Cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Or you want a quick look:

Cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến để thấy tác giả đã tái hiện một cách sinh động mà đầy gợi cảm về mảnh đất miền Tây hiểm trở mà kì thú thơ mộng, gắn liền với chặng đường hành quân gian khổ của binh đoàn Tây Tiến. Trong những vần thơ ấy còn ùa về biết bao hoài niệm về một thời chiến đấu, là nỗi nhớ về tình quân dân… Cùng DINHNGHIA.COM.VN cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến qua bài viết dưới đây.

Mở bài: “Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy núi Ba Vì”

(Đôi mắt người Sơn Tây)

Những câu thơ tài hoa quen thuộc ấy cứ thế đi vào lòng người đọc bao thế hệ. Bên cạnh “Đôi mắt người Sơn Tây”, Quang Dũng còn ghi dấu ấn trong lòng người đọc với thi phẩm “Tây Tiến”. Bài thơ “Tây Tiến” đã khắc họa lại một cách chân thật, đầy sống động về chân dung hình ảnh người lính Tây Tiến cũng như thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, hoang sơ. Điều ấy được thể hiện rõ nét trong 14 câu thơ đầu.

Nội dung chính bài viết

Những nét chính về nhà thơ Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến

Khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến cũng như tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật, người đọc cần nắm được đôi nét về tác giả cũng như tác phẩm. 

Giới thiệu về tác giả Quang Dũng

Quang Dũng sinh năm 1921 mất năm 1988. Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, làng Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, vừa viết văn, làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc. Chính vì vậy, Quang Dũng đã đem sự tài hoa đó thể hiện trong các sáng tác thơ. 

Thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu lãng mạn và tài hoa. Mỗi tác phẩm của Quang Dũng đều có sự kết hợp hài hòa và là mình chứng cho “thi trung hữu nhạc” và “thi trung hữu họa”. Năm 2001, Quang Dũng được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Một số tác phẩm chính của Quang Dũng phải kể đến các bài thơ nổi tiếng ghi dấu ấn trên văn đàn như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Quán bên đường, Lính râu ria,…

Hoàn cảnh ra đời của “Tây Tiến”

Tây Tiến được biết đến là một đơn vị bộ đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của binh đoàn Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa và cả Sầm Nứa (Lào). 

Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó cũng có nhiều học sinh trí thức. Tuy phải chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn về vật chất và căn bệnh sốt rét  hoành hành dữ dội nhưng họ vẫn lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. 

Quang Dũng là đại đội trưởng của binh đoàn Tây Tiến đến cuối năm 1948 thì chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, Phù Lưu Chanh – một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ, Quang Dũng viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là “Tây Tiến”. “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng. Thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập “Mây đầu ô”.

Cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng 

Tây Tiến trong nỗi nhớ của Quang Dũng hiện lên qua rất nhiều hoài niệm về chiến trường xưa. Đặc biệt khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, ta sẽ thấy rất rõ điều này. 

Nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc và đơn vị chiến đấu

Nỗi nhớ là cảm hứng chủ đạo của toàn đoạn thơ nói riêng và của bài thơ nói chung thể hiện ở hai câu đầu:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, ta thấy câu thơ thứ nhất được mở đầu bằng hình ảnh dòng sông Mã. Đây là con sông chảy từ vùng biên giới Tây Bắc qua tỉnh Thanh Hóa rồi đổ và biển Đông. Như vậy “sông Mã” đã gắn bó với địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến nên nó như một chứng nhân chứng kiến những vui buồn, hy sinh mất mát của đời chiến binh với những chặng đường hành quân cheo leo bên núi cao hiểm trở. 

Cụm từ “Sông Mã xa rồi” là hiện thực xa cách nhớ nhung đến quắt quay của Quang Dũng với dòng sông lịch sử này. Hô ngữ “Tây Tiến ơi” là tiếng gọi tha thiết của nhà thơ về binh đoàn mà ông đã mội thời gắn bó. Tiếng gọi như vang lên từ chính tâm hồn, khơi gợi những kỷ niệm, những ngày tháng, những miền đất, những con người…mà ông từng chung lưng đấu vật, tay súng tay gươm nhưng nay đã chia xa. Lúc mới sáng tác, bài thơ được đặt tên là “Nhớ Tây Tiến” nhưng sau này tác giả ngại “ý nông, mạch lộ” nên đã sửa tên bài thơ lại là “Tây Tiến”. 

