Or you want a quick look: Đặc điểm của cây Sanh
Đặc điểm của cây Sanh
Cây Sanh có tên khoa học là Ficus benjamina, là loài cây thuộc vào họ Dâu Tằm. Cây Sanh được trồng khá phổ biến tại các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á trong đó có nước ta. Nhiều người lựa chọn loại cây này để trồng bởi cây sinh trưởng tốt, tán lá rộng và có thể làm cây cảnh trong nhà như nhiều loài cây khác.
Cây Sanh là cây thân gỗ sống lâu năm, chiều cao trung bình trong tự nhiên lớn nhất có thể đạt được lên đến 15m. Cây có khả năng phát triển rất mạnh và có độ phân nhanh cao. Ngoài ra rễ cây được hình thành từ thân hoặc từ các cành lớn và nằm trong đất. Với cây Sanh cảnh thì phần thân khá dễ uốn và dễ tạo hình thành các thế đẹp.
Hình ảnh của cây Sanh
Cây Sanh có tán lá dày và rậm rạp, nằm chủ yếu ở cành. Cây có khả năng ra hoa và kết quả, quả khi chín thì có hạt ở trong và có màu vàng. Cây Sanh thích hợp sống ở khu vực có khí hậu nhiệt đới ẩm, bởi chúng yêu cầu khá cao về dinh dưỡng và nước để hấp thụ.
Các loại cây Sanh cảnh hiện nay
Cây Sanh để làm cảnh có rất nhiều loại đa dạng với đủ hình dạng và kích thước khác nhau. Sau đây là một số loại cây Sanh cảnh phổ biến hiện nay mà bạn có thể tham khảo:
1. Cây Sanh Nam Điền
Cây có lá màu xanh biếc vô cùng đẹp, lá cây thường có dạng xoăn hoặc không. Ngoài ra, giống cây Nam Điền có thể thay đổi màu sắc của thân cây tùy theo tuổi thọ. Cây càng nhiều tuổi thì có màu đồng, đặc biệt cây giữ thế rất lâu và khó bị phá.
2. Cây Sanh Ninh Bình
Là loài cây nổi tiếng vùng Ninh Bình. Khi cây còn non thì sẽ có thân màu xanh, khi cây nhiều tuổi thì màu cây bạc dần và có đốm trên thân trông rất đẹp. Lá cây khá nhỏ và có dạng hình tim độc đáo.
3. Cây Sanh Miền Nam
Đây là tên gọi chỉ chung cho những loài cây Sanh mọc và phát triển ở khu vực miền Nam nước ta. Cây có lá nhỏ hơn so với các dòng ở miền Bắc, màu của thân cây cũng thay đổi từ xanh thẫm sang trắng đốm khi về già.
4. Cây Sanh Thái Nguyên
Loài Sanh ở Thái Nguyên có một đặc điểm rất dễ nhận biết, đó là phần lá của cây khá to nhưng lại mỏng, khác hẳn so với giống Nam Điền.
5. Cây Sanh Quê
Sanh Quê được làm khá nhiều loại, có cả loại lá nhỏ và lá to, loại lá xoăn hoặc không. Tuy nhiên điểm chung của chúng là phần thân có màu bạc trắng khi cây nhiều tuổi. Quả của cây rất đẹp và phần rễ thân mọc tràn lên khỏi mặt đất nhiều hơn các giống Sanh khác.
6. Cây Sanh Hải Hậu
Là giống cây Sanh cảnh nổi tiếng có phần bệ rất đẹp. Thân và cành lá to hơn giống Nam Điền rất nhiều. Đây cũng là giống cây được nhiều người lựa chọn vì cây mọc đẹp, lại có thế cây vững chắc, màu sắc bắt mắt và dễ tạo hình.
7. Cây Sanh Lá mỏng
Là loài cây có gốc gác thuộc vùng Hoài Đức, Hà Tây cũ, Hà Nội. Cây có khả năng phát triển quanh năm, lá mọc đẹp và rậm rạp, thân cây ú nục, gồ ghề. Lá non có màu trắng ngà, phía đầu lá uốn cong như mũi giày và đều đặn, cho nên loài cây này còn có tên gọi khác là cây Sanh Mũi hài.
Ý nghĩa của cây Sanh trong phong thủy
Cây Sanh có cành lá vô cùng rậm rạp và xum xuê, cho nên đây là giống cây có lợi trong phong thủy. Sự xum xuê của cành lá tượng trưng cho sự dồi dào về tiền bạc, sự may mắn cho gia chủ cũng như cả gia đình. Do đó cây Sanh đã được liệt vào hàng Tứ Linh cùng với các loài cây khác như cây Đa, cây Sung và cây Si.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia trong phong thủy khuyến cáo là không nên chỉ trồng duy nhất 1 cây Sanh trong vườn nhà, bởi nó sẽ hút hết dương khí của nhà bạn và không hề có lợi cho phong thủy. Thay vào đó bạn nên trồng từ 2-3 cây để điều hòa không khí xung quanh cũng như cải thiện nguồn dương khí tránh bị thất thoát.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sanh cảnh
1. Đất trồng
Cây Sanh rất dễ trồng và phát triển cho nên chúng không hề kén đất. Thậm chí cây có thể phát triển trên những vách đá, miễn sao có mạch nước ngầm để tồn tại. Do vậy bạn hãy lựa chọn loại đất tốt có đủ dinh dưỡng để hạn chế bớt công chăm sóc và bón phân sau này.
