Cảm nhận vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai tác phẩm Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình để thấy một tinh thần Việt Nam bất khuất, từ đau thương trỗi dậy chống lại kẻ thù. Không những thế, chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn thể hiện sức sống bất diệt của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu ác liệt. Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu và phân tích chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình.
Mở bài: Văn học hiện đại Việt Nam trong giai đoạn 1945 – 1975 đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn. Để làm nên thành công ấy, không thể phủ nhận công lao của mảng tác phẩm thể hiện phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ với nhiều chiến công vang dội. Chúng được sáng tác bởi những nhà văn, nhà thơ trực tiếp tham gia trên chiến trường. Vì điều này mà tất cả những tác phẩm đều mang trong mình cái hồn hiện thực và phản ánh từng khía cạnh của lịch sử. Nhắc đến đội ngũ sáng tác, độc giả sẽ không thể nào quên được nhà văn Nguyễn Trung Thành qua truyện ngắn Rừng xà nu và nhà văn Nguyễn Thi với sáng tác Những đứa con trong gia đình. Hai tác phẩm ấy đã khắc họa thành công những hình tượng nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp, cho lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, sức mạnh chiến đấu của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm.
Nội dung chính bài viết
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là gì?
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đó là sự thể hiện của lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ Tổ Quốc của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mĩ. Bên cạnh đó, chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn là sự trung thành với lý tưởng cách mạng được thử thách trong hoàn cảnh khốc liệt. Qua đó bộc lộ được vẻ đẹp phẩm chất của một người anh hùng có tính chất tiêu biểu, đại diện cho cả một dân tộc.
Vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai truyện ngắn
Hai truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là hai tác phẩm thành công trong việc truyền tải vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng đến với độc giả. Để làm được điều đó, chính nhờ vào sự cộng hợp lẫn nhau giữa các yếu tố cấu thành.
Trước hết, về tác giả, cả hai nhà văn Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đều là những người gắn bó trực tiếp với các cuộc kháng chiến. Nếu như Nguyễn Trung Thành có những năm tháng lăn lộn trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V và một số địa bàn hoạt động cách mạng khác thì Nguyễn Thi lại sống và gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Từ đây có thể thấy, cả hai đều là những nhà văn chiến sĩ ở tuyến đầu máu lửa, vì vậy mà tác phẩm của họ mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu với những hình tượng nhân vật sinh động, bước vào văn học từ thực tế ác liệt.
Một điểm khác trong các yếu tố cấu thành ấy chính là hoàn cảnh sáng tác của hai tác phẩm. Truyện ngắn Rừng xà nu được sáng tác vào năm 1965 còn truyện ngắn Những đứa con trong gia đình sáng tác vào năm 1966. Cả hai tác phẩm đều ra đời trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, khi bọn đế quốc đổ quân vào miền Nam nước ta. Cả dân tộc đều đúng trước trận đấu một mất một còn để bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ quyền sống của chính mình. Từ bối cảnh lịch sử đó mà hai tác phẩm đã đi sâu vào lòng độc giả trong việc ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng với chất sử thi đậm đà.
Biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng trong hai tác phẩm
Vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn được thẩm thấu qua các hình tượng nhân vật của hai truyện ngắn mà trước tiên nó được thể hiện ở những nhân vật mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, từ đau thương trỗi dậy để chống lại kẻ thù gian ác. Qua hai tác phẩm ta thấy, những nhân vật chính trong truyện như Tnú, Chiến và Việt đều là những người con được sinh ra từ truyền thống bất khuất của gia đình, của quê hương và của dân tộc.
Trong Rừng xà nu, nhân vật Tnú là người con của làng Xô Man – là nơi luôn tự hào “năm năm, chưa hề có một cán bộ bị giặc bắt hay giết trong rừng làng này”, là nơi mà từng người dân đều hướng về cách mạng, về Đảng “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước mình còn.” Còn trong Những đứa con trong gia đình, Chiến và Việt được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và và khúc sông sau nối tiếp lý tưởng của gia đình mình.
Con người chịu nhiều đau thương mất mát và sức mạnh quật khởi
Mặt khác, những nhân vật đều đã chịu nhiều đau thương mất mát do bọn xâm lược gây ra và đó cũng là những hình ảnh tiêu biểu cho những đau thương, mất mát của cả dân tộc Việt Nam. Tnú chứng kiến cảnh vợ con mình bị kẻ thù tra tấn bằng những đòn sắt đến chết:
“Một thằng lính to béo nhất liếc mắt nhìn thằng Dục, cầm một cây sắt dài bước tới cạnh Mai. Nó lè lưỡi liếm quanh môi một lượt, rồi chậm rãi giơ cây sắt lên. Mai thét lên một tiếng. Chị vội tháo tấm địu, vừa kịp lật đứa con ra phía sau bụng lúc cây sắt giáng xuống trên lưng”.
Bản thân anh cũng bị giặc đốt mười đầu ngón tay “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã trở thành mười ngọn đuốc”.