Tuy đã bỏ đi từ “nhớ” ở tựa đề nhưng nhà thơ không thể nào kềm nén cảm xúc ở lòng mình nên đến câu thơ thứ hai thì từ “nhớ” được điệp lại đến hai lần để bộc lộ nỗi nhớ chất chồng, tha thiết. “Rừng núi” là hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho thiên nhiên Tây Bắc. “Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ mông lung, bàng bạc, lửng lơ, không đầu cuối, không điểm dừng, không kết thúc. Cụm từ này làm ta liên tưởng đến câu ca dao:

“Ra về nhớ bạn chơi vơi;

Nhớ chiếu bạn trải, nhớ nơi bạn ngồi.”

(Ca dao)

Chắc chắn, câu ca da trên là nỗi nhớ của đôi lứa yêu nhau, bởi ta nghe chất đằm ngọt và da diết quá. Có thể Quang Dũng đã ảnh hưởng từ câu ca da trên chăng? Nếu quả đúng như thế, thì nỗi nhớ của Quang Dũng về thiên nhiên Tây Bắc giống nỗi nhớ của lứa đôi, quay quắt không nguôi. Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Việt Bắc” cũng đã từng tha thiết về nỗi nhớ ấy khi đã rời xa vùng đất kháng chiến

“Nhớ gì như nhớ người yêu;

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Thán từ “ơi”, điệp từ “nhớ”, âm “ơi” được láy đi láy lại, kiểu câu cảm thán..nhằm khẳng định nỗi nhớ về thiên nhiên và con người là nỗi nhớ có hình, có ảnh, da diết ngàn trùng, lan tỏa khắp không gian, khắp cả đất trời.

Kí ức về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ và con đường hành quân

Cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến ta còn nhận ra trong những lời thơ ấy tràn đầy những kí ức về thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc hòa cùng với con đường hành quân nhiều gian khổ: 

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, người đọc nhận ra từng địa danh được liệt kê như từng trang hồi ức chợt ùa về. Tại “Sài Khao”, nhà thơ nhớ tới một hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là “sương” mịt mù xuất hiện. Sương neo đậu trên từng nhành cây, ngọn cỏ; sương phủ khắp đỉnh đèo; sương giăng khắp lối; cả đất trời Tây Bắc bao bọc trong màn sương dày đặc. Sương còn tạo ra cái giá lạnh, rét buốt như sao hàn cắt vào da thịt con người. Nhân hóa trong cụm từ “sương lấp” cho thấy sương như quyện lại thành khối, thành tảng có thể che và vùi lấp cả binh đoàn. 

Hình ảnh “đoàn quân mỏi” cực tả sự gian nan, khó khăn trắc trở của thời tiết chốn biên cương khiến bước chân của người lính mệt mỏi, rã rời. Câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” lại thể hiện cảnh hành quân trong đêm của người lính. Vì trời tối nên họ không thấy sắc màu hoang sơ của thiên nhiên Tây Bắc nhưng họ cảm nhận được bằng khứu giác hương hoa về đêm. 

Cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến sẽ thấy biện pháp nhân hóa “hoa về” thể hiện sự gắn bó giữa thiên nhiên với con người. Hương hoa quyện vào không khí, theo từng bước chân hành quân như xua tan cái giá buốt lạnh lẽo, mệt mỏi ở những chàng trai. Mùi hương tinh khiết ấy còn khắc họa vẻ tâm tâm hồn tinh tế nhạy cảm, lãng mạn của những người con đất Hà thành. Giữa bộn bề, gian nan, nguy hiểm nhưng họ vẫn tìm vẻ đẹp đơn sơ, thi vị của núi rừng như một thứ ngôn ngữ, tiếng nói riêng của thiên nhiên để chào đón bước chân của người lính Tây Tiến. 