2. Nước tưới
Cây Sanh có khả năng chịu hạn trung bình, nhưng chúng cũng không hề thích bị ngập úng. Do vậy bạn chỉ nên duy trì tưới nước sao cho đất có đủ độ ẩm cần thiết. Tránh tưới quá đẫm hoặc bỏ quên việc tưới nước cho cây trong thời gian dài.
3. Ánh sáng
Cây Sanh có thể phát triển tốt khi được cung cấp ánh sáng đầy đủ. Tuy vậy để đảm bảo tốt nhất cho quá trình tạo dáng tán cây bonsai, bạn hãy thiết kế hệ thống che chắn để giảm bớt cường độ ánh sáng, đặc biệt khi vào mùa hè.
4. Độ ẩm
Cây Sanh là loài cây ưa độ ẩm cao, do đó hãy duy trì việc tưới thường xuyên sao cho đất có đủ độ ẩm cần thiết.
5. Bón phân
Nhu cầu dinh dưỡng từ phân bón của cây Sanh rất ít, do đó chỉ cần chất lượng đất tốt thì hầu như bạn sẽ không cần phải thêm phân bón cho cây. Chỉ thực hiện bón lót 1 lần/năm vào giai đoạn cây đang phát triển mạnh nhất hoặc khi khí hậu đang trong thời kỳ khắc nghiệt, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của cây.
6. Phòng sâu bệnh
Cây Sanh có khả năng gặp phải các loại sâu, mọt cắn phá và đục lỗ trên thân cây. Biện pháp tốt nhất đó là thường xuyên quan sát để loại bỏ phần thân và lá héo úa và cắt đứt nguồn gốc sâu trên cây. Sau đó kết hợp với việc bôi thuốc hoặc phun lên trên thân nhằm diệt tận gốc các loại sâu bệnh.
Có nên trồng cây Sanh trước cửa nhà hay không?
Vì là loài cây cảnh phong thủy cho nên việc trồng cây Sanh trước cửa nhà là hoàn toàn hợp lý và đem lại nhiều lợi ích cho gia chủ. Cây sẽ đem lại nguồn năng lượng tươi mới cho gia đình và giúp tràn đầy sự sống xung quanh. Ngoài ra cây Sanh cảnh rất dễ phát triển mà không yêu cầu quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên không nên trồng cây ngay chính giữa lối đi hoặc cổng nhà bởi làm như vậy vô tình sẽ cản trở luồng dương khí lưu thông từ bên ngoài vào trong ngôi nhà của bạn.
Cách tạo dáng cho cây Sanh cảnh giúp cây mọc như ý muốn
1. Cách tạo tán lá đẹp cho cây Sanh
- Kiểu tán truyền thống: Phần mặt tán lá thường có hình tròn, phía dưới bằng phẳng, các phần bóng tán phải cùng nằm chung một mặt phẳng với nhau để tạo ra nét đồng đều.
- Kiểu tán tròn đầy: Uốn chỉnh phần cành và thân cây sao cho chúng tạo thành tầng tán lá dạng tròn đầy với bè rộng. Thông thường người ta sử dụng dây thép để cố định phần cành lá sau khi uốn.
- Kiểu tán thông thoáng: Là kiểu được tạo nên sau khi đã cắt tỉa bớt phần tán lá. Điều này khiến cho cây trông rất thông thoáng, phần tán lá có không gian rộng hơn để phô bày vẻ đẹp.
- Kiểu tán phá cách: Đây là cách tạo hình tán lá theo kiểu ngẫu hứng, tùy theo sở thích của từng người mà không tuân theo quy luật tạo hình như những cách ở trên.
Tạo dáng cho cây Sanh giúp cây đẹp và có giá trị hơn
2. Cách tạo dáng đẹp cho cây Sanh
- Tạo dáng cho cây Sanh cần phải tuân theo nguyên tắc: Tạo hình từ to đến nhỏ. Tức là bắt đầu tạo dáng từ những phần cành có kích thước lớn nhất rồi mới đến các cành nhỏ hơn.
- Khi tạo dáng cho cây sẽ không tránh khỏi việc làm nứt thân cây Sanh. Do đó bạn cần uốn thêm một vòng cây tại nút giao chỗ cành đang bị nứt để làm cành săn chắc hơn và tăng tính thẩm mỹ.
- Khi uốn cành cây để tạo dáng thì phải uốn theo chiều mọc của cành, tránh uốn theo chiều ngược lại sẽ khiến cành bị nứt gãy.
- Sau khi uốn xong cần cố định lại bằng dây thép để tạo dáng. Sau khoảng 3-4 tháng, thậm chí là 1 năm tùy theo từng loại cây thì mới được tháo dây.
3. Cách tạo dáng cho phần rễ cây Sanh
Cách làm thực ra rất đơn giản, cứ mỗi năm cây phát triển to ra thì bạn hãy rút bớt phần rễ lên khỏi mặt đất một chút khi chuyển sang chậu mới. Dần dần theo nhiều năm thì phần rễ cây sẽ nhô lên khỏi mặt đất trông rất đẹp mắt.
Nguồn: vuidulich.vn/cac-loai-cay-sanh-canh-dep-y-nghia-va-cach-trong-giup...Nguồn: vuidulich.vn/cac-loai-cay-sanh-canh-dep-y-nghia-va-cach-trong-giup-tao-dang-dep-d257963.html