nước suối Vĩnh Hảo) và nước khoáng không ga, thích hợp dùng hằng ngày (nhờ có hàm lượng khoáng thấp). Ngoài ra còn có các loại nước uống giải khát (nước ngọt) được sản xuất trên nền nước khoáng này, đặc biệt là nước Khoáng Chanh (nhãn Lemona) rất được người tiêu dùng yêu thích.

Một số lịch trình du lịch Phan Thiết

Tổng hợp một số lịch trình du lịch Phan Thiết - Mũi Né để các bạn tham khảo. Tùy vào thời gian của mình có thể sắp xếp được, các bạn chủ động kéo dài thêm lịch trình theo như mong muốn.

Sài Gòn - Phan Thiết - Mũi Né - Sài Gòn

Lịch trình du lịch Mũi Né 3 ngày 2 đêm này xuất phát từ Sài Gòn, các bạn từ Hà Nội bố trí lịch bay vào cho phù hợp với lịch trình nhé. Lịch trình di chuyển bằng tàu hỏa, các bạn đi xe giường nằm thì chỉ cần chọn giờ cho khớp.

Ngày 1: Sài Gòn - Phan Thiết - Mũi Né

6h40 tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, nếu đi ngày trong tuần các bạn không cần đặt vé trước vì tàu không quá đông, ra thẳng ga mua vé lúc 6h là oke.

Khoảng 10h15 tàu về đến ga Phan Thiết. Nếu muốn tiết kiệm chi phí các bạn chọn xe buýt số 09 để về đến khách sạn của mình ở Mũi Né, nếu đi đông có thể thuê thẳng taxi về khách sạn, từ ga Phan Thiết về đến trung tâm Mũi Né khoảng 300k cho xe 7 chỗ.

Về đến khách sạn sẽ khoảng 11h30, nếu khách sạn cho nhận phòng sớm thì nhận phòng nghỉ ngơi rồi ăn trưa. Nếu không các bạn có thể gửi đồ để đi ăn. Quán Lâm Tòng khu Bờ Kè (92 Nguyễn Đình Chiểu) là một lựa chọn ngon bổ rẻ nhé

Ngày 2: Mũi Né - Suối Tiên - Làng Chài - Đồi Cát Bay - Bàu Trắng

Với ngày này, các bạn có thể lựa chọn mua một tour xe jeep với giá khoảng 120k 1 người nếu đi ghép, nếu đi tour riêng 2 người thì giá là 550k, 4-6 người khoảng 600k, chia ra cũng khá hợp lý mà lại đỡ phải chạy xe máy xa. Nếu đi tour ghép, thường sẽ xuất phát từ khoảng 4h sáng để đón bình minh, nếu đi tour riêng các bạn thoải mái chủ động chọn giờ đi. Đi hết 4 điểm này thường mất khoảng nửa buổi sáng, trưa bạn quay trở về khách sạn nghỉ ngơi, ăn trưa.

Chiều có thể đi tắm biển khu Bãi đá Ông Địa hoặc lượn lờ ngồi cafe ngắm biển. Nếu ngày 3 muốn nghỉ ngơi buổi sáng, chiều ngày 2 này các bạn hãy thuê xe máy ở Mũi Né để chạy theo hướng về Phan Thiết, đi Tháp Chăm và Vạn Thủy Tú.

Ngày 3: Mũi Né - Tháp Chăm Phố Hài - Vạn Thủy Tú - Phan Thiết - Sài Gòn

Ngày cuối, tranh thủ kết hợp đi luôn trong buổi sáng rồi đến 13h lên tàu từ ga Phan Thiết trở lại Sài Gòn là vừa đẹp. Nếu các bạn đã đi các địa điểm này vào hôm trước khì ngày cuối này ra Joe ngồi uống cafe thư giãn rồi gần trưa bắt xe về ga là vừa.

10h30 từ khách sạn thuê một taxi để đi về Phan Thiết, trên đường đi sẽ ghé qua Tháp Chăm rồi Vạn Thủy Tú, đây là 2 địa điểm cũng khá nổi tiếng của du lịch Phan Thiết. Kết thúc, nói bác tài chở bạn qua ga để lên tàu về lại Sài Gòn.

Sài Gòn - Tà Cú - Phan Thiết - Mũi Né

Lịch trình này dành cho các bạn xuất phát và quay lại Sài Gòn bằng xe máy. Quãng đường khá dài và có thể tham quan được hầu hết Phan Thiết - Mũi Né

Ngày 1: Sài Gòn - Tà Cú - Phan Thiết

Từ Sài Gòn khởi hành đi Phan Thiết. Quãng đường khoảng hơn 200km nên sẽ mất khoảng nửa ngày để di chuyển. Trên đường đi tới Phan Thiết các bạn có thể ghé qua khu du lịch núi Tà Cú.

Đến Phan Thiết nhận phòng cất đồ rồi đi tham quan một số địa điểm ngay trong Tp Phan Thiết. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, tham khảo danh sách các khách sạn giá rẻ ở Phan Thiết

Tối lượn lờ quanh Tp Phan Thiết, thưởng thức những món ăn ngon ở đây

Ngày 2: Phan Thiết - Tháp Chăm Phố Hài - Mũi Né - Suối Tiên - Đồi Cát Bay - Bàu Trắng - Phan Thiết

Ngày 2 này xuất phát từ Tp Phan Thiết, các bạn đi theo hướng ra Mũi Né. Trên đường hãy ghé Tháp Chăm Phố Hài, cụm thác còn được giữ gìn và bảo tồn khá nguyên vẹn ở Phan Thiết.

Ngày 3: Phan Thiết - Kê Gà - Sài Gòn

Từ Phan Thiết xuất phát ngược lại QL1A về Sài Gòn, trên đường về các bạn có thể ghé qua hải đăng Kê Gà.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Phan Thiết 2021
  • du lịch Phan Thiết tháng 8
  • tháng 8 Phan Thiết có gì đẹp
  • review Phan Thiết
  • hướng dẫn đi Phan Thiết tự túc
  • ăn gì ở Phan Thiết
  • phượt Phan Thiết bằng xe máy
  • Phan Thiết ở đâu
  • đường đi tới Phan Thiết
  • chơi gì ở Phan Thiết
  • đi Phan Thiết mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Phan Thiết
  • homestay giá rẻ Phan Thiết
See more articles in the category: Kinh nghiệm du lịch

Leave a Reply