Núi rừng Tây Bắc ngút ngàn được dựng lên một cách dữ dội: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Độ dốc, độ cao, độ xa được thể hiện qua hai từ láy bạo khỏe: “khúc khuỷu” “thăm thẳm” cùng năm thanh trắc (“dốc”, “khúc”, “khuỷu” , “dốc”, “thẳm”) gợi hình ảnh những con dốc ngoằn ngoèo, cứ lên cao, lên cao mãi nhấp nhô, trập trùng khó đi. Khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, người đọc cũng nhận ra được hơi thở nặng nhọc cùng bước chân nặng nề của người lính đang chinh phục độ cao của núi rừng Tây Bắc. 

Còn với câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” đã vẽ ra độ cao nhất của một ngọn núi ở Tây Bắc. Đảo ngữ trong hình ảnh “heo hút cồn mây” vừa tả cảnh núi quanh năm mây phủ vừa nhấn vào cái vắng vẻ, cheo leo, rợn ngợp khi người lính đã chinh phục được một ngọn núi cao nhất ở nơi này. 

Nhân hóa “súng ngửi trời” thật ngộ nghĩnh, dí dỏm. Đứng trên đỉnh một ngọn núi cao, người lính như ngỡ mũi súng đã chạm vào vùng đất của nhà trời và các anh đang đứng trước cửa nhà trời. Câu thơ là cách đo độ cao ngọn núi thật độc đáo của Quang Dũng, đồng thời cũng nâng cao hình ảnh người lính trong một không gian rộng lớn vời vợi khí thế ngất trời. Và khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, ta thấy câu thơ vừa thể hiện sự bông đùa, cười cợt vừa cho thấy tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính trước khó khăn gian khổ. 

Sự kỳ vĩ, dữ dội của núi rừng Tây Bắc còn thể hiện ở cảnh núi hiểm trở với vách đá dựng đứng. Câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” như vẻ gãy làm đôi cùng với điệp ngữ “ngàn thước” và đối lập giữa “lên cao” với “xuống thấp” đã cụ thể hóa độ cao chất ngất, chót vót rồi gấp khúc đổ xuống gần như thẳng đứng hun hút với muôn ngàn lũng sâu. Vùng đất thâm sơn cùng cốc này đã được bước chân của những chàng trai Tây Tiến đến khám phá. Câu thơ của Quang Dũng làm ta nhớ đến một hình ảnh thật kỳ vĩ trong bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” của thi tiên Lý Bạch

“Nước bay thẳng xuống ba ngàn thước;

Tưởng dãy Ngân Hà tuột khỏi mây”.

Cảm nhận về thiên nhiên của Lý Bạch và Quang Dũng có sự đồng điệu ở chỗ phát hiện hình ảnh ngọn núi dốc đứng và cao đến tận trời. Ở Pha Luông, tác giả nhớ đến cảnh đoàn binh hành quân trong mưa mịt mù trời đất “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. 

Hình ảnh phóng đại “mưa xa khơi” đã tái hiện cảnh mưa nguồn thác lũ dữ dội ở Tây Bắc. Đó là những ngày mưa từ thượng nguồn đổ về, mưa từ ngày này qua ngày khác đã biến cả núi rừng, bản làng, những ngôi nhà ở Pha Luông như chìm trong đại dương mênh mông. Câu thơ toàn thanh bằng như gợi nhớ về sự êm dịu, tươi mát, lạc quan, yêu đời của tâm hồn những người lính trẻ. 

Trong màn mưa rừng, nhưng các chiến binh vẫn hướng về những bản mường, những mái nhà của đồng bào Tây Bắc thân thương. Khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, ta thấy nhà thơ Quang Dũng đã lấy ngoại cảnh núi rừng miền Tây hiểm nguy, dữ dằn để tô đậm và khắc họa chí khí anh hùng của đoàn quân Tây Tiến. Mỗi vần thơ đều để lại ấn tượng về sự gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc! Đoàn quân vẫn tiến bước, người nối người, băng lên phía trước. Uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá trị con người như được nâng cao hẳn lên một tầm vóc mới.