Ở Chiến và Việt nỗi đau khổ cũng đến mức xé lòng khi chứng kiến cái chết của ba má mình – người bị chặt đầu, người chết vì bom đạn. Chính những đau thương đó đã hun đúc tinh thần chiến đấu, căm thù giặc sâu sắc trong người Tnú, Chiến và Việt nói riêng, trong lòng người dân Việt Nam nói chung. Vì thế, họ đã biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu – đây cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai tác phẩm.
Tnú lên đường đi “lực lượng” dù mỗi ngón tay mất đi một đốt; Chiến và Việt cùng vào bộ đội, coi việc đánh giặc trả nợ nước thù nhà là lẽ sống của bản thân. Họ chiến đấu bởi sức mạnh của lòng căm thù giặc, cũng là sức mạnh của tình yêu thương vì: chỉ có cầm vũ khí đứng lên ta mới có tình yêu và sự sống. Chân lý đó đã được minh chứng qua số phận và con đường cách mạng của những người dân Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai tác phẩm trên và chân lý đó cũng được rút ra từ thực tế đau thương mất mát nên nó lại càng có giá trị hơn và thẩm thấu vào sâu trong lòng người.
Phẩm chất của nhân vật thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Không những vậy, những nhân vật trong hai tác phẩm đều mang phẩm chất anh hùng, bất khuất. Họ là những con người Việt Nam kiên trung trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trong Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã khắc họa nhân vật Tnú từ nhỏ đã gan dạ, đi làm liên lạc bị giặc bắt được “vừa cuốn cái thư của anh Quyết gửi về huyện trong một lá dong, ngậm vào miệng định vượt thác, thì họng súng của giặc phục kích chĩa vào tai lạnh ngắt, Tnú chỉ kịp nuốt luôn cái thư”.
Sau khi bị bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai một chút thông tin nào, ba năm sau, Tnú vượt ngục trở về làng và lại là người lãnh đạo thanh niên làng Xô Man chống giặc. Bị giặc bắt đốt mười ngón tay nhưng “người cộng sản không thèm kêu van” trước mặt kẻ thù – chi tiết này đã làm cho Tnú toát lên vẻ đẹp của người anh hùng trong sử thi Tây Nguyên và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kì chiến đấu chống bọn Mĩ – Ngụy.
Còn ở Những đứa con trong gia đình, hình tượng nhân vật Việt đã làm cho độc giả thấy được sự anh dũng của thế hệ thanh niên miền Nam trong lúc khói lửa điêu linh của nước nhà. Mặc dù đối với chị Chiến, với đồng đội thì ngây thơ, nhỏ bé nhưng đối với bọn cứu nước gay bao ảnh nhà tan cửa cháy thì Việt vụt lớn lên, chững chạc trong tư thế của một người anh hùng.
Trong một trận đấu ác liệt, Việt bị thương, nằm lại chiến trường và lạc mất đồng đội, trước ranh giới khốc liệt giữa sự sống và cái chết ấy, chàng trai trẻ của chúng ta vẫn chắc súng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù “Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng.”
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể hiện ở tập thể anh hùng
Trong hai tác phẩm Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình, độc giả có thể thấy vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ được thể hiện ở từng nhân vật đơn lập, mà hơn thế nữa nó được thể hiện ở cả tập thể nhân vật anh hùng và mỗi nhân vật đều tượng trưng cho phẩm chất của cả cộng đồng. Từ cụ Mết trong Rừng xà nu – vị già làng luôn lãnh đạo dân làng hướng về Cách mạng, về Đảng, về kháng chiến “Cán bộ là Đảng, Đảng còn núi nước mình còn”, đến Tnú, Mai, Dít, Heng – những cây xà nu nối tiếp thế hệ đi trước càng vững chảy và mạnh mẽ hơn.
Từ ba, má, chú Năm đến Việt và Chiến – khúc sông sau trong truyền thống cách mạng của gia đình – trong Những đứa con trong gia đình. Họ đều là những con người yêu quê hương đất nước, gắn bó thân thiết với buôn làng, với gia đình và với người thân yêu của mình. Tình yêu Tổ quốc của họ đều bắt đầu từ những tình cảm bình dị đó, vì vậy mà nó càng bền bỉ, càng có sức mạnh lớn lao trong buổi chinh chiến khiến cho kẻ thù đứng trước phải run sợ.
Từ những phân tích trên cho thấy, các nhân vật của hai truyện ngắn đều đã vượt lên nỗi đau và bi bịch cá nhân để sống có ích cho đất nước, cho quê hương. Những đau thương của họ cũng chính là đau thương của dân tộc trong những năm tháng thương đau của chiến tranh. Tinh thần quả cảm, kiên cường của những nhân vật cũng chính là tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Sự tiếp nối của các thế hệ đứng lên kháng chiến chống giặc
Một khía cạnh khác, ta thấy chủ nghĩa anh hùng cách mạng con thể hiện ở sức sống bất diệt của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến đầy cam go, ác liệt. Ở Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã khắc họa nên một bức tranh nơi núi rừng Tây Nguyên, bức tranh ấy chính là quang cảnh dân làng Xô Man.
Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả, dân làng Xô Man như rừng cây xà nu mặc dù “trong rừng hàng vạn cây, không cây nào không bị thương cả”, nhưng vẫn “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở”. “Một cây ngã xuống thì bốn năm cây khác mọc lên” – Mai hy sinh thì Dít vươn mình lên thay thế chị, Heng như cây xà nu non hứa hẹn sẽ trở thành cây xà nu cường tráng tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh. Tầng tầng, lớp lớp người dân Xô Man Tây Nguyên tiếp nối đứng lên mà kiên cường chiến đấu với quân thù để bảo vệ quê hương, bảo vệ đất nước của mình.
Trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi cũng vậy, hình ảnh thế hệ đi sau tiếp nối sứ mệnh của thế hệ đi trước cũng thu vào tầm mắt của độc giả. Ông nội bị giặc giết, cha của Chiến trở thành cán bộ Việt Minh, cha bị giặc giết hại một cách man rợ “chặt đầu”, má Việt tiếp tục nuôi con và chiến đấu, đến khi má ngã xuống thì Việt và Chiến lại tiếp nối con đường chiến đấu, lên đường tòng quân giết giặc để báo thù nước, thù nhà, thực hiện lý tưởng của dòng sông truyền thống gia đình. Chiến và Việt là khúc sông sau trong dòng sông truyền thống ấy, hứa hẹn sẽ đi xa hơn thế hệ đi trước.
Sự tiếp nói và kế thừa truyền thống đánh giặc ấy đã làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, là sức sống bất diệt giúp họ vượt qua bao đau thương do kẻ thù gây ra để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng.
Nhận xét chủ nghĩa anh hùng cách mạng từ hai truyện ngắn
Bằng cách sử dụng chất sử thi trong hai truyện ngắn đã góp phần thể hiện thành công vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi sử dụng nghệ thuật của thể loại sử thi đòi hỏi tác phẩm phải tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước, phản ánh được chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng.
Nghệ thuật ấy để thể hiện qua những khía cạnh khác nhau. Một, đề tài trong tác phẩm là cuộc chiến đấu của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược (cụ thể trong hai tác phẩm là cuộc chiến đấu chống lại bọn đế quốc Mỹ). Hai, chủ đề trong tác phẩm là ngợi ca phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Ba, nhân vật chính trong tác phẩm là những con người tiêu biểu cho cộng đồng về lý tưởng và phẩm chất, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu hy sinh. Bốn, giọng văn trong tác phẩm mang tính chất ngợi ca, thấm đẫm cảm hứng lãng mạn cách mạng.
Bên cạnh đó, tác giả đã khắc họa tính cách và miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo mà chúng ta có thể thấy rõ qua những phân tích phía trên. Bằng bút pháp tả thực, cả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đều cho độc giả thấy được những nét đẹp của nhân vật và của toàn tác phẩm cả về bên ngoài lẫn phẩm chất bên trong. Điều này góp phần làm cho tác phẩm luôn luôn chiếm ưu thế trong lòng độc giả. Từ đây có thể thấy, hai tác phẩm truyện ngắn Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình là hai bản hùng ca trong thời đại kháng chiến đánh Mĩ.
Kết bài: Qua hai tác phẩm ta thấy, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại chống Mĩ hiện diện trên khắp mọi miền của đất nước: từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến miền núi. Tất cả đã tạo nên một sức mạnh vĩ đại để “nhấn chìm bọn bán nước và quân cướp nước”. Và với truyền thống vẻ vang ấy, cuộc đời và sự hi sinh của những con người Việt Nam anh hùng mãi mãi là bản hùng ca tuyệt đẹp cho các thế hệ Việt Nam noi theo.
Dàn ý vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua hai tác phẩm
Mở bài vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
- Giới thiệu đề tài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng là một đề tài lớn của văn học Việt Nam trong giai đoạn 1945 – 1975.
- Đề cập đến hai tác phẩm Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình thể hiện rất rõ những biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Thân bài vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
- Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể hiện qua những con người chịu nhiều đau thương.
- Vẻ đẹp phẩm chất của các nhân vật là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
- Những tập thể anh hùng bất khuất cho thấy chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
- Sự phát triển và tiếp nối của các thế hệ cho thấy chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Kết bài vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
- Khẳng định về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai tác phẩm Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình.
- Bày tỏ những cảm nhận và suy nghĩ của bản thân về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Như vậy, bài viết trên đây của DINHNGHIA.COM.VN đã giúp bạn tìm hiểu về vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng qua hai tác phẩm Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình. Mong rằng những kiến thức trong bài viết đã giúp ích cho bạn trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu về đề tài chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chúc bạn luôn học tốt!
Xem thêm >>> Những đứa con trong gia đình và Rừng xà nu – Ngữ văn THPT
Xem thêm >>> Cảm nhận hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu
Xem thêm >>> Phân tích nhân vật Chiến và Việt trong Những đứa con trong gia đình