Hình ảnh về người lính cùng kỉ niệm tình quân dân

Nỗi nhớ đồng đội trên đường hành quân hiện lên rất rõ qua hai câu thơ:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”

“Anh bạn” chính là đồng đội là đồng chí là chiến hữu của Quang Dũng. Gọi họ là “anh bạn” nhà thơ như thể hiện tất cả tình cảm yêu thương, trìu mến với những người đã từng một thời kề vai sát cánh với mình. Từ láy “dãi dầu” đã lột tả hết những nhọc nhằn, nắng mưa dầu dãi, những giá rét mà người lính phải chịu đựng khi vượt qua bao dốc, bao đồi, bao núi, bao khe.

Cụm từ “không bước nữa” để nói về những phút dừng chân hiếm hoi quý giá và các anh tranh thủ “gục lên súng mũ” nghĩa là thiếp đi trong chốc lát quên mũ, trên súng của mình. Giấc ngủ đến thật nhanh và người lính có cảm giác như không còn nhớ gì, quên hết những nhọc nhằn, gian nan mà họ đã từng chịu đựng. 

Cũng có thể hiểu hai câu thơ nói về sự hy sinh của người trên bước đường trường chinh đầy khó khăn gian khổ. Vì để kịp có mặt nơi sa trường nên các anh đã không quản khó nhọc mà hành quân bất chấp đêm ngày. Mặt khác, lưng phải mang balo, vai đeo súng, tay phải khiêng đạn pháo, lại thêm đoạn đường hành quân với biết bao chông gai thử thách nhưng người chiến sĩ Tây Tiến đã không sờn lòng. 

Các anh chỉ dừng bước khi không còn lê nổi đôi chân, khi sức tàn lực kiệt. Và không một lời rên rỉ, không một tiếng kêu than, các anh gục xuống giã từ đồng đội ra đi. Cụm từ “bỏ quên đời” là cách nói giảm nói tránh để ca ngợi những người xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Đối với các anh, hy sinh không phải là chết mà chỉ là là “bỏ quên… đời”. Cách nói ấy vừa để mềm hóa đi những hy sinh mất mát vừa cho thấy quan niệm về cái chết thật nhẹ nhàng của các anh. Quan niệm này cũng đã được Quang Dũng nói tới ở đoạn thơ sau:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Nét dữ dội của núi rừng Tây Bắc không phải trải rộng ra theo không gian mà nó còn là bí ẩn, lẩn khuất theo thời gian:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Cặp từ “chiều chiều” đối lập với “đêm đêm” đã mở ra khoảng thời gian ghê gớm nhất đối với người lính Tây Tiên, bởi bao nguy hiểm đang rình rập, đe dọa tính mạng của các anh. Hình ảnh nhân hóa “thác gầm thét” đã miêu tả tiếng nước thác đổ ào ạt từ những ngọn núi “ngàn thước” tạo ra một thứ âm thanh dữ dội như gầm rú thét gào của thiên nhiên. 

Khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, ta bỗng chợt nhớ đến âm thanh của những thác đá sống Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân: “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa đang nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Âm thanh của thác nước sông Đà không khác gì âm thanh của một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử. Thứ âm thanh ấy càng làm tăng tính chất oai phong thiêng liêng, bí mật của rừng thẳm. 

Tiếng nước thác của núi rừng Tây Bắc như đang thử sức chịu đựng của những chàng trai Tây Tiến. Còn “đêm đêm” tiếng cọp gầm bí hiểm giữa rừng khuya dạo thành tiếng vọng dữ dội của đại ngàn. Đứng trước cái chết đang rình rập, lẩn khuất nhưng người lính vẫn đùa vui, cười cợt qua hình ảnh nhân hóa “cọp trêu người”. Cọp vồ người, cọp ăn thịt người nhưng tác giả đã mềm hóa những nguy hiểm, chết chóc qua động từ trêu thật đắc. Điều đó cho thấy tinh thần lạc quan yêu đời, sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ đạp trên gian nan, thử thách của các anh. 

Cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, người đọc nhận ra trong nỗi nhớ về đoạn đường hành quân gian khổ ấy, nhà thơ không quên nhớ tới một khung cảnh ấm áo trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Tây Bắc:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Cụm từ “Nhớ ôi Tây Tiến” bộc lộ tình cảm dạt dào là tiếng lòng da diết nhớ nhung của nhà thơ về đồng đội. Sau khi vượt qua bao dốc cao, vực sâu, thú dữ, người lính bắt gặp một làn khói nơi bếp lửa nhà ai với mùi thơm lừng của nếp xôi đang nguyện tỏa. Hai hình ảnh “cơm lên khói” “thơm nếp xôi” cho thấy tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và sự khát khao cuộc sống bình yên của những chàng trai Tây Tiến. Họ cảm nhận được hương vị núi rừng, tình nghĩa, tấm lòng cao cả của đồng bào Tây Bắc thân yêu. Đó cũng là động lực giúp các anh vượt qua mọi gian nan để quyết tâm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù chung.

Nhận xét tác phẩm khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến

Khi cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, ta nhận thấy đoạn thơ đã tập trung làm nổi bật tính chất dữ dằn của vùng đất Tây Bắc thời bấy giờ được xem là nơi ma thiêng nước độc, núi cao hiểm trở, rừng sâu núi dữ, có đi mà không có về. Bức tranh thiên nhiên được miêu tả có ngày có đêm, có những hình ảnh kỳ vĩ, dữ dội nhưng cũng có những cảnh thi vị, hiền hòa. 

Nhà thơ Quang Dũng đã miêu tả thiên nhiên hoang dại, bí hiểm, dữ dằn để ngợi ca vẻ hùng vĩ của thiên nhiên đất nước và những con người oai phong, lẫm liệt, kiêu hùng trên đoạn đường hành quân gian khổ. Những hình ảnh thiên nhiên hiện ra như những thước phim quay chậm.

Kết bài: Chỉ với 14 câu đầu cô đọng nhưng thiên nhiên Tây Bắc cũng hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra khắc sâu vào lòng người đọc. Đó là một thiên nhiên hào hùng, và trên phông nền thiên nhiên ấy, những người lính Tây Tiến hiện lên vừa hào hùng lại vừa pha chút trẻ trung, tinh nghịch của những chàng trai trẻ Hà Thành. Một thời Tây Tiến đã qua nhưng những kỷ niệm ấy không thể nào xoá nhòa…

Dàn ý cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Trong quá trình tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm cũng như cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, chúng ta cần nắm được dàn ý cơ bản như sau:

Mở bài cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến

  • Đôi nét về nhà thơ Quang Dũng và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
  • Giới thiệu 14 câu đầu Tây Tiến là hình ảnh về núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và những người lính anh dũng mà không kém phần tinh nghịch.

Thân bài cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến

  • Những kí ức về núi rừng Tây Bắc cùng đơn vị chiến đấu cũ.
  • Hình ảnh rừng núi hoang sơ và con đường hành quân gian khổ.
  • Hình ảnh về người lính Tây Tiến cùng những kỉ niệm tình quân dân. 

Kết bài phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến

  • Tóm tắt khái quát giá trị của 14 câu đầu của bài thơ.
  • Gợi mở thêm về vấn đề và nêu suy nghĩ của bản thân.

Trên đây là những phân tích và cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích phục vụ cho quá trình học tập. Nếu có bất cứ câu hỏi hay bổ sung cho chủ đề cảm nhận 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, đừng quên để lại nhận xét bên dưới để cùng DINHNGHIA.COM.VN trao đổi thêm nhé. Chúc bạn luôn học tốt!

Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng – Ngữ Văn lớp 12

Xem thêm >>> Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến của Quang Dũng

Xem thêm >>> Phân tích khổ 1 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng – Ngữ Văn 12

Xem thêm >>> Phân tích cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong Tây Tiến của Quang Dũng 

See more articles in the category: wiki
READ  Hot Mom Tuổi Tý Thanh Trần Là Ai, Vlogger Thanh Trần

Leave a Reply